MÙA HÈ NĂM 1981, cha lái xe chở tôi băng qua những xa lộ nối liền Illinois với New Jersey để tới Đại học Princeton. Nhưng đây không phải là một chuyến xe của cha và con gái như bình thường. Bạn trai tôi, David, cũng đi cùng. Tôi được mời tham gia chương trình định hướng kéo dài ba tuần vào mùa hè, một chương trình có mục đích nối liền khoảng cách giữa trung học và đại học, giúp một số tân sinh viên có thêm thời gian để thu xếp và hòa nhập vào môi trường mới. Tôi không biết chính xác chúng tôi được nhà trường nhận định như thế nào - phần nào trong hồ sơ nhập học của chúng tôi đã gợi ý với nhà trường là chúng tôi cần được hướng dẫn cách đọc đề cương chi tiết môn học hoặc cách đi lại giữa các tòa nhà trong khuôn viên trường. Nhưng hai năm trước anh Craig cũng đã tham gia chương trình này, và có vẻ đây là một việc hữu ích. Thế là tôi sửa soạn đồ đạc, tạm biệt mẹ và lên xe - hai mẹ con không hề có cảnh sụt sùi sướt mướt.
Một phần lý do khiến tôi hăm hở rời khỏi Chicago là vì vài tháng vừa qua tôi đã làm việc trong dây chuyền sản xuất tại một nhà máy đóng sách nhỏ ở trung tâm thành phố. Về cơ bản, nhiệm vụ của tôi là vận hành một khẩu súng bắn keo cỡ lớn - một công việc chán-muốn-chết lặp đi lặp lại suốt tám giờ đồng hồ một ngày, năm ngày mỗi tuần, và đóng vai trò là lời nhắc nhở mạnh mẽ nhất về việc đi học đại học quả là một ý kiến hay. Mẹ của David làm việc ở nhà máy đóng sách và đã giúp hai chúng tôi được nhận vào đây. Chúng tôi làm việc bên nhau suốt mùa hè, và điều này giúp cho giai đoạn cực khổ này trở nên dễ chịu hơn. David lớn hơn tôi hai tuổi, là một chàng trai thông minh, hiền lành, cao ráo và điển trai. Vài năm trước, David đã kết bạn với anh Craig trên sân bóng rổ ở Công viên Rosenblum khi tham gia các trận đấu ngẫu nhiên nhân dịp đến thăm họ hàng ở khu Euclid Parkway. Sau cùng, anh ấy bắt đầu hẹn hò với tôi. May là David theo học một trường đại học ở tiểu bang khác, nhờ vậy mà trong năm học tôi không bị phân tâm vì anh. Vào các kỳ nghỉ và suốt mùa hè, anh về nhà ở với mẹ tại khu vực phía tây nam Chicago và gần như ngày nào cũng lái xe đến đón tôi.
Tính tình David dễ chịu và có vẻ chín chắn hơn bất kỳ anh bạn trai nào tôi từng quen. Anh ngồi trên trường kỷ và cùng cha tôi xem các trận đấu bóng. Anh đùa giỡn với anh Craig và trò chuyện rất nhã nhặn với mẹ tôi. Chúng tôi bắt đầu có những lần hẹn họ đúng nghĩa - cùng ăn những bữa tối mà chúng tôi cho là sang trọng tại nhà hàng Red Lobster và đi xem phim với nhau. Chúng tôi hút thuốc và làm đủ trò trong xe của anh ấy. Lúc làm việc ở nhà máy đóng sách, chúng tôi miệt mài bắn keo, nói đủ thứ chuyện cho tới khi chẳng còn gì để nói nữa. Cả hai chúng tôi đều không thích thú gì công việc này, ngoài chuyện dành dụm tiền để đi học. Đằng nào tôi cũng sẽ sớm rời khỏi khu phố và không có dự định quay lại nhà máy đóng sách. Và quả thật tôi đã khởi hành được một nửa - tâm trí tôi đã sớm hướng đến Princeton.
Thế là vào buổi tối đầu tháng Tám đó, khi bộ ba cha-con gái-bạn trai của con gái cuối cùng cũng rời Xa lộ 1 và rẽ vào đại lộ có hàng cây rợp bóng mát dẫn vào khuôn viên trường đại học, tôi đã hoàn toàn sẵn sàng. Tôi đã sẵn sàng kéo hai chiếc vali vào ký túc xá dành cho sinh viên học chương trình định hướng mùa hè, sẵn sàng đập tay chào hỏi những cô cậu sinh viên khác cũng ở khu đó (chủ yếu là sinh viên thuộc nhóm thiểu số và thu nhập thấp, cùng với vài vận động viên thể dục thể thao). Tôi đã sẵn sàng để nếm thức ăn tập thể ở căng-tin, ghi nhớ bản đồ trường học và nghiên cứu tất cả các đề cương chi tiết môn học được cung cấp. Tôi đã đến nơi. Tôi đã ở đó. Tôi mười bảy tuổi, và cuộc đời của tôi đang diễn ra.
Chỉ có duy nhất một vấn đề, và đó là David, người bắt đầu trông có phần ủ ê ngay từ lúc chúng tôi vượt qua ranh giới bang Pennsylvania. Tôi nhận thấy anh ấy đã bắt đầu cảm thấy cô đơn khi chúng tôi khệ nệ lôi hành lý xuống xe. Chúng tôi hẹn hò với nhau đã được một năm. Chúng tôi đã thổ lộ tình cảm, nhưng đó là tình yêu trong phạm vi Đại lộ Euclid, sân bóng rổ Công viên Rosenblum và nhà hàng Red Lobster. Đó là tình yêu ở nơi mà tôi vừa rời đi. Trong lúc cha tôi mất thêm vài phút như thường lệ để bước xuống xe và đứng vững nhờ hai cây gậy, David và tôi im lặng đứng cạnh nhau trong ánh hoàng hôn, quan sát thảm cỏ đẹp như viên kim cương không tì vết trước khu ký túc xá của tôi, vốn là một tòa lâu đài bằng đá. Tôi nghĩ khi đó cả hai chợt nhận ra rằng có những chuyện quan trọng chưa được bàn đến, rằng có lẽ chúng tôi có quan điểm khác nhau về việc đây là sự chia xa tạm thời hay là sự tan vỡ bởi xa mặt cách lòng. Chúng tôi sẽ đến thăm nhau chứ? Chúng tôi có viết thư tình cho nhau hay không? Chúng tôi sẽ nỗ lực cho mối quan hệ này đến mức nào?
