“Bà cô Emma yêu quý của tôi hiện ra sao rồi?” Harold Guinzburg hỏi sau khi chào mừng Harry tới Câu lạc bộ Harvard.
“Tôi vừa nói chuyện với cô ấy qua điện thoại,” anh đáp. “Cô ấy gửi lời chào trìu mến nhất tới ông, và rất thất vọng vì không thể có mặt ở đây cùng chúng ta.”
“Tôi cũng vậy. Làm ơn hãy nói với vợ cậu rằng lần sau tôi sẽ không chấp nhận bất cứ cớ nào đâu đấy.” Guinzburg dẫn vị khách của ông tới phòng ăn, và hai người ngồi vào chỗ tại nơi rõ ràng là bàn quen của ông chủ nhà xuất bản. “Tôi hy vọng cậu thấy thích Pierre,” ông nói trong lúc người bồi bàn đưa thực đơn.
“Chắc sẽ ổn cả thôi, nếu tôi biết cách dừng vòi hoa sen lại.” Guinzburg bật cười. “Có lẽ cậu nên đề nghị cô Redwood đến trợ giúp.”
“Nếu cô ấy làm thế thật, tôi không dám chắc mình biết cách để dừng cô ấy lại.”
“À, vậy là cô ấy đã cho cậu thưởng thức qua bài thuyết trình của mình về tầm quan trọng phải đưa được Không gì mạo hiểm vào danh sách bán chạy nhất càng nhanh càng tốt.”
“Một quý cô thật đáng nể.”
“Đó là lý do tôi chọn cô ấy làm giám đốc,” Guinzburg nói, “bất chấp sự phản đối từ một số giám đốc khác không muốn một phụ nữ có mặt trong hội đồng quản trị”.
“Emma hẳn sẽ rất tự hào về ông,” Harry nói, “và tôi có thể cam đoan với ông rằng cô Redwood đã cảnh báo tôi về hậu quả nếu thất bại”.
“Nghe có vẻ giống Natalie đấy. Và hãy nhớ, chỉ mình cô ấy quyết định việc cậu sẽ quay về bằng máy bay hay đi thuyền chèo tay đấy.”
Harry rất muốn cười, song anh không dám chắc có phải ông chủ nhà xuất bản đang đùa hay không.
“Đáng ra tôi cũng muốn cô ấy cùng ăn trưa với chúng ta,” Guinzburg nói, “nhưng như cậu có lẽ đã để ý thấy, Câu lạc bộ Harvard không cho phép phụ nữ có mặt tại cơ sở của họ - đừng nói chuyện này với Emma đấy”.
“Tôi có cảm giác ông sẽ thấy phụ nữ dùng bữa tại Câu lạc bộ Harvard từ rất lâu trước khi ông thấy họ xuất hiện ở bất cứ câu lạc bộ dành cho nam giới nào tại Pall Mall hay St James1.”
1 Tên các đường phố ở London.
“Trước khi chúng ta nói về chuyến đi quảng bá,” Guinzburg nói, “tôi muốn được nghe qua về mọi chuyện cậu và Emma đã trải qua kể từ khi cô ấy rời New York. Làm thế nào cậu dành được Ngôi sao Bạc? Emma đã có việc làm chưa? Sebastian phản ứng thế nào khi gặp bố lần đầu tiên? Và…”.
“Và Emma nhắc đi nhắc lại rằng tôi không được quay về Anh mà không tìm hiểu chuyện gì đã xảy ra với Sefton Jelks.”
“Chúng ta có thể gọi món trước được không? Tôi không mấy hứng thú khi nghĩ tới Sefton Jelks với một cái dạ dày rỗng.”
-o-
“Có thể tối nay tôi không phải đáp tàu về Washington, nhưng tôi e rằng mình phải quay về London ngay, cô Barrington,” Giáo sư Feldman nói sau khi ký tặng xong cuốn sách cuối cùng. “Tôi sẽ thuyết trình tại trường Kinh tế London vào mười giờ sáng mai, vì thế tôi chỉ có thể dành cho cô vài phút thôi.”
Emma cố không tỏ ra thất vọng. “Trừ khi...” Feldman nói.
“Trừ khi?”
“Trừ khi cô muốn đi cùng tôi lên London, trong trường hợp đó cô sẽ có được sự quan tâm hoàn toàn của tôi trong ít nhất hai giờ đồng hồ.”
