Kay ngồi cạnh cửa sổ, nhìn xuống cái bát và mỉm cười với nó. Chắc là đáng tiền lắm, cô nghĩ. Cô thực sự không nên dùng nó làm gạt tàn. Nếu mang nó tới chương trình Antiques Roadshow1 thì cô sẽ là người cuối cùng được đưa lên. Vật giá trị đầy ngạc nhiên này sẽ khiến đám đông phải ồ lên khi vị chuyên gia công bố cái giá của nó ở buổi đấu giá, chỉ để tính phí bảo hiểm.
1 Buổi trình diễn đồ cổ.
Cô thở dài và nhìn ra thành phố xám xịt. Castlemilk2 được xây dựng trên một mé đồi có thể nhìn ra toàn cảnh thành phố Glasgow. Ở bất kỳ thành phố nào khác, tầm nhìn như thế sẽ được dành cho giới nhà giàu, sườn đồi Cathkin sẽ rải rác những ngôi nhà lớn cùng các khu vườn sang trọng, nhưng không phải ở đây. Cô chưa bao giờ thực sự hiểu nổi điều đó. Có lẽ là do quá xa thị trấn chăng?
2 Một quận của thành phố Glasgow, Scotland.
Nhìn từ cửa sổ, thành phố trông xám xịt, đèn đường đã bắt đầu nhấp nháy bật, vàng xỉn. Nhưng có lẽ đó không phải là thành phố màu xám, cửa sổ nhà bếp của cô mới màu xám. Bụi bám trên đó dày tới mức cô không tài nào gột rửa được vì nó ở phía ngoài, mà cánh cửa lại không mở được hết. Cô thường ngước lên nhìn các cửa kính bị bụi đất bám đầy trong lúc vội vã leo lên đồi từ bến đỗ xe buýt và băn khoăn về những cánh cửa không bao giờ được gột rửa. Kẻ chết tiệt nào nghĩ đó là ý hay nhỉ? Vào ngày đẹp trời thì những nhà hoạch định bỏ sót chúng. Nhưng vào ngày xấu trời, họ ghét những kẻ sẽ thành cư dân ở đây, nghĩ rằng họ bẩn thỉu và hạ cấp tới mức không đáng có một cái cửa sổ sạch sẽ với tầm nhìn đẹp nhất trong thành phố này.
Cô gõ điếu thuốc của mình, thật chậm rãi, gõ... gõ... gõ, như tạo ra những dấu chấm câu trong một cuộc nói chuyện với đối thủ vô hình ngồi bên kia bàn. Có hai chỗ ngồi ở đầu bàn. Nhà họ có năm người mà bàn thì chỉ có hai chỗ.
Cô hít một hơi thuốc thật sâu, cảm thấy nó lan xuống tận cổ họng, tràn vào phổi và rồi mỉm cười với chính mình khi nhận ra chính là hơi này rồi. Mỗi ngày cô hút hai mươi điếu, mỗi điếu hít khoảng sáu đến bảy hơi, thế mà cô chỉ tận hưởng được có một hơi trong số chúng. Một trong một trăm hai mươi hơi thuốc hít vào mỗi ngày. Đó là một bài tập để cai thuốc, điều này cho thấy cô chỉ hưởng thụ được rất ít khi hút thuốc và việc ấy vô tác dụng tới mức nào. Thật chẳng ích gì. Cô chỉ càng ham thích cái hơi thuốc duy nhất ấy hơn khi biết nó quý giá đến thế. Gõ... gõ... gõ. Cô mỉm cười với cái gạt tàn. Gõ... gõ. Một chút tàn thuốc đỏ lòe rơi xuống, cô ngừng hút và di đầu mẩu thuốc thành một khối tròn nhỏ nhắn quanh cái viền bát mạ bạc.
Hai cánh cửa muốn rời ra khỏi chạn bát, mặt bàn bếp bằng gỗ dán thì phồng lên vì bị ngấm nước ở phần không còn mặt nhựa. Người ta đã hứa với họ về một cái bếp mới, thậm chí họ còn đến cả văn phòng nhà đất và chọn một trong ba cái bàn bếp có cửa kèm theo, nhưng đấy là mấy tháng về trước.
Kay nghe tiếng cửa phòng ngủ mở ra ngoài hành lang. Marie bước vào bếp, nhìn đi chỗ khác như là con bé chỉ vô tình đi qua. Ở tuổi mười ba, Marie e dè đến mức gần như ru rú cả ngày trong nhà.
Con bé lại tô thêm một lớp sơn móng tay mới, lần này là màu xanh dương tiệp màu với một cái chun buộc tóc. Má nó bóng loáng, hai vòng tròn màu hồng nổi lên trên khuôn mặt bầu bầu.
“Con lại trang điểm hả cưng?”
