Sau bữa sáng, bác Carol trở về phòng khách đọc nốt cuốn sách còn dang dở. Các thành viên còn lại kéo nhau ra cầu tàu để lấy thuyền đến thăm cụ bà Nana.
Đến nơi, sau khi cột chặt chiếc thuyền vào cầu tàu, tất cả bước lên một lối đi nhỏ lát đá xanh. Hai bên đường là đủ các loại rau, nào là bắp ngô, bí xanh, đậu que, cà rốt, cà chua, dưa chuột… tất cả đều mọc xanh um, tươi tốt.
Mọi người trong thấy bà Nana đang lúi húi trong vườn. Bà đội chiếc nón rộng vành mà nông dân vùng này ưa dùng khi làm việc, mặc bộ quần áo lao động và mang đôi găng làm bằng vải thô dày. Bà lên tiếng trước:
- Xin chào mọi người. Ồ! Ai thế này? Matt! Cháu giống hệt cha cháu khi còn trẻ. Bà rất vui khi nhìn thấy cháu trưởng thành và còn vui hơn khi gặp cháu ở đây.
Matt ôm bà thật chặt với tất cả tình thương yêu của một đứa cháu.
- Bà ơi, ngay khi cháu học được thế nào là xin lỗi một cách đúng nghĩa thì bà chính là người đầu tiên cháu phải nói lời xin lỗi. Thật khó có thể tha thứ khi cháu đã để đến 5 năm mới quay lại thăm bà như thế này.
- Gần 6 năm rồi ấy chứ. Nhưng thôi, 5 hay 6 năm bây giờ không còn quan trọng nữa. Quan trọng là cháu đang ở đây cùng với gia đình bà lúc này. Bà vẫn luôn nhớ đến cháu, Matt ạ.
- Cháu cám ơn bà. Cháu cũng rất vui được trở lại đây, nơi mà cháu luôn cảm nhận được tình yêu thương và sự quan tâm của mọi người. - Matt đáp lời bà. - Cháu chưa bao giờ quên hình ảnh về khu vườn rất đặc biệt của bà.
- Bà chỉ làm mỗi một việc là gieo hạt xuống đất để chúng tự nảy mầm thôi. Bà mẹ đất đai luôn rộng lòng tha thứ cho những lỗi lầm của bà. - Bà Nana cười hiền từ.
- Bà ơi, mọi người trong nhà đang bàn về vấn đề mắc sai lầm và những điều cần làm sau đó, chẳng hạn như phải ý thức được tầm quan trọng và tính cấp thiết của việc thực hiện hành động xin lỗi.
- Cháu có ý định tìm hiểu bí quyết Một Phút Xin lỗi à?
- Vâng ạ! Đúng là cháu đang học ạ. - Matt trả lời. - Annie đã trao đổi với cháu bài học về Lòng trung thực. Cháu nghe nói là cháu sắp được học về Sự chính trực và đây là phần rất quan trọng trong bí quyết Một Phút Xin lỗi. Bác Jack nói với cháu là bà hiểu rõ và có rất nhiều kinh nghiệm quý báu về nội dung này, phải không ạ?
Nghe vậy, cụ bà Nana cười bảo:
- Cháu thật khéo nói quá! Ông cụ nhà bà vẫn thường nói: “Khi nói hoặc làm bất cứ việc gì, điều quan trọng nhất là ta phải có một tấm lòng hướng thiện và phải biết lấy sự chính trực làm trọng”.
- Vậy có nghĩa là giữa Lòng trung thực và Sự chính trực có sự khác nhau hả bà? - Matt hỏi.
- Đúng vậy. Có sự khác nhau đấy cháu ạ. - Bà Nana xác nhận và bổ sung thêm:
Trung thực là luôn thành thật với chính mình và mọi người
Chính trực là luôn sống với sự thành thật đó
- Dám thú nhận những sai lầm mình đã phạm phải là trung thực, - Matt suy đoán, - còn khi làm được những điều mình đã nói, mà bác Jack gọi là “lời nói đi đôi với việc làm” , là chính trực, phải không ạ?
