Mối tình Đại Lải
Hàng nghìn dân công khắp các nơi trong tỉnh đổ về đào đắp, cải biến nơi đây thành hồ tưới tiêu cho hàng ngàn héc-ta lúa phía nam tỉnh Vĩnh Phúc. Thiếu lán trại, nhiều đoàn ở các xã vùng thượng huyện V. được Ban chỉ huy công trường phân công ở nhờ nhà dân thôn Đông, mỗi xóm đảm nhận một đoàn xã bạn. Nơi ở cách nơi làm chừng nửa cây số. Khi đập hồ hoàn thành, tích nước, cả thôn sẽ chuyển vào chân núi xây dựng khu định cư mới. Đấy là sau này, còn bây giờ, xóm nào cũng đông đúc náo nhiệt hẳn lên. Buổi sáng, buổi chiều người lớn đi làm, trẻ con đi học, dân công ra công trường… thôn, xóm chỉ còn người già cả và lũ con nít chưa đến tuổi học mẫu giáo nên vắng vẻ. Trưa và tối lại tấp nập. Nhà nào cũng rộn ràng tiếng nói cười, tiếng hát. Vui ơi là vui!
Nhà Miên ở xóm Trại, có ba nam dân công ở nhờ. Bố Miên cẩn thận kê bộ ván canh chuẩn bị cho lúc về già, làm cái phản cho họ nằm. Trong ba người có Hòa là trẻ nhất, mười chín tuổi. Học hết lớp bảy, Hòa chưa xin đi đâu, ở nhà lao động lấy công điểm giúp mẹ. Bố và anh trai Hòa làm công nhân nhà máy điện trên thành phố, cô em út đang học lớp sáu. Hòa dự định khi em gái học xong cấp hai, có người đỡ đần mẹ, sẽ xin đi học lái xe, vi vu đây đó. Hòa ít nói, không thích đàn đúm. Những lúc nghỉ, Hòa đọc sách. Hòa đem theo mấy cuốn sách hay. Đọc xong, Hòa cho Miên - cô con gái chủ nhà mượn đọc. Sách như sợi dây nối hai người. Khi thì họ nói chuyện về nội dung cuốn sách, khi thì họ nói về những dự định của mình… Rõ là nhiều chuyện, nói với nhau không chán. Một lần Hòa đưa cho Miên xem bài thơ mới viết. Miên xem xong, mặt hồng lên: “Anh viết về em đấy à?”. “Đấy là Miên nghĩ thế. Tôi viết cho tôi thôi mà!”. “Thế sao anh cho em đọc?”. “Thấy Miên yêu văn học thì tôi cho Miên xem. Miên có nhận xét gì không?”. “Em thì biết gì mà nhận xét!”. Cứ thế, tình cảm hai người ngày một gắn bó, như mồi lửa gần rơm khô, bén dần. Bố, mẹ, anh trai Miên cũng vui, có ý vun vén cho đôi trẻ. Nghĩa vụ hơn một tháng qua mau. Đoàn dân công của Hòa vượt định mức được Ban chỉ huy công trường thưởng cho một con lợn tổ chức liên hoan trở về địa phương. Trừ bọn trẻ đi học, còn cả xóm nghỉ việc ruộng đồng cùng đoàn dân công mổ lợn, chế biến các món cho bữa mừng công. Bữa cơm thành ngày hội của xóm. Người già nhớ lại thời kháng chiến chống thực dân Pháp, khi bộ đội tiêu diệt toàn bộ quân địch, bắt sống tên quan hai Pháp chỉ huy căn cứ quân sự trên đỉnh núi Thằn Lằn, xóm làng mở hội cùng bộ đội ăn mừng chiến thắng. Từ khi hòa bình đến giờ chưa khi nào xóm Trại náo nhiệt như hôm nay. Những lời chúc tụng, lưu luyến, có cả nước mắt sụt sùi của các cô gái xóm núi. Thanh niên hẹn nhau ngày thành hồ trở lại cùng nhau lặn ngụp, bơi lội, đánh bắt cá tôm.
