DẦN DẦN, “NHÀ” TRONG TÔI CÓ CẢM GIÁC NGÀY CÀNG XA XÔI, gần giống một nơi chỉ tồn tại trong trí tưởng tượng của tôi. Trong thời gian học đại học, tôi giữ liên lạc với một vài người bạn thời trung học, đặc biệt là Santita, người đã trúng tuyển vào Đại học Howard ở Washington, D.C. Tôi đã dành cả một dịp cuối tuần để đến Howard thăm cô ấy. Chúng tôi cười đùa và có những cuộc chuyện trò nghiêm túc, như xưa nay vẫn vậy. Trường Howard nằm trong nội thành và có lượng sinh viên gấp đôi so với Princeton, chủ yếu là người da đen. “Cô gái, cậu vẫn ở quê nhà nè!”, tôi ghẹo Santita khi nhìn thấy một con chuột cống chạy vèo qua chỗ chúng tôi đang đứng bên ngoài ký túc xá của cô. Tôi ghen tị với việc Santita không bị cô lập vì màu da - cô ấy không phải cảm nhận sự cạn kiệt năng lượng mỗi ngày khi là thành viên của một nhóm thiểu số nổi bật - nhưng rồi tôi vẫn hài lòng khi quay về với những thảm cỏ xanh ngọc bích và mái vòm bằng đá cao vút của Princeton, dù ở đó không mấy ai có hoàn cảnh giống tôi.
Tôi theo chuyên ngành xã hội học và gặt hái được điểm số cao. Tôi bắt đầu hẹn hò với một cầu thủ bóng đá vừa thông minh vừa ngẫu hứng, một anh chàng thích mấy chuyện vui vẻ. Suzanne và tôi hiện đang ở chung phòng với một người bạn khác, Angela Kennedy, một cô gái nhanh mồm nhanh miệng và có giọng sang sảng đến từ Washington, D.C. Angela có đầu óc tinh ranh và thích bày trò để chọc cười chúng tôi. Mặc dù là một cô gái da đen thành thị, nhưng cô ấy ăn mặc như một học sinh trung học vừa đi thử vai diễn - cô phối giày saddle(1) kiểu dáng nam tính cùng áo len màu hồng, và bằng cách nào đó vẫn khiến chúng trông hài hòa với nhau.
Tôi đến từ một thế giới hoàn toàn khác với thế giới mà tôi đang sống, nơi mà người ta lo lắng về điểm LSAT(2) và kết quả những trận bóng quần. Đó là một áp lực khó lòng biến mất. Ở trường, khi có ai hỏi tôi từ đâu đến, tôi đáp, “Chicago”. Và để làm rõ việc tôi không phải một trong những đứa trẻ đến từ vùng ngoại ô phía bắc giàu sang như Evanston hay Winnetka và ba hoa những điều trật lất về Chicago, tôi sẽ nói thêm, với một cảm giác tự hào và có thể còn có cả chút khiêu khích, “vùng South Side”. Tôi biết nếu những từ “vùng South Side Chicago” có gợi lên điều gì, thì hẳn đó sẽ là những hình ảnh rập khuôn về khu ổ chuột của người da đen, vì người ta thường xuyên nhìn thấy tình trạng giao chiến giữa các băng đảng và vấn đề bạo lực gia đình ở vùng này trên bản tin truyền hình. Nhưng tôi vẫn cố hết sức để thể hiện một hình ảnh khác, dù chỉ là trong vô thức. Tôi thuộc về Princeton, xứng đáng như bất cứ người nào khác. Và tôi đến từ vùng South Side của Chicago. Tôi cảm thấy phải nói ra điều đó.
Với tôi, South Side là một nơi hoàn toàn khác với những gì được chiếu trên truyền hình. South Side là nhà. Và nhà là căn hộ của chúng tôi trên Đại lộ Euclid, với tấm thảm trải sàn đã bạc màu và trần nhà thấp, là nơi cha tôi thường ngả lưng thư giãn trên chiếc ghế bành của ông. Nhà là khoảnh sân nhỏ có những đóa hoa rộ nở của bà Robbie và chiếc ghế đá nơi mà có vẻ như cách đây đã rất lâu, tôi từng hôn chàng trai Ronnell của mình. Nhà là quá khứ của tôi, là nơi được gắn kết với vị trí hiện tại của tôi bằng những sợi tơ mỏng tang.
