Tôi làm quen dần với nếp làm việc ở Sở chỉ huy Mặt trận.
Tôi vốn thích nếp sống xuề xòa của ông Nguyễn, muốn hút thuốc lào chỗ nào cũng được. Ở đây kể cả cô gác máy điện thoại ở nơi làm việc của Tư lệnh nhìn mặt cũng khó đăm đăm và kiệm lời. Không đẹp, không xấu, giá không có đôi mắt tròn, to, lấp lánh thì cô chẳng khác gì thằng vì ngực phẳng như đàn ông.
Tôi hỏi chuyện:
- Đồng hương quê ở đâu?
Bích nói cụt ngun ngủn:
- Nghe giọng mà không biết quê à?
Tôi bảo:
- Không phân biệt được giọng Thanh Hóa với Nghệ An.
Cô nói gọn lỏn:
- Quảng Xương.
Vậy là dân Thanh Hóa rồi. Phải là lính cựu đã từng lân la qua các đơn vị như tôi mới biết, đến đâu, gặp được ông chỉ huy là người Thanh Hóa thì no. Chỉ huy là người Thanh Hóa hào phóng và tốt nết. Đơn vị có khó vẫn nhịn miệng đãi khách. Còn gái thanh niên xung phong Thanh Hóa nổi tiếng liếc láy, đôi khi có dịp các cô cũng sẵn sàng bỏ chính chuyên ở nhà. Tôi đang tìm cách tháo dỡ hàng rào ngoài cùng bao bọc cô gái Thanh Hóa thì chợt có loạt bom nổ phía ngoài, hang đá rung lắc làm rơi những giọt nước trên nhũ đá.
Tư lệnh như chợt tỉnh, đi nhanh về phía Bích trực điện thoại, bảo:
- Cô nhớ nhắc trực ban tác chiến ghi 15 giờ 36 phút, máy bay đánh bom hướng khe Ve. Cô cho tôi nói chuyện với “dê” .
Bích quay máy, cầm ống nghe, nghe thử, rồi đưa cho Tư lệnh:
- Anh Thiềng đấy à? - Tư lệnh hỏi - Lúc bom nổ cậu có kịp quan sát không? Nó bổ nhào hay tọa độ?
Tiếng từ đầu máy bên kia, nói:
- Nó tọa độ thì phải thủ trưởng ạ.
- Nghĩa là cậu không kịp quan sát? - Tư lệnh truy vấn.
- Em đứng trong công sự, bị che khuất.
Mặt Tư lệnh có vẻ không vừa ý. Tuy nhiên ông không gắt gỏng, mà nhẹ nhàng:
- Công sự của các cậu có sâu không?
- Báo cáo, ngang tầm ngực. Có cậu còn đào sâu tận cổ, lại có cả hàm ếch, chắc chắn lắm ạ.
- Sâu thế kia à? - Giọng Tư lệnh có vẻ ngạc nhiên - Cậu lên khỏi công sự, mang trang bị chiến đấu rồi nhảy xuống công sự nhé. Chuẩn bị đi, lúc nào tôi hô thì làm…
Tiếng máy bên kia:
- Báo cáo, em chuẩn bị xong rồi ạ.
- Chờ lệnh tôi - Tư lệnh xem đồng hồ rồi ra lệnh - Nhảy!
Lát sau, tiếng Thiềng vang trong máy:
- Báo cáo, tôi nhảy xuống rồi ạ.
- Bây giờ cậu thoát nhanh khỏi công sự. Để tôi nhìn đồng hồ. Bắt đầu.
- Báo cáo….
- Cậu chưa thoát khỏi công sự chứ gì?
- Dạ... Em lên được rồi.
Tư lệnh lắc đầu:
- Mười hai giây sau khi có lệnh xung phong tiểu đoàn trưởng mới ra khỏi công sự. Mười hai giây, cậu nhớ chưa? Với một anh lính bộ binh xung phong thì thời gian đó đã vượt lên một đoạn mười mét. Mười mét tiến vào chiều sâu trận địa là đáng kể lắm.
- Thưa Tư lệnh - Giọng Thiềng - Trang bị của tiểu đoàn trưởng không gọn nhẹ, công sự cá nhân lại chưa có bậc đặt chân, cho nên…
- Cậu làm theo hướng dẫn của tôi, hãy lấp bớt những công sự đào quá sâu, cho đến khi nào chỉ còn ở ngang tầm thắt lưng để quan sát xa hơn và khi cần thì nhún một cái đã lên mặt đất. Cậu đem bộ đội ra chiến trường để họ chui vào lòng đất à? Càng nấp kỹ, anh em càng sợ... Chỗ cậu ở đã là tuyến xuất phát xung phong rồi. Không ai đào công sự ở tuyến xuất phát sâu như thế.
Tư lệnh đưa máy cho cô Bích, bảo:
- Cô mời Chính ủy ra đây làm việc.
Cô Bích đi một lát thì một người cao, gầy, nước da mai mái, nụ cười toàn răng bước ra.
Đó là Chính ủy Thiện.
Không chỉ ở Sở chỉ huy Mặt trận mà ở dưới đơn vị không ít anh em biết nỗi buồn của Chính ủy. Nỗi buồn in trong đôi mắt hõm sâu của ông, thăm thẳm như mắt tượng nhà mồ, có thể suốt đời ông không xóa được.