Emma do dự. “Tôi cần gọi một cuộc điện thoại.”
Hai mươi phút sau, cô đã ngồi trên toa xe lửa hạng nhất, đối diện với Giáo sư Feldman. Ông ta đưa ra câu hỏi đầu tiên.
“Thưa cô Barrington, vậy là gia đình cô vẫn tiếp tục sở hữu công ty hàng hải mang cái tên danh tiếng của họ?”
“Vâng, mẹ tôi sở hữu hai mươi hai phần trăm cổ phần.”
“Như vậy là quá đủ để giúp gia đình cô nắm quyền kiểm soát, và đó là điều quan trọng nhất trong bất kỳ doanh nghiệp nào - chừng nào không có ai khác nắm trong tay nhiều hơn hai mươi hai phần trăm.”
“Anh trai Giles của tôi không quan tâm lắm tới hoạt động kinh doanh của công ty. Anh ấy là một dân biểu Hạ viện và thậm chí còn không tham gia Đại hội cổ đông hàng năm. Nhưng tôi thì có, thưa giáo sư, và chính vì thế tôi cần nói chuyện với ông.”
“Làm ơn hãy gọi tôi là Cyrus. Tôi đã tới tuổi không muốn bị một phụ nữ trẻ xinh đẹp liên tục nhắc nhở mình đã già đến mức nào.”
Grace đã đúng về một chuyện, Emma thầm nghĩ, và quyết định tận dụng điều đó. Cô đáp lại nụ cười của ông giáo sư trước khi hỏi, “Ông có dự kiến khó khăn nào ngành công nghiệp đóng tàu phải đối mặt trong thập kỷ tới không? Chủ tịch mới của chúng tôi, Sir William Travers...”.
“Một con người xuất sắc. Cunard thật ngốc khi để một nhân vật có năng lực như vậy ra đi,” Feldman ngắt lời cô.
“Sir William đang cân nhắc xem liệu chúng tôi có nên bổ sung một tàu chở khách nữa vào đội tàu của mình.”
“Điên rồ!” Feldman nói, siết chặt nắm tay và đấm mạnh xuống cái ghế bên cạnh ông ta, làm một đám bụi bay tung lên. Trước khi Emma kịp hỏi vì sao, ông giáo sư nói thêm, “Trừ khi cô có một lượng tiền mặt cần giải ngân, hay có những ưu đãi về thuế dành cho ngành công nghiệp đóng tàu của Anh mà chưa ai nói cho tôi biết”.
“Theo như tôi biết thì cả hai việc đó đều không có,” cô đáp. “Vậy thì đã đến lúc cô phải đối diện với thực tế. Hàng không sắp sửa biến tàu chở khách thành những con khủng long nổi. Tại sao một người tỉnh táo lại mất năm ngày để vượt qua Đại Tây Dương, trong khi có thể thực hiện cũng cuộc hành trình đó bằng máy bay chỉ trong mười tám giờ?”
“Có thể là do cảm giác thư thái hơn? Hay do sợ bay? Hoặc khi đến nơi ông sẽ thấy khỏe mạnh hơn?” Emma đề xuất, nhắc lại những lời của Sir William tại Đại hội cổ đông hàng năm.
“Quá lỗi thời và xa rời thực tế, thưa tiểu thư,” Feldman nói.
“Cô sẽ phải đưa ra lý lẽ nào đó khá hơn thế nếu muốn thuyết phục được tôi. Không, sự thật là giới kinh doanh hiện đại, và thậm chí cả những du khách ưa cảm giác phiêu lưu hơn, đều muốn cắt giảm thời gian cần thiết để tới được điểm đến của họ, và theo tôi nghĩ, điều này chỉ vài năm nữa thôi sẽ nhấn chìm ngành kinh doanh vận tải đường biển.”
“Còn về dài hạn?”
“Cô không có nhiều thời gian đến thế đâu.” “Vậy ông khuyến cáo chúng tôi nên làm gì?”
“Đầu tư tất cả tiền mặt các vị có vào việc đóng tàu vận tải hàng hóa. Máy bay sẽ không bao giờ có khả năng chuyên chở các mặt hàng trọng tải lớn như xe hơi, máy móc, thậm chí cả thực phẩm.”
