Bà Nana đến và ngớ người trước cách bài trí bàn tiệc với ba màu đỏ, trắng và xanh da trời. Bà nói:
- Nếu hôm nay không phải là ngày Quốc khánh thì bà không biết những màu sắc này còn mang ý nghĩa gì nữa.
Bà mang theo một bì thư lớn trao tận tay cho Matt và nói:
- Bản sao câu chuyện về Tổng thống Lincoln cho cháu đây!
- Cháu cảm ơn bà, bà chu đáo quá. - Matt nói, giọng xúc động. - Bà không thể tưởng tượng điều này có ý nghĩa với cháu như thế nào đâu ạ.
Matt mở phong bì ra, quay sang bác Jack và hỏi:
- Cháu rất muốn được chia sẻ câu chuyện này với giám đốc David Roberts của cháu. Xin phép bác cho cháu sử dụng máy scan để gửi câu chuyện này đến hộp thư điện tử của giám đốc cháu, được không ạ?
- Ồ, cháu cứ tự nhiên. - Bác Jack đáp.
Khi Matt vừa gửi xong lá thư thì tiếng chuông cửa vang lên. Bác Carol ra mở cửa và chào đón hai người hàng xóm mới của họ là Gayle và Don.
Sau khi dùng xong món khai vị, Matt trò chuyện với hai vị khách. Anh kể cho họ nghe về nguyên nhân chuyến viếng thăm đột xuất gia đình bác Jack, cũng như việc anh xin lời khuyên của bác Jack để giúp anh giải quyết một số khó khăn trong công việc. Matt cũng không quên nhắc đến bài học Một Phút Xin lỗi mà anh đang nghiền ngẫm mấy hôm nay.
- Đây là bài học rất hữu ích với cháu và cháu biết nó sẽ thay đổi cuộc đời cháu. - Matt nói.
- Lời xin lỗi là một trong những phát ngôn có hiệu lực và mang lại kết quả tốt đẹp nhất đối với con người. Xin lỗi cũng là một bài học có sức hấp dẫn lớn. - Don nhận xét. - Tôi cược là hầu hết chúng ta đều không biết làm thế nào để mở lời, và chính vì thế mà chúng ta đều ngại và tránh để khỏi phải nói lời xin lỗi. Bản thân tôi cũng vậy. Dù không thích cảm giác day dứt, nhưng tôi vẫn không đủ can đảm để thừa nhận sai lầm, và một sự cố nhỏ cũng có thể làm tôi lo cuống lên.
- Hồi trước cháu cũng thế đấy. Cháu còn nhớ đó là tiết sinh vật. - Brad nói. - Hôm đó, cháu đã lén thả đám chuột bạch ra khỏi lồng và chúng chạy lung tung khắp nơi. Cháu biết mình chính là nguyên nhân gây ra sự náo loạn trong lớp nên đã tự giác xin lỗi cô giáo. Nhưng lúc đó, cháu chỉ có thể nói lí nhí trong miệng“Em xin lỗi cô” một cách yếu ớt, vụng về. Chắc vì vậy nên lời xin lỗi của cháu đã không làm cô giáo nguôi giận. Cháu nhớ mãi ánh mắt cô giáo nhìn cháu lúc ấy. Ánh mắt ấy như muốn nói với cháu rằng: “Cậu là một kẻ gây rối, tôi không tin những gì cậu đang nói đâu”.
- Thế sau đó cháu có biết mình nên làm gì để lấy lại lòng tin của cô giáo không? - Don hỏi.
- Có chứ ạ. Và cháu đã lấy lại niềm tin của cô giáo một cách trọn vẹn. - Brad trả lời.
- Cháu làm thế nào vậy Brad? - Gayle hỏi.
