T
ÔI LẠI TIẾP TỤC CẢM THẤY như thể chúng tôi đang rơi trong tư thế ngã ngửa và phó mặc tính mạng của mình cho số phận. Tôi tin vào bộ máy được thiết lập để hỗ trợ chúng tôi trong Nhà Trắng, nhưng vẫn cảm thấy mình thật yếu ớt khi mọi thứ, từ sự an nguy của con gái chúng tôi đến mọi nhất cử nhất động của mình, đều nằm trọn trong tay người khác - nhiều người trong số họ còn kém tôi ít nhất hai mươi tuổi. Lớn lên tại Đại lộ Euclid, tôi đã được dạy rằng khả năng tự lo liệu là trên hết. Tôi đã được nuôi dạy rằng phải tự lo chuyện của mình, nhưng giờ đây điều này dường như không thể. Mọi chuyện của tôi đều được người khác lo liệu. Trước khi tôi đi đâu đó, nhân viên sẽ đi qua những lối mà tôi sẽ đi để đến nơi cần đến, tính thời gian dừng chân đến từng phút, lên kế hoạch dừng chân để đi vệ sinh từ trước. Các mật vụ dẫn con chúng tôi đến các buổi vui chơi. Người giúp việc thu dọn quần áo bẩn. Tôi không còn phải lái xe hay mang theo những thứ như tiền bạc hay chìa khóa nhà. Các trợ lý nghe điện thoại, tham gia các cuộc họp và soạn thảo nháp những nội dung cần trình bày thay tôi.
Dẫu những chuyện này thật tuyệt vời và hữu ích, giúp tôi rảnh tay để tập trung vào những điều mà tôi cảm thấy quan trọng hơn, nhưng lắm lúc tôi - một con người để ý các tiểu tiết - cảm thấy như mình mất hết quyền kiểm soát những chi tiết.
Cũng có quá nhiều điều không thể nào trù tính trước, sóng gió cứ ập vào cuộc sống thường nhật của chúng tôi. Khi kết hôn với tổng thống, tôi nhanh chóng hiểu ra thế gian này đầy những rối ren, thảm họa sẽ xảy ra mà không hề báo trước. Những thế lực dù đã hiện rõ hay còn lẩn khuất luôn sẵn sàng xé toạc bất cứ cảm giác thanh bình nào mà tôi cảm nhận được. Có những tin tức không thể nào phớt lờ: một cuộc động đất tàn phá Haiti. Một miếng gioăng nổ tung một ngàn năm trăm mét bên dưới một mỏ dầu ngoài khơi Louisiana, làm đổ hàng triệu thùng dầu thô xuống vịnh Mexico. Cách mạng khuấy đảo Ai Cập. Một tay súng xả súng trong bãi giữ xe của một siêu thị tại Arizona, khiến sáu người thiệt mạng và làm bị thương một nữ nghị sĩ Mỹ.
Mọi chuyện đều quan trọng và có ảnh hưởng. Mỗi buổi sáng tôi đọc một loạt những tóm tắt tin tức do nhân viên gửi đến và biết Barack buộc phải tiếp thu và phản hồi từng diễn tiến mới. Anh ấy sẽ bị khiển trách vì những chuyện anh ấy không thể nào kiểm soát, bị hối thúc phải giải quyết những vấn đề đáng sợ ở các quốc gia xa xôi và được kỳ vọng sẽ lấp một cái lỗ ở đáy đại dương. Công việc của anh dường như là tiếp nhận sự hỗn độn và bằng cách nào đó chuyển hóa nó thành ra phong thái lãnh đạo điềm tĩnh - mỗi ngày trong tuần, mỗi tuần trong năm.
Tôi cố hết sức để không cho những bất định của thế giới ảnh hưởng tới công việc hàng ngày của mình trong vai trò Đệ nhất Phu nhân, nhưng đôi khi chuyện đó là không thể. Cách Barack và tôi xử sự trước sự bất ổn thật sự quan trọng. Chúng tôi hiểu rằng hai chúng tôi đại diện cho một đất nước và có bổn phận phải chủ động và xuất hiện mỗi khi xảy ra thảm họa, tình huống khó khăn hoặc sự lộn xộn nào đó. Một phần vai trò của mình, theo chúng tôi hiểu, là trở thành hình mẫu cho lý trí, sự cảm thông và sự nhất quán bền bỉ. Sau khi sự cố tràn dầu của BP - sự cố tệ hại nhất lịch sử nước Mỹ - đã được xử lý, nhiều người Mỹ vẫn còn xôn xao, họ không tin là Vịnh Mexico đã an toàn trở lại để họ có thể đến đó nghỉ ngơi, điều này khiến nền kinh tế địa phương bị tổn thất. Do đó, gia đình chúng tôi đến Florida, và trong chuyến đi đó, Barack đã dắt Sasha tắm biển, gửi cho giới truyền thông một tấm ảnh cho thấy cả hai đều đang vui vẻ nô đùa với con sóng. Đó là một hành động nhỏ mang thông điệp to lớn hơn: nếu anh ấy tin biển là an toàn thì bạn cũng có thể tin.
Khi cả hai hoặc một trong hai chúng tôi đi đến đâu đó sau khi có thảm kịch xảy ra, thường chúng tôi muốn nhắc nhở người Mỹ đừng thờ ơ với đau thương của người khác. Nếu có thể, tôi luôn tìm cách tuyên dương nỗ lực của các nhân viên cứu hộ, các nhà giáo dục hay các tình nguyện viên - bất cứ ai nỗ lực hỗ trợ trong tình huống khó khăn. Đến Haiti cùng Jill Biden ba tháng sau trận động đất năm 2010, nhìn thấy những đống đổ nát ở nơi trước kia từng là các khu nhà, thấy cảnh tượng hàng vạn người - những người mẹ, người ông, những đứa trẻ - bị chôn sống, tôi thấy tim mình thắt lại. Chúng tôi đến thăm một đoàn xe buýt đã được cải tạo mà trong đó nghệ sĩ địa phương đang tiến hành trị liệu nghệ thuật cho trẻ em bị mất người thân, đó là những đứa trẻ dẫu phải chịu cảnh mất mát nhưng nhờ có những người lớn xung quanh nên vẫn có thể nuôi dưỡng niềm hy vọng cho bản thân.
Đau thương và kiên cường cùng song song tồn tại. Tôi học ra điều này không chỉ một mà rất nhiều lần trong vai trò Đệ nhất Phu nhân.
Mỗi khi có thể, tôi sẽ đến thăm các viện quân y nơi các quân nhân Mỹ đang phục hồi sau những chấn thương do chiến tranh gây ra. Lần đầu tiên tôi đến Quân y viện Walter Reed, tọa lạc ngay bên ngoài Washington ở Bethesda, Maryland, tôi có kế hoạch sẽ chỉ ở đó chừng chín mươi phút, nhưng rốt cuộc tôi đã ở lại suốt bốn giờ đồng hồ.
Walter Reed thường là điểm dừng thứ hai hoặc thứ ba dành cho binh sĩ bị thương phải rời khỏi Iraq và Afghanistan. Nhiều binh sĩ được chọn chữa trị tại chỗ theo thứ tự nguy cấp trong vùng chiến sự, sau đó được chuyển đến một cơ sở quân y ở Landstuhl, Đức, trước khi bay về Mỹ. Một số binh sĩ chỉ ở vài ngày tại Walter Reed. Số khác ở suốt nhiều tháng. Bệnh viện có những bác sĩ phẫu thuật quân y hàng đầu và sử dụng những thiết bị phục hồi chức năng hàng đầu, được trang bị để có thể xử lý những vết thương tồi tệ nhất từ chiến trường. Nhờ có những cải tiến trong ngành chế tạo vỏ thép bảo vệ của các loại xe quân sự, quân lính Mỹ giờ đây có thể sống sót trong những vụ nổ bom mà trước kia có thể giết chết họ. Đó là tin tốt. Tin xấu là gần một thập kỷ tham gia vào hai cuộc xung đột vũ trang mà đặc trưng là những trận đột kích và thiết bị nổ giấu kín, có rất nhiều binh sĩ bị thương và tử vong vì những vụ nổ bom như vậy.
Dẫu có cố gắng chuẩn bị để đối mặt với bất kỳ chuyện gì trong đời, thì cũng chẳng gì có thể chuẩn bị cho những trải nghiệm mà tôi có tại các viện quân y và Fisher House - nơi cư trú, mà các gia đình quân nhân có thể ở lại miễn phí để săn sóc một người thân đã bị thương, được thành lập bởi một tổ chức thiện nguyện cùng tên. Như từng đề cập trước đó, tôi lớn lên với rất ít kiến thức về quân đội. Cha tôi từng có hai năm phục vụ trong quân ngũ, nhưng đó là rất lâu trước khi tôi sinh ra. Đến khi Barack bắt đầu chiến dịch tranh cử, tôi vẫn chưa từng tiếp xúc với sự trật tự mà hối hả của một căn cứ quân sự hay những căn nhà tập thể khiêm tốn làm mái ấm cho các quân nhân và gia đình của họ. Chiến tranh với tôi luôn khủng khiếp nhưng cũng từng rất khó hình dung, đó là những quang cảnh mà tôi không thể tưởng tượng ra và những con người tôi không quen biết. Giờ đây tôi đã không còn có thể nhìn nhận về chiến tranh như vậy nữa.
Khi đến bệnh viện, tôi thường gặp một y tá phụ trách, sau đó tôi được đưa bộ đồng phục y tế và được hướng dẫn cách tẩy trùng tay mỗi khi bước vào một căn phòng. Trước khi mở cửa, tôi sẽ nhận một tóm tắt ngắn gọn về thân thế của quân nhân và tình trạng của họ. Chính mỗi bệnh nhân cũng được hỏi trước xem họ có muốn tôi đến thăm hay không. Một vài người từ chối, có lẽ vì họ không thấy đủ khỏe mạnh hay có lẽ vì lý do chính trị. Dù gì đi nữa, tôi cũng hiểu cho họ. Tôi không muốn trở thành gánh nặng cho ai đó.
