Tôi nghỉ mất ba tháng khi sinh em bé đầu lòng. Tôi biết sẽ rất khó để quay lại làm việc, nhưng tôi không nghĩ nó khó ở mức độ “Mùa đông đang đến” như thế. Nhiều tuần sau tôi vẫn thấy mình bị choáng ngợp bởi những thứ lặt vặt. Não tôi cảm giác như thể vừa trải qua một trận núi lửa cấp độ 4, nặng nề, uể oải và chậm chạp. Khi ở nhà thì tôi nghĩ mãi về công việc, còn ở chỗ làm thì tôi lại nghĩ đến gia đình. Sự không tập trung trở thành nguyên nhân chính khiến tôi bị căng thẳng cực độ.
Cho rằng mình đã biến thành một người mít ướt kém cỏi, tôi đề nghị quản lý phân cho một người huấn luyện điều hành riêng, và đó là cách tôi đã gặp Stacy McCarthy.
Điều đầu tiên tôi buột miệng nói ra với Stacy sau khi chúng tôi tự giới thiệu bản thân là tôi cần sửa chữa mọi thứ. Tôi nâng dần quãng giọng trong lúc liệt kê một loạt các khó khăn của mình: vị trí thiếu hụt nhân viên trầm trọng, những người muốn chuyển công tác, một hạng mục sản phẩm mà tôi chưa hài lòng và nhiều thứ khác. Tôi đã nghĩ cô ấy sẽ giúp tôi gỡ rối từng vấn đề, biến nó trở thành những cuộn len đơn giản, mềm mại, sẵn sàng được đan lại một cách có mục đích.
Thay vào đó, Stacy chỉ bình tĩnh lắng nghe cho đến khi tôi nói xong. Sau đó, cô nói: “Chúng ta sẽ giải quyết chuyện đó sau, giờ hãy lùi lại một bước nhé? Nói cho tôi nghe về cô nào”.
Tôi chỉ biết chớp mắt. Nói về tôi? Nhưng thế thì giúp được gì cho những vấn đề cần được giải quyết ngay bây giờ kia?
Nhưng Stacy rất kiên quyết. Cô ấy hỏi về quá khứ và con đường đã dẫn đến tôi ngày hôm nay. Chúng tôi nói về tương lai – tương lai xa rất xa – khi cô yêu cầu tôi tưởng tượng bản thân vào năm tám mươi tuổi, ngồi trên bờ biển và nghĩ đến những gì đã qua. Tôi sẽ muốn nhớ lại điều gì? Rồi cô hỏi tôi liệu có bằng lòng để cô phỏng vấn một số người đồng nghiệp thân cận không.
Tôi đồng ý. Hai tuần sau, tại buổi hẹn tiếp theo của chúng tôi, cô xuất hiện với một tập báo cáo dày hai mươi trang, tất cả đều là về tôi. Không có gì liên quan đến những vấn đề trước mắt. Thay vào đó, tập giấy này đào sâu hơn về cách tôi làm việc – Ưu điểm và nhược điểm dễ thấy của tôi là gì? Tôi tạo ấn tượng hay làm mọi người khó chịu ở điểm nào? Đâu là phong cách quản lý của tôi?
Tôi nhớ rõ sức nặng của đống tài liệu được kẹp gọn trong một tập hồ sơ khi cô chuyển nó cho tôi. Tôi nhét cả tập vào cặp, không đủ dũng khí để đọc nó. Chỉ vào tối muộn hôm đó, khi con đã ngủ và tôi chỉ còn một mình dưới ánh đèn mờ, tôi mới sẵn sàng đối diện sự thật. Tôi hít một hơi sâu và mở trang đầu tiên.
Tôi đã phải vật lộn để đọc bản báo cáo trong cảm giác chênh vênh và không chắc chắn, y như một sinh vật trần trụi được mang ra mổ xẻ. Dù bạn có cố tự nói với bản thân rằng sự hỗn loạn bạn cảm thấy chỉ tồn tại trong tâm trí bạn, sự thật là hầu hết chúng ta không phải là những diễn viên giỏi. Mọi người biết. Họ thấy được những lỗi lầm mà bạn không muốn thừa nhận, như việc chứng lo âu đã dẫn tôi đến những quyết định yếu ớt. Nhưng họ cũng tốt với bạn nhiều hơn bạn nghĩ. Tôi nhớ đã bật khóc khi đọc những bình luận rằng tôi làm việc cực kỳ trâu bò nhưng mà lại chẳng bao giờ nhận lời khen về mình.
Khi hồi tưởng lại, hai chục trang tài liệu đó là một trong những điều tuyệt vời nhất từng xảy ra trong sự nghiệp của tôi. Nó giúp tôi lấy lại thăng bằng, những sợ hãi trong lòng bị thổi bay – không một ai thực sự nghĩ tôi là một đứa mít ướt kém cỏi. Và tôi nhận ra phải tập trung hơn vào đâu – đưa ra một mục tiêu rõ ràng cho bản thân và người khác. Một khi tôi đã biết vị trí của mình, tôi có thể tiến lên phía trước.