Đêm chia tay. Hòa kéo Miên leo lên mỏm đá sau nhà nói chuyện. Người đi, người ở, chưa biết mở đầu thế nào, ngồi bên nhau bịn rịn, khó nói nên lời. Một ngôi sao đổi ngôi vụt kéo một vạch sáng trên bầu trời. Cả hai cùng ngước nhìn, Miên nói trong thổn thức: “Ngôi sao nào cho em/ Để rồi em vụt sáng/ Ngôi sao nào cho anh/ Để lặn vào tim em… lời thơ anh viết sao đúng với lúc này thế! Không biết em còn được đọc thơ anh nữa không?”. Lời Miên thì thầm phá tan sự rụt rè ban đầu. Hòa vội nói như sợ lời của mình sẽ bị làn gió trên cao kia hút đi: “Có chứ! Anh sẽ gửi thư và thơ cho em”. “Anh nói thế cho em vui. Về nhà rồi, có các cô gái khác ở quê là quên em ngay!”. “Ngần ấy ngày em còn chưa hiểu anh hay sao? Tuy chúng mình mới đến với nhau, nhưng anh không thể quên em. Hãy tin anh!”. “Em cũng mong như thế”. Bàn tay Hòa tìm tay Miên nắm chặt. Miên ngả đầu vào vai Hòa. Mùi thơm từ mái tóc Miên khiến Hòa nhớ mẹ. Mái tóc mẹ cũng có mùi thơm dịu nồng của bồ kết, hoa bưởi và lá hương nhu như thế. Nếu Miên làm dâu mẹ chắc là hợp nhau lắm đây. Hòa thấy ngây ngây, người nóng ran. Anh hít một hơi dài như muốn nuốt vào sâu trong cơ thể mình cái mùi quen thân thiết. Rồi, một cảm giác man mác cứ lan toả trong Hòa. Ngày mai là kết thúc hơn một tháng ở nhà Miên, gần Miên, chuyện trò với Miên. Ngày mai phải xa Miên, biết đến khi nào lại có dịp về gặp Miên ở xóm núi này? Một tuần, một tháng, hay lâu hơn, Hòa cũng không biết nữa. Đêm nay, Hòa phải nói cho Miên biết tình cảm của mình dành cho Miên để mà nhớ nhung, để mà chờ đợi. Hòa quàng tay lên vai Miên, thì thào: “Miên này!”. “Anh bảo gì cơ?”. “Mai anh về rồi, Miên có nhớ anh không?”. “Lại còn nói nữa!”. “Anh sẽ về thăm bố mẹ, anh Miện và Miên. Em có đồng ý không?”. “Anh có giữ lời hứa không?”. “Anh hứa!” Miên ngoái lại nhìn Hòa. Cái nhìn đắm đuối như mách bảo Hòa là Miên cũng buồn khi phải xa Hòa. Hòa cúi xuống đặt một nụ hôn vội vàng vào môi Miên. Miên nhắm mắt đón nhận, rồi vội vàng vùng dậy, chạy về nhà. Hòa đuổi theo, giữ Miên lại: “Chúng mình vào xin phép bố mẹ cho lấy nhau đi?”. “Không vội thế được đâu? Em còn chưa biết gia đình anh. Để một thời gian nữa. Chúng mình còn trẻ mà! Hãy gắng đợi, anh nhé!”. Hai người dùng dằng không muốn rời nhau. Tiếng gà vỗ cánh bồm bộp, gáy vang. Ngày mới đang hé rạng.
