Trên bản đồ GPS thì trường St Augustus’s nằm ngoài thị trấn, mất mười bốn phút đi trên đoạn đường cao tốc đưa họ qua đỉnh các ngọn đồi cao và xuống một thung lũng đất trồng trọt trù phú, nơi đó toàn những cánh đồng rộng lớn và những ngôi nhà xinh đẹp nằm nép mình trong đám thân cây khẳng khiu.
Trong lúc họ lái xe qua một đỉnh đồi thì một màn mưa tiến về phía họ, vầng dương đằng sau nó vàng rực. Họ nhìn thấy nó băng ngang qua thung lũng, xe ô tô và xe tải lái thẳng vào trong nó, những giọt nước lung linh vỡ tan trên nóc và thùng xe khi nó quét sạch lớp bụi đường và ào lên phía trước. Sau đó mọi thứ họ trông thấy dường như đều sáng rỡ hơn.
Hệ thống GPS dẫn họ đi từ đường cao tốc vào những con đường uốn lượn một cách đáng mến quanh cảnh đẹp đó, đi vòng theo rìa ngoài của những khu rừng rậm rạp, lướt trên một cái gò nhỏ. Hệ thống mang họ tới cây cầu chỉ một làn xe được xây bằng loại đá ở địa phương, đi xuống một con đường uốn khúc với những ngôi nhà gỗ của dân lao động. Nhà ở đây có cửa sổ sâu và mái lợp bằng loại ngói đen dày. Một bức tường cao màu đỏ từ từ hiện lên sau những tán cây và tiến dần đến lề đường.
Bức tường chụm lại thành một vòng tròn rộng với hai ngôi nhà chòi ở hai bên cánh cổng, cổng sắt đen mở toang.
“Ối giời”, Harris nói khi rẽ xuống đường dẫn xe, anh ta không định chửi thề.
Đằng sau cánh cổng là đường dẫn xe rải đá đỏ uốn éo qua khu rừng rồi xuyên qua bãi cỏ hoàn hảo đi lên một ngôi nhà sang trọng. Dinh thự không nằm chính diện với cổng mà quay mặt đi chỗ khác, hơi thận trọng. Ngôi nhà có vẻ vừa to lớn vừa ấm áp nhờ được xây ba tầng với cổng có cột đỡ khiêm tốn ở mặt tiền. Nó đã được mở rộng nhưng những phần xây mới đều nằm rải rác ở đằng sau nên không làm hỏng tầm nhìn.
Ở mặt trước ngôi nhà là bãi cỏ dốc xuống, rẽ sang bên để gặp một dòng suối nhỏ có cây cầu cong cong bắc qua, chiếc cầu dẫn tới sân tennis và các sân chơi ở phía sau.
Harris dừng xe. Cửa chính đóng chặt và không có chiếc xe nào khác ở đây. Khi anh ta nhìn quanh tìm chỗ đậu xe, Morrow thấy một đám các cậu bé đang đi qua cầu. Bọn trẻ đều mặc đồng phục thể thao, bộ đồ tập và áo lông cừu to màu xanh dương, tất cả đều đỏ bừng mặt, một vài đứa còn có mái tóc ướt nhẹp. Với lứa tuổi mười đến mười một, những dụng cụ thể thao kia đều quá to khiến chúng khó mang thoải mái: Chúng vật lộn với các loại hàng rào, phải ôm dụng cụ lên cao quá cằm và vác trên vai.
“Hẳn xung quanh đây phải có chỗ đậu xe chứ”, Harris lẩm bẩm. “Trừ khi còn một đường khác đi vào trong.”
Bây giờ, khi bọn trẻ đã đến gần Morrow, có thể thấy vẻ hân hoan của chúng, vừa vội vã đi theo đội vừa trò chuyện. Chúng chọn con đường đi chéo qua bãi cỏ tới cửa phòng thay đồ ở mé hông nhà.
“Trẻ con thì chỉ là trẻ con thôi nhỉ?”, Morrow tự nói với mình.
