Nơi này thật xa lạ.
Tôi mở to đôi mắt, nhìn chằm chằm vào trong bóng tối và cảm thấy hoảng sợ,
Chiếc giường lạ lẫm, căn phòng lạ lẫm, ánh sáng lọt qua ô cửa sổ cũng lạ lẫm. Tôi đã có một phút chìm trong cơn ác mộng, thứ khiến tôi vừa cảm thấy sợ hãi, vừa cảm thấy phấn khích.
Rồi sau đó tôi nhận ra: Mình đã ở thị trấn Fell, thành phố New York.
Tôi là Carly Kirk, hai mươi tuổi, và đáng lẽ ra tôi đã không sống ở đây.
Tôi kiểm tra điện thoại của mình ở trên tủ đầu giường; đã là 4 giờ sáng, chỉ có ánh sáng từ đèn đường và biển hiệu nhà hàng mở cửa hai tư giờ Denny’s chiếu xuyên qua tấm rèm che cửa sổ phòng và tạo thành một ô vuông mờ ảo trên tường.
Giờ tôi không thể quay lại giấc ngủ được nữa. Tôi xoay chân qua cạnh giường, đưa tay với lấy cặp kính trên kệ tủ và đeo lên. Tôi đã lái xe từ bang Illinois đến đây ngày hôm qua, một quãng đường đủ dài để khiến tôi mệt mỏi đến mức ngủ như chết trong cái khách sạn vô danh nhạt nhẽo ở thị trấn Fell này.
Đây không phải là một nơi ấn tượng gì cho lắm; Google Earth đã chỉ cho tôi biết có thế. Trung tâm thị trấn là một mạng lưới các quán cà phê, tiệm giặt là, cửa hàng đồ cổ cũ kỹ, tòa nhà cho thuê căn hộ và hiệu sách cũ; chúng đang đang nép mình ngay ngắn ở giữa cửa hàng tạp hoá với một cửa hàng tiện lợi. Con phố mà tôi đi qua, với chuỗi khách sạn và chuỗi nhà hàng Denny’s, cắt ngang thị trấn, như thể có rất nhiều người tới thị trấn Fell và chỉ đơn giản là tiếp tục lái xe mà không rẽ ngoặt vào những chỗ còn lại của thị trấn. Tấm biển CHÀO MỪNG TỚI THỊ TRẤN FELL tôi đi qua tối qua đã bị phá hoại bởi một gã ất ơ nào đó, kẻ đã dùng bình xịt sơn để thêm vào tấm biến dòng chữ TRỞ VỀ ĐI.
Tôi đã không trở về.
Sau khi đeo kính vào, tôi cầm điện thoại lên lần nữa, lướt qua những e-mail và tin nhắn được gửi tới trong lúc tôi đang ngủ.
E-mail đầu tiên được gửi tới từ vị luật sư của gia đình chúng tôi. Phần còn lại của quỹ đã được gửi vào tài khoản của cô. Vui lòng xem bảng phân tích được đính kèm.
Tôi đã lướt qua nó mà không đọc phần còn lại, không mở luôn cả tệp đính kèm. Tôi không cần phải xem nó; tôi biết rõ ràng tôi được thừa kế một số tiền từ mẹ, sau khi chia tài sản với anh trai tôi, Graham. Tôi biết rằng cũng chẳng nhiều nhặn gì, nhưng nó cũng đủ giúp tôi sống qua ngày trong một thời gian. Tôi không thích những con số, thế nên tôi chẳng buồn nhìn vào chúng.
Sau cú sốc vì sự ra đi của mẹ – bà mất vì căn bệnh ung thư khi mới năm mươi mốt tuổi – những thứ như là tiền đã trở nên phù phiếm và ngu ngốc đối với tôi.
Sự thật là, nó khiến bạn phải suy nghĩ lại về mọi thứ trong cuộc sống. Đó cũng chính là thứ khiến tôi đưa ra một quyết định điên rồ sau mười bốn tháng chìm trong tuyệt vọng và đau khổ đến cùng cực. Cho đến bây giờ, tôi vẫn không thể ngừng lại được việc tự xem xét lại mọi thứ trong đời mình.
