Sáng thứ Bảy, khi đồng hồ vừa điểm bảy giờ, Matt đã thức dậy. Anh xuống bếp tự pha một tách cà phê, lấy cuốn sổ ghi chép kế hoạch công việc hằng ngày và bước ra ngoài vườn. Matt cố đi lại thật khẽ để không đánh thức mọi người. Ra tới hồ, anh đi về phía cuối bến và ngồi xuống đó quan sát những người hàng xóm làm việc trên cầu tàu. Những gia đình sống quanh vùng hồ này đang trang hoàng cho chiếc thuyền của họ để chuẩn bị mừng lễ Quốc khánh.
Matt mở sổ ra đọc và nghiền ngẫm lại những điều vừa ghi chép tối qua. Anh đang tìm cách áp dụng những bài học này vào việc tìm kiếm và giải quyết những khó khăn trong công việc hiện tại. Nhưng chỉ một lúc sau, Matt nghe có tiếng xe lăn bánh lạo xạo trên đường. Ngước lên, anh thấy bác Jack, bác Carol và anh Brad đang đi về hướng chiếc xe vừa đỗ lại. Nhìn vẻ mặt hân hoan của mọi người, Matt đoán người mới đến chỉ có thể là Annie chứ không ai khác. Anh vội đứng dậy và bước nhanh đến chỗ Annie.
- Hôm qua, cha nói với em rằng anh đã trở lại đây. - Annie nói rồi choàng tay ôm lấy Matt. - Em rất vui vì được gặp anh.
- Anh cũng vậy. Thật tuyệt khi anh em mình lại được gặp nhau ở đây. Đã lâu lắm rồi em nhỉ? Anh thật tệ khi không sớm trở lại đây thăm mọi người. Nào, để anh xách túi vào nhà giúp em nhé!
- Có ai thấy đói bụng không? - Bác Carol lên tiếng hỏi.
- Ôi, đói lắm rồi. - Mọi người vui vẻ đồng thanh rồi kéo nhau vào nhà.
Trong lúc dùng điểm tâm, Annie hỏi Matt:
- Em đang tò mò muốn biết cơn gió nào đưa anh trở lại đây thế Matt?
- Anh đang tìm lời giải cho một câu hỏi hóc búa liên quan đến công việc ấy mà. Cha em đang hướng dẫn anh bí quyết Một Phút Xin lỗi.
Nghe vậy, bác Jack quay sang con gái:
- Annie này, con có thể nói về nội dung của phần Lòng trung thực và Thừa nhận lỗi lầm cho mọi người cùng nghe không?
- Dựa vào những gì chính con đã thực hành về nội dung này thì con rất sẵn lòng, cha ạ. - Annie trả lời bằng giọng dí dỏm khiến mọi người cười vang khi nhớ lại những trò nghịch ngợm của cô ngày xưa.
Khi không khí đã lắng xuống, giọng Annie trở nên nghiêm túc hơn:
- Lòng trung thực và việc dũng cảm thừa nhận lỗi lầm của mình sẽ thể hiện bản chất của con người. Khi suy nghĩ về hành động đã làm, ta sẽ nhận ra rằng tất cả mọi lỗi lầm mà ta phạm phải đều xuất phát từ chính bản thân ta chứ không ai khác. Nhưng để làm được điều này, ta buộc phải trung thực với chính mình và tự nguyện hành động theo lẽ phải. Quan điểm của con về vấn đề này là:
Một phút trung thực với chính mình đáng giá hơn biết bao năm tháng day dứt và ân hận khôn nguôi
- Tự lừa dối là một thói quen xấu và chẳng bao giờ mang lại kết quả tốt đẹp. - Annie tiếp tục.
- Vì thế, tự ăn năn, hối cải luôn là việc làm đáng được hoan nghênh. - Matt đồng ý với Annie.
- Một khi đã dám thành thật với chính mình, ta phải chịu trách nhiệm về việc mình đã làm, cũng như lỗi lầm mình đã gây ra. Muốn vậy, ta cần phải vừa có tính khiêm nhường, vừa có lòng dũng cảm. Cha em kể rằng các nhà lãnh đạo tài ba thường khen tặng, tán thưởng nhân viên khi công việc tiến triển tốt đẹp, đồng thời dám nhận trách nhiệm về mình khi biến cố xảy đến. Trái lại, những nhà lãnh đạo chỉ biết đề cao bản thân thì luôn tự vơ lấy thành quả tốt đẹp và trút hết mọi lỗi lầm cho người khác.
Matt thầm nghĩ: “Vậy là hình ảnh về một vị lãnh đạo tự cho mình là quan trọng mà Annie đang nhắc đến được thể hiện rất rõ qua cách cư xử của giám đốc Roberts trong cuộc họp ngày hôm qua”.
- Nếu là người trung thực, anh sẽ dừng ngay những câu chuyện bịa đặt cùng những lời bào chữa mà anh đang dùng để tự trấn an mình. Anh sẽ nhận sai lầm và xin lỗi những người đang vì anh mà phải chịu oan ức, thiệt thòi, bất kể anh sẽ phải nhận lấy hậu quả gì chăng nữa. - Annie nói.
- Nhưng làm thế nào để mọi người hiểu rằng anh đã nhận ra lỗi lầm? – Matt hỏi.