“Làm sao tôi có thể thuyết phục Sir William về điều đó?” “Hãy nói rõ quan điểm của cô trong cuộc họp tới của hội đồng quản trị,” Feldman nói, nắm tay lại đấm xuống ghế.
“Nhưng tôi không ở trong hội đồng quản trị.” “Cô không có mặt trong hội đồng?”
“Không, và tôi không thể hình dung công ty Barrington lại có lúc nào đó chỉ định một nữ giám đốc.”
“Họ không có quyền lựa chọn,” Feldman nói, giọng cao lên. “Mẹ cô nắm hai mươi hai phần trăm cổ phần của công ty. Cô có thể đòi hỏi một chỗ trong hội đồng quản trị.”
“Nhưng tôi không có bằng cấp cần thiết, và một chuyến tàu hai giờ tới London, cho dù cùng một giáo sư từng đạt giải Pulitzer, cũng không thể giúp giải quyết được chuyện đó.”
“Vậy đã đến lúc cô có những bằng cấp cần thiết.”
“Ý ông là sao cơ?” Emma hỏi. “Chẳng trường đại học nào tại
Anh theo tôi biết có bằng về kinh tế trong chương trình đào tạo của họ cả.”
“Vậy cô cần dành ra ba năm và tới chỗ tôi ở Stanford.”
“Tôi không nghĩ chồng tôi hay cậu con trai nhỏ của chúng tôi sẽ thích ý tưởng đó lắm đâu,” Emma trả lời, phá vỡ lớp ngụy trang của cô.
Câu nói làm giáo sư im lặng, và phải mất một lúc trước khi ông ta nói, “Cô có thể chi trả một con tem mười cent2 không?”.
2 1 cent = 1/100 đô la
“Có,” Emma dè dặt nói, không dám chắc cô vừa để mình bị cuốn vào cái gì.
“Vậy thì tôi sẽ rất hạnh phúc được đăng ký cho cô theo học tại Stanford vào mùa thu.”
“Nhưng như tôi vừa nói...”
“Cô vừa nói, không chút do dự, là cô có thể chi trả được một con tem mười cent.”
Emma gật đầu.
“Được rồi, Quốc hội Mỹ mới thông qua một dự luật cho phép các quân nhân Mỹ phục vụ ở nước ngoài được đăng ký học một bằng kinh tế mà không cần phải đích thân tham dự các lớp học.”
“Nhưng tôi không phải là người Mỹ, và chắc chắn tôi không đang phục vụ tại nước ngoài.”
“Đúng thế,” Feldman nói, “nhưng ẩn trong các phụ lục của dự luật cô sẽ tìm thấy, dưới những điều kiện miễn trừ đặc biệt, hai từ ’Đồng Minh’, điều tôi tin chắc chúng ta có thể tận dụng. Nghĩa là nếu cô thực sự nghiêm túc về tương lai lâu dài của công ty gia đình mình”.
“Có chứ,” Emma nói. “Nhưng ông trông đợi gì ở tôi?”
“Sau khi tôi đăng ký nhập học cho cô ở Stanford, tôi sẽ gửi danh sách tài liệu học tập cần đọc cho năm thứ nhất, cùng băng ghi âm tất cả các bài giảng tôi lên lớp. Thêm vào đó, tôi sẽ cho cô chủ đề một bài luận cần viết mỗi tuần, và gửi lại nó cho cô sau khi tôi đã chấm. Và nếu cô có thể chi trả thêm mười cent nữa, thậm chí thỉnh thoảng chúng ta có thể trao đổi qua điện thoại.”
“Khi nào tôi bắt đầu?”
“Mùa thu này, nhưng hãy nhớ sẽ có các kỳ kiểm tra đánh giá vào mỗi quý để quyết định xem cô có được tiếp tục học hay không,” vị giáo sư nói trong khi đoàn tàu tiến vào ga Paddington3. “Nếu cô không đáp ứng được yêu cầu, cô sẽ bị loại.”
3 Nhà ga xe lửa tại London.
“Ông sẵn sàng làm tất cả những việc này chỉ vì một lần gặp gỡ ông nội tôi sao?”
“À, thú thực tôi rất hy vọng cô sẽ cùng dùng bữa tối tại Savoy tối nay để chúng ta có thể trò chuyện về tương lai của ngành công nghiệp đóng tàu một cách tường tận hơn.”
