R
ỐT CUỘC MẸ TÔI CŨNG ĐI LÀM TRỞ LẠI. Đó là thời điểm tôi vừa lên trung học. Bà quyết định ra khỏi nhà, hướng về khu trung tâm đông đúc với những tòa nhà cao chọc trời của Chicago, tại đó bà tìm được một công việc là trợ lý trong một ngân hàng. Bà sắm một tủ quần áo dành riêng để đi làm và bắt đầu hành trình di chuyển mỗi sáng để đến chỗ làm, hoặc bà sẽ đón xe buýt đi về phía bắc trên Đại lộ Jeffery, hoặc quá giang cha tôi trên chiếc Buick nếu giờ khởi hành của hai người trùng nhau. Đối với bà, công việc đó là một sự thay đổi tốt đẹp trong thói quen sinh hoạt, và đối với gia đình chúng tôi thì đó ít nhiều cũng là một điều cần thiết cho tình hình tài chính của cả nhà. Cha mẹ tôi đã phải trả học phí để anh Craig theo học trường Công giáo. Anh ấy bắt đầu nghĩ đến chuyện học đại học, và không bao lâu sẽ đến lượt tôi.
Anh trai tôi giờ đây đã lớn hẳn, trở thành một thanh niên cao lớn tuấn nhã với đôi chân có sức bật phi thường và được xem là một trong những vận động viên bóng rổ xuất sắc nhất thành phố. Ở nhà, anh ăn rất nhiều. Anh có thể nốc cạn cả mấy lít sữa, ngốn sạch vài chiếc pizza cỡ đại chỉ trong một bữa ăn và thường ăn vặt từ sau bữa tối cho tới trước khi đi ngủ. Anh vẫn có cách để vừa thoải mái vừa tập trung cao độ, duy trì một đống quan hệ bạn bè và thành tích học tập tốt, đồng thời xuất sắc trong vai trò vận động viên bóng rổ - như trước giờ vẫn vậy. Anh đi khắp vùng Midwest(1) để tham dự giải đấu nghiệp dư mùa hè cùng đội bóng rổ, và trong đội có siêu sao hạt giống Isiah Thomas, người sau này được đề tên trong Nhà lưu danh của Hiệp hội Bóng rổ Quốc gia Mỹ NBA. Khi vào trung học, anh Craig đã được vài huấn luyện viên của các trường công lập hàng đầu Chicago săn đón để trám vào chỗ trống của đội nhà. Các đội bóng này thu hút cả những đám đông rầm rộ lẫn những chuyên gia săn lùng tài năng thể thao cho trường đại học, nhưng cha mẹ tôi cương quyết không để anh Craig hy sinh quá trình phát triển trí tuệ bản thân để đổi lấy vinh quang sớm nở tối tàn của một hiện tượng thể thao học đường.
Trường Mount Carmel, nơi sở hữu đội bóng mạnh thi đấu ở giải bóng rổ trường Công giáo và có một chương trình đào tạo chặt chẽ, có vẻ là lựa chọn tối ưu - xứng đáng với số học phí cả ngàn đô-la mà cha mẹ tôi phải đóng. Giáo viên dạy anh Craig là những tu sĩ mặc áo thụng nâu và được gọi là “Cha”. Khoảng 80% bạn cùng lớp của anh là người da trắng, nhiều người trong số đó là người Công giáo gốc Ireland đến từ các khu phố lao động da trắng xa trung tâm. Đến cuối năm nhất trung học thì anh ấy đã được nhiều đội bóng trường đại học Hạng I săn đón, một số trường đề nghị miễn hết học phí cho anh. Thế nhưng cha mẹ tôi vẫn giữ vững lập trường là anh ấy nên tiếp tục cân nhắc mọi lựa chọn, với mục tiêu là vào trường đại học nào tốt nhất có thể. Về phần mình, họ có chút lo lắng về học phí.
Trong khi đó, quá trình học trung học của tôi không khiến gia đình tốn kém gì ngoài tiền vé xe buýt. Tôi may mắn được tham gia thi tuyển vào trường chuyên đầu tiên của Chicago, trường trung học Whitney M. Young, nằm trong khu vực đang xuống cấp ở ngay phía tây khu Loop. Sau vài năm được thành lập, ngôi trường này đang trên đường trở thành trường công lập hàng đầu thành phố. Trường Whitney Young được đặt theo tên một nhà hoạt động dân quyền và bắt đầu mở cửa từ năm 1975 như một phương án thay thế tích cực cho việc đưa đón học sinh vùng này sang học ở vùng khác để thúc đẩy sự hòa hợp sắc tộc. Nằm ngay ranh giới giữa North Side và South Side, có những giáo viên mang tư tưởng cấp tiến và cơ sở vật chất mới tinh, ngôi trường được xây dựng như thiên đường của sự bình đẳng về cơ hội, với mục đích thu hút học sinh có thành tích học tập cao thuộc mọi sắc tộc. Chỉ tiêu tuyển sinh do ban đặc trách học khu Chicago đặt ra yêu cầu trường phải có 40% học sinh da đen, 40% học sinh da trắng và 20% học sinh gốc Mỹ La-tinh hoặc các nhóm khác. Nhưng thực tế diễn ra hơi khác. Khi tôi vào học, có khoảng 80% học sinh của trường không phải là người da trắng.
Hành trình đến trường vào ngày nhập học đầu tiên của năm lớp chín không thôi đã là cả một chuyến phiêu lưu mới mẻ, bao gồm chín mươi phút căng não đi hai tuyến xe buýt khác nhau và một lần đổi xe trung chuyển vào trung tâm. Năm giờ sáng hôm đó, tôi tự bật dậy và mặc đồ mới, đeo một đôi bông tai xinh xắn, tự hỏi từng ấy món sẽ được đón nhận ra sao ở trạm cuối của chuyến xe. Tôi ăn sáng, tự hỏi không biết bữa trưa sẽ ra sao. Tôi chào tạm biệt cha mẹ, tự hỏi đến cuối ngày thì tôi có còn là mình nguyên vẹn như thế này không. Trường trung học là một thay đổi lớn đối với hầu hết mọi người; và với tôi, vào học trường Whitney Young thật sự là một trải nghiệm hoàn toàn mới.