- Chính anh phải là người đầu tiên nhận ra hành động sai trái của bản thân. Chỉ khi anh trung thực với chính mình và nói lời xin lỗi, mọi người sẽ cảm nhận được sự hối cải chân thành của anh. Anh hãy nghĩ như thế này:
Bạn càng chần chừ thì lỗi lầm của bạn càng mau chóng biến thành điểm yếu
- Tất cả chúng ta đều có lúc sai lầm. Thế nhưng chỉ khi ta không dám thừa nhận sai lầm, lòng tin và sự kính trọng mà mọi người dành cho ta mới sụp đổ. Khi đó, mọi người sẽ kết luận rằng một khi ta không thành thật trong việc này thì ắt hẳn ta cũng lừa dối họ trong những việc khác.
- Nếu vậy thì tại sao người ta không xin lỗi sớm hơn? - Matt hỏi.
- Đối với một số người, việc xin lỗi được xem là biểu hiện của sự yếu đuối. Họ không hiểu rằng hành động này đòi hỏi ở con người sự can đảm rất cao. Trong khi đó, một số người lại cứ muốn chứng tỏ mình luôn luôn đúng. Mấu chốt vấn đề nằm ở đó, anh Matt ạ.
- Và họ cho rằng người khác lúc nào cũng sai, phải không? - Brad bổ sung.
- Chính xác. - Annie nói. - Cách sống “tôi luôn luôn đúng” đó làm con người ta mệt mỏi. Anh biết không, khi việc ăn năn, hối cải được nhìn nhận như một hành vi cư xử chuẩn mực thì lòng trung thực sẽ thế chỗ cho sự che đậy, giấu giếm. Và nếu việc này được mọi người thực hiện nghiêm túc thì bất cứ ai đã và đang chịu oan ức, tổn thương đều cảm thấy hài lòng.
- Vậy là xin lỗi không chỉ vì bản thân ta, mà còn vì những người đã bị ta đối xử bất công nữa, phải không?
- Đúng vậy. Đó là lý do tại sao yếu tố cụ thể rất được chú trọng trong Một Phút Xin lỗi. Anh phải nói rõ anh đang xin lỗi về việc gì.
Brad cười nói:
- Ngày xưa, anh và Annie là những chuyên gia trong việc xin lỗi qua loa đấy. Mỗi lần phạm lỗi mà bị bắt quả tang, bọn anh cuống quít nói ngay “Con xin lỗi! Con xin lỗi! Con xin lỗi!” với vẻ mặt rất thảm thương.
- Thật thế à? Nhưng việc đó có mang lại hiệu quả không? - Matt hỏi bằng giọng ngạc nhiên pha lẫn tò mò.
- Hai anh em nhà này cứ tưởng rằng hai bác tin chúng thật đấy! - Câu nói của bác Carol khiến mọi người cười rộ.
Annie lại tiếp tục:
- Chỉ khi nào anh hiểu rõ mình đã làm sai điều gì và thú nhận trước mọi người về cảm giác xấu hổ, ăn năn của mình, khi đó anh mới thật sự hối cải.
- Nếu cháu không chia sẻ những cảm nhận của mình thì việc hối cải đó chỉ mang tính máy móc, hình thức mà thôi. - Bác Jack chêm vào. - Ân hận, hối cải là một quá trình đấu tranh tâm lý bên trong mỗi con người, do họ tự nghiền ngẫm, lý giải và cuối cùng nhận thức được sai lầm mình đã phạm phải. Hành động hối lỗi nhất định phải thể hiện được những xúc cảm thật nhất của người phạm lỗi, sao cho người được xin lỗi cảm nhận rõ rệt sự chân thành đó.
Matt thú nhận:
- Nhưng bác ơi, cháu thấy việc diễn tả cảm xúc của mình là một trong những việc khó khăn nhất, đặc biệt là khi cháu cảm thấy bối rối hoặc giận dữ.
- Anh đừng nghĩ rằng chỉ có phụ nữ mới có khả năng biểu lộ cảm xúc. Tất nhiên, việc bày tỏ suy nghĩ, cảm nhận trước một vấn đề nào đó luôn dễ dàng hơn việc chia sẻ tâm tư, tình cảm trong lòng mình. Không ai dám bảo rằng thừa nhận lỗi lầm là việc dễ dàng cả. - Annie nói. - Giờ thì anh đã hiểu vì sao em nói việc xin lỗi cần đến cả lòng dũng cảm và tính khiêm nhường rồi chứ?
Matt nhìn quanh bàn ăn một lượt rồi nói:
- Thật sự là bây giờ cháu đang có rất nhiều điều cần suy nghĩ. Để cháu thử tóm tắt lại những gì đã học được đến thời điểm này, cụ thể là việc làm thế nào để phát huy lòng trung thực trong Một Phút Xin lỗi.
Lời xin lỗi luôn bắt đầu bằng lòng trung thực
Người trung thực là người:
• Thừa nhận rằng mình đã sai và cần phải xin lỗi.
• Ý thức được sự cần thiết và cấp bách của việc xin lỗi.
• Trình bày một cách rõ ràng, cụ thể về những việc mình đã làm sai với những người phải chịu oan ức, tổn thương vì hành động của mình.
• Bày tỏ sự ăn năn về lỗi lầm mình đã gây ra.