Chúng tôi có một người họ hàng ở Princeton, đó là em gái của ông Dandy, người mà chúng tôi gọi là bà Sis. Bà là một phụ nữ đơn giản và hoạt bát sống trong một căn nhà cũng đơn giản và tươi sáng ở rìa thị trấn. Tôi không biết điều gì đã đưa đẩy bà Sis tới Princeton, nhưng bà đã ở đây từ lâu. Bà nhận giúp việc cho các gia đình trong vùng và không bao giờ đánh mất chất giọng vùng Georgetown của mình, cái chất giọng lai giữa kiểu nói chuyện lè nhè vùng Low Country và nét nhịp nhàng của tiếng Gullah. Giống như ông Dandy, bà Sis lớn lên ở Georgetown - nơi mà tôi còn nhớ được sau vài lần đến đây nghỉ hè cùng cha mẹ hồi tôi còn bé. Tôi nhớ cái nóng hừng hực nơi đó, nhớ dây thiết lan xanh um như những tấm rèm dày treo trên những cây sồi thường xanh(3), nhớ những cây bách mọc lên từ đầm lầy và mấy ông cụ câu cá bên những lạch nước bùn lầy. Ở Georgetown còn có côn trùng, nhiều tới mức đáng báo động, và chúng sẽ vo ve giữa trời chiều như những chiếc trực thăng tí hon.
Mỗi khi đến Georgetown, chúng tôi ở nhà ông Thomas, một người anh em khác của ông Dandy. Ông Thomas là hiệu trưởng khả kính của một trường trung học, là người đã dắt tôi đến trường và cho tôi ngồi vào bàn làm việc của ông, cũng là người luôn sẵn sàng mua cho tôi lọ bơ đậu phộng khi thấy tôi có vẻ không thích những bữa ăn sáng hoành tráng với thịt xông khói, bánh quy và bột bắp vàng mà bà Dot, vợ ông, chuẩn bị cho chúng tôi mỗi sáng. Tôi vừa yêu vừa ghét cuộc sống ở miền Nam, đơn giản vì nơi này quá khác với những nơi tôi biết. Trên những con đường bên ngoài thị trấn, chúng tôi lái xe ngang qua các cửa ngõ dẫn đến nơi trước kia từng là đồn điền do nô lệ canh tác, nhưng đó là một thực tế không ai muốn nhắc tới nữa. Đi tới một con đường đất trơ trọi giữa rừng, chúng tôi ăn thịt nai trong túp lều xập xệ của vài người anh chị em họ xa. Một người trong số họ đã kéo anh Craig ra và chỉ anh ấy cách bắn súng. Khi đã về lại nhà bác Thomas vào lúc đêm muộn, cả hai chúng tôi đều trằn trọc khó ngủ vì sự yên lặng tịch mịch chỉ thỉnh thoảng mới bị gián đoạn bởi tiếng ve đập cánh trên cây.
Ngay cả khi chúng tôi về lại nhà mình ở phía bắc, tiếng côn trùng vo ve và những nhánh cây xoắn vào nhau của cây sồi thường xanh vẫn còn in đậm trong tâm trí chúng tôi suốt một quãng thời gian dài, hòa nhịp với cuộc sống của chúng tôi như một trái tim thứ hai. Kể cả khi tôi còn bé, trực giác đã cho tôi biết miền Nam được gắn chặt trong tôi, là một phần di sản mà tôi được kế thừa. Đó là thứ di sản đủ ý nghĩa để cha tôi vẫn quay về thăm những người họ hàng của mình, đủ mạnh mẽ để ông Dandy muốn về sống tại Georgetown, cho dù lúc còn trẻ ông đã cảm thấy cần phải rời khỏi nơi đó. Và khi đã thật sự quay về, ông không tìm thấy một mái tranh an nhàn bên sông với hàng phên trắng và khoảnh sân nhỏ sau nhà, mà thay vào đó là một ngôi nhà hộp trơ trọi gần một dãy phố buôn bán đông đúc (như tôi đã nhìn thấy lúc hai anh em tôi về thăm ông).