Marie bỗng dưng xấu hổ một cách khó hiểu.
“Mẹ im đi.”
Rồi con bé chạy ào vào phòng ngủ của mình.
Kay cắn môi để không phá lên cười. Có lần Marie đã khóc vì tủi hổ khi Kay nói con bé thích Ribena trước mặt một bạn cùng lớp của nó.
“Con yêu”, cô gọi to, “chúng ta có bánh giòn này”.
Marie do dự, nó lại đi ngang qua hành lang với cái mặt cúi gằm và không nhìn vào mẹ. Con bé sờ trên mặt bếp và bằng cách nào đó, nó tìm được một lốc bánh rồi lấy ra một gói khoai tây chiên giòn.
“Mẹ thích màu sơn móng tay của con.”
Marie lườm mẹ:
“Con thì không”.
Kay thở dài:
“Tha cho mẹ đi, Marie. Không thì trả mẹ bánh đây”.
Marie cố không cười, khụt khịt mũi làm một ít nước mũi thò ra. Kinh ngạc, con bé chạm vào môi trên bị ướt của mình và nhìn mẹ đổ lỗi.
“Vì Chúa.”
Con bé giận dỗi bỏ đi, không quên mang theo túi khoai của nó.
Kay hít thêm một hơi nữa. Một hơi tồi tệ, vừa chua cay vừa đau đớn. Một trong những lần khiến cô phải ước giá mình không biết hút thuốc.
“Giày của con đâu?”. Joe đang đứng trên ngưỡng cửa, thân hình lỏng khỏng của nó chìm trong bóng tối. “Bánh giòn đấy ạ?”
Không chờ câu trả lời, nó đã ào xuống căn bếp mù mờ, lục lọi túi đồ và lôi ra hai túi bánh phô mai và hành.
“MỘT THÔI!”
Nó thả rơi một túi xuống bàn.
“Giày của con đâu rồi?”
“Sao con không nhìn bằng mắt của mình ấy?”
“Bởi vì nhìn bằng mắt mẹ dễ hơn.” Thằng bé xé túi bánh, lấy ra vài cái và tống hết vào trong miệng.
Joe rất đáng yêu, nhưng điều này cũng gây ra phiền toái. Nó làm mọi người quý tới mức lúc nào cũng làm hộ nó việc này hay việc kia. Kay không muốn khuyến khích điều đó.
“Biến ngay, mẹ đang bực mình vì mãn kinh đấy.”
“Nghiêm trọng quá, thế giày của con đâu?”
Cô quay lại với cánh cửa sổ bẩn thỉu.
“Mẹ?”
Cô gục xuống bàn vì thua thằng con trai.
“Con cởi ra ở đâu?”
“Ở cửa ạ.”
“Thế con đã nhìn ở đó chưa?”
“Chưa ạ. Con tìm ở đấy nhé?”
Cô không trả lời.
Thằng bé quay lại và nhìn xuống cái sọt đựng quần áo bẩn nằm ngay cạnh cửa ra vào. Kay đã để nó ở đó để nhét vào tất tật những thứ bọn trẻ thả xuống sàn. Cái sọt làm bằng nhựa trong và cô có thể thấy đôi giày đang chạm vào cạnh sọt.
Joe cũng nhìn thấy chúng, gầm gừ và chạy ào tới chỗ cái sọt.
Giờ thì thằng bé sẽ đi ra ngoài hàng tiếng đồng hồ. Nó đã ở cái độ tuổi mà việc đứng ở góc phố trở nên thú vị không cưỡng lại được, đồng hành với đám bạn cũng mê muội như nó. Kay nhớ về chính mình ở tuổi này. Thực ra thì những ngày ấy cũng đâu có xa xôi lắm, ngay trước khi cô có bốn đứa con, và cô vẫn còn nhớ cái cảm giác phấn chấn đầy cuốn hút ấy. Giai đoạn thay đổi hoóc môn. Giờ cô đã có bốn đứa trẻ, liền kề kiểu bậc thang, cả bốn đều đang ở tuổi vị thành niên. Chúng cứ nảy tưng tưng như bóng bật vào tường.
“Mẹ này”, Joe gọi cô từ ngoài hành lang. Cô nhìn thấy thằng bé đang ngồi choãi chân xỏ giày trên sàn nhà.
“Gì thế con?”
“Mẹ ngồi trong bóng tối thế có vẻ chán đời quá.”
Một lần nữa bị mờ mắt trước vẻ quyến rũ của thằng con, Kay thấy lòng vui lên.
“Mẹ không sao đâu con trai ạ. Chỉ hơi lạnh thôi.”
“Chắc không mẹ? Con sẽ mang cho mẹ một túi khoai tây chiên nếu mẹ muốn.”
“Không, mẹ ổn mà.”