Ngôi trường đẹp đến choáng ngợp và rất hiện đại, không giống với bất kỳ ngôi trường nào mà tôi từng thấy. Trường gồm ba khối nhà lớn, trong đó có hai khối nhà thông với nhau bởi một cây cầu bộ hành bằng kính đẹp mắt bắc ngang Đại lộ Jackson nhộn nhịp. Các phòng học có phong cách mở và được thiết kế tỉ mỉ. Có cả một tòa nhà dành riêng cho bộ môn nghệ thuật, bao gồm những phòng chuyên dụng dành cho dàn hợp xướng và các ban nhạc tập diễn, và nhiều phòng khác được trang bị đầy đủ dụng cụ và trang thiết bị để dạy nhiếp ảnh và cả làm gốm. Ngôi trường được xây dựng như một thánh đường dành riêng cho việc học tập. Và hôm đó, tại thánh đường này, các học sinh ùa vào lối đi chính cùng với quyết tâm cao độ ngay từ ngày đầu đến lớp.
Có khoảng một ngàn chín trăm học sinh theo học tại Whitney Young, và nhìn chung, tôi thấy họ đều có vẻ lớn hơn và tự tin hơn tôi - họ kiểm soát được từng tế bào não của mình và được tiếp thêm sức mạnh qua từng câu trắc nghiệm mà họ đã làm đúng trong bài kiểm tra năng khiếu toàn thành phố. Nhìn xung quanh, tôi cảm thấy mình thật nhỏ bé. Hồi ở Bryn Mawr, tôi thuộc nhóm đàn anh đàn chị, còn giờ đây tôi là một trong những học sinh nhỏ tuổi nhất. Khi xuống xe buýt, tôi để ý thấy ngoài cặp sách, rất nhiều nữ sinh còn mang theo túi xách tay.
Nếu phân loại những nỗi lo của tôi thời trung học thì phần lớn chúng đều được xếp vào một nhóm: Mình có đủ giỏi chưa? Đó là câu hỏi đã đeo bám tôi suốt tháng đầu tiên, ngay cả khi tôi bắt đầu ổn định, ngay cả khi tôi đã quen với những lần thức dậy khi mặt trời còn chưa ló dạng và di chuyển qua các tòa nhà để đến lớp. Whitney Young được chia thành năm “nhà”, mỗi nhà có chức năng giống như tổ ấm cho các thành viên, vận hành với mục đích mang đến cảm giác thân thuộc và gắn bó cho trải nghiệm học tập tại một ngôi trường lớn. Tôi là thành viên của Nhà Vàng, nơi được quản lý bởi thầy Smith, trợ lý hiệu trưởng, người hóa ra chỉ sống cách chúng tôi vài căn nhà trên Đại lộ Euclid. Trước đây thầy Smith từng thuê tôi làm những việc lặt vặt cho thầy và gia đình của thầy trong suốt nhiều năm, từ trông trẻ, dạy đàn cho tới huấn luyện chú cún bất trị nhà họ. Gặp được thầy Smith ở trường khiến tôi cảm thấy khá dễ chịu, bởi thầy giống như chiếc cầu nối giữa Whitney Young và khu tôi sống, nhưng dù vậy thì chuyện này vẫn không thể xóa đi nỗi bất an trong tôi.
Ở khu tôi sống, chỉ có vài đứa trẻ theo học trường Whitney Young, trong đó có cậu bạn hàng xóm Terri Johnson, cô bạn Chiaka học chung từ hồi mẫu giáo, cùng với một, hai cậu bạn khác. Vài đứa chúng tôi đi học trên cùng chuyến xe buýt vào buổi sáng, nhưng khi ở trường thì chúng tôi sinh hoạt trong các nhà khác nhau, thân ai nấy lo. Đó cũng là lần đầu tiên trong đời tôi không có sự bảo hộ ngầm của anh trai. Từ trước đến giờ anh Craig luôn mở đường cho tôi, bằng phong cách đủng đỉnh và vui vẻ của anh. Hồi ở trường Bryn Mawr, anh được giáo viên quý mến nhờ sự hòa nhã, đồng thời anh cũng có được sự tôn trọng nhất định trên sân bóng. Anh ấy tạo ra một vùng trời rực rỡ mà tôi chỉ cần đặt chân bước vào. Hầu như đi đến đâu, tôi cũng được biết đến như em gái của Craig Robinson.
Nhưng giờ đây tôi chỉ là Michelle Robinson, không có anh Craig theo sau nữa. Ở Whitney Young, tôi phải tự tìm chỗ đứng cho mình. Chiến thuật ban đầu của tôi là giữ yên lặng và cố gắng quan sát các bạn học mới. Rốt cuộc thì những đứa trẻ này là ai? Tôi chỉ biết là họ thông minh. Một sự thông minh đã được chứng thực. Một sự thông minh đã qua tuyển chọn. Chắc hẳn đó là những đứa trẻ giỏi nhất Chicago. Nhưng có phải tôi cũng giống họ không? Có phải tất cả chúng tôi - tôi, Terri và Chiaka - có mặt ở đây vì chúng tôi cũng là những đứa trẻ thông minh như họ không?
Sự thật là tôi không biết. Tôi không biết chúng tôi có thông minh như họ hay không.
Tôi chỉ biết chúng tôi là những học sinh giỏi nhất đến từ nơi vốn được cho là ngôi trường thường thường bậc trung chủ yếu chỉ có học sinh da đen theo học trong khu vực cũng thường thường bậc trung chủ yếu chỉ có người da đen sinh sống. Nhưng nếu như vậy vẫn chưa đủ thì sao? Nếu thật ra chúng tôi chỉ là những thằng chột trong xứ mù thì sao?
Đây chính là nỗi ngờ vực cứ quẩn quanh trong tâm trí tôi suốt tuần lễ hướng dẫn học viên mới, suốt những giờ học đầu tiên của môn sinh học và tiếng Anh, suốt các cuộc trò chuyện làm quen có phần lóng ngóng của tôi ở căng-tin trường với những người bạn mới. Chưa đủ. Chưa đủ. Đó là nỗi ngờ vực về xuất thân của bản thân và những gì tôi tin về bản thân mình tính tới thời điểm này. Nó giống một tế bào ác tính cứ hăm he phân bào cho đến khi tôi có thể tìm được cách áp chế nó.