Miền Nam không phải là thiên đường, nhưng miền Nam có ý nghĩa đặc biệt với người da đen chúng tôi. Nơi đây là quê hương thân thuộc của người da đen, là lịch sử sâu xa, xấu xí và đau buồn mà người da đen chúng tôi luôn giằng co, nửa muốn quay về, nửa muốn chối bỏ. Nhiều người tôi biết ở Chicago - những đứa trẻ học cùng tôi ở Bryn Mawr, những người bạn ở Whitney Young - cũng nhận ra điều tương tự, chỉ là chúng tôi không nói về chuyện đó một cách rõ ràng. Bọn trẻ chỉ đơn giản “xuống miền Nam” mỗi mùa hè, đôi khi là được “gửi lại” suốt mùa hè để cùng chơi với mấy anh chị em họ xa ở Georgia, Louisiana hay Mississippi. Thường thì chúng có ông bà hoặc những người họ hàng khác từng tham gia Cuộc đại di dân về phía bắc, như ông Dandy đã di cư từ South Carolina, hay mẹ của ông Southside từ Alabama. Đâu đó trong nhân thân của họ, có lẽ họ cũng giống tôi: là con cháu của những người nô lệ da đen.
Nhiều bạn bè khác của tôi ở Princeton cũng có hoàn cảnh tương tự, nhưng tôi cũng bắt đầu hiểu là cuộc sống của người da đen ở Mỹ có rất nhiều phiên bản. Tôi gặp gỡ những sinh viên đến từ những thành phố ở vùng East Coast, những người có gốc gác từ Puerto Rico, Cuba hay Dominica. Họ hàng của chị Czerny đến từ Haiti. Một người bạn tốt của tôi, David Maynard, được sinh ra trong một gia đình khá giả ở Bahamas. Còn Suzanne thì sinh ra ở Nigeria và có một “bộ sưu tập” những người dì đáng mến ở Jamaica. Tất cả chúng tôi đều khác nhau, dòng dõi chúng tôi bị chôn giấu một nửa, hoặc có thể chỉ là bị quên lãng một nửa. Chúng tôi không nói với nhau về tổ tiên. Nói để làm gì? Chúng tôi còn trẻ và đang tập trung vào tương lai, dù dĩ nhiên chúng tôi cũng chẳng biết điều gì đang chờ đợi mình phía trước.
Khoảng một hoặc hai lần mỗi năm, bà Sis mời tôi và anh Craig tới nhà bà ở phía bên kia khu Princeton để ăn tối. Bà múc cho chúng tôi những đĩa đồ ăn đầy ắp món sườn cừu ngon tuyệt và rau củ luộc, bà còn đưa cho chúng tôi một giỏ bánh mì bắp được cắt lát khéo léo để dùng chung với bơ. Bà rót cho chúng tôi những ly trà ngọt không thể tưởng tượng được và thuyết phục chúng tôi uống ly thứ hai rồi ly thứ ba. Theo những gì tôi còn nhớ thì chúng tôi chưa bao giờ nói chuyện gì quan trọng với bà Sis. Đó chỉ là một giờ đồng hồ tán gẫu lịch sự, kèm theo một bữa ăn nóng sốt và chân thành kiểu South Carolina mà anh em chúng tôi hồ hởi múc lấy múc để vì quá ngán thức ăn của trường. Tôi chỉ thấy bà Sis đơn giản là một phụ nữ thanh lịch, sự thanh lịch của những quý bà, nhưng thật sự thì bà đang trao cho chúng tôi một món quà mà bấy giờ chúng tôi còn quá nhỏ nên chưa thể nhận ra. Bà đang cho chúng tôi hiểu về quá khứ - quá khứ của hai chúng tôi, quá khứ của bà, quá khứ của cha ông chúng tôi - và bà làm được điều đó mà không cần phải giải thích lời nào. Chúng tôi chỉ đến dùng bữa, giúp bà rửa đĩa, sau đó vác hai cái bụng no căng đi bộ về trường. Thật may là quãng đường này đủ để chúng tôi tiêu cơm.
ĐÂY LÀ MỘT KÝ ỨC, mà giống hầu hết các ký ức khác, nó chủ quan và không hoàn hảo. Nó là một ký ức được thu nhặt từ cách đây rất lâu, như một viên sỏi biển lọt vào chiếc túi tâm trí của tôi. Ký ức này có từ năm thứ hai đại học và liên quan đến Kevin, bạn trai của tôi và cũng là một cầu thủ bóng bầu dục.
