M
ÙA XUÂN NĂM 2015, Malia thông báo là con bé được một anh bạn mà mình khá thích mời dự vũ hội tốt nghiệp. Khi ấy con bé mười sáu tuổi và đang kết thúc năm áp cuối tại Sidwell. Với chúng tôi, Malia vẫn là đứa con bé bỏng, chân dài và nhiệt tình như trước giờ vẫn vậy, dù mỗi ngày con bé có vẻ càng giống người lớn hơn một chút. Giờ đây con bé đã cao gần bằng tôi và bắt đầu nghĩ tới chuyện vào đại học. Malia là một học sinh ưu tú, tò mò và điềm tĩnh, một người thích thu thập thông tin hệt như cha mình. Con bé có hứng thú với phim ảnh và nghề làm phim, và mùa hè vừa rồi con bé đã tự tìm gặp đạo diễn Steven Spielberg vào một tối nọ, khi ông đến Nhà Trắng dự tiệc tối. Khi đó con bé đã hỏi Steven quá nhiều câu hỏi đến mức ông đã cho con bé thực tập trong một bộ phim truyền hình mà ông đang sản xuất. Con gái của chúng tôi đang tìm con đường riêng cho mình.
Thông thường, vì lý do an ninh, Malia và Sasha không được phép đi xe của bất cứ ai khác. Malia khi ấy đã có giấy phép lái xe tạm thời và có thể tự lái xe một mình trong thành phố, dù vẫn luôn có xe mật vụ đi theo. Nhưng từ khi dọn đến Washington lúc lên mười tới nay, chưa bao giờ con bé đi xe buýt hay tàu điện ngầm, hay được ai đó không phải mật vụ chở đi. Tuy nhiên, vì đó là vũ hội tốt nghiệp, chúng tôi tạo ra một ngoại lệ.
Vào buổi tối đã hẹn, cậu bạn của Malia lái xe đến đón con bé, hoàn tất thủ tục an ninh ở cổng đông nam Nhà Trắng, men theo con đường chạy quanh Bãi cỏ phía Nam, nơi các yếu nhân và các thượng khách thường đến, và rồi hết sức tự nhiên - và can đảm - đi vào Phòng Tiếp đón Ngoại giao trong một bộ vét đen.
“Cha mẹ cứ thoải mái bình thường nhé?”, Malia nói với tôi và Barack, sự ngượng ngùng của con bé bắt đầu lộ ra khi chúng tôi đi thang máy xuống nhà. Tôi đang đi chân trần, còn Barack thì mang dép kẹp. Malia mặc một chiếc váy dài màu đen và chiếc áo vai trần trang nhã. Con bé trông thật đẹp và có vẻ như hai-mươi-ba tuổi chứ không phải mười sáu.
Theo tôi thì hai chúng tôi đã đóng vai “thoải mái bình thường” thành công, dù Malia vẫn cứ cười khi nhớ lại chuyện đó như một cái gì đau khổ lắm. Barack và tôi bắt tay chàng trai trẻ, chụp vài tấm ảnh và ôm con gái mình một cái rồi tiễn cả hai đi. Chúng tôi cảm thấy an tâm - dẫu sự an tâm đó hơi bất công đối với hai đứa trẻ - khi biết đội bảo vệ an ninh của Malia về cơ bản sẽ theo đuôi xe thằng bé suốt chặng đường đến nhà hàng và âm thầm làm nhiệm vụ suốt buổi tối ở đó, tại nơi hai đứa sẽ dùng bữa tối trước khi khiêu vũ.
Từ quan điểm của một người mẹ, tôi thấy cách nuôi dạy trẻ vị thành niên này cũng không tệ - biết là luôn có một nhóm người lớn đầy cảnh giác theo sau chúng, chịu trách nhiệm giải thoát cho chúng khỏi bất cứ tình huống khẩn cấp nào. Tuy nhiên, đối với một đứa trẻ vị thành niên thì hoàn toàn có thể hiểu được chuyện này đáng thất vọng thế nào. Cũng như với nhiều khía cạnh khác trong cuộc sống tại Nhà Trắng, chúng tôi buộc phải tự tìm hiểu những điều quan trọng cho gia đình mình - đâu là giới hạn và làm thế nào để vạch rõ giới hạn, làm sao để cân bằng giữa những trách nhiệm của tổng thống và nhu cầu của hai đứa trẻ đang tự học cách trưởng thành.
Khi hai con vào trung học, chúng tôi cho chúng “giờ giới nghiêm” - ban đầu là mười một giờ và cuối cùng là nửa đêm - và thực hiện nguyên tắc này, theo lời Malia và Sasha, một cách triệt để hơn bất cứ bậc cha mẹ nào của bạn bè chúng. Nếu tôi lo lắng về sự an toàn hay muốn biết các con đang ở đâu, tôi luôn có thể hỏi nhân viên mật vụ, nhưng tôi cố không làm như vậy. Điều quan trọng với tôi là bọn trẻ tin tưởng đội an ninh của chúng. Thay vào đó, tôi đã làm theo cách mà tôi nghĩ rất nhiều bậc cha mẹ cũng làm, đó là thiết lập mạng lưới quan hệ với các ông bố bà mẹ khác để trao đổi thông tin với nhau, tất cả chúng tôi đóng góp những gì mình biết về nơi bọn trẻ đang đi tới hay liệu có người lớn đi theo chúng hay không. Dĩ nhiên, hai cô con gái của chúng tôi phải gánh thêm trách nhiệm vì vai trò của cha chúng, chúng biết những sai phạm của mình có thể sẽ được đưa lên trang nhất. Barack và tôi nhận ra như thế thật không công bằng. Cả hai chúng tôi đều từng phá vỡ giới hạn và làm nhiều chuyện ngu ngốc khi còn tuổi vị thành niên, và chúng tôi đã may mắn khi làm ngần ấy thứ mà không bị cả nước để mắt tới.
Ngày mà Barack ngồi ở mép giường Malia ở Chicago và hỏi xem con bé có đồng ý để anh tranh cử tổng thống hay không, con bé mới tám tuổi. Giờ đây nghĩ lại, tôi thấy khi đó con bé đã biết ít như thế nào, tất cả chúng tôi đã biết ít như thế nào. Là một đứa trẻ trong Nhà Trắng là một chuyện. Trưởng thành từ trong Nhà Trắng lại là một chuyện hoàn toàn khác. Khi đó làm sao Malia có thể đoán nổi một ngày kia sẽ có người mang súng đi theo mình đến vũ hội tốt nghiệp? Hoặc con bé làm sao đoán được là người ta sẽ chụp ảnh nó đang lén hút một điếu thuốc và bán những tấm ảnh đó cho các trang tin lá cải?
Các con chúng tôi lớn lên vào một giai đoạn rất đặc biệt. Apple bắt đầu bán iPhone từ tháng Sáu năm 2007, khoảng bốn tháng sau khi Barack công bố tranh cử vị trí tổng thống. Một triệu chiếc iPhone được bán ra trong chưa đầy ba tháng. Một tỷ chiếc iPhone đã bán hết trước khi nhiệm kỳ tổng thống thứ hai của anh kết thúc. Anh là tổng thống đầu tiên của một thời đại mới, thời đại phá vỡ mọi quy tắc về tính riêng tư, thời đại có selfie, xâm nhập dữ liệu, Snapchat và chị em nhà Kardashian. Con gái chúng tôi chịu sự ảnh hưởng của những điều đó sâu sắc hơn chúng tôi, một phần do truyền thông xã hội chi phối cuộc sống của thanh thiếu niên, và phần khác là do thói quen sinh hoạt khiến chúng dễ tiếp xúc với công chúng hơn chúng tôi. Mỗi khi đi cùng bạn bè quanh Washington, Malia và Sasha thường bị người ta đưa điện thoại lên chụp hình, hoặc thậm chí có người đề nghị được chụp hình chung với hai đứa. Những lúc đó, để từ chối, Malia sẽ nói, “Anh chị biết em là trẻ con mà đúng không?”.
Barack và tôi làm mọi thứ có thể để bảo vệ con cái mình khỏi sự phơi bày quá mức, từ chối mọi yêu cầu từ truyền thông dành cho chúng và làm hết sức để đời sống thường nhật của chúng nằm ngoài tầm mắt công chúng. Nhân viên mật vụ của bọn trẻ đã giúp chúng tôi bằng cách cố gắng trở nên ít nổi bật nhất có thể - mặc quần ngắn và áo thun thay vì com-lê, thay tai nghe và micro đeo cổ tay bằng bộ tai nghe nhét tai - để có thể trà trộn tốt hơn vào các buổi tụ tập bạn bè của đám trẻ vị thành niên, tình huống mà giờ đây họ thường xuyên gặp phải. Chúng tôi hết sức phản đối việc đăng tải bất cứ hình ảnh nào về hai đứa con mình khi hình ảnh đó không liên quan đến các sự kiện chính thức, và văn phòng báo chí Nhà Trắng đã làm rõ điều này với giới truyền thông. Melissa và những thành viên khác trong nhóm của tôi đã trở thành người thực thi nguyên tắc đó của chúng tôi bất cứ lúc nào có hình ảnh của một trong hai đứa xuất hiện trên trang tin lá cải nào đó, họ sẽ gọi điện và yêu cầu các trang đó gỡ bỏ hình ảnh.
Bảo vệ sự riêng tư của Malia và Sasha cũng có nghĩa là tìm ra những cách khác để xoa dịu sự tò mò của công chúng về gia đình chúng tôi. Từ đầu nhiệm kỳ thứ hai của Barack, gia đình tôi có thêm thành viên mới, đó là chú chó Sunny - một tâm hồn tự do không thấy có lý do gì để phải đi vệ sinh đúng chỗ, vì nhà mới của nó quá rộng. Hai chú chó giúp mọi thứ trở nên nhẹ nhàng hơn. Chúng là bằng chứng sống - và có chút lười biếng - cho thấy Nhà Trắng là một ngôi nhà. Biết là không được phép đụng tới Malia và Sasha, đội truyền thông Nhà Trắng bắt đầu yêu cầu các chú chó xuất hiện tại các sự kiện chính thức. Vào các tối, tôi sẽ bắt gặp trong sổ báo cáo của mình những lưu ý đề nghị tôi chấp thuận một buổi “Thăm Bo và Sunny”, cho phép mấy chú chó tiếp xúc với báo giới hay bọn trẻ đến tham quan. Các chú chó sẽ được điều động khi phóng viên đến Nhà Trắng để tìm hiểu về tầm quan trọng của thương mại và xuất khẩu của nước Mỹ, hoặc như sau này là để nghe Barack ngợi khen Merrick Garland, người mà anh ấy lựa chọn cho vị trí Thẩm phán Tòa án tối cao. Bo đóng vai chính trong một video quảng bá về Easter Egg Roll. Nó và Sunny tạo dáng cùng tôi trong loạt ảnh được sử dụng cho một chiến dịch vận động trực tuyến khuyến khích mọi người đăng ký để được chăm sóc sức khỏe. Chúng là những đại sứ tuyệt vời, không bận tâm đến những lời phê bình và cũng không nhận ra danh tiếng của mình.