David chân thành nắm tay tôi. Lòng tôi ngổn ngang. Tôi biết mình muốn gì nhưng không sao tìm được lời lẽ để diễn tả. Tôi đã hy vọng một ngày nào đó mình sẽ ngây ngất trước cảm xúc dành cho một người đàn ông, sẽ bị cuốn vào cơn sóng tình yêu mãnh liệt, thứ tạo nên những câu chuyện tình đẹp nhất. Cha mẹ tôi yêu nhau thuở còn niên thiếu. Cha tôi thậm chí còn đưa mẹ đến dự buổi vũ hội trung học. Tôi biết chuyện tình tuổi học trò đôi khi cũng là tình yêu đích thực và vững bền. Tôi muốn tin là có một người đàn ông sẽ xuất hiện và trở thành tất cả trong cuộc đời tôi - một người quyến rũ và kiên định, người có sức ảnh hưởng tức khắc và sâu sắc đến mức tôi sẵn sàng sắp xếp lại những mối ưu tiên của mình.
Chỉ là người đàn ông đó không phải chàng trai đang đứng trước mặt tôi lúc này.
Cuối cùng cha tôi cũng phá vỡ sự yên lặng giữa tôi và David bằng cách nói rằng đã đến lúc mang đồ đạc vào ký túc xá. Ông đã đặt trước một phòng nghỉ lại trong thị trấn cho ông và David. Họ định quay về Chicago vào hôm sau.
Tôi đã ôm cha thật chặt trong bãi đậu xe. Cánh tay ông vẫn luôn mạnh mẽ từ năm tháng tuổi trẻ dành cho môn quyền Anh và bơi lội, và giờ đây càng thêm rắn chắc vì phải chống gậy khi đi lại.
“Ngoan nhé, Miche”, ông nói và buông tôi ra, vẻ mặt không có gì khác ngoài lòng tự hào.
Sau đó ông quay vào xe, rất tinh tế trao cho tôi và David chút riêng tư.
Chúng tôi đứng bên nhau trên vệ đường, cả hai đều ngượng ngùng và không biết phải làm sao. Tim tôi rung lên vì cảm xúc khi David cúi xuống hôn tôi. Đây luôn là phần tốt đẹp.
Nhưng tôi vẫn biết. Tôi biết khi mình đang vòng tay ôm một chàng trai Chicago tử tế, người thật lòng quan tâm tôi, thì cách đó không xa chúng tôi vẫn có một con đường sáng đèn dẫn ra khỏi bãi xe, đi lên một ngọn đồi thấp để đến một khoảnh sân mà chỉ còn ít phút nữa thôi sẽ trở thành hoàn cảnh mới, thế giới mới của tôi. Lần đầu tiên tôi cảm thấy lo lắng về chuyện phải xa nhà, phải rời bỏ cuộc sống duy nhất mà tôi từng biết đến. Nhưng một phần nào đó trong tôi hiểu tốt hơn hết là hãy kết thúc gọn gàng và dứt khoát, không bám víu vào bất cứ điều gì. Ngày hôm sau, David gọi điện đến ký túc xá gặp tôi, hỏi xem chúng tôi có thể tranh thủ đi ăn hoặc đi dạo một vòng quanh trường trước khi anh về Chicago hay không. Tôi đã ngập ngừng nói về việc mình bận rộn ở trường đến thế nào, rằng tôi không nghĩ chuyện này sẽ có kết quả. Lời tạm biệt của chúng tôi đêm đó thật sự là lời chia tay. Lẽ ra khi đó tôi nên thẳng thắn nói với anh, nhưng tôi đã hèn nhát rút lui vì biết đó là những lời gây tổn thương, cho cả người nói lẫn người nghe. Thay vào đó, tôi chỉ để anh rời đi.
HÓA RA CÓ NHIỀU ĐIỀU MÀ TÔI CHƯA BIẾT về cuộc sống, hay ít nhất là cuộc sống ở trường Princeton vào đầu những năm 1980. Sau vài tuần tràn trề năng lượng trong vai sinh viên khóa hè, bao quanh bởi vài chục sinh viên khác cũng có vẻ dễ gần và có nhiều điểm giống mình, học kỳ mùa thu chính thức bắt đầu và một lượng sinh viên khổng lồ lũ lượt kéo vào trường. Tôi dọn sang ký túc xá mới, ở trong một phòng ba người ở Nhà Pyne. Sau đó, tôi nhìn qua ô cửa sổ phòng mình ở tầng ba để xem hàng ngàn sinh viên ùa vào khuôn viên trường, đa số là người da trắng. Họ mang theo máy nghe nhạc, chăn lông ngỗng và một đống quần áo. Một số đến trường bằng xe limo. Có một cô gái đã dùng hai chiếc limo - loại thân dài - để chở hết đồ đạc của mình.
Trường Princeton có lượng sinh viên da trắng áp đảo và rất đông nam sinh. Đó là một thực tế rõ ràng. Lượng nam sinh nhiều gần gấp đôi nữ sinh. Sinh viên da đen chiếm chưa tới 9% trong lớp tôi. Nếu trong khóa học hè chúng tôi bắt đầu có cảm giác mình thuộc về nơi này, thì giờ đây chúng tôi trở thành một dị biệt rõ rệt - những hạt mè đen trong một chén cơm trắng. Mặc dù trường Whitney Young ít nhiều cũng là môi trường đa dạng, nhưng tôi chưa từng gia nhập một cộng đồng có người da trắng chiếm đa số như ở đây. Tôi chưa bao giờ nổi bật giữa đám đông hoặc trong lớp học vì màu da của mình. Cảm giác đó thật kỳ lạ và khó chịu, ít nhất ban đầu là vậy, như thể tôi bị thả vào một khu vườn lạ lẫm, một môi trường sống không dành cho mình.