Brad kể:
- Cháu đã đến gặp cô giáo ngay sau buổi học hôm đó và trình bày với cô về cảm giác của cháu khi thả lũ chuột đó. Cháu hỏi liệu cô có phạt cháu không và cháu có thể làm gì để sửa chữa lỗi lầm đó. Cô giáo cháu ôn tồn đáp: “Cô sẽ không phạt em đâu. Em về đi”. Tuy không bị phạt, nhưng cháu biết cô giáo vẫn chưa hoàn toàn tha thứ cho cháu. Vậy nên cháu đã xin phép cô cho cháu được làm việc gì đó thật hữu ích như một hình thức chuộc lỗi vậy. Hôm đó, cháu hỏi cô liệu cháu có thể trực vệ sinh lớp được không. Dù rất ngạc nhiên trước lời đề nghị của cháu, nhưng cô giáo vẫn chấp thuận. Cháu không chỉ trực một ngày, mà còn tiếp tục làm suốt vài tuần sau đó. Và cháu đã lấy lại niềm tin của cô giáo như thế đó.
- Làm sao anh biết là cô giáo đã tin tưởng anh trở lại? - Annie hỏi Brad.
- Điều đó thể hiện qua cách cô nói chuyện với anh trong lớp, qua thái độ và nét mặt của cô mỗi khi nhìn anh.
- Câu chuyện rất ý nghĩa, Brad ạ. - Don nói. - Cháu có thể cho chú và mọi người ở đây vài lời khuyên không. Chẳng hiểu vì lý do gì mà một người bạn cũ của chú đã tức giận rồi cắt đứt liên lạc với chú trong suốt thời gian qua. Điều đáng nói là chú không hề biết chuyện này, cho đến khi một người bạn khác nói lại hôm qua. Vậy làm sao chú có thể xin lỗi, khi mà chú thậm chí còn không biết mình đã làm sai điều gì?
- Cháu nghĩ chú không cần phải xin lỗi, nếu chú thật sự không làm điều gì sai trái. - Brad đáp. - Theo cháu thấy, trong trường hợp này, xin lỗi là việc làm không cần thiết. Tại sao chú không hỏi chú ấy xem tại sao bỗng dưng cắt đứt liên lạc với chú như vậy?
- Đừng nói lời xin lỗi nếu chỉ vì bạn muốn ai đó vui lòng. - Annie xen vào. - Vì như vậy là nói dối.
- Có lẽ chú sẽ gọi cho bạn chú và nói rằng chú rất coi trọng tình bạn với chú ấy, và chú không muốn để mất tình bằng hữu này. Chú sẽ hỏi người bạn ấy là chú đã làm sai điều gì. Nếu chú thật sự đã sai thì mong chú ấy hãy cho chú cơ hội để sửa chữa, cũng như bù đắp những tổn thương mà chú gây ra. - Don trình bày quan điểm của mình.
- Cháu đồng ý với những điều chú Don vừa nói. - Brad nói. - Ngay cả khi không thể hàn gắn, thì ít nhất ta cũng nên cố gắng hết sức để cứu vãn tình bạn đó.
- Liệu Một Phút Xin lỗi có thể áp dụng để giải quyết những rắc rối ở công ty không? - Gayle nói. - Hiện nay, tôi đang là giám đốc nhân sự. Liệu tôi nên khuyên Susan thế nào đây? Cô ấy là trưởng bộ phận tiếp thị ở công ty tôi. Một đồng nghiệp của Susan cho rằng đã bị cô ấy đối xử bất công, trong khi cô ấy lại không nhớ gì về việc đó cả.
Nghe vậy, bác Jack liền đưa ra ý kiến:
- Trước tiên, chị hãy đề nghị Susan lắng nghe đồng nghiệp của cô ấy trình bày về cảm nhận của họ. Điều quan trọng là Susan nên giữ thái độ bình tĩnh và khách quan khi đánh giá mọi chuyện. Tiếp theo, Susan nên nói với đồng nghiệp đó rằng cô ấy không cố ý làm tổn thương bất kỳ ai, cũng như cảm thấy rất hối tiếc khi đồng nghiệp của cô đã bị xúc phạm bởi một hành động thiếu thận trọng nào đó của cô ấy.
- Đây là một luận điểm quan trọng mà cháu cần ghi nhớ. - Matt nói. - Không nhớ gì về điều đã xảy ra không có nghĩa bạn không làm người khác tổn thương.