TÔI NHẬN RA CHICAGO rộng lớn hơn những gì mình tưởng tượng rất nhiều. Đây là một phát hiện mà tôi ghi nhận từ từ mỗi ngày, thường là trong lúc buộc phải đứng vì không đủ chỗ ngồi trên những chuyến xe buýt kéo dài ba giờ đồng hồ, bắt đầu từ Đường 75 và rồ rồ chạy qua một mê lộ các trạm dừng.
Qua ô cửa kính, tôi chậm rãi quan sát vùng South Side một cách trọn vẹn - những cửa hàng và quán thịt nướng nơi góc phố vẫn đóng kín cửa trong ánh sáng nhàn nhạt của buổi sớm mai, các sân bóng rổ và sân chơi lát gạch còn đang vắng tanh. Xe chúng tôi chạy hướng bắc theo đường Jeffery rồi sang hướng tây theo Đường 67, sau đó lại đi theo hướng bắc, rẽ tới rẽ lui và cứ đi được hai dãy phố sẽ dừng lại một lần để đón khách. Chúng tôi băng qua khu vực Jackson Park Highlands và Công viên Hyde, nơi có Đại học Chicago nằm khuất sau cánh cổng khổng lồ bằng sắt uốn hoa văn. Sau một quãng thời gian dài như vô tận, cuối cùng xe cũng tăng tốc trên cung đường Lake Shore, chạy dọc theo bờ Hồ Michigan uốn cong về phía bắc và tiến vào trung tâm thành phố.
Tôi có thể cho bạn biết là đi xe buýt không vội được đâu. Bạn lên xe, và bạn chịu đựng. Mỗi buổi sáng, tôi chuyển xe trên Đại lộ Michigan ở trung tâm thành phố ngay vào giờ cao điểm, sau đó bắt chuyến xe dọc đường Van Buren để đi về phía tây, nơi mà cảnh vật chí ít cũng có vẻ hấp dẫn hơn khi chúng tôi chạy ngang qua các trụ sở ngân hàng có cửa chính đồ sộ màu vàng ánh kim và những nhân viên xách hành lý đứng bên ngoài các khách sạn lộng lẫy. Tôi nhìn ra cửa sổ ngắm người ta mặc những bộ cánh lịch thiệp - com-lê, váy, giày công sở - và cầm cà phê đến nơi làm việc với vẻ hối hả như thể đang làm điều gì đó rất quan trọng. Khi đó tôi vẫn chưa biết họ được gọi là những người làm việc chuyên nghiệp. Tôi vẫn chưa biết gì về những tấm bằng mà họ phải có để được bước vào các tòa nhà văn phòng nguy nga dọc theo đường Van Buren. Nhưng tôi thật sự thích vẻ kiên quyết của họ.
Trong khi đó, ở trường, tôi lặng lẽ thu thập từng mẩu dữ liệu và cố gắng xác định vị trí của mình trong giới trí thức tuổi teen. Cho đến thời điểm đó, tôi chỉ có dịp chơi với những đứa trẻ ở khu phố khác qua những lần gặp gỡ anh chị em họ và vài chuyến trại hè do thành phố tổ chức tại bãi Rainbow, nơi mọi trại sinh đều đến từ khu South Side và không ai giàu có cả. Ở Whitney Young, tôi gặp những đứa trẻ da trắng sống ở khu North Side - một phần của Chicago mà tôi cảm thấy rất bí ẩn, nơi tôi chưa bao giờ nghĩ tới và cũng không có lý do gì để đến đó. Tôi còn phấn khích hơn khi phát hiện sự tồn tại của một tầng lớp tinh hoa người Mỹ gốc Phi. Đa số bạn bè tôi mới quen ở trường trung học đều là người da đen, nhưng hóa ra điều đó không có nghĩa là chúng tôi có trải nghiệm như nhau. Nhiều bạn có cha mẹ là luật sư hoặc bác sĩ, và dường như họ đều quen biết nhau thông qua một câu lạc bộ tên “Jack and Jill” của người Mỹ gốc Phi. Họ từng có những kỳ nghỉ trượt tuyết và những chuyến đi xa phải dùng đến hộ chiếu. Họ nói về những chuyện mà tôi nghe cảm thấy thật xa lạ, chẳng hạn như kỳ thực tập hè và những trường đại học xưa nay chỉ dành cho người da đen. Trong lớp tôi còn có một cậu bạn da đen được mệnh danh là mọt sách, luôn tử tế với mọi người và cha mẹ cậu là nhà sáng lập của một công ty cung ứng mỹ phẩm lớn, họ sống tại một trong những tòa cao ốc xa hoa nhất ngay trung tâm thành phố.
Đó là thế giới mới của tôi. Tôi không nói mọi đứa trẻ học tại Whitney Young đều giàu có hay kiểu cách, vì thực tế không phải như vậy. Có rất nhiều đứa trẻ đến từ các khu phố giống như khu phố của tôi, những đứa trẻ sống vất vả hơn tôi gấp nhiều lần. Nhưng những tháng đầu tiên học tại Whitney Young đã hé mở trước mắt tôi một điều mà trước đó tôi không hề thấy - hệ thống của đặc quyền và sự kết nối, thứ có vẻ giống như một mạng lưới những chiếc thang và dây néo lơ lửng thoắt ẩn thoắt hiện trên đầu chúng tôi, sẵn sàng làm cầu nối để đưa vài người trong số chúng tôi, chứ không phải tất cả, lên cao.
LOẠT ĐIỂM ĐẦU TIÊN của tôi ở trường Whitney hóa ra cũng khá tốt, và loạt điểm thứ hai cũng vậy. Qua hai năm học đầu tiên, tôi đã bắt đầu tạo dựng được sự tự tin mà tôi từng có ở Bryn Mawr. Sau mỗi thành tích nho nhỏ mà tôi đạt được, sau mỗi rắc rối mà tôi khéo léo tránh được, những mối ngờ vực trong tôi từ từ được xóa bỏ. Tôi thích hầu hết các giáo viên của mình. Tôi không ngại giơ tay phát biểu trong lớp. Tại Whitney Young, bạn có thể thoải mái thể hiện sự thông minh. Dù bạn làm gì đi nữa thì người ta cũng tự hiểu là bạn đang nỗ lực để vào đại học, đồng nghĩa với việc bạn không bao giờ cần phải che giấu chuyện bạn thông minh chỉ vì sợ ai đó nhận xét rằng bạn nói năng như một nữ sinh da trắng.