Nhưng rồi bạn sẽ học được cách thích nghi. Một số điều chỉnh là rất dễ dàng - gần như là nhẹ nhõm. Chẳng hạn như không mấy ai bận tâm về vấn đề tội phạm. Sinh viên không khóa cửa phòng, họ dựng xe đạp khơi khơi bên ngoài các tòa nhà, họ lơ đễnh để bông tai bằng vàng trên bồn rửa phòng tắm ở ký túc xá. Dường như họ có niềm tin vô hạn vào thế giới và bước tiến của họ trong thế giới này hoàn toàn được đảm bảo. Đó là điều mà tôi phải tập làm quen. Tôi đã âm thầm bảo vệ tài sản của mình suốt những năm ngồi xe buýt đi học ở Whitney Young. Khi đi bộ về nhà trên Đại lộ Euclid vào buổi tối, tôi kẹp chặt chìa khóa giữa hai khớp ngón tay và chĩa ra ngoài, sẵn sàng để tự vệ khi cần.
Tại Princeton, dường như thứ duy nhất tôi cần bận tâm chính là chuyện học hành. Mọi thứ còn lại đều được thiết kế để mang đến sự thoải mái tối đa cho sinh viên chúng tôi. Căng-tin phục vụ năm thực đơn khác nhau cho bữa sáng. Sân trường có những cây sồi tán rộng nơi chúng tôi thường ngồi đọc sách và những bãi cỏ xanh rì trải dài để chúng tôi giải tỏa căng thẳng bằng trò ném đĩa bay. Thư viện trung tâm trông như một thánh đường của cựu thế giới, với trần cao và những chiếc bàn gỗ sơn bóng, nơi chúng tôi có thể bày sách vở để ngồi học trong yên lặng. Chúng tôi được bảo vệ, che chở và chăm sóc. Tôi cũng nhận ra là có rất nhiều đứa trẻ chưa bao giờ biết đến điều gì khác trong đời.
Đi kèm tất cả những điều này là các từ vựng mới, những khái niệm mà tôi cần phải thành thạo. “Precept” (phương châm) là gì? “Reading period” (thời gian ôn tập) là gì? Trước đây, chưa ai giải thích cho tôi biết ý nghĩa của các tấm trải giường “siêu dài” trong danh sách các vật dụng cá nhân phải mang theo đến trường, điều đó đồng nghĩa với việc tôi đã mua bộ khăn trải giường quá ngắn, và do đó suốt cả năm nhất tôi phải ngủ với hai bàn chân gác lên phần nhựa của tấm đệm trên giường ký túc xá. Đặc biệt là có một sự khác biệt rõ về trải nghiệm học tập khi bàn đến thể thao. Tôi có nền tảng vững chắc về bóng bầu dục, bóng rổ và bóng chày, nhưng hóa ra học sinh dự bị đại học ở East Coast còn biết nhiều hơn thế. Trước hết là môn bóng vợt. Sau đó là khúc côn cầu trên cỏ. Rồi có cả môn bóng quần. Một đứa trẻ đến từ South Side có thể hơi bối rối trước tất cả những thứ này. “Cậu trong đội chèo(1) hả?” Đội chèo là cái gì?
Tôi chỉ có duy nhất một lợi thế, cùng là lợi thế mà tôi vẫn luôn có từ hồi học mẫu giáo: tôi là em gái của Craig Robinson. Anh Craig giờ đây đang học năm ba và là một vận động viên hàng đầu trong đội bóng chính thức của trường. Vẫn như trước giờ, anh ấy có nhiều người hâm mộ. Thậm chí nhân viên bảo vệ của trường cũng chào anh ấy hẳn bằng tên. Anh Craig có một cuộc sống sôi động, và tôi phần nào đã có mặt trong cuộc sống đó. Tôi quen biết các đồng đội của anh và bạn bè của bọn họ. Một đêm nọ tôi đi ăn tối với anh ở bên ngoài ký túc xá, tại một ngôi nhà cực kỳ tiện nghi của một trong những nhà tài trợ cho đội bóng. Trên bàn ăn đó, tôi đã bắt gặp một cảnh tượng lạ lẫm, một món ăn mà như rất nhiều món ăn khác ở Princeton đòi hỏi chúng ta phải học cách ăn sao cho lịch thiệp - một bông atisô lởm chởm màu xanh lá được đặt trên một chiếc đĩa sứ màu trắng.
Anh Craig đã tìm được chỗ ở cho suốt năm học. Anh nhận làm nhân viên chăm sóc tòa nhà để đổi lấy một phòng ngủ miễn phí ở tầng trên của tòa nhà Third World Center (Trung tâm thế giới thứ ba), một đơn vị trực thuộc trường Princeton với sứ mệnh tốt đẹp - dù tên gọi không được đẹp lắm - là hỗ trợ sinh viên da màu. (Mãi đến hai mươi năm sau Third World Center mới được đổi tên thành Carl A. Fields Center for Equality and Cultural Understanding (Trung tâm Tìm hiểu Văn hóa và Bình đẳng Carl A. Fields) - đặt theo tên vị hiệu trưởng người Mỹ gốc Phi đầu tiên của Princeton.) Trung tâm nằm trong một tòa nhà gạch đỏ tại một góc của Đại lộ Prospect. Đại lộ này cũng là nơi mà những vị trí đẹp nhất thuộc về các câu lạc bộ ẩm thực có trụ sở là những tòa nhà mang dáng dấp dinh thự hoặc theo phong cách Tudor. Câu lạc bộ ẩm thực có vai trò như hội nam sinh, là nơi sinh viên của trường đến ăn uống và giao lưu với nhau.
Third World Center - đa số sinh viên chúng tôi vẫn gọi tắt là TWC - nhanh chóng trở thành cứ địa của tôi. Đó là nơi tổ chức các bữa tiệc và các bữa ăn mà chúng tôi cùng nhau nấu nướng. Ở đó có các gia sư tình nguyện giúp đỡ sinh viên làm bài tập và có không gian để giao lưu kết bạn. Tôi đã nhanh chóng làm quen với một nhóm bạn trong khóa học hè, và nhiều người trong số chúng tôi đều đến TWC mỗi khi rảnh rỗi. Trong số họ có Suzanne Alele. Suzanne là một cô gái có dáng người cao gầy, đôi chân mày đậm và mái tóc dày đen óng gợn sóng sau lưng. Cô sinh ra ở Nigeria và lớn lên ở Kingston, quốc đảo Jamaica, nhưng sau đó gia đình cô đã dọn đến Maryland khi cô còn là thiếu niên. Có lẽ vì vậy mà cô ấy có vẻ không bị gò bó trong bất kỳ khuôn khổ văn hóa nào. Suzanne rất cuốn hút. Đó là một điều khó lòng cưỡng lại nổi. Cô ấy có nụ cười rất tươi và giọng nói mang chút âm điệu của vùng đảo, thứ âm điệu nhịp nhàng mà cô sẽ thể hiện rõ hơn mỗi khi mệt mỏi hoặc ngà ngà say. Suzanne có phong thái mà tôi gọi là sự hoạt bát của vùng Caribbean, một tinh thần vui tươi khiến cô nổi bật giữa đám mọt sách ở Princeton. Cô không ngại bước vào các bữa tiệc mà không quen biết một ai ở đó. Dù đang chuẩn bị vào trường y nhưng cô vẫn học làm gốm và các lớp dạy nhảy, đơn giản vì việc đó khiến cô vui vẻ.