- Đúng vậy, cháu lập luận rất tốt. - Bà Nana gật đầu. - Nếu là người chính trực, cháu sẽ luôn trung thực trong mọi hoàn cảnh, bất kể ở đâu và khi nào. Nhưng điều này còn phụ thuộc vào bản thân mỗi người, phụ thuộc vào việc họ mong muốn trở thành người như thế nào.
- Cháu muốn biết làm thế nào để ta xây dựng được một hình mẫu lý tưởng để mà phấn đấu ạ?
- Câu hỏi thật xuất sắc, Matt ạ. Bác sẽ nói cho cháu biết bác đã làm như thế nào. Cách đây khoảng 10 năm, bác đã tự tay soạn thảo bản cáo phó cho chính mình. - Bác Jack vừa nói vừa cười tủm tỉm.
- Câu chuyện bác sắp kể có vẻ không được vui. - Matt nói.
Bác Jack gật đầu và nói tiếp:
- Bác bắt đầu tự viết bản cáo phó sau khi bác đọc được câu chuyện về cuộc đời Alfred Nobel.
- Có phải đó là người sáng lập giải thưởng Nobel danh tiếng không ạ?
- Đúng vậy. Đó là một câu chuyện thú vị, cháu ạ. Mặc dù giải Nobel được trao tặng cho các thành tựu xuất sắc thuộc nhiều lĩnh vực như Vật lý, Hóa học, Kinh tế, Văn chương, Y khoa… nhưng nó lại được nhiều người biết đến nhất qua giải thưởng về Hòa bình. Cháu có nhớ Nobel chính là người đã sáng chế ra thuốc nổ không?
- Cháu đoán là giờ bác mới đi vào phần chính của câu chuyện, đúng không ạ? - Matt hỏi.
- Hồi đó, sau cái chết của người anh trai, Alfred sửng sốt khi bắt gặp bản cáo phó của mình trên một tờ báo địa phương. Chẳng hiểu làm sao tòa soạn báo đó lại nhầm lẫn tên của hai anh em ông với nhau nữa. Cháu có tưởng tượng được tâm trạng của ông ấy khi đọc bản cáo phó đó không?
- Có phải là bản cáo phó đó đã đề cập đến tác hại của loại thuốc nổ mà ông ấy phát minh ra không?
- Đúng vậy. - Bác Jack gật đầu. - Nobel rất đau lòng khi nghĩ rằng người đời sẽ nhớ đến ông như một kẻ hủy diệt. Sau một thời gian suy nghĩ, ông quyết định thay đổi bản di chúc. Ông muốn sau này người đời sẽ nhớ đến cái tên Nobel với sự tôn kính và lòng biết ơn dành cho một người đã cống hiến trọn đời cho sự nghiệp hòa bình của nhân loại. Cháu thấy đấy, cách nhìn nhận, đánh giá của mọi người xung quanh có ảnh hưởng rất lớn đến mỗi người chúng ta, thậm chí có thể giúp ta quyết định mẫu người mà ta phấn đấu noi theo.
- Bác xem cháu đã hiểu đúng vấn đề chưa nhé. - Matt nói. - Theo lời bác kể thì bên cạnh việc giúp ta sửa chữa sai lầm, việc sử dụng bí quyết Một Phút Xin lỗi còn là dịp để ta soi xét lại bản thân để xem có thể dung hòa được con người vốn có của mình với con người mà ta muốn trở thành trong tương lai không, đúng chưa ạ?
- Đúng rồi! Cháu đã hiểu vấn đề rồi đấy. Một trong những câu nói mà bác rất yêu thích là:
Những gì ta để lại cho đời chính là những gì ta đang sống hôm nay
- Không ai là người hoàn hảo cả. - Bà Nana nói. - Những gì chúng ta hình dung về khả năng của mình thường khác xa so với những việc chúng ta làm được trên thực tế. Và mọi người sẽ đánh giá sự chính trực của ta dựa trên khả năng sửa chữa sai lầm, cũng như thời gian để ta lấy lại được phong độ ban đầu.