Một cậu bé thấp hơn các cậu khác đang chạy đằng sau ô tô của họ, vội vã bắt kịp bạn mình. Nó chạy qua chỗ họ, hụt cả hơi, mặt đỏ rực và vung hai cánh tay nhỏ thật mạnh bên người để giúp nó chạy nhanh hơn. Nó trông thấy bạn đồng hành cuối cùng đi vào cánh cửa trước nó nên phải nhân đôi nỗ lực, chạy nhanh hơn nữa, đạp chân ra đằng sau làm vẩy cả sỏi màu đỏ lên không.
Đế giày thể thao của nó cũng có hình ba vòng tròn quen thuộc. Morrow vội lao ra sau xe nhanh hết sức có thể và hét theo cậu bé:
“Con trai!”.
Nó xoay người lại nhưng vẫn chạy về phía trước, dù có chậm hơn.
“Quay lại đây.”
Nó không quay lại. Nhưng nó vẫn đứng bên ngoài phòng thay đồ, nhìn vào cửa và nói chuyện với một cậu bé khác đang cạo bùn khỏi đôi giày đen của mình. Cậu bé hét vào trong cửa. Một người phụ nữ vạm vỡ mặc đồ tập màu đỏ bước ra. Cô ta đeo còi và đồng hồ tính giờ trên cổ.
Morrow trưng thẻ của cô ra:
“Chúng tôi ở Sở cảnh sát Strathclyde. Những đôi giày này là một phần của đồng phục à?”.
“Vâng.”
“Vui lòng cho chúng tôi gặp hiệu trưởng.”
Cô ta ngạc nhiên khi nghe thấy thế nhưng không hỏi tại sao.
“Tôi sẽ dẫn đường”, cô ta nói và đưa họ đi qua cửa phòng thay đồ.
Harris và Morrow đi theo cô ta qua một hành lang dẫn khỏi phòng thay đồ. Cô giáo thể dục nhìn xuống trong lúc đứng ở cửa và hét như một trung sĩ:
“McLennan!”.
Một giọng nhỏ xíu trả lời lại:
“Vâng thưa cô Losty?”.
“Em quản lớp trong mười phút tiếp theo!”
“Rất sẵn lòng ạ!”
Cô Losty tỏ ra vô cùng kiềm chế khi dẫn họ đi qua hành lang hẹp của nhân viên phục vụ và lên gác tới văn phòng thư ký trường học. Cô không hề hỏi họ tới đây làm gì mà đưa thẳng họ tới gửi gắm vào tay một người phụ nữ mặc áo sơ mi vàng, mỉm cười rồi bỏ đi.
Bà thư ký bảo họ chờ trong hành lang và đóng cửa khi bà gọi điện. Vài phút sau, bà ta đưa họ đi xuống một hành lang vừa dài vừa tối với sàn nhà kẻ ca rô đen trắng tới một văn phòng. Bên ngoài cánh cửa phòng ghi: Thầy Doyle - Hiệu trưởng.
Bà ta gõ cửa và mở ra, ló đầu vào trong và nói rằng cảnh sát đã đến.
Wallis Doyle ra cửa, bắt tay họ và giới thiệu về mình, xem xét ảnh trên thẻ của họ thật kỹ rồi mời họ vào văn phòng nhỏ của ông ta.
Căn phòng có mùi máy lọc không khí và thảm mới. Vô cùng ngăn nắp. Bậu cửa sổ trong văn phòng Doyle chất đầy các tập giấy tờ và hồ sơ, nhưng chồng nào cũng gọn gàng và có vẻ như mọi thứ đều ở đúng chỗ của nó. Thậm chí ông ta có cả một trung tâm tái chế ở góc phòng được làm từ những chiếc thùng bánh quy rỗng, các khoang trống được đánh dấu bằng màu: Một màu cho báo cũ, một màu cho các hộp thiếc và khoang đáy để đồ thủy tinh. Bên trong mỗi chiếc hộp, rác để tái chế được xếp gọn gàng cứ như chúng không phải để dùng thật mà chỉ để trưng bày.