Tôi thích mọi môn học liên quan đến viết lách và vất vả vượt qua môn toán giải tích sơ cấp. Tôi là một học sinh tương đối khá môn tiếng Pháp. Luôn có những người bạn dẫn trước tôi một hoặc vài bước, những người có vẻ không khó nhọc gì để đạt được thành tích cao, nhưng tôi cố gắng không để điều đó khiến mình chùn chân. Tôi bắt đầu hiểu ra là nếu dành thêm thời gian để học, tôi thường có thể rút ngắn khoảng cách giữa tôi với họ. Tôi không phải là một học sinh xuất sắc, nhưng tôi luôn cố gắng, và có những học kỳ tôi đã suýt có được danh hiệu đó.
Trong lúc đó, anh Craig đã vào học Đại học Princeton, bỏ lại căn phòng ở ngôi nhà trên Đại lộ Euclid và một khoảng trống cao hơn hai thước, nặng gần chín mươi mốt ký trong cuộc sống của gia đình chúng tôi. Tủ lạnh nhà chúng tôi ít hẳn thịt và sữa; đường dây điện thoại không còn bận liên tục vì mấy cô gái gọi điện tán gẫu với anh. Anh được các trường đại học lớn săn đón, họ đưa ra các suất học bổng toàn phần và tạo mọi điều kiện cần thiết để anh trở thành ngôi sao bóng rổ, nhưng với sự khích lệ của cha mẹ, anh đã chọn Princeton, ngôi trường có học phí đắt đỏ hơn nhưng cũng nhiều hứa hẹn hơn - theo nhận định của cha mẹ tôi. Cha tôi vỡ òa tự hào khi anh Craig có mặt trong đội hình chính thức của đội bóng rổ trường Princeton vào năm hai. Dù đi đứng loạng choạng và phải sử dụng gậy, nhưng ông vẫn thích chạy xe đường dài. Cha đã đổi sang một chiếc Buick mới, vẫn là đời 225 nhưng có màu nâu sẫm. Khi không phải làm việc tại nhà máy lọc nước, ông thường thu xếp thời gian để lái xe một chặng đường dài mười hai giờ, băng qua Indiana, Ohio, Pennsylvania và New Jersey chỉ để đến xem một trận đấu của anh Craig.
Vì phải di chuyển một quãng đường xa để đến Whitney Young, tôi ít có thời gian ở cùng cha mẹ hơn. Bây giờ nhìn lại, tôi đoán đó là khoảng thời gian cô đơn đối với họ, hay chí ít là họ phải điều chỉnh để thích nghi với sự thay đổi đó. Thời gian tôi vắng mặt nhiều hơn thời gian tôi ở nhà. Vì quá ngán việc phải đứng suốt chín mươi phút trên chuyến xe từ nhà đến trường, Terri Johnson và tôi đã nghĩ ra một mẹo. Chúng tôi rời nhà sớm hơn mười lăm phút vào buổi sáng và đón chuyến xe buýt đi về hướng nam, ngược hướng với trường mình. Sau khi đi qua vài trạm, chúng tôi xuống xe ở khu dân cư ít đông đúc hơn, băng qua đường và đón chuyến xe buýt đi hướng bắc như bình thường. Chuyến xe khởi hành từ đây chắc chắn vắng khách hơn so với khi chạy đến trạm trên Đường 75, nơi chúng tôi vẫn thường bắt xe. Khi lên xe, chúng tôi khoái chí ngồi vào ghế rồi thoải mái trò chuyện với nhau hoặc học bài trên suốt chặng đường từ đó đến trường.
Khoảng sáu bảy giờ tối, tôi rã rời về đến nhà, vừa kịp ăn vội bữa tối và tranh thủ kể với cha mẹ về mọi chuyện trong ngày. Rồi khi đã rửa xong chén đĩa, tôi thường mang sách vở đến góc cầu thang yên tĩnh, nơi có kệ sách trưng bộ bách khoa toàn thư, và tập trung làm bài tập về nhà.
Cha mẹ tôi chưa bao giờ nói về áp lực khi phải trả học phí cho anh em tôi, nhưng tôi đủ hiểu chuyện để nhận thấy áp lực này. Thế nên khi giáo viên tiếng Pháp thông báo rằng cô đang tổ chức cho lớp đi tham quan Paris vào một trong bốn kỳ nghỉ của chúng tôi - một chuyến đi không bắt buộc và dành cho những ai có đủ khả năng chi trả - tôi thậm chí còn không nhắc đến chuyện đó ở nhà. Đó là điểm khác biệt giữa tôi và những đứa trẻ con nhà có tiền, mà nhiều đứa hiện đang là bạn thân của tôi. Tôi có một mái ấm yêu thương và nề nếp, có vé xe buýt để đi tới trường và một bữa tối nóng sốt để ăn khi về nhà vào cuối ngày. Ngoài những điều đó ra, tôi không đòi hỏi thứ gì khác từ cha mẹ mình.
Nhưng rồi một tối nọ, cha mẹ bảo tôi ngồi xuống nói chuyện, trông họ có vẻ ngạc nhiên. Mẹ tôi đã nghe mẹ của Terri Johnson nói về chuyến đi Pháp.
“Sao con không nói với cha mẹ?”, mẹ tôi hỏi.
“Vì chuyến đi đó tốn kém lắm mẹ.”
“Miche, chuyện đó không tới lượt con quyết định”, cha tôi nhẹ nhàng nói, có vẻ hơi khó chịu. “Và làm sao cha mẹ quyết định được khi không biết gì về chuyện đó?”
Tôi nhìn cha mẹ và không biết nên nói gì. Mẹ liếc nhìn tôi với đôi mắt hiền từ. Cha đã thay bộ đồng phục đi làm ra và mặc vào chiếc áo sơ mi trắng sạch sẽ. Cha mẹ tôi đều đã bước sang tuổi tứ tuần và đã kết hôn được gần hai mươi năm. Thế nhưng cả hai chưa từng đi du lịch châu Âu. Họ chưa bao giờ nghỉ mát ở bãi biển hay ăn tối ở nhà hàng. Họ không sở hữu một căn nhà nào. Chúng tôi, tôi và anh Craig, chính là sự đầu tư của họ. Tất cả đều được dành hết cho anh em chúng tôi.