Kevin đến từ Ohio và là một sự kết hợp gần như lý tưởng giữa vóc dáng cao ráo, sự ngọt ngào và vẻ thô mộc. Anh ấy là hậu vệ của đội Tigers(4), có đôi chân nhanh nhẹn và kỹ năng cản bóng thần sầu, bên cạnh đó anh còn là sinh viên dự bị ngành y. Anh học trên tôi hai năm, là bạn cùng lớp anh Craig và chẳng bao lâu nữa sẽ tốt nghiệp. Anh ấy có nụ cười để lộ một khe hở đáng yêu giữa hai chiếc răng cửa, và là người luôn khiến tôi cảm thấy mình đặc biệt. Chúng tôi đều bận rộn và có những nhóm bạn khác nhau, nhưng chúng tôi đều thích ở bên cạnh nhau. Chúng tôi ăn pizza và ra ngoài dùng bữa sáng muộn vào cuối tuần. Kevin tận hưởng từng bữa ăn, phần vì anh ấy phải giữ cân nặng để chơi bóng bầu dục, phần vì anh rất khó ngồi yên một chỗ. Anh ấy thường chộn rộn, luôn chộn rộn, và cũng bốc đồng nhưng theo những cách khiến tôi thấy thật cuốn hút.
Một hôm nọ, Kevin đề nghị, “Lái xe một vòng nhé”. Tôi không nhớ anh ấy nói qua điện thoại hay chợt nảy ra ý đó trong lúc chúng tôi đang bên nhau. Dù sao đi nữa, chẳng bao lâu sau chúng tôi đã ở trong xe của Kevin - một chiếc thể thao cỡ nhỏ màu đỏ - và lái xe băng qua trường đại học đến một góc xa xôi hẻo lánh nhưng vẫn thuộc khu Princeton, sau đó chúng tôi rẽ vào một con đường mòn gần như bị che khuất. Khi đó đang là mùa xuân ở New Jersey, và chúng tôi đang có một ngày ấm áp với bầu trời quang đãng.
Hẳn là chúng tôi đang trò chuyện với nhau? Có lẽ là tay trong tay? Tôi không nhớ rõ, nhưng cảm giác lúc đó rất đỗi dễ chịu và nhẹ nhàng. Sau khoảng một phút, Kevin đạp thắng và từ từ dừng xe lại. Anh đỗ xe cạnh một cánh đồng rộng. Cỏ mọc cao và xơ xác sau mùa đông, nhưng đâu đó vẫn có những đóa hoa dại chớm hé. Kevin bước ra khỏi xe.
“Đi nào”, anh ra hiệu cho tôi theo anh.
“Chuyện gì vậy anh?”
Anh nhìn tôi như thể chuyện này thật hiển nhiên. “Chúng ta sẽ chạy băng qua cánh đồng này.”
Và thế là chúng tôi chạy. Chúng tôi băng qua cánh đồng ấy. Chúng tôi chạy từ đầu này sang đầu bên kia, vung vẩy cánh tay như những đứa trẻ và phá vỡ sự yên lặng nơi đây với tiếng hò hét hớn hở. Chúng tôi giẫm lên cỏ khô và nhảy qua những bông hoa. Có thể ban đầu tôi không nhận ra, nhưng bây giờ thì có. Chúng tôi sẽ chạy qua cánh đồng này! Dĩ nhiên là vậy!
Lúc quay lại xe và ngồi phịch xuống ghế, cả Kevin và tôi đều thở dốc và choáng váng vì chuyện ngớ ngẩn mình vừa làm.
Vậy đó. Chỉ là một khoảnh khắc ngắn ngủi và không quá quan trọng. Tôi vẫn nhớ kỷ niệm này không vì lý do nào khác ngoài sự ngớ ngẩn của chúng tôi, vì một thoáng được nới lỏng khỏi cái lịch trình nghiêm túc mà tôi vẫn thực hiện mỗi ngày. Bởi vì, mặc dù là sinh viên ngành xã hội, thường xuyên gặp gỡ mọi người trong giờ ăn và không có vấn đề gì với việc làm chủ sàn nhảy ở các bữa tiệc tại TWC, tôi vẫn sống kín đáo và luôn tập trung vào kế hoạch riêng của mình. Bên dưới lớp vỏ bọc của một sinh viên đại học thoải mái, tôi sống đúng với bản chất là một người nguyên tắc, lặng lẽ nhưng kiên định hướng đến thành tích và hoàn thành hết mọi nhiệm vụ. Danh sách việc cần làm luôn được tôi ghi nhớ dù tôi có đi đến bất kỳ nơi nào. Tôi đánh giá các mục tiêu của mình, phân tích kết quả và đếm những lần giành thắng lợi. Nếu có thử thách cần vượt qua, tôi sẽ vượt qua. Chứng tỏ xong điều này tôi lại tiếp tục chứng minh điều khác. Đó là cuộc sống của đứa con gái không thể ngừng tự hỏi, Mình đã đủ giỏi hay chưa? và vẫn đang tìm cách cho bản thân thấy câu trả lời.