Ông Doyle rất lịch sự, mời họ ngồi xuống những chiếc ghế thoải mái và đề nghị mang trà. Họ từ chối và viên thư ký bỏ ra ngoài, cẩn thận đóng cửa lại. Ông ta nhìn cửa đóng rồi mới đứng lên cạnh một bên bàn, hai tay chắp vào nhau:
“Chà, xin chào mừng tới trường St Augustus’s”, ông ta nói như kiểu đang chào đón phụ huynh học sinh. “Tôi có thể làm gì cho hai vị?”
“Vâng, ông Doyle”, Morrow nói. “Xin lỗi, ông là Doyle phải không? Không phải Cha Doyle chứ?”
“Không, không”, ông ta mỉm cười với ý tưởng ấy và cho cô xem nhẫn cưới. “Thầy Doyle.”
“Chúng tôi muốn hỏi về chuyến thăm của Cha Sholtham ở đây hôm thứ Ba?”
“Liên quan đến...?”. Ông ta nghiêng tai.
Harris nhìn Morrow.
“Mấy giờ ông ấy tới đây, ông ấy nói chuyện với ai, mấy giờ ông ấy ra về?”
“Và tại sao cô lại hỏi thế?”
Morrow hắng giọng.
“Vì tôi muốn biết.”
Họ nhìn nhau chằm chằm, vẻ mặt Doyle lạnh dần khi nhìn cô. Ông ta thả tay và nhét chúng vào túi quần, ghé mông vào bàn làm việc. “Cha Sholtham đến đây lúc 12 giờ 35. Ông tới nhà nguyện bên cạnh đây để nói với hội đồng ca rằng chi phí chuyến đi Malawi của bọn trẻ đã đủ: Một trong các vị phụ huynh của chúng tôi đã đồng ý tài trợ phần còn lại ngoài số tiền chúng tôi gây quỹ được. Cứ mười ngàn chúng xin được thì ông ấy sẽ thêm vào một ngàn bảng một lần...”.
“Ông có vẻ rất chắc chắn về mặt thời gian.”
“Chúng tôi chờ Cha từ 12 giờ nhưng ông ấy đến muộn. Xe buýt đến muộn.”
“Rồi sau đó thì sao?”
“Chúng tôi uống trà để ăn mừng rồi Cha ra về. Tôi đã tiễn ông ấy.”
“Ông thấy ông ấy thế nào?”
Ông ta nghĩ ngợi một lúc:
“Ổn cả, hơi chuếnh choáng một chút. Tôi cho rằng việc này có liên quan đến chứng nghiện rượu của ông ấy, chắc chắn lúc ấy Cha chưa say. Ngày hôm trước, ông ấy gây tê toàn phần nên vẫn chưa khỏe, nhưng ông ấy không có mùi rượu. Nửa tiếng sau, tôi thấy ông ra xe buýt nhưng lúc đó ông ấy vẫn khỏe”.
“Chờ đã”, Harris chen ngang, “ông đã tiễn ông ấy ra về mà nửa tiếng sau mới thấy ông ấy đi à?”.
“Vâng, tôi nhìn từ phòng xanh. Nó nằm ở tầng một và tôi thấy ông ấy ra đường dẫn xe.”
Harris cau mày.
“Sao lại có khoảng thời gian trống nhỉ?”
“Xe buýt thường không đúng giờ. Chắc Cha đã đợi ở dưới sảnh tầng một. Trời lúc đó mưa mà.”
“Ông ấy không nghe xưng tội à?”
“Không.”
“Và ông ấy sẽ nói chuyện với ai trong lúc ngồi chờ ở dưới đấy?”
“Không có ai cả.”
“Có ai vô tình đi ngang qua không?”
“Ồ, chắc chắn là có. Lúc ấy là giờ sinh hoạt tự do trước khi các lớp học bắt đầu lúc 1 giờ 15. Bọn trẻ có thể đi ra đi vào nhưng chúng sẽ phải đi tìm Cha ở dưới đấy. Chỗ đó không phải là nơi bọn trẻ thường chơi. Phòng vui chơi và khu ký túc đều nằm ở mé đối diện.”
