“Thật thú vị”, Albert nghĩ. Anh đang cố nhớ lại thái độ của mình mỗi khi anh hoàn thành một dự án nào đó. Lúc nào cũng vậy, thường anh hay để người khác lo lắng về những điều còn sót lại phía sau công việc của anh.
Đô đốc gợi ý:
- Cháu đang suy nghĩ điều gì phải không?
Albert trả lời:
- Cháu đang nghĩ về những điều ông nói, chúng rất khác với cách thức làm việc của cháu trước đây.
- Khác như thế nào?
- Cháu luôn là người đầu tiên bỏ hết tâm trí của mình vào một dự án nào đó. Cháu dồn hết sức và lúc nào cũng chỉ nghĩ về nó mà thôi. Nhưng sau đó cháu dần dần mất hứng thú. Cháu nôn nao muốn được nhận những thách thức mới. Trước khi gặp Ngài, cháu chưa bao giờ thực sự nghĩ về điều này nhưng đúng là thái độ đó của cháu làm những người thực hiện chung dự án cũng nản chí theo. Jennifer rất bực mình vì điều này.
- Cô ấy không giống như cháu phải không? - Đô đốc tiếp tục hỏi.
- Hoàn toàn không. Cháu luôn nghĩ là vợ cháu quá cầu toàn. Lúc nào cô ấy cũng để tâm quá nhiều vào những chi tiết nhỏ nhặt.
- Nhưng không chỉ đơn giản là để tâm vào những chi tiết phải không?
- Cháu thấy cô ấy thường quan tâm đến những việc đã hoàn thành rất lâu sau khi cháu đã chuyển sang dự án khác. Càng nghĩ thì cháu càng thấy những cố gắng hơn mức cần thiết trong công việc của cô ấy thường mang lại những kết quả tốt hơn.
- Như vậy mọi người đều có thể kết luận rằng cả hai cháu đều có những ý tưởng hay và đều làm tốt công việc nhưng Jennifer đạt hiệu quả cao hơn. Có vẻ như mọi nỗ lực hơn mức yêu cầu của Jennifer là có mục đích hẳn hoi, khác với những điều cháu thường nghĩ. Cô ấy muốn có kết quả cao hơn chứ không chỉ đơn thuần là giải quyết những chi tiết để vấn đề trở nên chi li hơn.
- Ồ... Cháu chưa bao giờ nghĩ như vậy. Cháu chỉ luôn nghĩ rằng cả hai đều làm tốt công việc của mình nhưng mỗi người có một cách làm riêng. Nhưng về phương diện “đi sớm về muộn” thì quả thật cô ấy giỏi hơn cháu nhiều.
- Cháu cho ta một vài ví dụ xem.
- Cô ấy luôn là một trong những người đến sớm nhất và là người ra về cuối cùng. Thậm chí bọn cháu mỗi người phải lái xe riêng đi làm bởi vì cháu hay đi trễ và không thích nán lại thêm ở chỗ làm sau khi đã hết giờ.
- Vậy ta có một câu hỏi cho cháu, nếu cháu là người quản lý trong công ty và phải lựa chọn xem ai sẽ được thăng cấp giữa cháu và Jennifer thì cháu sẽ chọn ai?
- Nếu dựa vào kết quả công việc thì cháu sẽ chọn Jennifer.
- Như vậy là thói quen của Jennifer đã giúp cô ấy giành được chiến thắng.
Albert thầm nghĩ: “Điều này quả thật là có ý nghĩa, nhưng liệu nó có thể tạo ra nhiều sự khác biệt đến thế không?”.
Ngay sau đó Đô đốc xoay bánh lái, con tàu quay mũi ngược lại và những cánh buồm vỗ phần phật trong gió. Đô đốc nhanh chóng ổn định được hướng đi cho con tàu thẳng tiến về bến.
Sau một lúc, Đô đốc lên tiếng:
- Những người thông minh như cháu thường phạm một sai lầm lớn, đó là cứ nghĩ rằng chỉ cần có trí tuệ thôi là đủ. Điều này có thể đúng khi còn đi học, nhưng trong cuộc sống thì trí tuệ không thôi vẫn chưa đủ.
Albert yên lặng suy nghĩ.
- Ngay cả Albert Einstein cũng sẽ đồng ý với ta điều này.
- Einstein ư? Ông ấy là người có bộ óc vĩ đại nhất.
