Tôi nhớ sau buổi tối cô kỹ sư Oanh dẫn xe tăng lên đỉnh cao thì hai ngày sau, cuộc tổng công kích tập đoàn cứ điểm của địch ở Cánh Đồng Chum nổ ra.
Hai ngày, nghĩa là 48 giờ, mặt trận như chiếc cối xay khổng lồ chuyển động, chuyển động không ngưng nghỉ để bộ đội vượt qua tầng tầng bom đạn vào vị trí xuất phát tiến công.
Bốn mươi tám giờ sở chỉ huy của Tư lệnh Mặt trận lúc nào cũng có người ra vào rậm rịch. Tôi không biết Tư lệnh ngủ vào lúc nào, bởi lần nào vào sở chỉ huy để chụp ảnh, tôi cũng thấy ông, hoặc ngồi trầm ngâm trước bản đồ, hoặc trao đổi với người nào đó. Tình hình càng căng thẳng, dường như Tư lệnh càng mềm mại hơn, nói nhẹ và mềm mỏng với cấp dưới.
Bốn mươi tám giờ trước trận đánh, tôi gặp lại cả ông Nguyễn và ông Đệ làm việc với Tư lệnh không phải ở Sở chỉ huy trong hang đá, mà trên đài quan sát đặt ở nóc hang.
Bây giờ tôi và ông Nguyễn lên thăm lại đài chỉ huy, theo lối vòng sang sườn núi bên kia, dễ đi. Nhưng ngày đó từ hang chỉ huy lên đài chỉ có lối lên bằng nối tiếp những chiếc thang tre. Tôi từng leo thang đó, đếm có 76 bậc cả thảy. Tư lệnh cùng ông Nguyễn và ông Đệ lên đài theo đường thang, có bộ đội giúp, người kéo tay, người đỡ lưng. Từ khi vào chiến dịch giải phóng Cánh Đồng Chum đây là lần đầu tôi gặp ông Nguyễn và ông Đệ đối mặt nhau trước Tư lệnh mặt trận.
Tôi nhớ chụp được kiểu ảnh Tư lệnh chỉ về hướng núi phía Tây Nam, nói với ông Đệ:
- Trung đoàn Thảo Nguyên của anh đang đứng kia. Phương án chặn địch rút của anh như thế nào, để hiệp đồng với bên anh Nguyễn?
Ông Đệ chỉ về phía một thung lũng, nói:
- Hướng chặn địch rút của trung đoàn là dọc thung lũng suối cạn này. Chúng tôi sẽ bịt chặt cửa suối cạn lại.
- Ý kiến anh Dũng, Tham mưu trưởng?
- Tôi cũng đã thống nhất như vậy!
- Còn anh? - Tư lệnh hỏi lại ông Đệ.
- Báo cáo Tư lệnh, một trăm phần trăm cán bộ trung đoàn đều thống nhất phương án Suối Cạn chặn địch rút quân.
Tôi thấy ông Nguyễn có vẻ đứng ngồi không yên. Ông tra thuốc vào nõ, xòe lửa, nhưng chưa hút ngay, lửa cháy cả vào ngón tay.
- Không ai có ý kiến khác à? - Tư lệnh hỏi ba ông.
- Nhất trí cả, anh ạ - Ông Đệ nói.
Tư lệnh quay sang ông Nguyễn:
- Còn anh?
Ông Nguyễn phả khói thuốc lào, thủng thẳng đáp:
- Lần này chúng ta đánh nhau với thằng địch mù.
- Tôi không hiểu anh Nguyễn định nói gì? Ông Đệ phản ứng nhanh.
- Trăm phần trăm cán bộ nhìn thấy Suối Cạn thì thằng địch nó cũng nhìn thấy - Ông Nguyễn nói.
Ông Đệ thở phì một tiếng, nói:
- Tác chiến ở quy mô binh chủng hợp thành không thể giữ bí mật như du kích đánh nhỏ, phân tán. Thực tế chiến trường bây giờ ta và đối phương đánh bài ngửa, yếu tố bất ngờ là sử dụng sức mạnh và thời cơ nổ súng.
Tư lệnh nói:
- Nhưng thằng địch khi đã ngửi thấy lực lượng cơ động mạnh của ta ở đây, nó sẽ không đánh bài ngửa với anh mà chơi ú tim thì anh xử lý thế nào? Tôi không tin một kế hoạch quân sự dễ dãi lại có thể chiến thắng. Ta dễ dàng nhìn thấy, địch nó cũng nhìn thấy ta.
- Vậy trung đoàn xin chỉ thị của Tư lệnh?
- Phương án đánh địch rút chạy... phải chờ.
- Nghĩa là... chúng tôi bị động?
- Không phải các anh chỉ biết ngồi chờ lệnh, mà phải theo dõi diễn biến chiến dịch để có đối sách thích hợp. Nhiều khi cách đánh chỉ nảy ra khi nổ súng. Đón thời cơ vụt đến trong khoảnh khắc. Các anh thống nhất chưa?
Tư lệnh giơ đồng hồ lên:
- Các anh lấy giờ theo đồng hồ của tôi.
So đồng hồ xong, mọi người chia tay nhau. Tôi thấy ông Nguyễn bắt tay ông Đệ, rung rung.
Phải đêm sau, nghĩa là 24 giờ nữa, các cấp chỉ huy mới dùng đến đồng hồ so theo giờ Tư lệnh.