T
HỜI GIAN DƯỜNG NHƯ CỨ LÚC NHANH LÚC CHẬM khiến tôi dường như quên mất cả ngày tháng. Mỗi ngày đều đầy kín các hoạt động. Mỗi tuần, mỗi tháng rồi mỗi năm chúng tôi ở tại Nhà Trắng đều đầy kín các hoạt động. Tôi làm việc đến thứ Sáu và phải cố gắng nhớ xem thứ Hai và Ba đã trôi qua như thế nào. Đôi khi tôi dùng bữa tối mà không nhớ mình đã ăn trưa lúc nào và ở đâu. Kể cả bây giờ, tôi vẫn cảm thấy khó mà quen với chuyện đó. Nhịp độ quá nhanh, thời gian để suy ngẫm lại quá ngắn. Trong một buổi chiều có thể diễn ra vài sự kiện chính thức, nhiều cuộc họp và một buổi chụp ảnh. Trong một ngày tôi có thể đến nhiều tiểu bang khác nhau, nói chuyện trước mười hai ngàn người, hoặc có bốn trăm đứa trẻ cùng nhảy với mình trong một bài tập vận động ngay tại Bãi cỏ phía Nam, rồi ngay sau đó có thể tôi sẽ thay một chiếc váy sang trọng để tham gia tiệc chiêu đãi buổi tối. Tôi dành thời gian rỗi của mình - những ngày không phải đến văn phòng làm việc - để săn sóc Sasha và Malia, trước khi quay lại với mấy chuyện tóc tai, trang điểm, quần áo. Quay lại với cái thế giới luôn bị dõi theo bởi con mắt công chúng.
Càng gần tới năm Barack tái tranh cử, năm 2012, tôi càng cảm thấy mình không thể và không nên nghỉ ngơi. Tôi vẫn còn đang cố gắng thực hiện sứ mệnh của mình. Tôi hay nghĩ về những điều và những người tôi còn mắc nợ. Tôi mang theo mình cả một lịch sử, và đó không phải lịch sử của những vị Tổng thống hay Đệ nhất Phu nhân. Tôi cảm thấy không cảm được với câu chuyện về John Quincy Adams bằng câu chuyện về Sojourner Truth, tôi cũng không xúc động trước Woodrow Wilson như với Harriet Tubman. Những cuộc đấu tranh của Rosa Parks và Coretta Scott King quen thuộc với tôi hơn so với của Eleanor Roosevelt hay Mamie Eisenhower. Tôi mang theo lịch sử của họ, cùng lịch sử của mẹ tôi và của hai người bà của tôi. Chẳng người phụ nữ nào trong số họ có thể tưởng tượng nổi cuộc sống mà tôi đang có ngày nay, nhưng họ vẫn tin sự bền chí kiên gan của họ rồi đây sẽ mang đến những thành quả tốt đẹp cho những người như tôi. Tôi muốn xuất hiện trước thế giới sao cho có thể tôn vinh những con người ấy.
Tôi dùng suy nghĩ đó tạo sức ép cho bản thân, một kiểu động lực để tôi không được làm hỏng bất cứ điều gì. Dù cho người ta nghĩ tôi là một Đệ nhất Phu nhân được nhiều người biết đến, tôi vẫn không khỏi ám ảnh bởi cách mà tôi từng bị chỉ trích, hay bởi những người phán xét tôi chỉ dựa trên màu da. Đến lúc này, tôi đã sử dụng máy nhắc chữ lắp tại một góc văn phòng làm việc để tập dợt các bài diễn văn của mình nhiều lần. Tôi thúc đẩy các nhân viên tổ chức kế hoạch và đội ngũ chuẩn bị để bảo đảm mỗi một sự kiện của chúng tôi đều diễn ra suôn sẻ và đúng giờ. Tôi thậm chí còn động viên các cố vấn chính sách của mình nỗ lực nhiều hơn để tiếp tục mở rộng phạm vi hoạt động của Let’s Move! và Joining Forces. Tôi tập trung vào việc không để lãng phí bất kỳ cơ hội nào mình có được, nhưng đôi khi cũng phải tự nhắc nhở là mình cũng cần phải nghỉ ngơi.
Barack và tôi đều biết những tháng vận động tranh cử sắp tới sẽ buộc chúng tôi phải di chuyển nhiều hơn, lên chiến lược nhiều hơn và lo lắng cũng nhiều hơn. Thật sự là không thể không lo lắng về việc tái tranh cử. Chi phí bỏ ra là cực kỳ lớn. (Barack và Mitt Romney, cựu thống đốc bang Massachusetts, người sau này trở thành ứng viên Đảng Cộng hòa, mỗi người sẽ phải vận động được hơn một tỷ đô-la Mỹ để duy trì chiến dịch tranh cử của mình.) Và trách nhiệm cũng cực kỳ nặng nề. Cuộc bầu cử sẽ quyết định tất cả mọi thứ, từ số phận của đạo luật chăm sóc sức khỏe mới cho tới việc Mỹ có trở thành một phần trong nỗ lực toàn cầu chống lại biến đổi khí hậu hay không. Mọi người đang làm việc tại Nhà Trắng đều sống trong sự mơ hồ không biết liệu chúng tôi có thể có nhiệm kỳ thứ hai hay không. Tôi cố gắng không nghĩ tới khả năng Barack sẽ thất bại, nhưng khả năng đó vẫn tồn tại, và đó là nỗi sợ mà anh ấy và tôi đều giữ kín, không ai trong chúng tôi dám lên tiếng đề cập đến.
Mùa hè năm 2011 là giai đoạn cực kỳ mệt mỏi đối với Barack. Một nhóm nghị sĩ Đảng Cộng hòa cứng rắn trong Quốc hội từ chối thông qua việc phát hành trái phiếu mới cho chính phủ - một quá trình xảy ra tương đối đều đặn được gọi là nâng trần nợ công chính phủ - trừ khi Barack thực hiện một loạt cắt giảm nghiêm trọng đối với các chương trình của chính phủ như An sinh xã hội, Medicaid, và Medicare. Anh đã không đồng ý vì như thế sẽ làm tổn hại đến những người đang gặp nhiều khó khăn nhất. Trong khi đó, báo cáo hàng tháng do Bộ Lao động công bố về tình trạng việc làm cho thấy tăng trưởng vẫn diễn ra nhưng rất ì ạch, nước Mỹ vẫn chưa phục hồi ở mức cần thiết sau cuộc khủng hoảng 2008. Nhiều người trách Barack. Sau khi cái chết của Osama bin Laden mang lại sự nhẹ nhõm cho nhiều người, tỷ lệ ủng hộ anh tăng vọt đến mức cao nhất trong vòng hai năm, nhưng rồi chỉ vài tháng sau đó, sau vụ việc đụng trần nợ công và những nghi ngại về một cuộc suy thoái kinh tế khác có thể diễn ra, tỷ lệ ủng hộ lại lao xuống mức thấp nhất từ trước đến giờ.
Khi sự hỗn độn này bắt đầu xảy ra, tôi bay sang Nam Phi trong một chuyến thăm thiện chí đã lên kế hoạch từ nhiều tháng trước. Năm học của Sasha và Malia vừa mới kết thúc, do đó chúng có thể đi theo tôi, cùng với mẹ tôi và hai con của anh Craig là Leslie và Avery, hiện đang ở tuổi vị thành niên. Tôi đến Nam Phi để trình bày một diễn văn quan trọng tại một diễn đàn dành cho các nữ lãnh đạo trẻ đến từ khắp châu Phi do Mỹ tài trợ, nhưng tôi cũng xếp vào lịch trình của mình các sự kiện cộng đồng gắn với sức khỏe và giáo dục, cũng như các cuộc viếng thăm các lãnh đạo địa phương và nhân viên lãnh sự của Mỹ tại châu Phi. Chúng tôi cũng có một chuyến tham quan ngắn ở đất nước Botswana, gặp gỡ ngài tổng thống, dừng chân tại một trung tâm điều trị HIV/AIDS, và rồi thưởng thức một chuyến safari(1) ngắn trước khi về lại Mỹ.
Chúng tôi nhanh chóng bị cuốn vào nguồn năng lượng lạ lùng của châu Phi. Ở Johannesburg, chúng tôi tham quan Bảo tàng về nạn Phân biệt chủng tộc, sau đó cùng nhảy múa và cùng đọc sách với trẻ em ở một trung tâm cộng đồng tại một trong những thị trấn dành cho người da đen phía bắc thành phố. Tại một sân bóng đá ở Cape Town, chúng tôi gặp gỡ những nhà tổ chức sự kiện cộng đồng và sức khỏe cộng đồng đang sử dụng các chương trình thể thao để giúp giáo dục trẻ em về HIV/AIDS, và được giới thiệu với Tổng giám mục Desmond Tutu, nhà thần học huyền thoại kiêm nhà hoạt động nhân quyền đã góp công vào quá trình loại bỏ nạn phân biệt chủng tộc ở Nam Phi. Tổng Giám mục Tutu, lúc ấy đã bảy mươi chín tuổi, là một người đàn ông vạm vỡ có đôi mắt sáng và giọng cười sang sảng. Khi hay tin tôi xuất hiện ở sân vận động để tuyên truyền cho hoạt động rèn luyện thân thể, ông cương quyết cùng tôi hít đất trước một đám đông trẻ em đang hò reo cổ vũ.