- Khi bù đắp được những thiệt hại đã gây ra cho người khác, ta sẽ có cảm giác hài lòng với chính mình và cảm giác tội lỗi sẽ phần nào được giải tỏa. - Matt nói.
- Hoàn toàn chính xác. - Bà Nana tán thành. - Câu nói “Tôi xin lỗi. Mọi lỗi lầm đều do tôi gây ra. Tôi không hiểu tại sao lúc đó tôi lại có thái độ cư xử tệ như vậy!” sẽ nhắc nhở chúng ta về giá trị của bản thân, qua đó không ngừng nỗ lực để hoàn thiện mình và vươn đến những điều tốt đẹp. Đừng bao giờ tự lên án chỉ vì trong một thời điểm nào đó, cháu cư xử không được như cháu mong muốn.
- Bà biết không, cháu cũng đã từng trải qua những điều như bà vừa nói rồi đấy ạ. Có rất nhiều lúc cháu cư xử rất tệ và không giống với cháu thường ngày chút nào. Rồi đến khi chỉ còn lại một mình, cháu cứ suy nghĩ mãi về những việc đã làm và rồi thao thức cả đêm. Chỉ khi nào sửa chữa được những lỗi lầm đó, cháu mới yên tâm và không còn dằn vặt bản thân nữa. - Matt bộc bạch.
- Có vẻ giống câu chuyện của Abraham Lincoln ấy nhỉ. - Bà Nana chen vào.
- Tổng thống Abraham Lincoln đáng kính ấy ạ? - Matt hỏi lại.
- Đúng vậy. Ông ấy là một trong những người mà bà ngưỡng mộ nhất đấy. - Bà Nana trả lời. - Carl Sandburg đã viết một cuốn sách về Lincoln và những sai sót trong cách hành xử của ông. Bà đọc đi đọc lại cuốn sách này nhiều lần để nhắc nhở bản thân rằng bất kỳ ai cũng có lúc phạm sai lầm. Nào, bây giờ chúng ta vào nhà rồi bà sẽ kể chuyện về Abraham Lincoln cho cháu nghe.
Cụ bà Nana thong thả bước trên lối đi rải sỏi hướng về phía ngôi nhà nhỏ và Matt ngoan ngoãn theo sau. Bà bảo Matt cứ tìm chỗ ngồi nghỉ trong khi đợi bà vào nhà tìm cuốn sách của Carl Sandburg. Khi trở lại, bà đưa cho anh một cuốn sách nhỏ đã cũ và nói:
- Đây là câu chuyện kể về những thách thức mà Lincoln đã trải qua trước khi trở thành vị lãnh tụ được nhiều người tôn kính như hiện nay.
Matt bắt đầu đọc.
Một ngày nọ, đại tá Scott thuộc binh đoàn bảo vệ thủ đô của quân đội miền Bắc nhận được tin dữ: vợ ông vừa qua đời trong một tai nạn tàu thủy ở vịnh Chesapeake. Đại tá Scott liền viết đơn đề nghị chỉ huy cho ông nghỉ phép để trở về nhà lo đám tang cho vợ và chăm sóc các con. Nhưng lời thỉnh cầu của ông đã không được chấp thuận vì có thông tin một trận đánh lớn sắp sửa nổ ra. Lời từ chối này không khiến Scott nản chí. Ông quyết định đệ đơn lên chánh văn phòng phụ trách chiến tranh, ngài Edwin Stanton, để trình bày về hoàn cảnh của mình. Thế nhưng trái với những gì ông trông đợi, lời thỉnh cầu của ông lại tiếp tục bị từ chối. Scott quyết định đề đạt nguyện vọng lên cấp chỉ huy tối cao.
Scott đến gặp Tổng thống Lincoln tại văn phòng tổng thống vào một buổi tối thứ Bảy. Lúc đó đã khá muộn và ông là vị khách cuối cùng được vào diện kiến Tổng thống. Lincoln lắng nghe toàn bộ câu chuyện của đại tá Scott và ông nổi giận khi nghe Scott nhắc lại lời thỉnh cầu.