Các lần thăm bệnh của tôi ngắn hay dài tùy theo mong muốn của binh sĩ. Mỗi cuộc đối thoại đều riêng tư, không có báo chí hay nhân viên nào khác quan sát chúng tôi. Tâm trạng đôi khi cũng u ám, cũng có lúc vui vẻ nhẹ nhàng. Chúng tôi sẽ nói về thể thao, về quê nhà, hay về con cái - lấy cảm hứng từ những biểu ngữ hoặc hình ảnh được dán trên tường phòng bệnh. Hoặc là chúng tôi sẽ nói về Afghanistan và những gì đã xảy ra với họ ở đó. Đôi khi chúng tôi trao đổi về những gì họ cần và cả những gì họ không cần, mà theo lời của họ thì thứ họ không cần chính là lòng thương hại.
Một lần nọ, tôi thấy trên cửa có dán một tấm bìa cứng màu đỏ với thông điệp được viết bằng bút lông đen như sau:
LƯU Ý CHO NHỮNG AI BƯỚC VÀO ĐÂY:
Nếu các bạn vào căn phòng này và cảm thấy đau buồn hay tiếc thương cho những vết thương của tôi, hãy đi chỗ khác. Tôi bị thương trong lúc thực hiện công việc mà tôi yêu, tôi thực hiện công việc ấy vì những người tôi yêu thương, để góp phần bảo vệ sự tự do của đất nước mà tôi hết lòng yêu quý. Tôi cực kỳ mạnh mẽ và sẽ hồi phục hoàn toàn.
Đây chính là sự kiên cường. Đây là sự phản ánh của tinh thần tự lập và niềm kiêu hãnh mà tôi đã thấy ở mọi nơi trong quân đội. Một ngày nọ tôi trò chuyện với một người lính đã ra mặt trận khi còn trẻ trung và lành lặn, để lại một người vợ đang mang thai ở nhà, và quay trở về trong tình trạng liệt cả tay chân. Khi hai chúng tôi trò chuyện, đứa con của anh đang được cuộn trong một chiếc mền đặt trên ngực anh, đó là một đứa trẻ sơ sinh với khuôn mặt hồng hào. Tôi đã gặp một binh sĩ khác đã bị phẫu thuật cắt bỏ một chân, và anh đã hỏi tôi rất nhiều câu hỏi liên quan tới mật vụ. Anh vui vẻ giải thích rằng anh từng hy vọng sẽ trở thành mật vụ sau khi rời khỏi quân đội, nhưng vết thương hiện tại buộc anh phải nghĩ đến một kế hoạch mới cho mình.
Sau đó là người nhà của những binh sĩ này. Tôi tự giới thiệu bản thân với những người vợ và chồng, người mẹ và cha, anh chị em họ và những người bạn của họ mà tôi gặp bên giường bệnh, đó là những người đã hoãn hết mọi sự để có thể đến bên cạnh người thân của mình. Đôi khi họ là những người duy nhất tôi có thể trò chuyện cùng, vì người thân yêu của họ đang nằm cạnh và bất động, đang ngủ hoặc được gây mê sâu. Những thành viên gia đình ấy mang gánh nặng của riêng mình. Một số người xuất thân từ các gia đình có nhiều thế hệ nối tiếp phục vụ trong quân ngũ, còn số khác là bạn gái của những người lính từ khi cả hai còn ở tuổi vị thành niên, rồi trở thành cô dâu ngay trước một đợt điều động - tương lai của họ giờ đây đã đột ngột chuyển hướng, phức tạp hơn. Tôi không nhớ được mình đã khóc cùng bao nhiêu bà mẹ, nỗi đau đớn rõ mồn một đến nỗi những gì chúng tôi có thể làm là đan tay vào nhau và lặng thầm nguyện cầu trong nước mắt.
Những điều tôi thấy được trong cuộc sống của những người lính khiến tôi thấy mình nhỏ bé. Từ trước đến nay, tôi chưa bao giờ tìm được ở nơi nào khác sự kiên cường và trung thành mà tôi đã thấy ở những căn phòng đó.
Một ngày nọ ở San Antonio, Texas, tôi để ý thấy một vụ lộn xộn nhỏ ở hành lang viện quân y nơi tôi đến thăm. Các hộ lý vội vàng ra ra vào vào căn phòng mà tôi sắp ghé thăm. “Anh ấy không chịu ở trên giường”, tôi nghe ai đó xì xầm. Bên trong, tôi thấy một Vệ binh quốc gia có nhiều vết thương và cơ thể bị phỏng nặng. Đó là một chàng trai trẻ cao to từ vùng nông thôn Texas và rõ ràng đang rất đỗi đau đớn, cậu đang giật mạnh ga giường và cố tìm cách trườn chân xuống sàn.
Phải một lát sau chúng tôi mới hiểu cậu ấy đang cố gắng làm gì. Bất chấp cơn đau đớn, cậu đang cố đứng dậy để chào phu nhân tổng tư lệnh của mình.
ĐÂU ĐÓ ĐẦU NĂM 2011, Barack nhắc đến cái tên Osama bin Laden. Chúng tôi chỉ vừa kết thúc bữa tối và Sasha và Malia phải lên phòng làm bài tập, nên chỉ còn lại hai chúng tôi trong phòng ăn của Nhà Trắng.
“Bọn anh nghĩ mình biết hắn ta ở đâu”, Barack nói. “Chúng ta có thể đến đó và tìm cách bắt hắn ra ngoài, nhưng nói chung không có gì chắc chắn.”
Bin Laden là kẻ bị truy lùng nhiều nhất trên toàn thế giới và đã lẩn trốn suốt nhiều năm qua. Bắt sống hoặc tiêu diệt bin Laden vẫn luôn là một trong những ưu tiên hàng đầu của Barack khi tại nhiệm. Tôi biết điều này sẽ có một ý nghĩa nhất định với đất nước, với hàng ngàn binh lính đã mất nhiều năm để bảo vệ chúng ta trước al-Qaeda và đặc biệt với những ai đã mất đi người họ yêu thương vào ngày 11 tháng Chín.
Nghe giọng Barack có vẻ nghiêm trọng, tôi biết còn có rất nhiều điều cần phải giải quyết. Các biến số đang đè nặng trên vai anh, dù tôi biết tốt hơn không nên hỏi quá nhiều câu hỏi hay buộc anh phải kể ra bằng hết những chi tiết cụ thể. Anh và tôi là những người sẽ lắng nghe và góp ý cho nhau trong công việc, và vẫn luôn như thế. Nhưng tôi cũng biết rằng giờ đây anh ấy đang dành thời gian bên các cố vấn chuyên gia. Anh ấy có quyền tiếp cận đủ loại thông tin tuyệt mật, và theo những gì tôi được biết, đặc biệt là trong những vấn đề về quốc phòng, anh ấy không cần ý kiến của tôi. Nhìn chung, tôi hy vọng rằng thời gian dành cho tôi và hai đứa nhỏ sẽ luôn là thời gian anh ấy được nghỉ ngơi, dẫu cho công việc luôn quanh quẩn bên mình. Rốt cuộc thì chúng tôi đúng là đang sống với đủ loại vấn đề.
Barack, người từ lâu luôn giỏi phân định cuộc sống gia đình và công việc, đã tìm ra cách để có thể toàn tâm toàn ý mỗi khi ở bên chúng tôi. Đấy là một điều mà chúng tôi đã học cùng nhau từ khi công việc của chúng tôi trở nên ngày càng bận rộn và dày đặc. Chúng tôi cần vạch ra giới hạn và bảo vệ các ranh giới. Bin Laden không được xen vào bữa tối của chúng tôi, khủng hoảng nhân đạo ở Libya hay đảng viên Đảng Cộng hòa của phong trào Tea Party cũng không nốt. Chúng tôi có con, và con chúng tôi cần không gian để trò chuyện và trưởng thành. Thời gian dành cho gia đình là lúc những mối quan ngại to lớn và khẩn cấp bị thu nhỏ một cách đột ngột và không thương tiếc để những chuyện nho nhỏ có thể được ưu tiên. Barack và tôi thường ngồi dùng bữa, nghe kể về những chuyện xảy ra trên sân chơi trường Sidwell hay lắng nghe Malia kể chi tiết bài nghiên cứu về động vật sắp bị tuyệt chủng của con bé và cảm thấy như thể đó là những thứ quan trọng nhất trên đời. Vì thật là như vậy. Chúng xứng đáng như thế.
Dẫu thế, kể cả khi chúng tôi đang ăn, công việc vẫn chất chồng. Tôi có thể nhìn hành lang ngoài phòng ăn ngay sau lưng Barack, nơi các trợ lý giao những quyển sổ tóm tắt hàng đêm lên một chiếc bàn nhỏ, thường là trong lúc chúng tôi đang dùng bữa. Đây chính là một phần của nghi thức Nhà Trắng: hai tập bìa được giao đến vào mỗi tối, một cho tôi và một dày hơn, bọc da, dành cho Barack. Mỗi tập chứa giấy tờ dành cho văn phòng của mỗi chúng tôi, những thứ cần phải đọc trong đêm.
Sau khi đưa bọn trẻ đi ngủ, Barack thường sẽ mang tập hồ sơ của anh vào Phòng Hiệp Ước, còn tôi mang tập hồ sơ của mình vào bàn làm việc trong phòng thay quần áo, nơi tôi dành khoảng một hoặc hai giờ mỗi đêm hoặc vào lúc sáng sớm để đọc nội dung bên trong - thường là những bản ghi nhớ của nhân viên, bản thảo cho các bài diễn văn sắp tới và những quyết định phải đưa ra liên quan đến các chương trình hành động của tôi.