Trong suốt những ngày ngắn ngủi ở Nam Phi, tôi luôn có cảm giác bồng bềnh. Chuyến đi này cách rất xa chuyến đi Kenya đầu tiên của tôi hồi năm 1991, khi tôi cùng với Barack đi trên những chiếc matatu và đẩy chiếc Volkswagen hỏng hóc của chị Auma dọc theo con đường đầy bụi. Chuyện lệch múi giờ chỉ ảnh hưởng đến tôi một phần, còn chủ yếu tôi cảm thấy được tác động bởi điều gì đó vô cùng sâu sắc và ngập tràn hy vọng khi có mặt tại đây. Cứ như chúng tôi đã tiến vào một vùng giao thoa rộng lớn hơn của văn hóa và lịch sử, rồi chợt nhận ra sự nhỏ bé của mình trước cánh cung thời gian vĩ đại. Nhìn thấy khuôn mặt của bảy mươi sáu phụ nữ trẻ được tuyển chọn tham gia diễn đàn lãnh đạo vì họ đang làm những việc có ý nghĩa cho cộng đồng, tôi đã phải kìm nén để không rơi nước mắt. Họ mang đến cho tôi hy vọng. Họ khiến tôi cảm thấy mình đã già nhưng theo cách dễ chịu nhất. Sáu mươi phần trăm dân số châu Phi vào thời điểm ấy có độ tuổi dưới hai mươi lăm. Đây là những phụ nữ chưa đầy ba mươi và một số chỉ mới mười sáu, họ đang xây dựng những tổ chức phi lợi nhuận, đào tạo các phụ nữ khác trở thành doanh nhân, và chấp nhận rủi ro bị bỏ tù để tố cáo tình trạng tham nhũng của chính phủ. Và giờ đây họ đang được kết nối, đào tạo và khuyến khích. Tôi hy vọng những điều này sẽ giúp gia tăng sức mạnh của họ.
Ấy thế mà giờ phút tuyệt vời nhất lại đến từ sớm, vào ngày thứ hai của chuyến đi. Tôi và gia đình đã đến trụ sở của Quỹ Nelson Mandela ở Johannesburg, thăm hỏi Graça Machel, nhà hoạt động nhân đạo nổi tiếng và cũng là vợ của Mandela, thì hay tin Mandela rất hân hạnh chào đón chúng tôi tại tư gia của ông gần đó.
Đương nhiên chúng tôi nhận lời và đi ngay lập tức. Nelson Mandela khi ấy đã chín mươi hai tuổi. Trước đó ông đã nhập viện vì bệnh phổi. Tôi được biết hiếm khi nào ông tiếp khách. Barack đã gặp ông sáu năm trước trong tư cách thượng nghị sĩ, khi Mandela đến thăm Washington. Từ đó đến nay trên tường văn phòng của anh ấy vẫn luôn treo bức ảnh mà hai người chụp chung trong cuộc gặp gỡ đó. Kể cả hai đứa trẻ - Sasha, mười tuổi, và Malia, sắp bước sang tuổi mười ba - cũng hiểu rằng được gặp Mandela là một chuyện lớn thế nào. Thậm chí mẹ tôi, người chẳng bao giờ biết nao núng là gì, cũng tỏ ra hơi bất ngờ.
Không có nhân vật nào đang sống trên thế giới này lại có sức ảnh hưởng to lớn như Nelson Mandela, ít nhất là theo đánh giá của tôi. Ông đã gia nhập Đảng Đại hội Dân tộc Phi lần đầu tiên vào những năm 1940, khi còn là một chàng thanh niên, và bắt đầu thách thức mạnh mẽ chính quyền Nam Phi, nơi hoàn toàn do người da trắng cầm quyền, cũng như các chính sách phân biệt chủng tộc nặng nề của họ. Vào năm bốn mươi bốn tuổi, ông bị bỏ tù vì các hoạt động của mình và cuối cùng được tại ngoại vào năm 1990, khi đã bảy mươi mốt tuổi. Sống sót qua hai mươi bảy năm thiếu thốn và cô độc trong tù, chứng kiến vô số bạn bè bị tra tấn và giết hại dưới thời chính quyền phân biệt chủng tộc, Mandela đã chọn thương thuyết - thay vì đối đầu - với các lãnh đạo chính phủ, thúc đẩy một cuộc chuyển đổi ôn hòa nhiệm màu sang nền dân chủ đích thực ở Nam Phi, và cuối cùng trở thành tổng thống đầu tiên được bầu cử dân chủ của quốc gia này.
Mandela sống trên một con phố rợp bóng cây ở ngoại ô, trong căn nhà xây theo phong cách Địa Trung Hải nằm sau những bức tường bê tông màu vàng bơ. Graça Machel dắt chúng tôi băng qua một sân vườn rợp bóng cây để vào bên trong, ở đó có một căn phòng đầy ánh nắng, nơi chồng bà đang ngồi trên chiếc ghế bành. Ông có mái tóc trắng lưa thưa và mặc một chiếc áo batik màu nâu. Ai đó đã phủ chiếc mền màu trắng lên hai đùi ông. Xung quanh ông là nhiều thế hệ họ hàng thân quyến, tất cả đều nhiệt tình chào đón chúng tôi. Sự sáng sủa của căn phòng này, sự nhiệt tình của cả gia đình và nụ cười nheo mắt của Mandela khiến tôi nhớ những lần đến nhà ông ngoại Southside khi còn bé. Trước khi đến tôi cảm thấy hơi căng thẳng, nhưng giờ đây tôi đã cảm thấy hoàn toàn thoải mái.
Thật sự là tôi không biết Mandela có nhận ra chúng tôi là ai hoặc vì sao chúng tôi đến đây hay không. “Đây là Michelle Obama!”, Graça Machel nghiêng người lại gần và nói với ông. “Phu nhân Tổng thống Mỹ!”
“Chà, đáng yêu quá”, Nelson Mandela lẩm bẩm. “Đáng yêu quá.”
Ông nhìn tôi bằng vẻ thích thú thật sự, cho dù thật ra tôi có là ai thì cũng vậy. Có vẻ như với bất kỳ ai ông từng gặp trong đời, ông cũng đều chào đón họ bằng sự nồng nhiệt như vậy. Tương tác giữa tôi và Mandela vừa thầm lặng lại vừa sâu sắc - có lẽ càng sâu sắc hơn bởi sự thầm lặng của nó. Những lời ông cần nói trong đời dường như đã được nói ra hết - những bài diễn thuyết và thư từ của ông, những quyển sách và những khẩu hiệu phản kháng của ông, tất cả đã khắc sâu không chỉ vào câu chuyện của cá nhân ông mà vào cả câu chuyện của toàn thể nhân loại. Tôi có thể cảm nhận tất cả những điều đó trong khoảnh khắc ngắn ngủi ở bên cạnh ông - phẩm cách và tinh thần của ông đã kêu gọi được sự bình đẳng từ nơi mà trước đó chúng chưa bao giờ tồn tại.
Năm ngày sau đó, khi đang bay về Mỹ theo hành trình đi lên phía bắc và sang phía tây châu Phi, rồi vượt Đại Tây Dương suốt một đêm dài, tôi vẫn còn nghĩ ngợi về Mandela. Sasha và Malia vẫn nằm ườn cạnh các anh chị em họ; mẹ tôi thì đang ngủ ở chiếc ghế gần bên. Ở phía cuối máy bay, nhân viên và nhóm mật vụ đang xem phim và cố ngủ bù. Tiếng động cơ máy bay vẫn rì rầm. Tôi cảm thấy vừa cô độc vừa không cô độc. Chúng tôi đang về nhà - nhà là thành phố Washington, D.C. vừa quen lại vừa lạ, với những khối cẩm thạch trắng và những tư tưởng đối chọi nhau, với tất cả những thứ vẫn cần tranh đấu để đạt được. Tôi nghĩ về những phụ nữ châu Phi trẻ tuổi đã gặp tại diễn đàn, tất cả họ giờ đây đang trở về cộng đồng của mình để tiếp tục công việc, kiên gan bền chí trước mọi khó khăn gặp phải.
Mandela đã vào tù vì những nguyên tắc của ông. Ông đã không thể chứng kiến con cái mình lớn lên, và ông cũng không thể chứng kiến quá trình đó của các cháu của mình. Ông đón nhận tất cả những điều đó mà không oán thán. Ông đón nhận tất cả những điều đó và vẫn tin rằng một ngày nào đó, phần bản chất tốt đẹp hơn của đất nước sẽ thắng. Ông đã ra sức và đợi chờ, bền bỉ và không nản lòng, để chứng kiến ngày đó xảy ra.
Tôi về nhà mà vẫn lâng lâng trước tinh thần ấy. Cuộc sống đang dạy cho tôi rằng sự tiến bộ và thay đổi sẽ diễn ra từ từ. Không phải trong hai năm, bốn năm, hay thậm chí là cả đời người. Chúng tôi đang gieo những hạt giống của sự thay đổi và có thể sẽ không bao giờ thấy được hoa trái. Chúng tôi cần phải kiên nhẫn.
ĐÃ BA LẦN trong suốt mùa thu 2011, Barack đệ trình các dự luật có thể tạo ra hàng ngàn công việc cho người Mỹ, một phần bằng cách cấp ngân sách cho các tiểu bang tuyển dụng thêm giáo viên và lực lượng phản ứng nhanh. Cả ba lần Đảng Cộng hòa đều phản đối, ngay cả một phiếu thuận cũng không.
Một năm trước, Thượng nghị sĩ lãnh đạo phe thiểu số trong Thượng viện, Mitch McConnell, đã tuyên bố với một phóng viên về những mục tiêu của Đảng Cộng hòa, “Điều quan trọng duy nhất mà chúng tôi muốn đạt được là để Tổng thống Obama đảm nhiệm một nhiệm kỳ duy nhất”. Đơn giản vậy thôi. Hạ viện do Đảng Cộng hòa nắm quyền đã nhắm đến thất bại của Barack hơn bất cứ thứ gì khác. Có vẻ họ không ưu tiên chuyện điều hành đất nước hay quan tâm đến một thực tế là người Mỹ cần công ăn việc làm. Họ chỉ quan tâm đến quyền lực.
Tôi cảm thấy điều này thật đáng thất vọng, dễ gây phẫn nộ và thật đáng xấu hổ. Đây là chính trị, đúng vậy, nhưng là chính trị ở hình thái cay độc và cứng đầu nhất, dường như đã không còn hướng tới bất kỳ mục tiêu cao đẹp nào. Tôi đã cảm nhận những cảm xúc mà có lẽ Barack không thể cảm nhận được. Anh mắc kẹt trong công việc của mình, gần như vẫn ngoan cường, vẫn vượt qua những chướng ngại và sẵn sàng thỏa hiệp những khi có thể bằng tinh thần lạc quan rằng ai-đó-sẽ-hiểu-và-lựa-chọn-điều-này, thứ vốn vẫn luôn định hướng cho anh. Anh ấy đã tham gia chính trị mười lăm năm rồi. Tôi vẫn nghĩ anh giống như một chiếc ấm đồng cũ - được tôi luyện trong lửa, có chút móp méo nhưng vẫn sáng bóng.