- Tôi phải chịu trách nhiệm chuyện này hay sao? Anh nghĩ tôi có nhiều thời gian rảnh lắm phải không? Anh có biết mỗi ngày tôi có hàng núi công việc cấp bách cần giải quyết không? Sao anh có thể tìm đến tận văn phòng của tôi chỉ để yêu cầu một việc hoàn toàn mang tính cá nhân như thế này được chứ? Tại sao anh không đến văn phòng phụ trách chiến tranh? Ở đó người ta sẽ giải quyết tất cả những giấy tờ khiếu nại và tình hình đi lại, vận chuyển cho anh.
Scott thuật lại với Tổng thống những gì mình đã làm và cả lời từ chối của ngài Stanton. Nghe vậy, Tổng thống nói:
- Nhưng anh cũng không nên khăng khăng buộc người khác phải chiều theo ý mình như vậy. Tướng Stanton hiểu rất rõ ý nghĩa sống còn của trận đánh sắp tới. Tất nhiên, ông ấy cũng hiểu rất rõ tính nghiêm minh của kỷ luật quân đội, mà những gì đã gọi là luật thì đều phải được chấp hành một cách nghiêm chỉnh.
Trong trường hợp này, tôi sẽ phạm luật nếu bỏ qua các quy định ông ấy đã lập ra. Còn nữa, anh nên nhớ một điều là tôi đang phải gánh vác rất nhiều trọng trách nặng nề khác. Tôi không thể đưa ra bất kỳ quyết định nào cho lời yêu cầu của anh.
Chúng ta đang ở giữa một cuộc chiến khốc liệt vì nó mà không ít người đã gánh chịu rất nhiều đau khổ và từng giờ từng phút cận kề cái chết. Vì cuộc chiến này mà không nơi nào trên đất nước có được ngày bình yên. Tất nhiên, hòa bình rồi sẽ đến, nhưng để có được ngày đó thì lúc này chúng ta chỉ có một lựa chọn duy nhất là chiến đấu mà thôi.
Tất cả các gia đình trên đất nước này đều chìm trong cảnh đau thương, tang tóc. Vậy mà có ai đến đây để cầu xin tôi giúp đỡ đâu. Những gì có thể làm thì tôi cũng đã cố gắng hết sức rồi. Anh hãy đến văn phòng phụ trách chiến tranh. Những người làm việc ở đó sẽ giải quyết trường hợp của anh. Nếu họ cũng không thể giúp được gì thì anh hãy cố kìm nén nỗi đau khổ cá nhân, như bao nhiêu người trên đất nước này, và chờ ngày chiến tranh kết thúc.
Đại tá Scott rời khỏi dinh tổng tư lệnh, mang theo trong lòng nỗi buồn vô hạn.
Đọc hết đoạn này, Matt ngừng lại và ngước lên hỏi bà Nana:
- Đây là chuyện có thật ạ?
Bà Nana gật đầu xác nhận.
- Câu chuyện này không giống những gì cháu được học về Abe Lincoln khi cháu còn ngồi trên ghế nhà trường. - Matt nói tiếp. - Thế nên cháu rất lấy làm ngạc nhiên vì cách cư xử của ông ấy ở đây. Cháu không có ý phê phán quyết định của ông ấy. Có thể đấy là quyết định mà bất kỳ vị tổng thống nào cũng buộc phải đưa ra trong hoàn cảnh đó. Nhưng cách ông ấy từ chối yêu cầu của Scott thật tàn nhẫn. Vậy mà trước nay cháu luôn cho rằng Lincoln là vị tổng thống độ lượng, luôn biết quan tâm đến người khác. Cháu thật sự thất vọng về cách cư xử của Tổng thống Lincoln đối với đại tá Scott.
- Hình tượng về vị tổng thống đáng kính trong lòng cháu đã bị lung lay rồi ư? - Bà Nana hỏi Matt.