Về sau, trong năm thứ hai đại học, Suzanne còn có một hành động liều lĩnh khác là quyết định “bicker” tại câu lạc bộ ẩm thực Cap and Gown - “bicker” là một động từ có ý nghĩa đặc thù tại Princeton, được dùng để chỉ việc sinh viên năm dưới tham gia sinh hoạt tại câu lạc bộ để được bình chọn làm thành viên mới. Tôi thích nghe những câu chuyện mà Suzanne kể lại từ những bữa tiệc mà cô tham gia ở các hội ẩm thực, nhưng không hứng thú lắm với “bicker”. Tôi cảm thấy vui với cộng đồng sinh viên da đen và sinh viên gốc châu Mỹ La-tinh mà tôi gặp gỡ tại TWC, hài lòng với việc ở bên lề của một xã hội rộng lớn hơn tại Princeton. Nhóm chúng tôi dẫu nhỏ nhưng đoàn kết. Chúng tôi tổ chức tiệc tùng và nhảy múa đến tận nửa đêm. Tại các bữa ăn, chúng tôi thường ngồi một bàn mười người hoặc hơn, thoải mái cười đùa cùng nhau. Các bữa ăn tối của chúng tôi kéo dài nhiều giờ, chẳng khác gì những bữa ăn có đủ mọi thành viên trong gia đình ở nhà ông Southside của tôi.
Tôi nghĩ những vị quản lý ở Princeton không mấy hài lòng với việc sinh viên da màu chỉ tụ tập với nhau. Mong muốn của họ là tất cả chúng tôi sẽ hòa nhập với nhau thành một tập thể đa dạng, củng cố toàn diện chất lượng đời sống sinh viên. Đó là một mục tiêu ý nghĩa. Tôi hiểu là khi đề cập tới sự đa dạng ở trường đại học, kết quả lý tưởng là những gì thường được thể hiện trong hồ sơ giới thiệu của trường - hình ảnh các sinh viên tươi cười, cùng nhau học tập và sinh hoạt trong những nhóm đa chủng tộc. Nhưng kể cả hiện tại, khi lượng sinh viên da trắng tiếp tục áp đảo sinh viên da màu ở các trường đại học, gánh nặng hòa nhập chủ yếu đặt trên vai các sinh viên thuộc nhóm thiểu số. Theo kinh nghiệm bản thân, tôi nghĩ đó là một đòi hỏi thái quá.
Ở Princeton, tôi cần những người bạn da đen của mình. Chúng tôi hỗ trợ và giúp đỡ lẫn nhau. Rất nhiều người trong số chúng tôi vào đại học mà không biết bất lợi của mình là gì. Bạn chỉ dần dần nhận ra bạn bè của mình đã từng được luyện thi chứng chỉ SAT(2) hoặc được dạy theo chương trình tương đương với trình độ đại học từ hồi trung học, hoặc họ đã có kinh nghiệm học trường nội trú, và vì thế không phải đối mặt với những khó khăn khi phải xa nhà lần đầu. Chuyện này cũng giống như việc bạn bước lên sân khấu trong lần biểu diễn dương cầm đầu tiên trong đời và nhận ra từ trước đến nay bạn chỉ biết chơi một cây dương cầm có phím sứt mẻ. Thế giới của bạn thay đổi, và bạn buộc phải điều chỉnh để thích nghi, để trình diễn âm nhạc như tất cả những người khác.
Đương nhiên, điều này hoàn toàn khả thi - những sinh viên thuộc nhóm thiểu số và chịu nhiều thiệt thòi luôn phải vượt qua nghịch cảnh - nhưng họ phải có nghị lực. Phải rất có nghị lực ghê gớm thế nào mới có thể là một sinh viên da đen duy nhất trong giảng đường, là một trong số ít sinh viên da đen thử vai cho một vở kịch hoặc gia nhập một đội thể thao của trường. Bạn cần rất nhiều nỗ lực - và cả một sự tự tin nhiều hơn bình thường - để nói lên quan điểm và khẳng định bản thân trong những hoàn cảnh đó. Đó là lý do khi gặp nhau vào mỗi tối, tôi và bạn bè mình đều cảm thấy nhẹ nhõm phần nào. Chúng tôi thường ở lại bên nhau thật lâu để tận hưởng những tràng cười thoải mái.
Hai người bạn da trắng cùng phòng của tôi ở Nhà Pyne đều cực kỳ tử tế, nhưng tôi không có mặt ở ký túc xá thường xuyên để xây dựng bất cứ tình bạn khắng khít nào với họ. Trên thực tế, tôi chẳng có bao nhiêu bạn bè là người da trắng. Ngẫm lại, tôi nhận ra mình cũng có lỗi trong chuyện này. Tôi đã quá thận trọng. Tôi quanh quẩn trong những điều mình biết. Thật khó diễn tả thứ cảm giác mà đôi khi rất mơ hồ và khó diễn tả bằng lời, thứ cảm giác âm thầm và đau đớn của việc bạn không thuộc về nơi này - những dấu hiệu nhỏ mách bảo bạn chớ liều lĩnh mà hãy tìm những người giống mình và đừng manh động.