Một năm sau khi Let’s Move! ra đời, chúng tôi bắt đầu nhìn thấy kết quả. Chúng tôi đã liên kết với nhiều nguồn quỹ và nhà cung ứng thực phẩm khác nhau để họ lắp đặt sáu ngàn quầy rau quả tự chọn ở căng-tin trường học và tuyển dụng đầu bếp trong khu vực để giúp các trường phục vụ thức ăn không chỉ có lợi cho sức khỏe mà còn ngon nữa. Walmart, khi ấy là nhà bán lẻ thực phẩm lớn nhất nước Mỹ, đã ủng hộ nỗ lực của chúng tôi bằng cách chấp nhận cắt giảm lượng đường, muối và mỡ trong sản phẩm thực phẩm của mình và giảm giá thành nông sản. Và chúng tôi cũng kêu gọi các thị trưởng từ năm trăm thành phố và thị trấn khắp nước Mỹ cam kết xử lý vấn nạn béo phì ở trẻ em ở cấp địa phương.
Quan trọng nhất, trong suốt năm 2010, tôi đã nỗ lực thúc đẩy một dự luật dinh dưỡng trẻ em mới tới Quốc hội, giúp trẻ em dễ dàng tiếp cận hơn với nguồn thức ăn tốt cho sức khỏe, chất lượng cao ở trường công và gia tăng tỷ lệ bồi hoàn cho các bữa ăn được liên bang trợ giá lần đầu tiên trong ba mươi năm. Mặc dù nhìn chung thì tôi vui khi có thể tránh xa chính trị và việc hoạch định chính sách, nhưng đây là trận chiến quan trọng của tôi, thế nên tôi sẵn sàng vì nó mà lao vào chính trường. Tôi đã dành hàng giờ liền để gọi điện cho các thượng nghị sĩ và dân biểu, tìm cách thuyết phục họ tin rằng con em chúng ta xứng đáng hơn những gì chúng đang nhận được. Tôi không ngừng nói về chuyện này với Barack, các cố vấn của anh, bất cứ ai chịu lắng nghe. Luật mới đã bổ sung thêm trái cây tươi và rau củ, ngũ cốc nguyên hạt và bơ sữa ít béo cho khoảng bốn mươi ba triệu suất ăn phục vụ hàng ngày. Luật này sẽ điều chỉnh lượng đồ ăn vặt được bán cho trẻ em từ các máy bán hàng tự động trong khuôn viên trường và đồng thời cũng trao quỹ cho trường học để xây dựng vườn cây và sử dụng nông sản trồng tại địa phương. Với tôi, đó là một điều hết sức tốt đẹp - một cách giải quyết hiệu quả và bài bản cho chứng béo phì ở trẻ em.
Barack cùng các cố vấn cũng thúc đẩy dự luật này. Sau khi Đảng Cộng hòa giành quyền kiểm soát Hạ viện ở kỳ bầu cử giữa nhiệm kỳ, anh đã biến nỗ lực đó trở thành một ưu tiên khi tiếp xúc với giới làm luật vì biết mình không có khả năng tạo ra thay đổi chóng vánh trong quá trình lập pháp. Đầu tháng Mười Hai, trước khi Quốc hội khóa mới họp, dự luật đã vượt qua được những rào cản cuối cùng, và mười một ngày sau, tôi tự hào đứng cạnh Barack khi anh ký tên ban hành dự luật này thành bộ luật chính thức, trước sự chứng kiến của các em học sinh tại một trường tiểu học trong vùng.
Anh đùa với phóng viên, “Nếu không thể làm cho dự luật này được thông qua thì tôi phải ngủ trên ghế sofa”.
Cũng như với khu vườn, tôi đang tìm cách gieo trồng một thứ khác - một mạng lưới những người ủng hộ, những tiếng nói đồng thanh bảo vệ trẻ em và sức khỏe của các em. Tôi thấy là công việc của mình đang góp phần tạo ra thành công của Barack trong việc cho ra đời đạo luật “Chăm sóc sức khỏe hợp túi tiền 2010”, bảo đảm mọi người dân Mỹ đều có thể tiếp cận bảo hiểm y tế. Và giờ đây tôi đang tập trung vào một nỗ lực khác có tên gọi Joining Forces (tạm dịch: Hiệp Lực) - một hoạt động hợp tác với Jill Biden, người có con trai vừa an toàn trở về sau khi đóng quân ở Iraq. Nỗ lực này cũng góp phần hỗ trợ cho nghĩa vụ của Barack trong vai trò tổng tư lệnh.
Jill và tôi đã cùng một nhóm nhân viên xác định những cách thức cụ thể để hỗ trợ cộng đồng quân nhân và nâng cao nhận thức về cộng đồng này, vì chúng tôi biết mình mang nợ những quân nhân và gia đình của họ rất nhiều. Hồi đầu năm Barack đã phát động một cuộc khảo sát toàn diện trong chính quyền, yêu cầu từng cơ quan phải tìm ra những cách mới để giúp đỡ các gia đình có người tham gia quân đội. Trong lúc đó, tôi tìm đến những CEO quyền lực nhất nước Mỹ, đề nghị họ cam kết tuyển dụng một lượng lớn cựu binh và vợ hoặc chồng của những người này. Jill vận động các trường cao đẳng và đại học để tập huấn cho đội ngũ giảng dạy thấu hiểu hơn nhu cầu của con em gia đình quân nhân. Chúng tôi cũng muốn đấu tranh chống lại sự kỳ thị xoay quanh các vấn đề về sức khỏe tâm thần đã đeo bám một số quân nhân xuất ngũ, và lên kế hoạch vận động các nhà văn và nhà sản xuất ở Hollywood đưa những câu chuyện người thật việc thật của quân đội vào tác phẩm điện ảnh và chương trình truyền hình của họ. Và đấy mới chỉ là bắt đầu.
Những vấn đề tôi đang theo đuổi không hề đơn giản, nhưng tôi vẫn có thể phần nào kiểm soát được chúng, chứ không như những vấn đề khiến Barack phải nán lại bàn làm việc mỗi đêm. Theo những gì tôi đã biết từ khi mới gặp anh, ban đêm là khi tâm trí của Barack có thể tự do suy nghĩ mà không bị xao nhãng. Chính trong những lúc yên tĩnh ấy mà anh ấy có thể tìm ra một góc nhìn hay hấp thu những thông tin mới, bổ sung những điểm dữ liệu vào cái bản đồ tâm trí khổng lồ anh mang theo. Các nhân viên văn thư đến Phòng Hiệp Ước vài lần buổi tối để đưa thêm các tập hồ sơ, trong đó có chứa thêm các giấy tờ, do nhân viên làm việc muộn ở văn phòng bên dưới nhà vừa mang lên. Nếu Barack thấy đói, một nhân viên phục vụ sẽ mang cho anh một đĩa hạt các loại để lót dạ. Anh ấy không còn hút thuốc, dù vậy anh vẫn thường nhai kẹo cao su vị nicotine. Hầu hết các đêm trong tuần, anh thức làm việc tới một hoặc hai giờ sáng, đọc biên bản ghi nhớ, viết lại các bài diễn văn, và trả lời email giữa tiếng kênh truyền hình ESPN đang mở khẽ. Anh luôn dành thời gian để sang hôn chúc tôi và bọn trẻ ngủ ngon.
Giờ thì tôi đã quen với điều đó - sự tận tụy của anh dành cho công việc lãnh đạo đất nước, một công việc không bao giờ có hồi kết. Trong nhiều năm, bọn trẻ và tôi đã san sẻ Barack với những cử tri của anh ấy, và giờ đây số lượng cử tri là hơn ba trăm triệu. Để lại anh ấy một mình trong Phòng Hiệp Ước, đôi khi tôi tự hỏi không biết những cử tri đó có biết là họ may mắn thế nào hay không.
Phần cuối cùng trong công việc của anh, thường là sau nửa đêm, là đọc thư của người dân Mỹ. Từ khi nhiệm kỳ tổng thống bắt đầu, Barack đã yêu cầu nhân viên mỗi ngày tìm ra mười lá thư hay tin nhắn trong khoảng mười lăm ngàn thư và email từ cử tri gửi đến hàng ngày và cho chúng vào quyển sổ tổng hợp của anh. Anh ấy đọc từng dòng một cách cẩn thận, viết lời hồi âm ở mép thư để nhân viên có thể soạn thảo câu trả lời hoặc chuyển lời đến một bộ trưởng. Anh ấy đọc thư của quân nhân, tù nhân, những bệnh nhân ung thư đang chật vật tìm cách thanh toán tiền chăm sóc sức khỏe và của những con người đã mất nhà cửa vì bị tịch biên. Anh đọc thư của những người đồng tính hy vọng sẽ có thể kết hôn hợp pháp, của đảng viên Đảng Cộng hòa cảm thấy là anh đang hủy hoại đất nước này, của những bà mẹ, người ông và trẻ con. Anh ấy đọc thư của những người biết trân trọng những gì anh đã làm và của những kẻ chỉ muốn anh biết anh là một kẻ ngốc.
Anh ấy đọc hết tất cả, xem đó là một phần của trách nhiệm đi cùng với lời tuyên thệ khi nhậm chức. Anh ấy có một công việc cực nhọc và cô đơn - cực nhọc và cô đơn nhất thế gian, thường thì tôi cảm thấy thế - nhưng anh biết anh có bổn phận phải luôn mở lòng, để không gạt bỏ bất kỳ điều gì. Khi tất cả chúng ta say ngủ, anh dỡ bỏ mọi rào chắn và để mọi thứ ùa vào.