“Một ý tưởng tuyệt vời làm sao,” Emma nói rồi dành cho ông giáo sư một cái hôn lên má. “Nhưng tôi e rằng mình đã mua vé khứ hồi, và tối nay tôi sẽ quay về nhà với chồng.”
-o-
Harry vẫn chưa học được cách bật máy thu thanh, nhưng ít nhất anh cũng đã làm chủ được các đường dẫn nước nóng và nước lạnh tới vòi hoa sen. Sau khi lau khô người, anh chọn lấy một cái áo sơ mi mới là, một chiếc cà vạt lụa Emma tặng nhân dịp sinh nhật, và một bộ vét mà hẳn mẹ anh sẽ mô tả là bộ cánh bảnh nhất cho ngày Chủ nhật. Một cái liếc nhìn vào gương, và anh phải thú nhận mình khó lòng có thể được coi là người hợp thời trang, cho dù ở bên bờ nào của Đại Tây Dương.
Harry bước ra khỏi khách sạn Pierre ngay trước lúc tám giờ và bắt đầu đi bộ về phía đường 64 và Công viên. Chỉ sau vài phút, anh đã đứng trước một tòa dinh thự tuyệt đẹp xây bằng đá nâu. Harry kiểm tra đồng hồ đeo tay, tự hỏi đến muộn ở mức độ hợp thời tại New York là bao lâu. Anh nhớ lại Emma từng kể rằng cô đã bồn chồn lo lắng với ý nghĩ phải gặp bà cô Phyllis tới mức cô đã đi bộ vòng quanh khối nhà trước khi có đủ can đảm leo lên các bậc cấp dẫn tới cửa trước, và ngay cả lúc đó cô cũng chỉ dám bấm chiếc chuông có ghi chú “Dành cho người giao hàng”.
Harry bước lên các bậc cấp và quả quyết dùng cái tay nắm gõ cửa nặng trịch bằng đồng thau gõ một cách dứt khoát. Trong lúc chờ cửa mở, anh có thể nghe thấy Emma phản đối mình - Đừng có giễu cợt, cậu nhóc.
Cánh cửa mở, và một người quản gia mặc áo đuôi tôm, người rõ ràng đang chờ anh, lên tiếng, “Chúc ông buổi tối tốt lành, thưa ông Clifton. Bà Stuart đang đợi ông trong phòng khách. Mời ông vui lòng đi theo tôi”.
“Chúc buổi tối tốt lành, bà Parker,” Harry đáp, dù anh chưa từng gặp bà quản gia trước đây. Harry nghĩ mình thoáng thấy một nụ cười trong khi người quản gia dẫn anh đi theo hành lang tới một thang máy đã mở sẵn cửa. Sau khi anh bước vào trong, bà Parker đóng cửa thang lại, bấm một cái nút và không nói gì cho tới khi hai người lên tới lầu ba. Bà Parker mở cửa, đi trước Harry vào trong phòng khách và thông báo, “Ông Harry Clifton, thưa bà”.
Một phụ nữ cao ráo, ăn mặc lịch thiệp đang đứng giữa phòng, trò chuyện với một người đàn ông mà Harry đoán là con trai bà.
Bà cô Phyllis lập tức quay người lại, bước tới bên Harry và không nói không rằng ôm chầm lấy anh bằng một cái ôm của gấu mẹ có thể khiến cả một hậu vệ môn bóng đá Mỹ cũng phải ấn tượng. Khi cuối cùng cũng buông anh ra, bà giới thiệu con trai Alistair của mình. Ông này hồ hởi bắt tay Harry.
“Quả là một vinh hạnh khi được gặp con người đã chấm dứt sự nghiệp của Sefton Jelks,” Harry nói.
Chú Alistair khẽ cúi người.
“Ta cũng đóng một vai nhỏ trong sự sụp đổ của ông ta,” bà cô Phyllis khịt mũi, bà Parker đưa cho bà một ly sherry4. “Nhưng đừng bắt ta bắt đầu bằng Jelks,” bà nói thêm trong lúc đưa Harry tới một cái ghế dựa thoải mái kê bên lò sưởi, “vì ta quan tâm hơn tới chuyện về Emma, và hiện cô bé thế nào”.
4 Một loại vang nặng làm từ nho trắng của vùng Andalusia, Tây Ban Nha. Sau khi lên men, rượu vang được pha thêm rượu mạnh cất từ nho cho tăng thêm độ cồn để trở thành sherry.
