Bây giờ Chăn Thi đi trước, dẫn chúng tôi lần vào hang Toa Tàu. Trên bản đồ nước Lào, không có hang Toa Tàu, hang Loa Kèn, hang Đá Trắng, hang Cối Xay, hang Xanh, hang Ba Nhà… Từ các đặc điểm của hang, bộ đội ta đặt tên, bộ đội ta biết với nhau, người Lào không biết. Đi một đoạn, mắt quen dần bóng tối, tôi mới nhận ra lòng hang không tối lắm và mọi thứ ở đây được sắp đặt như không phải lâu nay vẫn bỏ hoang mà có người trông nom. Những vật dụng như bàn ghế, giường ngủ, giá để súng, bếp nuôi quân, phòng họp… trong hang được phục dựng lại. Đến chỗ bếp nuôi quân ngay ở cửa hang, có cả bếp Hoàng Cầm và bếp kê ba ông đầu rau bằng ba hòn đá, giá để thức ăn, giá treo lủng lẳng mấy cái xoong nồi cũ, bên cạnh là cả đống củi khô xếp ngay ngắn.
Anh em trong đoàn nhất trí hạ trại ở đây, ngủ một đêm ngay ở chỗ nuôi quân gần cửa hang đá.
Chăn Thi cũng đã chuẩn bị gạo, thịt hộp cho mấy ngày ăn trong rừng.
Bẻ củi chụm lửa, vừa cời bếp, cô y tá Mần đứng phắt dậy, bảo:
- Có người các anh ơi!
Bằng chứng cô Mần bảo có người ở hang là bếp còn nóng.
Sẩm tối, chúng tôi đang dọn dẹp để bày bữa ăn lên mặt chiếc bàn ghép bằng tre thì người giữ hang về, vai đeo khẩu súng săn, tay trái xách con gà rừng, tay phải cầm con dao phát dài, lưỡi sáng loáng, tóc lốm đốm bạc, mặt đen, mắt thâm sâu, chân tay lòng thòng như vượn.
Tôi chờn chợn về người từ rừng bước ra. Nhưng Chăn Thi thì không. Anh đứng ngớ một lát, kêu lên:
- Ôi! Anh Sổm Vi Chít ở đây à?
Người vác dao không tỏ vui mừng, không ngạc nhiên, hỏi:
- Đoàn của tướng Nguyễn chứ gì?
Chăn Thi bảo:
- Sao anh biết?
Chủ hang bây giờ mới nở nụ cười, phô hai hàm răng luôm nhuôm, bảo:
- Tôi mới về Phôn Sa Vẳn, nghe anh em tỉnh đội nói, chú đi dẫn đường cho ông tướng quân tình nguyện thăm Xiêng Khoảng. Có con gà rừng, để tôi làm cơm.
Tôi nhóm lại bếp, định bỏ gạo vào nồi, chủ hang xua tay:
- Người Lào Thơng đãi khách bằng xôi. Ở đây không nấu được xôi, thì làm cơm lam.
Người chủ hang hồ hởi và tháo vát. Ông lấy đoạn ống bương còn tươi dựng vách đá cạnh bếp, chặt ba khúc như ống đựng nước, đổ gạo và nước vào, nút một đầu bằng lá, dựng quanh bếp lửa, bảo:
- Cô Mần ngồi canh, bao giờ vỏ ống bương cháy thì cơm chín.
Xong việc chuẩn bị cơm lam, ông chủ hang xách con gà xuống suối làm thịt.
Chăn Thi nhìn theo người đàn ông, hỏi tôi:
- Anh nhận ra người này chưa?
Tôi bảo:
- Vẫn nhớ chuyện bà con bản Ảng kể hôm nào.
Không hiểu trai bản Ảng kể có thêm dấm thêm ớt không, nhưng chuyện cặp vợ chồng Sổm Vi Chít và Tham Ma Vong ly kỳ và đầy thương cảm. Họ từng là cặp đôi mơ ước của bản Hợp này. Tham Ma Vong đẹp gái, mặt tròn như trăng, cổ tay tròn, má lúc nào cũng hồng, mắt ngời sáng. Còn Sổm Vi Chít đẹp trai, tóc xoăn, da nâu, cao lớn, chân tay cuồn cuộn, đi bộ đội Pa-thét mới dăm năm mà đã là cán bộ cấp trung đội có súng ngắn bên hông. Đám cưới hai người bày cỗ trên lá chuối, trên bãi cỏ đầu bản, trai gái thổi khèn và múa hát liền ba đêm, rượu thịt ê hề, đàn ông cả bản say rượu mừng, mặt đỏ như hoa chuối. Trẻ con ăn thịt gà giắt răng cả lũ.