Trở thành một người quản lý tốt là hành trình làm chủ chính mình, nếu bạn không điều khiển được bản thân, bạn không thể hỗ trợ cho nhóm một cách tốt nhất. Đó là thông điệp Stacy đã cố gắng truyền đạt. Dù bạn đang phải đối mặt với trở ngại gì, bạn phải học cách thấu hiểu bản thân – ưu điểm, giá trị, vùng an toàn, điểm mù và khuynh hướng của bạn. Khi bạn hoàn toàn hiểu được chính mình, bạn sẽ biết hướng chính Bắc của mình nằm ở đâu.
ĐÔI KHI MỌI NGƯỜI CẢM THẤY BẢN THÂN NHƯ LÀ KẺ GIAN LẬN
Tôi học được cụm từ “hội chứng kẻ mạo danh” lần đầu là vào năm thứ ba đại học. Một giáo sư nghiên cứu về sự khác biệt giới đứng trước một giảng đường đầy sinh viên, lấy ra những ví dụ khiến tôi rùng mình. Phải! Đây chính xác là những gì mình cảm thấy! Mình không xứng đáng được ngồi trong thính phòng này, trong một học viện xuất sắc như này, giữa hàng ngàn sinh viên giỏi giang khác. Mình hẳn đã vào được đây nhờ may mắn hoặc có một sai sót gì đó. Đến khi nào họ mới phát hiện ra mình được điểm cao là nhờ vào trí nhớ tốt, chứ không phải trí thông minh?
Hồi mới làm quản lý, tôi vẫn trải qua cảm giác này rất nhiều lần. Rebekah đã phạm phải một sai lầm nghiêm trọng – “Mình đâu có biết mình đang làm gì”, giọng nói trong tôi sẽ thì thầm như thế mỗi lần tôi loay hoay trong một cuộc trò chuyện hay không thể đưa ra quyết định.
Nhưng nhiều năm trôi qua, tôi đã học được một bí mật đáng được nhắc đi nhắc lại: tất cả những người quản lý đôi khi sẽ cảm thấy bản thân như là kẻ gian lận. Tất cả đều đã từng là người mới, đều phải loay hoay vượt qua những buổi phỏng vấn, những cuộc trao đổi 1:1 và những cuộc trò chuyện ngượng ngùng. Điều này bình thường đến nỗi thay vì giả vờ làm những con vịt lướt đi nhẹ nhàng như không, chúng ta nên thừa nhận mình đều là cái bàn đạp đang quay loạn.
Hội chứng kẻ mạo danh là thứ khiến bạn cảm thấy mình là người duy nhất không có gì hay ho để nói khi bạn bước vào một căn phòng đầy nhóc những người mà bạn ái mộ. Hội chứng kẻ mạo danh còn là thứ khiến bạn kiểm tra email hai lần, ba lần, thậm chí là bốn lần trước khi nhấn Send chỉ để không ai phát hiện ra lỗi gì sai và nhận ra bạn thực sự là một kẻ dối trá. Hội chứng kẻ mạo danh cũng cho bạn cảm giác như đang loạng choạng bước đi bên rìa của cái vực lớn với hai cánh tay quơ quáng loạn xạ, trong khi cả thế giới quan sát và chỉ chờ bạn ngã xuống.
Cần phải nhớ một điều: đây là cảm giác hoàn toàn bình thường. Linda Hill, một giáo sư ở Đại học Harvard, đã dành nhiều năm để nghiên cứu về sự chuyển biến của con người khi trở thành quản lý. “Hỏi bất kỳ một người quản lý nào vào những ngày đầu làm sếp – thật vậy, hãy yêu cầu họ nhớ lại cảm giác khi mới lên làm lãnh đạo. Nếu câu trả lời là trung thực, bạn sẽ được nghe một câu chuyện về cảm giác mất phương hướng và đôi khi là sự hoang mang tột độ. Vị trí mới thực sự rất khác trong tưởng tượng, bạn cảm giác như nó lớn lao vượt khỏi tầm của tất cả mọi người”.
Tại sao hội chứng kẻ mạo danh lại ảnh hưởng đến các nhà lãnh đạo nhiều đến vậy? Có hai lý do. Đầu tiên là bạn thường được tìm đến khi có chuyện xảy ra. Tôi có nhiều nhân viên đến tâm sự về khó khăn cá nhân và hỏi xin ý kiến. Tôi được xin phép để làm những điều mà công ty chưa từng trải qua, như chi hàng trăm ngàn đô-la cho một sáng kiến mới. Tôi nhận được rất nhiều câu hỏi chất vấn về những quyết định nhiều không đếm xuể mà không phải do tôi làm nhưng tôi vẫn phải chịu trách nhiệm.
Khi mọi chuyện trở nên khó khăn, lãnh đạo thường là người đầu tiên mọi người hướng đến, nên cảm giác áp lực phải biết làm gì và nói gì là thường thấy. Và khi bạn không biết, bạn tự nhiên nghĩ: “Tôi có được sinh ra để làm chuyện này không?”.