- Cháu nghĩ như vậy là cháu đã rộng lượng với ông ấy lắm rồi đấy chứ. - Matt phân trần. - Bà thấy đấy, ông ấy hoàn toàn vô cảm trước sự ra đi đột ngột của phu nhân đại tá Scott. Dường như ông ấy còn không có lòng trắc ẩn nữa.
Matt dõng dạc đọc lại trích đoạn sau:
“Anh nghĩ là tôi có nhiều thời gian rảnh lắm phải không? Sao mà anh có thể tìm đến tận văn phòng của tôi chỉ để yêu cầu một việc hoàn toàn mang tính chất cá nhân như thế này được chứ?”.
- Matt, cháu nghĩ như thế nào về câu chuyện này? Tại sao vị tổng thống đáng kính của chúng ta lại cư xử như vậy? - Bà Nana hỏi Matt.
- Theo cháu, nguyên nhân có thể bắt nguồn từ áp lực nặng nề của cuộc chiến. Những con số khổng lồ về tổn thất liên tục được cập nhật, trong khi số người tử vong không ngừng tăng lên. Và đến cuối ngày, quả thật tổng thống đã hoàn toàn kiệt sức. Điều đó giải thích tại sao ông ấy lại cư xử như vậy. Những lý do mà ông ấy đưa ra nghe rất thuận tai và khiến cho đại tá Scott từ bỏ hoàn toàn ý định của mình.
- Giải thích và biện minh là hai việc làm hoàn toàn khác xa nhau. Giải thích là nêu ra lý do vì sao một việc lại xảy ra như vậy, còn biện minh là tìm mọi cách che đậy sự việc và không muốn nhận lãnh trách nhiệm. Ai cũng có thể tìm ra lời bào chữa cho một hành vi tồi tệ nào đó của mình.
- Cháu hiểu điều bà vừa nói, - Matt đồng tình, - nhưng điều này có vẻ như không giống với câu chuyện chúng ta đang nói về Tổng thống Lincoln.
- Cháu nghĩ là Lincoln sẽ hài lòng khi câu chuyện trên trở thành một phần trong nội dung bản cáo phó của ông ấy sau này hay sao?
- Cháu đang ngờ rằng những điều được viết trong bản cáo phó chỉ là hình tượng mà ông ấy tự tô vẽ cho mình.
- Tại sao cháu không lật sang trang mới và đọc tiếp câu chuyện? - Bà Nana đề nghị.
Matt đọc to đoạn truyện tiếp theo để hai bà cháu cùng theo dõi:
Sáng sớm hôm sau, đại tá Scott nghe thấy có tiếng gõ nhẹ lên cánh cửa. Mở ra, ông sửng sốt khi nhìn thấy Tổng thống Lincoln đang đứng bên ngoài. Cầm lấy tay đại tá Scott, Tổng thống Lincoln nói, giọng ăn năn:
- Đại tá Scott thân mến! Tối qua, tôi đã cư xử với anh chẳng khác gì một kẻ thô lỗ và không có lương tâm. Tôi không có lời nào để bào chữa cho những hành động của mình cả. Tối hôm qua, tôi đã tiếp anh trong trạng thái rất mệt mỏi, nhưng dù thế chăng nữa thì tôi cũng không có quyền cư xử với người khác một cách tàn nhẫn như vậy, nhất là người đã cống hiến cả đời mình cho đất nước và đang phải gánh chịu nỗi đau quá lớn như anh. Tôi đã trải qua một đêm sám hối và giờ đây, tôi đến gặp anh để xin tha thứ.
Sau đó, Tổng thống đã thu xếp với tướng Sta nton để đại tá Scott được trở về nhà dự lễ tang người vợ vừa khuất. Tổng thống còn đưa đại tá Scott ra tận bến tàu thủy bằng xe riêng của mình và chúc đại tá thượng lộ bình an.
- Ông ấy đã thực hiện Một Phút Xin lỗi thật trọn vẹn. - Matt thốt lên. - Sở dĩ hành động xin lỗi này của Tổng thống Lincoln có hiệu quả là nhờ vào cách cư xử của ông ấy đã thể hiện rõ sự hối lỗi chân thành.