- Đúng! - Đô đốc trả lời - Khi Einstein còn sống, mọi người luôn hỏi ông về trí thông minh của ông: sao ông có được nó, ông thừa hưởng nó từ ai... Đại loại là những câu hỏi như vậy. Và tất cả những suy đoán kiểu đó đều làm Einstein bực bội vì ông tin rằng trí thông minh của ông, hay nói cách khác là sức mạnh trí tuệ thuần túy của ông liên quan rất ít tới sự thành công của mình.
- Thật vậy sao?
- Đúng là như vậy. Ông đã nói điều này với nhiều người theo nhiều cách khác nhau, nhưng hùng hồn nhất là trong bức thư ông viết gửi một người bạn là bác sĩ Hans Musan.
- Trong thư ông ấy viết gì, thưa Đô đốc?
- Như những người khác, Musan đã viết thư hỏi Einstein về tổ tiên của ông, những người mà Musan cho rằng có thể Einstein đã thừa hưởng trí thông minh từ họ. Einstein đã viết thư trả lời rằng chẳng ai biết nhiều về tổ tiên của ông, và nếu như họ có tài năng hay đặc điểm gì đặc biệt thì những người biết họ cũng không biết rõ về những điều đó. Sau đó Einstein viết tiếp như thế này đây:
“Tôi biết rất rõ rằng bản thân tôi chẳng có tài năng gì đặc biệt cả. Những ý tưởng của tôi đều xuất phát từ sự ham hiểu biết, những lời hứa và khả năng chịu đựng bền bỉ cộng với sự tự phê bình”.
- Sự ham hiểu biết, những lời hứa và khả năng chịu đựng bền bỉ cộng với sự tự phê bình? - Albert hỏi lại.
- Bất cứ ai thành công trong một lĩnh vực nào đó đều có một sự ham hiểu biết vô bờ bến về những gì họ đang theo đuổi. Còn những lời hứa có nghĩa là phải luôn duy trì được lời cam kết sẽ thực hiện được một điều gì đó như mình đã hứa. Riêng khả năng chịu đựng bền bỉ là một yếu tố rất quan trọng giúp ta vượt qua tất cả những khó khăn trở ngại không thể tránh khỏi trên con đường ta đi. Nhưng một yếu tố mà hầu hết mọi người đều bỏ qua, đó là tính tự phê bình. Và đây là yếu tố quan trọng nhất.
- Thật không dễ để làm được điều đó -
Albert đáp.
- Ta đồng ý với cháu. Nhưng cháu đã có một sự khởi đầu tốt khi tự đánh giá bản thân mình với thói quen đầu tiên. Khi cháu biết nhìn vào những điểm mạnh của Jennifer, có nghĩa là cháu đã tự phê bình mình, điều này sẽ giúp ích cho bản thân cháu rất nhiều. Đa số mọi người đều làm ngược lại. Họ nhìn vào những điểm mạnh của mình và săm soi những điểm yếu của người khác, rồi sau đó họ đâm ra thất vọng, tự trách móc bản thân và khó chịu với người khác...
- Đó chính là điều xảy ra với cháu gần đây - Albert thừa nhận.
- Như vậy mọi sức lực của cháu lại chuyển sang hướng thất vọng, tự trách mình và trở nên buồn chán thay vì dành cho những sự thay đổi cần thiết.
- Quả thật là như thế! - Albert kêu lên và bắt đầu cảm thấy thoải mái hơn.
Anh nghĩ: “Chắc chắn đây là lần đầu tiên sau một thời gian dài bế tắc, mình cảm nhận được mình cần phải làm gì để tạo nên những thay đổi tích cực và có ý nghĩa”.
- Ta hãy đi về phía cảng - Đô đốc nói. Ông xoay bánh lái thêm một lần nữa và con tàu băng băng về bến - Ta sẽ chia sẻ với cháu bí quyết thứ hai trên đường về và sau đó chúng ta sẽ cùng nhau sắp xếp cho lần gặp sau.
Trong chốc lát họ đã đi về phía cổng bến.
Đô đốc giải thích:
- Bí quyết thứ hai cũng giống như bí quyết thứ nhất nhưng ở nhiều phương diện nó lại có vẻ khó thực hiện hơn, ít nhất là đối với ta.
- Cháu đang lắng nghe đây ạ! - Albert nói và tự hỏi là với một người như Đô đốc, có điều gì lại khó làm chứ?
- Bí quyết thứ hai là “Đừng bao giờ biện minh cho việc chưa làm được!”.
- Tại sao nó lại khó thực hiện, thưa Đô đốc? - Albert hỏi.
- Vì không phải ai cũng tập được thói quen ấy - thói quen không bao giờ chấp nhận bất cứ lý do nào lý giải cho việc ta chưa làm được. Cháu nên tập cho mình thói quen nói câu “Không có lý do biện minh nào cả!”.
