Tan cuộc vui bên bếp lửa, Sổm Vi Chít dẫn tôi đi thắp những ngọn nến trong hang. Những ngọn nến này chỉ thắp khi có khách. Cả mấy chục ngọn nến sáng lung linh, hang đá như lâu đài tráng lệ.
Tôi lại lui về mùa khô 1971, dịp các đơn vị quân tình nguyện vào Xiêng Khoảng hoạt động tương đối độc lập, theo kế hoạch của Bộ Tổng Tham mưu giao việc trước đó. Quân đội là khối thống nhất lạ lùng. Trung đoàn ở giữa rừng Thượng Lào, nhưng nhiều khi trong đêm bất thường di chuyển lại do lệnh của Bộ Tổng Tham mưu cách xa nghìn cây số gửi đến. Vừa đến chỗ mới thì bom đánh vào nơi trung đoàn vừa dời đi.
Tôi nói với ông Nguyễn:
- Mấy năm nay rồi, anh luôn bị cái dạ dày hành hạ, liệu cấp trên có biết sức anh ọp ẹp không mà còn giao chỉ huy trung đoàn chủ công?
Ông Nguyễn bảo:
- Ông Lê Trọng có phen còn quát tớ trong điện thoại: “Tôi nghe cái giọng của anh là biết anh nhồi quá nhiều khói thuốc lào vào phổi rồi. Đã dạ dày, lại còn ho, anh không đập điếu đi, tôi điều anh về an dưỡng!”.
- Vậy anh có đập điếu không?
Ông bảo:
- Cái gì bỏ thì bỏ, riêng thuốc với chè, chết tớ cũng không bỏ!
Sau trận trung đoàn ông Nguyễn diệt hai tiểu đoàn địch trên cao điểm Phu Theng, chiếm giữ đỉnh cao khống chế toàn bộ tập đoàn cứ điểm địch với 52 tiểu đoàn Thái và lính đặc biệt Vàng Pao đặt gọn trong lòng Cánh Đồng Chum thì tình thế đột nhiên thay đổi. Máy bay Mỹ giội bom suốt ngày đêm xuống vùng rừng núi bao quanh cao nguyên Xiêng Khoảng. Trinh sát địch, kể cả trinh sát luồn rừng chạy bộ của lính phỉ đến trinh sát điện tử của máy bay Mỹ đều chậm chân so với bộ đội ta. Chúng giội bom vào những khu rừng hôm trước quân tình nguyện còn ở đó, còn hôm nay, các đơn vị chủ lực đã bỏ rừng lại phía sau, xuống thảo nguyên, áp sát các căn cứ của tập đoàn cứ điểm. Một trận hiệp đồng binh chủng nhiều sư đoàn quân tình nguyện và bộ đội bạn sẽ diễn ra. Đánh lớn, hiệp đồng cấp sư đoàn, không thể mỗi anh một phách, nên Bộ quyết định thành lập Mặt trận, thống nhất chỉ huy các đơn vị tham gia chiến dịch.
Khi Sở chỉ huy Mặt trận vừa ổn, tôi nhảy cóc từ ngách đá bản Thẩm lên hang Toa Tàu.
Ở dưới trung đoàn, sau trận đánh thắng dù có hy sinh, nhưng không khí vẫn ồn ào. Sở chỉ huy mặt trận khác hẳn. Trầm tĩnh và nền nếp. Bộ chỉ huy đặt trong hang đá dài như một đoàn tàu. Các bộ phận lớn như Tham mưu, Chính trị, Hậu cần và chỉ huy đơn vị trợ chiến như xe tăng, pháo và một bộ phận cán bộ của bộ đội Lào phối thuộc chiếm từng đoạn hang. Anh em phục vụ cứ những chỗ ngóc ngách của hang mà ở. Trong ánh sáng những bóng điện quả nhót phát đỏ như mắt chuột, nến, đèn bão, rậm rịch người đi lại, rì rầm tiếng nói, hang giống đoàn tàu đang chạy tốc hành trong lòng núi.
Tôi ở trong hang mươi ngày, nhưng bấy giờ, cũng như tôi, các đơn vị chỉ chú ý ở đây đặt cơ quan tối cao của mặt trận là ai, những mệnh lệnh từ đây phát ra như thế nào. Trước, trong và sau các trận đánh các đơn vị đều quan tâm đến các mệnh lệnh từ nơi này. Nhất cử nhất động ở đây đều ảnh hưởng đến sinh mệnh người lính. Bây giờ chiến tranh đã lùi xa, tôi mới có dịp ngắm nhìn hang đá, tuyệt tác của tự nhiên, chứ ngày xưa chỉ là anh lính chụp ảnh, tôi thường khép nép ở các hốc nơi anh em làm công việc phục vụ.