Cô nhìn thằng bé lôi một chiếc áo khoác ra khỏi sọt rồi mặc vào bằng một cử động duyên dáng đến khó tả. Nó mở cửa bước ra ngoài khiến ánh nắng vàng vọt chiếu vào bậc thềm kèm theo một cơn gió lạnh.
Kay thích Joe nhất. Cô biết mình không nên thiên vị, nhưng thằng bé là trường hợp ngoại lệ. Bọn trẻ đều ở tuổi mới lớn nhưng chỉ có mỗi Joe là để ý tới tâm trạng của cô. Đôi khi thằng bé cố làm cô vui lên.
Kay hít thêm một hơi nữa. Cô thấy trời tối dần qua khung cửa sổ nhưng cũng không buồn đứng dậy bật đèn, mà cứ ngồi trong bóng tối như vậy, tận hưởng cảm giác yên ắng trước khi pha trà và lại bắt đầu một vòng quay mới của các việc không tên. Dưới phố có tiếng bọn con trai hò hét và chạy nhảy, tiếng chân đá vào quả bóng da. Cô tưởng tượng ra cảnh một lũ con gái đang đứng túm tụm ở một bên sân bê tông. Ngắm thành phố phía xa xa, cô thấy một dãy nhà cao tầng ở Gorbals, trung tâm thành phố sáng lạn cùng những ngọn tháp nhọn hoắt của trường đại học.
Đèn hành lang chiếu vào một bên gạt tàn, làm ánh lên những cánh hoa được phủ lớp men đỏ và nổi bật hình ảnh uốn lượn của con rắn bằng bạc được làm bởi bàn tay nghệ nhân Moscow. Cô thở dài, tận hưởng vẻ đẹp của màu sắc. Tra trên Internet, con dấu chất lượng cho biết thông tin: Gustav Klingert, những năm 1880.
Kay ngồi lùi lại để nhìn nó rõ hơn. Đó là một cái bát nhỏ có vành hơi khum vào. Lớp mạ mòn tới mức phần được mạ vàng bên ngoài đã không còn che được lớp bạc phía trong. Bên ngoài chiếc bát là lớp men nền màu vàng với những cánh hoa đỏ và trắng, những chiếc lá xanh dương lộ ra trên lưới. Một dòng chấm xanh nhỏ viền quanh phần vành và đáy bát.
Cô vươn tay chạm vào nó, cảm nhận các viền lưới ở vành bát quanh những lớp men màu sắc rực rỡ. Màu đỏ chính là thứ thu hút cô nhất. Lớp men đỏ gần như trong suốt, cảm giác như nhìn vào bên trong một miếng thạch hoa quả vậy. Cô thậm chí còn không biết phát âm cái phong cách này như thế nào, Ros-tov fin-ift gì đấy. Cô thích việc mình không phát âm được. Nó gợi cảm giác cái bát đến từ một thế giới khác, như là Obi-Wan Kenobi3 vậy.
3 Tên nhân vật chính trong bộ phim khoa học viễn tưởng Star Wars (Chiến tranh giữa các vì sao).
Chiếc bát không dành cho lớp người như cô. Nhưng những mẫu hoa văn Nga này xuất phát từ các tác phẩm thêu thùa của thường dân. Những người phụ nữ nghèo đã thiết kế ra mẫu hoa văn và cách phối màu này, họ thêu chúng vào những chiếc khăn trải bàn và gấu váy của mình trong lúc làm việc vất vả ở các ngôi nhà lạnh lẽo, tối tăm. Họ là những phụ nữ nghèo nhưng tha thiết cần cái đẹp để giúp mình vượt qua bóng tối, khiến họ cảm thấy mình còn đang sống.
Và rồi hàng trăm năm sau, các nhà chế tác trang sức đã lấy mẫu thiết kế của họ và biến chúng thành những vật đắt tiền như chiếc bát này, khảm vào thắt lưng, hộp trà hồi trà vẫn còn là thứ xa xỉ, những thứ đắt đến mức những người phụ nữ nghèo này không bao giờ dám mơ tới. Cô là một trong những người thêu thùa nghèo đói ấy khi ngồi trong bóng tối này và những hoa văn kia đang nói chuyện với cô về một vẻ đẹp được tạo nên từ hư vô, về tầm quan trọng của việc nhìn thấy cái đẹp trong mọi vật và biết trân trọng nó, cho dù là qua một cánh cửa sổ bám đầy bùn đất.
Kay biết rằng trong số tất cả những người từng sở hữu hay sử dụng hoặc nhìn thấy chiếc bát này trong suốt một trăm ba mươi năm qua, không một ai yêu nó nhiều như cô, không ai vuốt ve nó trong những đêm dài mất ngủ, dò theo từng đường viền mạ bạc uốn lượn quanh những chiếc hồ màu sắc của nó.