Vài tháng sau, tôi lên chuyến bay đi Paris với cô giáo và khoảng mười mấy bạn học ở Whitney Young. Chúng tôi ở nhà nghỉ, đi tham quan Bảo tàng Louvre và Tháp Eiffel. Chúng tôi mua bánh crêpe phô mai tại các quầy bán hàng rong trên đường và rảo bước dọc theo hai bờ sông Seine. Dù chỉ có thể bập bẹ bằng thứ tiếng Pháp mới học, nhưng chí ít thì chúng tôi cũng đã giao tiếp bằng tiếng Pháp. Hôm đó, khi máy bay rời cổng đón khách, tôi nhìn ra cửa sổ hướng về phía sân bay, tôi biết mẹ đang đứng đâu đó đằng sau các cửa sổ kính đen, mặc chiếc áo khoác bà hay mặc vào mùa đông và vẫy tay chào tôi. Tôi nhớ tiếng động cơ phản lực vang lên, ồn ào kinh khủng. Rồi máy bay di chuyển vào đường băng. Lúc máy bay chạy đà và bắt đầu cất cánh, gia tốc khiến lồng ngực tôi như thắt lại, bụng dạ nôn nao, và tôi bị ép vào ghế, trong một khoảnh khắc lơ lửng kỳ lạ trước khi cảm thấy hoàn toàn được nâng lên khỏi mặt đất.
CŨNG NHƯ CÁC HỌC SINH TRUNG HỌC khác, tôi và chúng bạn thích đi la cà đây đó. Chúng tôi huyên náo và cà kê giữa chốn đông người. Vào những ngày trường cho nghỉ sớm hay khi không có nhiều bài tập về nhà, chúng tôi kéo nhau đến trung tâm Chicago, đi vào trung tâm thương mại tám tầng ở Water Tower Place. Ở đó chúng tôi đi thang máy lên rồi lại xuống, tiêu tiền vào món bắp rang hảo hạng ở Garret’s và chiếm dụng bàn ghế ở McDonald’s lâu hơn mức cần thiết - so với lượng đồ ăn ít ỏi mà chúng tôi gọi. Chúng tôi ngắm những chiếc quần jeans hàng hiệu và mấy chiếc ví cầm tay ở Marshall Field’s - thường là dưới sự giám sát kín đáo của những nhân viên bảo vệ vốn không thích dáng vẻ của chúng tôi. Thỉnh thoảng chúng tôi còn đi xem phim với nhau.
Chúng tôi vui vẻ - vui với sự tự do của mình, vui khi bên nhau, vui trước cách mà thành phố có vẻ lấp lánh hơn trong những ngày chúng tôi không phải bận tâm chuyện trường lớp. Chúng tôi là những đứa trẻ thành thị đang học cách khám phá phạm vi sinh hoạt của mình.
Tôi rất thường chơi cùng một cô bạn cùng lớp tên Santita Jackson, người lên chuyến xe buýt Jeffery sau tôi chỉ vài trạm vào buổi sáng, cũng là người mà sau này trở thành một trong những người bạn thân thiết nhất của tôi thời trung học. Santita có đôi mắt đen tuyệt đẹp, đôi gò má đầy, và dù chỉ mới mười sáu tuổi, cô đã có dáng vẻ của một phụ nữ khôn ngoan. Ở trường, cô ấy là một trong những học sinh đăng ký tất cả các lớp nâng cao(2) mà trường đưa ra và dường như đều hoàn thành xuất sắc. Cô ấy mặc váy khi mọi người đều mặc quần jeans, và cô có giọng hát trong và khỏe đến mức nhiều năm sau cô đi lưu diễn trong vai trò ca sĩ hát bè cho danh ca Roberta Flack. Cô cũng rất sâu sắc. Đây là điểm tôi thích nhất ở Santita. Giống như tôi, cô ấy có thể bông đùa khi chơi cùng một nhóm đông người, nhưng khi một mình thì chúng tôi nghiêm túc và trở thành hai nữ triết gia nỗ lực giải quyết những vấn đề trong cuộc sống, dù lớn hay nhỏ. Chúng tôi dành hàng giờ nằm ườn trên sàn phòng ngủ của Santita ở tầng hai trong căn nhà kiểu Tudor màu trắng của gia đình cô ở Jackson Park Highlands, một khu vực giàu có hơn của vùng South Shore. Lúc đó chúng tôi nói với nhau về những thứ khiến mình khó chịu, bàn về định hướng cuộc đời cũng như những điều chúng tôi hiểu và chưa hiểu về thế giới. Santita là người bạn biết lắng nghe và sâu sắc, tôi cũng cố gắng trở thành một người bạn như vậy.
Cha của Santita là người nổi tiếng. Đó là một thực tế quan trọng và không thể né tránh về cuộc đời của cô. Cô là con gái lớn của mục sư Jesse Jackson, một nhà thuyết giáo đầy nhiệt huyết của dòng Tin Lành Báp-tít và một thủ lĩnh chính trị đang lên. Jesse Jackson làm việc kề cạnh với Martin Luther King Jr. và trở nên nổi bật khắp cả nước vào đầu thập niên 1970 trong vai trò nhà sáng lập tổ chức chính trị Operation PUSH, tổ chức hoạt động vì quyền lợi của người Mỹ gốc Phi bị đối xử bất công. Đến năm chúng tôi học trung học thì ông đã trở thành nhân vật vô cùng nổi tiếng - có sức hút, giao thiệp rộng và thường xuyên đi đó đây. Ông đi khắp nước Mỹ, mê hoặc đám đông bằng những hiệu triệu dậy sóng kêu gọi người da đen xóa bỏ hình ảnh khu ổ chuột thấp kém và giành lấy quyền lực chính trị bị bỏ quên bấy lâu. Ông rao giảng thông điệp về sự tự lực tự cường đầy kiên định và quyết tâm. Ông kêu gọi “Bỏ ma túy! Tăng hy vọng!”. Ông khiến học sinh chịu ký cam kết tắt ti-vi và dành hai giờ đồng hồ mỗi tối để làm bài tập. Ông khiến các bậc cha mẹ hứa làm hết vai trò của mình. Ông đẩy lùi cảm giác thất bại đang tràn lan khắp cộng đồng người Mỹ gốc Phi, thúc giục mọi người thôi than thân trách phận và hãy làm chủ vận mệnh của mình. Ông nói, “Không ai nghèo tới mức không thể tắt ti-vi hai giờ đồng hồ mỗi đêm!”.