Khi trở lại với lộ trình chiến dịch tái tranh cử - việc mà Barack và tôi đã bắt đầu từ mùa thu 2011 - chúng tôi cảm thấy như được cứu rỗi. Bởi chúng tôi có thể rời Washington để một lần nữa đến với những cộng đồng trên khắp đất nước, đến những nơi như Richmond và Reno, nơi chúng tôi có thể ôm chầm và bắt tay cử tri ủng hộ, lắng nghe ý kiến và những mối bận tâm của họ. Đây là dịp để cảm nhận năng lượng từ quần chúng nhân dân, trọng tâm trong tầm nhìn của Barack về nền dân chủ, và nhớ lại rằng công dân Mỹ nhìn chung ít hoài nghi hơn nhiều so với những lãnh đạo mà họ bầu ra. Chúng tôi chỉ cần họ ra khỏi nhà và đi bỏ phiếu. Tôi đã từng thất vọng khi hàng triệu người đã khoanh tay đứng ngoài tại các kỳ bầu cử giữa nhiệm kỳ năm 2010, khiến Barack phải đối mặt với một Quốc hội bị chia rẽ sâu sắc đến mức không thể thông qua được dù chỉ một đạo luật.
Nhưng dù thách thức có thế nào đi nữa, vẫn có nhiều điều đáng hy vọng. Vào cuối năm 2011, những binh lính Mỹ cuối cùng đã rời khỏi Iraq; quá trình rút quân cũng đang diễn ra từ từ tại Afghanistan. Những điều khoản chính của Đạo luật Affordable Care(2) cũng bắt đầu có hiệu lực, cho phép người trẻ tuổi duy trì hợp đồng bảo hiểm của cha mẹ lâu hơn, và các công ty bảo hiểm không được né tránh bổn phận chi trả bảo hiểm trọn đời cho bệnh nhân. Tất cả đều là những tiến bộ, tôi nhắc nhở chính mình, là những bước tiến trên một chặng đường thênh thang hơn.
Kể cả khi cả một đảng chính trị tìm cách để Barack thất bại, chúng tôi không có lựa chọn nào khác ngoài việc luôn giữ suy nghĩ tích cực và tiếp tục mọi chuyện. Chuyện này cũng giống như khi mẹ của một học sinh trường Sidwell hỏi Malia có sợ mạng sống của mình bị đe dọa trong lúc tập quần vợt hay không. Thật sự thì bạn có thể làm gì khác ngoài việc tiếp tục ra ngoài và đánh thêm một quả bóng?
Thế là chúng tôi tiếp tục làm việc. Cả hai vợ chồng tôi cùng làm việc. Tôi tiếp tục lao vào các chương trình hành động của mình. Dưới khẩu hiệu của Let’s Move! chúng tôi tiếp tục gặt hái thành quả. Chúng tôi đã thuyết phục được Darden Restaurants, công ty mẹ của các chuỗi nhà hàng Olive Garden và Red Lobster, thay đổi các món ăn mà họ phục vụ cũng như cách chế biến. Họ cam kết sẽ cải tiến thực đơn, giảm hàm lượng ca-lo, giảm muối và đưa ra những phương án dinh dưỡng lành mạnh hơn cho bữa ăn của các bé. Chúng tôi đã thuyết phục ban lãnh đạo công ty - kêu gọi lương tâm và tác động đến lợi ích của họ - rằng văn hóa tiêu thụ thực phẩm tại Mỹ đang thay đổi và đi trước đón đầu là một việc làm hoàn toàn sáng suốt. Darden Restaurants phục vụ bốn trăm triệu suất ăn hàng năm cho người dân Mỹ. Ở quy mô đó, chỉ cần một thay đổi nhỏ - chẳng hạn xóa đi những tấm ảnh chụp những ly nước ngọt có ga mát lạnh hấp dẫn ra khỏi thực đơn cho trẻ - cũng có thể tạo ra tác động to lớn.
Quyền lực của một Đệ nhất Phu nhân là một cái gì đó rất kỳ lạ - mềm mỏng và chẳng thể định danh như chính bản thân vai trò đó. Vậy mà tôi lại đang học cách để khai thác quyền lực đó. Truyền thống mong chờ tôi phải tạo ra một dáng vẻ nhẹ nhàng thanh lịch, dùng lòng tận tụy của mình để làm đẹp lòng ngài tổng thống, và làm hài lòng đất nước chủ yếu bằng cách không thách thức những quy tắc truyền thống. Tuy nhiên, tôi bắt đầu nhìn ra rằng sự nhẹ nhàng kia một khi được sử dụng cẩn trọng có thể mang đến nguồn sức mạnh hơn hẳn. Tôi có ảnh hưởng vì tôi có những điểm khiến người ta tò mò - một Đệ nhất Phu nhân da đen, một phụ nữ có công ăn việc làm, một người mẹ có con nhỏ. Người ta dường như muốn dành mọi sự quan tâm cho trang phục, giày dép, tóc tai của tôi, nhưng họ cũng phải nhìn xem khi đó tôi đang ở đâu và tại sao lại như vậy. Tôi đang học cách gắn kết thông điệp của mình vào hình ảnh của bản thân, và như vậy tôi có thể điều hướng sự chú ý của nước Mỹ. Tôi có thể mặc một bộ trang phục thú vị nào đó, buông một câu đùa và nói về lượng muối trong thức ăn của bọn trẻ mà không khiến người nghe cảm thấy nhàm chán. Tôi có thể công khai tán thưởng một công ty đang chủ động thuê các thành viên của cộng đồng quân nhân, hay nằm xuống sàn để thi tài hít đất với Ellen DeGeneres trên sóng truyền hình (và chiến thắng, giành được quyền hả hê suốt đời trước mặt chị ấy) nhân danh Let’s Move!.
Tôi là một đứa con của đại chúng, và đó chính là một lợi thế. Đôi khi Barack gọi tôi là “phó thường dân”, anh hỏi ý kiến của tôi về các khẩu hiệu và chiến lược của chiến dịch tranh cử vì biết rằng con người tôi đậm chất văn hóa đại chúng. Dù tôi đã từng đi qua những nơi danh giá như trường Princeton và hãng luật Sidley & Austin, và mặc dù giờ đây thi thoảng tôi vẫn đeo kim cương và mặc váy dạ hội, tôi chưa bao giờ ngưng đọc tạp chí People hay từ bỏ tình yêu dành cho các bộ phim truyền hình hài hước về cuộc sống. Tôi xem Oprah và Ellen nhiều hơn hẳn các chương trình như Meet the Press hay Face the Nation, và cho đến nay chẳng có gì khiến tôi hài lòng hơn việc nhìn thấy mọi thứ được sắp xếp ngăn nắp gọn gàng trên chương trình hướng dẫn bài trí lại nhà cửa.
Tất cả những điều trên chỉ để nói rằng tôi đã tìm thấy những cách kết nối với người dân Mỹ mà Barack và các cố vấn Cánh Tây của anh đã không hoàn toàn nhận ra, ít nhất là vào lúc đầu. Thay vì nhận lời phỏng vấn của những tờ báo lớn hay trên các kênh tin tức truyền hình cáp, tôi bắt đầu ngồi cùng những “blogger mẹ bỉm sữa” đang có sức ảnh hưởng, những người có một lượng nữ khán giả khổng lồ và năng nổ. Quan sát các nhân viên trẻ tuổi sử dụng điện thoại, quan sát Malia và Sasha bắt đầu đọc tin tức và trò chuyện với bạn học cùng trường trên mạng xã hội, tôi nhận ra đó cũng là những cơ hội để tận dụng. Tôi đã viết dòng tweet(3) đầu tiên của mình vào mùa thu năm 2011 để giới thiệu chương trình Joining Forces và sau đó nhìn dòng tin đó lan truyền trong chốn lạ lẫm vô biên mà người ta ngày càng dành nhiều thời gian hơn cho nó.
Đó là một phát hiện mới. Tất cả đều là một phát hiện mới. Tôi nhận ra tôi có thể trở nên mạnh mẽ bằng cách sử dụng quyền lực mềm của mình.
Nếu phóng viên và máy quay truyền hình muốn đi theo tôi, vậy thì tôi sẽ đưa họ đến những nơi tôi muốn đưa họ đến. Chẳng hạn như họ có thể đến xem tôi và Jill Biden sơn một bức tường ở một căn nhà không có gì nổi bật trong một dãy nhà y hệt nhau ở phía tây bắc Washington. Chẳng có gì thật sự thú vị khi xem hai quý bà cầm cây lăn sơn sơn tường, nhưng rõ ràng là cũng có người cắn câu.
Và rồi chuyện này đã đưa mọi người đến cửa nhà Trung sĩ Johnny Agbi, người mà vào năm hai mươi lăm tuổi và đang là một bác sĩ quân y ở Afghanistan thì bị tấn công khi đang ngồi trên trực thăng, khiến anh bị gãy cột sống, chấn thương não và cần trải qua một giai đoạn phục hồi chức năng lâu dài ở Quân y viện Walter Reed. Tầng trệt căn nhà của anh giờ đang được tái thiết kế để anh có thể di chuyển bằng xe lăn - cửa nhà nới rộng ra, chậu bếp hạ thấp xuống - đây là một phần của một nỗ lực chung giữa tổ chức phi lợi nhuận Rebuilding Together và công ty mẹ của Sears và Kmart. Đây là ngôi nhà thứ một ngàn được họ cải tạo nhằm hỗ trợ những cựu binh đang cần giúp đỡ. Máy quay ghi hình lại tất cả - người lính, ngôi nhà của anh, thiện chí và những nỗ lực đang được dồn vào đó. Các phóng viên không chỉ phỏng vấn tôi và Jill mà còn phỏng vấn Trung sĩ Agbi và những con người đã xắn tay cải tạo ngôi nhà. Với tôi, chuyện nên như thế. Công chúng cần nhìn vào những nơi như thế này.
VÀO NGÀY BẦU CỬ - ngày 6 tháng Mười Một năm 2012 - nỗi sợ âm thầm trỗi dậy trong tôi. Barack, hai đứa con gái và tôi trở về Chicago, tại nhà mình ở Đại lộ Greenwood, mòn mỏi chờ đợi xem cả dân tộc sẽ chấp nhận hay từ chối mình. Đối với tôi, cuộc bầu cử này căng thẳng hơn bất kỳ cuộc bầu cử nào chúng tôi đã từng trải qua. Nó giống như một cuộc trưng cầu dân ý không chỉ về năng lực chính trị của Barack và tình hình đất nước, mà còn về chính tính cách của anh, về sự hiện diện của chính chúng tôi trong Nhà Trắng. Hai cô con gái của chúng tôi đã tạo ra một cộng đồng lớn mạnh cho riêng mình và cảm giác về một cuộc sống bình thường mà tôi chẳng muốn phải đảo lộn một lần nữa. Tôi đã rất nỗ lực suốt bốn năm để xây dựng cuộc sống gia đình mình ở Nhà Trắng, đến nỗi giờ đây tôi không thể không nhìn nhận mọi chuyện ở góc độ cá nhân một chút.
Chiến dịch tranh cử khiến chúng tôi rã rời, thậm chí là mệt mỏi hơn tôi đã dự đoán. Trong khi tiếp tục thực hiện các kế hoạch hành động của mình và duy trì những hoạt động như tham gia họp phụ huynh học sinh ở trường và kiểm tra bài tập của các con, tôi đã phát biểu tại các sự kiện trong chiến dịch với tần suất ba thành phố một ngày, ba ngày một tuần. Và nhịp độ làm việc của Barack còn kinh khiếp hơn. Các cuộc thăm dò liên tục cho thấy số phiếu của anh ấy chỉ nhỉnh hơn Mitt Romney một chút. Càng tệ hơn khi cuộc tranh luận đầu tiên của anh hồi tháng Mười diễn ra không mấy suôn sẻ, gây ra một làn sóng căng thẳng kéo dài vào giờ chót giữa các mạnh thường quân và cố vấn. Chúng tôi có thể thấy sự rã rời trên khuôn mặt của các nhân viên tận tâm của mình. Dù không định thể hiện ra, nhưng rõ ràng họ bất an trước khả năng Barack có thể buộc phải rời Nhà Trắng chỉ trong ít tháng tiếp theo.
Suốt quá trình ấy, Barack vẫn điềm tĩnh, nhưng tôi vẫn có thể thấy anh đã bị áp lực nhiều như thế nào. Trong những tuần cuối, anh bắt đầu trông xanh xao hơn và nhai kẹo Nicorette(4) nhiều hơn. Tuy vậy, anh vẫn cố gắng làm mọi thứ cùng một lúc - xoa dịu những người đang tỏ ra lo lắng, hoàn thành chiến dịch và điều hành đất nước, bao gồm cả việc đáp trả cuộc tấn công khủng bố nhắm vào phái đoàn ngoại giao Mỹ tại Benghazi, Libya, và xoay xở để có ngân sách liên bang để ứng phó với cơn bão Sandy, vốn đã tàn phá duyên hải bờ Đông nước Mỹ chỉ một tuần trước ngày bầu cử.
Khi các điểm bỏ phiếu ở Bờ Đông bắt đầu đóng cửa vào đêm hôm đó, tôi đi lên tầng ba nhà mình, nơi chúng tôi đã lập ra một khu vực làm tóc và trang điểm tạm thời để chuẩn bị cho phần xuất hiện trước công chúng vào đêm hôm sau. Meredith đã hấp và ủi quần áo cho tôi, mẹ tôi và hai cô con gái. Johnny và Carl chuẩn bị làm tóc và trang điểm cho tôi. Theo thói quen, Barack trước đó đã ra ngoài chơi bóng rổ và sau đó đã vào văn phòng để chỉnh sửa lần cuối bài diễn văn của mình.
Chúng tôi có ti-vi ở tầng ba, nhưng tôi cố tình không mở. Nếu có tin, dù lành hay dữ, tôi muốn nghe trực tiếp từ Barack hay Melissa, hay từ một ai đó thân cận với tôi. Những lời lảm nhảm của phóng viên tin tức với các tấm bản đồ kết quả bầu cử của họ luôn khiến tôi đau đầu. Tôi không muốn biết các chi tiết: tôi chỉ muốn biết phải cảm thấy như thế nào.
Lúc này đã là hơn tám giờ tối ở mạn Đông, nghĩa là đã phải có một vài kết quả sớm. Tôi cầm chiếc BlackBerry và gửi email cho Valerie, Melissa và Tina Tchen, người vào năm 2011 đã trở thành chánh văn phòng mới của tôi, hỏi xem họ đã biết được những gì.
Tôi chờ mười lăm phút, rồi ba mươi phút, nhưng không một ai trả lời. Căn phòng xung quanh tôi bắt đầu yên ắng lạ kỳ. Mẹ tôi ngồi ở gian bếp dưới nhà và đọc một tờ tạp chí. Meredith đang sửa soạn cho hai đứa con gái cho sự kiện tối đó. Johnny đang duỗi tóc cho tôi. Có phải tôi tưởng tượng quá nhiều không, hay là mọi người đang không dám nhìn vào mắt tôi? Bằng cách nào đó họ đã biết điều gì mà tôi không biết chăng?
Thời gian trôi qua, tim tôi bắt đầu khua trống. Tôi cảm thấy trạng thái cân bằng của mình bắt đầu chao đảo. Tôi không dám xem tin tức vì tự cho rằng đó có thể là tin dữ. Đến lúc này tôi đã quen với việc đấu tranh gạt bỏ những ý tưởng tiêu cực, bám lấy những điều tốt đẹp cho đến khi tôi tuyệt đối phải chấp nhận chuyện chẳng hay. Tôi giữ sự tự tin của mình bên trong một tòa thành bé nhỏ, trên một ngọn đồi cao trong chính trái tim tôi. Nhưng khi từng phút trôi qua và chiếc BlackBerry vẫn nằm yên bất động, tôi cảm thấy các bức tường bắt đầu lung lay, những nghi ngờ bắt đầu lan tràn. Có lẽ chúng tôi đã không nỗ lực đủ. Có lẽ chúng tôi không xứng đáng một nhiệm kỳ nữa. Tay tôi bắt đầu run lên.
Khi tôi sắp ngất xỉu vì lo lắng thì Barack chậm rãi bước đến với nụ cười toe tự tin ngày trước. Anh đã không còn lo lắng gì nữa. “Chúng ta hất cẳng họ rồi”, anh nói, có vẻ ngạc nhiên khi tôi vẫn chưa hay tin. “Cơ bản thế là xong.”
Hóa ra ở dưới nhà, bầu không khí chung đã vui vẻ một lúc lâu, ti-vi ở tầng hầm liên tục phát những tin tốt lành. Vấn đề của tôi chính là dịch vụ di động của chiếc BlackBerry vì sao đó đã bị ngắt kết nối, không gửi tin nhắn của tôi đi mà cũng không tải về bất cứ cập nhật nào từ người khác. Tôi đã để mình mắc kẹt trong luồng suy nghĩ của bản thân. Không ai biết tôi đang lo lắng, kể cả những người cùng phòng với tôi.
Đêm hôm đó, Barack chiến thắng tại tất cả các bang chiến địa, trừ một bang duy nhất. Anh ấy đã chiến thắng nhờ những người trẻ tuổi, các nhóm thiểu số và phụ nữ, như năm 2008 anh đã từng chiến thắng. Bất chấp những gì Đảng Cộng hòa đã làm để khiến anh chùn bước, bất kể nhiều nỗ lực ngăn trở anh làm tổng thống, tầm nhìn của anh ấy đã chiến thắng. Chúng tôi đã đề nghị nước Mỹ cho phép chúng tôi tiếp tục làm việc - để đặt một cái kết mạnh mẽ - và giờ đây chúng tôi có được điều đó. Sự nhẹ nhõm đến ngay tức thì. Chúng tôi có đủ tốt hay không? Có, chúng tôi đủ tốt.
Khuya hôm đó, Mitt Romney đã gọi điện thông báo thua cuộc. Một lần nữa, chúng tôi lại sửa soạn quần áo và vẫy chào trên sân khấu, bốn thành viên nhà Obama và vô số hoa giấy, mừng vui vì lại có thêm bốn năm phía trước.
Lần tái đắc cử này khiến tôi vững dạ. Chúng tôi có nhiều thời gian hơn để tiếp tục những mục tiêu của mình. Chúng tôi có thể kiên nhẫn hơn khi thúc đẩy tiến độ. Chúng tôi đã có thể cảm nhận về tương lai, và chuyện đó khiến tôi thấy hạnh phúc. Chúng tôi có thể tiếp tục cho Sasha và Malia đi học; nhân viên của chúng tôi có thể tiếp tục công việc của họ; ý tưởng của chúng tôi vẫn còn quan trọng. Và khi bốn năm ấy kết thúc, chúng tôi sẽ thật sự xong xuôi, đó là điều khiến tôi cảm thấy sung sướng nhất. Sẽ không còn chiến dịch vận động, không còn vã mồ hôi trong những buổi bàn bạc về chiến thuật, phiếu bầu, các cuộc tranh luận hay tỷ lệ ủng hộ - không một lần nào nữa. Hồi cuối của cuộc đời chính trị của chúng tôi cuối cùng cũng trong tầm mắt.
Sự thật là tương lai sẽ đến với nhiều bất ngờ - một số tràn ngập niềm vui, số khác buồn không thể thốt nổi thành lời. Bốn năm kế tiếp trong Nhà Trắng đồng nghĩa với bốn năm luôn ở tiền tuyến trong vai trò những biểu tượng, tiếp nhận và đáp lại bất cứ điều gì xảy đến với nước Mỹ. Barack và tôi đã thực hiện chiến dịch tranh cử với ý nghĩ chúng tôi vẫn còn năng lượng và tinh thần kỷ luật cho công việc này, rằng chúng tôi toàn tâm toàn ý với nó. Và giờ đây tương lai đang đến với chúng tôi, có lẽ nhanh hơn chúng tôi nghĩ.
NĂM TUẦN SAU ĐÓ, một tay súng bước vào Trường tiểu học Sandy Hook ở Newtown, Connecticut, xả súng sát hại các em nhỏ. Tôi vừa hoàn thành một diễn văn ngắn ở đối diện Nhà Trắng và sau đó có lịch đến thăm một bệnh viện nhi thì Tina kéo tôi ra góc để báo chuyện vừa xảy ra. Trong lúc tôi đang phát biểu, cô và nhiều nhân viên khác đã nhìn thấy các tít báo bắt đầu xuất hiện trên điện thoại. Họ đã ngồi đó cố gắng che giấu cảm xúc trong lúc chờ tôi hoàn tất bài phát biểu của mình.
Tin tức mà Tina mang đến khủng khiếp và đau buồn tới nỗi phải khó khăn lắm tôi mới xử lý được những gì cô ấy nói.
Cô nói đã liên hệ với Cánh Tây. Barack đang trong Phòng Bầu dục. “Ngài yêu cầu bà có mặt”, cô nói. “Ngay lập tức.”
Chồng tôi cần tôi. Đây là lần duy nhất trong tám năm anh ấy yêu cầu sự hiện diện của tôi ngay giữa giờ làm việc, cả hai chúng tôi đã sắp xếp lại lịch trình để có thể ở riêng bên nhau và an ủi nhau. Khi tôi bước vào Phòng Bầu dục, Barack và tôi im lặng ôm nhau. Không có gì để nói. Không có lời nào để nói.
Điều rất nhiều người không biết là tổng thống nhìn thấy gần như mọi thứ, hay ít nhất cũng nắm được cơ bản mọi thông tin liên quan đến sự tình quốc gia. Là con người của dữ kiện, Barack luôn yêu cầu phải có nhiều thông tin hơn mức cần thiết. Anh cố gắng có được cả góc nhìn bao quát nhất và chi tiết nhất trong mọi tình huống, ngay cả khi nó rất tồi tệ, để anh có thể đưa ra một quyết định thật sự chắc chắn. Anh xem đó là một phần trách nhiệm của mình, là việc mà anh được bầu để thực hiện - đó là nhìn thẳng vào vấn đề thay vì né tránh, vững vàng chống chọi khi tất cả chúng tôi cảm thấy sắp té nhào.
Như vậy nghĩa là khi tôi gặp anh thì anh đã được thông báo chi tiết về hiện trường kinh khiếp tại Sandy Hook. Anh nghe nói máu tràn ra sàn lớp học và xác của hai mươi học sinh lớp một và sáu giáo viên bị khẩu súng trường bán tự động xé toang. Nhưng cú sốc và nỗi đau đớn của anh cũng không thể bì được với cú sốc và nỗi đau của những người đầu tiên có mặt tại hiện trường, những người đã tức tốc phong tỏa tòa nhà và di tản những người sống sót ra khỏi cuộc đổ máu. Điều đó cũng không thể so sánh với cú sốc của những người cha người mẹ phải mòn mỏi chờ đợi giữa bầu không khí lạnh căm bên ngoài tòa nhà, cầu nguyện sẽ được nhìn thấy gương mặt của con mình lần nữa. Và điều đó không là gì so với cú sốc của những người mà sự chờ đợi của họ đã hóa thành vô vọng.
Những hình ảnh đó đã khắc mãi vào tâm khảm anh. Tôi có thể thấy qua đôi mắt anh rằng chúng đã khiến anh tan nát đến dường nào, đã ảnh hưởng ra sao đến niềm tin của anh. Anh bắt đầu mô tả cho tôi nghe nhưng rồi lại thôi vì anh nhận ra tốt hơn là đừng khiến tôi phải đau buồn hơn nữa.
Cũng như tôi, Barack hết lòng yêu thương trẻ con. Bên cạnh việc là một người cha tận tụy, anh còn thường dắt trẻ con vào Phòng Bầu dục để tham quan. Anh thích bế những đứa trẻ. Anh rạng rỡ mỗi khi tham gia một ngày hội khoa học ở trường hay một sự kiện thể thao dành cho thanh thiếu niên. Mùa đông vừa rồi, anh đã khiến cuộc sống của mình thêm phần vui vẻ khi tình nguyện làm trợ lý huấn luyện viên cho Vipers, đội bóng rổ tại trường trung học của Sasha.
Tương tác với trẻ con khiến anh cảm thấy mọi thứ dễ chịu và nhẹ nhàng hơn. Và cũng như nhiều người khác, anh biết giờ đây đã chẳng còn gì phía trước đối với hai mươi sinh mạng vừa nằm xuống kia.
Vẫn tỏ ra kiên cường sau vụ Newtown có lẽ là điều khó khăn nhất mà anh ấy từng buộc phải làm. Khi Malia và Sasha từ trường về nhà hôm đó, Barack và tôi gặp chúng ở khu tư dinh và ôm chúng thật chặt, cố che giấu nỗi khao khát được ôm chúng thật chặt để biết là chúng vẫn an toàn. Rất khó biết phải nói gì và không nên nói gì với hai đứa về vụ nổ súng. Chúng tôi biết những bậc cha mẹ trên khắp nước Mỹ cũng đang vật lộn với nỗi băn khoăn đó.
Cuối ngày hôm đó, Barack tổ chức một cuộc họp báo ở dưới lầu. Anh gạt nước mắt khi các máy quay của phóng viên bấm liên tục xung quanh. Điều tốt nhất anh ấy có thể làm được là thể hiện sự cương quyết của mình - một điều mà anh nghĩ rằng có thể được chính các công dân và nhà lập pháp trên đất nước này đón nhận - để ngăn chặn các vụ thảm sát khác bằng cách đưa ra những luật cơ bản, hợp lý về cách kinh doanh súng đạn.
Tôi nhìn anh bước lên phía trước và biết mình vẫn chưa sẵn sàng. Trong gần bốn năm là Đệ nhất Phu nhân, tôi thường an ủi những người khác. Tôi đã cầu nguyện cùng những người có nhà bị đánh sập trong một cơn cuồng phong ở Tuscaloosa, Alabama, những khu vực rộng lớn trong thị trấn biến thành tan hoang chỉ trong tích tắc. Tôi đã choàng tay ôm những người đàn ông, đàn bà và trẻ em đã mất đi những người thân thương vì chiến tranh ở Afghanistan, vì một kẻ cực đoan nổ súng tại khu căn cứ quân sự ở Texas, và vì tình trạng bạo lực tại những góc đường gần nhà của họ. Trong bốn tháng vừa qua, tôi đã đến thăm những người sống sót trong các vụ nổ súng hàng loạt tại một rạp chiếu phim ở Colorado và bên trong một ngôi đền đạo Sikh ở Wisconsin. Lần nào cũng rất thảm thương. Tôi cố gắng luôn mang đến những cuộc gặp đó phần điềm tĩnh và cởi mở nhất của bản thân, để san sẻ sức mạnh của tôi cho họ bằng cách quan tâm và hiện diện bên họ, ngồi lặng yên ở đáy con sông đau thương của người khác. Nhưng hai ngày sau vụ nổ súng ở Sandy Hook, khi Barack đến Newtown để phát biểu tại một buổi nguyện cầu dành cho các nạn nhân, tôi đã không thể nào đi theo anh ấy. Tôi bị chấn động đến độ không còn sức mạnh nào để san sẻ cho ai nữa. Tôi đã là Đệ nhất Phu nhân suốt gần bốn năm, và đã có quá nhiều giết chóc xảy ra - quá nhiều cái chết vô nghĩa có thể ngăn chặn được và có quá ít hành động. Tôi không chắc tôi còn có thể an ủi gì cho một người cha người mẹ có đứa con sáu tuổi vừa bị bắn chết ngay tại trường học.
Thay vào đó, như rất nhiều người làm cha mẹ, tôi bám chặt lấy con mình, tình yêu và nỗi sợ cứ bện vào nhau. Giáng sinh sắp đến, và Sasha nằm trong nhóm những đứa trẻ được chọn để tham gia cùng Vũ đoàn ba-lê Moscow cho hai suất diễn vở Kẹp hạt dẻ, cả hai đều diễn ra cùng ngày với lễ cầu nguyện tại Newtown. Barack xoay xở luồn vào hàng ghế cuối và xem buổi tổng duyệt trước khi rời đi để đến Connecticut để có một phát biểu. Tôi thì đến xem suất diễn buổi tối.
Vở ba-lê thật đẹp và khác lạ như chính bản thân câu chuyện, với vị hoàng tử trong cánh rừng sáng trăng và buổi đại tiệc lung linh của các loại bánh kẹo. Sasha đóng vai một chú chuột, mặc bộ trang phục múa màu đen với đôi tai xù và một cái đuôi, con bé trình diễn vai của mình trong lúc một xe trượt tuyết trang hoàng đẹp đẽ lướt qua tiếng nhạc giao hưởng ngân vang và những cơn mưa tuyết giả lấp lánh. Mắt tôi không thể rời khỏi con bé. Cả linh hồn tôi đều được con bé an ủi. Sasha đứng trên sân khấu với đôi mắt sáng rực, nhìn cứ như thoạt tiên con bé không thể tin mình đang có mặt ở đó, cứ như con bé cảm thấy cảnh tượng này thật long lanh và không hề có thực. Mà thực tế đương nhiên là không phải vậy. Nhưng con bé vẫn còn nhỏ để có thể đắm chìm vào suy nghĩ đó, ít nhất là trong một khoảnh khắc nào đó và để bản thân được đi qua thiên đường này, nơi không ai nói và ai cũng nhảy múa, nơi mà lễ hội luôn sắp diễn ra.
HẲN SẼ DỄ DÀNG HƠN NẾU nước Mỹ chỉ là một quốc gia đơn giản với một câu chuyện giản đơn. Nếu tôi có thể kể lại phần mình trong câu chuyện ấy chỉ qua lăng kính của những thứ có trật tự và ngọt ngào. Nếu như không hề có những lần thất bại. Và nếu mọi buồn bã, khi xảy đến, rốt cuộc rồi cũng sẽ được hóa giải.
Nhưng đó không phải là nước Mỹ, cũng chẳng phải là tôi. Tôi không hề tìm cách uốn cong sự thật này thành một hình dạng hoàn hảo nào cả.
Nhiệm kỳ thứ hai của Barack thật sự dễ dàng hơn so với nhiệm kỳ trước theo nhiều cách khác nhau. Chúng tôi đã học được rất nhiều trong bốn năm, chẳng hạn như học cách đặt đúng người vào đúng chỗ, xây dựng những hệ thống nhìn chung có thể hoạt động hiệu quả. Giờ đây chúng tôi đủ hiểu biết để tránh những điểm kém hiệu quả và những sai lầm nhỏ đã xuất hiện ở kỳ trước, bằng chứng là ngay ngày tuyên thệ nhậm chức vào tháng Một năm 2013, tôi đã yêu cầu bệ quan sát diễu hành phải được sưởi ấm hoàn toàn để chân chúng tôi không bị cóng như trong lần tuyên thệ trước. Để giữ năng lượng cho mình, chúng tôi chỉ tổ chức hai vũ hội nhậm chức vào đêm hôm đó, thay vì mười buổi như hồi 2009. Chúng tôi còn bốn năm nữa, và nếu tôi có học được điều gì thì đó là hãy thư giãn và cố gắng đi theo nhịp độ của mình.
Ngồi cạnh Barack tại buổi diễu hành sau khi anh ấy tuyên lại lời thề với đất nước, tôi quan sát dòng xe và người diễu hành di chuyển theo đội hình đẹp mắt, lần này tôi đã có thể thong thả tận hưởng quang cảnh đó hơn lần trước. Từ vị trí thuận lợi của mình, tôi có thể gần như nhìn thấy từng khuôn mặt của các diễn viên trình diễn. Có cả ngàn người trình diễn hôm đó, mỗi người có một câu chuyện đời riêng. Hàng ngàn người khác đã đến Washington để trình diễn tại nhiều sự kiện khác được tổ chức trong những ngày trước ngày lễ nhậm chức, và hàng vạn người nữa đã đến để chứng kiến.
Về sau, tôi ước gì vào buổi lễ đó tôi đã có thể nhìn thấy một bé gái da đen dịu dàng đeo băng-đô màu vàng lấp lánh và bộ đồng phục diễu hành màu xanh da trời, cô bé đã đến đây cùng ban nhạc diễu hành Trường dự bị cao đẳng King ở South Side, Chicago, để trình diễn ở một vài sự kiện bên lề. Tôi muốn tin rằng tôi đã nhìn thấy em giữa hàng loạt những người đã ùa qua thành phố vào những ngày ấy. Cô bé mà tôi muốn nhìn thấy là Hadiya Pendleton, một bé gái mười lăm tuổi và đã trải qua những giây phút trọng đại của đời mình khi được ngồi xe buýt cùng các bạn diễn của mình để đến Washington. Ở nhà mình tại Chicago, Hadiya sống cùng cha mẹ và em trai, cách nhà chúng tôi ở Đại lộ Greenwood chừng ba cây số. Em là một học sinh giỏi tại trường và luôn thích nói với mọi người rằng sau này em muốn vào Harvard. Em đã bắt đầu lên kế hoạch cho tiệc sinh nhật thứ mười sáu của mình. Em thích món ăn Trung Quốc, bánh burger phô mai và những lúc đi ăn kem với bạn bè.
Tôi được biết tất cả những điều trên vài tuần sau đó, tại đám tang của em. Tám ngày sau lễ nhậm chức của Barack, Hadiya Pendleton bị bắn chết tại một công viên ở Chicago, không xa trường em học là mấy. Em và một nhóm bạn đang trú giông dưới một mái che cạnh sân chơi. Một đứa trẻ mười tám tuổi thuộc một băng đảng đã xả súng vào các em vì nhầm các em là thành viên băng đảng khác. Hadiya bị bắn vào lưng trong lúc chạy đi tìm chỗ nấp. Hai người bạn khác của em bị thương. Tất cả xảy ra vào lúc hai giờ hai mươi phút chiều thứ Ba.
Tôi ước mình đã nhìn thấy em khi em còn sống, ước gì mình có một ký ức về em để chia sẻ với mẹ em, khi mà giờ đây ký ức về cô con gái của bà đột nhiên chỉ còn gói gọn là những thứ mà người ta đã thu thập lại.
Tôi đến dự đám tang của Hadiya vì tôi cảm thấy đó là điều nên làm. Tôi đã chọn ở lại nhà khi Barack đến buổi tưởng niệm nạn nhân Newtown, nhưng giờ đã đến lúc tôi phải tiến lên. Hy vọng của tôi đó là sự hiện diện của tôi sẽ giúp chuyển ánh nhìn của công luận đến những đứa trẻ ngây thơ đang bị súng bắn hạ ngay trên đường phố gần như mỗi ngày - và đám tang này, cùng với nỗi kinh hoàng của Newtown, sẽ giúp thôi thúc người Mỹ đòi hỏi những luật lệ về súng đạn hợp lý hơn. Hadiya Pendleton xuất thân từ một gia đình gắn bó với nhau và thuộc tầng lớp lao động ở South Side, rất giống gia đình tôi. Nói một cách đơn giản, tôi đã có thể biết em. Tôi thậm chí có thể từng là em. Và nếu em đã chọn một con đường khác để về nhà hôm ấy, hay chỉ nhích sang trái một gang tay thay vì sang phải, thì em đã có thể trở thành một người như tôi.
“Tôi đã làm mọi thứ nên làm”, mẹ em nói với tôi khi hai chúng tôi gặp nhau ngay trước khi lễ tang bắt đầu, đôi mắt nâu của bà nhòe nhoẹt nước mắt. Cleopatra Cowley-Pendleton là một phụ nữ ấm áp có giọng nói nhẹ nhàng và mái tóc cắt ngắn, chị đang công tác ở bộ phận dịch vụ khách hàng tại một công ty xếp hạng tín nhiệm. Vào ngày đám tang con gái chị, chị cài một đóa hoa lớn màu hồng trên ve áo. Chị và chồng chị, Nathaniel, đã hết lòng chăm sóc Hadiya, khuyến khích em nộp đơn vào King, một trường công dạng tuyển, và để bảo đảm em không lãng phí quá nhiều thời gian rong chơi ngoài đường, họ đã đăng ký cho em tham gia lớp bóng chuyền, đội cổ vũ và một vũ đoàn tại nhà thờ. Như cha và mẹ đã từng làm với tôi, họ đã có những hy sinh để em có thể tiếp xúc với những thứ khác nằm bên ngoài khu em sống. Em đã có lịch sang châu Âu với ban nhạc diễu hành của mình vào mùa xuân năm đó, và rõ ràng em đã rất thích chuyến đi Washington của mình.
“Ở đó sạch sẽ lắm, mẹ ơi”, em kể với Cleopatra sau khi về nhà. “Con nghĩ con sẽ tham gia chính trị.”
Thế mà, Hadiya Pendleton trở thành một trong ba người đã chết trong các vụ bạo lực súng đạn khác nhau xảy ra ở Chicago vào cùng cái ngày tháng Một hôm đó. Em là người thứ ba mươi sáu ở Chicago thiệt mạng vì bạo lực súng đạn năm đó, và năm ấy chỉ mới bắt đầu được hai mươi chín ngày. Không cần nói thì gần như ai cũng biết đa số các nạn nhân đó đều là người da đen.
Đám tang của em có nhiều người tham dự, một cộng đồng đau đớn khác đang ngồi kín trong nhà thờ, cố gắng đối mặt với cảnh tượng một bé gái vị thành niên nằm trong cỗ quan tài quàng lụa tím. Cleopatra đứng lên và nói về con gái mình. Bạn bè của Hadiya đứng dậy và kể lại những câu chuyện về em, mỗi câu chuyện mang theo nỗi ấm ức và tuyệt vọng. Đó là những đứa trẻ không chỉ đang đặt câu hỏi tại sao, mà còn là tại sao lại thường xuyên đến thế? Có những người lớn có quyền lực trong phòng ngày hôm đó - không chỉ tôi, mà là thị trưởng, thống đốc bang, Jesse Jackson Sr. và chị Valerie Jarrett, và nhiều nhân vật quan trọng khác - tất cả chúng tôi ngồi kín các hàng ghế nguyện, buộc lòng tự thừa nhận nỗi đau và tội lỗi của chính mình trong khi dàn đồng ca cất tiếng hát với một uy lực mạnh mẽ đến nỗi sàn nhà thờ đã rung chuyển.
ĐIỀU QUAN TRỌNG LÀ tôi muốn mình không chỉ là một người an ủi. Trong đời mình, tôi đã nghe vô số những lời sáo rỗng đến từ những người quyền thế, những lời đãi bôi thốt ra vào lúc khủng hoảng mà không có hành động kèm theo. Tôi đã quyết tâm trở thành người nói lên sự thật, sử dụng tiếng nói của mình để nâng đỡ những người cô thế và không bao giờ biến mất khi có người cần mình. Tôi biết mình xuất hiện ở bất kỳ nơi nào thì nơi đó cũng dễ bị chú ý - một cơn bão bùng lên bất chợt và chóng tan, bắt đầu với đoàn xe tháp tùng, các mật vụ, trợ lý và giới truyền thông, và ngay trung tâm cơn bão là tôi. Chúng tôi xuất hiện ở đó rồi biến mất. Tôi không muốn chuyện này làm ảnh hưởng các cuộc gặp mặt của mình, khi mà đôi khi sự hiện diện của tôi khiến mọi người bắt đầu lắp bắp hay im lặng, không biết làm thế nào để là chính mình. Đó là lý do tôi thường kèm theo một cái ôm khi tự giới thiệu về bản thân, để làm mọi thứ chậm lại, bớt kiểu cách và đưa tất cả chúng ta về với bản chất con người.
Tôi đã tìm cách xây dựng mối quan hệ với những người tôi gặp, đặc biệt là những người không thường tiếp xúc với cái thế giới mà giờ đây tôi đang trú ngụ. Tôi muốn san sẻ niềm vui khi mình có thể. Tôi đã mời cha mẹ của Hadiya Pendleton đến ngồi cạnh tôi khi Barack đọc Thông điệp Liên bang chỉ vài ngày sau đám tang của cô bé, và mời gia đình họ đến Nhà Trắng tham gia sự kiện Easter Egg Roll. Cleopatra, nay đã trở thành người cổ động có tiếng nói ngăn chặn bạo lực, cũng quay lại một vài lần để tham gia các cuộc họp về vấn đề này. Tôi quyết định viết thư gửi đến các em nữ sinh trường Elizabeth Garrett Anderson ở Luân Đôn, những người đã khiến tôi vô cùng cảm động, nhằm khuyến khích các em hãy luôn hy vọng và tiếp tục nỗ lực dù phải ở trong hoàn cảnh bất lợi. Năm 2011, tôi đã đưa một nhóm ba mươi bảy nữ sinh của trường đến tham quan Đại học Oxford, trong đó không chỉ có các học sinh có thành tích học tập tốt mà còn có những học sinh mà giáo viên cho rằng vẫn chưa phát huy hết tiềm năng. Mục đích của tôi là cho các em thấy điều các em có thể đạt được, giúp các em hiểu những gì các em có thể có khi nỗ lực vươn lên. Năm 2012, tôi mời các học sinh của trường đến Nhà Trắng trong chuyến thăm cấp nhà nước của Thủ tướng Anh. Tôi cảm thấy cần phải gặp gỡ và tương tác với các em nhiều lần và theo nhiều cách khác nhau để các em cảm thấy tất cả đều có thật và khả thi.
Tôi biết những thành công ban đầu của tôi là kết quả của tình yêu thương và những kỳ vọng mà tôi đã có được khi còn là một đứa bé, cả ở nhà và khi ở trường. Chính nhận thức ấy đã thúc đẩy tôi thực hiện chương trình cố vấn tại Nhà Trắng, và đây là trọng tâm của một chương trình giáo dục mới mà nhân viên của tôi và tôi giờ đây đang chuẩn bị phát động với tên gọi Reach Higher (tạm dịch: Vươn Cao). Tôi muốn khuyến khích các em cố gắng vào đại học, và một khi đã đến được đó, hãy hoàn tất chương trình học. Tôi biết trong những năm sắp tới, nền tảng giáo dục đại học sẽ trở nên cần thiết hơn cho các bạn trẻ gia nhập thị trường lao động toàn cầu. Reach Higher sẽ giúp các em trên chặng đường đó, hỗ trợ thêm cho các chuyên viên tư vấn học đường và tạo điều kiện thuận lợi hơn để tiếp cận nguồn hỗ trợ tài chính liên bang.
Tôi đã may mắn khi được cha mẹ, thầy cô và những người hướng dẫn bồi đắp bằng một thông điệp đơn giản và nhất quán: Tôi quan trọng. Trong vai trò một người trưởng thành, tôi muốn chuyển những lời đó đến với thế hệ mới. Đó chính là thông điệp tôi trao cho hai đứa con của mình, những đứa trẻ may mắn được củng cố niềm tin vào thông điệp đó mỗi ngày bởi nhà trường và cuộc sống có nhiều lợi thế của chúng, và tôi quyết tâm truyền đạt một phiên bản nào đó của thông điệp này đến mọi người trẻ tuổi mà tôi gặp. Tôi muốn trở thành một người hoàn toàn ngược lại với vị tư vấn tuyển sinh mà tôi từng gặp hồi trung học, người đã “vô tư” nói rằng tôi không có phẩm chất của sinh viên Princeton.
“Tất cả chúng ta đều tin là các em thuộc về nơi đây”, tôi nói với các em nữ sinh trường Elizabeth Garrett Anderson khi các em đang ngồi trong phòng ăn theo phong cách Gothic cổ kính của Đại học Oxford, nhiều em trông có vẻ khá ngỡ ngàng, xung quanh các em là các giảng viên đại học và các sinh viên đến để tư vấn cho các em. Tôi đã nói điều tương tự mỗi khi có các em nhỏ đến tham quan Nhà Trắng - các bạn trẻ tuổi teen được mời đến từ khu lãnh thổ bảo tồn dành cho thổ dân Standing Rock Sioux; các em nhỏ từ các trường học trong khu vực có mặt để tham gia làm vườn; các em học sinh trung học đến dự các ngày hướng nghiệp và các buổi chia sẻ về thời trang, âm nhạc và thi ca; thậm chí là các em nhỏ mà tôi chỉ có thể ôm một cái thật nhanh và thật chặt đang đứng xếp hàng sau làn dây bảo vệ. Thông điệp luôn chỉ có một. Các em thuộc về nơi này. Các em quan trọng. Tôi đánh giá cao các em.
Một nhà kinh tế học từ một trường đại học ở Anh về sau đã đưa ra một nghiên cứu về kết quả học tập của học sinh trường Elizabeth Garrett Anderson, trong đó cho thấy điểm số chung của các em đã tăng đáng kể sau khi tôi bắt đầu kết nối với các em - tương đương với một cú nhảy vọt từ điểm C trung bình lên điểm A. Sự tiến bộ này có được là nhờ nỗ lực của chính các em, thầy cô của các em và những công việc mà hàng ngày họ làm cùng nhau, nhưng nó cũng khẳng định quan điểm rằng trẻ em sẽ cố gắng nhiều hơn khi các em cảm thấy được quan tâm. Tôi hiểu rằng việc tôi thể hiện sự quan tâm của mình dành cho các em nhỏ sẽ tạo ra sức ảnh hưởng nhất định.
HAI THÁNG SAU ĐÁM TANG của Hadiya Pendleton, tôi trở về Chicago. Tôi chỉ đạo cho Tina, chánh văn phòng của tôi và cũng là một luật sư có nhiều năm làm việc tại Chicago, tập trung vào các cuộc vận động kêu gọi ngăn chặn bạo lực tại đây. Tina là người am hiểu chính sách, cô có trái tim bao dung và một nụ cười dễ khiến người ta vui lây và luôn tay luôn chân hơn bất kỳ ai mà tôi từng biết. Cô hiểu nên sử dụng đòn bẩy nào từ bên trong lẫn bên ngoài chính phủ để tạo ra tác động ở quy mô mà tôi mong muốn. Hơn nữa, với bản tính và kinh nghiệm của bản thân, cô sẽ không để tiếng nói của mình chìm vào hư không, đặc biệt là trong các cuộc họp mà thành phần tham gia chủ yếu là nam giới, tình huống mà cô thường gặp. Trong suốt nhiệm kỳ thứ hai của Barack, cô đã đấu tranh với Lầu Năm Góc và nhiều thống đốc bang khác nhau để xóa bỏ tệ quan liêu nhằm giúp các cựu chiến binh và vợ chồng của quân nhân có thể xây dựng sự nghiệp của họ một cách hiệu quả hơn, và cô cũng giúp xây dựng một nỗ lực to lớn ở cấp chính quyền tập trung vào giáo dục cho các em gái trên toàn cầu.
Sau cái chết của Hadiya, Tina đã tận dụng những mối quan hệ tại địa phương của mình, khuyến khích các lãnh đạo doanh nghiệp và các nhà hảo tâm ở Chicago làm việc với Thị trưởng Rahm Emanuel để mở rộng các chương trình cộng đồng dành cho thanh thiếu niên có nguy cơ bị tấn công cao trên khắp thành phố. Nỗ lực của cô đã giúp thu được các cam kết trị giá ba mươi ba triệu đô-la chỉ trong ít tuần. Vào một ngày tháng Tư mát trời, Tina và tôi đã đi tham dự một cuộc gặp gỡ các nhà lãnh đạo cộng đồng để thảo luận về chủ đề tiếp sức tuổi trẻ, và cũng để gặp gỡ một nhóm người trẻ mới.
Trước đó vào mùa đông, chương trình radio cộng đồng This American Life đã dành ra hai giờ đồng hồ kể những câu chuyện về các học sinh và nhân viên của Trường trung học William R. Harper ở Englewood, một khu ở vùng South Side. Trong năm vừa qua, hai mươi chín học sinh đang theo học và vừa tốt nghiệp của trường đã bị bắn, trong đó có tám em thiệt mạng. Những con số đó khiến tôi và các nhân viên của tôi sững sờ, nhưng chuyện đáng buồn chính là các ngôi trường ở thành thị trên khắp đất nước đang phải đấu tranh với tình trạng bạo lực súng đạn ngày càng lây lan như dịch bệnh. Trong các cuộc nói chuyện về tiếp sức tuổi trẻ, điều quan trọng nhất có lẽ chính là ngồi xuống và thật sự lắng nghe các em.
Ngày tôi còn bé, Englewood đã là một khu lộn xộn nhưng không đến mức chết người như hiện tại. Những năm cấp hai, tôi thường đến Englewood để học thí nghiệm sinh học hàng tuần tại một trường cao đẳng cộng đồng. Giờ đây, nhiều năm sau, khi đoàn xe tháp tùng của tôi chạy qua những căn nhà bungalow bị bỏ hoang và các cửa hàng xập xệ đã đóng cửa, qua những lô đất trống và những tòa nhà bị đốt trụi, tôi cảm thấy hình như hoạt động kinh doanh duy nhất còn sống tốt ở đây là các cửa hàng rượu.
Tôi nghĩ về thời thơ ấu và khu nhà của mình, cũng như về cách mà từ “khu ổ chuột” bị lan truyền như một mối họa. Giờ thì tôi đã hiểu sự ám chỉ này đã khiến cho các gia đình trung lưu có tài chính ổn định rút về vùng ngoại ô vì lo lắng nhà đất của họ bị sụt giá. “Khu ổ chuột” ám chỉ một nơi vừa nhiều người da đen vừa vô vọng. Đó là một cái nhãn tiên báo sự thất bại và rồi khiến thất bại đến nhanh hơn. Cái nhãn đó đã đóng cửa các cửa hiệu tạp hóa và cây xăng, hủy hoại nền móng của trường học và các nhà giáo dục đang tìm cách hun đúc lòng tự trọng nơi các em nhỏ trong vùng. Đó là từ ngữ mà ai cũng muốn tránh xa, nhưng nó có thể nhanh chóng kích động sự khó chịu và giận dữ của một cộng đồng.
Trường trung học Harper tọa lạc ở trung tâm khu Tây Englewood. Ngôi trường là một tòa nhà lớn có nhiều chái nhà và được xây bằng gạch silicat. Tôi gặp hiệu trưởng Leonetta Sanders, một phụ nữ Mỹ gốc Phi nhanh nhẹn đã làm việc ở trường được sáu năm, và hai nhân viên công tác xã hội đã cống hiến hết mình cho cuộc sống của năm trăm mười đứa trẻ theo học tại Harper, đa số đến từ các gia đình có thu nhập thấp. Crystal Smith, một trong hai nhân viên công tác xã hội, thường đi lại trên hành lang giữa những lớp học, truyền cho các em học sinh sự tích cực, thể hiện sự quan tâm của mình đối với các em bằng cách nói to, “Cô rất tự hào về các em!” và “Cô thấy các em đang rất cố gắng!”. Cô cũng thường nói “Cô cảm ơn các em trước nhé!” cho mỗi quyết định tốt đẹp mà cô tin các em sẽ đưa ra.
Tại thư viện trường hôm ấy, tôi tham gia cùng một nhóm hai mươi hai học sinh Harper - tất cả đều là người Mỹ gốc Phi, đa số là học sinh năm ba và năm tư - đang ngồi trên ghế hoặc trường kỷ và tạo thành một vòng tròn. Các em mặc quần ka-ki và áo có cổ, đa số đều háo hức được lên tiếng. Các em nói về nỗi sợ hàng ngày, thậm chí là hàng giờ, đối với các băng đảng và bạo lực. Một số giải thích rằng các em có cha mẹ nghiện ngập hoặc thiếu quan tâm con cái; một vài em đã từng có thời gian trong trại cải huấn thanh thiếu niên. Một em học sinh năm ba tên Thomas đã chứng kiến bạn mình - một cô gái mười sáu tuổi - bị bắn chết vào mùa hè năm trước. Anh trai của em - người bị liệt một phần cơ thể vì trước đó từng bị bắn - hôm đó cũng bị bắn và bị thương khi đang ngồi xe lăn ở bên ngoài. Gần như mọi đứa trẻ ở đó đều đã mất đi một ai đó - một người bạn, họ hàng, hàng xóm - bởi súng đạn. Trong khi đó, có rất ít em từng vào trung tâm để chiêm ngưỡng bờ hồ hay tham quan khu công viên giải trí Navy Pier.
Một lúc sau, một nhân viên công tác xã hội nói với cả nhóm, “Hai mươi bảy độ và trời nắng!”. Các em bắt đầu gật đầu rầu rĩ. Tôi không rõ vì sao. “Hãy kể cho Phu nhân Obama nghe đi”, cô nói. “Các em nghĩ gì khi thức giấc vào buổi sáng và nghe dự báo thời tiết hai mươi bảy độ và trời nắng?”
Rõ ràng cô ấy biết câu trả lời nhưng muốn đích thân bọn trẻ kể tôi nghe.
Tất cả các em học sinh trường Harper đều nhất trí là một ngày như thế không có gì tốt lành. Khi thời tiết đẹp, các băng nhóm hoành hành hơn và các vụ bắn súng chỉ tệ hơn.
Các em học sinh này đã thích nghi với cái logic ngược ngạo do môi trường sống của chúng quyết định, đó là các em phải ở trong nhà vào những ngày đẹp trời, thay đổi lộ trình đi học mỗi ngày dựa trên sự thay đổi về địa bàn hoạt động và liên minh của các băng nhóm. Các em kể là đôi khi con đường về nhà an toàn nhất là đi ngay giữa đường khi xe cộ chạy ào ào cả hai bên. Làm như thế giúp các em có cái nhìn bao quát hơn về bất cứ vụ giao tranh nào hay những ai có thể nổ súng. Và điều đó cho các em thêm thời gian để chạy trốn.
Nước Mỹ không phải là một nơi đơn giản. Những mâu thuẫn của nó khiến tôi quay cuồng. Tôi tham gia các buổi vận động gây quỹ của Đảng Dân chủ tại các căn nhà thông tầng rộng rãi ở Manhattan, nhấp rượu với những phụ nữ giàu có tự nhận mình rất tâm huyết với giáo dục và các vấn đề về trẻ em và rồi lại nghiêng người ra chiều bí mật bảo với tôi rằng những ông chồng làm ở Phố Wall của họ sẽ không bao giờ bầu cho bất cứ người nào nghĩ đến việc tăng mức thuế mà họ phải đóng.
Và giờ đây tôi ở Harper, nghe các em học sinh nói về cách để sống sót. Tôi ngưỡng mộ sự kiên cường của các em, và tôi ước gì các em không cần phải kiên cường đến như thế.
Một em học sinh đã hỏi tôi một câu hỏi thẳng thắn. “Thật vui khi bà đến đây và chia sẻ”, cậu bé nhún vai. “Nhưng bà sẽ làm gì để giải quyết những chuyện này?”
Đối với các em, tôi đại diện cho Washington, D.C. cũng như cho vùng South Side. Và khi nhắc đến Washington, tôi cảm thấy mình nợ các em một sự thật.
Tôi nói, “Thú thật, tôi biết các em đang phải đối mặt với rất nhiều thứ ở đây, nhưng sẽ không có ai sớm đến cứu các em. Hầu hết những người ở Washington thậm chí còn không có ý định đó. Rất nhiều người trong số họ thậm chí còn không biết đến sự hiện diện của các em”. Tôi giải thích với những học sinh đó rằng quá trình diễn ra rất chậm, các em không thể chỉ ngồi yên và chờ thay đổi diễn ra. Nhiều người Mỹ không muốn tăng thuế, còn Quốc hội thì không thể thông qua ngay cả một ngân sách thì nói gì đến chuyện lên tiếng giữa những cuộc đấu đá đảng phái, do đó sẽ không có những khoản đầu tư hàng tỷ đô-la vào giáo dục hay những chuyển biến thần kỳ đối với cộng đồng của các em. Ngay cả sau vụ việc kinh hoàng ở Newtown, Quốc hội vẫn không thông qua các biện pháp kiểm soát súng đạn, vì các nhà lập pháp thích thu tiền đóng góp cho chiến dịch từ Hiệp hội Súng trường Quốc gia hơn là bảo vệ các em nhỏ. Tôi nói với các em rằng chính trị là một mớ hỗn loạn. Về mặt này, tôi không có điều gì vui vẻ hay lời động viên nào để nói với các em.
Tuy nhiên, tôi tiếp tục nói và đưa ra một đề nghị khác, một chia sẻ đến từ chính con người South Side trong tôi. Tôi nói, hãy sử dụng trường học.
Những đứa trẻ này vừa dành một giờ đồng hồ để kể cho tôi những câu chuyện bi kịch và đau thương, nhưng tôi nhắc nhở các em rằng chính các câu chuyện ấy cũng cho thấy sự kiên cường, khả năng tự lực cánh sinh và vượt qua nghịch cảnh của các em. Tôi đảm bảo với các em rằng các em đã có những điều cần thiết để thành công. Các em đang ở đây, tại ngôi trường đang mang đến cho các em nền giáo dục miễn phí, và có rất nhiều những người lớn tận tâm bên trong ngôi trường này, những người nghĩ rằng các em thật sự quan trọng. Khoảng sáu tuần sau, nhờ tiền đóng góp của các doanh nhân địa phương, một nhóm học sinh trường Harper đã đến Nhà Trắng gặp tôi và Barack, cũng như dành thời gian tham quan Đại học Howard để biết đại học là như thế nào. Tôi hy vọng các em có thể lấy đó làm mục tiêu của mình.
Tôi sẽ không bao giờ giả vờ rằng những lời lẽ hay những cái ôm từ Đệ nhất Phu nhân có thể làm thay đổi cuộc đời một con người, hoặc có một con đường dễ dàng nào đó cho các em học sinh giải quyết những khó khăn mà bọn trẻ tại Harper đang đối mặt. Không có chuyện gì đơn giản như vậy. Và dĩ nhiên, từng người chúng tôi ngồi trong thư viện ngày hôm đó đều biết điều này. Nhưng tôi có mặt ở đó để đẩy lùi những tư tưởng cổ hủ và tồi tệ về cuộc đời của đứa trẻ da đen thành thị ở Mỹ, cái tư tưởng đã tiên báo thất bại rồi khiến thất bại tới nhanh hơn. Nếu tôi có thể chỉ ra sức mạnh của các em học sinh đó và giúp các em hình dung ra một con đường đến với tương lai, thì tôi sẽ luôn làm điều đó. Đó là một thay đổi nhỏ mà tôi có thể tạo ra.
(1) Safari: chuyến tham quan khu công viên động vật hoang dã, nơi du khách có thể ngồi xe và đi ngắm động vật hoang dã trong môi trường sống tự nhiên của chúng chứ không phải bị nhốt trong chuồng.
(2) Đạo luật Affordable Care: tạm dịch là “Đạo luật Chăm sóc sức khỏe Hợp túi tiền”, sau này còn được gọi tắt là ObamaCare. Mục đích của đạo luật là nâng cao chất lượng và khả năng chi trả của bảo hiểm y tế, giảm tỷ lệ không có bảo hiểm bằng cách mở rộng phạm vi bảo hiểm công và tư nhân, và giảm chi phí chăm sóc sức khỏe cho cá nhân và chính quyền.
(3) Tweet: dòng phát biểu cảm nghĩ trên mạng xã hội Twitter.
(4) Kẹo Nicorette: loại kẹo có chứa ni-cô-tin dành cho người cai thuốc lá.