Những tưởng vợ chồng Tham Ma Vong - Sổm Vi Chít như chim có đôi, như thú có đàn, không rời nhau đến khi phải chống gậy, mà bỗng éo le thay, ai xui, ai giục mà tan đàn. Bản bỗng có tin Sổm Vi Chít chạy theo phỉ Vàng Pao. Người bản Hợp đã làm lễ uống rượu thề với trời không theo phỉ. Vậy mà bây giờ, phỉ Vàng Pao đang xưng vây, xưng vảy, kéo quân đốt phá bản làng khắp vùng Xiêng Khoảng này, không bảo nhau đi đánh phỉ thì chớ, lại chạy theo phỉ ư? Ôi, xấu hổ quá. Cũng có nhiều người không tin Sổm Vi Chít theo phỉ. Nói nhỏ vào tai cũng không tin. Gào to ở giữa núi cũng không tin. Người già nhà Sổm Vi Chít không tin. Tham Ma Vong chỉ khóc, cũng không tin. Người bản Ảng kéo nhau đến đơn vị bộ đội Pa-thét hỏi cho ra nhẽ. Nói dưới ánh đuốc chứ không phải nói thầm trong đêm tối. Người chỉ huy Pa-thét bảo, bà con về đi, bộ đội biết rồi, thằng Sổm Vi Chít có chạy theo địch, nhưng chúng tôi sẽ tìm cách gọi nó quay về. Phải về. Thật đấy. Dao chém lên cột nhà chứng thực lời thề đây này.
Đi gặp bộ đội Pa-thét về, chờ mãi, chỉ thấy cơm sôi ở góc nồi thì hỏng rồi. Đấy nhé, phỉ Vàng Pao đến tận nương lúa của bản đốt phá kia kìa, tức không, không có kẻ xấu dẫn đường thì phỉ Vàng Pao ở tận Long Chẹng biết đâu bản Ảng mà mò đến. Đúng là thằng Sổm Vi Chít chỉ đường cho giặc. Người già nhà Sổm Vi Chít bảo, thằng Sổm Vi Chít ngày chưa lấy vợ ngoan lắm, chỉ sinh hư khi lấy Tham Ma Vong thôi. Hay là con vợ nó xấu, nó xúi chồng theo phỉ để có nhiều tiền nuôi vợ. Nhà có người theo Vàng Pao, đủ tiền nuôi người già và vợ con. Cái con này ghê không. Bán tín bán nghi, rồi do thất vọng về Sổm Vi Chít mà bao nhiêu tội lỗi của người chồng chạy theo giặc đổ hết lên đầu vợ. Tham Ma Vong bị oan mà không biết kêu ai. Bản Ảng không chứa kẻ theo phỉ. Tham Ma Vong khóc lóc, vẫn bị người bản tẩy chay, không cho ở lại bản. Con chim hai mỏ là con chim xấu. Người hai lòng là người xấu. Chồng nó theo giặc, ngộ nhỡ nó bảo giặc về bản cướp lợn, cướp gà, cướp ngựa, rồi đem nó đi theo thì sao. Thế là bản làm cái lễ cắt ma cho Tham Ma Vong đi đâu thì đi, không cho ở lại bản Ảng nữa.
Cả tháng lăn lóc trong rừng, chồng không gặp, nhưng Tham Ma Vong gặp các chiến sĩ Tiểu đoàn 2 Pa-thét đang hoạt động ở vùng sâu. Mới đầu anh em Pa-thét nghi cô là thám báo, nên anh em giữ lại để khai thác tài liệu. Không ngờ khi hỏi kỹ, thì ra đây là Tham Ma Vong. Vong lăn lóc một mình giữa rừng thì buồn quá, cô quyết đi về phía địch để tìm chồng. Tiểu đoàn phó Tiểu đoàn 2 là anh Chăn Tha Mạt nắm tay Tham Ma Vong nói dịu dàng như người anh: “Nào, em chưa đi được, để anh đưa em về bản Ảng”.
