Khi mọi người đã yên vị trên ghế với phần nước cam và lát bánh mì nóng hổi, Matt bắt đầu chia sẻ những điều anh đã học được sau cuộc thảo luận với những người hàng xóm của gia đình bác Jack tối qua.
- Nhưng cháu vẫn còn một câu hỏi. - Matt nói. - Điều gì đã khiến cho mọi người không dám thành thật và thừa nhận rằng mình đã sai và xin lỗi người khác ạ?
- Đây mới chính là cốt lõi của vấn đề. Để trả lời câu hỏi này, cháu buộc phải đối diện với con người thật của mình. Đó chính là chân giá trị của mỗi người. - Bác Jack đáp.
- Chân giá trị của mỗi người được hình thành từ những yếu tố nào ạ? - Matt hỏi khi rót thêm cà phê vào tách của mình.
- Giá trị của mỗi người được hình thành từ bốn yếu tố. Đầu tiên là số mệnh, tức là những điều ta không được quyền chọn lựa, chẳng hạn như nơi sinh, cha mẹ, giới tính, màu da, chủng tộc… Yếu tố thứ hai là những kinh nghiệm mà ta tiếp thu được từ những người đi trước như cha mẹ, họ hàng, thầy cô… Yếu tố thứ ba chính là những thành công và thất bại cháu gặp trên đường đời. Và cuối cùng là khả năng nhận thức và thích nghi của cháu với ba yếu tố trên.
- Vấn đề bác vừa nêu ra có vẻ mơ hồ và khó nắm bắt. Có lẽ sẽ phải mất nhiều thời gian nữa cháu mới hiểu được. - Matt nói.
- Bác biết. Nhưng theo cháu thì trong bốn yếu tố trên, yếu tố nào có sức tác động nhiều nhất đến sự hình thành giá trị con người?
- Yếu tố thứ tư ạ.
- Chính xác. Nhận thức và khả năng thích nghi đối với những gì thuộc về số mệnh, kinh nghiệm sống, thành công và thất bại, chính là nền tảng cho mọi lựa chọn của cháu.
- Lựa chọn ạ? - Matt thắc mắc.
- Đúng vậy. - Bác Jack gật đầu. - Khả năng nhận thức và thích nghi của chúng ta đối với ba yếu tố đầu tiên sẽ quyết định việc ta có biết nhận ra và xem trọng giá trị của bản thân mình không. Chỉ có chính bản thân ta, chứ không một ai khác, mới có thể đưa ra sự chọn lựa cuối cùng có tính quyết định.
- Tại sao con người thường mắc sai lầm khi nhìn nhận về bản thân họ như vậy? - Matt hỏi.
- Đó là vì niềm tin của họ vào giá trị bản thân thường tách rời với những trải nghiệm trong quá khứ. - Bác Carol bấy giờ mới lên tiếng.
Brad đóng góp ý kiến:
- Ông bà ta vẫn thường nói là khi một người không chịu nhìn ra xung quanh mà cứ tự coi mình là trung tâm của vũ trụ thì đó là dấu hiệu chứng tỏ người đó đã quá đề cao cái tôi cá nhân của họ.
Có một số người cảm thấy khó mở lời xin lỗi người khác, bởi họ luôn cho rằng giá trị con người phụ thuộc vào những biểu hiện bên ngoài cộng với quan điểm đánh giá của mọi người xung quanh. Thế nên họ luôn quan tâm đến “bộ mặt” của mình và không bao giờ chịu thua kém những người xung quanh.
Matt lên tiếng:
- Gần đây, có mấy người trong công ty cháu than phiền rằng: “Tôi cảm thấy hụt hơi vì cứ phải chạy đua theo nhà hàng xóm: họ cứ liên tục sắm những thứ đắt tiền mà tôi không mua nổi”.
Câu nói của Matt khiến mọi người phì cười. Bác Jack tiếp lời anh:
- Nếu người ta cứ chạy theo người khác để kiếm tìm cảm giác rằng mình đang tiến bộ, đang tốt lên, thì hẳn là giá trị của họ sẽ phải thay đổi xoành xoạch theo thái độ và phản ứng của những người sống quanh họ. Và khi đó, họ chỉ còn biết nghĩ đến bản thân mà không thể chú ý đến điều gì khác. Tuy nhiên:
Người khiêm nhường không đánh giá thấp bản thân. Họ chỉ nghĩ đến bản thân ít hơn thôi.
