Trên đường ra phi trường, Matt gọi vào hộp thư thoại của giám đốc Roberts để thông báo về nơi anh sẽ ở trong hai ngày cuối tuần, cũng như hẹn sẽ trở về gặp ông vào sáng thứ Hai tới. Lời chào của giám đốc trong hộp thư thoại khiến Matt càng lo lắng thêm.
Brad đứng đón Matt ngay cạnh lối ra. Hai anh em ôm nhau thắm thiết rồi cùng trò chuyện rôm rả suốt đoạn đường về nhà. Xe đến nơi, Matt cũng nhận được sự tiếp đón nồng nhiệt từ vợ chồng bác Jack. Cả hai đều tỏ ra rất vui mừng khi gặp lại anh ở đây. Bước vào phòng khách, Matt để ý thấy một vài thay đổi nhỏ, nhưng về cơ bản, nó vẫn mang đến cho người ta cảm giác thoải mái, dễ chịu. Một lúc sau, mọi người cùng tụ tập trong phòng khách để trò chuyện và hỏi han về cuộc sống của nhau trong suốt thời gian qua. Lát sau, bác Carol và Brad ý tứ rút lui để Matt và bác Jack trò chuyện. Bác Jack đi thẳng vào vấn đề chính:
- Thời gian cháu ở lại đây rất ngắn, do vậy bác cháu mình sẽ nhanh chóng bàn về những vấn đề mà cháu cần giải quyết.
- Thưa bác! Đầu tiên, cháu rất mong nhận được lời khuyên của bác về trường hợp giám đốc của cháu. Cháu rất vui được chơi golf cùng bác, nhưng thật sự bây giờ cháu không có tâm trạng nào để nghĩ đến việc chơi bời. Giá như mọi chuyện có thể khác đi, bác ạ. Lẽ ra cháu nên…
- Matt này, cháu sẽ có thời gian để làm bất cứ việc gì cháu thích, cũng như tìm ra giải pháp tháo gỡ những vướng mắc của cháu. - Bác Jack cắt lời anh. - Cháu đừng nên dùng mấy từ kiểu như “giá như”, “lẽ ra”, “mong sao” hay “ước gì” nữa. Đó là những từ mang tính bi quan và chỉ mang đến cho con người cảm giác bất an, tuyệt vọng, bế tắc và lãng phí thời gian. Không chỉ có thế, chúng còn khiến ta không dám đối diện với thực tế mà chỉ nghĩ đến những điều đã thuộc về quá khứ, trong khi lại không đưa ra được giải pháp nào hữu hiệu cho tương lai cả.
Trông vẻ bối rối của Matt, bác Jack mỉm cười nói tiếp:
- Cháu muốn dùng khoảng thời gian cuối tuần này để than trách, tiếc nuối cho những việc đã xảy ra hay muốn xem đây là dịp để học thêm một bí quyết mới, tìm kiếm giải pháp cho vấn đề của mình?
- Tất nhiên là cháu muốn học cách xử lý mọi việc rồi ạ. - Matt trả lời.
- Vậy thì hãy ra ngoài đi dạo với bác một lát. Không khí trong lành, thoáng đãng ngoài kia rất có lợi cho tinh thần của cả hai bác cháu ta. Nó sẽ làm đầu óc ta tỉnh táo và sáng suốt hơn. Thế nên bác luôn thích đi nghỉ ở đây.
Ông dẫn Matt ra trước hiên, nơi có thể quan sát toàn bộ khung cảnh vùng hồ. Matt đưa mắt nhìn bóng những rặng thông đổ xuống ngọn đồi, ánh trăng phản chiếu lấp lánh trên mặt hồ và cả tia sáng phát ra từ những chiếc tàu đang xuôi ngược trên hồ. Bác Jack ngồi xuống một chiếc ghế dựa và bảo Matt ngồi xuống bên cạnh.
- Trước khi bắt đầu, bác muốn trao đổi với cháu một vài điều quan trọng.
- Vâng, cháu nghe đây ạ.
- Cháu có biết điều gì làm bác chú ý nhất trong lời nhắn của cháu trong hộp thư thoại chiều nay không?
- Dạ, cháu không rõ. Là điều gì ạ?