Trong khi đó, Kevin là một người hay thay đổi - thậm chí còn thích thú với sự thay đổi. Khi tôi học cuối năm hai đại học, Kevin và anh Craig tốt nghiệp trường Princeton. Anh Craig sang thành phố Manchester nước Anh để chơi bóng rổ chuyên nghiệp. Tôi cho rằng Kevin rồi sẽ vào trường y, nhưng anh ấy đã chuyển hướng, quyết định tạm ngưng học, và thay vào đó, anh theo đuổi sở thích trở thành một linh vật thể thao.
Đúng vậy. Kevin quyết định ứng tuyển vào đội bóng Cleveland Browns, nhưng không phải trong tư cách cầu thủ mà là ứng viên cho vai một con thú giả mắt to tròn, miệng cười nhe răng tên Chomps(5). Đó là mong muốn của anh ấy. Đó là một giấc mơ, một cánh đồng khác để chạy băng qua, vì tại sao lại không cơ chứ? Hè năm đó, Kevin còn đi từ nhà anh ở ngoại ô Cleveland tới tận Chicago, mà theo lời anh thông báo không lâu sau khi đến nơi thì mục đích không chỉ là đến thăm tôi, mà còn vì Chicago là nơi mà một anh chàng muốn đóng vai linh vật có thể tìm thấy bộ trang phục giả lông thú phù hợp cho buổi thử vai sắp tới. Chúng tôi dành trọn buổi chiều lái quanh các cửa hàng và tìm kiếm trang phục cho anh ấy, đánh giá xem bộ đồ có đủ rộng để anh ấy làm động tác nhào lộn hay không. Tôi không nhớ cuối cùng thì hôm đó Kevin có tìm được bộ trang phục linh vật hoàn hảo hay không. Tôi không rõ sau đó anh ấy có được giao cho vai diễn linh vật hay không, nhưng sau cùng thì anh ấy cũng thật sự trở thành một bác sĩ, rõ ràng là một bác sĩ giỏi, và kết hôn với một người bạn học khác ở Princeton.
Khi ấy tôi đã phán xét sự thay đổi của anh, một chuyện mà giờ đây ngẫm lại tôi thấy mình thật không công bằng. Lúc đó tôi đã không tài nào hiểu được tại sao một người được hấp thu nền giáo dục đắt đỏ tại Princeton lại không tận dụng điều đó như một lợi thế trong cái thế giới trọng bằng cấp. Tại sao khi bạn có thể học trường y nhưng lại muốn đóng vai một chú chó thích nhào lộn?
Nhưng tôi là vậy. Như đã nói, tôi là kiểu người phải hoàn thành từng hạng mục trong danh sách của mình, cương quyết đi theo nhịp điệu vững vàng của nỗ lực/kết quả, nỗ lực/kết quả, đồng thời là người nhất nhất đi theo con đường có sẵn chỉ vì không ai trong gia đình tôi (ngoài anh Craig) từng đặt chân trên đó. Tôi không suy tính nhiều cho tương lai, nói cách khác, khi đó tâm trí tôi đã đặt vào trường luật.
Cuộc sống ở Đại lộ Euclid đã dạy tôi - đúng hơn là buộc tôi - phải cứng rắn và thực tế, cả về thời gian lẫn tiền bạc. Bước rẽ lệch lớn nhất trong đời tôi có lẽ là khi tôi quyết định dành thời gian đầu của mùa hè năm thứ hai để làm việc gần như không công cho trại hè tại khu Thung lũng Hudson ở New York, trong vai trò tư vấn viên trông nom đám trẻ thành thị lần đầu tiên được trải nghiệm các hoạt động trong rừng. Tôi yêu thích công việc đó nhưng khi làm xong thì tôi gần như rỗng túi và bất đắc dĩ phải lệ thuộc vào trợ cấp của cha mẹ nhiều hơn. Mặc dù cha mẹ chưa bao giờ phàn nàn nhưng tôi vẫn cảm thấy tội lỗi đến tận nhiều năm sau.