Nhà của Santita rất thú vị. Đó là một nơi rộng rãi và hơi lộn xộn, là mái ấm của gia đình có năm đứa trẻ và chất đầy đồ nội thất thời Victoria cùng những món đồ cổ bằng thủy tinh mà mẹ của Santita, cô Jacqueline, thích sưu tập. Cô Jackson, cách tôi gọi mẹ của Santita, có trái tim chan hòa và giọng cười vang vọng. Cô mặc những bộ quần áo dáng rũ có màu sắc sặc sỡ và thường dọn món ăn lên chiếc bàn khổng lồ trong phòng ăn để thết đãi bất cứ người nào xuất hiện trong nhà, mà hầu hết là những người có liên quan đến cái mà cô gọi là “phong trào”. Những nhân vật này bao gồm những vị lãnh đạo doanh nghiệp, chính trị gia và nhà thơ, cộng với một nhóm những người nổi tiếng, từ ca sĩ cho tới vận động viên thể thao.
Khi Mục sư Jackson có ở nhà, ngôi nhà sẽ tràn ngập một thứ năng lượng khác. Những lề thói sinh hoạt thường ngày bị gác sang một bên; các cuộc trò chuyện bên bàn ăn tối kéo dài đến tận khuya. Các vị cố vấn đến và đi. Luôn có kế hoạch nào đó được đem ra bàn bạc. Điều này rất khác với căn hộ của gia đình tôi ở Euclid, nơi cuộc sống diễn ra theo nề nếp và nhịp độ dễ đoán, nơi mà mối bận tâm của cha mẹ tôi ít khi nào nằm ngoài hạnh phúc và thành công của gia đình. Nhà Jackson dường như đang theo đuổi một điều gì đó to lớn hơn, phức tạp hơn và có vẻ có sức tác động hơn. Họ dấn thân ra bên ngoài; họ hướng đến một cộng đồng lớn, họ mang một sứ mệnh trọng đại. Santita và các em của mình được nuôi dạy để trở thành những người có hiểu biết về hoạt động chính trị. Họ biết phải tẩy chay cái gì và bằng cách nào. Họ tham gia tuần hành để ủng hộ hoạt động của cha mình. Họ theo ông đi công tác đến những nơi như Israel và Cuba, New York và Atlanta. Họ đứng trên sân khấu, trước những đám đông khổng lồ và học cách tiếp nhận những âu lo và tranh cãi gắn liền với việc cha mình là người của công chúng, đặc biệt là khi đó còn là một người cha da đen. Mục sư Jackson còn có vệ sĩ - những người đàn ông vạm vỡ và lặng lẽ đi cùng với ông. Khi đó tôi chỉ mang máng hiểu là sự an toàn của ông bị đe dọa.
Santita yêu thương cha mình và tự hào về những gì ông đang làm, nhưng cô cũng tìm cách sống cuộc sống của riêng mình. Chúng tôi hết lòng ủng hộ việc củng cố sức mạnh của thế hệ trẻ da đen trên khắp nước Mỹ, nhưng chúng tôi cũng hết sức muốn tới khu thương mại Water Tower Place trước khi đợt hạ giá giày K-Swiss kết thúc. Chúng tôi thường đi nhờ hoặc mượn xe. Tôi sống trong gia đình một-xe có hai bậc phụ huynh đều đi làm, thế nên cơ may mượn được xe bên nhà Jackson sẽ cao hơn vì cô Jackson có một chiếc station wagon ốp gỗ và một chiếc xe thể thao cỡ nhỏ. Đôi khi chúng tôi quá giang nhân viên của chú Jackson hoặc những vị khách thường lui tới nhà họ. Đổi lại, chúng tôi không được chủ động. Đây chính là bài học đầu tiên mà tôi vô tình học được về đời sống chính trị: lịch trình và kế hoạch dường như không bao giờ diễn ra đúng như dự định. Ngay cả khi chỉ là một người ngoài cuộc đứng ở rìa cơn lốc, bạn vẫn có thể cảm nhận được vòng xoáy của nó. Santita và tôi thường phải chờ đợi cha cô luôn có những việc đột xuất cần xử lý - một cuộc họp kéo dài hơn dự kiến hay một chuyến bay còn đang bay lòng vòng trên sân bay - hoặc phải ghé qua hàng loạt điểm đến mới-phát-sinh trước khi đến được điểm đến cuối cùng. Chúng tôi nghĩ mình đang được đi nhờ từ trường về nhà hay đến trung tâm mua sắm, nhưng thay vào đó, chúng tôi lại dừng chân ở một cuộc tuần hành chính trị bên khu West Side hoặc mắc kẹt hàng giờ liền trong trụ sở của Operation PUSH tại Công viên Hyde.
Một ngày nọ, hai đứa chúng tôi ngẫu nhiên xuất hiện giữa đám đông đang biểu tình ủng hộ Mục sư Jesse Jackson tại Lễ diễu hành Bud Billiken. Cuộc diễu hành này được đặt theo tên của nhân vật Bud Billiken trong loạt truyện từng được đăng báo ngày xưa. Đây cũng là một trong những sự kiện truyền thống có quy mô nhất South Side, diễn ra vào tháng Tám hàng năm - với cơ man các dàn nhạc lễ và xe phướn kéo dài gần ba cây số dọc theo đường Martin Luther King Jr., băng qua trung tâm khu vực sinh sống của người Mỹ gốc Phi, nơi trước kia từng có tên là Black Belt nhưng về sau đổi thành Bronzeville. Lễ diễu hành Bud Billiken là sự kiện thường niên kể từ năm 1929 và hướng đến lòng tự hào của người Mỹ gốc Phi. Nếu bạn là một nhà lãnh đạo cộng đồng hoặc chính trị gia, ít nhiều bạn phải có mặt và tham gia cuộc diễu hành này - đến tận ngày nay vẫn vậy.