Lý do thứ hai là bạn bị đặt vào vị trí thường xuyên phải làm những điều mà bạn chưa từng thử trước kia, ví dụ như sa thải một ai đó. Bạn phải chuẩn bị như thế nào cho chuyện ấy? Nó không giống như cải thiện kỹ năng vẽ hoặc viết, khi bạn có thể dành nhiều đêm và ngày nghỉ để phác họa hay xây dựng những câu chuyện ngắn. Bạn không thể búng tay và nói: “Tôi sẽ tập sa thải rất nhiều người trong tháng này đó”. Bạn phải thực sự trải qua chuyện đó để có thể tích lũy những kinh nghiệm bạn cần.
Quản trị không phải là một năng lực bẩm sinh. Không có ai là “một người quản lý toàn diện” có thể dễ dàng linh động giữa các vị trí lãnh đạo. Chúng ta phải xét đến những trường hợp cụ thể.
Ví dụ, tôi cho rằng bản thân là một người quản lý khá dày dạn, nhưng nếu tôi phải dẫn dắt một đội với số người nhiều gấp ba lần hoặc thuộc một lĩnh vực mà tôi không rõ, như bộ phận bán hàng, thì khả năng cao là tôi sẽ không thể ngay lập tức đưa ra một kết quả tốt. Tôi cần xác định những điều bản thân phải học hỏi thêm – như làm cách nào để giao tiếp hiệu quả với một nhóm nhiều người, hay làm sao để đặt ra chỉ tiêu bán hàng – rồi dành thời gian để mài giũa những kỹ năng đó.
Không cần biết hội chứng kẻ lừa đảo xuất hiện bao nhiêu lần, không được phép để nó làm bạn nản lòng. Trong những phần tiếp theo, chúng ta sẽ học cách để đối phó với những nghi ngờ và sự lo lắng không mời mà tới.
THẬT LÒNG VỚI CHÍNH MÌNH
Để tôi nói cho bạn một vài sự thật về bản thân tôi: tôi thoải mái với những nhóm nhỏ hơn là nhóm lớn. Tôi đặc biệt quan tâm đến những nguyên tắc cơ bản. Tôi viết giỏi hơn nói. Tôi cần thời gian riêng tư để suy ngẫm và xử lý những thông tin mới trước khi đưa ra ý kiến. Tôi thiên về những quyết định được suy nghĩ kỹ càng, có nghĩa là những quyết định gấp gáp của tôi thường không có tính thực tế. Sau một ngày dài, không có gì làm tôi hài lòng hơn là được học hỏi và tiến bộ.
Tại sao những điều này lại quan trọng? Bởi vì ưu nhược điểm tác động trực tiếp đến cách tôi làm quản lý.
Vài đồng nghiệp của tôi có những khả năng phi thường khác. Trong số những người tôi làm cùng, một người có khả năng chuyển hóa những chủ đề cực kỳ phức tạp thành những dàn ý vô cùng dễ nhớ và đúng trọng tâm. Người khác có những kỹ năng chiến lược khiến tôi ngờ rằng anh ấy từng là một đại tướng năm sao trong quá khứ. Và một người luôn làm tôi ngạc nhiên bằng khả năng khiến cho cả hai chục dự án cùng phát triển như phi nước đại cùng một lúc. Vậy mà cũng những người đó nói rằng tôi có những khả năng khiến họ ngưỡng mộ.
Các khía cạnh tính cách của chúng ta tương tự như các thành phần để tạo thành một công thức nấu nướng. Liệu bạn có thể làm một bữa tối ngon lành nếu nhìn vào tủ lạnh và thấy súp lơ, trứng và gà? Hẳn rồi. Thế còn khoai tây, thịt và rau chân vịt thì sao? Chắc chắn. Chìa khóa là hiểu được làm gì là tốt nhất với những gì bạn có.
Những nhà lãnh đạo tài năng nhất thế giới được đúc từ những chiếc khuôn khác nhau – có người hướng ngoại (Winston Churchill), lại cũng có người hướng nội (Abraham Lincoln); có người nghiêm khắc (Margaret Thatcher), người thì khiến bạn nhớ đến người họ hàng mà bạn yêu thích nhất (Mẹ Teresa); người khiến cả phòng nín lặng với tầm nhìn của họ (Nelson Mandela) và người thường né tránh sự chú ý (Bill Gates).
Bước đầu tiên để hiểu được cách quản lý của bạn là hiểu được điểm mạnh của mình – những điều bạn có khả năng và thích làm. Chuyện này rất quan trọng, bởi lẽ quản lý tốt thường bắt nguồn từ sử dụng tốt những gì bạn có hơn là thêm vào những gì bạn thiếu. Có một vài nguồn hữu ích có thể giúp bạn hiểu được ưu điểm của mình, như StrengthsFinder 2.0 của Tom Rath hay StandOut của Marcus Buckingham. Tuy nhiên, nếu bạn muốn một lối đi tắt, hãy viết lại điều đầu tiên bật ra trong tâm trí bạn khi đọc những câu hỏi sau đây:
Giống như tôi, đáp án của bạn sẽ chỉ xoay quanh một vài yếu tố nhất định. Bạn có thể nhìn thấy ưu điểm của tôi là có hoài bão lớn, tiếp thu nhanh và luôn vui vẻ. Dù bạn có như thế nào, hãy nhớ kỹ và nắm chắc chúng. Bạn sẽ phải dựa vào chúng nhiều lần trong tương lai.