Có một loạt những mẩu tin nhắn đứt quãng được gửi đến từ Graham:
Em nghĩ em đang làm gì vậy, Carly? Rời trường đại học? Trong bao lâu? Em nghĩ em có thể theo kịp sao? Mà thôi, sao cũng được. Nếu như toàn bộ số tiền học bị lãng phí, em sẽ phải tự xoay sở lấy. Em biết điều đó, phải không? Bất kể điều em đang làm là gì, chúc em gặp may. Cố gắng đừng để bị giết.
Tôi ấn nút trả lời và nhắn:
Này, ông hoàng sân khấu. Chỉ mất mấy ngày thôi mà, và em vẫn đang lo liệu tốt mọi thứ. Đây chỉ là một chuyến đi nhỏ, bởi vì em quá tò mò. Anh có giỏi thì chỉ ra chỗ sai của em đi. Em sẽ ổn thôi. Không có dự định bị giết, nhưng cảm ơn anh vì đã quan tâm nhé.
Sự thật là, tôi đang hi vọng sẽ ở đây lâu hơn là một vài ngày. Kể từ khi mất đi Mẹ, việc ở lại trường để lấy tấm bằng Kinh tế dường như trở nên vô nghĩa. Khi tôi bắt đầu học đại học, tôi đã từng nghĩ rằng tôi có rất nhiều thời gian trên đời này để tìm hiểu xem mình muốn gì. Nhưng, cái chết của mẹ đã chứng minh cho tôi thấy rằng cuộc sống này không hề dài lâu như những gì chúng ta nghĩ. Và tôi đã có những câu hỏi mà tôi muốn có câu trả lời. Đây là lúc để tìm ra chúng.
Vị hôn thê của Graham, chị Hailey, đã tự mình gửi tin nhắn cho tôi:
Này! Em ổn chứ?? Chị lo cho em lắm. Chị luôn ở đây nếu em muốn nói chuyện. Có thể em cần một nhà trị liệu tâm lý và cảm xúc khác? Chị có thể tìm cho em một người! Được không? Ôm hôn em!
Chúa ơi, chị ấy tốt thật. Tôi đã đi trị liệu tâm lý và cảm xúc. Liệu pháp tâm lý. Hồn hoàn. Yoga. Thiền. Tự chăm sóc bản thân. Trong khi làm tất cả những điều đó, tôi nhận ra rằng những buổi trị liệu không phải thứ tôi cần. Về lâu về dài, những gì tôi thực sự cần, chính là những câu trả lời.
Tôi đặt điện thoại xuống và mở chiếc máy tính xách tay của mình lên, gõ gõ để đánh thức trạng thái ngủ. Tôi mở tệp tài liệu ở màn hình chính và lướt qua các mục. Tôi chọn ra một bản quét của một tờ báo từ năm 1982, với tiêu đề CẢNH SÁT ĐANG TÌM KIẾM NGƯỜI PHỤ NỮ ĐỊA PHƯƠNG MẤT TÍCH. Bên dưới tiêu đề là bức ảnh chụp một người phụ nữ trẻ, được cắt ra từ một tấm ảnh chụp nhanh. Cô ấy xinh đẹp, hoạt bát, hay cười trước ống kính, mái tóc buông xoã, phần tóc mái của cô ấy được vuốt ngược lên qua trán trong khi phần tóc còn lại xoã xuống trông giống như phong cách cổ điển của những năm tám mươi. Làn da của cô ấy trắng sáng cùng với đôi mắt lấp lánh, kể cả khi trong một bức ảnh chỉ có hai màu đen trắng. Chú thích bên dưới bức ảnh cho biết: Vivian Delaney, hai mươi tuổi, đã biến mất kể từ đêm ngày 20 tháng Mười một. Bất kể ai thấy cô ấy đều được yêu cầu gọi điện trình báo cảnh sát.
Điều này. Điều này chính là câu trả lời mà tôi cần.
Tôi là kẻ mọt sách suốt cả cuộc đời mình, luôn chúi mũi vào một cuốn sách nào đó. Ngoại trừ lần tôi đọc xong cuốn sách The Black Stallion, những cuốn sách tôi đọc đều có nội dung u tối – về những thứ đáng sợ như mất tích hay giết người, đặc biệt là những truyện có thật. Trong khi những đứa trẻ khác đọc J. K. Rowling, thì tôi đọc Stephen King. Trong khi những đứa trẻ khác làm bài tập lịch sử về cuộc nội chiến, thì tôi đọc về Lizzie Borden. Bản tường thuật mà tôi viết về nó – được hoàn chỉnh bởi những chi tiết chính xác nơi mà chiếc rìu giáng xuống cha và mẹ của Lizzie – đã khiến cho cô giáo tôi phải gọi cho mẹ tôi đầy lo lắng. Carly vẫn ổn chứ? Mẹ tôi gạt nó đi, bởi vì đến lúc đó bà ấy mới biết đời sống nội tâm của con gái mình đen tối như thế nào. Con bé ổn. Con bé chỉ là thích đọc về thể loại giết người, vậy thôi.
Điều mà mẹ không đề cập tới – thực ra là rất ghét phải nói tới – chính là việc tôi đến với sở thích đó một cách hoàn tự nhiên. Đơn giản là có một vụ giết người chưa được giải quyết ở trong gia đình tôi, và tôi đã bị ám ảnh trong một khoảng thời gian dài.
Tôi ấn vào mẩu báo được cắt ra một lần nữa. Viv Delaney, cô gái ở trong tấm ảnh, là chị gái của mẹ. Vào năm 1982, bà ấy biến mất trong lúc làm việc ca đêm tại nhà nghỉ Sun Down và từ đó không ai thấy bà ấy nữa.
Biến cố này tạo ra một sự hụt hẫng ghê gớm trong gia đình tôi, là điều mà tất cả mọi người đều hiểu nhưng e ngại nhắc đến. Sự mất tích của Viv là một nỗi mất mát không thể phủ nhận. Đừng bao giờ hỏi mẹ con về chuyện đó, bố tôi đã nói như vậy vào một năm trước khi ông ấy qua đời. Bố sợ làm bà ấy tổn thương. Thậm chí anh trai của tôi, tên phiền phức ấy, cũng khá nhạy cảm về chuyện đó. Chị gái của mẹ đã bị giết, anh ấy nói với tôi như vậy. Ai đó đã bắt cóc và giết hại bà ấy, giống như gã sát nhân với chiếc lưỡi câu. Nó khiến anh thấy sợ hãi. Hèn gì mẹ không hề nhắc tới chuyện đó.
Bác Viv của tôi đã mất tích suốt ba mươi lăm năm. Cả ông và bà ngoại của tôi đều đã không còn nữa. Không hề có những bức ảnh chụp bác Viv trong nhà của chúng tôi, cũng chẳng còn lại kỷ vật nào về bác ấy. Cái năm trước khi mẹ mất, tôi về nhà vào kỳ nghỉ hè, tôi đọc được một bài viết trên mạng và đó là lần đầu tiên tôi được thấy mặt bác Viv. Tôi cứ tưởng thời gian trôi qua đủ lâu để làm phai nhạt đi nỗi đau, thế nên tôi đã in mẩu báo được cắt ra và đưa cho bà ấy xem. “Hãy xem con tìm được gì này,” tôi nói.
Mẹ đang ngồi trên ghế sô pha ở trong phòng khách, xem Tivi sau bữa tối. Bà ấy lấy mẩu báo từ tay tôi và đọc nó. Bà nhìn chằm chằm vào bức ảnh và dường như không thể rời mắt khỏi nó.
Bà quay lại nhìn tôi, một ánh mắt kì lạ mà tôi chưa từng thấy trước đây và cũng không bao giờ được thấy thêm một lần nữa. Đau đớn, có lẽ vậy. Kiệt quệ. Một nỗi sợ hãi khắc sâu, già cỗi và mục nát. Vào thời điểm đó, tôi không hề hay biết rằng bà ấy đang mắc ung thư, rằng tôi sẽ chỉ còn ở bên bà ấy chưa đầy một năm nữa. Có lẽ lúc đó bà ấy đã biết và không nói cho tôi, nhưng tôi không cho là như vậy. Ánh mắt ấy, nỗi sợ ấy, đều là về bác Vivian.
Cuối cùng bà ấy cũng cất tiếng nói, một giọng nói đều đều, không nhấn nhá. “Vivian chết rồi,” bà ấy nói, đặt mẩu báo xuống, đứng dậy và rời khỏi phòng.
Tôi không nhắc đến chuyện đó trước mặt mẹ thêm một lần nào nữa.
***
Chỉ sau khi mẹ mất thì tôi mới phát cuồng lên. Không phải với mẹ, thật sự – bà ấy đang là trẻ vị thành niên khi bác Viv mất tích, bà ấy đâu thể làm được gì nhiều. Nhưng còn những người khác thì sao? Cảnh sát? Những người dân địa phương? Ông bà ngoại tôi? Tại sao họ lại không nỗ lực tìm kiếm trên toàn tiểu bang?
Tại sao người ta lại để bác Viv biến mất một cách bặt vô âm tín như thế?
Người đầu tiên tôi hỏi chuyện là anh Graham, người lớn tuổi hơn tôi và nhớ nhiều chuyện hơn tôi. “Ông bà ngoại đã ly hôn từ trước đó,” Graham nói. “Khi bác Viv mất tích, bà ngoại chỉ là một người mẹ đơn thân.”
“Thế thì sao? Thế thì bà ngoại không cần phải tìm kiếm đứa con gái mất tích của mình à? Còn cả ông ngoại nữa?”
Graham nhún vai. “Bà không có nhiều tiền. Mẹ nói với anh rằng bà ấy và bác Viv từng cãi nhau suốt ngày. Họ không hợp nhau chút nào.”
Tôi nhìn chằm chằm vào anh ấy và hoàn toàn bị sốc. Chúng tôi đang trong căn nhà mà mẹ từng thuê để đóng gói vài vật dụng của bà ấy, hai anh em tôi đang nghỉ tay và ăn nhẹ. “Mẹ kể với anh thế à? Bà ấy chưa từng nói với em như vậy.”
Anh trai tôi nhún vai thêm lần nữa, dựa lưng vào thùng đồ và lướt điện thoại. “Hồi đó họ không có Internet hay xét nghiệm ADN. Nếu em muốn đi tìm một người bị mất tích, em phải lái xe, chạy quanh quanh để đi tìm. Bà không thể bỏ làm và đi tới thị trấn Fell. Và ông thì đã tái hôn vào thời điểm đó. Anh không nghĩ ông ấy bận tâm quá nhiều về họ đâu.”
Điều đó là sự thật. Mẹ tôi không có mối quan hệ quá tốt với ông ngoại, người đã để cho gia đình của chính mình sống nay chết mai mà không ai hay. Mẹ thậm chí còn không tới viếng đám tang của ông. “Thế còn cảnh sát thì sao?” Tôi nói.
Graham bỏ điện thoại của anh ấy xuống và suy nghĩ lại. “Ồ, bác Viv đã rời khỏi nhà khi bác ấy hai mươi tuổi,” anh ấy nói. “Anh đoán họ nghĩ rằng bác ấy chỉ đang đi đâu đó.” Anh ấy nhìn tôi. “Em thực sự rất hứng thú với chuyện này phải không?”
“Đúng vậy, em thực sự rất hứng thú với nó. Họ thậm chí đã không tìm thấy thi thể. Giờ không còn là năm 1982 nữa. Giờ chúng ta có Internet và xét nghiệm ADN. Có lẽ điều gì đó sẽ khác đi.”
“Bởi em?”
Đúng thế, bởi tôi. Dường như cũng không thể là ai khác ngoài tôi. Giờ mẹ đã mất, tôi có thể hỏi bất cứ điều gì mà không làm tổn thương bà ấy. Mẹ đã mang theo toàn bộ những ký ức về bác Viv khi bà ấy qua đời, những điều tôi chưa từng nghe. Sự tức giận của tôi về chuyện đó trở nên không thể cứu vãn nổi, một điều mà cả nhà trị liệu và nhà cố vấn đều nói rằng tôi phải vượt qua. Nhưng sự tức giận của tôi về những người khác, lòng phẫn nộ khi sự biến mất và cái chết của bác tôi bị coi nhẹ, tất cả như chỉ mới xảy ra ngày hôm qua – tôi chỉ có thể vượt qua chuyện đó bằng việc tới thị trấn Fell và tự tìm kiếm câu trả lời của riêng mình.
Tôi ấn vào trang báo khác mà tôi lưu trữ ở trên máy tính cá nhân của mình. Tiêu đề của bài báo chỉ đơn giản là CÔ GÁI MẤT TÍCH VẪN CHƯA ĐƯỢC TÌM THẤY. Chi tiết của bài báo khá sơ sài: Viv hai mươi tuổi; sống tại thị trấn Fell trong vòng ba tháng; nhân viên ca tối ở nhà nghỉ Sun Down. Cô ấy đi làm và thi thoảng biến mất vào giữa ca làm, cô ấy đã để lại xe, ví và những vật dụng cá nhân của cô. Bạn cùng phòng của cô ấy, một cô gái tên là Jenny Summers, nói rằng bác Viv là “một người tốt bụng, dễ dàng để làm quen.” Viv còn được miêu tả – bởi một người không được đề cập tới – là “xinh đẹp và hoạt bát”. Không ai có thông tin gì về bạn trai cô ấy. Cô ấy không sử dụng chất gây nghiện hay đồ uống có cồn. Mẹ cô ấy – tức là bà ngoại tôi – được được cho là “lo lắng đến mức ngã bệnh.”
Cô ấy là một cô gái xinh đẹp, đã ra đi.
Chân trần. Không có bất cứ đồng nào trong người.
Vivian đã chết.
Trường hợp của bác Viv không nhận được sự chú ý đến từ truyền thông quốc gia hay thậm chí đến từ truyền thông tiểu bang. Tờ báo địa phương của thị trấn Fell không được số hóa – các thông tin chỉ được lưu trữ bằng giấy tờ tại thư viện. Khi tôi bắt đầu khai thác chúng, tất cả những gì tôi tìm thấy là những blog về những vụ phạm tội có thật và những chủ đề trên Reddit bởi những vị thám tử chỉ biết xét đoán mọi thứ qua tài liệu. Không có một bài blog hoặc một chủ đề nào là về bác Vivian, nhưng lại có rất nhiều trong số những bài này viết về thị trấn Fell. Bởi vì thị trấn Fell, hoá ra là, có nhiều hơn một vụ giết người chưa được giải quyết. Với một nơi nhỏ bé như thế này, đây quả thực là thiên đường cho những người ưa thích tìm hiểu những vụ án có thật.
Bài báo thứ hai nằm trong đống tư trang của mẹ. Tôi tìm thấy nó trong khi dọn tủ quần áo của mẹ sau khi bà ấy qua đời, nó nằm trong một chiếc bao thư ở đằng sau ngăn kéo. Một chiếc bao thư màu trắng, sắc nét và mới tinh. Đằng sau bao thư là dòng chữ viết tay đáng yêu của mẹ: Số 27 phố Greville, dãy nhà C.
Có lẽ đó là địa chỉ của bác Viv chăng? Mẩu báo ở trong chiếc bao thư này đang mủn dần, vì vậy tôi đã chụp lại nó lại và coi như đây là thứ đầu tiên mà tôi tìm thấy.
Vivian đã chết
Mẹ không còn muốn nhắc tới những kỷ niệm về cô em gái và tuyệt đối tránh bàn luận, nhưng rồi bà ấy vẫn giữ bài báo này suốt ba mươi lăm năm qua cùng với địa chỉ. Bà ấy thậm chí đã bỏ nó vào chiếc bao thư mới, chép lại dòng địa chỉ; điều đó có nghĩa là bà ấy đã bỏ bài báo ra khỏi chiếc bao thư cũ và có lẽ đã đọc nó một lần nữa.
Bác Viv có thật. Bác ấy không phải một câu chuyện kinh dị hay một câu chuyện ma. Bác ấy có thật, bác ấy là chị gái ruột của mẹ – và khi nhìn vào chiếc bao thư trắng mới cứng, tôi biết rằng bác ấy quan trọng đối với mẹ, rất nhiều, theo một cách nào đó mà tôi đã đánh mất cơ hội để thấu hiểu.
Đây là tất cả những gì mà tôi có: hai bài báo và một kỷ niệm đau buồn. Nhưng bây giờ tôi đã có nhiều hơn thế, tôi có một chút tiền và tôi có một bản đồ cực kỳ rõ ràng từ bang Illinois tới thị trấn Fell, New York. Tôi có địa chỉ căn hộ, đó có thể là của bác Viv, và nhà nghỉ Sun Down nữa. Tôi không có bạn trai và cũng không theo đuổi một sự nghiệp mong ước. Tôi có một chiếc xe ô tô với số đồ đạc ít ỏi tới nỗi chúng để vừa vặn ở ghế sau. Tôi hai mươi tuổi và vẫn còn chưa bắt đầu sống cuộc sống của mình. Cũng giống như bác Viv vậy.
Vì vậy tôi đã bỏ học – Anh Graham thực sự coi đây là một vấn đề cực kỳ nghiêm trọng – rồi thực hiện chuyến đi xa của mình. Và giờ tôi ở đây. Tôi thích việc lang thang xung quanh thị trấn và vùi mình vào đống tờ báo địa phương ở trong thư viện. Tôi thích tự mình đi ngắm nhìn nhà nghỉ Sun Down, vì theo thông tin trên mạng thì nó vẫn hoạt động. Có lẽ người nào đó đã sống ở đây sẽ biết đến bác Viv, nhớ ra bác ấy, rồi kể cho tôi nghe về bác. Có lẽ tôi có thể khiến cho bác ấy không còn mờ nhạt như mẩu giấy in báo phai màu được giấu ở trong ngăn kéo của Mẹ. Sự biến mất của bác ấy là một bí ẩn lớn nhất của gia đình tôi – tôi muốn được tận mắt chứng kiến, và tất cả những gì mà tôi phải trả giá cho chuyện này chỉ là vài ngày nghỉ học.
Đừng để bị giết. Anh trai tôi là vậy, luôn cố gắng hù dọa tôi. Nhưng nó không hiệu quả. Tôi không dễ dàng bị hù dọa như vậy.
Tuy nhiên, khi đóng chiếc máy tính xách tay lại thì những ám ảnh lại hiện lên: người phụ nữ xấu số trong bức ảnh đã chịu những đau đớn như thế nào, ai đó đã bắt cô gái hai mươi tuổi ấy rồi lôi đi đâu đó, có thể là làm chuyện gì đó đồi bại rồi giết chết cô. Vứt xác cô ấy ở một nơi nào đó đơn độc, nơi mà có lẽ cô ấy vẫn còn ở đó. Có lẽ giờ đây cô ấy chỉ còn lại một bộ xương khô. Có lẽ tên sát nhân đó, dù hắn có là ai đi chăng nữa, giờ có thể đã chết hoặc là ở trong tù. Nhưng cũng rất có thể là chưa.
Vivian đã chết.
Thật không công bằng khi bác Vivian bị lãng quên, chỉ còn lại vài mẩu báo in và không có bất cứ thứ gì khác. Thật không công bằng khi mẹ ra đi rồi mang theo những ký ức và cả nỗi buồn theo cùng bà ấy. Thật không công bằng khi bác Viv không còn quan trọng với bất cứ ai ngoài tôi.
Tôi đã ở thị trấn Fell. Tôi không thuộc về nơi này. Tôi không biết mình phải làm gì nữa.
Tôi vẫn chờ đợi, nhưng không ngủ tiếp, chờ đợi mặt trời xuất hiện một lần nữa.