Bác Jack gật gù tán thành ý kiến của Matt:
- Có thể chúng ta đã bỏ qua một sự việc mà ta cho là không có gì đặc biệt vì chúng ta quá bận rộn. Nhưng đôi khi những hành động, lời nói, cử chỉ của chúng ta đã khiến người khác cảm thấy buồn lòng, làm cho họ nghĩ rằng chúng ta đã coi thường họ.
- Hãy nhanh chóng tìm cách sửa chữa lỗi lầm, một khi bạn hiểu ra điều đó. - Annie nói. - Tất nhiên sẽ phải mất một khoảng thời gian chúng ta mới có thể thay đổi được cách cư xử vốn đã thành thói quen. Tuy vậy, chắc chắn chúng ta sẽ làm được nếu người đang phải gánh chịu thiệt hại, tổn thương đó có ý nghĩa quan trọng đối với chúng ta.
- Còn trong trường hợp bạn không thích người đó thì sao? - Gayle hỏi vặn lại.
- Bạn vẫn phải xin lỗi vì xin lỗi là việc làm đúng đắn và hợp lẽ. - Brad trả lời ngay.
- Tôi nghĩ có khi nhờ hành động này mà ta có thể xóa bỏ những thành kiến của mình về một ai đó. - Gayle nói.
- Mẹ ơi! Mẹ có thể kể cho Gayle nghe về câu chuyện trong chuyến đi du lịch bằng đường sông ở British Columbia của mẹ không? - Bác Jack đề nghị với bà Nana.
Bà Nana gật đầu và bắt đầu kể:
- Lúc đó đã là tuần đầu tháng Sáu nhưng thời tiết còn rất lạnh. Mùa đông năm đó ở Canada rất nhiều tuyết nên khi hè đến, mực nước sông dâng cao hơn mọi năm tới gần 3 mét. Đoàn của chúng tôi gồm 25 người, trong đó có hai gia đình dẫn theo trẻ em. Trong đoàn còn có một cặp đôi kỳ lạ. Người đàn ông có gương mặt chằng chịt vết thương đến mức biến dạng trông thật đáng sợ. Vẻ mặt và giọng nói khàn khàn của anh ta khiến bọn trẻ kinh hãi. Chúng gọi anh ta là “gã mặt sẹo”. Cả hai vợ chồng anh ta ít khi trò chuyện với mọi người và thường tách riêng ra khỏi nhóm.
Giữa chuyến đi, chúng tôi lên một chiếc xe tải nhỏ để di chuyển đến đoạn sông phía trước. Đến đoạn đường hẹp và lầy lội, chúng tôi nhìn thấy một chiếc xe tải nặng chở đầy hàng bị chết máy nằm chắn giữa đường. Vì đường quá hẹp nên chiếc xe chở chúng tôi không thể lách qua chiếc xe hàng kia để đi tiếp được. Ngôi làng gần nhất cách đấy gần một ngày đường, trong khi điện thoại cầm tay lại ở ngoài vùng phủ sóng. Vậy là chúng tôi mắc kẹt giữa rừng. Trời mỗi lúc một lạnh và tuyết bắt đầu rơi. Trong khi chúng tôi ngồi xích lại gần nhau cho ấm thì đôi vợ chồng kia nắm tay nhau đi dạo.
Mấy bác tài xế nhiều lần tìm cách khởi động chiếc xe chở hàng bị chết máy mà vẫn không được. Chúng tôi vô cùng lo sợ khi nghĩ đến tình huống xấu nhất có thể xảy ra. Một lúc sau, người đàn ông kỳ lạ đó quay lại và cất giọng khàn khàn hỏi về nguyên nhân sự cố. Không ai biết tại sao. Anh ta thử khởi động máy nhưng cũng vô hiệu.