Phần thứ hai là nghiêm túc suy nghĩ về những khiếm khuyết và những giới hạn của mình. Bên dưới danh sách ưu điểm, hãy viết câu trả lời cho những câu hỏi sau:
Lại một lần nữa, bạn có thể thấy một vài yếu tố hiện lên. Rào cản lớn nhất ngáng đường tôi là sự tự ti, xu hướng phức tạp hóa vấn đề và không đủ thẳng thắn.
Được rồi, giờ ta đã có danh sách của mình, phần tiếp theo là đánh giá, xem xem những điều ta tự cảm thấy về chính mình có phải là sự thật không. Điều này tưởng chừng như đơn giản – nhưng không hề. Quá trình tự nhận thức bản thân của chúng ta thường lên xuống như tàu lượn siêu tốc. Đôi khi chúng ta vật lộn trong việc khoan dung với chính mình. Chúng ta phạm lỗi và tự chỉ trích bản thân là đồ vô dụng. Lại có những ngày chúng ta cảm thấy mình là điều tuyệt vời nhất từng được sinh ra (Thậm chí có cả một cách nói để mô tả sự thiên vị có nhận thức khi những người không tài giỏi lắm nghĩ rằng họ giỏi hơn thế: hiệu ứng Dunning -Kruger).
Việc đánh giá là cực kỳ quan trọng vì sẽ chẳng có nghĩa lý gì khi tự cho mình là thế này, trong khi cả thế giới lại nghĩ về tôi thế khác. Ví dụ, nếu tôi tin chắc mình là một diễn giả xuất sắc nhưng mọi người đều cho rằng những bài nói của tôi thật buồn tẻ, tôi có thể phạm sai lầm – như thuyết trình một ý tưởng mới thay vì nhờ một ai đó làm tốt hơn. Tệ hơn nữa, mọi người sẽ không cho ý kiến của tôi có giá trị vì họ nghĩ tôi không thực tế.
Để phát triển nhận thức về bản thân và xác định những ưu nhược điểm, chúng ta phải đối diện với sự thật bằng cách hỏi ý kiến khách quan của người khác. Mục đích không phải là để được khen ngợi; mục tiêu là mở đầu làm sao để đồng nghiệp có thể nói thật – kể cả khi sự thật mất lòng – để ta có thể nhận được những thông tin chính xác nhất. Cũng bằng biện pháp giúp bạn tổng hợp phản hồi cho các nhân viên của mình, bạn có thể tìm hiểu về bản thân qua các cách sau:
Anh nghĩ đâu là cơ hội giúp tôi phát huy được thế mạnh của mình? Còn đâu là gánh nặng lớn nhất ngăn không cho tôi phát triển?
Giả định có một người ở vị trí của tôi, những kỹ năng nào sẽ khiến người đó trở nên hoàn hảo? Với mỗi kỹ năng, anh có thể chấm điểm tôi trên thang từ một đến năm được không?
Này, tôi trân trọng những đánh giá của bạn và tôi muốn trở thành một thành viên tích cực hơn của nhóm. Bạn có sẵn lòng trả lời vài câu hỏi không? Hãy trả lời thật lòng nhé, nó sẽ giúp ích tôi rất nhiều – tôi hứa sẽ không phật lòng. Phản hồi là những món quà, và tôi biết ơn vì bạn đã bỏ thời gian.
Ví dụ những câu hỏi cụ thể:
Trong dự án lần trước, cậu thấy tôi gây được ấn tượng ở phần nào? Tôi có thể đóng góp nhiều hơn bằng cách nào?
Với cả đội, cậu thấy tôi cần phát huy điểm gì? Cần phải tránh làm gì?
Một trong những điều tôi đang rất muốn thay đổi là trở nên dứt khoát hơn. Bạn nghĩ tôi đang tiến triển như thế nào? Có lời khuyên gì không?
Tôi sẽ dừng lại ở đây và thừa nhận rằng xin phản hồi là một điều rất khó khăn. Bạn có thể ngồi đọc những dòng bên trên và nhăn mặt khi nghĩ đến chuyện thực hành nó.
Tôi mất hàng năm trời trước khi có thể thoải mái hỏi xin nhận xét từ những người khác (bên cạnh những lời nhận xét liên quan đến công việc mà tôi buộc phải nghe). Tại sao? Quay trở lại hội chứng kẻ mạo danh. Bởi lẽ tôi liên tục lo sợ rằng tôi không đủ giỏi giang, tôi lảng tránh những việc có thể xác nhận điều đó. Tôi tưởng tượng đến việc ai đó tôi kính trọng sẽ nói rằng phải, rõ ràng là tôi làm việc X hay việc Y không tốt lắm. Họ bắt quả tang! Nên tôi ngậm chặt miệng và gồng lên, giả vờ rằng mọi thứ vẫn ổn.
Cần phải rất tự tin mới có thể xin những lời phê bình. Với tôi, mọi thứ thay đổi khi tôi nhận ra phải thay đổi cách nghĩ của mình. Nếu tôi coi mọi thử thách là một cách để chứng minh sự xứng đáng của mình, tôi sẽ liên tục lo lắng về vị trí tôi đang đứng thay vì tìm hiểu làm sao để tiến bộ. Nó giống như thể bạn áp lực về chuyện điểm số chứ không phải vì không hiểu được bài giảng của thầy cô.