- Cháu nói là cháu đang làm việc dưới quyền một người mà cháu rất kính phục. Công ty của cháu đang gặp khó khăn và cháu muốn tìm cách đưa công ty vượt qua giai đoạn khó khăn này. Thông thường, mọi người đều không muốn can dự vào những chuyện rắc rối, cũng không muốn dính dáng đến những ai liên can tới vụ việc. Họ sẽ nói rằng: “Ối dào, đó đâu phải việc của tôi”. Ví von một cách hình ảnh thì họ đang tìm cách thoát khỏi con tàu sắp đắm. Nhưng một khi sự việc qua đi mà không để lại hậu quả nào nghiêm trọng, họ lại có thái độ thản nhiên như chưa hề có chuyện gì xảy ra. Bác rất vui khi cuộc sống này vẫn còn những tâm hồn cao đẹp như cháu. Vậy nên bác sẵn lòng giúp cháu, bất kể việc này có khó khăn như thế nào chăng nữa.
- Cháu cảm ơn bác! Bác biết không, giám đốc Roberts đã tạo điều kiện thuận lợi cho cháu làm việc sau khi cháu tốt nghiệp. - Matt đáp. - Cháu đã học hỏi được rất nhiều từ ông ấy. Roberts thật sự là một người thầy giàu kinh nghiệm. Cháu sẽ không thể yên lòng nếu rời bỏ ông ấy và công ty trong thời điểm khó khăn này.
- Bác rất cảm phục thái độ và tình cảm của cháu, Matt ạ.
- Cảm ơn lời khen của bác. - Matt trả lời. - Cháu muốn trở thành một nhân tố tích cực trong công ty và cháu tin là tất cả các đồng nghiệp của cháu đều có quyền hy vọng vào một tương lai tươi sáng hơn. Cháu nóng lòng muốn biết tại sao mọi chuyện lại trở nên nghiêm trọng chỉ sau một khoảng thời gian quá ngắn như vậy. Hiện giờ, tình hình công ty cháu rất rối ren và cháu chẳng biết phải bắt đầu từ đâu nữa, bác ạ.
Trong khi Matt thuật lại mọi chuyện trong công ty cho bác Jack nghe, trăng đã lên cao hơn và cả mặt hồ như được dát vàng. Khi Matt kể xong, bác Jack quay sang nói với anh:
- Như vậy, rõ ràng là tình trạng của công ty cháu nghiêm trọng hơn những gì bác hình dung rất nhiều. Bây giờ bác đã hiểu tại sao cháu lại lo lắng đến như vậy. Nếu không sớm tìm ra giải pháp tối ưu mang tính quyết định, công ty cháu sẽ phải đối mặt với nguy cơ sụp đổ mất.
Sau một thoáng im lặng, bác tiếp tục:
- Bác thấy giờ đây, giám đốc của cháu chỉ có một biện pháp duy nhất để thay đổi tình thế khó khăn này mà thôi.
- Hôm nay trong điện thoại, cháu có nghe bác nhắc đến một bí quyết mới. Đó có phải là điều mà bác đang định nói với cháu không ạ? - Matt hỏi.
- Cháu đoán đúng rồi đấy. Đây là bí quyết mà bất cứ ai cũng có thể áp dụng để khắc phục những tình huống khó khăn trong công việc và cuộc sống, kể cả những người như giám đốc cháu.
- Bác có thể nói rõ hơn được không ạ?
- Hơn 20 năm nay bác vẫn đang sử dụng ba bí quyết quản lý… - Bác Jack tiếp tục.
- Vâng, cháu có được biết… - Matt ngắt lời. - Mục tiêu Một Phút, Một Phút Khen ngợi và Một Phút Khiển trách được xem là ba nguyên tắc quản lý của vị Giám Đốc Một Phút. Cháu vẫn luôn sử dụng ba nguyên tắc này.