Anh ta cởi mũ, áo khoác và găng tay ra, chui xuống gầm xe rồi lần lượt tháo rời từng bộ phận của máy ra. Thấy vậy, bọn trẻ hét toáng lên rằng “gã mặt sẹo” đang muốn phá hỏng chiếc xe. Tôi lại gần và hỏi anh ta đang làm cái trò quỷ quái gì vậy. Anh ta quay sang tôi bảo: “Hãy tìm cho tôi vài cái nhíp, một miếng kim loại hoặc một cái ghim kẹp cũng được”. Giọng nói của anh ta tuy gắt gỏng, nhưng ánh mắt lại toát lên sự tự tin đến bất ngờ. Tôi mất khoảng nửa giờ mới tìm được những thứ anh ta cần, và chẳng bao lâu sau, anh ta đã làm cho chiếc xe tải chở hàng nổ máy. Ai nấy trong đoàn, đặc biệt là bọn trẻ, đều vỗ tay reo hò. Chúng hét to: “Chú là cứu tinh của tất cả mọi người”.
Lúc đó, gương mặt dị dạng của anh ta đỏ ửng lên, và anh mỉm cười. Đây là lần đầu tiên tôi nhìn thấy anh cười.
“Mọi người quá lời rồi! Tôi không vĩ đại như vậy đâu. Tôi chỉ làm những gì trong khả năng của mình thôi mà”. - Anh trả lời với vẻ điềm đạm và khiêm tốn hiếm thấy. Dù vậy, tất cả chúng tôi đều hiểu việc anh vừa làm có ý nghĩa đến thế nào. Từ giây phút đó, mọi người đặt cho anh biệt danh là “Người hùng”.
Bọn trẻ bắt đầu quấn quýt lấy anh và chăm chú nghe anh kể chuyện. Theo lời anh kể, trước đây anh từng là lính cứu hỏa, và trong một vụ cháy lớn ở New York, anh đã bị lửa táp vào khiến cả người cháy xém khi anh đang cố gắng cứu tám em nhỏ bị kẹt trong một tòa nhà.
Vào đêm cuối cùng, tất cả chúng tôi ngồi quây quần xung quanh đống lửa trại. Đó là một buổi tối đặc biệt mà có lẽ suốt đời tôi sẽ không bao giờ quên. Cậu bé nghịch ngợm nhất trong đoàn đứng dậy phát biểu và những lời nói của cậu đã khiến mọi người hết sức bất ngờ. Cậu bảo sẽ không bao giờ tha thứ cho chính mình nếu không xin lỗi “Người hùng”. Cậu bé nói rằng “Người hùng” không chỉ cứu giúp, mà còn làm cho cậu nhận thức được hành động sai trái của mình.
“Người hùng” đứng dậy, bế cậu bé lên rồi nhìn thẳng vào mắt cậu bé, nói: “Khi bằng tuổi cháu bây giờ, chú cũng đã phạm rất nhiều lỗi lầm. Và chú cũng nợ cháu một lời xin lỗi. Chú đã cố gắng làm tốt những gì chú cho là cần phải làm, nhưng lại không hòa đồng, thân thiện khi tham gia các hoạt động tập thể. Chú cũng có thái độ không đúng với cháu và mọi người trong đoàn. Chú đã không tự tin để nói cho cháu biết con người thật của chú, rằng thật ra chú không phải là người xấu như các cháu vẫn nghĩ. Chú xin lỗi và chú hứa là sẽ không để chuyện này xảy ra nữa”.
Sáng hôm sau, chúng tôi chia tay thật bịn rịn và không ai muốn kết thúc chuyến du hành này cả.
- Cháu có thể nhận thấy là mọi người trong đoàn ngày càng kính trọng “Người hùng” - Matt nói. - Anh ấy đã làm cho mọi người thay đổi thành kiến về mình thông qua hành động kịp thời và hữu ích đó. Anh ấy đã tham gia vào công việc của tập thể và sẵn sàng giúp đỡ mọi người, vậy nên tất cả mọi người đều tin vào lời xin lỗi của anh ấy.
- Đúng vậy! Khi ta biết sống vị tha, biết xin lỗi một cách chân thành, biết sửa chữa lỗi lầm mình đã gây ra, cũng như chứng minh với mọi người rằng mình đã thật sự thay đổi thì khi đó, ta sẽ nhận được điều kỳ diệu nhất trong cuộc sống: đó là sự bình yên trong tâm hồn . - Bà Nana nói.