Ngược lại, nếu tôi tiếp cận thử thách với niềm tin rằng tôi sẽ trở nên khá hơn nếu thực sự cố gắng, vòng tuần hoàn đáng lo ngại của việc tự đánh giá bản thân sẽ bị phá vỡ. Không quan trọng một kỹ năng của tôi tốt hay kém, lòng tin rằng tôi có thể cải thiện được nó đã cho phép tôi học với sự háo hức thay vì lo âu. Và kết quả thật sự rất tuyệt vời – tôi chưa từng biết rằng những nhận xét của tôi thường mơ hồ và không trọng tâm đến khi tôi nhận được góp ý từ một đồng nghiệp. Một khi tôi đã xác định được nó, tôi đã có thể cố gắng khiến cho luận điểm của mình trở nên chính xác và thực tế hơn, và giờ nó là một trong những ưu điểm của tôi.
Trong cuốn sách Mindset có tầm ảnh hưởng lớn của mình, nhà tâm lý học tiên phong Carol Dweck đã mô tả hai cách nghĩ khác nhau – cô gọi chúng là cố định và phát triển – hai điều tạo ra sự khác biệt lớn trong thành tích và hạnh phúc cá nhân của chúng ta. Hãy quan sát sự khác biệt:
Góc nhìn của bạn sẽ thay đổi mọi thứ. Với cách nghĩ cố định, các hành động của bạn sẽ bị nỗi sợ điều khiển – sợ thất bại, sợ bị đánh giá, sợ bị phát hiện ra là một kẻ mạo danh. Nhưng với cách nghĩ phát triển, bạn có động lực để tìm kiếm sự thật và hỏi xin nhận xét vì đó là con đường nhanh nhất để đi được đến thành công.
HIỂU RÕ GIỚI HẠN BẢN THÂN
Sau ưu nhược điểm, phần tiếp theo của thấu hiểu bản thân là biết được bạn sẽ hoạt động tốt nhất ở môi trường nào và điều gì sẽ khiến bạn phản ứng tiêu cực. Điều này giúp bạn lên kế hoạch hằng ngày đáp ứng được nhu cầu cá nhân.
Qua nhiều năm, tôi phát hiện được một số thứ sẽ giúp tôi làm việc hiệu quả:
Một khi tôi biết được những sự thật này, tôi có thể thay đổi một số thói quen để giúp bản thân có thể hoạt động tốt nhất trong môi trường lý tưởng. Sau đây là một vài ví dụ:
Những thói quen nhỏ này giúp tôi có khả năng quản lý mọi thứ dễ dàng hơn. Chúng không hoàn hảo – kể cả khi ngủ đủ và tập thể dục thường xuyên, vẫn có những ngày tôi cảm thấy kiệt sức. Các cuộc họp và nhiệm vụ không luôn đi theo kế hoạch. Đôi khi, nhiều ngày, nhiều tuần trôi qua mà tôi không có cơ hội cho “thời gian suy nghĩ”. Nhưng những bước này, dù nhỏ thôi, cũng tạo ra sự khác biệt trong cách tôi làm việc và suy nghĩ.
Những người khác cũng có những cách khác nhau để cải thiện năng suất làm việc. Một người bạn của tôi là một chú chim sớm – cô thức dậy vào 5 giờ sáng và những tiếng đầu ngày là khoảng thời gian cô làm việc hiệu quả nhất. Cô giải quyết những vấn đề khó nhằn trước, để dành những vấn đề dễ thở hơn cho buổi chiều. Một người bạn khác cố gắng xếp lịch của anh giữa hai lịch hẹn ít thời gian nhất có thể. Tất cả các buổi họp và cuộc gọi của anh đều được xếp khít vào nhau, để trước đấy và sau đó anh có một quãng thời gian dài không bị làm phiền.
Nếu như bạn không chắc lắm về môi trường lý tưởng của mình, tự hỏi những câu hỏi sau:
Mặt kia của đồng xu là hiểu được trạng thái ngược lại xảy ra khi nào – đúng vậy, những hoàn cảnh khơi dậy các phản ứng tiêu cực mạnh mẽ sẽ làm bào mòn sự hiệu quả của bạn. Nó khác với các cảm xúc tiêu cực thông thường ở chỗ nó chỉ đặc biệt có tác động mạnh tới bạn. Ví dụ, người quản lý nào cũng sẽ cảm thấy thất vọng nếu một ứng viên sáng giá từ chối lời đề nghị hay một nhân viên hàng đầu nộp đơn thôi việc. Câu hỏi thú vị ở đây là “Điều gì làm bạn xù lông nhím, nhưng lại không ảnh hưởng tới người khác?”. Đó là khi bạn bị đặt vào tình thế bị cho là vô lý.
Với tôi, đó là sự bất công. Nếu như một chuyện gì đấy không công bằng, huyết áp của tôi sẽ tăng cao và tim bắt đầu đập mạnh. Tôi sẽ làm quá mọi chuyện lên bằng cách cố chấp cãi nhau với người khác, kể cả khi tôi không có bằng chứng. Bạn có thể đoán được, những cuộc tranh cãi này hầu như không đem lại kết quả gì.