- “Không có lý do biện minh nào cả!” - Albert lặp lại - Nói câu này cũng dễ thôi nhưng cháu vẫn chưa hiểu lắm.
- Không dễ như cháu nghĩ đâu, Albert. Đó là lý do tại sao cháu cần phải luyện tập và chắc chắn rằng nó sẽ trở thành một thói quen của cháu để khi những thời điểm khó khăn đến, cháu vẫn có thể cảm thấy thoải mái khi nói lên câu đó. Mặc dù đôi khi nó thật ngớ ngẩn nhưng đây là một trong những bài học vô giá mà ta đã từng học được.
Albert tiếp tục lắng nghe.
- Hồi học ở Học viện Hải quân, cả nhóm của ta luôn phải làm một số điều mà cấp trên bảo phải làm. Vào các bữa ăn, mỗi người phải ngồi chung bàn với bốn sinh viên năm thứ nhất và tám người cấp trên. Cấp trên sẽ liên tục hỏi cả nhóm các câu hỏi khác nhau thật nhanh. Hầu hết các câu hỏi đều về những điều bọn ta không biết nhưng cần phải học. Bọn ta không được phép trả lời “Em không biết” và cũng không được phép đoán. Nếu không biết câu trả lời thì cách trả lời duy nhất được chấp nhận là “Em sẽ tìm ra, thưa sếp”. Sau đó bọn ta bắt buộc phải tìm ra câu trả lời cho tất cả những câu hỏi chưa có lời giải đáp vào bữa ăn tiếp theo, nếu không thì sẽ bị phạt rất nghiêm khắc. Những câu hỏi khó tìm ra lời giải đáp nhất là vào giữa bữa ăn sáng và ăn trưa hoặc giữa bữa trưa và bữa tối. Vì vào giờ đó bọn ta phải đi học hay đi tập thể thao và làm thêm hàng tá việc khác nữa. Do đó bọn ta thường quên bẵng hoặc có khi không kịp tìm ra câu trả lời. Nhưng cấp trên thì không bao giờ quên. Vào giờ ăn kế tiếp, cấp trên sẽ hỏi lại những câu hỏi đó, nếu không có câu trả lời thỏa đáng thì bọn ta sẽ nói “Bọn em sẽ tìm ra, thưa sếp”. Họ liền nhắc lại rằng câu này chúng ta đã nói ở bữa ăn vừa rồi, sau đó họ sẽ hỏi: “Sao các anh không chịu tìm câu trả lời?”. Cho dù bọn ta có lý do hợp lý đến mấy đi nữa thì cũng không bao giờ được nêu ra để biện hộ cho mình. Câu trả lời duy nhất được chấp nhận lúc đó là: “Không có lý do biện minh nào cả, thưa sếp”.
- Nghe thật vô lý! - Albert kêu lên.
Đô đốc đồng ý:
- Lúc đầu ai cũng cảm thấy như vậy.
- Nhưng nếu chúng ta có lý do thật sự chính đáng thì sao?
- Câu trả lời vẫn là: “Không có lý do biện minh nào cả”.
- Nhưng không có trường hợp ngoại lệ nào sao? - Albert hỏi.
- Albert ạ, một lời biện hộ chẳng khác gì ta tạo điều kiện cho sự thất bại của ta. Nếu cháu đã cam kết làm một việc gì thì cháu phải cố gắng thực hiện cho bằng được. Cháu phải tập cho mình khả năng vượt qua mọi trở ngại, không dựa vào bất kỳ lời lý giải hay biện minh nào cả.
- Nhưng cuộc sống vẫn luôn xảy ra những điều mình không mong muốn.
- Đúng vậy - Đô đốc đồng ý - Nhưng những ai để cho khó khăn cản lối đi của mình sẽ không bao giờ vươn đến đỉnh cao. Những người thành công luôn thực hiện được mục tiêu của họ, bất chấp mọi điều có thể xảy ra.
- Nhưng cháu vẫn thấy có vẻ như không thực tế - Albert băn khoăn.
- Lúc đầu ta cũng thấy như vậy. Nhưng khi ta tập được thói quen này thì khác. Nó đã giúp ta thay đổi cách suy nghĩ về việc bắt buộc phải thực hiện được một điều gì đó.
- Bằng cách nào, thưa Đô đốc?
- Thứ nhất, nó giúp mỗi người trong chúng ta suy ngẫm lại xem đã bao lần chúng ta không thực hiện được những điều ta nói chỉ bằng việc đưa ra những lý lẽ hời hợt. Thứ hai, nó giúp ta suy ngẫm về việc liệu ta có thật sự làm được những điều ta đã hứa hay không nếu ta cố gắng hơn và sắp xếp thời gian tốt hơn.