Harris gật đầu.
“Ông không để lại Cha với ai hay thấy ai đến tiếp cận với ông ấy chứ?”
“Không.”
“Xưng tội...”, Harris nhấp nhổm trên ghế. “Không như hồi tôi còn bé nữa. Bây giờ ở đâu ta cũng làm được...”
Doyle không nói gì mà chỉ cười bối rối. Ông ta cho rằng họ tới đây là vì vị linh mục.
“Nhưng”, Harris nói, “nếu ta có thể nhìn thấy linh mục thì đó vẫn được coi là xưng tội, và nếu không phải là xưng tội đúng kiểu...”.
“Chắc chắn rồi. Đó là một loại lễ nhưng nếu vị linh mục dùng các nghi thức ban phước thì ông ấy có thể nhận lời xưng tội ở bất kỳ chỗ nào. Hiện nay rất nhiều linh mục thích dùng cách suồng sã hơn, đặc biệt với người trẻ, đúng không nào?”
“Cho bớt vẻ đáng sợ”, Harris gợi ý.
“Chắc chắn.” Ông ta nhìn từ người này sang người kia hy vọng tìm ra manh mối.
Morrow vươn ngưuời tới:
“Vào chiều thứ Hai, một ngày trước đó, có đứa trẻ nào mất tích khỏi trường không?”.
Thầy Doyle nghĩ lại:
“Không”.
“Hôm đó có chuyến thăm quan nào đến Glasgow không? Sự kiện thể thao hay là đội tranh luận hay gì đó không?”
“Không. Cô có thể cho tôi biết chuyện này là thế nào không?”
“Ông có nghe nói về Sarah Erroll không?”
Doyle chớp mắt.
“Không. Không có học sinh nào mang họ Erroll ở đây cả. Tôi có thể nhầm. Bây giờ đôi khi bố mẹ học sinh không mang cùng họ, các bà mẹ... Thế có chuyện gì? Sarah Erroll là ai?”
Morrow không thích ông ta. Cô không thích thái độ của ông ta, không thích chuyện ông ta điều hành một trường tư thục và không thích cái văn phòng “sạch như lương tâm thủ tướng” của ông ta.
“Ông Doyle, tôi không nghĩ ông đang nói thật với tôi. Ông biết Sarah Erroll là ai.”
Ông ta nhún vai. Khó chịu.
“Cô ấy đã từng đến thăm trường này à?”
“Ông đang không trả lời câu hỏi của tôi. Đừng có bắt đầu tung những câu hỏi của mình.”
Doyle không phải kiểu người quen bị phản bác lại. Ông ta nhe răng thành một nụ cười lạnh lùng và trượt ra khỏi mép bàn, đi vòng qua nó và ngồi xuống ghế của mình để cho mặt bàn gỗ sồi rộng lớn chắn giữa họ.
Cô chỉ vào chồng hộp bánh quy tái chế.
“Trong đó có cả chồng báo thông tin chi tiết về câu chuyện này. Tôi nghĩ ông lo nếu trả lời công khai thì sẽ ảnh hưởng xấu đến trường.”
Doyle nhìn chồng hộp một cách tội lỗi.
“Tôi không nhớ chính xác câu chuyện đó.
“Bộ đồng phục mà bọn trẻ đang mặc”, Harris nói. “Cấp nào cũng mặc giống nhau đúng không?”
“Đúng.”
“Đôi giày thể thao từ đâu ra?”
“Giày thể thao nào?”
“Đôi giày tập ấy. Tất cả bọn trẻ đều đi giày trong lớp thể dục, đôi bằng da lộn màu đen.”
“Chúng chỉ là giày tập thường thôi mà. Tôi không biết tên hãng...”
“Bọn trẻ mua đồng phục ở đâu? Có phải là một cửa hàng đặc biệt không?”
“Không, chỉ ở cửa hàng Jenner’s thôi.”