Khi bà ngừng lời, gian phòng bỗng trở nên yên ắng lạ lùng. Mọi người trầm ngâm suy tư và dường như ai nấy đều đang theo đuổi những ý nghĩ riêng về câu chuyện. Sau đó, bác Carol cùng với Annie dọn bữa tối lên và không khí yên lặng này vẫn kéo dài trong suốt bữa ăn.
“Sự bình yên trong tâm hồn chính là thứ mà lúc này giám đốc của mình không có”. - Matt nghĩ ngợi. - “Mình phải suy nghĩ thêm về điều này bởi chính mình cũng không có sự bình yên đó”.
Gayle là người đầu tiên lên tiếng phá vỡ bầu không khí im lặng:
- Chuyện gì sẽ xảy ra nếu bỗng dưng ta nhớ ra một việc mình từng bỏ lỡ trong quá khứ và cảm thấy đã quá muộn màng để sửa chữa những hậu quả mà nó để lại?
- Chị có thể nêu ví dụ cụ thể được không? - Bà Carol hỏi.
- Tất nhiên là được ạ. - Gayle đáp. - Khoảng mười năm trước, chồng một đồng nghiệp của tôi qua đời. Lúc đó, tôi đang đi công tác xa nên tôi tự nhủ sẽ gửi hoa để an ủi cô ấy kèm theo lời chia buồn của tôi. Thế nhưng tôi đã không làm gì cả và điều đó khiến tôi cảm thấy day dứt đến tận hôm nay. Bây giờ tôi luôn có cảm giác xấu hổ và luôn tìm cách tránh mặt cô ấy.
Bác Carol lên tiếng ngay:
- Hãy nhấc điện thoại lên và gọi cho cô ấy. Đừng cho rằng mình luôn biết chính xác suy nghĩ và cảm nhận của người khác. Biết đâu người bạn kia sẽ rất vui khi nhận được lời xin lỗi của chị. Không bao giờ là quá muộn để thể hiện sự quan tâm đối với những người xung quanh.
- Chị nói đúng. Tôi sẽ làm theo lời chị. - Gayle đáp. - Tôi đang nghĩ đến rất nhiều tình huống có thể áp dụng bí quyết Một Phút Xin lỗi, cả trong công việc lẫn trong cuộc sống gia đình.
- Chính xác! - Don nói.
- Ý kiến của anh nghe hay đấy, nhưng anh quên là chúng ta chỉ nên xin lỗi khi mình đã làm điều sai trái thôi sao? - Gayle nói. - Hôm trước, giám đốc kinh doanh ở công ty tôi đến gặp tôi để xin một lời khuyên. Anh ấy kể với tôi rằng cách đây không lâu, anh đã nộp cho sếp một bản kế hoạch về chiến lược tiếp thị cho sản phẩm mới của công ty. Bản kế hoạch đó được hình thành dựa trên ý tưởng của cô trợ lý, nhưng điều đáng nói là anh lại không hề khen ngợi cô ấy một lời. Sau đó, anh ta được thăng chức và điều đó đã khiến anh ta vừa xấu hổ, lại vừa áy náy. Anh không biết nên làm gì để xin cô trợ lý tha thứ, cũng như chưa hình dung sẽ nói với sếp như thế nào về bản kế hoạch đó.
- Vậy chị đã khuyên anh ta điều gì? - Bác Carol hỏi.
- Tôi khuyên anh ấy hãy trung thực. Và anh ấy đã thực hiện theo lời khuyên này, nghĩa là đến gặp sếp và trình bày toàn bộ sự thật về bản kế hoạch kia. Sếp của anh ấy nói, đúng là chiến lược đó được đánh giá rất cao, nhưng đó không phải là lý do khiến anh được thăng chức. Sự thăng tiến của anh bắt nguồn từ những thành tích ấn tượng mà phòng kinh doanh đã đạt được trong suốt thời gian qua. Ở đây có một tin vui khác ngoài lý do khiến anh được thăng chức. Đó là anh ấy đã hành động như một người chính trực.