- Bà rất vui khi thấy cháu hiểu ra điều này. - Bà Nana gật gù.
- Lincoln đã trung thực với bản thân khi ông dám thừa nhận sai lầm của mình. - Matt nói. - Ông nhận trách nhiệm về hành động đó và nhanh chóng xin lỗi người đã bị tổn thương vì mình.
- Tổng thống đã nhanh chóng thể hiện sự ân hận của ông qua câu: “Ngay sáng sớm hôm sau”. - Bà Nana phân tích. - Và lời xin lỗi của ông rất cụ thể: “Tối qua, tôi đã cư xử với anh chẳng khác gì một kẻ thô lỗ và không có lương tâm… Tôi không có quyền cư xử với người khác một cách tàn nhẫn như vậy, nhất là người đã cống hiến cả đời mình cho đất nước và đang phải gánh chịu nỗi đau quá lớn như anh”. Và ông bộc lộ suy nghĩ, cảm xúc của mình qua câu nói: “Tôi đã trải qua một đêm sám hối”.
- Bà còn thuộc luôn cả đoạn văn này ư? - Matt ngạc nhiên.
- Bà chẳng nói với cháu là bà cực kỳ ngưỡng mộ Abraham Lincoln sao? - Bà Nana đáp. - Câu chuyện này không chỉ là một ví dụ điển hình về sự trung thực trong Một Phút Xin lỗi, mà qua đó còn thể hiện được sự chính trực của Lincoln.
- Sự chính trực của ông ấy thể hiện qua những việc làm nào ạ?
- Lincoln không yêu cầu đại tá Scott đến gặp ông, mà đích thân ông đã đến doanh trại của Scott. Trong khi vào đêm trước, Lincoln còn yêu cầu Scott phải tuân theo quy định thì rạng sáng hôm sau, ông đã bỏ qua kỷ luật quân đội để nói chuyện với Scott với tư cách bình đẳng, không phân chia thứ bậc.
- Thật không dễ dàng chút nào khi thừa nhận sai lầm của mình, nhất là khi người đó đang ở cương vị của một tổng thống, phải không bà? - Matt nhận xét.
- Đúng vậy. - Bà Nana tán thành. - Khi mắc sai lầm, chúng ta thường quá kiêu hãnh không chịu nhìn thẳng vào sự thật. Chúng ta cố tình không tin rằng mình có thể gây ra những hành động sai trái đến vậy. Và niềm kiêu hãnh đó cứ ru ngủ lương tâm ta, khiến ta không bao giờ dám trung thực với mình và càng không thể trung thực với bất kỳ ai.
- Và nếu tình hình này bị đẩy đi xa hơn thì sẽ dẫn đến nguy cơ là sai lầm nối tiếp sai lầm - Matt phân tích tiếp. - Vì không thể thừa nhận sai lầm nên ta cũng không thể tha thứ cho mình được. Theo đà đó, chúng ta thà sống trong cảm giác tội lỗi chứ nhất mực không thừa nhận mình đã sai. Rồi chúng ta lại tiếp tục không thể tha thứ cho mình. Cái vòng luẩn quẩn ấy khiến ta không bao giờ tìm thấy cảm giác bình yên, thanh thản.
- Cháu phân tích rất hợp lý. - Bà Nana nhận xét. - Cụm từ “tha thứ cho chính mình” thoạt nghe rất đơn giản nhưng việc thực hiện lại không dễ dàng chút nào.
- Nhưng tại sao việc tha thứ cho chính mình lại khó đến vậy hả bà?
- Chúng ta phải giải quyết hai vấn đề. Thứ nhất, một khi đã phạm lỗi thì ta phải sửa chữa được lỗi lầm đó. Thứ hai, nếu cư xử không đúng mực hay có những hành động trái với bản tính của mình, ta phải tìm cách chứng minh để mọi người hiểu rằng ta vốn không tệ như thế.
- Cháu nghĩ hẳn Lincoln đã phải suy nghĩ suốt cái đêm mà ông ấy gọi là “đêm sám hối” để tìm ra lời đáp cho cả hai câu hỏi này. - Matt suy luận.