“Ở Edinburgh à?”
“Vâng. Nhưng nghe này, mỗi phần của bộ đồng phục đều được sản xuất hàng loạt để bán đại trà. Huy hiệu trên áo cộc và áo vét là những thứ duy nhất làm riêng cho chúng tôi. Bất kỳ ai cũng có thể mua những đôi giày tập ấy.”
“Ông đang tỏ ra không hợp tác, ông Doyle ạ.”
Họ ngồi trong im lặng, Morrow nhìn quanh văn phòng, Harris nhìn chằm chằm vào Doyle. Doyle là người duy nhất trong phòng thấy khó chịu.
Ông ta nảy ra một kế hoạch và đứng lên.
“Cảm ơn các vị lần nữa vì đã đến thăm. Tôi sẽ đi xem lại hồ sơ các lớp học ngày hôm đó để xem có học sinh nào, có mặt ở Glasgow hay không. Các cậu bé của chúng tôi không được phép giữ ô tô riêng, nên cũng bỏ công để các vị kiểm tra ga tàu hỏa ở đây.”
“Tôi biết việc của mình.” Morrow ngồi nguyên trên ghế.
“Tôi có thể xem hồ sơ nhưng tôi buộc phải yêu cầu các vị ra về bây giờ.”
Harris nhìn vào Morrow. Morrow nhìn Doyle và từ tốn quyết định.
“Ba tiếng nữa tôi sẽ gọi cho ông. Nếu tôi không có được thông tin mình cần hoặc nếu tôi nghĩ ông đang không hợp tác, tôi sẽ trở lại với một đội mặc sắc phục và chúng tôi sẽ khám xét. Rõ ràng chưa?”
Doyle giơ tay chỉ thẳng ra cửa.
Morrow đứng dậy và Harris đi theo cô. Doyle cố đi vòng ra cửa nhưng Morrow đã đến trước và tự mở:
“Chúng tôi tự tìm được đường”.
“Không hề”, Doyle nói và lùa họ ra, đóng cửa văn phòng và khóa nó sau lưng họ.
Tiếng khóa dập vào ổ nghe to và rõ trong sự im lặng.
Ông ta vẫy họ đi trước mình và đưa họ xuống hành lang tối tăm im ắng, ra khỏi phòng thư ký, đi qua một cánh cửa lớn vào sảnh trung tâm hình ô van. Chỗ đó rất lạnh và không có gì trừ một chiếc đại dương cầm bằng hồng mộc sáng bóng và một lò sưởi bằng đá cẩm thạch trắng rỗng không. Tầng nhà phía trên có một ban công hình ô van, nhìn xuống đây qua cửa sổ kính mái vòm.
Doyle bắt tay họ, tránh nhìn vào mắt và chỉ cho họ đi qua một cánh cửa tới chiếc cầu thang đôi ngắn chạy vòng hai bên tường tới cửa chính. Ông ta đứng lại trên ban công và nhìn họ ra về.
Khi Morrow đóng cánh cửa lại sau lưng mình cô nghe tiếng khóa kêu cách chắc chắn. Xe đang đậu ngay bên ngoài và Harris đã cầm sẵn chìa khóa.
“Chúng ta về nhà chứ?”
Nhưng Morrow ngăn anh ta lại.
“Nhà nguyện ở đâu?”, cô hỏi, nhìn lại ngôi nhà đằng sau.
Họ bước ra xa nhìn trái nhìn phải. Họ bước thêm mười feet nữa đến cửa phòng thay đồ. Nhà nguyện nằm phía sau nó, một ngôi nhà gỗ màu vàng và cao bị đẩy lùi lại sau so với mặt tiền có cửa kính màu đỏ cao tới tận mái nhà giống như cửa sổ ở nhà giáo sĩ. Họ cùng đứng nhìn vào nó. Harris nhìn lại cửa chính tìm Doyle.
“Đi loanh quanh một tí nào”, Morrow nói.