Gayle cười và nói tiếp:
- Dù cảm thấy nhẹ lòng nhưng anh ấy vẫn muốn xin lỗi và đền bù cho cô trợ lý. Và tôi nghĩ bài học về Một Phút Xin lỗi sẽ giúp anh ấy thực hiện được ý định này.
Khi mọi người đề cập đến công việc, nỗi lo lắng về tình hình của công ty lại quay về với Matt. Anh tự nhắc nhở mình: “Đừng quan tâm đến chuyện thắng thua”rồi tiếp tục chú tâm vào cuộc tranh luận.
Don nói:
- Dạo này, nhóm tôi hay xảy ra chuyện rắc rối xuất phát từ những mâu thuẫn không đáng kể và từ cách cư xử nhỏ nhen của các thành viên trong nhóm. Bên cạnh đó, những sự cố ngoài ý muốn, sự nhầm lẫn và non kém của một số thành viên trong việc xử lý tình huống đã làm cho mọi việc trở nên nghiêm trọng.
- Liệu chúng ta có thể viện ra một lý do nào đó để biện hộ cho những trường hợp trên và như thế sẽ không ai phải xin lỗi ai cả? - Matt hỏi.
Annie trả lời Matt bằng một câu hỏi khác:
- Vậy khi biết chắc mình đã phạm phải một sai lầm ngớ ngẩn nào đó, anh có muốn lặp lại sai lầm đó lần nữa không?
- Tất nhiên là không. - Matt trả lời.
- Anh có cảm thấy mình thật đáng trách khi trở thành nguyên nhân khiến người khác bị tổn thương không?
- Tất nhiên là có.
- Được rồi. - Annie mỉm cười. - Vậy anh rút ra kết luận gì cho những câu hỏi của em?
- Bất cứ khi nào gây ra lỗi lầm, bạn đều phải thực hiện Một Phút Xin lỗi. Có vẻ như câu này rất phù hợp với tình trạng của anh lúc này. - Matt trầm ngâm.
Hãy nói với những người đã chịu oan ức và bị tổn thương vì mình rằng: “Tôi đã phạm lỗi. Tôi rất ân hận về điều đó. Tôi cam đoan sẽ không bao giờ để chuyện này xảy ra nữa”.
- Đây là cách tốt nhất để học bí quyết này đấy. - Bác Jack nói.
- Đây là những gì cháu tiếp thu được, cháu nói lại bác nghe nhé. - Matt trình bày tiếp. - Nếu để ý đến các tác động từ hành vi cư xử của mình, ta sẽ nhận ra một điều quan trọng: Cách cư xử của mỗi người sẽ trở thành tấm gương cho những người đang sống quanh họ nhìn vào để học tập hoặc phê phán, và ngược lại, chúng ta cũng sống và chịu ảnh hưởng từ hành vi cư xử của những người xung quanh. Một khi đã là tấm gương để người khác noi theo, ta sẽ e ngại bày tỏ thái độ ăn năn của mình với lý do lo sợ người khác chê bai hay phán xét. Đó là nguyên nhân ngăn cản ta xin lỗi về những việc không hay mình đã gây ra, và chính nó đã khiến cho cuộc sống của chúng ta trở nên cằn cỗi.
- Cháu đã thật sự nắm được tinh thần bài học này rồi. - Bác Jack thốt lên và nhìn Matt bằng ánh mắt rạng rỡ xen lẫn tự hào.
- Được rồi, giờ thì mời cả nhà ra ngoài cầu tàu xem bắn pháo hoa nào. - Matt nói. - Cháu phải chào mừng lễ Quốc khánh đáng nhớ nhất của mình từ trước đến nay mới được.
Trong khi mọi người lục tục kéo ra cầu tàu xem pháo hoa, Matt lấy cuốn sổ nhỏ vẫn đem theo và viết:
Mỗi lần thực hiện Một Phút Xin Lỗi hoặc nhận được Một Phút Xin Lỗi, bạn sẽ hiểu rằng cách cư xử và thái độ của bạn có thể tác động đến người khác nhiều như thế nào