Harry dành một khoảng thời gian cập nhật cho bà cô Phyllis về mọi việc Emma đã làm kể từ khi rời New York, cho dù bà và Alistair liên tục ngắt lời anh bằng các câu hỏi. Phải đến khi người quản gia quay trở lại thông báo bữa tối đã được dọn, ba người mới chuyển sang một chủ đề khác.
“Vậy cháu thấy thế nào về chuyến đi?” Chú Alistair hỏi khi họ ngồi vào chỗ quanh chiếc bàn ăn tròn.
“Cháu nghĩ cháu thích bị bắt về tội giết người hơn,” Harry nói. “Dễ đối phó hơn rất nhiều.”
“Kinh khủng đến thế sao?”
“Còn kinh khủng hơn về một số mặt. Chú biết đấy, cháu không giỏi lắm trong việc bán chính mình,” Harry thừa nhận trong lúc người hầu gái đặt một bát canh hầm kiểu Scotland trước mặt anh. “Cháu hy vọng hơn vào việc cuốn sách sẽ tự quảng bá.”
“Nghĩ lại đi,” bà cô Phyllis nói. “Hãy nhớ, New York không phải là một bản sao của Bloomsbury5. Quên các kiểu cách tinh tế, cách nói bóng gió và những câu châm biếm đi. Cho dù nó có đi ngược lại bản chất của cháu, cháu sẽ phải học cách bán món hàng của mình như một cậu nhóc bán hàng rong ở khu East End6 vậy.”
5 Một khu vực ở trung tâm London.
6 Khu vực ở London, nằm phía đông khu thành phố cổ và phía bắc sông Thames.
“Chú rất tự hào được nâng cốc với tác giả người Anh thành công nhất,” chú Alistair cao giọng nói.
“Nhưng cháu đâu phải thế,” Harry đáp, “và khó có khả năng được thế”.
“Ta đã bị choáng ngợp vì phản ứng của người Mỹ với Không gì mạo hiểm,” bà Phyllis nói, tham gia vào trò chơi.
“Đó là vì chưa ai đọc nó cả,” Harry phản đối.
“Giống như Dickens, Conan Doyle và Wilde7, chú tin rằng nước Mỹ sẽ trở thành thị trường lớn nhất của cháu,” chú Alistair nói thêm.
7 Charles Dickens, Arthur Conan Doyle và Oscar Wilde là các tác giả nổi tiếng người Anh, ý Alistair muốn nói Harry sẽ có thành công tương tự.
“Cháu bán được nhiều sách ở Market Harborough8 hơn ở New York,” Harry nói lúc bát súp của anh được bê đi. “Đã quá rõ là bà cô Phyllis cần thế chỗ cháu trong chuyến đi quảng bá sách, còn cháu nên bị gửi trả về Anh.”
8 Một thị trấn hội trợ tại quận Harborough, hạt Leicestershire, Anh.
“Ta sẽ rất vui nếu được làm thế,” bà Phyllis nói. “Chỉ tiếc một điều là ta không có tài năng của cháu,” bà buồn bã nói thêm.
Harry lấy một lát bít tết cùng với nhiều khoai tây, và chẳng mấy chốc anh bắt đầu thấy thoải mái trong lúc bà Phyllis và chú Alistair thết đãi anh những câu chuyện kể về các kỳ tích của Emma khi cô lùng sục khắp New York để tìm anh. Harry cảm thấy thú vị khi được nghe phiên bản của họ về những gì đã diễn ra, và tất cả chỉ càng khiến anh nhận ra mình đã may mắn đến mức nào khi tình cờ ngủ cạnh giường Giles Barrington trong lần đầu đặt chân tới trường St Bede’s. Và nếu anh không được mời tới dự bữa tiệc trà đó tại Manor House nhân dịp sinh nhật Giles, rất có thể anh đã không bao giờ gặp được Emma. Cho dù lúc ấy anh còn chẳng đưa mắt nhìn cô lấy một lần.
“Cháu hẳn đã hiểu cháu sẽ không bao giờ đủ tốt với con bé,” bà Phyllis nói trong lúc châm một điếu xì gà xén cả hai đầu.
Harry gật đầu, lần đầu tiên hiểu tại sao quý bà không gì khuất phục nổi này hóa ra lại là Jack Già của Emma. Nếu người ta cho bà ra trận, anh thầm nghĩ, chắc chắn bà sẽ quay về với Ngôi sao Bạc.