CÁC TỐI THỨ HAI và thứ Tư, Sasha, lúc này đã lên mười, có lớp tập bơi với đội tuyển ở Trung tâm Thể dục thể thao Đại học Mỹ cách Nhà Trắng vài cây số. Tôi thi thoảng cũng đến xem con bé tập, cố gắng lẻn vào căn phòng nhỏ cạnh hồ bơi, nơi cha mẹ có thể ngồi quan sát việc tập luyện qua một ô cửa sổ.
Xoay trở trong một trung tâm thể dục thể thao bận rộn vào giờ cao điểm rõ là cả một thử thách cho các mật vụ trong đội an ninh của tôi, nhưng họ đã xử lý tài tình. Phần mình, tôi đã trở thành một chuyên gia ở khoản đi nhanh và hạ thấp tầm nhìn mỗi khi băng qua các không gian công cộng, để giúp mọi chuyện luôn nhanh gọn. Tôi đã băng qua những sinh viên đại học đang bận rộn với các bài nâng tạ và các lớp dạy Zumba đông đúc. Đôi khi chẳng khiến ai chú ý cả. Khi khác, tôi cảm thấy sự xáo động mà thậm chí không cần phải nhìn lên, bởi nghe người ta đang thì thầm hay thi thoảng còn hét lên, “Kìa, Michelle Obama đó!”. Nhưng mọi chuyện chỉ có vậy và thường diễn ra rất nhanh. Tôi cũng giống bóng ma, xuất hiện ở đó rồi biến mất trước khi người khác kịp nhận ra.
Vào những đêm có lịch tập luyện, những hàng ghế bên hồ bơi thường vắng người, trừ một nhóm các bậc phụ huynh khác đang tán gẫu hay lướt màn hình iPhone trong lúc chờ bọn trẻ tập xong. Tôi sẽ tìm một góc yên lặng, ngồi xuống và tập trung vào chuyện bơi lội của con bé.
Tôi thích những lần có thể nhìn thấy con gái tôi trong thế giới thật của chúng - không còn Nhà Trắng, không còn cha mẹ bên cạnh, giữa không gian và các mối quan hệ mà chúng tự tạo dựng cho mình. Sasha bơi giỏi, rất thích môn bơi sải và dự định sẽ thuần thục cả bơi bướm. Con bé đội chiếc mũ trùm đầu màu xanh hải quân và bộ đồ bơi một mảnh, đều đặn đạp chân, chỉ dừng lại đôi lần để lắng nghe huấn luyện viên chỉ bảo, hay trò chuyện tíu tít với các đồng đội trong những giờ nghỉ theo quy định.
Với tôi, không có gì hạnh phúc bằng trở thành người bên lề quan sát những thời khắc ấy, chỉ ngồi yên mà chẳng ai xung quanh màng tới để chứng kiến sự nhiệm màu của một bé gái - con gái của chúng tôi - đang trở nên độc lập và khỏe mạnh. Chúng tôi đã đẩy con cái mình vào đủ sự lạ lùng và áp lực nặng nề của đời sống tại Nhà Trắng mà khôngbiết chúng sẽ bị ảnh hưởng ra sao hay nhận được gì từ cuộc sống ấy. Tôi cố gắng khiến những tiếp xúc của chúng với thế giới bên ngoài càng tích cực càng tốt vì nhận ra rằng Barack và tôi đang có cơ hội có một không hai để cho chúng chứng kiến cận cảnh lịch sử. Khi Barack có những chuyến công du nước ngoài trùng với kỳ nghỉ của trường, cả nhà sẽ đi cùng nhau vì chúng tôi biết các con sẽ học được nhiều điều từ những chuyến đi đó. Mùa hè năm 2009, chúng tôi đưa hai đứa theo trong một chuyến viếng thăm Điện Kremlin ở Moscow và Vatican ở Rome. Trong vòng bảy ngày, chúng đã được gặp Tổng thống Nga, tham quan đền Pantheon và đấu trường La Mã, và đi qua “Cánh cửa vĩnh biệt” ở Ghana, điểm khởi hành của vô số người châu Phi đã bị bán làm nô lệ.
Rõ ràng có rất nhiều điều mới mẻ để cả hai tiếp thu, nhưng tôi cũng hiểu là từng đứa trẻ sẽ học hỏi những gì có thể qua lăng kính của chính mình. Sasha về nhà sau các chuyến du lịch mùa hè và bắt đầu vào lớp ba. Mùa thu năm đó, khi đi quanh lớp học của con bé vào đêm dành cho phụ huynh học sinh ở Sidwell, tôi bắt gặp một bài luận ngắn “Mùa hè vừa qua em đã làm gì?” do con bé viết, treo cùng với những bài luận khác của các bạn cùng lớp trên tường. “Tôi đã đến Rome và gặp Đức Giáo hoàng”, Sasha viết. “Ngài ấy bị khuyết một phần ngón cái.”
Tôi không thể kể cho bạn nghe ngón cái của Giáo hoàng Benedict XVI ra sao, có hay không khuyết đi một phần nào. Nhưng chúng tôi đã mang một đứa bé tám tuổi thực tế và ưa quan sát đến Rome, đến Moscow và đến Accra, và đây là những gì nó mang về. Quan điểm về lịch sử của con bé, vào thời điểm ấy, chỉ “cao tới thắt lưng”.
Dẫu cố gắng tạo ra một vùng đệm giữa các con với những khía cạnh nguy hiểm hơn trong công việc của Barack, tôi biết rằng cả hai vẫn còn rất nhiều điều phải tìm hiểu. Chúng tồn tại cùng với những sự kiện trên thế giới theo cách mà ít đứa trẻ nào có được, sống cùng với thực tế rằng đôi khi tin tức đến từ ngay dưới mái nhà của chúng tôi, rằng cha của chúng đôi khi được mời tham dự những sự việc nguy khẩn của quốc gia, và rằng mọi lúc và dù thế nào đi chăng nữa vẫn sẽ luôn có một bộ phận dân chúng thù ghét cha chúng ra mặt.
Trong suốt mùa đông năm 2011, chúng tôi nghe tin người dẫn chương trình truyền hình thực tế kiêm kinh doanh bất động sản New York, Donald Trump, đang bắt đầu gây tiếng vang bằng khả năng đại diện Đảng Cộng hòa ra ứng cử tổng thống khi Barack có kế hoạch tái cử vào năm 2012. Tuy nhiên, chủ yếu dường như ông ta chỉ đang tạo dư luận ồn ào, xuất hiện trên các sô truyền hình cáp để đưa ra những phê bình làu bàu, kém chuyên nghiệp đối với các quyết định về chính sách ngoại giao của Barack và thẳng thừng đặt ra nghi vấn Barack có phải là công dân Mỹ hay không. Trong đợt tranh cử lần trước, những người nghi vấn về nơi sinh của Barack đã hùa nhau xây dựng một thuyết âm mưu cho rằng giấy khai sinh của Barack tại Hawaii là giả mạo và thực tế là anh ấy được sinh ra ở Kenya. Trump đang tích cực tìm cách khơi lại lập luận này, đưa ra những nhận xét ngày càng kỳ quặc trên truyền hình, khẳng định rằng các thông báo về ngày sinh của Barack trên báo Honolulu năm 1961 là giả và chẳng một người bạn cùng nhà trẻ nào nhớ đến anh. Trong khi đó, nhằm “câu view”, các nguồn tin - nhất là các nguồn tin theo tư tưởng bảo thủ - đã hào hứng châm dầu vào những tuyên bố hàm hồ vô căn cứ kia.
Dĩ nhiên toàn bộ chuyện ấy thật điên khùng và bẩn tính, sự cố chấp và tính bài ngoại thâm căn cố đế trong đó khó lòng che đậy được. Nhưng nó lại rất nguy hiểm, vì cố tình khuấy động những kẻ cực đoan cuồng tín và đầu óc có vấn đề. Thỉnh thoảng tôi được mật vụ báo cáo ngắn gọn về những mối họa ngày càng lớn đang ập tới và cũng hiểu rằng có những người thật sự dễ bị kích động. Tôi cố gắng không lo lắng, nhưng đôi khi chuyện đó là không thể. Sẽ ra sao nếu một kẻ đầu óc bất ổn cầm súng và lái xe đến Washington? Sẽ ra sao nếu kẻ ấy săn tìm con chúng tôi? Donald Trump, với những lời bóng gió bất chấp và ồn ào của mình, đang đặt sự an toàn của gia đình tôi vào rủi ro. Và vì thế, tôi sẽ không bao giờ tha thứ cho ông ta.
Tuy nhiên chúng tôi không có lựa chọn nào khác ngoài việc đẩy lùi nỗi sợ, tiếp tục tin tưởng vào cái hệ thống được thiết lập để bảo vệ chúng tôi và chỉ đơn giản là sống cuộc đời của mình. Những người tìm cách khẳng định chúng tôi là “người ngoài” đã làm điều đó từ nhiều năm qua. Chúng tôi làm hết những gì có thể để vượt lên trên những lời dối trá và xuyên tạc của họ, tin rằng cách sống của Barack và tôi sẽ cho mọi người thấy sự thật rằng chúng tôi là người như thế nào. Tôi đã sống cùng những bận tâm về sự an toàn của chúng tôi, thành thật và thiện ý nhất, gần như từ cái ngày mà Barack quyết định tranh cử tổng thống. “Chúng tôi mong không ai sẽ làm tổn thương hai người”, người ta thường nắm chặt tay tôi và nói vậy tại các sự kiện tranh cử. Tôi nghe điều đó từ những con người thuộc mọi chủng tộc, gốc gác, tuổi tác - một sự nhắc nhở rằng sự tốt lành và hào phóng vẫn đang tồn tại trên đất nước chúng ta. “Chúng tôi cầu nguyện cho chị và gia đình hàng ngày.”