Bằng cách biết được điều gì làm bạn cáu giận vô cớ, bạn có thể kìm hãm bản thân đúng lúc và lùi lại một bước trước khi phản ứng như là một người nóng tính. Nếu tôi chỉ ngừng lại năm phút, tôi sẽ lấy lại được bình tĩnh.
Sẽ rất hữu ích nếu biết được điểm nhạy cảm của chính mình và của mọi người. Bởi lẽ chúng ta đều có trải nghiệm khác nhau, đồng nghiệp của bạn có thể không biết được hành động của họ ảnh hưởng như thế nào đến bạn và ngược lại.
Tôi từng có một đồng nghiệp luôn nói đại diện cho cả nhóm của anh ta trong các buổi tổng kết, kể cả những phần nằm ngoài khả năng của anh ấy. Tôi sẽ trở nên khó chịu mỗi lúc anh mở miệng. Anh ta thật không biết suy nghĩ khi không để các thành viên nói phần của họ, tôi nghĩ. Khi tôi nói riêng với anh chuyện này, anh ấy có vẻ ngạc nhiên nhưng vẫn cảm ơn tôi vì góp ý. Anh chưa bao giờ nghĩ rằng hành động đó giống như đang cố cướp công của người khác, mà chỉ cho rằng nó sẽ giúp buổi tổng kết hiệu quả hơn. Sau đó, anh đã có thói quen giúp mọi người cùng tỏa sáng bất cứ khi nào có thể.
Có người nổi cáu với những kẻ kiêu căng hoặc ích kỷ. Một vài người khác thấy khó chịu với những chi tiết nhỏ không hoàn hảo. Có thể bạn sẽ xù lông khi ai đó gắt gỏng hay làm lố, hoặc phát điên với việc một thành viên trong nhóm mất nhiều ngày để trả lời tin nhắn.
Đây là điều giúp bạn và người khác có thể tương tác cùng phát triển – bạn có thể cố gắng kiểm soát phản ứng của mình, nhưng người khác cũng có thể được lợi từ những góp ý của bạn.
Để phát hiện ra điểm nhạy cảm của mình, hãy tự vấn bản thân những câu hỏi sau:
Biết được điều gì làm mình hạnh phúc và điều gì làm mình không vui cực kỳ có giá trị. Giống như một vận động viên có chế độ ăn uống và tập luyện nghiêm ngặt để giữ họ trong thể trạng tốt nhất, những hành động bạn thực hiện để giúp bản thân làm việc hiệu quả nhất sẽ dẫn đến nhiều thành công trong sự nghiệp.
TÌM KIẾM SỰ TỰ TIN KHI BẠN Ở DƯỚI VỰC
Cho dù bạn đã trải qua gì trên con đường làm quản lý, sẽ có những ngày bạn cảm thấy hội chứng kẻ mạo danh xâm chiếm cực kỳ mạnh mẽ, khiến bạn tụt xuống một cái vực sâu thẳm, tối tăm. Tất cả những lãnh đạo mà tôi biết đều quen thuộc với nơi này, khi những chỉ trích trong đầu bạn cứ vang vọng trong những bức tường, biến những lời thầm thì thành tiếng gào thét.
Bên trong Vực thẳm, bạn cảm thấy rất cô đơn. Nghi ngờ là âm nhạc của bạn và sự sợ hãi là thức ăn của bạn. Bạn liên tục nghĩ lại về các quyết định của mình, tuyệt vọng tìm kiếm một cái gì vững chắc để bám víu. Tất cả những gì bạn muốn là có lại niềm tin – rằng bạn biết được phải đi về đâu và nên làm gì. Nhưng bạn không tìm được lối ra.
Tôi phát hiện ra bản thân ở dưới Vực khi cùng đồng nghiệp mới nghiên cứu một sáng kiến quan trọng. Ngay từ khi bắt đầu, chúng tôi cãi cọ ở phần chiến lược sản phẩm. Chúng tôi đều hết sức tự tin rằng mình đúng, đến nỗi mỗi quyết định đều như là một trận sóng thần đổ ập xuống tòa lâu đài cát xiêu vẹo tượng trưng cho mối quan hệ của chúng tôi. Tôi nhớ chúng tôi gửi cho nhau những email dài về từng chi tiết nhỏ của sản phẩm. Chảy ngầm dưới các câu chữ là sự không tin tưởng – những lời buộc tội như “Cô không chịu lắng nghe gì cả”, “Cô không biết mình đang nói gì đâu” và “Đây là quyết định của tôi, không phải của cô”.
Tôi thấy rất tệ. Tôi biết mối quan hệ này cần được cải thiện, nhưng bằng cách nào? Tôi là người sai ư? Có thể tôi chẳng biết mình đang nói gì.
Khi nghĩ lại quãng thời gian đó, tôi có thể thấy được sự nghi hoặc đã chiếm lĩnh tôi. Tôi học được rất nhiều qua sự hợp tác khó khăn đó và có một bộ dụng cụ tốt hơn để thoát khỏi Vực. Nếu bạn cũng cảm thấy mình đang ở trong đó, hãy đọc những gợi ý sau để kiểm soát được cảm xúc của mình.