Khi đồng hồ điểm mười một giờ, Harry, người có lẽ đã uống một ly brandy quá ngưỡng, loạng choạng đứng dậy khỏi ghế của mình. Anh không cần ai nhắc nhở về việc đúng sáu giờ sáng hôm sau Natalie sẽ đứng chờ dưới tiền sảnh khách sạn, đợi đón anh tới cuộc phỏng vấn đầu tiên trên đài phát thanh trong ngày. Anh cảm ơn hai vị chủ nhà vì buổi tối đáng nhớ, và đành gắng gượng chịu thêm một cái ôm của gấu mẹ nữa.
“Bây giờ, đừng có quên,” bà nói, “bất cứ khi nào được phỏng vấn, hãy suy nghĩ như người Anh, xử sự như người Mỹ. Và nếu có lúc nào đó cháu cần người để dốc bầu tâm sự hay một bữa ăn dù không quá trịnh trọng, hãy nhớ, cũng giống nhà hát Windmill, chúng ta không bao giờ đóng cửa”.
“Cháu cảm ơn bà,” Harry nói.
“Và lần tiếp theo cháu nói chuyện với Emma,” chú Alistair nói, “hãy nhớ gửi tới cô bé tình yêu của chúng ta, và nhớ phạt cô bé vì đã không chịu đi cùng cháu lần này”.
Harry quyết định đây không phải là lúc thích hợp để kể cho hai người về Sebastian cũng như những gì các bác sĩ mô tả về sự hiếu động thái quá của cậu bé.
Ba người đã xoay xở để cùng chui được vào trong buồng thang máy, rồi Harry nhận thêm cái ôm cuối cùng từ bà cô Phyllis trước khi bà Parker mở cửa trước và trả anh trở lại với những con phố của Manhattan.
“Ôi, khỉ thật,” anh kêu lên sau khi đi được một quãng ngắn xuống Đại lộ Công viên. Harry chạy trở lại nhà bà Phyllis, lao lên các bậc cấp và đấm cửa thình thình. Lần này người quản gia không xuất hiện nhanh chóng bằng lần trước.
“Tôi cần gặp bà Stuart gấp,” Harry nói. “Hy vọng bà vẫn chưa đi nghỉ.”
“Theo tôi biết thì chưa, thưa ngài,” bà Parker nói. “Làm ơn theo tôi.” Người quản gia dẫn Harry quay lại theo hành lang tới thang máy, tại đây anh lại một lần nữa bấm nút lên lầu ba.
Bà Phyllis đang đứng bên bệ lò sưởi hút điếu xì gà khi Harry bước vào lần thứ hai. Lần này đến lượt bà tỏ vẻ ngạc nhiên.
“Cháu rất xin lỗi,” anh nói, “nhưng Emma sẽ không bao giờ tha thứ cho cháu nếu cháu quay về Anh mà không biết chuyện gì đã xảy đến với tay luật sư đã khinh suất coi thường cô ấy”.
“Sefton Jelks,” chú Alistair nói, ngước mắt lên từ chỗ ngồi bên cạnh lò sưởi. “Gã khốn đó cuối cùng đã phải rời khỏi vị trí thành viên cao cấp của Jelks, Myers và Abernathy, cho dù một cách khá miễn cưỡng.”
“Không lâu sau đó, ông ta cuốn gói biến về Minnesota,” bà Phyllis nói thêm.
“Và sẽ không trở lại trong tương lai gần,” chú Alistair nói, “vì ông ta đã chết mấy tháng trước”.
“Con trai ta là một luật sư điển hình,” bà Phyllis nói, rít rít điếu xì gà. “Nó chỉ luôn kể cho cháu nghe nửa câu chuyện. Cơn đau tim đầu tiên của Jelks chỉ giành được một chút chú ý của tờ New York
Times, và chỉ sau lần thứ ba ông ta mới nhận được một đoạn ngắn và không mấy tâng bốc ở tận dưới cùng trang cáo phó.”
“Như thế vẫn còn hơn những gì ông ta đáng được hưởng,” chú Alistair nói.
“Ta đồng ý,” bà Phyllis nói. “Cho dù ta khá thích thú khi khám phá ra chỉ có bốn người dự tang lễ của ông ta.”