Các phần nhà cơi nới ở đây được sắp xếp theo trật tự thời gian hợp lý: Tòa đầu tiên và những tòa cũ nhất nằm gần mặt hậu của nhà chính; Một hành lang bằng gỗ và một tiền sảnh trông giống như bị dựng vội trong chiến tranh. Đằng sau nó là các ngôi nhà gạch đỏ mới xây vài năm gần đây, trông giống các lớp học và một bể bơi có cầu trượt lớn gắn bằng khung kim loại. Ở tít phía xa là một tòa nhà bằng bê tông trắng, những cửa sổ bình thường và rèm màu xanh đồng phục khiến nó có cảm giác giống một khách sạn rẻ tiền.
Đằng sau nó là phần cơi nới mới nhất đáng kinh ngạc. Một loạt những hình chữ nhật gợn sóng vốn là công-te-nơ chở hàng, cao hai tầng, mỗi cái đều được xịt sơn màu trắng với tông hơi khác nhau một chút cùng với cầu thang xám dẫn lên trên và vòng quanh tòa nhà. Mỗi hình chữ nhật lại có một dãy cửa sổ với phần kính mờ để cung cấp sự riêng tư nhưng họ vẫn nhìn thấy tầng dưới cùng có một phòng sinh hoạt chung: Năm cậu bé đang ngả ngốn trên ghế bành và một tấm bảng cùng chiếc ti vi tinh thể lỏng đang treo trên tường. Bên trên và các ô chữ nhật quanh đó là những phòng học với đồ đạc tươi vui, những chiếc bàn ghế bằng nhựa tái chế đầy màu sắc. Một cậu bé đang ngồi trên chiếc ghế cạnh cửa sổ ở tầng một và nhìn xuống họ chỉ trỏ.
Cánh cửa khối nhà cậu bé mở ra và một người đàn ông cao gầy bước ra cầu thang trên đầu phòng đó. Anh ta hét xuống:
“Tôi giúp được gì không?”.
Harris hét lại:
“Cảnh sát Strathclyde đây”. Anh cho người đó xem thẻ. “Chúng tôi vừa gặp thầy Doyle. Chúng tôi đang nhìn quanh sân một lát.”
Thầy giáo quay lại phòng học và họ nhìn anh ta qua bức tường kính khi anh ta nói gì đó với bọn trẻ khiến tất cả cùng nhìn ra ngoài cửa. Bọn trẻ ở đằng sau thì lao lên cửa kính để nhìn họ.
Morrow và Harris lùi lại quãng phòng sinh hoạt chung.
Đó là lúc họ nhìn thấy tấm biển: Nó được gắn vào một bên nhà và ghi rằng tòa nhà này hoàn toàn dùng vật liệu tái chế, đã được trung hòa carbon và dùng năng lượng mặt trời, và nó đã được ngài Lars Anderson tử tế hiến tặng.
Morrow và Harris vội chạy ngược lại mặt tiền, đi ngang qua xe ô tô của họ và thấy cửa trước đã khóa lại. Morrow cố bấm chuông nhưng không nghe được tiếng nó vang lên bên trong.
“Phòng thay đồ”, Harris nói và chạy trở lại con đường họ vừa đi qua.
“Chúng ta đi lạc mất”, Morrow quay sang anh ta và nói. Rồi cô trông thấy một chàng trai chạy lại từ phía khu nhà mới xây thêm, nó rất cao, trạc mười sáu tuổi, đầu nó đánh sang hai bên, điên cuồng tìm kiếm ai đó.
Chàng trai trẻ dừng bước khi ở chênh chếch với hai người, quay sang nhìn cả hai. Nó gầy gò, mũi tẹt, mắt tròn xoe. Đầu nó trọc lốc, làn da rám nắng hè. Morrow đã trông thấy nó trong lớp của anh chàng giáo viên tọc mạch.
“Làm thế nào chúng tôi trở vào trong được? Chúng tôi cần gặp thầy Doyle.”
“Các vị không cần thầy Doyle”, thằng bé hổn hển. “Các vị đến đây là vì tôi.”