Cathy, một trong hai người bạn cùng phòng của tôi, nhiều năm sau này từng xuất hiện trên một bản tin và ngượng ngùng kể lại một chuyện mà hồi còn ở cùng phòng với nhau trong ký túc xá tôi đã không hề biết: mẹ của cô, một giáo viên quê ở New Orleans, đã khó chịu với việc con gái mình bị xếp ở cùng phòng với một người da đen tới mức bà liên tục yêu cầu nhà trường phải tách chúng tôi ra. Bà ấy cũng trả lời phỏng vấn về việc này, xác nhận câu chuyện đó và cung cấp thêm thông tin. Bà được sinh ra và lớn lên trong một gia đình thường sử dụng những từ ngữ tồi tệ nhất để nói về người da đen và có một người ông là cảnh sát trưởng hay khoe khoang về thành tích đuổi người da đen ra khỏi thị trấn, do đó bà cảm thấy “kinh sợ”, từ mà bà đã sử dụng, với chuyện tôi ở gần con gái của bà.
Tất cả những gì tôi biết vào lúc đó là vào khoảng giữa năm nhất, Cathy đã dọn khỏi phòng ba người của chúng tôi và chuyển sang một phòng đơn. Tôi mừng vì lúc đó mình đã không biết lý do.
GÓI HỌC BỔNG HỖ TRỢ HỌC TẬP của tôi tại Princeton bắt buộc tôi phải vừa học vừa làm, và tôi đã tìm được một công việc bán thời gian tốt: tôi được thuê làm trợ lý cho giám đốc của TWC. Tôi làm ở đó khoảng mười giờ đồng hồ một tuần, vào những lúc không có tiết học. Công việc của tôi là trực bàn cùng với Loretta, cô thư ký toàn thời gian, và đánh máy những ghi nhớ cần thiết, trả lời điện thoại, giải đáp thắc mắc và hướng dẫn cho những sinh viên muốn bỏ ngang một khóa học nào đó hoặc muốn đăng ký tham gia bếp ăn cộng đồng. Văn phòng nằm ở góc trước của tòa nhà, có các cửa sổ ngập nắng và mấy món đồ nội thất không đồng bộ với nhau mang đến cảm giác đây là một tư gia hơn là một công trình chính quy thuộc biên chế trường đại học. Tôi thích cảm giác khi được ở đó và được làm những công việc văn phòng. Tôi thích cảm giác thỏa mãn nho nhỏ mỗi khi sắp xếp xong một việc gì đó. Nhưng hơn hết thảy, tôi yêu quý chị sếp Czerny Brasuell của mình.
Czerny là một phụ nữ da đen thông minh và xinh đẹp. Chị chỉ mới xấp xỉ ba mươi tuổi và là một công dân New York nhanh nhẹn, năng động. Chị hay mặc quần jeans ống loe, mang giày mũi nhọn và dường như lúc nào cũng có bốn hay năm ý nghĩ gì đó trong đầu. Với sinh viên da màu ở Princeton, chị ấy là một cố vấn siêu cấp, một người bảo hộ cực kỳ sành điệu và trực tính, và vì thế chị rất được mọi người quý trọng. Trong văn phòng, chị đảm nhiệm nhiều dự án khác nhau - vận động ban giám hiệu trường thực thi các chính sách hỗ trợ sinh viên thiểu số, đấu tranh cho từng sinh viên và nhu cầu của họ, đồng thời nghĩ ra những ý tưởng để cải thiện nơi làm việc của chúng tôi. Chị thường đến trễ, lao vào trung tâm trong lúc cầm một đống giấy tờ, miệng phì phèo một điếu thuốc và đeo túi xách một bên vai, vừa đi vừa ra lệnh tôi và Loretta. Ở bên cạnh chị quả là một trải nghiệm cực kỳ thú vị - tôi có được cái nhìn cận cảnh nhất mà mình từng có về một phụ nữ độc lập đang làm công việc mình say mê. Chị ấy là một người mẹ đơn thân. Tôi thường giúp chị trông Jonathan - đứa con trai đáng yêu và phát triển trước tuổi của chị.
Chị Czerny nhìn thấy tiềm năng nào đó nơi tôi, dù rõ ràng là tôi thiếu kinh nghiệm sống. Chị đối xử với tôi như với một người trưởng thành, chị hỏi ý kiến của tôi, chăm chú lắng nghe khi tôi mô tả nhiều mối bận tâm khác nhau cũng như những thủ tục hành chính phức tạp mà sinh viên băn khoăn. Chị có vẻ quyết tâm khơi dậy sự táo bạo trong tôi. Rất nhiều câu hỏi của chị bắt đầu bằng “Đã bao giờ…”. Chẳng hạn, “Đã bao giờ em đọc tác phẩm của James Cone chưa?”, “Đã bao giờ em thắc mắc về những đầu tư của Princeton ở Nam Phi chưa, hoặc chúng ta có thể làm gì nữa để tuyển thêm sinh viên thuộc nhóm thiểu số?”. Đa số các câu trả lời của tôi là chưa, nhưng một khi chị đã nhắc tới thì tôi lập tức hứng thú với vấn đề đó.
“Đã bao giờ em đến New York chưa?”, một ngày kia chị hỏi tôi.
Một lần nữa, câu trả lời của tôi là chưa, và chị Czerny nhanh chóng thay đổi thực tế ấy. Một sáng thứ Bảy, chúng tôi - gồm có tôi, nhóc Jonathan và một người bạn khác cũng làm việc tại TWC - lên xe của chị và để chị lái xe hết tốc lực về hướng Manhattan, vừa nói chuyện vừa đốt thuốc suốt chặng đường. Bạn có thể cảm thấy có điều gì đó được giải phóng khi chị ấy lái xe - một sự căng thẳng nào đó được tháo gỡ khi những trang trại nuôi ngựa có hàng rào trắng quanh Princeton nhường chỗ cho những xa lộ ngột ngạt, và sau đó là những tòa tháp cao chốn thành thị đang hiện ra trước mắt chúng tôi. New York là nhà của chị Czerny, như Chicago là nhà của tôi. Bạn không thật sự biết mình gắn bó với quê nhà đến mức nào, cho đến lúc bạn rời xa nơi đó, cho đến lúc bạn trải nghiệm cảm giác bị tách lìa, như một cái nút bần trôi nổi trên đại dương của chốn khác.