Đó cũng là mùa hè mà những người tôi thương yêu bắt đầu ra đi mãi mãi. Bà Robbie, bà cô của tôi, giáo viên dương cầm đầy nguyên tắc của tôi, đã qua đời vào tháng Sáu. Bà để lại ngôi nhà trên Đại lộ Euclid cho cha mẹ tôi, để họ được trở thành những người sở hữu nhà lần đầu tiên trong đời. Ông Southside mất sau đó một tháng, sau một thời gian dài đau khổ chịu đựng bệnh ung thư phổi. Quan điểm thâm căn cố đế của ông rằng bác sĩ không đáng tin cậy đã khiến ông không được điều trị kịp thời. Sau đám tang của ông Southside, gia đình lớn bên nhà ngoại tôi đã kéo đến ngôi nhà nhỏ ấm cúng của ông, cùng với vài bạn bè và hàng xóm. Tôi cảm nhận được sự ấm áp gợi nhớ quá khứ và nỗi sầu muộn đến từ sự trống vắng - tất cả đều có chút gì đó mâu thuẫn, bởi tôi đã quen với thế giới trẻ trung và tách biệt ở trường đại học. Có một cảm giác gì đó sâu sắc hơn những gì tôi thường cảm thấy ở trường, giống như một sự chuyển giao chậm rãi đang diễn ra giữa các thế hệ. Anh chị em họ của tôi giờ đã trưởng thành, còn các dì của tôi thì đã lớn tuổi. Gia đình chúng tôi có thêm những đứa trẻ và những đôi vợ chồng mới. Tiếng nhạc từ một đĩa jazz phát ra trên dàn kệ âm thanh tự chế trong phòng ăn, và chúng tôi dùng những món do người thân mang tới - thịt xông khói, thạch rau câu và món thịt hầm. Nhưng ông Southside không còn ở đây. Điều đó thật đau lòng, nhưng thời gian không ngừng khiến tất cả chúng tôi tiếp tục cuộc sống của mình.
CỨ MỖI MÙA XUÂN, CÁC NHÀ TUYỂN DỤNG từ các tập đoàn lớn sẽ đến trường Princeton để nhắm trước những sinh viên sắp tốt nghiệp. Nếu bỗng nhiên bạn nhìn thấy một người bạn bình thường hay mặc quần jeans rách và áo sơ mi không đóng thùng, nay lại băng qua sân trường trong bộ com-lê kẻ sọc nhã nhặn, thì điều đó có nghĩa là anh chàng hay cô nàng đó có lẽ sẽ đến một tòa nhà chọc trời ở Manhattan làm việc vào một ngày không xa. Quá trình phân loại nghề nghiệp này diễn ra khá nhanh - những nhân viên ngân hàng, luật sư, bác sĩ và các nhà quản lý tương lai đang vội vàng hướng đến bệ phóng kế tiếp của mình, có thể là học sau đại học hoặc làm một công việc được-dọn-sẵn-đường thuộc chương trình đào tạo nhân viên mới của một công ty nằm trong danh sách Fortune 500. Chắc chắn trong số chúng tôi cũng có những người nghe theo tiếng gọi con tim để vào ngành giáo dục, nghệ thuật và các tổ chức phi lợi nhuận, có người sẽ chọn đi xa để tham gia các sứ mệnh của Peace Corps(6) hoặc gia nhập quân ngũ - nhưng tôi không quen nhiều người như vậy. Tôi đang bận trèo lên chiếc thang của mình, một chiếc thang vững vàng, thực tế và nhắm thẳng một đường.