Bác Jack mỉm cười:
- À, bác đã để ý đến Mục tiêu Một Phút của cháu trong kỳ nghỉ cuối tuần này. Cháu có trí nhớ tốt lắm. Nhiều năm qua, bác đã được mời giảng dạy ba bí quyết này cho các tập đoàn, công ty và hiện nay, chúng đã được rất nhiều doanh nghiệp, tổ chức, bao gồm cả các trường học, bệnh viện trên toàn thế giới, áp dụng. Thế nhưng thời gian gần đây, có một số người đã hỏi bác: “Chuyện gì sẽ xảy ra, nếu chính những nhà quản lý đang áp dụng ba nguyên tắc này nhằm xác lập mục tiêu, đưa ra quyết định khen ngợi và khiển trách, lại là người thực hiện sai chúng? Tất cả các nhà quản lý thường chỉ phạm sai lầm trong một khoảnh khắc, thế nhưng hậu quả mà sai lầm đó để lại thường rất nghiêm trọng. Vậy có cách nào giúp họ nhận ra sai lầm của mình và quay lại hướng đi đúng một cách nhanh chóng và hiệu quả nhất không?”.
Khi nhận được câu hỏi đó, bác biết đã đến lúc mình cần tiết lộ bí quyết thứ tư của phương pháp Quản lý Một Phút. Đó là Một Phút Xin lỗi. Tâm điểm mà bí quyết Một Phút lần này nêu ra là: “Chính tại thời điểm bạn nhận ra mình đã phạm sai lầm, bạn cần xin lỗi ngay”.
- Cháu hiểu điều đó. Nhưng trong trường hợp giám đốc của cháu, rõ ràng ông ấy đã có những sai phạm rất nghiêm trọng, vậy chẳng lẽ chỉ nói một lời xin lỗi là được thôi ư? - Matt hỏi.
- Tất nhiên nếu chỉ nói lời xin lỗi thôi thì cũng không có ý nghĩa gì cả. Hai từ “xin lỗi” chỉ là lớp vỏ bên ngoài của ngôn ngữ. - Bác Jack nói. - Sức mạnh của một phút xin lỗi nằm ở mục đích, sự thành tâm và thái độ của người mắc lỗi, chứ không ở lời nói suông.
- Bởi những gì họ nói ra có thể vẫn mãi chỉ là lời nói thôi, phải không ạ? - Matt hỏi.
Bác Jack gật gù đồng ý.
Matt mở cuốn sổ ghi chép của anh ra và viết:
Sức mạnh của Một Phút Xin Lỗi không chỉ nằm ở lời nói suông
- Bác gọi bí quyết này là Một Phút Xin lỗi. Thoạt nghe, bí quyết này có vẻ rất đơn giản, nhưng cháu cho rằng nó có nhiều điều cần trao đổi hơn cả những bí quyết trước đây. - Matt trầm ngâm.
- Sự thiếu thành thật là một thứ độc tố có khả năng phá hủy các mối quan hệ của chúng ta một cách âm thầm và hậu quả mà nó để lại thường rất nghiêm trọng. - Bác Jack nói. - Chẳng hạn trong trường hợp vị giám đốc của cháu. Nếu ông ấy không chịu nhận lỗi và tìm cách sửa chữa sai lầm, chắc chắn sự tín nhiệm và thái độ tôn trọng mà mọi người dành cho ông ấy sẽ không còn nữa. Khi đó, sự nghiệp cũng như những mối quan hệ mà ông ấy dày công thiết lập bấy lâu nay cũng sẽ tan vỡ theo.
- Như những gì bác vừa nói thì việc xin lỗi không chỉ có tác dụng sửa chữa sai lầm, mà còn giúp khôi phục niềm tin mọi người từng gửi gắm nơi giám đốc của cháu, phải không ạ? Vậy trước tiên ông ấy cần làm gì ạ?
- Ông ấy phải thay đổi ngay lối hành xử của mình. Trước tiên, ông ấy phải bỏ thái độ kiêu căng, ngạo mạn để cư xử với mọi người một cách từ tốn, khiêm nhường. Với Một Phút Xin lỗi, giám đốc của cháu có thể tiến thêm một bước nữa là thừa nhận rằng mình đã sai, sau đó tìm nguyên nhân cốt lõi dẫn đến sự suy sụp của công ty, đồng thời đề xuất hướng giải quyết, chứ không phải khiến mọi người rối trí thêm vì những thông tin bề mặt như cách ông ấy vừa làm.