Chẳng mấy chốc chúng tôi đã ở trong nội thành đông đúc của New York, bị kẹt giữa dòng xe taxi màu vàng và tiếng còi xe inh ỏi trong lúc chị Czerny lái xe lao qua những chốt đèn giao thông, chỉ chịu thắng gấp vào phút chót để dừng đèn đỏ. Tôi không nhớ chính xác chúng tôi đã làm gì hôm đó. Tôi chỉ biết chúng tôi đã ăn pizza. Chúng tôi tham quan Trung tâm Rockerfeller, lái qua Công viên Trung tâm và nhìn thấy tượng Nữ thần Tự do với ngọn đuốc hy vọng giơ cao. Nhưng chúng tôi đến New York là có lý do. Chị Czerny dường như đang nạp lại năng lượng cho tâm hồn mình bằng cách hoàn thành danh sách những việc lặt vặt cần làm. Chị giao và nhận vài món đồ. Chị đậu xe ngay cạnh một chiếc xe khác trên các con phố tấp nập để chạy vào các tòa nhà rồi lại nhanh chóng chạy ra, dẫn đến những tràng kèn inh ỏi từ các tài xế khác, trong khi chúng tôi bất lực ngồi chịu trận trong xe. New York khiến tôi choáng ngợp. Nó vội vã và ồn ào, kém kiên nhẫn hơn Chicago. Nhưng chị Czerny lại tràn ngập sinh khí, không chút lúng túng trước những khách bộ hành băng qua đường một cách ẩu tả và mùi nước tiểu cũng như những đống rác bốc mùi bên vệ đường.
Khi đang liếc nhìn kính chiếu hậu để chuẩn bị tấp vào lề một lần nữa thì chị chợt đổi ý. Thay vì đậu xe, chị ra hiệu cho tôi - lúc này đang ngồi ở hàng ghế sau - trườn lên trước và nắm tay lái.
“Em có bằng lái mà đúng không?”, chị Czerny hỏi. Khi tôi vừa gật đầu xác nhận, chị nói luôn, “Ngon lành. Cầm lái đi. Em chỉ cần lái một vòng thật chậm quanh dãy nhà, hoặc hai vòng, rồi quay lại đây. Chị sẽ quay lại sau bốn, năm phút gì đó, hứa đó”.
Tôi nhìn chị Czerny như thể chị ấy đã hóa rồ. Tôi nghĩ chị khùng rồi nên mới cho rằng tôi có thể lái xe ở Manhattan. Tôi là một đứa tuổi teen, một kẻ xa lạ trong cái thành phố bất tuân luật lệ này, một đứa mà tôi cho là vừa thiếu kinh nghiệm vừa không có khả năng lái xe của chị, chứ đừng nói là lái xe chở con trai của chị đánh một vòng giết thời gian trên những con đường đông đúc của buổi chiều muộn. Nhưng sự chần chừ của tôi chỉ gợi lên một thứ ở chị Czerny, thứ mà về sau tôi đã luôn gắn nó với con người New York - đó là bản năng tức thời đẩy lùi những suy nghĩ vụn vặt. Chị phóng ra khỏi xe, chẳng cho tôi lựa chọn nào khác ngoài việc phải cầm lấy tay lái. Đừng dè dặt nữa và hãy tận hưởng cuộc sống một chút đi, đó chính là thông điệp của chị Czerny.
LÚC BẤY GIỜ TÔI ĐANG CẮM ĐẦU VÀO HỌC. Tôi học hành rất bài bản, nỗ lực hết sức trong lớp, tự học trong căn phòng yên tĩnh tại TWC hoặc tại phòng tự học ở thư viện. Tôi học cách viết hiệu quả, cách suy nghĩ phản biện. Tôi vô tình đăng ký một lớp thần học nâng cao khi chỉ đang học năm nhất và phải vất vả để theo kịp chương trình, cuối cùng tôi phải dốc toàn lực vào bài thi cuối kỳ để cứu vớt điểm số của mình. Quá trình đó chẳng hay ho gì, nhưng tôi cảm thấy được khích lệ vì nó là bằng chứng cho việc tôi có khả năng vượt qua gần như mọi thử thách. Vì biết mình vẫn còn nhiều khiếm khuyết do đến từ một trường trung học ở vùng Midwest, nên tôi luôn cố bù đắp bằng cách nỗ lực nhiều hơn, hỏi xin sự trợ giúp khi cần, học cách điều chỉnh nhịp độ và không bao giờ trì hoãn.
Thế nhưng, một đứa trẻ da đen trong môi trường phần lớn là học sinh da trắng khó lòng tránh được cảm giác bị đối xử khác biệt. Bạn gần như có thể đọc được sự thận trọng trong cách nhìn của một số sinh viên và thậm chí cả giảng viên, như thể họ muốn nói, “Tôi biết tại sao em/bạn ở đây”. Những khoảnh khắc đó có thể khiến tôi suy sụp tinh thần, ngay cả khi tôi biết một phần là do tôi tưởng tượng chứ không có thật. Nó gieo vào tâm trí tôi mầm mống của sự nghi ngờ. Có phải tôi có mặt ở đây chỉ vì một thể nghiệm xã hội nào đó?
Tuy vậy, tôi dần hiểu ra là chỉ tiêu tuyển sinh có rất nhiều dạng khác nhau. Là nhóm thiểu số, chỉ tiêu của chúng tôi là dễ nhận thấy nhất, nhưng rõ ràng là có những tiêu chí đặc biệt được đặt ra để tuyển đủ loại sinh viên có điểm số hoặc thành tích học tập không đáp ứng tiêu chuẩn thông thường. Khó mà gọi đó là một chế độ dựa trên năng lực học tập. Chẳng hạn như có những vận động viên được đặc cách nhập học. Rồi có những sinh viên thuộc dạng con ông cháu cha, hoặc là thành viên của những gia tộc đã góp phần xây dựng một công trình, một ký túc xá hoặc một thư viện trong trường. Tôi cũng nhận ra rằng sự giàu có không bảo bọc ai trước sự thất bại. Tôi chứng kiến các sinh viên xung quanh mình đang kiệt sức - dù là da trắng hay da đen, có hay không có đặc quyền. Một số sa đà vào những bữa tiệc tùng hàng đêm, số khác bị vùi dập bởi gánh nặng phải đáp ứng một thành tích học tập lý tưởng nào đó, và một số thì chỉ đơn giản là quá lười hoặc cảm thấy không hợp với khả năng của mình nên phải rời đi. Đối với tôi, nhiệm vụ của tôi là phải vững vàng, đạt thành tích tốt nhất có thể và hoàn tất chương trình học.