- Điều này thì không có gì phải nghi ngờ. Ông ấy hẳn phải soi xét, tìm kiếm và xác định đâu là con người thật của mình và tìm cách để “trở về” sau khi hành động sai lầm đã đẩy ông đi quá xa. Đó là lý do vì sao ông ấy lại tự tìm đến doanh trại của đại tá Scott ngay sáng hôm sau.
- Bà có cho rằng sở dĩ Lincoln thay đổi quyết định vì ông ấy cảm thấy tội lỗi không? - Matt hỏi.
- Bà không nghĩ vậy. Bà cho rằng chính nỗi đau mà Scott đang phải gánh chịu mới là điều khiến Tổng thống Lincoln trăn trở. Lincoln hiểu nỗi đau khổ mà đại tá Scott đang kìm nén trong lòng sẽ ảnh hưởng như thế nào đến các quyết định của ông ấy, nhất là khi Scott cũng thuộc hàng tướng lĩnh. Nhận thấy sai lầm nghiêm trọng của mình đã làm tổn thương đại tá Scott, Tổng thống Lincoln quyết định sửa chữa và bù đắp phần nào nỗi đau mà cấp dưới của ông đang gánh chịu.
- Cháu nghĩ Tổng thống Lincoln đang muốn lấy lại lòng tin nơi đại tá Scott và ông đang làm những điều có lợi nhất cho quân đội của mình.
- Đúng vậy, việc sửa chữa lỗi lầm thể hiện sự thành tâm của chúng ta, giúp ta khôi phục niềm tin ở mọi người. Nhưng chúng ta sẽ không bao giờ lấy lại được sự tin tưởng của họ cho đến khi chúng ta thay đổi cách cư xử và đền bù những thiệt hại mà mình đã gây ra. Chúng ta phải tìm cách bù đắp làm sao để mọi người đều thông cảm và đánh giá cao hành động đó, cũng như thái độ hối lỗi của ta.
- Như Tổng thống Lincoln đã bù đắp lỗi lầm bằng cách đưa đại tá Scott ra bến tàu bằng xe của ông ấy phải không ạ?
- Đúng vậy cháu ạ. - Bà Nana đáp. - Nếu là cháu, cháu có muốn giữ mối liên hệ với người đã tìm mọi cách để lấy lại niềm tin của cháu thông qua việc bù đắp những thiệt hại mà họ gây ra không?
- Tất nhiên là có chứ ạ. Chẳng hạn gần đây, một hãng hàng không đã bỏ sót suất vé cháu đặt từ trước. Tất nhiên là cháu rất bực bội với cách làm việc này và đã gọi điện báo cho nhân viên quầy vé. Cô ấy đã khiến cháu ngạc nhiên khi thừa nhận thiếu sót, sau đó xin lỗi về sự tắc trách của nhân viên và về những phiền toái đã gây ra cho cháu. Cô ấy nói: “Công ty chúng tôi thật có lỗi với quý khách. Tôi vừa mới nhập thông báo này vào máy tính để bảo đảm rằng việc này sẽ không bao giờ xảy ra nữa. Tuy nhiên, quý khách có thể vui lòng cho tôi biết liệu công ty tôi có thể làm điều gì để lấy lại niềm tin của quý khách không ạ?”. Cháu rất ấn tượng trước câu hỏi của cô ấy và đáp: “Chị đã giữ được lòng tin của tôi, bởi vì chị đã lắng nghe lời phàn nàn của tôi và có những hành động rất kịp thời ”.