Nếu chịu dừng lại để ngẫm nghĩ, có lẽ tôi đã nhận ra trường đại học đã vắt kiệt tôi bằng guồng xoay của bài giảng, khóa luận và các kỳ thi, và biết đâu sẽ có ích nếu tôi hành động khác đi. Thay vì vậy, tôi đã chọn kỳ kiểm tra đánh giá năng lực đầu vào trường luật, viết luận văn tốt nghiệp và chuyên tâm cho chặng sắp tới: nộp đơn vào những trường luật xuất sắc nhất nước Mỹ. Tôi nhận định mình là người thông minh, có óc phân tích và tham vọng. Tôi được nuôi dạy từ những cuộc tranh luận hăng hái và cởi mở quanh bàn ăn với cha mẹ. Tôi có thể tranh luận một quan điểm đến tận cốt lõi của nó và tự hào chưa bao giờ nao núng trước bất kỳ xung đột nào. Chẳng phải đó là những gì luật sư cần có hay sao? Tôi nghĩ đúng là như vậy đấy.
Giờ đây tôi có thể thừa nhận là khi đó tôi không chỉ quyết định dựa vào logic mà còn bị thôi thúc bởi mong muốn có được sự công nhận của người khác. Hồi còn bé, tôi thầm tận hưởng sự ấm áp mình nhận được mỗi khi tuyên bố với giáo viên, hàng xóm, hoặc một trong những người bạn của bà Robbie trong dàn hợp xướng là mình muốn trở thành bác sĩ nhi khoa. Khi đó họ thường sẽ biểu hiện ý, Ồ, ấn tượng đấy!, và tôi thích thú với điều đó. Nhiều năm sau, mọi thứ hóa ra cũng không khác. Giáo sư, họ hàng, những người tôi tình cờ gặp gỡ hỏi về dự định của tôi, và khi tôi nói mình nhắm đến trường luật - mà về sau tôi xác định là Trường Luật Harvard - thì đó là một lời tuyên bố khiến họ phải trầm trồ. Tôi được khen ngợi chỉ vì đã được nhận vào trường, mặc dù sự thật là tôi được chọn từ danh sách dự bị. Nhưng tôi đã được mời nhập học. Người ta nhìn tôi như thể tôi đã để lại dấu ấn cá nhân trên thế gian này rồi.
Đây có thể là vấn đề cốt lõi khi quá bận tâm đến những gì người khác nghĩ: nó có thể đặt bạn vào con đường được định sẵn, mà trong trường hợp của tôi chính là con đường chẳng phải như vậy rất ấn tượng hay sao, và nó sẽ giữ bạn ở đó thật lâu. Có lẽ nó sẽ cản trở bạn đổi hướng, thậm chí là ngăn cản bạn có suy nghĩ về việc đổi hướng, vì bạn cảm thấy cái giá phải trả cho việc không thỏa mãn kỳ vọng của người khác là quá đắt. Có thể bạn bỏ ra ba năm ở Massachusetts, học luật hiến pháp và thảo luận về lợi ích liên quan của các thỏa thuận dọc(7) về việc loại bỏ đối thủ cạnh tranh trong các vụ kiện chống độc quyền. Quá trình này có thể là thú vị đối với một số người, nhưng bạn thì không cảm thấy như vậy. Có thể trong suốt ba năm đó bạn kết bạn với những người mà bạn sẽ luôn yêu thương và tôn trọng, đó là những người thật sự say mê tính phức tạp và lạnh lùng của ngành luật, nhưng bản thân bạn thì không cảm thấy đó là tiếng gọi đam mê của mình. Sự nhiệt tình của bạn có thể thấp, nhưng trong mọi tình huống, thành tích của bạn không được kém cỏi. Bạn sống theo quy luật của nỗ lực/kết quả, như trước giờ vẫn thế, và với cách sống đó, bạn tiếp tục gặt hái thành quả cho đến khi bạn nghĩ mình biết câu trả lời cho mọi câu hỏi - bao gồm câu hỏi quan trọng nhất: Mình có đủ giỏi hay không? Có, thực tế là mình đủ giỏi.