Sang năm hai, khi Suzanne và tôi cùng dọn sang một phòng đôi, tôi đã học được cách xoay xở tốt hơn. Tôi đã quen hơn với việc mình là một trong số ít những sinh viên da màu giữa giảng đường đông nghẹt. Tôi cố gắng không cảm thấy bị lép vế khi nam sinh áp đảo trong các cuộc thảo luận trên lớp, mà chuyện này thì khá phổ biến. Khi nghe họ nói, tôi nhận ra họ cũng không thông minh gì hơn chúng tôi. Họ chỉ được bơm thêm sự mạnh dạn nhờ tư tưởng cố hữu của kẻ mạnh, thứ được duy trì đến ngày nay vì họ chưa từng được dạy bất kỳ điều gì khác.
Một số người bạn của tôi cảm nhận sự khác biệt rõ hơn tôi. Cậu bạn Derrick nhớ là các sinh viên da trắng đã từ chối nhường đường khi cậu ấy đi cùng lối với họ. Một cô gái khác mà chúng tôi quen đã rủ sáu người bạn đến phòng ký túc xá vào một đêm nọ để mừng sinh nhật, và họ nhanh chóng bị dẫn tới phòng trưởng khoa vì cô bạn da trắng cùng phòng rõ ràng là không cảm thấy thoải mái khi có “những gã da đen to con” trong phòng mình. Tôi nghĩ số lượng sinh viên nhóm thiểu số chúng tôi tại Princeton là quá ít ỏi nên sự hiện diện của chúng tôi luôn gây chú ý. Về cơ bản, tôi xem thực tế này là một mệnh lệnh cho bản thân để trở nên giỏi giang hơn, để làm mọi điều tôi có thể nhằm bắt kịp, hoặc thậm chí là vượt lên, những người có nhiều lợi thế hơn mình. Cũng như chuyện đã xảy ra ở Whitney Young, sự cố gắng hết mình của tôi một phần đến từ cảm giác muốn chứng tỏ bản thân. Nếu hồi trung học tôi cảm thấy như mình đang đại diện cho khu phố nhà tôi, thì giờ đây ở Princeton, tôi đang đại diện cho chủng tộc của mình. Bất cứ khi nào khẳng định được tiếng nói của mình trong lớp hay hoàn thành tốt một kỳ thi, tôi lặng lẽ hy vọng rằng mình đã góp phần vào một điều gì đó to lớn hơn.
Tôi nhận ra Suzanne không phải là một người cả nghĩ. Tôi đặt cho cô ấy biệt danh Screwzy vì cách cô nàng sử dụng thời gian một cách không hiệu quả và lòng vòng. Đa số những quyết định của cô - về việc hẹn hò cùng ai hoặc học môn nào - chủ yếu đều căn cứ vào mức độ vui vẻ mà lựa chọn đó mang lại. Và khi không còn gì vui nữa thì Suzanne nhanh chóng đổi hướng. Trong khi tôi tham gia Tổ chức Đoàn kết Người da đen và thường ở quanh quẩn tại TWC thì Suzanne lại tham gia điền kinh và quản lý đội bóng bầu dục hạng nhẹ, cô thích thú vì công việc này giúp cô được ở gần những anh chàng vận động viên dễ thương. Qua câu lạc bộ ẩm thực, cô có những người bạn da trắng giàu có, trong đó có cả một diễn viên thiếu niên thực thụ và một sinh viên từ châu Âu mà theo lời đồn là công chúa hoàng gia. Gia đình tạo sức ép để Suzanne theo đuổi ngành y, nhưng cuối cùng cô cũng từ bỏ vì nhận ra ngành này không có gì vui. Có lúc cô từng bị xếp vào nhóm sinh viên có nguy cơ bị đuổi học vì điểm số thấp, nhưng tới cả chuyện đó cũng chẳng khiến cô mấy bận tâm. Tôi và cô lúc nào cũng như hình với bóng dù hai cá tính trái ngược nhau. Căn phòng ký túc của chúng tôi là một sự đối nghịch giữa hai cách sống, khi Suzanne có thể ngồi giữa đống áo quần bị vứt bừa bãi và giấy tờ nhàu nát, còn tôi ngồi trên chiếc giường với mọi thứ xung quanh được sắp xếp gọn gàng và ngăn nắp.
Đôi khi tôi buộc phải dẹp sự lộn xộn của Suzanne sang một bên thì mới tập trung suy nghĩ được. Đôi khi tôi muốn hét toáng vào mặt cô nhưng thật sự thì tôi chưa bao giờ làm vậy. Suzanne sống đúng với bản chất của mình. Cô ấy sẽ không thay đổi. Khi hết chịu nổi, tôi sẽ mang đống bừa bộn của cô lên giường cô mà không nói lời nào.
Giờ đây tôi lại thấy Suzanne đã giúp tôi thức tỉnh theo một cách tích cực, cô giúp tôi nhận ra không phải ai cũng cần dán nhãn hay xếp các tập tài liệu của mình theo thứ tự bảng chữ cái, hoặc thậm chí là không cần sắp xếp chúng thành tập. Nhiều năm sau, tôi yêu một anh chàng, mà cũng giống Suzanne, anh ấy chất đồ đạc thành từng đống và không bao giờ cảm thấy phải xếp quần áo, không bao giờ. Nhưng nhờ Suzanne mà tôi có thể chung sống với điều này. Tôi vẫn chung sống với anh chàng ấy đến ngày hôm nay. Đó là điều mà một kẻ ưa kiểm soát học được bên trong thế giới của trường đại học, có lẽ cũng là điều quan trọng nhất: đơn giản là chúng ta có nhiều cách sống khác nhau.
MỘT NGÀY NỌ chị Czerny hỏi tôi, “Đã bao giờ em nghĩ đến chuyện tổ chức chương trình học thêm sau giờ học cho trẻ con chưa?”.
Tôi đoán câu hỏi ấy xuất phát từ lòng trắc ẩn của chị. Theo thời gian, tôi đã rất thân thiết với cậu bé Jonathan, giờ đây đã vào lớp một, đến mức tôi dành rất nhiều buổi chiều để dạo quanh Princeton cùng với bé, hay cùng song tấu trên cây dương cầm lên dây sai bét ở TWC, hoặc cùng nhau đọc sách trên một chiếc ghế xập xệ. Chị Czerny có trả thù lao cho tôi cho toàn bộ chỗ thời gian này, nhưng dường như chị nghĩ như thế là chưa đủ.