Tôi vẫn nhớ những lời họ nói. Tôi cảm nhận sự bảo trợ của hàng triệu con người tốt bụng cầu nguyện cho chúng tôi được an toàn. Barack và tôi cũng dựa vào đức tin cá nhân. Giờ đây chúng tôi hiếm khi đến nhà thờ, chủ yếu vì việc này đã trở thành một sự kiện thu hút công chúng, bao gồm cả việc phóng viên lớn tiếng đặt câu hỏi khi chúng tôi bước vào nơi tôn nghiêm đó. Kể từ khi sự săm soi của công chúng dành cho mục sư Jeremiah Wright trở thành một vấn đề trong chiến dịch tranh cử tổng thống đầu tiên của Barack, kể từ khi các đối thủ đã sử dụng đức tin làm vũ khí - cho rằng Barack là một “người theo Hồi giáo giả dạng” - chúng tôi đã quyết định thực hành đức tin của mình trong riêng tư và tại gia, bao gồm nguyện cầu hàng đêm trước giờ ăn tối và tổ chức một vài buổi giáo lý Chủ nhật ngay tại Nhà Trắng cho con gái chúng tôi. Chúng tôi không tham gia một nhà thờ nào ở Washington, vì chúng tôi không muốn khiến bất kỳ giáo đoàn nào phải đón nhận những tấn công ác ý như từng xảy ra ở Nhà thờ Trinity, nhà thờ chúng tôi tham gia ở Chicago. Tuy nhiên, đó là cả một sự hy sinh. Tôi nhớ sự ấm áp của cộng đồng tín ngưỡng. Mỗi đêm, tôi thường nhìn sang và thấy Barack đang nằm, mắt khép, ở bên kia giường, lặng lẽ đọc lời cầu nguyện.
Nhiều tháng sau khi tin đồn về nhân thân của Barack trở nên ồn ào hơn, một tối thứ Sáu tháng Mười Một, một người đàn ông đỗ xe tại khu vực đã đóng cửa của Đại lộ Constitution và bắt đầu bắn súng trường bán tự động từ cửa sổ xe, nhắm thẳng vào các tầng cao của Nhà Trắng. Một viên đạn đã trúng cửa sổ Phòng Bầu dục Vàng, nơi đôi lúc tôi vẫn thích ngồi để dùng trà. Một viên khác dính vào một khung cửa sổ, và vài viên khác văng lên quá nóc nhà. Barack và tôi đêm đó đều đi vắng, Malia cũng thế. Sasha và mẹ tôi đều có ở nhà, nhưng hai người không hề hay biết và cũng không bị thương. Phải mất mấy tuần để thay lớp kính chống đạn cho cửa sổ Phòng Bầu dục Vàng, và trong suốt thời gian đó tôi vẫn hay nhìn vào chỗ tróc hình tròn nơi viên đạn đã để lại và nhớ đến việc chúng tôi có thể dễ dàng gặp nguy hiểm như thế nào.
Nhìn chung, tôi hiểu là sẽ tốt hơn cho tất cả chúng tôi khi không bận tâm đến sự ganh ghét của người khác hoặc mãi lo lắng về những rủi ro, kể cả khi người ta cứ muốn khơi gợi những điều đó. Malia cuối cùng đã tham gia đội quần vợt của trường trung học Sidwell, và đội của con bé sẽ tập luyện ở sân cỏ của trường tại Đại lộ Wisconsin. Con bé ở đó, vào một ngày mà một phụ nữ, mẹ của một học sinh khác, đến gần nó, chỉ ra con đường đông đúc cắt ngang sân và hỏi, “Cháu có sợ ngoài đó không?”.
Càng lớn, con gái tôi càng học được cách vận dụng tiếng nói của mình, tự có cách riêng để củng cố những ranh giới mà nó cần. “Nếu bác hỏi con có nghĩ về cái chết của mình hàng ngày hay không, thì câu trả lời là không”, con bé trả lời lễ phép hết mức có thể.
Vài năm sau đó, cũng người mẹ ấy sẽ xuất hiện trước mặt tôi tại một sự kiện dành cho cha mẹ tại trường và xin lỗi tôi một cách chân thành rằng khi ấy cô đã hiểu ngay sai lầm mình gây ra - đó là đặt sự lo lắng vào một đứa trẻ khi nó chẳng thể làm gì khác. Cô ấy đã nghĩ rất nhiều về chuyện đó, và đối với tôi thì hành động đó rất có ý nghĩa. Cô ấy đã nghe ra trong câu trả lời của Malia cả sự kiên cường lẫn yếu đuối, tiếng vọng của những gì chúng ta đang chung sống và những gì ta muốn giữ mình tránh xa. Cô cũng hiểu rằng điều duy nhất mà con gái của chúng tôi có thể thực hiện, vào hôm đó và mọi ngày từ đó trở về sau, là trở lại sân bóng và tiếp tục đánh một cú khác.
DĨ NHIÊN, MỌI THÁCH THỨC ĐỀU LÀ TƯƠNG ĐỐI. Tôi biết hai cô con gái của mình đang lớn lên với nhiều ưu thế hơn hầu hết những gì mà các gia đình khác có được. Con gái chúng tôi có một ngôi nhà xinh đẹp, thức ăn dọn sẵn trên bàn, những người lớn tận tụy xung quanh, cùng với những lời động viên và nguồn lực dành cho vấn đề giáo dục. Tôi đặt tất cả mọi thứ mình có vào Malia và Sasha, vào sự phát triển của chúng, nhưng trong vai trò Đệ nhất Phu nhân, tôi cũng hiểu rõ về một bổn phận to lớn hơn. Tôi cảm thấy mình cần làm nhiều hơn cho trẻ em nói chung, và đặc biệt là các bé gái. Một phần của suy nghĩ này bắt nguồn từ những phản ứng mà người ta thường có về câu chuyện cuộc đời của tôi - họ ngạc nhiên khi một cô gái da đen thành thị có thể với tới những ngôi trường thuộc Ivy League, có được những công việc thuộc cấp quản lý và vào được Nhà Trắng. Tôi hiểu rằng con đường mình đã trải qua là khác thường, nhưng không có lý do gì để con đường đó là khác thường. Đã có quá nhiều lần trong đời tôi cảm thấy mình là người phụ nữ da màu duy nhất - thậm chí là người phụ nữ duy nhất - ngồi tại một bàn hội nghị, tham gia cuộc họp hội đồng quản trị hoặc hòa vào một sự kiện tiếp đón thượng khách. Nếu tôi là người đầu tiên tham gia các sự kiện như thế, tôi muốn bảo đảm rằng tôi không phải là người duy nhất - rằng sau tôi sẽ có những người khác như thế. Như mẹ tôi, người miễn nhiễm hoàn toàn với những lời cường điệu, vẫn nói mỗi khi ai đó cất tiếng khen ngợi tôi và anh Craig vì những thành tựu chúng tôi có được, “Chúng nó chẳng có gì đặc biệt. South Side có đầy những đứa trẻ như thế”. Chúng tôi chỉ cần giúp đưa những đứa trẻ đó vào những căn phòng kia.
Tôi đang nhận ra rằng những phần quan trọng trong câu chuyện đời tôi không nằm ở giá trị bề ngoài của các thành tích tôi đạt được, mà ở những gì đã giúp tạo nên chúng - cách tôi đã được tôi luyện theo thời gian, và những con người đã giúp vun đắp sự tự tin của tôi. Tôi nhớ tất cả những con người đó, tôi nhớ từng con người đã thúc đẩy tôi tiến lên phía trước, nỗ lực hết mình để giúp tôi chống lại sự xem thường và sỉ nhục mà tôi chắc chắn sẽ bắt gặp ở những chốn mình xuất hiện - những nơi không được xây dựng để dành cho người da đen hay phụ nữ.
Tôi nghĩ tới bà Robbie và những tiêu chuẩn khó nhằn của bà về cách chơi dương cầm, cách bà đã dạy tôi phải ngẩng đầu cao và đánh đàn với cả trái tim trên cây dương cầm sang trọng, dù lúc đó tôi chỉ mới biết qua một cây dương cầm đứng có phím hỏng hóc. Tôi nghĩ tới cha tôi, người đã dạy tôi cách đón và ném bóng như đã dạy anh Craig. Còn có thầy Martinez và thầy Bennett, hai người thầy của tôi ở trường tiểu học Bryn Mawr, những con người chưa bao giờ từ chối lắng nghe ý kiến của tôi. Tôi cũng nhớ tới mẹ, chỗ dựa vững chãi của tôi, người mà sự cẩn trọng của bà đã giúp tôi không héo úa trong lớp hai u ám năm đó. Ở Princeton, tôi có chị Czerny Brasuell, người đã động viên tôi và giúp tôi phát triển tâm trí theo những cách mới mẻ. Và khi là một nhân viên trẻ tuổi, bên cạnh rất nhiều người khác tôi còn có Susan Sher và Valerie Jarrett - những người sau này đã trở thành bạn tốt và vẫn tiếp tục là đồng nghiệp của tôi - họ đã chỉ cho tôi thấy thế nào là một phụ nữ vừa nuôi con vừa theo đuổi sự nghiệp và thường xuyên trao cho tôi cơ hội vì tin rằng tôi có tài năng nào đó.
Có những người hầu như chẳng hề biết về nhau và chẳng bao giờ có dịp để gặp mặt, nhiều trong số đó tôi đã không còn giữ liên lạc. Nhưng với tôi, họ đã tạo nên một tổ hợp đầy ý nghĩa. Họ là những người ủng hộ tôi, tin tưởng tôi, là dàn hợp xướng của riêng tôi và không ngừng hát bài ca động viên tôi.