Tôi không hề biết cơn lốc xoáy quanh cha của Santita bắt đầu tăng tốc. Chỉ còn vài năm nữa là Jesse Jackson chính thức tham gia tranh cử tổng thống Mỹ, nghĩa là ông có thể đã bắt đầu cân nhắc ý định này trong suốt thời gian tôi và Santita học trung học. Ngân sách được huy động. Các mối quan hệ cần được thiết lập. Tranh cử chức tổng thống, theo hiểu biết của tôi bây giờ, là một quá trình đòi hỏi mọi người liên quan phải dốc hết công sức. Bên cạnh đó, những chiến dịch tranh cử tốt thường cần nhiều sự sắp xếp và củng cố nền tảng - vốn có thể phải cần đến nhiều năm trời để hoàn thành. Với dự định tham gia tranh cử năm 1984, Jesse Jackson trở thành người Mỹ gốc Phi thứ hai trong lịch sử tổ chức vận động tranh cử một cách nghiêm túc, sau thất bại của nữ Hạ nghị sĩ Shirley Chisholm năm 1972. Tôi đoán là ông đã có phần nào suy tính về kế hoạch này vào thời điểm cuộc diễu hành diễn ra.
Điều mà tôi biết chính là cá nhân tôi không thích cảm giác khi xuất hiện ở ngoài kia, phơi mình dưới ánh mặt trời thiêu đốt, giữa những quả bóng bay, kèn tây, kèn trombone và một đám đông đang hò reo. Sự náo động này cũng thú vị, thậm chí có thể khiến người ta say sưa, nhưng có điều gì đó về sự kiện này, và về chính trị nói chung, khiến tôi cảm thấy khó chịu. Một phần là vì tôi thích mọi thứ phải gọn gàng và có kế hoạch từ trước, và theo tôi biết thì dường như không có một chút gì gọi là ngăn nắp trong đời sống chính trị. Cuộc diễu hành đó không nằm trong kế hoạch của tôi. Theo tôi nhớ thì Santita và tôi không hề có ý định tham gia. Chúng tôi bị lôi vào vào phút chót, có thể do cha hay mẹ của cô, hay ai đó trong phong trào đã kịp tóm lấy chúng tôi trước khi chúng tôi kịp hoàn thành dự định của mình. Nhưng tôi rất yêu quý Santita, và tôi cũng là đứa trẻ thường nghe lời dạy bảo của người lớn, thế nên tôi đã tham gia. Tôi đã liều mình bước vào cái ồn ào, nóng bức và quay cuồng của Cuộc diễu hành Bud Billiken.
Tối đó, tôi về nhà mình trên Đại lộ Euclid và thấy mẹ tôi đang cười to.
“Mẹ vừa thấy con trên ti-vi”, mẹ nói.
Bà xem bản tin thời sự và thấy tôi đang diễu hành bên cạnh Santita - tôi vẫy tay, mỉm cười và bước theo mọi người. Tôi đoán lý do bà cười là vì bà cũng nhận ra sự khó chịu của tôi, nhận ra tôi có thể đã bị lôi vào một chuyện không mong muốn.
ĐẾN LÚC CHỌN TRƯỜNG ĐẠI HỌC, Santita và tôi đều thích các trường ở Bờ Đông. Santita đã đến trường Harvard để tìm hiểu, nhưng rồi phải thất vọng khi một cán bộ tuyển sinh tỏ ra khó chịu với cô về hoạt động chính trị của cha cô, trong khi cô ấy chỉ muốn người ta nhìn nhận bản thân cô. Tôi dành một cuối tuần để đến Princeton thăm anh Craig. Anh ấy có vẻ đã hòa mình vào một nhịp sống năng động - chơi bóng rổ, học hành và vui chơi ở một trung tâm dành riêng cho sinh viên thuộc nhóm thiểu số trong khuôn viên trường. Trường Princeton rất rộng và đẹp - một trường thuộc Ivy League thật sự có dây thường xuân(3) bao phủ - và bạn bè của anh ấy có vẻ cũng tử tế. Tôi không nghĩ ngợi gì ngoài những chuyện này. Không ai trong gia đình tôi có nhiều trải nghiệm thực tế với trường đại học, nên tôi cũng không có nhiều điều để tranh luận hay tìm hiểu. Như xưa nay vẫn thế, tôi phát hiện tôi cũng thích những gì anh Craig thích, và bất cứ thứ gì anh ấy làm được thì tôi cũng sẽ làm được. Và vì thế, Princeton trở thành ngôi trường đứng đầu trong danh sách lựa chọn của tôi.
Đầu năm cuối cấp ở trường Whitney Young, tôi có buổi gặp gỡ bắt buộc đầu tiên với chuyên viên tư vấn tuyển sinh đại học của mình.
Tôi không có nhiều điều để kể về vị chuyên viên này, vì tôi đã cố tình và gần như ngay lập tức xóa bỏ ký ức về cuộc gặp gỡ hôm đó. Tôi không nhớ bà khoảng bao nhiêu tuổi, có màu da gì hay bà đã nhìn tôi như thế nào khi tôi xuất hiện trước cửa văn phòng của bà. Khi đó lòng tôi đang khấp khởi tự hào vì sắp được tốt nghiệp với thành tích thuộc nhóm 10% học sinh xuất sắc nhất lớp, từng được bầu làm thủ quỹ của lớp, được gia nhập Hội Học sinh Ưu tú Quốc gia; và tôi đã xóa bỏ nhận định rằng tôi sẽ xuất hiện với dáng vẻ một cô nữ sinh lớp chín e dè. Tôi không nhớ bà xem xét bảng điểm của tôi trước hay sau khi tôi thông báo là mình muốn nối gót anh trai vào trường Princeton mùa thu năm sau.
Thật ra, có thể trong cuộc gặp gỡ ngắn ngủi đó, giáo viên tư vấn đã nói với tôi vài điều tích cực và hữu ích, nhưng tôi không nhớ gì hết. Vì dù đúng hay sai thì tôi chỉ nhớ mãi một câu mà bà ấy thốt ra.
“Cô không chắc là em đủ khả năng học ở trường Princeton”, bà ấy vừa nói vừa trao cho tôi một nụ cười chiếu lệ và vẻ khinh thường.
Bà ấy đã phán xét chóng vánh và tùy tiện, hẳn là dựa trên một phép tính sơ sài nào đó về điểm số và kết quả thi của tôi. Tôi nghĩ đó là cách bà ấy vẫn làm mỗi ngày. Với dáng vẻ chuyên gia giàu kinh nghiệm, bà ấy nói với học sinh cuối cấp về việc nơi nào thích hợp và không thích hợp với họ. Tôi chắc là bà ấy nghĩ mình chỉ đang tỏ ra thực tế. Tôi không nghĩ bà ấy có chút đắn đo nào về cuộc trò chuyện giữa chúng tôi.