“Làm thế nào mẹ biết được?” Chú Alistair hỏi. “Vì mẹ là một trong số đó,” bà Phyllis nói.
“Bà đã cất công tới tận Minnesota chỉ để dự tang lễ của Sefton Jelks thôi sao?” Harry hỏi với vẻ không tin nổi. “Chắc chắn rồi.”
“Nhưng tại sao?” Chú Alistair hỏi.
“Con không bao giờ được tin Sefton Jelks,” bà mẹ giải thích. “Mẹ không thể thực sự tin rằng ông ta đã chết cho tới khi chính mắt nhìn thấy quan tài của ông ta được hạ xuống huyệt, và thậm chí ngay cả lúc đó mẹ vẫn đợi tới lúc đám phu đào huyệt lấp nó lại.”
-o-
“Mời bà ngồi, bà Clifton.”
“Xin cảm ơn các vị,” Emma nói lúc cô ngồi xuống một cái ghế gỗ và đối mặt với ba người quản lý đang yên vị trên những chiếc ghế tiện nghi đằng sau một cái bàn dài kê trên bục.
“Tên tôi là David Slater,” người đàn ông ngồi giữa lên tiếng, “và là chủ tọa cuộc gặp chiều nay. Cho phép tôi giới thiệu các đồng nghiệp của mình, cô Braithwaite và ông Needham”.
Emma cố đánh giá nhanh ba người trong hội đồng mà cô phải đối mặt. Người chủ tọa mặc một bộ vét kèm gi lê, một chiếc cà vạt kiểu trường học cũ mà cô nhận ra, và có vẻ như đây không phải là hội đồng duy nhất ông ta chủ tọa. Cô Braithwaite, người ngồi bên phải ông ta, mặc bộ vét bằng vải tuýt theo kiểu thời trước chiến tranh và đi tất len dày. Mái tóc c được búi lại thành búi khiến Emma không nghi ngờ gì về việc bà ta là một bà cô ở xứ đạo này, và đôi môi của người phụ nữ này cũng cho thấy bà ta không mấy khi mỉm cười. Quý ông ngồi bên trái chủ tọa trẻ hơn hai đồng nghiệp, và nhắc nhở Emma rằng trước đó không lâu nước Anh đã phải tham chiến. Bộ ria rậm của ông ta làm người ta nghĩ tới RAF9.
9 Royal Air Force: Không quân Hoàng gia Anh.
“Hội đồng rất quan tâm nghiên cứu đơn đề nghị của bà, thưa bà Clifton,” ông chủ tịch bắt đầu, “và nếu bà cho phép, chúng tôi muốn được đặt vài câu hỏi”.
“Vâng, tất nhiên rồi,” Emma nói, cố thả lỏng.
“Bà đã cân nhắc tới việc nhận con nuôi bao lâu rồi, bà Clifton?” “Kể từ khi tôi nhận ra mình không thể có thêm một đứa con nữa,” Emma đáp, không thêm vào chi tiết nào. Hai người đàn ông mỉm cười thông cảm, song cô Braithwaite không thể hiện gì.
“Bà có nói rõ trong đơn đề nghị,” ông chủ tọa tiếp tục, “là bà muốn nhận nuôi một bé gái khoảng năm hay sáu tuổi. Liệu có nguyên do cụ thể nào cho việc này không?”.
“Có,” Emma nói. “Con trai Sebastian của tôi vẫn còn nhỏ, và vợ chồng tôi cảm thấy sẽ tốt cho thằng bé nếu được nuôi dạy cùng một đứa trẻ không có tất cả lợi thế và ưu đãi mà nó vốn coi là đương nhiên từ lúc ra đời.” Cô hy vọng câu trả lời của mình nghe không có vẻ đã được lên kịch bản trước, và sẽ làm ông chủ tọa đánh dấu chữ V vào một ô chọn.
“Liệu từ câu trả lời chúng tôi có thể suy đoán,” ông ta nói, “rằng không có khó khăn tài chính nào có thể gây trở ngại cho ông bà trong việc nuôi dạy một đứa trẻ thứ hai?”.
“Không hề có, thưa ông chủ tọa. Vợ chồng tôi có mức sống khá thoải mái.” Emma nhận thấy câu trả lời này đem đến một dấu chữ V nữa.