Tôi chưa bao giờ quên điều đó. Kể cả khi là một luật sư trẻ, tôi đã cố tìm cách để đền đáp, khuyến khích sự ham học hỏi mỗi khi có cơ hội, tôi thu hút người trẻ vào những cuộc đối thoại quan trọng. Nếu một luật sư tập sự hỏi tôi về tương lai của em ấy, tôi sẽ mở cửa văn phòng và chia sẻ hành trình của mình hoặc trao cho em ấy một lời khuyên. Nếu ai đó muốn được giúp đỡ hay nhờ tôi kết nối, tôi sẽ làm mọi thứ có thể để hỗ trợ. Về sau, trong thời gian làm việc ở Public Allies, tôi đã thấy tận mắt lợi ích của quá trình cố vấn chuyên sâu. Từ kinh nghiệm bản thân, tôi biết tầm quan trọng của việc có ai đó thật sự quan tâm đến quá trình học tập và phát triển của bạn, dù họ chỉ thể hiện điều đó qua việc dành cho bạn mười phút trong một ngày bận rộn. Điều này có ý nghĩa đặc biệt với phụ nữ, những người thuộc nhóm thiểu số và với bất cứ ai mà xã hội dễ dàng phớt lờ.
Với suy nghĩ đó, tôi đã bắt đầu một chương trình về lãnh đạo và cố vấn tại Nhà Trắng, mời hai mươi học sinh lớp bảy và tám từ các trường trung học quanh vùng đô thị Washington tham gia các buổi tập trung hàng tháng, bao gồm các cuộc trò chuyện thân tình, chương trình tham quan thực tế và những buổi chia sẻ những vấn đề như kiến thức về tài chính và hướng nghiệp. Chúng tôi cố gắng giữ cho chương trình này tránh khỏi tai mắt của giới truyền thông.
Mỗi học sinh sẽ có một nữ cố vấn, người sẽ xây dựng mối quan hệ cá nhân với các em, chia sẻ những nguồn lực và kể cho các em nghe câu chuyện đời mình. Chị Valerie là cố vấn. Cris Comerford, nữ bếp tổng đầu tiên tại Nhà trắng, cũng là cố vấn. Và cả Jill Biden cũng vậy, cùng với một số phụ nữ lớn tuổi khác từ đội ngũ nhân viên Cánh Đông và Cánh Tây. Các em học sinh được hiệu trưởng hoặc tư vấn viên trong trường đề cử và sẽ tham gia cùng chúng tôi đến khi tốt nghiệp. Chúng tôi có các em gái đến từ các gia đình có người phục vụ trong quân ngũ, những em gái đến từ các gia đình nhập cư, một bà mẹ tuổi vị thành niên, một cô gái từng sống ở một mái ấm cho người vô gia cư. Đó là những cô gái thông minh và ham học hỏi. Những cô bé đó không khác gì tôi, cũng không khác các cô con gái của tôi. Tôi quan sát các em kết bạn với nhau, xây dựng mối quan hệ với nhau và với những người lớn xung quanh. Tôi dành hàng giờ để nói chuyện với các em - chúng tôi ngồi thành một vòng tròn lớn, ăn bắp rang bơ và chia sẻ suy nghĩ về việc chọn trường đại học, về hình ảnh bản thân và về những chàng trai. Chẳng có chủ đề nào bị ngăn cấm. Chúng tôi cười suốt với nhau. Hơn bất cứ điều gì, tôi hy vọng đây là hành trang các em sẽ mang vào tương lai - sự thoải mái, cảm giác về tinh thần cộng đồng, sự khích lệ để lên tiếng và được lắng nghe.
Mong ước của tôi dành cho các em chẳng khác gì mong ước tôi dành cho Sasha và Malia - đó là khi học cách cảm thấy thoải mái bên trong Nhà Trắng, các em sẽ học cách trở nên thoải mái và tự tin ở bất cứ nơi đâu, ở bất kỳ cuộc họp nào và cất lên tiếng nói của mình ở bất kỳ hội nhóm nào.
CHÚNG TÔI ĐÃ SỐNG BÊN TRONG cái bong bóng có tên tổng thống được hơn hai năm tính đến thời điểm này. Tôi đã tìm cách để mở rộng bong bóng đó càng nhiều càng tốt. Barack và tôi tiếp tục mở cửa Nhà Trắng cho nhiều người hơn, đặc biệt là cho bọn trẻ, với hy vọng khiến vẻ nghiêm trang của nơi này có chút hòa nhập vào cộng đồng, mang lại sức sống cho sự nghiêm trang và truyền thống của nó. Bất cứ khi nào quan khách nước ngoài đến tham quan ở cấp nhà nước, chúng tôi cũng mời các học sinh tại địa phương đến để chiêm ngưỡng sự lộng lẫy của lễ đón chính thức và thưởng thức những món được chiêu đãi ở đại tiệc. Khi các nhạc sĩ đến để trình diễn vào buổi tối, chúng tôi bảo họ hãy đến sớm để tham gia một hội thảo dành cho các bạn trẻ. Chúng tôi muốn nhấn mạnh tầm quan trọng khi cho trẻ tiếp xúc với nghệ thuật, cho thấy nghệ thuật chẳng phải là cái gì xa xỉ mà là một điều thiết yếu trong trải nghiệm học tập của các em. Tôi vui mừng khi thấy các em học sinh trung học nhập hội với những nghệ sĩ đương thời như John Legend, Justin Timberlake và Alison Krauss bên cạnh những huyền thoại như Smokey Robinson và Patti LaBelle. Với tôi, chuyện này gợi nhớ về tuổi thơ của mình - về nhạc jazz tại nhà ông Southside, những buổi độc tấu dương cầm và các lớp dạy trình diễn operetta của bà Robbie, và cả những chuyến tham quan bảo tàng trung tâm của cả nhà. Tôi biết nghệ thuật và văn hóa có đóng góp như thế nào vào sự phát triển của một đứa trẻ. Và tất cả những điều đó giúp tôi cảm thấy nơi này là nhà. Barack và tôi ngồi ở hàng ghế đầu và luôn đung đưa theo điệu nhạc trong mọi buổi biểu diễn. Kể cả mẹ tôi, vốn thường tránh xa những lần xuất hiện trước đám đông, luôn xuống tầng một để thưởng thức mỗi khi tiếng nhạc trỗi lên.
Chúng tôi cũng bổ sung những sự kiện tôn vinh hoạt động nhảy múa và nhiều hình thức nghệ thuật khác, cũng như giới thiệu tác phẩm mới của các nghệ sĩ đang nổi. Năm 2009, chúng tôi tổ chức buổi ứng tác thơ ca đầu tiên tại Nhà Trắng, lắng nghe một nhà soạn nhạc trẻ tuổi tên Lin-Manuel Miranda trình diễn một sáng tác còn dang dở và khiến mọi người kinh ngạc, với mô tả đó là “một album nhạc có chủ đề về cuộc sống của một người mà tôi cho là hiện thân của văn hóa hip-hop… Bộ trưởng Ngân khố Hoa Kỳ Alexander Hamilton”.
Tôi nhớ mình đã bắt tay cậu ấy và nói, “Chúc cậu may mắn với tác phẩm về Hamilton”.
Ngày nào cũng vậy, chúng tôi được tiếp xúc với đủ mọi cung bậc. Hào nhoáng, xuất sắc, tuyệt vọng, hy vọng. Mọi thứ song hành tồn tại, và trong lúc đó chúng tôi có hai đứa trẻ đang tìm cách sống cuộc sống của mình bên cạnh những gì đang diễn ra ở nhà của mình. Tôi làm mọi cách để giữ cho tôi và hai con luôn nối kết với thế giới hàng ngày. Mục tiêu của tôi xưa nay vẫn vậy, đó là tìm thấy sự bình thường mỗi khi có thể, để hòa hợp trở lại với đời sống thường nhật. Trong các mùa bóng đá và bóng vợt, tôi đến tham dự nhiều trận đấu trên sân nhà của hai đứa, đứng cạnh những người cha người mẹ khác, lịch sự từ chối bất cứ ai hỏi xin chụp ảnh, dù lúc nào tôi cũng sẵn lòng trò chuyện phiếm. Sau khi Malia bắt đầu học quần vợt, tôi xem các ván đấu của con bé chủ yếu qua cửa sổ một chiếc xe của mật vụ bí mật đậu gần sân bóng vì không muốn làm con bé phân tâm. Chỉ khi trận đấu kết thúc tôi mới đến và ôm con một cái.
Còn với Barack, chúng tôi đã chấp nhận là anh sẽ không thể đi lại gọn nhẹ như những người bình thường. Anh đến dự các buổi họp học sinh và sự kiện thể thao khi nào anh ấy có thể, nhưng dịp để quây quần rất hạn chế, và sự hiện diện của đội an ninh dành riêng cho anh sẽ luôn gây chú ý. Thực tế, nó buộc phải gây chú ý - để gửi cho cả thế giới một thông điệp rằng không ai có thể làm hại tổng thống Mỹ. Vì những lý do hiển nhiên, tôi rất vui vì điều đó. Nhưng trong đời sống gia đình bình thường thì có lẽ như thế là hơi quá.
Malia cũng có suy nghĩ này vào một ngày nọ, khi Barack và tôi cùng với con bé tham gia một sự kiện ở trường tiểu học Sidwell của Sasha. Cả ba chúng tôi đang bước băng qua một sân chơi ngoài trời, đi ngang một nhóm trẻ mẫu giáo đang trong giờ giải lao, chúng đang leo trèo trong khu vận động và chạy quanh khu vực được lót sàn gỗ dăm. Tôi không chắc bọn trẻ có để ý thấy một đội thiện xạ mật vụ mặc đồ đen đang trải khắp trên nóc các tòa nhà trong trường với súng trường trên tay hay không, nhưng Malia thì có.