*
Từ ngày về quê, hình ảnh Miên luôn hiện hữu trong tâm trí Hòa. Với Hoà, Miên là tất cả. Miên là cuộc đời anh. Anh đến phát cuồng vì Miên, nhất là khi mẹ gội đầu, mùi thơm của hoa lá vườn nhà cứ day dứt khiến Hòa ngẩn ngơ như kẻ mất hồn. Hòa cuống cuồng chạy lên bờ đê nhìn về phía dãy núi Thằn Lằn. Phía ấy, dưới chân núi có nhà của Miên. Giờ này Miên đang làm gì? Miên có còn gội đầu bằng nước bồ kết cùng hoa bưởi và hương nhu nữa không? Trời ơi! Sao cái mùi khiến Hòa say đến mê muội ấy lại cứ ám ảnh Hòa mãi thế chứ? Đến khi nào Miên chính thức là của Hòa để chỉ có Hòa được sở hữu riêng mình cái mùi thơm quyến rũ ấy tỏa ra từ mái tóc đen dài của Miên? Thư đi, thư về nhiều lần mà chưa có dịp về với Miên. Hòa mượn xe đạp chuẩn bị vượt mấy chục cây số đi thăm Miên. Phấn chấn, Hòa dậy sớm chuẩn bị. Mẹ Hòa cũng vui lây cái vui của con trai. Bà chuẩn bị mấy thứ cây quả vườn nhà, cân đỗ xanh, mấy cân gạo nếp làm quà cho gia đình Miên. Miên ơi! Hòa sắp đến với Miên rồi đây. Thật đấy, không phải mơ đâu! Gặp Hòa, Miên sẽ thế nào nhỉ? Hòa vừa chằng buộc những túi, những bọc lên xe vừa suy đoán. Chào mẹ, vừa dắt xe ra cổng thì một bác đạp xe lao thẳng vào sân nhà, mồ hôi ướt đầm lưng chiếc áo công nhân. Bác nói trong hơi thở: “Bác ấy bị cảm, anh em đưa đi bệnh viện rồi. Anh Bình đi nhận than ở Quảng Ninh chưa về. Gia đình cho người lên ngay!”. Mẹ Hòa lảo đảo bảo Hòa bỏ các thứ buộc trên xe xuống, đèo mẹ lên với bố. Thì ra, bố Hòa không phải bị cảm mà bị tai nạn. Mấy anh thợ trẻ do bất cẩn để dụng cụ sửa chữa trên bánh đà băng tải than, khi khởi động dụng cụ văng mạnh, một chiếc cờ lê to đập vào đầu ông. Ông bị chấn thương sọ não, ngất ngay tại chỗ. Nhìn ông nằm bất động, thở khó nhọc, mẹ Hòa xỉu ngay tại phòng bệnh. Hòa thương bố sụt sùi như trẻ con. Bố Hòa nhìn hai mẹ con, một cái nhìn rất lạ như báo trước điềm chẳng lành. Trước khi trút hơi thở cuối cùng, bố Hòa thều thào câu được câu mất dặn Hòa phải cố gắng giúp mẹ để em gái học tiếp cấp ba, vào đại học. Miên nhận được thư Hoà, cô đạp xe hỏi đường đến an ủi, động viên Hòa và gia đình. Có Miên, Hòa dịu đi phần nào. Hai người dự định khi hết tang bố sẽ tổ chức đám cưới.
Cuộc vui theo dự định chưa thực hiện được thì cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc của giặc Mỹ ngày càng khốc liệt hòng cắt đứt sự chi viện cho miền Nam. Phong trào thanh niên “Ba sẵn sàng”, phụ nữ “Ba đảm đang” được hưởng ứng mạnh mẽ. Ở nhà máy điện,anh Bình tham gia đội tự vệ trực chiến bắn máy bay Mỹ trên sân thượng tòa nhà cao nhất nhà máy. Hòa xin mẹ cho đi bộ đội. Mẹ Hòa chỉ dặn: “Các cụ dạy: Trai thời loạn, gái thời bình, con đi phải cố gắng cho bằng anh, bằng em. Chịu đựng gian khổ, đừng bỏ trốn như một vài thanh niên khác thì nhục nhã lắm!”. Hòa lên đường chỉ kịp gửi lại lá thư cho Miên, cuối thư. Hòa chép bài thơ “Đợi anh về” của nhà thơ Xô-viết Xi-mô-nốp như một lời hẹn. Chiến tranh, thư từ gián đoạn, có khi mấy tháng Miên mới nhận được thư Hòa.