Đừng khắt khe với bản thân vì cảm thấy tồi tệ
Một trong những phần tệ nhất của việc ở dưới Vực là bạn phải chiến đấu gấp đôi: xoay xở với bản thân sự kiện và lo lắng về việc bạn đang vật lộn với nó. Tại sao điều này lại khó khăn với mình đến thế? Thâm tâm bạn sẽ than vãn. Nếu mình thông minh hơn hoặc dũng cảm hơn hoặc tài giỏi hơn thì đã chẳng có gì. Bằng việc cảm thấy tội lỗi về cảm xúc của mình, bạn đang tạo ra nhiều áp lực hơn cho chính mình.
Mọi người trên thế giới đều có lúc trải qua thời điểm khó khăn, hãy cho phép bản thân được lo lắng. Đừng trả giá gấp đôi cho gánh nặng tâm lý. Tôi đã tìm ra hai biện pháp khắc phục được điều này. Đầu tiên là chọn một người nổi tiếng mà bạn ngưỡng mộ, một người có cuộc sống đáng mơ ước, rồi Google “khó khăn của [tên người đó]”. Sẽ luôn luôn có một câu chuyện đóng vai trò như là một lời nhắc nhở rằng ai cùng từng ở trong Vực.
Biện pháp thứ hai là thừa nhận rằng bạn đang cảm thấy tồi tệ. Tôi sẽ lấy ra một tờ giấy và viết: “Tôi cảm thấy vô cùng áp lực về X”. Hành động nhỏ đó thay đổi cách nghĩ của tôi từ lo lắng về chuyện tôi lo lắng sang bày tỏ nó. Một khi tôi viết ra, tôi có thể bắt đầu nghiên cứu nguồn cơn của mọi sự.
Nhắc lại theo tôi: “Câu chuyện trong đầu tôi là hoàn toàn không có cơ sở”
Cách nhìn của chúng ta đều rất chủ quan, nhớ không? Một trong những lý do điều này xảy ra là vì não ta thường có xu hướng đi đường tắt để đến được kết luận nhanh hơn. Đây cũng là lý do ta đánh giá người khác qua vẻ ngoài của họ. Nếu bạn nhìn thấy một người đeo kính dày cộp đang lật giở một tập tài liệu, bạn có thể cho rằng cô ấy giỏi toán dù không dựa trên cơ sở nào cả.
Điều này cũng xảy ra khi chúng ta tiếp nhận một vấn đề. Khi ta tập hợp được một vài dữ liệu, ta sẽ cố gắng xây dựng một câu chuyện hoàn chỉnh xoay quanh chúng dù chưa có đủ các thông tin cần thiết. Và khi bạn ở dưới Vực, câu chuyện của ta thường là những tình huống tệ nhất.
Ví dụ, hãy giả vờ rằng bạn đang vật lộn với hội chứng kẻ mạo danh và bạn phát hiện ra có một cuộc họp diễn ra mà không có bạn. Bạn sẽ kết luận là: Tôi không được tham gia vì mọi người nghĩ tôi vô dụng.
Ví dụ này xảy ra nhiều đến nỗi nhiều năm qua tôi đã có cả tá người tìm đến với cùng một nỗi lo. “Hãy cùng tìm hiểu nào”, tôi nói và liên hệ với người tổ chức để hỏi. “Này, tại sao X không được mời đến trong cuộc họp sáng nay?”. Sau đây là một số câu trả lời tôi hay nhận được nhất:
Chỉ có duy nhất một lần câu trả lời tiệm cận với “Chúng tôi không nghĩ X sẽ giúp được gì” (Nó được diễn đạt lại là “Chúng tôi lo lắng rằng cá tính mạnh của X sẽ làm cuộc họp bị lạc đề”).
Câu chuyện mà chúng ta tự nói với bản thân từ số lượng nhỏ các dữ kiện thường sai hoàn toàn, nhất là khi chúng ta đang ở dưới Vực. Chín trên mười lần người khác không có ý làm tổn thương bạn. Đồng nghiệp không hề nghĩ bạn ngu ngốc. Và phải, bạn xứng đáng với công việc này.
Khi một câu chuyện tiêu cực chiếm lấy bạn, lùi lại một bước và suy ngẫm xem cách giải thích của bạn có thật sự chính xác. Có cách nghĩ nào khác mà bạn chưa tính đến không? Bạn có thể làm gì để tìm ra sự thật?
Đôi khi chỉ cần dũng cảm hỏi: “Tại sao tôi không được mời tới cuộc họp đó?” để kết thúc những suy đoán của bạn và làm sáng tỏ mọi chuyện. Kể cả khi bạn sợ câu trả lời, đối diện với sự thật luôn tốt hơn là nung nấu những viễn cảnh tồi tệ.
Nhắm mắt lại và tưởng tượng
Nghiên cứu về các hoạt động thần kinh của não cho thấy khi chúng ta tưởng tượng đến việc làm gì đó, não sẽ cho ta trải nghiệm như thể ta đang thực sự làm điều đó. Tại sao điều này lại quan trọng? Bởi vì chúng ta có thể đánh lừa cảm giác để mang lại lợi ích cho chính chúng ta bằng cách nhắm mắt lại và tưởng tượng.