Con bé nhìn các xạ thủ rồi nhìn bọn trẻ, sau đó quay qua nhìn cha mình với ánh mắt chòng ghẹo. Con bé nói, “Thật hả cha? Chuyện này nghiêm túc sao ạ?”.
Những lúc đó, Barack chỉ có thể mỉm cười và nhún vai.
Tôi phải nói rõ là chẳng một ai trong chúng tôi từng bước ra khỏi bong bóng kia. Bong bóng ấy di chuyển cùng từng người chúng tôi. Ngay sau những thỏa thuận ban đầu với nhóm mật vụ, Malia bắt đầu tham gia vào những hoạt động như lễ trưởng thành bat mitzvah(1) của bạn bè, rửa xe gây quỹ cho trường, thậm chí đi chơi ở trung tâm mua sắm và luôn có các nhân viên mật vụ và thường có bà ngoại đi cùng, nhưng giờ đây hai bà cháu chí ít cũng có thể tự do di chuyển như những người khác. Các mật vụ của Sasha, bao gồm Beth Celestini và Lawrence Tucker - mà ai cũng gọi là L.T., đã trở thành những con người được yêu mến ở Sidwell. Bọn trẻ năn nỉ L.T. đẩy xích đu cho chúng trong giờ nghỉ. Các gia đình thường mang thêm bánh cho các nhân viên mật vụ vào những tiệc sinh nhật tổ chức trong lớp.
Tất cả chúng tôi đều trở nên thân thiết với họ theo thời gian. Preston Fairlamb trở thành trưởng nhóm an ninh cho tôi, và rồi Allen Taylor, người đã theo tôi từ ngày diễn ra chiến dịch, về sau đã đảm nhận vị trí đó. Khi chúng tôi xuất hiện trước công chúng, họ im lặng và cực kỳ cảnh giác, nhưng mỗi khi ở hậu trường hay đang trên chuyến bay, họ thả lỏng đôi chút, kể chuyện và đùa với nhau. “Những anh chàng dịu dàng mặt đơ”, tôi thường trêu họ như thế. Trong quãng thời gian chúng tôi chia sẻ cùng nhau, chúng tôi trở thành những người bạn thật sự. Tôi đau với những mất mát của họ và ăn mừng những cột mốc quan trọng trong cuộc sống của họ. Tôi luôn luôn nhận thức được tầm quan trọng trong nghĩa vụ của họ, về những hy sinh mà họ sẵn sàng chấp nhận để giữ cho tôi được an toàn, và chẳng bao giờ tôi xem những đóng góp của họ là hiển nhiên.
Giống hai cô con gái, tôi vẫn bồi đắp đời sống cá nhân của mình song song với đời sống chính thức trước công chúng. Tôi nghiệm ra rằng với sự giúp đỡ linh hoạt từ các mật vụ, tôi có thể khiến người khác ít chú ý tới mình. Thay vì đi bằng đoàn tháp tùng, đôi khi tôi cũng được phép đi lại trong một chiếc xe tải thường dân cùng một đội an ninh nhẹ nhàng hơn theo cùng. Tôi đã xoay xở để có thể thực hiện những chuyến mua sắm chớp nhoáng vào lúc này hoặc lúc khác, đến và đi trước khi bất kỳ ai kịp nhận ra tôi đã ở đó. Sau khi Bo cắn nát hết mấy chú chó đồ chơi mà nhân viên mua cho nó ở các lần mua sắm, đích thân tôi đã dắt Bo tới PetSmart ở Alexandria một sáng nọ. Và trong một ít thời gian ngắn ngủi, tôi đã tận hưởng sự vô danh của mình khi tìm cho chú chó vài món đồ để mài răng, trong khi Bo - cũng thích thú với chuyện ra ngoài hệt như tôi - thì được đeo xích và tha thẩn đi quanh tôi.
Mỗi khi tôi đi đâu đó mà không gây sự chú ý, cảm giác ấy giống như một chiến thắng nho nhỏ, một bài tập về tự do ý chí. Suy cho cùng thì tôi là người quan tâm đến các chi tiết. Tôi chưa hề quên cảm giác thỏa mãn mỗi khi có thể đánh dấu hoàn tất những món hàng cần mua trong danh sách. Khoảng sáu tháng sau chuyến đi PetSmart, tôi đã làm một chuyến “vi hành” khác tới cửa hàng Target trong vùng, đội mũ lưỡi trai và kính râm. Nhân viên an ninh của tôi mặc quần ngắn, mang giày thể thao và giấu tai nghe, làm hết sức để không trở nên nổi bật trong khi vẫn bám theo tôi và trợ lý Kristin Jones của tôi trong cửa hàng. Chúng tôi đi hết mọi lối đi có ở đó. Tôi chọn một ít mỹ phẩm và vài chiếc bàn chải mới. Chúng tôi sắm khăn giấy mỏng và bột giặt cho Kristin, và tôi cũng tìm thấy vài bộ đồ chơi cho Sasha và Malia. Và đó là lần đầu tiên sau nhiều năm trời tôi có thể lựa được một tấm thiếp tặng Barack nhân ngày kỷ niệm của hai chúng tôi.
Tôi về nhà trong tâm trạng cực kỳ sảng khoái. Đôi khi, những điều nhỏ bé nhất lại mang đến cảm giác vui sướng nhất.
Theo thời gian, tôi đã thêm vào lịch trình hàng ngày của mình vài chuyến phiêu lưu khác. Tôi bắt đầu thi thoảng gặp bạn bè để dùng bữa tối tại nhà hàng hay ở nhà họ. Đôi khi tôi đến công viên và đi bộ những quãng dài dọc sông Potomac. Tôi có nhân viên mật vụ đi trước và sau mình trong những chuyến ấy, nhưng kín đáo và giữ khoảng cách. Những năm về sau, tôi đã bắt đầu rời khỏi Nhà Trắng để tham gia các lớp thể dục, ghé vào các phòng tập của SoulCycle và Solidcore quanh thành phố, vào lớp ngay sát giờ bắt đầu và rời đi ngay khi lớp vừa xong để tránh gây chú ý. Hành động tự do nhất hóa ra là lần trượt tuyết xuống đồi, môn thể thao mà tôi không có nhiều kinh nghiệm nhưng chẳng bao lâu đã thành món tôi đam mê. Tận dụng những mùa đông lạnh khác thường trong hai năm đầu của gia đình chúng tôi ở Washington, tôi đã cùng hai con và vài người bạn nhiều lần đến một khu trượt tuyết nhỏ có cái tên Núi Tự do gần Gettysburg, ở đó chúng tôi nhận ra mình có thể đội mũ bảo hộ, khăn choàng và kính bịt và hòa lẫn vào bất cứ đám đông nào. Trượt xuống một sườn dốc, tôi vừa được ở ngoài trời, vừa di chuyển, lại chẳng bị ai nhận ra - mọi thứ đều diễn ra đồng thời. Với tôi, cảm giác đó vui sướng như đang bay.
Sự hòa nhập thật sự quan trọng. Thật ra, hòa nhập chính là tất cả - là một cách để tôi cảm nhận về chính mình, để vẫn là Michelle Robinson vùng South Side trong dòng chảy lớn hơn của lịch sử. Tôi đan xen cuộc sống cũ vào cuộc sống mới, đan xen những bận tâm riêng tư vào công tác phục vụ cộng đồng. Ở Washington, tôi đã có nhiều người bạn mới - một số là mẹ của bạn cùng lớp Sasha và Malia và một vài người gặp gỡ trong thời gian hoàn thành nghĩa vụ với Nhà Trắng. Đó là những người phụ nữ không quan tâm chồng tôi là ai hay địa chỉ nhà chúng tôi ở đâu, mà quan tâm chính con người tôi. Thật buồn cười khi ta có thể nhanh chóng nhận ra ai thật sự quan tâm đến mình và ai chỉ đang cố gắng tư lợi. Đôi khi trong bữa tối, vợ chồng tôi nói với Sasha và Malia để chúng biết rằng có những con người, cả lớn lẫn nhỏ, thường lởn vởn quanh những nhóm bạn của chúng tôi và tỏ ra quá háo hức - hay như chúng tôi thường gọi là “thèm khát”.
Từ nhiều năm trước tôi đã học được rằng phải giữ những người bạn đích thực trong cuộc đời mình. Tôi vẫn thân thiết với nhóm bạn gái thường tụ tập vào các ngày thứ Bảy từ tận những ngày mang theo túi tã ở Chicago khi con cái chúng tôi vẫn đòi ăn trên ghế, còn chúng tôi thì mệt mỏi đến mức muốn khóc. Đó là những người bạn đã giúp tôi bình tâm, mua giúp thực phẩm và giao tận nhà khi tôi bận không thể tự mua sắm được, đã đưa đón hai đứa nhà tôi học ba-lê khi tôi đang làm việc hay chỉ cần có một chút thời gian nghỉ ngơi. Một vài người trong số họ đã cùng tôi lên máy bay để đến những điểm bầu cử chẳng hề lộng lẫy trong chặng đường tranh cử, trao cho tôi một điểm neo giữ cảm xúc khi tôi cần đến nó nhất. Như bất kỳ phụ nữ nào sẽ nói với bạn, tình bạn giữa những người phụ nữ được xây dựng từ hàng ngàn điều tử tế nhỏ nhoi như thế, cứ trao đi đáp lại liên tục không ngừng.