Bẵng đi hơn một năm, Miên không nhận được thư Hòa. Đêm nằm nghe gió trở mình trên cánh rừng sau nhà rì rào, cô thút thít nhớ thương người yêu đang ở mặt trận xa tắp. Giá có cánh, cô sẽ bay vào trong đó với anh, cùng chung chiến hào với anh thì hạnh phúc biết bao. Ý nghĩ cùng chung chiến hào cứ bám riết lấy Miên. Cô làm đơn tình nguyện nhập ngũ. Sau mấy tháng huấn luyện và bồi dưỡng cứu thương, Miên được bổ sung vào trạm phẫu theo chân một đơn vị hành quân vào Nam chiến đấu. Trạm phẫu của Miên đóng quân trong một tán rừng miền Đông Nam Bộ. Hằng ngày được chứng kiến những mất mát hy sinh, lòng Miên se lại. Có lúc, Miên nghĩ quẩn: Có lẽ Hòa đã hy sinh. Chiến trường ác liệt là nơi thử thách ý chí và niềm tin của cô thôn nữ trung du miền Bắc. Càng gần thắng lợi càng nhiều gian nan. Tình yêu đã nâng nghị lực người lính vượt qua gian khổ hoàn thành nhiệm vụ, đợi chờ ngày thắng lợi trở về sum họp gia đình.
*
Trong vườn một gia đình dưới chân núi, một ông già bảy mươi tuổi đang dùng kéo cắt tỉa những cành, lá cam bị sâu, nghe tiếng chó sủa phía sân, ông ngừng tay, ngoái nhìn. Một người mặc quần áo bộ đội, vai đeo ba lô, cọc cạch bước vào. Ông lại gần người khách, mừng lo lẫn lộn. Mừng vì biết đâu người ấy là con trai mình, người ta báo tử nhầm, nay trở về như một vài trường hợp hy hữu đã xảy ra. Lo vì anh bộ đội kia sẽ đem từ chiến trường tin xấu về con gái ông. Anh bộ đội ngả mũ. Ông sửng sốt: “Trời ạ! Anh Hòa. Anh về từ bao giờ? Anh có gặp em nó không?”. Hòa đặt ba lô xuống nền sân, ngơ ngác: “Em nào ạ?”. “Con Miên chứ ai!”. “Miên cũng vào Nam?”. “Lâu không nhận được thư anh, nó viết đơn tình nguyện nhập ngũ đi chiến đấu, hy vọng gặp được anh trong đó”. “Con chẳng biết tin tức gì. Hơn hai năm nay, con cũng không nhận được thư Miên. Con cứ tưởng Miên đã yên phận gia đình. Miên có gửi thư về nhà không ạ?”. “Mấy tháng nay không nhận được thư của nó. Tôi cứ lo lo thế nào ấy”. “Bố đừng lo nghĩ quá ảnh hưởng đến sức khoẻ. Chiến tranh tuy vẫn rất ác liệt nhưng không như trước nữa. Ta đã làm chủ tình hình, không lâu nữa sẽ kết thúc. Con tin là Miên sẽ trở về. Hai đứa chúng con hẹn với nhau rồi”. “Tôi cũng mong được như thế. Anh Miện hy sinh ở Quảng Trị, bà ấy đau buồn, lại thêm bệnh tật hành hạ cũng bỏ tôi mà đi rồi. Tôi chỉ còn mình nó!”. “Con sẽ xin phép mẹ và anh Bình, ở đây với bố chờ Miên về!”. “Chân anh…?”. “Con bị mảnh pháo tiện đứt gần đến khuỷu nên phải dùng chân giả”. “Còn sống trở về là may rồi! Anh ở đây với tôi cho vui cửa vui nhà thì tốt quá!”.