- Nhưng làm thế nào để duy trì quan điểm sống tốt đẹp đó hả bác? - Matt hỏi.
- Muốn như vậy, cháu phải phân biệt rạch ròi hai phạm trù là giá trị bản thân và giá trị của hành động.
- Bác muốn nói đến phương châm sống N.A.T.O. - lối sống mà theo đó, chúng ta không bận tâm đến những gì mình sẽ nhận về khi cho đi một thứ gì đó, phải vậy không ạ?
- Rất chính xác. - Bác Jack tỏ ra hài lòng về người học trò sáng dạ. - Khi bác hỏi các bậc làm cha làm mẹ: “Anh chị có yêu con cái của mình không?” , họ đều bật cười bởi vì câu trả lời đã quá rõ ràng: Tất nhiên bố mẹ nào mà chẳng yêu con. Sau đó, bác hỏi tiếp: “Vậy có phải anh chị chỉ yêu thương các cháu khi chúng ngoan ngoãn, giỏi giang không?”, họ còn cười to hơn và đáp: “Chắc chắn là không phải như vậy. Chúng tôi yêu các con của mình không vì lý do gì cả. Chúng tôi yêu chúng chỉ đơn giản vì chúng là con của chúng tôi. Đó là tình yêu vô điều kiện”. Matt này, cháu nghĩ thế nào, nếu cháu được nhận tình yêu thương vô điều kiện như vậy?
- Cháu cảm thấy vững tâm và rất tự tin ạ. - Matt trả lời. - Thật sự là cháu sẽ luôn luôn tự tin khi được sống trong niềm hạnh phúc lớn lao như thế. - Matt bổ sung thêm.
- Đúng vậy. Hầu hết chúng ta đều được sinh ra trong một tình yêu vô điều kiện như vậy. Nhưng chúng ta cũng là những kẻ đãng trí bẩm sinh và luôn quên đi điều đó. Tuy vậy, bác tin rằng cuối cùng ai cũng sẽ nhớ ra, vấn đề là sớm hay muộn mà thôi.
- Chưa bao giờ cháu nghĩ đến vấn đề này cả. - Matt đáp.
- Khi cháu nghĩ rằng tình yêu cháu nhận được là thứ tình yêu có điều kiện, tức là có trao đi mới được nhận lại, cháu sẽ không ngừng cố gắng để nâng cao giá trị bản thân nhằm có được tình yêu thương của mọi người. Cháu tin rằng cháu phải tác động đến mọi người bằng cách này hay cách khác thì mới nhận được tình yêu thương của họ. Và vì muốn giữ tình yêu đó nên lúc nào cháu cũng phải cố gắng xây dựng và duy trì một hình ảnh hoàn hảo trong mắt họ.
- Có vẻ đây là lối sống của những người thiếu kiên định. - Matt nói. - Chưa kể lối sống này sẽ khiến người ta kiệt sức vì mệt mỏi.
- Đến một ngày nào đó, - Bác Carol nói, - ta thức giấc và tự hỏi: biết đến bao giờ tất cả những mong muốn của mình trở thành hiện thực; thế nào mới là đủ danh vọng, quyền lực; làm sao để được người khác yêu thương hơn nữa... Nhưng cháu biết không, chúng ta đã có tất cả tình yêu thương mà chúng ta cần và đã có điều đó ngay từ khi lọt lòng mẹ.
- Những điều bác vừa nói chính là điều quan trọng nhất mà cháu cần học. - Matt nói.
- Đó cũng là điều quan trọng nhất mà giám đốc của cháu phải tìm hiểu đấy. - Bác Jack nhấn mạnh.
Matt liếc nhanh ra ngoài cửa sổ khi một tia chớp lóe lên xé toạc những lớp mây đen đang phủ kín bầu trời. Mưa bắt đầu rơi nặng hạt.