“Tôi chỉ có thêm một câu hỏi nữa,” ông chủ tọa nói. “Bà có nói trong đơn của mình là sẵn lòng xem xét nhận nuôi một đứa trẻ có bất kỳ xuất thân tôn giáo nào. Cho phép tôi được hỏi liệu ông bà có thuộc về tôn giáo cụ thể nào không?”
“Giống như bác sĩ Barnardo,” Emma nói, “tôi là người Ki tô giáo. Chồng tôi từng được học bổng đồng ca tại nhà thờ St Mary Redcliffe”. Nhìn thẳng vào ông chủ tọa, cô nói thêm, “Sau đó anh ấy vào học tại trường Trung học phổ thông Bristol, tại đây chồng tôi trở thành một thành viên của ban hợp xướng. Tôi theo học trường nữ sinh Red Maids trước khi giành được học bổng của trường Oxford”.
Ông chủ tọa đưa tay lên chạm vào chiếc cà vạt, và Emma cảm thấy tình hình không thể tốt hơn, cho đến khi cô Braithwaite gõ bút chì xuống bàn. Ông chủ tọa gật đầu hướng về phía bà này.
“Bà có nhắc đến chồng mình, bà Clifton. Cho phép tôi được hỏi tại sao ông nhà hôm nay lại không đi cùng bà?”
“Chồng tôi đang ở Mỹ trong một chuyến đi quảng bá sách. Anh ấy sẽ quay về sau vài tuần nữa.”
“Chồng bà có thường xuyên vắng nhà không?”
“Không. Thực sự là rất hiếm khi. Chồng tôi là nhà văn chuyên nghiệp, vì thế phần lớn thời gian anh ấy ở nhà.”
“Nhưng thỉnh thoảng ông nhà cũng cần tới thư viện chứ,” cô Braithwaite gợi ý, kèm theo cái có thể coi là một nụ cười.
“Không, chúng tôi có thư viện riêng của mình,” Emma nói, và ngay lập tức thấy hối tiếc.
“Và bà có đi làm?” Cô Braithwaite hỏi với giọng làm cho điều đó nghe như một tội ác.
“Không, mặc dù tôi vẫn trợ giúp chồng mình theo bất cứ cách nào có thể. Dù sao đi nữa, tôi coi việc làm vợ và làm mẹ là một công việc toàn thời gian.” Mặc dù Harry đã gợi ý câu này, anh biết quá rõ rằng Emma không tin vào nó, và giờ đây cô còn ít tin vào nó hơn sau cuộc gặp với Cyrus Feldman.
“Bà đã kết hôn được bao lâu rồi, bà Clifton?” Cô Braithwaite gặng hỏi.
“Hơn ba năm.”
“Nhưng tôi được biết từ đơn đăng ký của bà là con trai bà, Sebastian, đã tám tuổi.”
“Vâng, đúng thế. Harry và tôi đính hôn năm 1939, nhưng chồng tôi cảm thấy anh ấy có bổn phận phải nhập ngũ từ trước khi chiến tranh được tuyên bố.”
Cô Braithwaite đang định đưa ra một câu hỏi nữa thì người đàn ông ngồi bên trái chủ tọa cúi người ra trước và hỏi, “Vậy ông bà đã kết hôn sau khi chiến tranh kết thúc phải không, bà Clifton?”.
“Đáng buồn là không,” Emma nói, đưa mắt nhìn người đàn ông chỉ còn một cánh tay. “Chồng tôi bị thương nặng vì một quả mìn Đức chỉ vài ngày trước khi chiến tranh kết thúc, và phải mất một thời gian trước khi anh ấy đủ bình phục để được xuất ngũ từ bệnh viện.”
Cô Braitwaite vẫn có vẻ không hề bị lay chuyển. Emma tự hỏi, liệu có thể nào... Cô quyết định chấp nhận một sự mạo hiểm mà cô biết Harry sẽ không đời nào tán thành.
“Nhưng, thưa ông Needham,” cô nói, mắt không rời ông ta, “tôi coi mình là một trong những người may mắn. Trái tim tôi thắt lại khi nghĩ tới những phụ nữ khác có chồng, hôn phu hay người yêu không thể trở về đoàn tụ với gia đình vì đã hy sinh cho đất nước của họ”.
Cô Braithwaite cúi đầu xuống, và ông chủ tọa nói, “Cảm ơn bà, thưa bà Clifton. Chúng tôi sẽ sớm liên lạc lại với bà”.