Sau bữa cơm tối, bà con trong xóm kéo đến nhà Miên hỏi thăm, nghe Hòa kể chuyện chiến trường, chật kín sân. Ai cũng mừng cho anh thương binh trở về với xóm Trại sau hơn mười năm tạm biệt, kể từ ngày đào đắp hồ Đại Lải. Xóm Trại bây giờ nằm dưới chân dãy núi Thằn Lằn, nhìn ra mặt hồ rộng mênh mông. Mùa hè gió thổi mát rượi, mùa đông có núi chắn gió mùa đông bắc. Nhà nào cũng có vườn cây ăn quả, ao cá. Hồ do công ty thuỷ sản quản lý, không được đánh bắt cá trái phép như quăng chài, thả lưới bắt các loại cá to do công ty thả nuôi, còn các loại nhỏ như con tôm, con tép, con cua, con ốc thì thoải mái. Nhà nào cũng sắm thuyền nan nho nhỏ vừa để dạo chơi trên hồ, ra đảo chim chơi, vừa kiếm tý chất tanh cải thiện bữa ăn hàng ngày. Cảnh xóm đầm ấm, sơn thuỷ hữu tình, thơ mộng, con người đôn hậu và cái chính là hoàn cảnh bố Miên đã níu kéo Hòa ở lại. Anh trở về quê, xin phép mẹ, anh chị được đến sống với bố Miên, chờ đợi Miên. Bố Miên đem tất cả thư Miên gửi về cho Hòa đọc. Thư nào Miên cũng nhắc đến anh, cầu mong anh bình an để cùng nhau xây dựng hạnh phúc.
Ngày ngày, người dân xóm Trại thấy một già, một trẻ với cái chân giả, tâm đầu ý hợp cùng nhau làm vườn, sửa chữa nhà cửa, chờ đón người thứ ba trở về. Cũng như Miên viết trong thư, Hòa tin rằng người nữ chiến binh của anh sẽ về trong nay mai. Miền Nam giải phóng, đất nước thống nhất. Niềm tin Miên sẽ về lại càng vững chắc trong lòng Hòa và bố Miên. Những người từ xóm Trại ra đi, vượt qua bom đạn còn sống lần lượt trở về trong vòng tay của xóm làng, người thân. Chiều chiều, ông già hơn bảy mươi, một anh thương binh, không ai bảo ai đều ngóng nhìn về phía con đường nối từ quốc lộ, men theo bờ hồ chạy vào xóm Trại. Họ ngóng nhìn đến khi trời sẩm tối, khi những con dơi nhập nhoạng bay bắt muỗi, ngôi sao hôm lấp ló đỉnh núi, sự ngóng đợi trong hy vọng mới kết thúc bằng cái nén thở dài trong huyết quản mỗi người. Thấp thỏm đón chờ, thấp thỏm lo âu bám chặt hai người đàn ông, một già, một trẻ. Những đêm ngủ chập chờn, những ngày đau đáu dõi về phương Nam thành phản xạ trong tâm khảm họ. Trong một đêm nhớ mong người yêu, Hòa viết bài thơ “Bên hồ Đại Lải”:
Lao xao sóng nước
Rì rào gió lướt rừng cây
Người mang mong nhớ đến đây
Tiễn hoàng hôn ngập ngừng xuống núi
Trăng soi vời vợi
Bồng bềnh mây trôi
Sương buông mành mờ ảo
Con thuyền khoả sóng lơi khơi
Kìa ai chơi vơi
Nhớ người tri kỷ
Tải vào trang giấy đêm khuya
Chòng chành nỗi niềm thi sĩ.
Niềm hy vọng tưởng rằng lụi dần theo dòng thời gian. Một đêm mưa rả rích như gieo thêm nỗi buồn vào hai con tim thấp thỏm. Ông già thi thoảng ho sù sụ, trở dậy hút thuốc lào. Ông không ngủ được. Anh thương binh lò cò một chân vịn vào thành giường đến bên bàn uống nước rồi về giường của mình nằm nghĩ ngợi. Anh cũng không ngủ được. Bỗng con chó ngoài hiên sủa ầm ĩ. Có bước chân người vào sân. Ông già và anh thương binh cùng bật dậy. Hai chiếc đèn pin cùng bật sáng. Cửa mở. Trước mắt hai người là một người phụ nữ trùm áo mưa kín mít, bước vào nhà một cách tự tin đến ngờ vực. Vạch áo mưa, đặt đứa bé chị ôm theo đang ngủ say xuống giường, cởi áo mưa, bỏ chiếc ba lô trên vai xuống nền nhà, lật chiếc mũ tai bèo ra sau gáy, hết nhìn ông già lại nhìn người thương binh đứng một chân đang há mồm kinh ngạc. Chị phá lên cười. Tiếng cười trong trẻo đến kỳ diệu. Chị cất lời: “Con đây mà, bố không nhận ra con à? Miên của bố đây!”. “Cha bố cô, mày ăn mặc kín mít thế, ai mà nhận ra chứ!”. Hòa vẫn như trời trồng. Anh trân trân nhìn Miên không tin vào mắt mình nữa. Thật hay mơ đây? Anh véo mạnh tay vào mạng sườn. Con người thật kỳ lạ. Mong mãi người ta về, khi người ta về lại không tin là sự thật. Miên đến bên Hòa: “Anh! Em đã về với anh đây”. Hòa ôm chầm lấy Miên. Những giọt nước mắt nóng hổi của hai người rơi thấm vai áo nhau như một minh chứng cho nỗi lòng của họ. Tình yêu của họ đã vượt qua gian khổ, vượt qua thời gian, không gian để nuôi ý chí và niềm tin. Tình yêu và lòng kiên trì đã được đền đáp. Bố Miên nhìn hai con, đôi mắt già nua như sáng lên, những giọt mừng vui lăn xuống gò má hõm sâu, nhăn nheo. Ông lẳng lặng đến bàn thờ châm hương, thì thầm nói với di ảnh vợ và con trai: “Bà ơi! Con ơi! Con gái của bà, em gái của con, bình an trở về với tôi, với thằng Hòa đây này. Bà và con phù hộ cho chúng nó nhé!”. Tĩnh trí, Hòa ngỡ ngàng nhìn đứa bé. Miên hiểu ý, nói để bố và Hòa biết đứa bé là con một chị đồng đội, hai vợ chồng đều là thương binh nặng, chị vừa qua đời trong trại an dưỡng. Khi cô đến trại an dưỡng thương binh viếng chị, thấy hoàn cảnh của anh không có khả năng chăm sóc đứa bé nên Miên xin nhận đứa bé làm con nuôi. Khi nhận giấy tờ xuất ngũ, Miên chưa về ngay được vì còn đợi làm thủ tục cho đứa bé về ở với mình. Hòa cảm phục tấm lòng của Miên. Tình thương yêu đồng đội, trách nhiệm với người đã khuất của Miên khiến Hòa thấy yêu cô vô cùng. Đứa trẻ cựa mình, quờ tay không thấy có người nằm bên, ú ớ gọi mẹ. Miên vỗ về: “Ầu… ơ… Cái ngủ mày ngủ cho say/ Mẹ còn tìm bố về ngay đây rồi…”. Hòa phì cười thấy Miên ứng khẩu đổi lời ru cho hợp cảnh, hợp tình: “Em biết cải biên lời ru từ bao giờ thế?”. Miên ngượng: “Tự nó thốt ra đấy. Em có kịp nghĩ đâu”. Luấn quấn chuyện trò, cả ba người không ai để ý đến thời gian. Mưa đã tạnh. Sáng tỏ mặt người. Mặt hồ như tấm gương khổng lồ lăn tăn sóng, bầu trời cao rộng in xuống mặt nước lấp lánh. Giữa hồ một đàn chim rào rào vỗ cánh từ Đảo Ngọc bay lên. Một ngày nắng đẹp đang đến để chứng kiến một chuyện tình về một chàng dân công và một cô thôn nữ xóm Trại. Mối tình thủy chung khởi nguồn từ thuở ban đầu đắp đập, xây hồ. Hồ nước mênh mông trong lành đã tạo nên một trang tình sử lãng mạn của hai người lính trở về sau chiến tranh. Chiến tranh là tàn khốc, là đổ máu xương. Không ai muốn chiến tranh, nhưng chiến tranh lại là thước đo, là sự thử thách về tình yêu lứa đôi, tình người đối với mỗi con người. Từ đây, không có bất cứ cản trở nào có thể chia cắt được mối tình của họ. Mối tình Đại Lải đẹp như một bài thơ.