- Thật khó tin là giám đốc của cháu lại có thể thực hiện được tất cả những việc bác vừa nói chỉ trong một phút. - Matt băn khoăn.
- Đó là lí do vì sao bí quyết này được gọi là Một Phút Xin lỗi. Nếu nắm vững, cháu hoàn toàn có thể trình bày bí quyết này trong vòng một phút. Thật ra, việc suy ngẫm và hiểu được bản chất mới làm người ta tốn nhiều thời gian nhất.
Không ai muốn nghe một lời xin lỗi nào kéo dài quá một phút cả. Trong bí quyết Một Phút Xin lỗi này, chắc chắn sẽ không có thời gian dành cho việc khơi gợi sự thương cảm của người khác bằng cách tự biến mình thành nạn nhân đâu, cháu ạ. Bí quyết này rất đơn giản, nhưng rõ ràng và hiệu quả. Cháu có thể chỉ mất một phút để thực hiện bí quyết này, nhưng để hoàn toàn thành thật với bản thân cũng như dám chịu trách nhiệm về những lỗi lầm của mình, cháu sẽ phải mất rất nhiều thời gian đấy. Nếu cháu không tự mình trải nghiệm đầy đủ các bước trên thì Một Phút Xin lỗi sẽ không có tác dụng gì cả.
- Cháu hiểu ạ.
- Rắc rối của vị giám đốc này cũng là điều mà nhiều lãnh đạo khác đã và đang phải đối mặt. Mọi việc bắt đầu từ khi ông ấy ngần ngại, không muốn tự thừa nhận rằng ông ấy đã sai. Vậy thì nhiệm vụ của ông ấy lúc này là nhận trách nhiệm về những sai lầm mà ông ấy đã gây ra. Giám đốc của cháu ở cương vị của một thuyền trưởng đang phải lèo lái con tàu sắp chìm. Nhưng trên con tàu đó không chỉ có ông ấy mà còn rất nhiều người khác nữa. Nếu con tàu đó chìm, chắc chắn sẽ có không ít người bị vạ lây.
Bác Jack tiếp tục:
- Sau này, khi đã từng trải hơn, cháu sẽ nhận ra rằng nguyên nhân sâu xa của mọi rắc rối đều giống nhau, chúng chỉ núp dưới những tên gọi khác nhau và xảy ra vào những thời điểm khác nhau mà thôi.
- Nguyên nhân của mọi rắc rối là gì ạ?
Mọi rắc rối đều bắt nguồn từ việc con người tìm cách trốn tránh sự thật
- Mọi rắc rối đều bắt nguồn từ giây phút chúng ta tìm cách lẩn tránh sự thật. - Bác Jack trả lời câu hỏi của Matt.
- Có phải bác đang phân tích tình trạng của giám đốc cháu hiện giờ không? - Matt hỏi. - Lần đầu tiên gặp Roberts, cháu nghĩ rằng ông ấy là một nhà lãnh đạo tài ba, một con người chính trực luôn nói sự thật và tất nhiên là luôn muốn nghe sự thật. Nhưng từ khi được thăng chức, ông ấy đã thay đổi hẳn. Do ý thức được vai trò quan trọng của mình trong công ty, ông ấy cảm thấy rất khó chịu nếu buộc phải thừa nhận sự thật và hành động theo lẽ nên làm. Thậm chí cháu e rằng giám đốc không còn phân biệt được phải trái nữa cơ.
- Những người thường viện cớ “Chuyện này không bao giờ xảy ra” hay “Đó không phải là lỗi của tôi” là những người không bao giờ dám thừa nhận và đối diện với sự thật. Họ không hối hận về những hành động sai trái của mình, đơn giản vì lúc nào họ cũng cố bào chữa rằng đó không phải lỗi của họ. Việc thú nhận sai lầm đối với họ là điều không thể.
- Nhưng tại sao người ta lại không muốn nhìn thẳng vào sự thật như vậy ạ? - Matt băn khoăn.