NHƯ TẤT CẢ NHỮNG ĐỨA TRẺ KHÁC, càng lớn, Sasha và Malia càng bớt hứng thú với một số việc. Kể từ năm đầu tiên trong nhiệm kỳ tổng thống của Barack, mỗi mùa thu chúng luôn cùng anh xuất hiện trước phóng viên để anh trình diễn cái nghi thức buồn cười nhất trong Nhà Trắng - “ân xá” cho một chú gà tây còn sống ngay trước dịp Lễ Tạ ơn. Trong năm năm đầu tiên, chúng cười khúc khích mỗi khi cha chúng đưa ra những câu đùa cũ rích. Nhưng sang năm thứ sáu, ở tuổi mười ba và mười sáu, chúng đã không còn giả vờ thấy vui được nữa. Chỉ vài giờ sau buổi lễ, hình ảnh hai đứa với vẻ khó chịu đã xuất hiện trên khắp Internet - Sasha mặt không biểu cảm, Malia thì khoanh tay - khi đó chúng đang đứng cạnh tổng thống, cạnh bục phát biểu, và con gà tây không biết chuyện gì đang xảy ra. Một tiêu đề trên tờ USA Today đã tóm tắt tình cảnh đó khá thỏa đáng: “Malia và Sasha Obama chán ngấy màn ân xá gà tây của cha mình”.
Từ sau lúc đó, việc chúng tham gia lễ ân xá gà tây, cũng như hầu hết mọi sự kiện tại Nhà Trắng, đã hoàn toàn trở thành lựa chọn không bắt buộc. Chúng là những đứa trẻ tuổi teen vui vẻ, giỏi thích nghi với cuộc sống đầy những hoạt động phong phú và các tương tác xã hội thú vị hoàn toàn không liên quan đến cha mẹ của mình. Là những bậc phụ huynh, chúng ta chỉ có thể kiểm soát ở mức độ nào đó mà thôi. Con cái chúng ta có những kế hoạch riêng của chúng, và điều đó khiến chúng chẳng mấy ấn tượng với những gì mà chúng ta vui thích.
“Tối nay con không muốn xuống nhà xem Paul McCartney trình diễn à?”
“Dạ không đâu mẹ.”
Thường có tiếng nhạc phát ra từ phòng Malia. Còn Sasha và các bạn của con bé thì rất thích những chương trình dạy nấu ăn trên kênh truyền hình cáp và thỉnh thoảng lại “trưng dụng” nhà bếp để trang trí bánh quy hay tự làm trong chớp nhoáng những bữa ăn cầu kỳ với nhiều món khác nhau. Cả hai cô con gái của tôi rất thích các chuyến đi do trường tổ chức hoặc đến nhà bạn bè nghỉ mát (lúc nào cũng có nhân viên mật vụ đi theo). Sasha thích nhất là được tự chọn mấy món ăn vặt tại Sân bay Quốc tế Dulles trước khi lên một chuyến bay thương mại kín người, chỉ vì trải nghiệm này rất khác với quy trình lê thê dành cho tổng thống ở Căn cứ Không quân Andrews mà gia đình chúng tôi đã quá quen thuộc.
Việc đi cùng với chúng tôi cũng có những lợi thế riêng. Trước khi nhiệm kỳ của Barack kết thúc, Malia và Sasha được thưởng thức một trận bóng rổ ở Havana, đi dọc Vạn lý trường thành ở Trung Quốc và tham quan tượng Chúa cứu thế ở Rio vào một tối mù sương diệu kỳ. Nhưng đi chung với chúng tôi cũng có thể rất bất tiện, nhất là khi chúng cần giải quyết những vấn đề không liên quan đến nhiệm vụ của tổng thống. Ví dụ, hồi đầu năm lớp mười một của Malia, tôi và con bé đã quyết định dành một ngày đến tham quan các trường đại học ở thành phố New York, cụ thể là Đại học New York và Đại học Columbia. Lúc đầu, mọi thứ đều suôn sẻ. Chúng tôi nhanh chóng xem xét một lượt khuôn viên Đại học New York vì khi đó vẫn còn sớm và nhiều sinh viên vẫn chưa sẵn sàng đón ngày mới. Chúng tôi kiểm tra lớp học, thò đầu vào một phòng ký túc và tán chuyện với trưởng khoa trước khi đi đến khu dân cư trong trung tâm thành phố để dùng một bữa trưa sớm và đi chuyến kế tiếp.
Vấn đề là không thể nào che giấu đoàn xe tháp tùng của Đệ nhất Phu nhân, đặc biệt là trên đảo Manhattan vào giữa một ngày trong tuần. Khi chúng tôi dùng bữa xong, chừng một trăm người đã tụ tập ở lề đường bên ngoài nhà hàng khiến cho mọi thứ vô cùng náo động. Chúng tôi ra ngoài và thấy hàng đống điện thoại di động chĩa về phía mình trong điệp khúc chào mừng. Người ta hét lên, “Malia, hãy tới Columbia học!”.
Ngay lập tức tôi biết việc mình cần làm là rút lui - để cho Malia tham quan trường đại học kế tiếp mà không có tôi cùng đi, mà thay vào đó là để Kristin Jones, trợ lý của tôi, hộ tống con bé. Không có tôi ở đó thì khả năng Malia bị người khác phát hiện giảm xuống. Con bé có thể đi nhanh hơn và với ít mật vụ hơn. Không có tôi, có lẽ con bé có thể trông như một đứa trẻ bình thường khác đang đi trên sân trường. Ít nhất tôi phải để con bé thử chuyện này.
Kristin gần ba mươi tuổi và là dân California, cô giống một người chị lớn đối với cả hai cô con gái tôi. Cô vào làm việc ở văn phòng tôi trong vai trò thực tập sinh, và cùng với Kristen Jarvis, người mà gần đây vừa trở thành giám đốc điều hành các chuyến đi của tôi, cô dần dần đóng vai trò quan trọng trong đời sống gia đình của chúng tôi. “Chị em Kristin”, như chúng tôi vẫn gọi, thường xuyên thay mặt chúng tôi. Cả hai đóng vai trò liên lạc giữa gia đình với trường Sidwell, tổ chức các cuộc gặp gỡ và tiếp xúc với giáo viên, huấn luyện viên và các phụ huynh khác khi vợ chồng chúng tôi không thể. Với bọn trẻ, cả hai luôn bảo vệ, yêu thương và “chất” hơn tôi rất nhiều. Malia và Sasha hoàn toàn tin tưởng cả hai người họ, hỏi xin lời khuyên của họ về mọi thứ, từ áo quần, mạng xã hội đến bọn con trai.
Trong khi Malia tham quan Đại học Columbia vào chiều hôm đó, tôi được đưa vào một khu vực chờ đợi an toàn do mật vụ chỉ định. Hóa ra đó là tầng hầm một tòa nhà trong trường. Tôi đã ngồi đó một mình cho tới lúc phải đi, và lúc đó tôi đã ước gì mình có mang theo một quyển sách để đọc. Tôi phải thừa nhận là có bị tổn thương đôi chút khi phải ngồi trong đó. Tôi cảm thấy một sự cô độc không mấy liên quan đến việc tôi đang giết thời gian một mình trong một căn phòng không cửa sổ, mà chủ yếu là vì suy nghĩ rằng, dù muốn dù không, thì đứa con đầu lòng của chúng tôi đang lớn lên và sắp sửa rời xa chúng tôi.
CHÚNG TÔI VẪN CHƯA ĐẾN hồi cuối, nhưng tôi đã bắt đầu đánh giá mọi thứ. Tôi đong đo những được và mất, những hy sinh và những gì có thể xem là thành quả - ở đất nước mình, ở gia đình mình. Chúng tôi đã làm hết những gì có thể hay chưa? Chúng tôi có thể yên ổn rời khỏi vị trí này hay không?
Tôi cố ngẫm nghĩ và nhớ lại xem cuộc sống của tôi đã trượt khỏi những gì mình đã từng hình dung như thế nào - cái cuộc sống có thu nhập ổn định, một ngôi nhà để ở cả đời và một lịch trình cho tất cả mọi ngày. Tôi đã quyết định tránh xa kiểu cuộc sống đó từ khi nào? Từ khi nào tôi đã khiến sự hỗn loạn bước vào cuộc sống của mình? Có phải đó là cái đêm hè khi tôi hạ que kem và nghiêng người hôn Barack lần đầu tiên trong đời? Có phải đó là ngày tôi đã bước ra khỏi những đống hồ sơ trật tự và sự nghiệp luật sư của mình, với niềm tin rằng mình có thể tìm thấy một điều gì đó trọn vẹn hơn?
Đôi khi tâm trí tôi trở về tầng hầm nhà thờ ở Roseland, ở vùng Far South Side của Chicago, nơi tôi đã cùng đến với Barack vào hai mươi lăm năm trước để nghe anh nói chuyện với một cộng đồng đang ra sức đẩy lùi sự vô vọng và thờ ơ. Lắng nghe cuộc đối thoại tối hôm ấy, tôi đã nghe thấy một điều gì đó quen thuộc nhưng được diễn đạt theo cách khác. Tôi biết người ta có thể tồn tại ở hai trạng thái cùng một lúc - đặt chân ở thực tại nhưng mũi chân thì hướng đến sự tiến bộ. Đó là những gì tôi từng làm khi còn là một đứa trẻ ở Đại lộ Euclid, là điều mà gia đình tôi - và những người bị gạt ra ngoài lề nói chung - vẫn luôn thực hiện. Chúng ta có thể đạt được một điều gì đó bằng cách xây dựng thực tại tốt đẹp hơn kia, ngay cả khi ban đầu nó chỉ tồn tại trong tâm trí chúng ta. Hay như Barack đã diễn đạt vào đêm hôm đó, ta có thể sống trong một thế giới như hiện có, nhưng ta vẫn có thể ra sức để biến nó thành một thế giới mà ta nên có.
Khi đó tôi chỉ mới biết anh được vài tháng, nhưng giờ đây nhìn lại, tôi có thể thấy đó chính là cú chuyển hướng của mình. Vào thời điểm ấy, tôi đã không nói lời nào mà giao ước một đời với anh, và một đời với hiện tại này.
Sau chừng ấy năm tháng, tôi biết ơn vì những tiến bộ mình nhìn thấy được. Năm 2015, tôi vẫn còn trở lại thăm Quân y viện Walter Reed nhiều lần, mỗi lần như vậy tôi thấy số binh sĩ bị thương ngày càng giảm đi. Nước Mỹ còn ít quân nhân đang gặp nguy hiểm ở nước ngoài hơn, ít thương tích cần săn sóc hơn, ít người mẹ có trái tim tan nát hơn. Với tôi, đó là sự tiến bộ.
Tiến bộ chính là khi các Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh báo cáo tỷ lệ béo phì ở trẻ em đang chững lại, đặc biệt ở trẻ độ tuổi từ hai đến năm. Tiến bộ là khi hai ngàn học sinh trung học ở Detroit xuất hiện để cùng tôi chào mừng Ngày Cam kết Đại học, một sự kiện mở rộng của chương trình Reach Higher, để đánh dấu ngày mà những bạn trẻ cam kết nỗ lực hết mình để vào đại học. Tiến bộ là khi phán quyết của Tòa án tối cao đã phủ quyết một thách thức đối với bộ luật chăm sóc sức khỏe mới, từ đó giúp thành tựu nổi bật của Barack trong nước - đó là đảm bảo mọi người Mỹ đều có bảo hiểm y tế - vẫn vững chắc và không bị ảnh hưởng khi anh đã từ nhiệm. Tiến bộ là một nền kinh tế mất đi tám trăm ngàn công việc mỗi tháng khi Barack mới vào Nhà Trắng giờ đây đã liên tục tăng trưởng về số lượng công ăn việc làm trong gần năm năm liên tục.
Tôi xem tất cả những điều đó là bằng chứng cho thấy với tư cách một quốc gia, chúng ta có khả năng tạo ra một thực tại tốt đẹp hơn. Tuy nhiên, chúng ta vẫn sống trong thế giới như nó vốn có.
Một năm rưỡi sau vụ thảm sát Newtown, Quốc hội vẫn chưa thông qua bất kỳ một biện pháp nào để kiểm soát súng đạn. Bin Laden đã bị tiêu diệt, nhưng ISIS(1) xuất hiện. Tỷ lệ giết người ở Chicago tăng thay vì giảm. Một thiếu niên da đen tên Michael Brown bị một cảnh sát ở Ferguson, Missouri, bắn chết, xác của em bị bỏ mặc ngoài đường suốt hàng giờ. Một đứa trẻ da đen khác tên Laquan McDonald bị cảnh sát Chicago bắn mười sáu phát, trong đó có chín lần vào lưng. Một đứa trẻ da đen tên Tamir Rice bị cảnh sát Cleveland bắn chết khi chơi một khẩu súng đồ chơi. Một người da đen tên Freddie Gray đã qua đời sau khi bị cảnh sát Baltimore ngược đãi khi tạm giam. Một người da đen tên Eric Garner đã tử vong khi bị cảnh sát kẹp cổ bắt giữ tại đảo Staten. Tất cả những cái chết này là bằng chứng của một điều gì đó độc ác và không đổi ở nước Mỹ. Khi Barack đắc cử lần đầu, nhiều bình luận viên đã ngây ngô tuyên bố rằng đất nước chúng ta đang tiến vào một thời kỳ hậu phân biệt chủng tộc, ở đó màu da chẳng còn là vấn đề nữa. Đây là bằng chứng họ đã sai đến dường nào. Khi người Mỹ bị ám ảnh trước nguy cơ khủng bố, nhiều người đang xem nhẹ tư tưởng phân biệt chủng tộc và tư duy bộ lạc đang xé toang đất nước này.
Cuối tháng Sáu năm 2015, Barack và tôi bay đến Charleston, South Carolina, để cùng chia sẻ sự đau thương của một cộng đồng khác - lần này là tại đám tang một mục sư tên Clementa Pinckney, một trong số chín người bị giết chết trong một vụ nổ súng xuất phát từ phân biệt chủng tộc trước đó tại một nhà thờ Giám lý Phi châu, nơi được biết đến với cái tên đơn giản là Mẹ Emanuel. Các nạn nhân, tất cả đều là người Mỹ gốc Phi, đã chào đón một thanh niên da trắng hai mươi mốt tuổi - một người xa lạ với tất cả họ - vào nhóm nghiên cứu Kinh thánh. Hắn ta ngồi cùng họ một lúc; rồi, sau khi cả nhóm cúi đầu cầu nguyện, hắn đứng dậy và bắt đầu nổ súng. Theo báo cáo thì trong lúc ra tay, hắn đã nói, “Tao phải làm điều này, vì chúng mày hãm hiếp phụ nữ của chúng tao và đang chiếm lấy đất nước của chúng tao”.
Sau khi đọc một bài điếu văn cảm động dành cho Mục sư Pinckney và chia buồn với cộng đồng, Barack bất ngờ đích thân dẫn dắt cả giáo đoàn cùng hát bản thánh ca Amazing Grace (Ân điển diệu kỳ) chậm rãi và sâu lắng. Đó là một lời khấn cầu hy vọng, một lời kêu gọi mọi người hãy vững tin. Tất cả những người có mặt hôm đó đều tham gia. Đã hơn sáu năm, Barack và tôi đã sống với nhận thức rằng bản thân chúng tôi là một sự kích động. Khi các nhóm thiểu số trên khắp đất nước đang dần bắt đầu đóng những vai trò quan trọng hơn trong chính trị, kinh doanh và giải trí, gia đình chúng tôi trở thành một ví dụ điển hình nhất. Sự hiện diện của chúng tôi tại Nhà Trắng được hàng triệu người Mỹ hoan nghênh, nhưng cũng gây ra một sự sợ hãi và căm ghét nơi những người khác. Lòng thù hận vẫn hằn sâu và nguy hiểm như từ trước tới nay.
Chúng tôi sống cùng với nó trong tư cách một gia đình, và chúng ta sống cùng với nó trong tư cách một quốc gia. Và chúng ta vẫn tiếp tục sống, với đầy lòng biết ơn nhất có thể.
CÙNG NGÀY diễn ra tang lễ tại Charleston - ngày 26 tháng Sáu năm 2015 - Tòa án tối cao đã ban bố một quyết định mang tính cột mốc, công nhận các cặp đôi đồng giới có quyền kết hôn trên khắp năm mươi tiểu bang. Đây là thành quả của một cuộc chiến pháp lý đã diễn ra theo đúng phương pháp suốt nhiều thập kỷ, lần lượt tại từng tiểu bang, từng tòa án, và như với bất kỳ cuộc đấu tranh đòi dân quyền nào, nó đòi hỏi sự kiên cường và lòng can đảm sâu sắc của nhiều con người. Nhiều lần trong ngày, tôi bắt gặp những bản báo cáo về chuyện người Mỹ vô cùng phấn chấn trước tin này. Một đám đông hồ hởi đã la vang “Tình yêu đã chiến thắng!” trước bậc thềm Tòa án tối cao. Các cặp đôi ùa vào tòa thị chính và tòa án cấp hạt để thực thi một quyền lợi được hiến pháp công nhận. Các quán bar đồng tính mở cửa sớm. Cờ cầu vồng được vẫy tại các góc đường trên khắp đất nước.
Tất cả tin tức ấy đã giúp chúng tôi vượt qua một ngày buồn bã ở South Carolina. Quay lại Nhà Trắng, chúng tôi thay trang phục dự tang lễ, dùng bữa nhanh với hai con, và rồi Barack lại biến mất vào Phòng Hiệp Ước để mở kênh ESPN và tiếp tục với công việc. Tôi đang đi đến phòng thay đồ thì thấy một luồng ánh sáng tim tím chiếu qua ô cửa sổ hướng chính bắc của tư dinh, đến lúc đó tôi mới nhớ có nhân viên nào đó đã đề cập đến kế hoạch chiếu sáng Nhà Trắng bằng các màu sắc của lá cờ cầu vồng.
Nhìn ra cửa sổ, tôi thấy bên ngoài các cánh cổng trên Đại lộ Pennsylvania, một đám đông đã tụ tập trong hoàng hôn mùa hè để nhìn các sắc màu ấy. Đường lái xe phía bắc đầy nhân viên chính phủ ở lại trễ để xem Nhà Trắng đổi màu tôn vinh bình đẳng hôn nhân. Quyết định ấy đã chạm vào trái tim biết bao nhiêu con người. Từ chỗ đang đứng, tôi có thể thấy sự hồ hởi, dù chẳng nghe thấy gì. Đó là một phần lạ kỳ của thực tại của chúng tôi. Nhà Trắng là một pháo đài yên ắng, cửa đóng then cài, cách âm gần như hoàn toàn bởi cửa sổ và các bức tường dày. Trực thăng Marine One có thể đậu ở một bên tòa nhà, hai cánh quạt có thể thốc những cơn gió cấp bão và đánh gẫy cành cây, nhưng bên trong chúng tôi chẳng nghe thấy gì. Tôi thường biết Barack đã về nhà sau một chuyến đi không phải bởi âm thanh của trực thăng mà vì mùi nhiên liệu của nó đã len lỏi vào trong bằng cách nào đó.
Thường thì tôi rất vui khi được rút vào sự yên ắng được bảo vệ của tư dinh vào cuối một ngày dài. Nhưng đêm ấy có cảm giác rất khác, nghịch lý như chính cái đất nước này. Sau một ngày thương tiếc ở Charleston, tôi đang nhìn một bữa tiệc khổng lồ diễn ra ngay ngoài cửa sổ. Hàng trăm người đang nhìn lên ngôi nhà của chúng tôi. Tôi muốn chứng kiến ngôi nhà của mình như họ. Tôi bất chợt thèm được tham gia vào cuộc ăn mừng kia.
Tôi ló đầu vào Phòng Hiệp Ước. “Anh có muốn ra ngoài nhìn đèn màu không?”, tôi hỏi Barack. “Có rất nhiều người ngoài kia.”
Anh ấy cười. “Em biết anh không thể khi có nhiều người như vậy mà.”
Sasha đang ở trong phòng của con bé, say mê với chiếc iPad. “Con có muốn đi coi ánh sáng cầu vồng với mẹ không?”, tôi hỏi.
“Không ạ.”
Thế là chỉ còn Malia, con bé khiến tôi ngạc nhiên một chút vì ngay lập tức đồng ý. Tôi đã tìm được “chiến hữu”. Chúng tôi sẽ làm một chuyến phiêu lưu - bên ngoài, nơi mọi người đang tụ tập - và không hỏi ý kiến ai cả.
Quy trình thông thường là chúng tôi báo với mật vụ đóng ở thang máy mỗi khi muốn rời khỏi tư dinh dù là xuống nhà để xem phim hay dắt chó ra ngoài đi dạo, nhưng đêm nay thì không. Mẹ con chúng tôi chỉ băng qua các mật vụ đang làm nhiệm vụ và giả vờ không thấy họ. Chúng tôi vượt qua thang máy, bước nhanh xuống cầu thang bộ chật hẹp. Tôi có thể nghe tiếng giày khua xuống bậc thang phía sau lưng, họ đang tìm cách đuổi theo. Malia nhìn tôi cười lém lỉnh. Con bé không quen với việc tôi phá luật.
Xuống đến Tầng Hai, chúng tôi đang tiến về phía hàng cửa cao dẫn ra Cổng Bắc thì nghe thấy một giọng nói vang lên.
“Xin chào Phu nhân! Tôi có thể giúp gì cho bà?” Đó là Claire Faulkner, người gác cửa ca đêm, một phụ nữ tóc nâu thân thiện, nói năng nhỏ nhẹ. Rõ ràng là cô đã được các nhân viên mật vụ sau lưng chúng tôi cảnh báo qua máy bộ đàm.
Tôi ngoái đầu nhìn cô nhưng vẫn không ngừng sải bước. Tôi nói, “À, chúng tôi chỉ đi ra ngoài để nhìn đèn màu”.
Claire nhướng mày. Chúng tôi phớt lờ cô ấy. Ra đến cửa, tôi kéo mạnh tay cầm, nhưng cửa không nhúc nhích. Chín tháng trước, một kẻ xâm nhập mang theo dao và bằng cách nào đó đã nhảy qua được hàng rào rồi băng qua đúng cánh cửa này, sau đó chạy băng qua Tầng Hai trước khi bị một mật vụ khống chế. Sau sự cố đó, an ninh bắt đầu khóa luôn cánh cửa.
Tôi quay sang nhóm người sau lưng, giờ đã có thêm một mật vụ mặc đồng phục áo sơ mi trắng và cà vạt đen. “Làm sao để mở thứ này?”, tôi chẳng nói cụ thể với ai cả. “Chắc phải có chìa khóa chứ.”
“Thưa Phu nhân?”, Claire nói. “Tôi không chắc đó có phải cánh cửa Phu nhân muốn dùng hay không. Tất cả máy quay của phóng viên đều đang hướng về phía bắc Nhà Trắng ngay lúc này.”
Cô ấy có lý. Tóc tôi lộn xộn và tôi đang mang dép, mặc quần cụt và áo thun. Chắc chắn không phải trang phục xuất hiện trước đám đông.
“Được rồi”, tôi nói. “Nhưng chẳng lẽ không có cách nào chúng tôi ra ngoài mà không bị nhìn thấy sao?”
Malia và tôi chưa biết phải làm sao. Nhưng chúng tôi kiên quyết không từ bỏ mục tiêu của mình. Chúng tôi sẽ tự mình ra được bên ngoài.
Ai đó đã gợi ý tôi sử dụng một cánh cửa bốc dỡ nằm khuất ở tầng trệt, nơi xe tải đến để giao thức ăn và văn phòng phẩm. Hai mẹ con bắt đầu đi về hướng đó. Malia khoác tay con bé vào cánh tay tôi. Chúng tôi cười thích thú.
“Chúng ta đang đi ra ngoài!”, tôi nói.
“Đúng rồi ạ!”, con bé đáp.
Chúng tôi đi xuống một cầu thang cẩm thạch, băng qua những tấm thảm đỏ, vòng qua tượng bán thân của George Washington và Benjamin Franklin, băng qua nhà bếp và thế là đã ra được bên ngoài. Không khí mùa hè ẩm ướt xộc lên mặt chúng tôi. Tôi có thể thấy đom đóm lập lòe trên bãi cỏ. Và kia rồi, âm thanh náo nhiệt của đám đông, những con người hò reo ăn mừng bên ngoài cánh cổng sắt. Chúng tôi phải mất mười lăm phút để ra khỏi nhà của chính mình, nhưng rốt cuộc đã thành công. Chúng tôi đang ở ngoài, đứng trên một mảng cỏ bên lề, xa khỏi ánh nhìn của công chúng nhưng lại có một góc nhìn cận cảnh tuyệt đẹp Nhà Trắng, sáng bừng trong niềm tự hào.
Malia và tôi tựa vào nhau, hạnh phúc vì đã tìm được đường đến đó.
NHƯ LUÔN XẢY RA trong chính trị, những làn gió mới đã bắt đầu hình thành. Vào mùa thu 2015, chiến dịch tranh cử tổng thống kế tiếp đã vào cao điểm. Đảng Cộng hòa đông đúc ứng viên, bao gồm các thống đốc như John Kasich và Chris Christie và các thượng nghị sĩ như Ted Cruz và Marco Rubio, chưa kể hơn một chục ứng viên khác. Trong khi đó, Đảng Dân chủ rất nhanh chóng tự thu hẹp thành cuộc lựa chọn giữa Hillary Clinton và Bernie Sanders, một thượng nghị sĩ độc lập có tư tưởng dân chủ tự do đến từ Vermont.
Donald Trump đã công bố tranh cử tổng thống vào đầu mùa hè, đứng bên trong Tháp Trump ở Manhattan và chế nhạo di dân Mexico mà ông gọi là “những kẻ hãm hiếp” và những “kẻ thất bại” mà ông cho là đang điều hành đất nước. Tôi nhận ra ông ấy chỉ đang cố tạo ấn tượng, thu hút sự quan tâm của truyền thông vì ông ta có khả năng đó. Chẳng có gì trong hành xử của Trump cho thấy ông ấy đang nghiêm túc muốn điều hành đất nước.
Tôi theo dõi chiến dịch tranh cử, nhưng không quá sâu sát như những năm trước. Thay vào đó, tôi bận thời gian dành cho kế hoạch hành động thứ tư của mình trong tư cách Đệ nhất Phu nhân, đó là chương trình Let Girls Learn (tạm dịch: Cơ hội học tập cho nữ giới) mà Barack và tôi đã cùng công bố vào mùa xuân. Đó là một nỗ lực đầy tham vọng ở cấp chính phủ nhằm giúp đỡ những em gái vị thành niên trên khắp thế giới có thể tiếp cận tốt hơn với giáo dục. Trong suốt gần bảy năm trong cương vị Đệ nhất Phu nhân, tôi đã nhiều lần kinh ngạc bởi tiềm năng lẫn sự yếu thế của phụ nữ trẻ tuổi trong thế giới của chúng ta - từ những cô gái là dân nhập cư ở Trường Elizabeth Garrett Anderson đến Malala Yousafzai, em gái tuổi vị thành niên người Pakistan bị Taliban tấn công dã man và là người đã đến Nhà Trắng để chia sẻ với tôi, với Barack và Malia về sự ủng hộ của em đối với vấn đề giáo dục dành cho nữ sinh. Tôi đã kinh sợ khi chỉ sáu tháng sau chuyến thăm của Malala, hai trăm bảy mươi sáu nữ sinh Nigeria đã bị nhóm khủng bố cực đoan Boko Haram bắt cóc, rõ là nhằm làm cho các gia đình Nigeria sợ hãi đến mức không dám đưa con gái của họ đến trường. Lần đầu tiên và duy nhất trong nhiệm kỳ tổng thống của Barack, tôi buộc phải thay Barack xuất hiện trong buổi phát biểu hàng tuần trước toàn dân, xúc động chia sẻ về những gì chúng ta có thể làm tốt hơn nhằm bảo vệ và động viên các cô gái trẻ trên toàn thế giới.
Cá nhân tôi cảm nhận sâu sắc toàn bộ những điều đó. Giáo dục là công cụ chính yếu thay đổi cuộc đời tôi, là đòn bẩy nâng tôi vào thế giới. Tôi kinh ngạc khi có quá nhiều em gái - hơn chín mươi tám triệu em trên toàn thế giới, theo thống kê của UNESCO - không được tiếp cận với giáo dục. Một số em không được đến trường vì gia đình cần các em lao động. Đôi khi ngôi trường gần nhất lại ở quá xa hoặc quá đắt đỏ, hoặc rủi ro có thể bị xâm hại trên đường là quá lớn. Trong nhiều trường hợp, những quy chuẩn ngột ngạt về giới tính và áp lực kinh tế kết hợp với nhau để khiến các em gái không nhận được sự giáo dục xứng đáng, và do đó các em không thể tiếp cận được những cơ hội trong tương lai. Dường như có một suy nghĩ đặc biệt thịnh hành tại một số nơi trên thế giới, đó là bé gái thì không đáng được đi học, kể cả khi các nghiên cứu đều cho thấy việc đào tạo các em gái và phụ nữ và cho phép họ gia nhập lực lượng lao động đã giúp gia tăng GDP của một quốc gia.
Barack và tôi dốc sức thay đổi nhận thức về những điều giúp tạo ra giá trị của một phụ nữ trẻ trong xã hội. Anh đã huy động thành công hàng trăm triệu đô-la từ các nguồn lực khác nhau trong suốt nhiệm kỳ, thông qua USAID và Peace Corps, và cũng thông qua Bộ Ngoại giao, Bộ Lao động và Bộ Nông nghiệp. Cả hai chúng tôi vận động chính quyền tại nhiều quốc gia giúp quyên góp tạo ra các chương trình giáo dục dành cho trẻ em gái, đồng thời khuyến khích các công ty tư nhân và các chuyên gia cố vấn cùng cam kết cống hiến cho mục tiêu này.
Cũng vào thời điểm này, tôi đã biết cách tạo ra sự xôn xao có mục đích. Tôi biết không có gì bất thường khi người Mỹ cảm thấy không quan tâm đến những khó khăn của những người sống tại các quốc gia xa xôi, do đó tôi cố gắng mang những điều đó về Mỹ, kêu gọi những người nổi tiếng như Stephen Colbert vận dụng sức mạnh nổi tiếng của mình để hỗ trợ tại các sự kiện và trên truyền thông. Tôi đã kêu gọi sự hỗ trợ của Janelle Monáe, Zendaya, Kelly Clarkson và những tài năng biểu diễn khác để tung ra một bản nhạc pop bắt tai do Diane Warren biên soạn có tên gọi “This is for My Girls”, toàn bộ số tiền thu được sẽ góp vào chi phí giáo dục cho các em gái trên toàn thế giới.
Và cuối cùng, tôi đã làm một chuyện mà mình hơi sợ, đó là hát. Tôi xuất hiện trên chương trình “Carpool Karaoke” hài hước của James Corden, trong đó cả hai chúng tôi đảo vòng quanh Bãi cỏ phía Nam trong một chiếc SUV đen. Chúng tôi hát bài “Signed, Sealed, Delivered I’m Yours”, “Single Ladies” và cuối cùng là bài “This is for My Girls” - lý do chính tôi đăng ký tham gia chương trình - với sự góp mặt khách mời của Missy Elliott, người ngồi ở ghế sau xe và đọc rap cùng hai chúng tôi. Tôi đã siêng năng tập luyện cho buổi biểu diễn karaoke đó suốt nhiều tuần, nhớ kỹ nhịp của từng bài hát. Mục tiêu ở đây là để tạo không khí vui vẻ và nhẹ nhàng, nhưng đằng sau đó, như mọi khi, luôn là công việc và một mục đích to lớn hơn - tiếp tục kết nối mọi người với vấn đề giáo dục cho các em gái. Tiết mục hát của tôi với James Corden thu hút bốn mươi lăm triệu lượt xem trên YouTube chỉ trong ba tháng đầu, khiến mọi nỗ lực đều xứng đáng.
CUỐI NĂM 2015, Barack, hai cô con gái và tôi bay sang Hawaii để đón Giáng sinh như thường lệ. Chúng tôi thuê một ngôi nhà lớn có cửa sổ rộng nhìn ra bãi biển và tham gia cùng nhóm bạn bè quen thuộc của gia đình. Cũng giống sáu năm qua, chúng tôi dành thời gian trong ngày Giáng sinh đi thăm các quân nhân và gia đình họ ở căn cứ thủy quân lục chiến gần đó. Và vẫn luôn như thế, với Barack thì kỳ nghỉ chỉ là một kỳ nghỉ bán thời gian, hay đúng ra thì khó mà gọi là kỳ nghỉ được. Anh ấy nghe điện thoại, ngồi chờ báo cáo tóm tắt hàng ngày và thảo luận với một nhóm cố vấn, trợ lý và người soạn thảo diễn văn thân tín - tất cả đều đang ở tại một khách sạn gần bên. Điều này khiến tôi thắc mắc liệu anh ấy có nhớ thế nào là thật sự thư giãn khi đến lúc thật sự cần được thư giãn hay không, liệu chúng tôi có tìm ra được cách thả lỏng khi toàn bộ chuyện này chấm dứt hay không. Tôi tự hỏi, cảm giác sẽ như thế nào khi chúng tôi có thể cùng đi đâu đó mà không có nhân viên mang theo cái vali chứa mật mã bom nguyên tử?
Dù đang cho phép mình mộng mơ đôi chút, tôi vẫn không thể hình dung ra mọi chuyện rồi sẽ kết thúc ra sao.
Quay về Washington để bắt đầu năm cuối cùng tại Nhà Trắng, chúng tôi đã biết thời gian không còn nhiều. Tôi bắt đầu một chuỗi dài những “lần cuối cùng” - Dạ tiệc Governor cuối cùng, sự kiện Easter Egg Roll cuối cùng, Bữa tối với Phóng viên tại Nhà Trắng cuối cùng. Barack và tôi cũng có chuyến thăm Vương quốc Anh ở cấp nguyên thủ quốc gia cuối cùng, trong đó bao gồm một chuyến viếng thăm ngắn dành cho người bạn Nữ hoàng của chúng tôi.
Barack luôn có sự mến mộ đặc biệt dành cho Nữ hoàng Elizabeth vì bà làm anh nhớ đến Toot, người bà giản dị và thẳng thắn của anh. Riêng tôi thì cảm thấy khâm phục hiệu quả làm việc của bà, một kỹ năng rõ ràng được mài giũa từ một cuộc đời luôn ở trong tầm mắt công chúng. Một ngày của vài năm trước, Barack và tôi đã cùng đứng với bà và Hoàng tế Philip đón tiếp hàng loạt khách khứa. Tôi đã tò mò quan sát khi Nữ hoàng mời mọi người tiến nhanh về phía trước bằng những câu chào ngắn gọn, thân thiện và không để cho người ta bắt chuyện thêm, trong khi Barack tỏa ra cảm giác gần gũi, gần như mời gọi mọi người trò chuyện rồi còn trầm ngâm trả lời thắc mắc của họ, do đó làm nghẽn dòng người. Suốt những năm tháng quen biết anh chàng này, tôi vẫn cố gắng thúc anh ấy nhanh nhẹn hơn.
Một chiều tháng Tư năm 2016, hai chúng tôi đáp trực thăng từ tòa đại sứ Mỹ ở Luân Đôn đến lâu đài Windsor ở vùng nông thôn phía tây thành phố. Đội tiền trạm đã cho chúng tôi biết là Nữ hoàng và Hoàng tế Philip có ý định gặp chúng tôi ngay khi chúng tôi hạ cánh và có thể đích thân chở chúng tôi về lại lâu đài để dùng bữa trưa. Như thường lệ, chúng tôi được tóm tắt trước về nghi thức: chúng tôi sẽ trang trọng chào hỏi các thành viên hoàng tộc trước khi ngồi vào phương tiện của họ để đi một chặng ngắn. Tôi ngồi ở ghế trước bên cạnh Hoàng tế Philip chín mươi bốn tuổi, người sẽ lái xe, còn Barack ngồi cạnh Nữ hoàng ở ghế sau.
Đây là lần đầu tiên trong hơn tám năm hai chúng tôi được người khác chứ không phải nhân viên mật vụ chở đi bằng xe, hoặc đi xe mà không có mật vụ đi cùng. Dường như chuyện này rất quan trọng với đội an ninh, tương tự như với đội tiền trạm, những người đang lo lắng không ngừng trước những dịch chuyển và tương tác của hai chúng tôi, bảo đảm mọi chi tiết nhỏ nhặt nhất đều ổn và diễn ra êm thấm.
Ấy vậy mà sau khi chúng tôi hạ cánh tại một cánh đồng gần lâu đài và nói lời chào, Nữ hoàng lại làm đảo lộn mọi thứ bằng cách ra hiệu cho chúng tôi ngồi vào băng ghế sau với bà trên chiếc Range Rover. Tôi cứng người, cố nhớ xem đã có ai chuẩn bị cho kịch bản này hay chưa, rằng có phải lịch sự hơn không nếu làm theo lời bà, hay là tôi nhất định phải nói Barack ngồi đúng chỗ bên cạnh bà.
Ngay lập tức Nữ hoàng nhận ra sự phân vân của tôi. Bà tỏ ra rất dứt khoát và hỏi, “Người ta dặn cô phải tuân thủ quy tắc gì trong chuyện này à?”, bà nói rồi phẩy tay. “Bỏ đi. Cứ ngồi chỗ nào cô thích.”
VỚI TÔI, PHÁT BIỂU diễn văn bế giảng vào mùa xuân là một nghi thức quan trọng, gần như là thiêng liêng. Năm nào tôi cũng có vài bài diễn văn như thế, chọn ra một số trường trung học và đại học, tập trung vào những trường thường không có các diễn giả danh tiếng. (Xin lỗi trường Princeton và Harvard, nhưng không có tôi thì mọi người vẫn ổn thôi.) Vào năm 2015, tôi quay lại South Side của Chicago để phát biểu tại lễ tốt nghiệp Trường dự bị đại học King, ngôi trường mà Hadiya Pendleton lẽ ra đã tốt nghiệp nếu cô bé còn sống. Tinh thần của em được tưởng nhớ tại buổi lễ bằng một chiếc ghế trống mà bạn bè cùng lớp đã tô điểm bằng hoa hướng dương và vải tím.
Tôi đã có một loạt các bài diễn văn tốt nghiệp “cuối cùng” trong tư cách Đệ nhất Phu nhân. Tôi đã phát biểu tại Đại học Jackson State ở Mississippi, một ngôi trường lâu đời dành cho người da đen, tranh thủ nói về nỗ lực vươn lên. Tôi cũng phát biểu tại trường City College ở New York, nhấn mạnh giá trị của sự đa dạng và việc nhập cư. Và vào ngày 26 tháng Năm, tình cờ cũng là ngày Donald Trump chính thức trở thành ứng viên Tổng thống của Đảng Cộng hòa, tôi ở New Mexico nói chuyện với một lớp gồm các em học sinh thổ dân da đỏ sắp tốt nghiệp một trường trung học nội trú cỡ nhỏ và hầu hết đều chuẩn bị tiếp tục lên đại học. Càng dấn sâu vào trải nghiệm với vai trò Đệ nhất Phu nhân, tôi càng cảm thấy mình cần lên tiếng chân thành và thẳng thắn hơn về ý nghĩa của việc bị gạt ra ngoài xã hội vì lý do chủng tộc hay giới tính. Dự định của tôi là giúp giới trẻ hiểu được bối cảnh sâu xa của sự căm ghét hiện hữu trên báo chí và trong các thảo luận về chính trị, và trao cho các em lý do để hy vọng.
Tôi cố gắng truyền tải một thông điệp về bản thân và về vị trí của tôi trên thế giới, thông điệp mà tôi cảm thấy có thể thật sự mang một ý nghĩa nào đó. Đó là tôi biết thế nào là sự vô hình. Tôi đã sống với sự vô hình ấy. Tôi xuất thân từ một lịch sử vô hình. Tôi thường nói rằng tôi là chắt chít của một nô lệ tên Jim Robinson, người chắc hẳn đã bị chôn trong một nấm mồ vô danh đâu đó tại một đồn điền ở South Carolina. Và khi đứng trên bục phát biểu trước các em học sinh đang nghĩ về tương lai, tôi chứng thực cho các em thấy rằng chúng ta có thể khắc phục được sự vô hình, ít nhất là bằng một số cách nào đó.
Buổi lễ tốt nghiệp cuối cùng mà tôi tham dự mùa xuân năm ấy là một sự kiện cá nhân - đó là lễ tốt nghiệp trường Sidwell Friends của Malia, được tổ chức vào một ngày tháng Sáu ấm áp. Cô bạn thân Elizabeth Alexander của chúng tôi, nhà thơ từng viết tặng một bài thơ nhân lần nhậm chức nhiệm kỳ đầu của Barack, đã phát biểu bế giảng, đồng nghĩa với việc Barack và tôi chỉ cần ngồi đó, lắng nghe và cảm nhận những gì xảy ra. Tôi tự hào về Malia, con bé sắp sang châu Âu du lịch vài tuần cùng với bạn bè. Sau khi có một năm trải nghiệm cuộc sống, con bé sẽ đăng ký vào học ở Harvard. Tôi tự hào về Sasha. Con bé vừa bước sang tuổi mười lăm cùng ngày hôm đó và đang háo hức đếm ngược thời gian để tham gia buổi biểu diễn của Beyoncé thay vì đi dự một buổi tiệc sinh nhật. Con bé sẽ trải qua phần lớn thời gian hè ở Martha’s Vineyard, sống cùng những người bạn của gia đình cho đến khi hai chúng tôi đến đó nghỉ dưỡng. Sau đó con bé có thêm bạn mới và kiếm được công việc đầu tiên trong đời tại một cửa hàng bán thức ăn vặt. Tôi cũng tự hào về mẹ của mình, người đang ngồi cạnh tôi trong ánh nắng mặt trời, mặc một chiếc váy đen và mang giày cao gót, người đã sống trọn thời gian ở Nhà Trắng và cùng chúng tôi đi chu du vòng quanh thế giới nhưng lúc nào cũng vẫn là chính mình.
Tôi tự hào về tất cả chúng tôi, vì đã gần hoàn thành nhiệm vụ.
Barack ngồi cạnh tôi trên một chiếc ghế xếp. Tôi có thể nhìn thấy nước mắt rịn ra sau cặp kính của anh khi anh nhìn Malia lên sân khấu nhận bằng tốt nghiệp. Anh mệt mỏi, tôi biết. Ba ngày trước, anh đã có một điếu văn tiễn đưa một người bạn từ trường luật đã làm việc cho anh tại Nhà Trắng. Hai ngày trước, một phần tử cực đoan đã nổ súng trong một hộp đêm đồng tính tại Orlando, Florida, giết chết bốn mươi chín người và làm bị thương năm mươi ba người khác, là vụ nổ súng hàng loạt bi thảm nhất lịch sử nước Mỹ vào thời điểm đó. Áp lực công việc của anh chẳng bao giờ vơi đi.
Anh là một người cha tốt, luôn quan tâm các con theo những cách mà chính cha ruột của anh chưa từng như thế, nhưng cũng có những thứ mà anh đã phải hy sinh trong quá trình ấy. Anh đã vừa làm cha vừa làm chính khách. Cử tri và những đòi hỏi của họ luôn là sự quan tâm của chúng tôi.
Thật sự thì có chút đau lòng khi nhận ra rằng lúc anh ấy sắp có thêm tự do và thời gian cho gia đình thì cũng là lúc con cái chúng tôi đang bắt đầu tự lập.
Nhưng chúng tôi phải để chúng tự lập. Tương lai thuộc về chúng, và nên như thế.
CUỐI THÁNG BẢY, tôi bay qua một cơn bão mạnh, máy bay chao đảo và chúi đầu khi trên đường đến Philadelphia, nơi tôi sẽ diễn thuyết lần cuối cùng tại Đại hội toàn quốc Đảng Dân chủ. Có lẽ đó là cơn nhiễu động không khí tồi tệ nhất mà tôi từng gặp phải. Trong khi giám đốc truyền thông Caroline Adler Morales, người đang vào tháng cuối thai kỳ, lo là sự dằn xóc có thể khiến cô chuyển dạ sớm, còn Melissa, người bình thường đi máy bay chẳng có vấn đề gì, cứ ngồi trên ghế của mình mà kêu hét thất thanh, thì tất cả những gì tôi nghĩ được chỉ là hãy cho tôi hạ cánh đúng giờ để tập dợt cho bài diễn văn. Dù từ lâu đã quen với việc phát biểu trên những sân khấu lớn nhất, tôi vẫn cảm thấy thoải mái khi mọi thứ được chuẩn bị đầy đủ.
Hồi 2008, trong lần tranh cử tổng thống đầu tiên của Barack, tôi đã tập dợt bài diễn văn tại đại hội nhuần nhuyễn tới mức có thể đặt các dấu phẩy cả trong lúc ngủ, một phần vì tôi chưa từng phát biểu bài diễn văn nào trực tiếp trên truyền hình như thế, phần nữa là vì tôi biết nhiều người chỉ đang đợi cơ hội để công kích tôi. Tôi bước lên sân khấu sau khi đã bị miệt thị là một mụ đàn bà da đen tức tối không hề yêu đất nước của mình. Bài diễn văn tối hôm đó trao cho tôi cơ hội để trở lại thành một con người bình thường, giải thích tôi là ai bằng chính tiếng nói của mình, loại bỏ những biếm họa và hình mẫu rập khuôn bằng chính lời lẽ của mình. Bốn năm sau, tại đại hội ở Charlotte, North Carolina, tôi đã chân thành chia sẻ về những điều tôi nhìn thấy ở Barack trong nhiệm kỳ đầu tiên của anh - cách mà anh ấy vẫn luôn là con người nguyên tắc mà tôi đã kết hôn, cách mà tôi nhận ra rằng “làm tổng thống không thay đổi con người chúng ta, mà nó cho thấy chúng ta là ai”.
Lần này, tôi vận động cho Hillary Clinton, đối thủ ngày trước của Barack tại vòng bầu cử sơ bộ ác liệt năm 2008, người mà sau đó đã trở thành vị ngoại trưởng trung thành và hiệu quả của anh. Thật lòng mà nói, tôi chưa từng cảm thấy cuồng nhiệt ủng hộ bất kỳ ứng viên nào khác như đối với chồng tôi, điều này đôi lúc khiến tôi cảm thấy thật khó khăn khi tham gia vận động tranh cử cho các ứng viên khác. Dù thế, tôi vẫn duy trì nguyên tắc hành xử của riêng mình khi phát biểu trước công chúng về bất cứ điều gì hay về bất kỳ ai trong không gian chính trị: tôi chỉ nói những gì mình tuyệt đối tin tưởng và thật sự cảm nhận được.
Chúng tôi hạ cánh xuống Philadelphia và tôi đi vội tới trung tâm hội nghị, chỉ còn vừa đủ thời gian để thay trang phục và dợt bài diễn văn thêm hai lần. Rồi tôi bước ra và nói về những điều tôi tin tưởng. Tôi nói về những nỗi sợ mà ban đầu tôi đã có về việc nuôi dạy hai đứa con gái trong Nhà Trắng và tôi đã tự hào như thế nào khi chúng đã trở thành hai người phụ nữ trẻ vô cùng thông minh. Tôi nói rằng tôi tin tưởng Hillary vì bà hiểu rõ những yêu cầu đối với chức vụ tổng thống và có khí chất để lãnh đạo đất nước, vì bà là một ứng viên xứng đáng như bất kỳ người nào từng tranh cử trước đây. Và tôi công nhận rằng nước Mỹ đang đứng trước một sự lựa chọn vô cùng khó khăn.
Từ bé tôi đã tin rằng cần phải lên tiếng phản đối những kẻ bắt nạt, nhưng cũng không nên đáp trả bằng cách hành xử tương tự chúng. Và cần phải nói rõ, chúng tôi hiện đang chống lại một kẻ bắt nạt, một con người đã lớn tiếng phỉ báng các nhóm thiểu số và thể hiện sự khinh miệt đối với tù nhân chiến tranh, thách thức phẩm giá của nước Mỹ qua gần như mọi lời ông ấy thốt ra. Tôi muốn người Mỹ hiểu rằng ngôn từ cực kỳ quan trọng - rằng thứ ngôn ngữ hằn học mà họ nghe trên ti-vi nhà mình không phản ánh đúng tinh thần của đất nước, và họ có thể bỏ phiếu để phản đối nó. Tôi muốn tôn vinh phẩm giá, nhắn nhủ với mọi người là với tư cách một quốc gia, chúng ta cần phải tiếp tục bảo vệ phẩm giá - điều cốt lõi trong gia đình chúng tôi suốt nhiều thế hệ qua. Phẩm giá luôn giúp chúng tôi vượt qua mọi chuyện. Giữ gìn phẩm giá là một lựa chọn, và không phải lúc nào cũng là một lựa chọn dễ dàng, nhưng những người mà tôi tôn trọng nhất trong đời đã luôn chọn lựa phẩm giá. Barack và tôi có một phương châm sống, và đêm hôm đó, từ trên diễn đài, tôi đã chia sẻ lại với mọi người: “Khi người ta hạ thấp bản thân, chúng ta lại càng phải ngẩng cao đầu!”.
Hai tháng sau, chỉ vài tuần trước cuộc bầu cử, một cuộn băng về Donald Trump đã rò rỉ trước công chúng. Đó là cuộn băng về một phút bất cẩn mà ông ấy đang huênh hoang với một người dẫn chương trình truyền hình vào năm 2005 về việc quấy rối phụ nữ, sử dụng một thứ ngôn ngữ dung tục đến mức các kênh truyền thông lúng túng không biết phải trích dẫn thế nào để tránh vi phạm những quy chuẩn về đạo đức. Cuối cùng thì các tiêu chuẩn về đạo đức đã “được” hạ thấp để dọn đường cho tiếng nói của vị ứng viên tổng thống.
Khi nghe thấy điều đó, tôi đã không thể tin vào tai mình. Và lại một lần nữa, có một cái gì đó quen thuộc đến đau đớn trong mối đe dọa và thói hài hước của đàn ông trong đoạn băng đó. Tôi có thể làm các cô tổn thương và vẫn có thể thoát tội. Đó là một biểu hiện của thói thù ghét vốn thường không bao giờ đi cùng với sự lịch thiệp, ấy vậy mà nó vẫn sống trong xương tủy của xã hội được cho là đã được khai sáng của chúng ta - tồn tại và được chấp nhận đến mức một người như Donald Trump có thể ung dung thể hiện điều đó. Tất cả những phụ nữ mà tôi biết đều nhận ra điều đó. Đó chính là thứ mà rất nhiều người chúng ta đã hy vọng con cháu mình không bao giờ gặp phải, nhưng rồi chắc hẳn chúng sẽ phải trải qua. Sự thống trị, dù chỉ tồn tại dưới dạng nguy cơ, chính là một hình thức của sự phi nhân hóa. Đó là thứ quyền lực kinh tởm nhất.
Tôi giận run sau khi nghe đoạn băng ấy. Theo kế hoạch, tôi sẽ diễn thuyết tại một cuộc vận động cho Hillary vào tuần tiếp theo, nhưng thay vì trình bày một bài khen ngợi quá hiển nhiên những khả năng của bà, tôi cảm thấy mình cần phải trực tiếp có ý kiến về những lời lẽ của Trump - dùng tiếng nói của tôi để phản bác tiếng nói của ông ấy.
Tôi viết bài diễn văn khi đang ngồi trong một phòng bệnh tại Quân y viện Walter Reed, nơi mẹ tôi đang trải qua một cuộc phẫu thuật lưng, suy nghĩ của tôi nhanh chóng tuôn trào. Đến thời điểm này, tôi đã từng bị mỉa mai và đe dọa quá nhiều lần, bị chèn ép vì là người da đen, là phụ nữ, và vì đã dám lên tiếng. Tôi cảm nhận được sự giễu cợt nhằm vào cơ thể tôi, về cái không gian tồn tại hữu hình của tôi trên thế giới này. Tôi đã để ý thấy Donald Trump cứ đeo sát Hillary Clinton trong một cuộc tranh luận, lởn vởn xung quanh bà trong lúc bà phát biểu, hoặc cố tình đứng sát lại thật gần, với dụng ý dùng sự hiện diện của mình để áp chế bà. Tôi có thể làm cô tổn thương và vẫn có thể thoát tội. Phụ nữ phải chịu đựng những sỉ nhục đó cả đời - dưới hình thức những tiếng huýt sáo chọc ghẹo, sờ soạng, xâm hại, áp bức. Chúng làm chúng tôi tổn thương. Chúng hủy hoại sức mạnh của chúng tôi. Có những vết thương quá nhỏ đến mức không ai có thể nhìn thấy. Có những vết thương quá lớn và không thể liền da, để lại cho chúng tôi những vết sẹo không bao giờ lành. Vết thương nào cũng chất chồng. Chúng tôi mang theo chúng ở mọi nơi, từ nhà đến trường hay nơi làm việc, trong gia đình khi chúng tôi nuôi dạy con cái, tại những nơi thờ phượng, vào bất cứ khi nào chúng tôi muốn cố gắng vươn lên.
Với tôi, những lời nhận xét của Trump lại là một đòn giáng khác. Tôi không thể chấp nhận thông điệp của ông ta. Làm việc cùng Sarah Hurwitz, người chuyên viết diễn văn cho tôi từ năm 2008, tôi chuyển sự tức giận của mình vào từ ngữ, và rồi - khi mẹ tôi đã phục hồi sau cuộc phẫu thuật - tôi đọc chúng vào một ngày tháng Mười ở Manchester, New Hampshire. Trước một đám đông hồ hởi, tôi cho họ thấy rõ cảm xúc của mình. “Chuyện này không hề bình thường”, tôi nói. “Đây không phải là chính trị như thường lệ. Đây là sự hổ thẹn. Đây là chuyện không thể chấp nhận được.” Tôi nói rõ cơn giận và nỗi sợ của mình, cùng niềm tin rằng với cuộc bầu cử này, người Mỹ hiểu rõ bản chất của điều mà họ đang chọn cho mình. Tôi đặt trọn trái tim của mình vào bài diễn thuyết ấy.
Rồi tôi bay về Washington, mong sao người ta đã nghe được tiếng nói của tôi.
MÙA THU TIẾP TỤC TRÔI QUA. Barack và tôi bắt đầu lên kế hoạch chuyển đến một ngôi nhà mới vào tháng Một. Chúng tôi đã quyết định vẫn ở lại Washington để Sasha có thể hoàn thành chương trình trung học tại Sidwell. Malia lúc ấy đang ở Nam Mỹ trong chuyến phiêu lưu trước khi vào đại học, cảm nhận sự tự do khi có thể tránh xa sự nặng nề của chính trị. Tôi yêu cầu nhân viên của tôi ở Cánh Đông có thể hoàn thành nhiệm vụ với tinh thần lạc quan mạnh mẽ, kể cả khi họ cần phải nghĩ đến việc tìm kiếm những công việc mới cho mình, kể cả khi cuộc chiến giữa Hillary Clinton và Donald Trump ngày càng căng thẳng điên cuồng.
Ngày 7 tháng Mười Một năm 2016, buổi tối trước ngày bầu cử, Barack và tôi có một chuyến đi ngắn ngày đến Philadelphia để cùng gia đình Hillary và bà tham gia buổi vận động cuối cùng trước một đám đông khổng lồ ở trung tâm Independence Mall. Bầu không khí khi ấy vừa tích cực vừa hồi hộp. Tôi cảm nhận được tinh thần lạc quan mà Hillary thể hiện trong đêm đó, và kết quả thăm dò liên tục cho thấy bà đang dẫn trước với khoảng cách khá thoải mái. Tôi cảm nhận được những phẩm chất mà người Mỹ có thể và không thể chịu đựng được ở một nhà lãnh đạo. Tôi không vội kết luận điều gì, nhưng tôi cảm thấy có thể tin tưởng vào một kết quả tốt đẹp.
Lần đầu tiên trong suốt nhiều năm trời, Barack và tôi không đóng vai trò nào trong đêm bầu cử. Không có phòng khách sạn cao cấp dành riêng cho quá trình chờ đợi kết quả; không có những mâm bánh canapé bày ra, không có tiếng ti-vi phát ra từ mọi góc nhà. Không cần làm tóc, trang điểm, hay chăm chút trang phục, không phải thu xếp với hai đứa con, cũng không có bài diễn văn đêm khuya nào cần chuẩn bị để phát biểu sau đó. Chúng tôi không phải làm gì, và điều này khiến chúng tôi phấn khích. Đây là bước đầu tiên trong quá trình rút lui của chúng tôi, là hương vị đầu tiên của tương lai. Đương nhiên chúng tôi vẫn nhận được những kỳ vọng, nhưng thời khắc trước mắt không phải dành cho chúng tôi. Chúng tôi chỉ ở đó để chứng kiến. Vì biết là phải một thời gian nữa thì mới có kết quả, chúng tôi đã mời Valerie đến để cùng xem phim tại nhà hát trong Nhà Trắng.
Tôi không nhớ một chi tiết nào về bộ phim tối hôm đó - tựa phim cũng không, thậm chí cả thể loại phim cũng không nốt. Thật sự chúng tôi chỉ giết thời gian trong bóng tối. Tâm trí tôi cứ xoay quanh việc nhiệm kỳ của Barack đã gần chấm dứt. Những gì trước mắt sẽ nhanh chóng trở thành những lời tạm biệt - rất nhiều lời tạm biệt nối tiếp nhau, tất cả đều bồi hồi xúc động, khi các nhân viên mà chúng tôi yêu mến và trân trọng cũng sẽ bắt đầu chuyển ra khỏi Nhà Trắng. Mục tiêu của chúng tôi là sẽ làm như những gì vợ chồng George và Laura Bush từng làm với chúng tôi, giúp quá trình chuyển giao quyền lực càng suôn sẻ và thân thiện càng tốt. Các nhóm thân cận của chúng tôi đã bắt đầu soạn những sổ tóm tắt và danh sách liên lạc cho những người kế nhiệm. Trước khi nghỉ việc, nhiều nhân viên Cánh Đông sẽ để lại những ghi chép viết tay trên bàn, trao một lời chào thân thiện và sẵn sàng hỗ trợ cho những người kế nhiệm.
Chúng tôi vẫn còn ngập chìm trong công việc hàng ngày, nhưng cũng bắt đầu nghiêm túc lên kế hoạch cho những gì sẽ xảy ra tiếp theo đó. Barack và tôi quyết định tiếp tục sống tại Washington, đồng thời xây dựng một công trình tại vùng South Side của Chicago, nơi sẽ đặt Trung tâm Tổng thống Obama. Chúng tôi cũng lên kế hoạch để lập một quỹ hỗ trợ với sứ mệnh khuyến khích và tôi rèn một thế hệ lãnh đạo mới. Hai chúng tôi đã có nhiều kế hoạch cho tương lai, nhưng kế hoạch lớn nhất chính là tạo ra thêm không gian và tăng cường hỗ trợ giới trẻ tuổi và những ý tưởng của họ. Tôi cũng biết chúng tôi cần nghỉ ngơi: tôi đã bắt đầu săn tìm một nơi riêng tư để hai chúng tôi có thể đến để giải tỏa những căng thẳng của bản thân trong vài ngày vào tháng Một, ngay sau khi tân tổng thống tuyên thệ nhậm chức.
Chúng tôi chỉ còn cần một tổng thống mới.
Khi bộ phim kết thúc và đèn bật sáng, điện thoại di động của Barack rung lên. Tôi thấy anh nhìn và lại nhìn một lần nữa, anh khẽ chau mày.
“Hừm, kết quả ở Florida có vẻ bất thường”, anh nói.
Giọng của anh không có chút gì lo ngại, mà chỉ có chút bất ngờ, tựa như miếng than hồng nóng hổi chợt rực lên trong bụi cỏ. Điện thoại lại rung lần nữa. Tim tôi bắt đầu đập dồn. Tôi biết những tin tức cập nhật này đến từ David Simas, cố vấn chính trị của Barack, người đang kiểm soát những tin nhận từ Cánh Tây và là người nắm rõ kết quả từng khu, từng hạt trên tấm bản đồ bầu cử. Nếu có biến cố gì sắp xảy ra, Simas sẽ sớm nhận ra.
Tôi nhìn kỹ hơn khuôn mặt chồng mình, không rõ mình đã sẵn lòng nghe điều anh ấy sắp nói ra hay không. Dù điều đó là gì, nó cũng không hề tốt đẹp. Tôi cảm thấy có một cái gì đó thật nặng nề đang đeo bám, sự âu lo của tôi đang đông cứng thành nỗi lo sợ. Khi Barack và Valerie bắt đầu thảo luận về kết quả ban đầu, tôi thông báo với họ tôi sẽ lên lầu. Tôi đi vào thang máy, hy vọng có thể làm được một điều, đó là gạt hết mọi thứ và đi ngủ. Tôi biết chuyện gì sắp xảy ra, nhưng tôi không sẵn sàng đối diện với nó.
Trong lúc tôi ngủ, tin đã được xác nhận: cử tri Mỹ đã bầu Donald Trump là tổng thống Mỹ kế tiếp.
Tôi không muốn biết về sự thật đó, càng lâu càng tốt.
Sáng hôm sau, tôi thức dậy giữa bầu trời ẩm ướt thê lương bao trùm Washington. Một bầu trời “đưa tang”. Thời gian như lê thê. Sasha đã đi học, cố tin vào điều đã xảy ra. Malia từ Bolivia gọi về, giọng lo lắng. Tôi nói với hai đứa con gái là tôi yêu chúng và mọi thứ sẽ không sao. Tôi cũng tự nhủ với chính mình điều tương tự.
Cuối cùng, Hillary Clinton đã thắng gần ba triệu phiếu phổ thông so với đối thủ, nhưng Trump lại thắng phiếu đại cử tri với gần tám mươi ngàn phiếu bầu tại Pennsylvania, Wisconsin và Michigan. Tôi không phải người quan tâm chính trị, do đó sẽ không cố gắng đưa ra một phân tích nào về kết quả này. Tôi sẽ không suy đoán ai là người phải chịu trách nhiệm hay điều gì là bất công. Tôi chỉ ước sao đã có nhiều cử tri đi bầu hơn. Và đặc biệt, tôi sẽ luôn tự hỏi điều gì đã khiến quá nhiều phụ nữ từ chối một nữ ứng viên tổng thống cực kỳ xứng đáng để đi chọn một con người luôn căm ghét phụ nữ làm tổng thống của mình. Nhưng đó là kết quả mà bây giờ chúng tôi phải chấp nhận.
Barack đã thức gần như cả đêm để rà soát kết quả, và như đã từng rất nhiều lần trước đây, anh có nhiệm vụ phải đứng lên như một biểu tượng vững vàng để giúp cả đất nước xử lý cú sốc này. Tôi không ghen tị gì với công việc ấy của anh. Đầu ngày, anh nói chuyện động viên tinh thần đội ngũ nhân viên ở Phòng Bầu Dục. Đến trưa, anh có một bài phát biểu nghiêm túc nhằm trấn an cả nước từ khu Vườn Hồng, và như mọi khi, anh kêu gọi sự đoàn kết và đề cao phẩm giá, kêu gọi nhân dân Mỹ hãy tôn trọng lẫn nhau cũng như tôn trọng những định chế của nền dân chủ.
Chiều hôm đó, tôi mời toàn thể nhân viên ở khu Cánh Đông tập trung tại văn phòng chính của mình. Nhân viên của tôi chủ yếu là phụ nữ thuộc các nhóm thiểu số, một số đến từ các gia đình nhập cư. Nhiều người đang khóc. Họ đã hết mình cho công việc vì niềm tin sâu sắc vào những mục tiêu mà chúng tôi đang cùng xúc tiến. Mỗi khi có dịp thì tôi luôn nói với họ rằng hãy tự hào về chính mình, rằng công việc của họ là rất quan trọng, và rằng một cuộc bầu cử chẳng thể xóa đi tám năm thay đổi.
Chúng ta không mất đi tất cả. Đây chính là thông điệp mà chúng tôi cần tiếp tục phát huy. Đó là điều mà tôi thật sự tin tưởng. Dù không lý tưởng, nhưng đó chính là hiện thực của chúng ta - thế giới như hiện có. Chúng ta giờ đây cần phải kiên quyết, phải giữ đúng hướng trên con đường dẫn đến tiến bộ.
CHÚNG TÔI THẬT SỰ đã đến đoạn cuối. Tôi thấy mình đang lưỡng lự giữa nhìn về quá khứ hay hướng tới tương lai, đặc biệt quan tâm đến một vấn đề: những gì sẽ còn lại mãi?
Chúng tôi là Gia đình Tổng thống thứ bốn mươi bốn và chỉ mới là gia đình thứ mười một ở tại Nhà Trắng suốt hai nhiệm kỳ. Chúng tôi đã, và sẽ luôn, là Gia đình Tổng thống da đen đầu tiên. Tôi hy vọng rằng khi những bậc cha mẹ trong tương lai đưa con cái của họ đến tham quan Nhà Trắng, như tôi đã từng mang Malia và Sasha đến tham quan khi cha chúng là thượng nghị sĩ, họ sẽ có thể chỉ ra một điều gì đó gợi nhớ đến quãng thời gian gia đình chúng tôi từng sống tại đây. Tôi nghĩ là cần phải ghi nhận sự hiện diện của chúng tôi trong bề dày lịch sử của chốn này.
Ví dụ, không phải vị tổng thống nào cũng đặt cho mình một bộ đồ sứ chính thức, nhưng chúng tôi đã có một bộ. Trong nhiệm kỳ thứ hai của Barack, chúng tôi cũng quyết định trang trí lại Phòng ăn Cựu gia đình nằm ngay cạnh Sảnh Chiêu đãi Ngoại giao, khoác cho nó một dáng vẻ hiện đại và lần đầu tiên mở cửa cho công chúng tham quan. Trên bức tường phía bắc của căn phòng, chúng tôi treo một bức tranh trừu tượng tuyệt đẹp có ba màu vàng, đỏ và xanh của Alma Thomas - bức Phục sinh - tác phẩm nghệ thuật đầu tiên của một nữ họa sĩ da đen được bổ sung vào bộ sưu tập vĩnh viễn của Nhà Trắng.
Tuy nhiên dấu ấn khó phai nhất lại nằm bên ngoài các bức tường. Khu vườn đã tồn tại qua bảy năm rưỡi tính tới nay, mỗi năm thu hoạch khoảng một tấn thực phẩm. Khu vườn đã chống chịu được những lần tuyết dày, những trận mưa và cả mưa đá. Khi gió mạnh đã làm trốc gốc cây thông Noel cao gần mười ba thước vài năm trước, khu vườn vẫn không hề suy suyển. Trước khi rời Nhà Trắng, tôi muốn khu vườn có thể tồn tại dài lâu hơn. Chúng tôi đã nới rộng diện tích khu vườn thành hai trăm sáu mươi mét vuông, hơn gấp đôi diện tích ban đầu. Chúng tôi thêm vào những lối đi lát đá và các băng ghế gỗ, cộng với một cổng chào được làm từ những mảnh gỗ sưu tập từ điền trang của các Tổng thống Jefferson, Madison và Monroe và ngôi nhà thời thơ ấu của Martin Luther King Jr. Và rồi, một chiều mùa thu, tôi đã băng qua Bãi cỏ phía Nam để chính thức tặng khu vườn cho thế hệ mai sau.
Có mặt với tôi ngày hôm đó là những người ủng hộ và giúp đỡ chúng tôi trong những nỗ lực vì sức khỏe trẻ em suốt mấy năm qua, cũng như hai đại diện học sinh các em lớp năm trường tiểu học Bancroft ngày trước, nay đã trưởng thành. Hầu hết nhân viên của tôi đều có mặt, trong đó có cả Sam Kass, người đã rời Nhà Trắng năm 2014 nhưng về lại để tham gia vào dịp này.
Nhìn ra đám đông trong khu vườn ngày hôm ấy, tôi cảm thấy xúc động. Tôi biết ơn tất cả những thành viên trong đội ngũ của mình, những người đã cống hiến hết mình cho công việc, đọc qua mọi lá thư tay, kiểm tra các bài diễn văn, lên những chuyến bay xuyên quốc gia để chuẩn bị cho các sự kiện. Tôi đã thấy nhiều người trong số họ gánh vác thêm trách nhiệm và trưởng thành trong cả công việc lẫn con người, thậm chí trước những hoàn cảnh khắc nghiệt nhất. Những gánh nặng của việc là “trường hợp đầu tiên” không chỉ đè nặng trên vai gia đình chúng tôi. Trong tám năm trời, những con người trẻ tuổi lạc quan kia - và một vài người già dặn khác - đã luôn sát cánh cùng chúng tôi. Melissa, người đầu tiên tôi thuê để tham gia vào chiến dịch tranh cử gần mười năm trước và là một người tôi sẽ xem là bạn thân suốt cuộc đời mình, vẫn ở cùng tôi ở Cánh Đông đến cuối nhiệm kỳ, tương tự như Tina, chánh văn phòng xuất chúng của tôi. Kristen Jarvis đã được thay bằng Chynna Clayton, một phụ nữ trẻ tuổi siêng năng đến từ Miami, người đã nhanh chóng trở thành một người chị đối với hai cô con gái của tôi, và là người chú tâm giữ cho cuộc sống của tôi diễn ra suôn sẻ.
Tôi xem tất cả những con người đó, đương nhiệm và đã từng cộng tác, là gia đình của mình. Và tôi vô cùng tự hào về những gì chúng tôi đã thực hiện.
Đối với những đoạn video “gây bão” trên Internet - trong đó tôi nhảy cùng người dẫn chương trình truyền hình Jimmy Fallon, úp rổ giả sau lưng siêu sao bóng rổ LeBron James và hát rap cùng Jay Pharoah - thì chúng tôi đã tập trung vào hiệu quả của những gì mình đang thực hiện nhiều hơn là vào độ hot trong vài giờ đồng hồ trên Twitter. Và chúng tôi đã gặt hái kết quả. Bốn mươi lăm triệu đứa trẻ đang dùng bữa sáng và bữa trưa lành mạnh hơn; mười một triệu học sinh đang có 60 phút vận động mỗi ngày thông qua chương trình Let’s Move Active Schools. Trẻ em nhìn chung đang ăn nhiều ngũ gốc nguyên hạt và nông sản hơn. Kỷ nguyên của thức ăn nhanh “siêu bự” đang dần đến hồi chấm dứt.
Thông qua những gì tôi đã thực hiện cùng Jill Biden qua chương trình Joining Forces, chúng tôi đã góp phần thuyết phục các doanh nghiệp tuyển dụng hoặc đào tạo hơn một triệu rưỡi cựu binh cũng như vợ hoặc chồng của họ. Để giải quyết một trong những mối quan ngại đầu tiên mà tôi nghe thấy trên chặng đường vận động tranh cử, chúng tôi đã thuyết phục tất cả năm mươi tiểu bang hợp tác về thỏa thuận cấp bằng hành nghề, thành công này sẽ giúp sự nghiệp của những người vợ hoặc chồng quân nhân không bị gián đoạn mỗi khi họ được điều động đi một nơi khác.
Về giáo dục, Barack và tôi đã huy động được hàng tỷ đô-la để giúp đỡ các bé gái trên khắp thế giới có được sự giáo dục mà chúng xứng đáng nhận được. Hơn hai ngàn tám trăm tình nguyện viên Peace Corps hiện đang được huấn luyện để xúc tiến các chương trình dành riêng cho các em gái trên phạm vi quốc tế. Và riêng ở Mỹ, chúng tôi đã giúp nhiều bạn trẻ đăng ký nhận trợ cấp tài chính của liên bang dành cho sinh viên, hỗ trợ các chuyên viên tư vấn tuyển sinh, và nâng tầm Ngày Cam kết Đại học thành một sự kiện tầm cỡ quốc gia.
Trong khi đó, Barack đã thành công trong việc đưa nước Mỹ ra khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng nhất kể từ cuộc Đại khủng hoảng. Anh đã giúp thúc đẩy Thỏa thuận chung Paris về biến đổi khí hậu, đưa hàng vạn binh sĩ từ Iraq và Afghanistan về nước, và đã dẫn đầu nỗ lực chấm dứt chương trình hạt nhân của Iran một cách hiệu quả. Thêm hai mươi triệu người đã được bảo đảm về bảo hiểm sức khỏe. Và chúng tôi đã trải qua suốt hai nhiệm kỳ không có một vụ tai tiếng nghiêm trọng nào. Chúng tôi đã đặt ra cho mình và những con người làm việc với mình những tiêu chuẩn cao nhất về đạo đức và khuôn phép, và chúng tôi đã luôn tuân thủ các tiêu chuẩn đó.
Với chúng tôi, một số thay đổi khó được đánh giá hơn nhưng vẫn không hề kém phần quan trọng. Sáu tháng trước khi hiến tặng khu vườn, Lin-Manuel Miranda, nhà soạn nhạc trẻ tuổi mà tôi đã gặp tại một trong những sự kiện nghệ thuật đầu tiên của chúng tôi, đã quay lại Nhà Trắng. Đoạn hip-hop của cậu về Alexander Hamilton đã bùng nổ thành một hiện tượng Broadway, và với vở nhạc kịch này cậu đã trở thành một siêu sao toàn cầu. Vở nhạc kịch Hamilton là một sự tôn vinh lịch sử và sự đa dạng của nước Mỹ, xây dựng lại cách hiểu của chúng ta về vai trò của những người thuộc nhóm thiểu số trong câu chuyện của quốc gia, tôn vinh tầm quan trọng của phụ nữ, thứ từ lâu đã bị nam giới che mờ. Tôi đã xem phiên bản thể nghiệm của vở nhạc kịch và yêu thích nó đến nỗi đã xem lại lần nữa khi nó được biểu diễn trên sân khấu lớn. Đó là một vở nhạc kịch cực kỳ hấp dẫn và hài hước, đầy xúc động và thổn thức - tác phẩm nghệ thuật xuất sắc nhất mà tôi từng được biết qua.
Lin-Manuel đã mang hầu hết dàn diễn viên của mình đến Washington, họ là một tập hợp những người đa chủng tộc đầy tài năng. Các nghệ sĩ dành ra một buổi chiều tại Nhà Trắng để giao lưu với các bạn trẻ đến từ các trường trung học trong vùng - những mầm non biên kịch, vũ công và rapper đã cùng viết lời và soạn nhạc với thần tượng của mình. Đến xế chiều, tất cả chúng tôi tập trung tại Phòng Đông để thưởng thức một chương trình biểu diễn. Barack và tôi ngồi ở hàng ghế đầu, xung quanh là những người trẻ tuổi thuộc mọi chủng tộc và hoàn cảnh. Cả hai chúng tôi ngập tràn xúc động khi Christopher Jackson và Lin-Manuel cùng hát bản ballad “One Last Time” để kết thúc buổi biểu diễn. Hai nghệ sĩ, một da đen và một đến từ Puerto Rico, đang đứng dưới ngọn đèn chùm một trăm mười lăm năm tuổi, cạnh những bức chân dung cổ xưa của vợ chồng George và Martha Washington, và cất tiếng hát về cảm giác “gần gũi như ở quê nhà ngay trên đất nước mà chúng ta đã dựng xây”. Sức mạnh và chân lý của thời điểm ấy vẫn ở trong tôi đến ngày hôm nay.
Hamilton khiến tôi xúc động vì nó phản ánh lịch sử mà chính tôi đã trải qua. Đó là câu chuyện về một nước Mỹ đã đón nhận sự đa dạng. Sau đó tôi nghĩ về điều này: có quá nhiều người trong chúng ta sống với những câu chuyện bị giấu kín, cảm thấy xấu hổ hay sợ sệt nếu thực tế cuộc đời mình không đáp ứng được một lý tưởng sẵn có nào đó. Chúng ta lớn lên giữa những thông điệp nói rằng chỉ có duy nhất một cách để trở thành người Mỹ - rằng nếu làn da của chúng ta sẫm màu hoặc hông của chúng ta rộng, nếu chúng ta không yêu thương theo một cách nhất định nào đó, nếu chúng ta nói một ngôn ngữ khác hay đến từ một quốc gia khác, thì có nghĩa là chúng ta không thuộc về nơi đây. Mọi chuyện sẽ như vậy, cho đến khi có một ai đó dám kể lại câu chuyện đó theo một cách khác.
Tôi lớn lên cùng một người cha khuyết tật trong một căn nhà quá nhỏ và không có nhiều của cải trong một khu phố bắt đầu suy tàn, và tôi cũng lớn lên giữa tình yêu và âm nhạc trong một thành phố đa dạng tại một quốc gia mà nền giáo dục có thể giúp tôi tiến rất xa. Tôi không có gì và tôi cũng có tất cả mọi thứ, tùy thuộc vào cách mà bạn muốn kể câu chuyện ấy.
Khi chúng tôi đi đến đoạn cuối nhiệm kỳ tổng thống của Barack, tôi đã nghĩ về nước Mỹ theo cách như vậy. Tôi yêu đất nước tôi qua mọi cách mà người ta kể câu chuyện của nó. Trong gần một thập kỷ, tôi đã có đặc quyền được đi qua câu chuyện đó, nếm trải những mâu thuẫn nặng nề và những sự xung đột cay đắng của nó, trải qua nỗi đau và lý tưởng vĩnh hằng của nó, và hơn hết, tôi đã trải nghiệm sự kiên cường của đất nước này. Quan điểm của tôi có lẽ là khác thường, nhưng tôi nghĩ những gì tôi đã trải qua trong suốt những năm vừa qua chính là điều mà nhiều người đã trải qua - cảm giác về sự tiến bộ, sự dễ chịu của lòng trắc ẩn, niềm hân hoan khi chứng kiến những con người vô hình thầm lặng cuối cùng cũng tìm ra ánh sáng. Một cái nhìn vào thế giới mà chúng ta có thể có. Chúng tôi đã nỗ lực để tạo ra một kết quả lâu dài: một thế hệ đang trưởng thành và hiểu được những gì mình có thể đạt được - và biết là mình còn có thể làm được hơn thế. Dù tương lai có như thế nào thì đây vẫn là câu chuyện mà chúng tôi đã có.
(1) ISIS: Nhà nước Hồi giáo Iraq và Al-sham