“Chị nghiêm túc đó. Chị biết rất nhiều người làm việc ở khoa luôn muốn tìm kiếm dịch vụ chăm sóc trẻ ngoài giờ. Em có thể làm việc này bên ngoài. Cứ thử xem sao”, chị giải thích.
Nhờ công quảng cáo truyền miệng của chị Czerny, chẳng bao lâu tôi đã có một nhóm ba hay bốn đứa trẻ để chăm sóc. Chúng là con của các nhân viên hành chính và giáo viên da đen tại Princeton, những người cũng thuộc một nhóm thiểu số nổi bật khác, và cũng như tôi, họ thường tìm đến TWC. Vài buổi chiều trong tuần, sau giờ tan tầm của trường tiểu học, tôi cho các em ăn các món ăn nhẹ tốt cho sức khỏe và cùng chạy chơi với các em trên cỏ. Nếu các em có bài tập về nhà, chúng tôi sẽ cùng nhau làm.
Với tôi, thời gian trôi rất nhanh. Ở cạnh các em nhỏ mang đến cho tôi sự thanh lọc tuyệt vời, xóa hết những căng thẳng trong trường lớp, buộc tôi phải thôi suy nghĩ và tập trung vào hiện tại trước mắt. Hồi còn nhỏ, tôi từng dành cả ngày để chơi trò “làm mẹ” của những em búp bê, giả vờ là mình biết cách cho chúng mặc quần áo và ăn uống, chải tóc cho chúng và nhẹ nhàng dán băng y tế vào đầu gối bằng nhựa của chúng. Giờ đây tôi đang làm công việc đó trong thực tế và phát hiện quá trình này phức tạp hơn rất nhiều, nhưng không vì thế mà kém thú vị hơn những gì tôi đã hình dung. Tôi thường về ký túc xá sau vài giờ ở cùng với bọn trẻ, mệt nhưng vui.
Khoảng mỗi tuần một lần, nếu có thời gian yên tĩnh, tôi sẽ lấy điện thoại và gọi về nhà mình trên Đại lộ Euclid. Nếu cha làm ca sớm, tôi sẽ gọi lại vào lúc chiều muộn để gặp ông khi ông đang ngồi gác chân trên chiếc ghế dựa trong phòng khách, xem ti-vi và chờ mẹ tôi đi làm về - đó là cảnh mà tôi tưởng tượng trong đầu mình. Mẹ tôi thường là người nghe máy vào buổi tối. Tôi kể cho cha mẹ nghe về cuộc sống ở trường đại học một cách chính xác đến từng chi tiết. Tôi kể hết những điều mình quan sát được - từ việc tôi không ưa giảng viên môn tiếng Pháp, những trò nghịch ngợm của bọn trẻ con trong lớp giữ trẻ sau giờ học của mình, cho đến thực tế là Suzanne và tôi đều cùng say nắng một anh chàng sinh viên người Mỹ gốc Phi học khoa công nghệ, người có đôi mắt xanh lá tuyệt đẹp và dường như không hề biết tới sự tồn tại của chúng tôi dù chúng tôi dõi theo nhất cử nhất động của anh ấy.
Cha tôi cười khi nghe mấy câu chuyện của tôi. Ông sẽ nói, “Thật vậy à?”, “Vậy còn chuyện kia thì sao?” và “Anh chàng kỹ sư đó có thể không xứng với hai đứa bọn con đâu”.
Khi tôi nói xong, ông sẽ tóm tắt chuyện trong nhà. Ông bà nội đã về lại quê hương của ông Dandy ở Georgetown, South Carolina, và theo lời cha thì bà Grandma cảm thấy hơi cô đơn. Cha kể mẹ đang phải làm thêm giờ để có tiền lo cho bà Robbie, người giờ đây đã ngoài bảy mươi, góa bụa và vất vả đương đầu với một loạt vấn đề về sức khỏe. Ông chưa bao giờ kể về những vất vả của bản thân, nhưng tôi biết chúng vẫn hiện diện. Một lần nọ, khi anh Craig có trận đấu ở sân nhà Princeton, cha mẹ tôi cùng lái xe đến trường để xem. Khi đó tôi đã có cái nhìn đầu tiên về những thay đổi hiện tại của cha mẹ - những điều chưa bao giờ được nhắc tới qua điện thoại. Sau khi đỗ xe vào bãi đậu xe lớn của Cung thể thao Jadwin, cha tôi miễn cưỡng ngồi vào xe lăn và để mẹ đẩy ông vào trong.
Tôi gần như không muốn nhìn thấy những chuyện đang xảy ra với ông. Tôi không thể chịu đựng nổi. Tôi đã tìm hiểu đôi chút về chứng đa xơ cứng trong thư viện trường Princeton, tôi sao chép các bài báo cáo y khoa để gửi cho cha mẹ. Tôi cố nhấn mạnh việc họ cần tìm gặp chuyên gia hoặc đăng ký để cha tập vật lý trị liệu, nhưng họ - mà chủ yếu là cha tôi - không muốn nghe bất cứ điều gì liên quan tới chuyện đó cả. Trong tất cả những giờ đồng hồ chúng tôi trò chuyện qua điện thoại khi tôi còn học đại học, sức khỏe của ông chính là chủ đề không bao giờ ông đả động tới.
Nếu tôi có hỏi ông cảm thấy ra sao, câu trả lời sẽ luôn là “Cha khỏe”. Và chỉ có thế.
Giọng nói của cha đã trở thành nguồn an ủi động viên cho tôi. Giọng của cha không có biểu hiện gì của sự đau đớn hay tủi thân, mà chỉ có sự khôi hài, nhẹ nhàng và một chút chất jazz. Tôi sống với giọng nói ấy như thể nó là dưỡng khí. Nó giúp tôi sống tiếp, và nó luôn đủ sức làm được điều đó. Trước khi cúp máy, lúc nào ông cũng hỏi tôi có cần thêm gì hay không - tiền chẳng hạn - và tôi luôn trả lời là mình không cần gì thêm.
(1) “Đội chèo”: ý chỉ đội chèo xuồng của trường. Chèo xuồng là một môn thể thao khá phổ biến trong các trường đại học ở Bờ Đông nước Mỹ.
(2) SAT (Scholastic Aptitude Test): một kỳ thi bắt buộc nhằm sát hạch học sinh, sinh viên trong các kỳ thi tuyển sinh vào hệ đại học cao đẳng tại Mỹ.