- Vì họ sợ phải đối diện với sự thật chứ sao. - Bác Jack bắt đầu lý giải. - Ranh giới giữa đúng và sai luôn rất rõ ràng và không cho chúng ta nhiều lựa chọn đâu. Chỉ có thể là đúng hoặc sai. Không thể có sự mập mờ. Đối với một số người, đặc biệt là những người đang sống trong sự tự lừa dối, điều đó luôn khiến họ khó chịu. Họ không biết rằng sự chân thật đem lại cho con người cảm giác tự do, thanh thản như thế nào. Họ cũng chưa bao giờ được nếm trải cảm giác đó vì họ chưa một lần thử sống chân thật.
Nghe đến đây Matt chợt hiểu ra vấn đề.
- Điều bác vừa nói đã lý giải nguyên nhân khiến giám đốc của cháu bảo thủ và không muốn lắng nghe lời phê bình, góp ý của mọi người. Nếu ai đó cố nói với Roberts sự thật về bản thân ông, ông sẽ lập tức cắt ngang lời họ. Chính cháu cũng đã cố gắng ngăn chặn những thông tin không hay đến tai giám đốc để ông ấy khỏi nổi đóa lên với cháu. Cháu bắt đầu hiểu được ẩn ý của bác rồi. Cháu sẽ suy nghĩ kỹ hơn về những gì bác vừa nói. Có như vậy cháu mới thật sự thấu suốt nội dung này.
- Đúng thế. - Bác Jack gật gù. - Vậy thì bác cháu ta tạm dừng ở đây nhé.
- Vâng ạ. Dường như bác cháu ta đã hoàn thành xuất sắc bài học về Một Phút Xin lỗi rồi, phải không ạ? - Matt hỏi khi lén đưa tay dụi dụi đôi mắt mệt mỏi.
- Chưa đâu chàng trai! Chúng ta mới chỉ chạm đến bề mặt của vấn đề thôi. Có hai nội dung chính của Một Phút Xin lỗi mà bác cháu ta sẽ bàn đến vào hôm sau là Lòng trung thực và Sự chính trực . Rồi cháu sẽ biết cả thôi.
Bài học về Một Phút Xin Lỗi bắt đầu bằng lòng trung thực để tiến đến sự chính trực
- Sáng mai Annie sẽ đến đây. Bác nghĩ cháu nên trao đổi với em nó về nội dung đầu tiên của Một Phút Xin lỗi là Lòng trung thực . Annie nắm rất rõ phần này, cả về lý thuyết lẫn thực hành đấy. Sau bữa sáng, chúng ta sẽ lấy xuồng máy đến thăm một người đang rất mong được gặp lại cháu. Cháu có đoán ra là ai không? Chính là mẹ của bác - cụ bà Nana đấy. Chúng ta sẽ giúp bà hái rau trong mảnh vườn nhỏ sau nhà để chuẩn bị cho bữa cơm mừng dịp Quốc khánh vào tối mai. Cháu cùng tham dự với gia đình bác nhé. Cụ bà Nana đã đóng góp nhiều lời khuyên quý giá cho mục Sự chính trực , nội dung thứ hai của Một Phút Xin lỗi. Và đến buổi chiều, nếu cháu thích, bác cháu ta sẽ cùng chơi golf. - Bác Jack tiếp tục.
- Đầu óc cháu lúc này chỉ nghĩ đến việc làm thế nào để sớm tìm ra kế hoạch cứu nguy cho giám đốc Roberts vào sáng thứ Hai tới thôi bác ạ. - Matt tỏ ra nôn nóng.
Bác Jack mỉm cười:
- Matt này, cuộc sống đâu phải chỉ có công việc thôi đâu cháu. Cuộc sống còn chứa đựng rất nhiều niềm vui khác nữa. Vừa tìm cách giải quyết khó khăn, vừa có thời gian làm những việc cháu thích mới thật sự là cách sống tốt nhất.
- Cha cháu nói rằng cháu có thể hoàn toàn tin tưởng ở bác và bác sẽ giúp cháu nhận ra hướng đi đúng. - Matt nói. - Và cháu biết rằng cha cháu luôn luôn đúng, bác ạ. Hẹn gặp bác ngày mai nhé.
- Cha cháu là người bạn tốt nhất của bác. Bác cũng nhớ ông ấy lắm. Bác có cảm giác được sống lại ngày xưa khi có cháu ở đây với gia đình bác. Rất vui vì cháu đã trở lại. Ngủ ngon nhé, Matthew.