Tiếp đó, phần thưởng sẽ xuất hiện. Bạn leo lên nấc thang kế tiếp, và lần này thì đó là một công việc được trả lương tại một công ty luật cao cấp mang tên Sidley & Austin trong khu văn phòng ở Chicago. Bạn quay về nơi bắt đầu, tại chính thành phố nơi bạn được sinh ra, chỉ là giờ đây bạn đi làm trên tầng bốn mươi bảy của một tòa nhà ở trung tâm thành phố, nơi có một quảng trường rộng và một bức tượng điêu khắc đặt ở mặt tiền. Bạn từng đi ngang qua đó khi còn là một đứa trẻ vùng South Side đón xe buýt đi học, lặng lẽ nhìn qua cửa sổ để ngắm những con người đang sải bước đến công sở trong bộ dạng giỏi giang và chuyên nghiệp. Giờ đây bạn trở thành một trong số họ. Bạn bước ra khỏi chiếc xe buýt đó, băng qua quảng trường và bước vào thang máy để lên tầng trên - thang chạy êm ru đến mức bạn tưởng như nó đang lướt đi. Bạn đã “nhập hội”. Ở tuổi hai mươi lăm, bạn có một trợ lý. Thu nhập của bạn nhiều hơn số tiền mà cha mẹ bạn từng kiếm được trong đời. Đồng nghiệp của bạn lịch sự, trí thức và đa số là người da trắng. Bạn mặc com-lê Armani và đăng ký dịch vụ thưởng thức các loại rượu vang mới ra mắt. Hàng tháng bạn trả khoản vay mà bạn đã mượn để học trường luật, và bạn đến lớp học thể dục thẩm mỹ sau khi tan sở. Bạn tậu cho mình một chiếc Saab(8) vì bạn có khả năng làm thế.
Có còn gì phải ngờ vực nữa không? Có vẻ là không. Giờ đây bạn đã là một luật sư. Bạn đã đón nhận mọi điều được trao cho mình - tình yêu của cha mẹ, niềm tin của thầy cô, âm nhạc của ông Southside và bà Robbie, những bữa ăn của bà Sis cùng với vốn từ vựng được ông Dandy vun bồi - và bạn biến chúng thành thành quả của ngày hôm nay. Bạn đã leo lên ngọn núi. Và bên cạnh nhiệm vụ phân tích những vấn đề trừu tượng về luật sở hữu trí tuệ cho các tập đoàn lớn, một phần công việc của bạn là hun đúc thế hệ luật sư trẻ đang được công ty chiêu mộ. Một luật sư cấp cao hỏi xem bạn có đồng ý hướng dẫn một luật sư tập sự sắp vào công ty theo chương trình thực tập mùa hè hay không, và câu trả lời thật dễ dàng: đương nhiên bạn sẵn lòng. Lúc đó bạn không biết câu trả lời “đồng ý” đơn giản đó lại có thể tạo ra sự thay đổi to lớn thế nào. Bạn không biết rằng vào lúc biên bản ghi nhớ được đưa xuống để xác nhận nhiệm vụ đó thì một điều sâu kín và vô hình nào đó mà bạn cố bám víu bấy lâu trong cuộc sống của mình đã bắt đầu rung chuyển, và sợi dây níu giữ nào đó đã bắt đầu lung lay. Bên cạnh tên của bạn là một cái tên khác, tên của một sinh viên luật siêu sao, người cũng đang bận rộn trèo lên nấc thang sự nghiệp của mình. Cũng như bạn, anh ta là người da đen và học ở trường Harvard. Ngoài chuyện đó ra thì bạn không biết gì hơn - bạn chỉ biết một cái tên, và đó là một cái tên lạ.
(1) Giày saddle: kiểu giày tây cổ điển nhưng có thêm một miếng da đắp nối phần mũi giày và cổ giày. Miếng ghép này thường có màu sắc tương phản với màu giày nhằm tạo điểm nhấn và nét mạnh mẽ nam tính.
(2) LSAT (Law School Admission Test): bài thi tuyển sinh đầu vào của trường luật.
(3) Sồi thường xanh: loại cây sồi ở miền nam nước Mỹ, được xem là biểu tượng của Georgia.
(4) Princeton Tigers: đội thể thao trường Princeton.
(5) Chomps: chú chó linh vật của đội Cleveland Browns.
(6) Peace Corps: chương trình tình nguyện do chính phủ Mỹ điều hành với sứ mệnh hỗ trợ kỹ thuật, giúp người ngoại quốc hiểu văn hóa Mỹ và giúp người Mỹ hiểu về văn hóa của các quốc gia khác. Người tham gia chương trình thường sẽ làm việc ở nước ngoài trong thời hạn là hai năm sau khóa tập huấn ba tháng.
(7) Thỏa thuận dọc: thỏa thuận giữa các chủ thể có vị trí khác nhau trong một chu trình, ví dụ như thỏa thuận giữa nhà sản xuất và nhà phân phối.
(8) Saab: thương hiệu xe ô-tô nổi tiếng của Thụy Điển.