Tôi nhớ, ở góc hang có khối nhũ như Phật Lạc cười vô sự này là nơi làm việc của ông Hoan, phụ trách hậu cần Mặt trận. Ông là điển hình của thủ trưởng hậu cần, cao lớn, phúc hậu, không làm mất lòng ai, kể cả anh em dưới cơ sở lên làm việc, vật nài xin cấp gì đó. Ông không biết cau có, luôn hòa giải sự thiếu thốn không đủ lượng cung cấp cho đơn vị bằng nụ cười và đặc biệt thích bấm độn tướng số. Nói chuyện với ai ông cũng hỏi tuổi con gì rồi bấm số cái tuổi ấy hơn thua, may rủi ở chỗ nào. Người thích bói toán thường yên phận với số mệnh đã định trước. Những buồn vui, may mắn hoặc thất thiệt với ông như là đã báo trước rồi. Vì thế ông sống hồn nhiên với chức phận của mình. Có lần anh trợ lý Tuyên huấn sư đoàn hộc tốc lên hậu cần mặt trận xin cái máy rô-nê-ô để in truyền đơn, bắn vào phía địch. Ông Hoan đã nói không có, nhưng anh trợ lý vẫn kỳ kèo xin. Ông Hoan nắm tay anh trợ lý, nhìn thẳng mắt anh ta, thề: “Nếu trong kho có máy in mà tớ không cấp thì cậu cứ…”. Ông thề độc nhưng cười hề.
Nơi làm việc của Tư lệnh ở gần cửa hang có vòm cao tua tủa nhũ đá, căng chiếc dù lớn chụp xuống bàn trải bản đồ như cái chao đèn khổng lồ ngăn nước từ nhũ đá nhỏ xuống. Góc phòng, nơi có cái hốc đá vừa đủ kê chiếc bàn dài đặt máy điện thoại, có một cô gái tên là Bích ngồi trực.
Tôi chụp kiểu ảnh Tư lệnh khoác blu dông màu cỏ úa đứng cạnh bàn trải bản đồ, dáng Từ Hải, mày ngài, vai rộng, cao lớn. Thời đánh Điện Biên Phủ, ông là đại đoàn trưởng, chỉ huy đại đoàn đánh trận tổng công kích, bắt sống tướng Đờ Cát. Tiểu đội bắt gọn bộ tham mưu của địch dẫn tướng giặc trình diện đại đoàn trưởng. Hai vị tướng thắng - thua cùng đứng trên bãi cỏ, cạnh gốc cọ, ông Lê Trọng vẫn cao hơn tướng Đờ Cát cái chỏm tóc.
Tôi nhớ hôm đầu thấy tôi toòng teng trên cổ hai cái máy ảnh bước vào Sở chỉ huy, Tư lệnh bảo:
- Cậu lại chụp ảnh à?
Tôi báo cáo trung đoàn tình nguyện của ông Nguyễn và cả sư đoàn muốn có ảnh Tư lệnh chỉ huy chiến dịch để lưu trong phòng truyền thống sau này.
Tư lệnh bảo:
- Chụp tớ ít thôi.
Ông vẫn thân mật và giản dị như ngày nào.
Tôi biết Tư lệnh từ mấy năm trước, trong lần sư đoàn cùng thiết giáp dàn trận tập thực binh trên vùng đồi núi. Bấy giờ ông ở cơ quan tham mưu cấp trên về trực tiếp chỉ đạo cuộc thao diễn cồng kềnh xe pháo khi hành quân kéo dài cả gần trăm cây số trên mặt đường. Ở tuyến tập kết, ông bỗng thay đổi đề bài các cấp chỉ huy đã nghiên cứu địa hình từ trước đó, ấy là đẩy thiết giáp vào sâu tuyến phòng ngự của “địch” trên dãy đồi núi nhấp nhô hình răng cưa. Đánh nhau thiết giáp chứ đâu như lính bộ binh, cắp khẩu súng ở nách, nấp vào đâu cũng được. Chưa trinh sát kỹ, biết ấn cả trăm xe pháo vào chỗ nào ở chân “răng cưa” kia để không hở lưng, hở sườn, lại bám được gần địch trước khi phát hỏa. Bị bất ngờ thay đổi kế hoạch, các cấp chỉ huy tiểu đoàn, trung đoàn, sư đoàn và đơn vị bộ binh phối thuộc đứng quanh bản đồ tác chiến bàn mãi mà vẫn chưa đưa ra được phương án thích hợp. Cuối cùng Trung đoàn trưởng Trung đoàn T54 xoè cả hai bàn tay trước mặt Tư lệnh: “Thưa anh, anh em chúng tôi nòi bộ binh, quen hành quân chân đất, bây giờ mới được đặt đít lên xe tăng, còn bỡ ngỡ. Xin Tư lệnh gợi ý cho các đơn vị sẽ vào tuyến xuất phát xung phong chỗ nào cho thích hợp?”.