- Nhưng chắc chắn sẽ có lúc chúng ta không thể làm được những điều đã hứa.
- Ta đồng ý với cháu là có những lúc như thế. Nhưng điều này không can hệ. Nếu cháu không thể làm được một việc nào đó thì tất cả những lý do biện minh đều chẳng có ý nghĩa gì cả. Điều đáng nói là cháu đã không thể làm được những điều đã dự định. Những lời biện minh không bao giờ thay thế được cho kết quả cần phải đạt được. Thế thôi.
- Như vậy bí quyết lần này cũng lại tập trung vào kết quả - Albert hỏi.
- Đúng vậy. Hành động không phải lúc nào cũng tương ứng với hiệu quả. Chúng ta nên quan tâm đến kết quả đạt được và không bao giờ nên chấp nhận những lời biện minh cho thất bại của mình.
- Nhưng nghe nó vẫn có vẻ cứng nhắc làm sao ấy! - Albert nói.
- Chỉ lúc đầu thôi - Đô đốc đồng ý với Albert - Nhưng một khi ta đã chấp nhận tiền đề này và làm cho nó trở thành một thói quen thì nó sẽ giúp ta làm việc dễ dàng hơn nhiều. Ví dụ như đã bao nhiêu lần ta làm việc trễ thời hạn được giao hay không hoàn thành một dự án chỉ vì một lý do nào đó thoạt nghe có vẻ hợp lý. Nhưng sau này ta nhìn lại và hối tiếc khi chấp nhận lý lẽ biện hộ đó, bởi kết quả mà ta không đạt được lại có ý nghĩa và quan trọng vô cùng.
Albert ngẫm nghĩ một lúc rồi nói:
- Những điều ông nói làm cháu chợt nhớ một trường hợp mới xảy ra với nhóm của cháu cách đây vài tháng.
- Cháu kể ta nghe thử xem.
- Đó là một dự án mà chúng cháu đưa ra cho một khách hàng mới. Chúng cháu biết rằng mình cần cung cấp cho họ một số giấy tờ liên quan đến công trình cũ nhưng do mạng Internet bị trục trặc nên không thể truy cập được. Chúng cháu đã ghi chú trong bản đề xuất là sẽ gởi những hàng mẫu cho họ nếu cần thiết, nhưng rồi chúng cháu cũng không làm được vì máy tính lại bị hỏng. Chúng cháu nghĩ đó là một lý do rất khách quan nhưng cuối cùng chúng cháu đã để mất hợp đồng ấy vào tay đối thủ cạnh tranh vì họ đã đáp ứng được mọi yêu cầu của khách hàng. Nếu xét tổng thể thì dự án của họ đề ra không chi tiết và hiệu quả so với của chúng cháu. Tất cả mọi người trong nhóm cảm thấy thật sự rất tiếc vì nhận ra rằng chỉ cần mình cố gắng thêm một chút nữa thì đã thành công rồi.
- Một ví dụ rất ý nghĩa - Đô đốc gật gù - Như vậy, cháu có thể thấy được rằng mọi việc đều có thể trở nên khác đi nếu cháu tập cho mình được thói quen nói câu “Không có lời biện minh nào cả!” và sau đó làm bất cứ điều gì cần thiết để đạt được những mục tiêu đã đề ra.
- Cháu hoàn toàn đã có thể làm cho dự án ấy tốt hơn - Albert thú nhận - Nhưng thậm chí cháu còn biện minh cho cả việc mình hay lý giải. Cháu giải thích rằng do áp lực thời gian nên không thể khắc phục được sự cố máy tính, nhưng trên thực tế, lý do chính là vì chúng cháu không muốn phải chịu trách nhiệm về sự cố này!
- Với những điều dễ dàng nhưng cháu vẫn làm sai sẽ tạo cho cháu áp lực nhiều hơn so với khi cháu cố gắng làm tốt những điều khó khăn. Hãy tập cho mình thói quen nói câu “Không có lý do biện minh nào cả!” vì trong tương lai nó sẽ làm cho chúng ta cảm thấy dễ dàng, thoải mái hơn và rồi những kết quả mà cháu đạt được sẽ có những tiến triển rõ ràng.
“Ngạc nhiên thật,” - Albert nghĩ - “Nghe có vẻ thật đơn giản nhưng chắc chắn khác xa với những gì mình vẫn đang làm.”
Và Albert lại miên man nghĩ về bí quyết Ngài Đô đốc vừa nói: