Tôi nói với ông Nguyễn, không phải Đại đội trưởng Ngum mà là chiến sĩ cầm cờ Nguyễn Kim được tạc phù điêu đặt trang trọng ở phòng truyền thống, không phải ngồi giữ cán cờ mà dáng cao lớn, mà chân sải bước, ưỡn thẳng ngực, gương mặt đanh thép cầm lá cờ tung bay phần phật.
Có mặt ở buổi cắt băng khánh thành phòng truyền thống, cùng nhiều đại biểu còn có mẹ của Kim. Trung đoàn phó Chính trị chủ trì buổi lễ, dẫn bà mẹ thăm gian trưng bày. Dừng lại trước tấm phù điêu, trung đoàn phó hỏi bà mẹ:
- Mẹ có nhận ra ai đây không?
Mẹ lắc đầu:
- Không.
Trung đoàn phó nhẹ nhàng nói:
- Anh Kim, con mẹ đấy, mẹ ạ.
Bà mẹ lùi lại một bước, nhìn bức phù điêu hồi lâu, lắc đầu:
- Không phải thằng Kim.
- Mẹ nhìn kỹ lại xem. Khi làm phù điêu, họa sĩ đã nghiên cứu kỹ ảnh anh Kim.
Mẹ bảo:
- Tôi ẵm nó từ nhỏ, biết lưng nó không thẳng thế này, cổ ngắn, mặt hiền chứ không dữ như thế kia.
Trung đoàn phó nắm hai bàn tay mẹ, bảo:
- Ở nhà với mẹ, anh ấy hiền thế, nhỏ bé thế, nhưng trước quân thù, anh ấy cao lớn lên, nhìn dữ vậy.
Mẹ quết nước trầu trên môi, bảo:
- Có khi thế. Nó hóa thánh nên cao lớn là phải. Bà cố sinh ra cụ nhà tôi bảo, ở làng có ông Thành hoàng, trước làm phó mộc, lùn chứ không cao lớn lắm, vậy mà chết đi, mả kết, làng tôn làm Thành hoàng, người ta đục cái tượng gỗ hình ông ấy rõ đẹp, mặt mũi phương phi, cao lớn như ông Hộ Pháp.
*
Tôi nói với ông Nguyễn, làng tôi có ngọn Phu Theng do anh bạn là An đem về. An là lính 12,7 ly, kém tôi vài tuổi. Ngay trong ngày ta chiếm được Phu Theng, đơn vị 12,7 ly của An hộc tốc vác súng lên cắm chốt. Đánh máy bay được vài ngày An điếc vì bom phạt.
Anh chàng gặp tôi ở trạm xá, nói như quát: “Lòi mẹ nó tai rồi”.
Vài hôm sau An sừng sững bước vào cửa ngách đá nơi tôi làm cái buồng in tráng phim ảnh, lại nói như quát vào tai tôi: “Tao ra Bắc đây!”.
Chàng An to khoẻ thế, mới bước qua tuổi hai mươi mà vào bộ đội chỉ dùng vào việc đánh nhau có vài ngày biết mỗi một ngọn núi đã bị thải, nghĩ vừa thương, vừa tiếc nhưng chả biết làm thế nào. Dù sao An vẫn còn may. Một phần ba đại đội 12,7 ly của An cũng toàn là lính trẻ, tôi luyện bao công phu trên bãi tập mà chỉ vài lần bóp cò súng đã nằm xuống. Được cái ngày ấy các anh, lại là lính chiến trận như An về quê, được xếp loại mì chính cánh của các cô gái. An cưới cô gái đẹp nhất làng và cô sinh cho anh liền ba năm hai cậu con trai - hai xạ thủ của tương lai biết đỉnh Phu Theng từ trong chăn đắp chung với bố.
Hôm sắp cùng ông Nguyễn đi Lào, về quê, tôi quát vào tai An: “Tớ sắp đi Cánh Đồng Chum”.
Quát đến ba lần mới thủng tai chàng điếc. An
ngồi ngớ người ra rồi sừng sộ như suýt thì đấm vào mặt tôi:
- Cậu sướng thật. Ngày đánh nhau thì ở cơ quan, chui sâu trong hang đá... Còn bây giờ, lại bay trên trời... Còn thằng này, thằng này...
Tôi hỏi:
- Cậu còn nhớ Phu Theng không?
An bảo:
- Quên thế đếch nào được.
An vơ tờ giấy vẽ Phu Theng còn trong trí nhớ cho tôi xem.
Tôi nhìn bức vẽ của An:
- Cậu vẽ sai rồi. Đỉnh Phu Theng sao lại tòe ra như chiếc cọc bị nện xuống đất thế này.
An bảo:
- Cậu chỉ biết Phu Theng ngày ta mới làm chủ. Chứ sau vài ngày đặt chốt 12,7 ly ở đó, bom Mỹ nện lún đỉnh núi xuống cả mét.
Ngồi thừ một lát anh quát vợ làm thịt gà đãi bạn…
Bây giờ, chúng tôi ăn cơm nắm trên đỉnh Phu Theng mù sương. Cơm có thịt mà nuốt không nổi. Cứ nhìn vào màn sương, lại như thấy anh Ngum, thấy Kim, thấy Hải, thấy Hiếu lờ mờ hiện ra.
*
Mỗi một người hy sinh thường để lại một bát nhang tưởng niệm trên ban thờ gia đình. Hàng triệu bát hương tưởng niệm trên ban thờ các gia đình từ Nam đến Bắc. Còn ông Ngum? Ông là người còn lại của cả nhà bảy người sau trận bom Mỹ đánh vào chòm bản ở lưng chừng núi. Bố mẹ mất. Anh em chú bác cũng mất, ai là người đặt bát hương cho ông? Tôi đem câu hỏi buồn này lên Ban Chính sách trung đoàn. Họ nói với tôi, có một cô gái đến Ban Chính sách xin nhận vật dụng cá nhân của ông Ngum để lại, đem về thờ.
Thì ra đó là o Thìn ở Chương Dương dạo nào… Éo le là o Thìn đang mang thai. Giá ông Ngum còn sống, thì việc hợp lý cái thai của o Thìn không khó khăn gì. Trai chưa vợ, gái chưa chồng, nếu bận chiến đấu, chưa cưới xin ngay cũng có thể cho hai người đăng ký kết hôn, làm lễ cưới sau cũng được. Bây giờ ông Ngum hy sinh, làm thế nào để o Thìn giữ thai? Sau trận đánh cả núi công việc ngập mặt, nhưng ông Nguyễn vẫn phải dứt việc ra nửa ngày thăm o Thìn ở Đại đội thanh niên xung phong. O Phi biết ông Nguyễn lo lắng cho o Thìn, bảo: “Thủ trưởng khỏi lo, chuyện đàn bà con gái, chúng em sẽ biết cách lo sao cho êm thuận”. Ông Nguyễn bảo: “Tôi chỉ muốn thằng Ngum để lại đứa con”.
Ông Nguyễn vừa quay về thì cả Đại đội thanh niên xung phong bảo nhau ra bờ suối mật họp, đi đến biểu quyết miệng. Một là, Thìn không được phá thai, cứ đẻ, o không nuôi thì đại đội nuôi. Hai là, không o nào được bép xép, phải giữ kín chuyện, liệu sau. Chuyện đàn bà, mà đàn bà không bép xép, thách thằng đàn ông nào biết được. Ba là, hết mùa khô, đơn vị rút về bên kia, o Thìn bụng to cho về quê đẻ, được mẹ tròn con vuông thì gửi bà, rồi về đơn vị, coi như không có chuyện gì, vẫn đủ trăm phần trăm quân số.
Thìn nghe chị em bàn cho mình, chỉ thút thít khóc. O Phi đại đội trưởng át giọng:
Cái thân con đàn bà ở nơi trận mạc nó đã khổ rồi, lại còn khóc cho nẫu ruột à. Mà sợ đếch đứa nào. Nói thật nhá, khối đứa ở đơn vị bây giờ muốn đẻ cũng không đẻ được, người ngợm như củi khô, còn cái gì mà đẻ!
Ngày Thìn về quê đẻ, vắng mặt ở đơn vị mà Tổng đội không biết, kể cả Liên đội trưởng phụ trách cụm thanh niên xung phong. Liên đội trưởng, anh chàng ngũ đoản, đeo kính cận dày như đít chai xuống đơn vị nữ thanh niên xung phong phổ biến nhiệm vụ. Đơn vị tập hợp hàng dọc, hàng ngang nghiêm ngắn, khi xướng đến tên Thìn, có tiếng “có” ở cuối hàng quân. Liên đội trưởng ngờ ngợ, đồng chí Thìn mới ốm dậy hay sao mà lạc giọng? Chị em nhao nhao, tại nó ăn nhiều quả chua. Thế là cười phá lên. Mặt Liên đội trưởng đỏ như gấc. Còn biết nói gì nữa, cho qua. Cả đơn vị nai lưng làm thay việc cho Thìn, còn những tiêu chuẩn của chị em như đường, sữa, lương khô, xà phòng, vải sô… là tích lại, ấn đầy một thùng lương khô BA72, cho gái nuôi con mọn.
Đến mùa khô năm sau, trọng điểm U2 lại bị bom đạn vằm nát thành một bãi bụi khổng lồ. Đi trên trọng điểm như lội. Bụi ngập ngang ống chân, xe chạy, bụi xé ra hai bên như nước. Các chàng lái kể lại đêm qua trọng điểm thấy một cô gái mặt mũi lem luốc, nhảy bám cửa ca-bin nhớn nhác hỏi xê thanh niên xung phong 11. Nhảy lên nhảy xuống gần hết cả đoàn xe mới gặp được người biết xê 11 đã chuyển đến chỗ mới. Thìn về đơn vị vừa quen vừa lạ. Mùa khô ấy cũng ác liệt, chị em suốt ngày trần lưng dưới bom đạn để giữ đường, non nửa đơn vị là lính mới thay vào chỗ lính cũ hy sinh. Đến o Phi to lớn như hộ pháp giờ cũng chỉ còn một chẽn tay, già sọm. Những cô gái mặt mũi vêu vao, đuồn đuỗn không mông, không ngực vây quanh Thìn đẹp rờ rỡ, trắng trẻo, đầy đặn, cái đẹp của gái một con. Thìn mở ba lô chia quà cho mọi người. Chả ai để ý đến các thứ cô chia, chỉ chuyền tay nhau tấm ảnh bé sơ sinh ngắm nghía, xuýt xoa như chiêm ngưỡng một thiên thần. Lần đầu tiên những khắc khoải đau khổ vì Ngum vợi nhẹ trong Thìn. Nỗi nhớ con Nhím đầy nghẹn làm bầu sữa căng cứng vì cố nín nhịn loang ra ngực áo. Phi bảo, chị em với nhau cả, chả việc đếch gì phải giấu, vắt bỏ đi kẻo cương sữa chịu thế nào được. Thìn quay mặt, vắt bỏ sữa vào góc lán để cuốc xẻng, nghe tiếng reng reng. Ngần không kìm được lại khóc, làm cả đơn vị khóc theo.
Hôm tôi về thăm làng Lòi, nhưng những người đàn bà ở làng vẫn nhắc nhớ đến Thìn. Các bà góa kể, mấy năm trước tỉnh đội thành lập đoàn đi tìm hài cốt liệt sĩ, Thìn rảnh rang, xin đi. Trở lại U2 đào bới suốt cả mấy tháng mùa khô, phồng rộp cả hai bàn tay mà chả tìm kiếm được bao nhiêu. Mười mấy chị em “xê” 11 bị bom trong mùa khô làm thay việc cho Thìn trốn về quê để bây giờ chỉ còn mười mấy nắm đất. Nghĩ thế Thìn bảo, mình đau đớn thì đau đớn thật, nhưng rốt cuộc vẫn còn được nhiều thứ, còn con, còn được sống đến hôm nay…
Tôi nói với ông Nguyễn, chuyện o Thìn kết thúc có hậu. Ở hậu phương thời chiến người ta không dị nghị truy xét Thìn, mà dành những gì tốt đẹp cho thắng giặc trở về. Chuyện cưới xin của o Thìn chẳng có ai truy cứu, cái Nhím con o được là con liệt sĩ, được hưởng mọi sự ưu đãi nuôi dưỡng, học hành tử tế.
Chúng tôi len lỏi trên đỉnh Phu Theng cố tìm kiếm vật nào đó của chiến tranh còn sót lại nhưng không thấy gì. Lau cỏ và cây dại đã che phủ hết dấu vết trận địa xưa. Nếu tôi không nhầm thì vạt cây kia chính là nơi từng mở cửa mở. Tôi nằm ở phía cuối vạt cây, còn Kim thì vác cờ xông lên, gần vượt qua cửa mở đột nhiên dừng lại. Nơi đất từng nhuộm đỏ máu giờ chẳng khác gì với xung quanh cả. Cả ngọn núi cũng thế, như những ngọn xung quanh, thỉnh thoảng mây trắng lại trùm lên…