Nhưng như tôi đã nói, khi người ta liên tục bị gieo vào đầu cảm giác thất bại thì họ sẽ thất bại thật. Và tôi cảm thấy đó chính xác là điều mà bà ấy muốn làm - nói về thất bại trước khi tôi thử nỗ lực để thành công. Bà ấy nói tôi nên hạ mục tiêu xuống, một điều hoàn toàn trái ngược với những gì cha mẹ tôi dạy.
Nếu tôi tin lời bà ấy thì tuyên bố kia của bà hẳn đã bóp chẹt sự tự tin của tôi một lần nữa và khơi dậy điệp khúc xưa cũ, chưa đủ giỏi, chưa đủ giỏi.
Nhưng ba năm nỗ lực cùng những đứa trẻ giàu tham vọng ở Whitney Young đã dạy tôi rằng tôi có khả năng nhiều hơn thế. Tôi sẽ không để ý kiến của ai đó đánh bật mọi điều mà tôi cho rằng tôi hiểu về bản thân mình. Thay vào đó, tôi thay đổi phương pháp thực hiện mục tiêu của mình. Tôi nộp hồ sơ vào Princeton và chọn thêm vài trường khác, nhưng hoàn toàn không cần thêm bất kỳ nhận định nào từ vị chuyên viên tư vấn tuyển sinh đó nữa. Tôi tìm sự giúp đỡ của một người thật sự hiểu tôi: thầy Smith, trợ lý hiệu trưởng và cũng là hàng xóm của tôi. Thầy đã nhìn thấy thế mạnh trong học tập của tôi và tin tưởng để tôi chăm sóc các con của thầy. Thầy Smith đồng ý viết cho tôi một lá thư giới thiệu(4).
Tính đến nay, tôi rất may mắn được gặp đủ kiểu người phi thường và thành đạt - những nhà lãnh đạo thế giới, nhà phát minh, nhạc sĩ, phi hành gia, vận động viên, giáo sư, doanh nhân, nghệ sĩ, nhà văn, bác sĩ và các nhà nghiên cứu tiên phong. Một số (dẫu vẫn chưa đủ) trong số họ là phụ nữ. Một số (dẫu vẫn chưa đủ) là người da đen hoặc da màu. Một số được sinh ra trong nghèo khổ hoặc từng sống cuộc sống mà đối với nhiều người trong số chúng ta là nhiều nghịch cảnh đến mức bất công, nhưng họ vẫn sống như thể có được mọi lợi thế trên thế gian này. Điều mà tôi học được chính là: tất cả họ đều từng bị nghi ngờ. Vài người sẽ tiếp tục có một “bộ sưu tập” những kẻ chỉ trích và chuyên gia “bàn ra” - những người sẽ hét lên Tôi đã nói rồi mà mỗi khi họ phạm sai lầm hay vấp ngã. Sự phiền nhiễu đó sẽ không biến mất, nhưng những nhân vật thành công nhất mà tôi biết đã học cách sống chung với nó, cách hướng đến những người tin tưởng họ, và cách tiếp tục thực hiện mục tiêu của mình.
Ngày rời khỏi văn phòng tư vấn tuyển sinh tại Whitney Young, tôi giận sôi người. Cái tôi của tôi bị bầm dập hơn cả. Suy nghĩ duy nhất của tôi khi đó là Tôi sẽ chứng minh cho cô xem.
Nhưng sau đó tôi đã bình tĩnh lại và tiếp tục làm việc của mình. Tôi chưa bao giờ nghĩ vào đại học là chuyện dễ dàng, nhưng tôi đang học cách tập trung và đặt niềm tin vào câu chuyện của riêng mình. Tôi tìm cách trình bày tất cả những điều ấy vào bài luận tuyển sinh(5) của mình. Thay vì giả vờ là một đứa cực kỳ trí tuệ và sẽ vô cùng phù hợp với môi trường bên trong những bức tường phủ đầy dây thường xuân của Princeton, tôi viết về chứng đa xơ của cha và việc cả nhà tôi không có ai được học lên cao. Tôi thừa nhận và làm chủ một thực tế là tôi đang vươn đến một điều nằm ngoài tầm với. Trong hoàn cảnh của mình, vươn lên chính là tất cả những gì tôi có thể làm.
Và cuối cùng, tôi nghĩ tôi đã chứng tỏ được cho vị giáo viên tư vấn tuyển sinh kia thấy năng lực của mình, vì sáu hay bảy tháng sau đó, một lá thư đã được gửi đến hộp thư nhà chúng tôi trên Đại lộ Euclid. Đó là thư mời tôi nhập học trường Princeton. Đêm đó, cha mẹ và tôi đã ăn mừng bằng một chiếc pizza do cửa hàng Italian Fiesta giao tận nhà. Tôi gọi cho anh Craig và khoe tin mừng. Hôm sau tôi gõ cửa nhà thầy Smith và báo về việc tôi trúng tuyển, cảm ơn thầy đã hết lòng giúp đỡ tôi. Tôi chưa bao giờ ghé qua chỗ cô chuyên viên tư vấn tuyển sinh kia để nói với bà là bà đã sai, rằng thực tế thì tôi hoàn toàn có khả năng vào Princeton. Làm như thế không đem lại lợi ích gì cho tôi hay bà ấy. Mà xét cho cùng thì tôi đâu cần phải chứng minh điều gì với bà ấy. Tôi chỉ cần chứng tỏ bản thân mà thôi.
(1) Midwest: một trong bốn vùng địa lý chính thức của nước Mỹ, bao gồm 12 tiểu bang. Chicago là thành phố lớn nhất trong vùng này.
(2) Lớp nâng cao (Advance Placement - AP): Chương trình học nâng cao theo giáo trình đại học dành cho học sinh trung học tại các trường ở Mỹ và Canada. Học sinh đạt thành tích tốt trong chương trình này có thể được tuyển thẳng vào đại học.
(3) Cây thường xuân trong tiếng Anh là “Ivy”.
(4) Thư giới thiệu của giáo viên là một trong những hồ sơ bắt buộc khi học sinh nộp đơn xin nhập học các trường đại học ở Mỹ.
(5) Bài luận tuyển sinh là một trong những hồ sơ bắt buộc khi học sinh nộp đơn vào trường đại học ở Mỹ. Bài luận này trình bày nguyện vọng, lý do thí sinh muốn được nhập học tại trường.