Tư lệnh bảo trung đoàn trưởng đưa cho ông bút dạ, rồi cúi người vạch một vạch cắt ngang tấm bản đồ, nói: “Tuyến xuất phát xung phong của các anh ở bên này vạch mực xanh, nghĩa là dưới khu đồi hình răng cưa. Từng xe đứng ở đâu thì do đại đội, trung đội, tiểu đội và anh em quyết định. Chả lẽ lên đó gặp bãi lầy, hoặc vách dựng anh em lại ấn tăng vào? Đánh bằng thiết giáp đôi khi chiến sĩ quyết định hành động của cấp chỉ huy. Các anh về đơn vị bàn với anh em.
Hôm sau, cuộc thực binh bắt đầu. Cả một vùng đồi núi rung động vì tiếng gầm của động cơ thiết giáp, bốc khói bụi mù mịt. Tôi xách máy ảnh chạy theo Tư lệnh bước vào căn lán của một tiểu đoàn trưởng bộ binh phối hợp. Vào lán, Tư lệnh đến ngay chỗ đặt máy điện thoại, tự quay số về đại đội, lắng nghe đầu dây bên kia chỉ có tiếng u u và lạo xạo.
Tư lệnh nói, nhưng đại đội ở đầu dây bên kia không có người sẵn sàng nghe lệnh của tiểu đoàn trưởng.
Không chờ nghe tiểu đoàn trưởng nói lại, Tư lệnh xuống kiểm tra đại đội ông vừa gọi điện tới. Có vẻ như tiểu đoàn trưởng vừa chấn chỉnh đại đội bỏ quên máy điện thoại, nên khi Tư lệnh đến, đơn vị ngăn nắp đâu vào đấy, có người trực máy còn anh em tập hợp từng tốp ngay ngắn cạnh xe tăng.
Tư lệnh đến một kíp xe, nói chuyện xuề xòa với bộ đội: “Tớ muốn xem các cậu tập tành thế nào. Có gì các cậu cứ nói, không khách khí”.
Tư lệnh hỏi chiến sĩ lái xe có gương mặt láu lỉnh, cằm nhọn như con gái, tóc mượt như tơ:
- Kíp xe trực chiến của cậu mấy người?
Cậu ta đưa tay lên vành mũ:
- Báo cáo, kíp xe của chúng em có năm người.
Tư lệnh hỏi:
- Các cậu có biết quê quán của nhau không?
Cậu ta bảo:
- Anh em không những biết quê quán mà còn biết đặc điểm quý hóa của một số vùng quê…
- Hay đấy nhỉ. Đặc điểm quý hóa là thế nào?
Cậu ta vẫn hồn nhiên:
- Dạ, chẳng hạn anh này, dân “Cầu tõm”, còn anh kia là quê “Cho em mượn tí xà phòng”.
- Hay đấy nhỉ. Này, trong kíp xe có ai là đảng viên không? - Tư lệnh truy tiếp.
- Dạ không. Chỉ có một cậu học cảm tình đảng trước khi nhập ngũ.
Tư lệnh đặt tay lên vai người chiến sĩ:
- Kinh nghiệm của tớ, đã cùng tổ chiến đấu thì phải biết rõ về nhau. Hiểu thành phần xuất thân, quê quán mới hiểu tính nết mà đánh đấm. Chẳng hạn anh Thái Bình, quê lúa thì mộc mạc, chân chất, làm gì cũng huỳnh huỵch như vác đất, còn anh mà các cậu gọi là “Cho em tí xà phòng”, vừa có ruộng cấy lúa, vừa có đồi rừng trồng cây, lại chăn nuôi nên nhanh chân tay lắm, tiếp đạn cho pháo tăng thì nhất. Biết quê quán của nhau chưa đủ đâu, còn phải biết bạn chiến đấu của mình có người yêu chưa? Cậu nào đang yêu, cậu nào bị đá? Tất cả những chuyện này đều ảnh hưởng đến tâm lý chiến đấu. Lịch sử từng có chuyện một quân vương nổi cáu với ái phi mà hô quân đi chinh phạt, gây bao nhiêu máu chảy.
Bây giờ tôi hỏi riêng cậu, cậu đã tính đến ngày về quê chưa?
Cậu ta ngớ người:
- Thưa thủ trưởng, chúng em được giáo dục gắn bó lâu dài với quân đội.
Tư lệnh gật đầu:
- Nhận thức như vậy là tốt. Nhưng làm chiến sĩ vẫn phải nghĩ đến ngày về. Người lính dù ở chiến trường nào đều nhớ đường về nhà, hẹn với người thân sẽ trở về. Đó cũng là động lực. Nếu không có đích trở về như thế, sẽ thiếu sức mạnh chiến đấu.
Tư lệnh vui vẻ với anh em trong cuộc diễn tập ngày nào ấy bây giờ đang ngồi kia, trước trận đánh. Tôi định chụp Tư lệnh một kiểu ảnh ngồi đăm chiêu bên bản đồ nhưng sợ đèn chụp lóe sáng đột ngột, làm ảnh hưởng đến suy nghĩ của ông nên thôi.