- Hẳn là hôm đó, cô nhân viên ấy cũng đã tỏ ra rất vui mừng khi lấy lại được lòng tin của cháu đối với hãng hàng không của cô ấy, phải không? - Bà Nana nhận xét. - Bà nghĩ tất cả mọi người đều đánh giá cao sự thành tâm hối lỗi và sẵn lòng bỏ qua mọi chuyện không vui. Điều này cũng được áp dụng trong bí quyết Một Phút Xin lỗi, nghĩa là hành động xin lỗi sẽ không thể hoàn thành trọn vẹn nếu chúng ta không nỗ lực hết mình để sửa chữa sai lầm, mà phải thực hiện việc đó ngay lập tức. Các thành viên trong gia đình bà vẫn thường nói:
Lời xin lỗi sẽ là không trọn vẹn nếu thiếu sự thay đổi trong thái độ và hành vi
- Vậy nên nhiều người thường tỏ ra thờ ơ khi nghe ai đó nói câu “Tôi xin lỗi” phải không ạ? - Matt thắc mắc.
- Đúng vậy đấy cháu.
- Điều đó có nghĩa là nếu cháu liên tục nói câu “Tôi xin lỗi” mà không thay đổi cách cư xử, thì đến một lúc nào đó, mọi người sẽ không còn coi trọng lời xin lỗi của cháu nữa. - Matt nêu giả thiết.
- Rất chính xác. Bây giờ bà cháu mình ra xem mọi người đang làm gì trong vườn nào.
Matt ghi nhanh một vài kết luận vào cuốn sổ tay rồi theo bà Nana băng qua lối đi nhỏ về phía chiếc thuyền, nơi bác Jack, Annie và Brad đang đợi.
- Cháu đánh giá như thế nào về ý nghĩa của sự chính trực trong Một Phút Xin lỗi? - Bác Jack hỏi khi nhìn thấy Matt trở ra.
- Tất nhiên là cháu đánh giá rất cao ạ. Cháu biết ơn bà Nana lắm. - Matt đáp. - Để cháu nói lại nội dung chính của phần này bác xem thế nào nhé.
Một Phút Xin Lỗi kết thúc bằng sự chính trực
Bạn là người chính trực khi:
• Nhận ra rằng lỗi lầm bạn đang phạm phải đối lập với mẫu người mà bạn muốn phấn đấu trở thành.
• Xác định lại rằng tư cách đạo đức của bạn tốt hơn nhiều so với con người mà bạn thể hiện trong một thời điểm nào đó. Hãy tha thứ cho chính mình.
• Nhận định lại mức độ tổn thương mà bạn đã gây ra và tìm cách chuộc lại lỗi lầm bằng hành động cụ thể.
• Hoàn tất việc ăn năn, hối hận bằng cách thay đổi những hành vi cư xử có thể khiến người khác tổn thương.
Bác Jack nhìn Matt, hài lòng:
- Cháu đã làm rất tốt.
Matt quay về phía bà Nana và nói:
- Cảm ơn bà đã giúp cháu hiểu được ý nghĩa của sự chính trực. Cháu sẽ không bao giờ quên câu chuyện về Abraham Lincoln. Cháu sẽ chép lại câu chuyện này để chia sẻ với một người.
- Bà rất sẵn lòng tặng cháu một bản sao của câu chuyện. Thật vui khi biết câu chuyện này có ý nghĩa với cháu nhiều như vậy.
Bà Nana vừa đáp vừa nhìn đồng hồ:
- Mọi người nên trở về nhà đi thôi. Carol đang cần chỗ rau quả này để chuẩn bị cho bữa tiệc tối nay đấy.
Mọi người hôn tạm biệt bà Nana và chuyển mấy giỏ rau lên thuyền.
- Hẹn gặp lại bà, bà ạ! - Brad kêu to trong lúc mọi người đẩy thuyền ra khỏi cầu tàu. - Chỗ rau này trông ngon thật đấy. Hẳn món củ quả nướng tối nay sẽ hấp dẫn lắm đây.
- Bà sẽ tiếp tục trồng nữa, nếu cháu thích. Cảm ơn mọi người đã ghé thăm bà. - Bà Nana nói rồi vẫy tay chào mọi người.
- Em nghĩ là bà chưa từng bị mất ngủ bao giờ. - Matt nói to, át cả tiếng động cơ của máy tàu.
- Đúng vậy! - Brad cũng nói lớn. - Bà thường nói với cha anh là: “Mẹ luôn ngủ rất ngon” .