Tham Ma Vong chỉ còn biết khóc.
Đến hết chiến dịch anh em gặp lại Tham Ma Vong trong một đêm múa lăm vông ở giữa thung lũng dưới chân Keo Bon. Tham Ma Vong tay uốn lượn như rồng, như phượng, mặt tưng bừng, mắt long lanh.
Cô đã gặp lại chồng.
Hóa ra chồng cô không theo phỉ, mà nhận nhiệm vụ chui vào đồn phỉ để làm điệp báo từ bên trong lòng địch. Trận đồn ta mở cửa hàng rào, xông lên thì khó, anh em hy sinh đến mấy chục người, nhưng đánh vào đồn thì dễ như trở bàn tay vì có người chờ sẵn dẫn lối chỗ nào hầm chỉ huy, chỗ nào đặt súng máy, chỗ nào hầm ngầm phòng thủ. Người chỉ dẫn là Sổm Vi Chít. Sau bao cay đắng, nay gặp lại chồng, chồng lại có công với Pa-thét chứ không theo địch, đêm nay Tham Ma Vong lại đoàn viên.
Nhưng Tham Ma Vong còn buồn lắm. Cô múa tưng bừng để cố hả giận, chứ đâu phải vui vì gặp chồng. Từ lúc gặp lại nhau, chàng nói sự tình, bí mật vì nhiệm vụ, nhưng nàng, có lẽ vì cay đắng quá, chỉ lắc đầu, không nghe giải thích. Cái lý của Tham Ma Vong là vợ chồng đầu gối tay ấp, sao không tin nhau, không nói với nhau một lời để vợ đỡ tủi khổ, bị bản đuổi đi?
Cứ nghĩ rồi thời gian sẽ xoa dịu, cặp đôi này hờn giận cũng qua. Nào ngờ mãi đến sau ngày hòa bình cặp đôi Tham Ma Vong và Sổm Vi Chít vẫn chưa
nối lại tình xưa được, không ly hôn, nhưng hai người ly thân. Tham Ma Vong vẫn không bỏ qua chuyện anh không nói thật dạo nào. Ly thân, nhưng không ai đi bước nữa, hai người ngủ hai giường nhìn sang nhau, chờ nhau một nụ cười hòa giải mà vẫn chưa cười được.
Lúc uống rượu, Chăn Thi hỏi Sổm Vi Chít:
- Sao anh bỏ phố vào rừng?
Sổm Vi Chít cười héo hắt:
- Ở chỗ đông người càng buồn. Nên về nghỉ hưu, không có việc gì, lại buồn nữa, thế là xin vào ở hang, dọn trước cho du lịch Xiêng Khoảng.
Chăn Thi bảo:
- Người Lào là thế các anh ơi, niềm tin là tất cả, mất niềm tin là mất tất cả.
Chúng tôi uống hết cả một quả bầu rượu nếp Lào. Sổm Vi Chít uống nhiều nhất, chén nào cũng Xa ma khi nhé, rồi ực một hớp. Uống nhiều, mặt mũi đỏ như gấc mà Sổm Vi Chít không say, chỉ cười nói tưng bừng, như lâu lắm mới được cười nói. Rồi anh ôm lấy cái vỏ thùng đựng lương khô cũ, vỗ thành nhịp như vỗ trống tạ pôn, hát một bài hát tình yêu lứa đôi của người Lào Thơng:
“Khít thơng sa văn nằn chay chạ khạt zu lẹo - Nhớ về miền thiên đường nơi ấy trái tim anh luôn ở đó. Đuôi hăc nọng keo thi ngam xô pha la vẳn - Bởi yêu em người con gái ngọc ngà đoan trang. Đằng nừng nang phạ lông xu đỉn - Như là nàng tiên giáng trần…”.
Sổm Vi Chít hát, mắt cứ nhìn đăm đắm vào rừng. Gân guốc và đa cảm, hát cả khi trong lòng ứ tràn nước mắt, Sổm Vi Chít là bóng dáng lịch sử bi tráng của nước Lào.