Gia đình ông ở Vĩnh Linh. Trước khi sang Thượng Lào ông được tranh thủ thăm vợ con. Vợ ông là Phó Bí thư Đảng ủy xã, trực tiếp phụ trách đội thuyền tiếp tế cho đảo Cồn Cỏ. Vì thế vài lần trước, ông ghé thăm nhà nhưng chỉ gặp con vì vợ đang ở đảo. Lần này để vợ chồng có thể gặp được nhau, ông đã nhắn báo trước… Tưởng họ sẽ có cuộc đoàn viên, nào ngờ ông vừa đánh xe vào đầu làng thì mấy bà chặn xe ông lại, kêu: “Ối ông Thiện ơi là ông Thiện, ra ngay bến thuyền…”. Ông theo cả tốp người, hầu hết đàn bà con gái chạy tắt đường ra bến. Trận bom vừa giội xuống đây, hố còn bốc khói trên lối xuống bến cá. Mấy chiếc thuyền gỗ bị bom hất lên bãi cát, bẹp nát. Thuyền tiếp tế Cồn Cỏ của o Hoàn, vợ ông vừa áp bến thì bom giội, nhấn chìm. Ông Thiện vội nhảy xuống biển tìm người với mọi người. Như là có điềm báo, ông vừa nhảy xuống nước thì thi thể o Hoàn nổi lên trước mặt ông. Đêm ấy, ông làm lễ mai táng vợ xong thì ngồi ôm đứa con gái sáu tuổi ở bậu cửa. Ông bà nội đã mất. Ông bà ngoại già yếu, biết gửi con cho ai để ra trận? Thức đến sáng, ông còn đang băn khoăn chưa biết gửi con vào đâu thì mấy cô ở hội phụ nữ huyện tìm gặp. Cô trẻ nhất trong ba cô đưa tay đỡ bé gái trong tay ông Thiện: “Anh để em nuôi cháu. O Hoàn chăm sóc cháu thế nào, em chăm sóc như vậy”. Nghe tin mới rồi ông Thiện có nhận được thư cô nuôi dạy con, khoe rằng con nhỏ kêu o bằng mạ.
Chính ủy Thiện ngồi xuống trước mặt Tư lệnh, đặt chiếc sắc cốt vải bạt lên bàn. Có lẽ ông Thiện đã nghe cuộc điện thoại của Tư lệnh trước đó, nên Tư lệnh chưa nói, ông đã nói:
- Tôi nghĩ tay Thiềng không phải không biết đào công sự ở tuyến xuất phát xung phong.
- Hắn cho bộ đội nấp sâu vào lòng đất có lẽ có vấn đề về nhận thức chiến dịch ở đây. Hắn tưởng năm nay cũng sẽ đánh lâu dài như năm ngoái, năm xưa, nên dự phòng…
- Anh cho tôi xuống dưới dê bốn xem sao.
Tôi xách máy ảnh chạy theo Chính ủy. Vừa ra cửa hang, lại rầm rầm một đợt bom nữa, nhưng lần này ở xa. Chính ủy nhìn đám khói bốc lên từ nơi bom vừa nổ, bảo:
- Thằng Mỹ bỏ bom lung tung, chứng tỏ nó chưa biết mình ở đâu. Ta đi.
Đó là những gì tôi chứng kiến ngay buổi chiều tôi đến hang Toa Tàu để chụp ảnh Tư lệnh. Xem ra làm việc ở đây cũng dễ thở nếu không bị ông thiếu tá Ban Kiểm sát lúc nào cũng như nhìn tôi vè vè. “Tuy Tư lệnh cho phép cậu chụp ảnh làm tài liệu truyền thống, nhưng, không phải lúc nào cậu cũng trực trong hầm chỉ huy. Chụp xong là phải ra khỏi nơi Tư lệnh làm việc”. Ông giám sát tôi kiểu giám sát đứa trẻ hay phá phách.
Chính ủy vừa bước vào lán, nói ngay với Tiểu đoàn trưởng Thiềng:
- Tập hợp cho tôi một tiểu đội với đầy đủ trang bị.
Lát sau, một tiểu đội tập hợp một hàng ngang, ba lô nặng trên vai. Chính ủy đứng trước hàng quân, ra lệnh cho họ ngồi xuống, mở ba lô cho ông kiểm tra. Bộ đội mở ba lô giấu giấu giếm giếm, nhưng Chính ủy vẫn nhận ra trong ba lô của mỗi người đều có một gói, gói kỹ càng bằng ni lông, bên trong hoặc là một cơ số đạn, một bọc ruốc mặn, một cân lương khô và số ít thuốc men.
- Cái gì đây? - Chính ủy hỏi tiểu đoàn trưởng.
Tiểu đoàn trưởng hào hứng:
- Báo cáo Chính ủy, quân tử phòng xa ạ. Chúng em là con nhà nghèo, sợ đánh dài kéo sang mùa mưa tắc đường vận tải… cho nên cho anh em dành dụm…
- Ai bảo anh chiến dịch này sẽ đánh sang mùa mưa năm sau?
- Báo cáo, kinh nghiệm mấy năm ở Thượng Lào dạy chúng em, chứ không nghe ai bảo ạ.
Chính ủy bảo:
- Thảo nào các anh đào công sự đến cổ để cần thì khoét thành hầm trú chân mùa mưa. Anh nhận thức sai về chiến dịch lần này rồi. Lần này tiến nhanh, đánh nhanh, đánh dứt điểm trong mùa khô, đánh diệt gọn để địch không có cơ hội chiếm lại Cánh Đồng Chum… Anh tập hợp cán bộ cả tiểu đoàn về đây cho tôi.