Năm 2011, tôi bắt đầu có những nỗ lực vun đắp các mối quan hệ bạn bè của mình, mang những người bạn cũ và mới lại với nhau. Cứ mỗi vài tháng, tôi lại mời khoảng mười hai người bạn thân nhất đi nghỉ với tôi vào dịp cuối tuần tại Trại David, khu nghỉ dưỡng nhiều cây cối, gần giống khu cắm trại, dành cho tổng thống nằm ở trong những dãy núi phía bắc Maryland cách Washington chừng năm mươi cây số. Tôi bắt đầu gọi những cuộc hội họp như thế là “Trại huấn luyện”, một phần vì tôi thừa nhận là có ép mọi người cùng tập thể dục với tôi hàng ngày (tôi cũng có lúc thử ngăn mọi người đem theo rượu và đồ ăn vặt, nhưng nhanh chóng bị phản đối), nhưng quan trọng hơn là vì tôi thích “xây dựng” trong tình bạn.
Bạn bè tôi đều là những người thành đạt và tận tụy, nhiều người có cuộc sống gia đình bận rộn và công việc nhiều áp lực. Tôi biết không phải lúc nào họ cũng dễ dàng thoát khỏi guồng quay đó. Nhưng vấn đề nằm chính ở chỗ này. Chúng tôi đã quá quen với việc hy sinh cho con cái, chồng con, công việc. Từ những năm tháng cố tìm cho mình sự cân bằng trong cuộc sống, tôi đã học được thỉnh thoảng chúng ta hoàn toàn có thể đảo lộn các ưu tiên đó và thật sự quan tâm đến bản thân mình. Tôi vui khi có thể truyền đạt điều đó vì những người bạn của mình, để tạo ra một lý do - và truyền thống - cho một nhóm phụ nữ có thể xoay sang con mình, chồng mình, đồng nghiệp mình và nói rằng, Xin lỗi nhé, nhưng tôi cần làm điều này vì bản thân.
Các buổi trại đó vào cuối tuần là một cách để chúng tôi có một chỗ nghỉ chân, kết nối và tái tạo năng lượng. Chúng tôi ở trong những ngôi nhà nhỏ bằng gỗ, xung quanh là rừng cây, chúng tôi di chuyển bằng xe điện và đạp xe. Chúng tôi chơi bóng ném, tập bài thể dục toàn thân burpee và duỗi người. Đôi khi tôi mời cả một vài nhân viên trẻ tuổi đến chơi, và thật thú vị khi chứng kiến Susan Sher, ở tuổi ngót bảy mươi, trườn trên sàn cạnh MacKenzie Smith, nhân viên tổ chức kế hoạch tuổi đôi mươi từng là một vận động viên bóng đá ở trường. Chúng tôi dùng những món ăn bổ dưỡng do đầu bếp Nhà Trắng nấu. Chúng tôi trải qua những bài tập dưới sự giám sát của Cornell, huấn luyện viên thể thao của tôi, và nhiều nhân viên là hải quân mặt búng ra sữa vẫn gọi tất cả chúng tôi là “bà”. Chúng tôi vận động rất nhiều và cứ huyên thuyên trò chuyện với nhau. Chúng tôi chia sẻ suy nghĩ và kinh nghiệm, đưa ra lời khuyên hay kể chuyện vui và đôi khi chỉ là bảo đảm rằng bất cứ ai giãi bày tâm sự vào lúc này đều không phải là người duy nhất có con tuổi dậy thì hay có một vị sếp mà mình không thể nào chịu đựng được. Thường thì chúng tôi giúp nhau bình tâm chỉ bằng cách lắng nghe. Và khi nói lời tạm biệt lúc tiệc vui kết thúc, chúng tôi biết mình sẽ sớm quay lại cùng nhau.
Những người bạn khiến tôi thấy mình trọn vẹn, và sẽ luôn như thế. Họ động viên tôi bất cứ khi nào tôi cảm thấy thất vọng, bức bối hoặc không thể gặp được Barack. Họ giúp tôi vững vàng mỗi khi cảm thấy căng thẳng vì bị người khác đánh giá, khi mọi thứ từ màu sơn móng tay cho đến kích cỡ vòng ba của tôi đều bị mổ xẻ và bàn tán công khai. Và họ giúp tôi vượt qua những cơn sóng dữ đôi khi ập tới lúc tôi chẳng kịp trở tay.
Vào ngày Chủ nhật đầu tiên của tháng Năm năm 2011, tôi dùng bữa tối với hai người bạn tại một nhà hàng ở trung tâm, để Barack và mẹ ở nhà chăm sóc hai đứa trẻ. Cuối tuần ấy dường như bận rộn hơn mọi khi. Chiều thứ Bảy trước đó, Barack đã bị lôi vào một loạt những bản báo cáo, và chúng tôi dành cả buổi tối thứ Bảy tại Tiệc phóng viên Nhà Trắng tổ chức thường niên mà ở đó, trong bài diễn văn của mình, Barack đã đưa ra vài câu đùa sắc bén về chương trình Celebrity Apprentice (tạm dịch: Ngôi sao tập sự) của Donald Trump, cũng như về giả thuyết của ông về nơi sinh của anh. Tôi không thể nhìn thấy Trump từ chỗ ngồi của mình, nhưng ông ấy có tham gia. Trong khi Barack đọc diễn văn, các máy quay cận cảnh đã quay Donald Trump và người ta thấy vẻ mặt ông khá hậm hực.
Với chúng tôi, những đêm Chủ nhật dường như đều lặng lẽ và tự do. Hai đứa con gái thường đã mệt sau một tuần chơi thể thao và gặp gỡ bạn bè. Còn Barack, nếu may mắn, có thể đôi khi tranh thủ ít thời gian ban ngày để chơi golf trong sân của Căn cứ Không quân Andrews, một hoạt động có thể giúp anh ấy thư giãn được một chút.
Đêm hôm đó, sau khi gặp gỡ bạn bè, tôi trở về nhà vào khoảng mười giờ tối và được một quản gia chào ở cửa như mọi khi. Ngay khi ấy tôi đã có thể biết là có chuyện, tôi cảm thấy bầu không khí bất thường ở tầng trệt Nhà Trắng. Tôi hỏi quản gia có biết ngài tổng thống đang ở đâu hay không.
“Tôi tin là ông ấy đang ở trên lầu, thưa phu nhân, để chuẩn bị công bố trước toàn dân”, ông ấy đáp.
Đây là cách mà tôi nhận ra chuyện gì rốt cuộc cũng đã xảy ra. Tôi biết nó sẽ đến, nhưng không biết chính xác nó sẽ diễn biến như thế nào. Hai ngày qua tôi đã cố gắng hành xử hoàn toàn bình thường, vờ như không biết có chuyện cực kỳ quan trọng và nguy hiểm đang sắp xảy ra. Sau nhiều tháng thu thập thông tin tình báo cấp cao và nhiều tuần tỉ mỉ chuẩn bị, sau các báo cáo an ninh và đánh giá rủi ro và một quyết định sau cùng cực kỳ căng thẳng, cách Nhà Trắng mười một ngàn cây số và trong màn đêm, một đội lực lượng đặc nhiệm Navy SEAL đã đột kích một tòa nhà bí ẩn ở Abbottabad, Pakistan để săn tìm Osama bin Laden.
Khi tôi bước đến sảnh khu tư dinh, Barack đang từ phòng ngủ bước ra. Anh mặc com-lê, thắt cà vạt đỏ và dường như đang cực kỳ phấn khích. Anh đã phải chịu sức ép về quyết định này hàng tháng trời.
“Chúng ta đã bắt được hắn”, anh nói. “Và không ai bị thương.”
Chúng tôi ôm chầm lấy nhau. Osama bin Laden đã bị tiêu diệt. Không một lính Mỹ nào bị thiệt mạng. Barack đã chấp nhận một rủi ro khủng khiếp - thứ có thể đánh đổi cả chức vụ tổng thống của mình - và mọi thứ đều đã ổn.
Tin tức nhanh chóng lan đi khắp thế giới. Người người ùa ra đường quanh Nhà Trắng, tràn ra khỏi nhà hàng, khách sạn và các căn hộ chung cư, tiếng hò reo vui mừng vang vọng khắp nơi. Âm thanh ấy lớn và vui tươi đến mức đánh thức cả Malia, con bé khi đó đang ngủ trong phòng, nơi có những tấm cửa kính chống đạn có thể chặn mọi âm thanh từ bên ngoài.
Dù sao thì đêm ấy không còn ranh giới trong hay ngoài. Tại các thành phố khắp nước Mỹ, người ta kéo nhau xuống đường, rõ ràng là vì thôi thúc muốn được gần gũi với nhau, nối kết không chỉ bằng lòng ái quốc mà còn từ nỗi đau chung của ngày 11 tháng Chín và từ những năm tháng âu lo rằng chúng tôi sẽ bị tấn công một lần nữa. Tôi nghĩ về mọi căn cứ quân sự mình từng đến thăm, tất cả những thương binh đang phục hồi, vô số những con người đã chấp nhận để người thân đi đến một nơi xa xôi để bảo vệ tổ quốc, hàng ngàn đứa trẻ đã mất một người cha, người mẹ vào cái ngày khủng khiếp và đau buồn ấy. Tôi biết không có gì có thể bù đắp những mất mát đó. Không có cái chết nào có thể thay thế một mạng sống. Tôi không chắc là có cái chết nào đáng ăn mừng hay không. Nhưng những gì nước Mỹ có được vào đêm hôm đó là một sự giải tỏa, một dịp để cảm nhận sự kiên cường của đất nước.
(1) Bat mitzvah: lễ trưởng thành theo nghi thức Do Thái giáo dành cho các cô gái 12 hoặc 13 tuổi, đánh dấu giai đoạn các em bắt đầu tự chịu trách nhiệm cho hành động của bản thân.