Nhà tâm lý học người Úc Alan Richardson phát hiện ra rằng một đội bóng rổ được hướng dẫn chỉ ngồi tưởng tượng ném phạt hàng ngày vẫn sẽ làm tốt y như một đội bóng tập luyện ném phạt mỗi ngày hai mươi phút. Một nghiên cứu khác so sánh những người đi tập thể hình và những người chỉ ngồi tưởng tượng. Nhóm người đi tập đã tăng cường sức mạnh cơ lên đến 30%, nhóm còn lại tăng được 13,5% – có hiệu quả gần bằng một nửa!
Người chơi golf huyền thoại Jack Nicklaus từng viết: “Tôi chưa từng đánh một quả nào, ngay cả trong luyện tập, mà không có một hình ảnh rất rõ ràng về chuyện đó trong đầu. Nó giống như một bộ phim màu vậy”.
Tưởng tượng không chỉ cải thiện kết quả của bạn, nó cũng có thể giúp bạn lấy lại được tự tin khi ở dưới Vực. Nếu bạn cảm thấy bị mắc kẹt, hãy thử một vài lời khuyên sau đây:
Tưởng tượng những lo lắng, nỗi sợ và sự hoang mang bạn đang cảm thấy không chỉ xảy ra với mình bạn, mà xảy ra với bất cứ ai trên thế giới. Một trong những ví dụ tôi thường nghĩ tới là Sheryl Sandberg trong quyển sách của cô Lean In đã thừa nhận rằng cô quan tâm đến những gì người khác sẽ nghĩ khi thấy cô ra về vào lúc 5 giờ đúng, vì thế cô lén lút rời khỏi chỗ làm vào lúc không ai để ý. Một ví dụ khác là Reese Witherspoon, thú nhận cô đã suýt nữa không nhận lời mời làm đại sứ cho quyền phụ nữ vì cô sợ phải nói trước đám đông. Cả hai người phụ nữ này đều là những tấm gương sáng cho sự thành công và truyền cảm hứng. Tuy vậy, họ vẫn phải đối mặt với những nghi ngờ giống hệt tôi vì cảm xúc là một thứ rất con người.
Tưởng tượng bản thân thành công trong chuyện mà bạn đang lo lắng. Có một buổi thuyết trình quan trọng ngày mai? Tưởng tượng bản thân đi vào phòng và nở nụ cười với khán giả. Hình dung bản thân đứng thẳng lưng và nói một cách tự tin. Nhìn thấy được khán giả bên dưới lắng nghe và gật đầu hưởng ứng khi ai đó hỏi một câu hỏi khó nhưng bạn trả lời nó với sự tự tin. Chìa khóa để tưởng tượng thành công là làm cho quang cảnh càng chi tiết càng tốt.
Tưởng tượng một thời điểm trong quá khứ khi bạn gặp một chướng ngại lớn nhưng vượt qua được nó. Giờ nhớ lại từng chút một cách thật tỉ mỉ. Nhớ lại cảm giác nản chí lúc đầu, suy nghĩ về cách bạn tiếp cận vấn đề, hồi tưởng khoảnh khắc bạn nhận ra bạn sẽ ổn và sống lại cảm giác thành công vào lúc cuối – lòng tự hào, những lời khen ngợi, sự tự tin mà bạn đạt được.
Tưởng tượng một căn phòng đầy những người bạn yêu quý nhất nói với bạn điều họ thích nhất về bạn. Hình dung họ ngồi thành vòng tròn, từng người một bày tỏ tình yêu và sự ngưỡng mộ của họ dành cho bạn. Tôi thích nhớ lại những bài phát biểu từ gia đình và bạn bè trong ngày cưới của mình, nhớ lại cảm giác tuyệt vời khi được đắm mình trong tình thương của mọi người.
Tưởng tượng thoát ra khỏi Vực. Nhắm mắt lại và mường tượng ra từng giờ trong lịch của bạn. Tập trung vào những cảm xúc bạn muốn có – ví dụ như cảm giác tràn đầy năng lượng khi bạn tập thể dục buổi sáng, no nê và hài lòng sau bữa sáng với trứng bác, thân thiện khi bạn bước vào phòng làm việc và chào mọi người, cống hiến trong buổi họp đầu tiên, vân vân.
Tưởng tượng là một công cụ tuyệt vời mà không đòi hỏi nhiều – chỉ một vài phút và một chỗ yên tĩnh để thư giãn. Biến nó thành thói quen để trấn an bản thân cho bất cứ điều gì sẽ đến.
Đề nghị trợ giúp từ những người mà bạn tin tưởng
Trong nhiều năm, khi nhận ra mình đang ở dưới Vực, tôi thường cắn môi tự chịu đựng. Giống như người ta thường nói: “Cứ làm bộ cho đến khi bạn làm được”, tôi nghĩ nếu giả vờ rằng mình vẫn kiểm soát được mọi thứ, tôi sẽ ngừng cảm thấy kém cỏi, không còn gì có thể thông thái hơn thế.
Cách nghĩ đó là một sai lầm. Tôi phủ nhận cảm giác nhẹ nhõm đến từ việc sẻ chia, và tôi bỏ lỡ mọi lời khuyên và sự thông cảm từ những người tôi yêu thương.
Thừa nhận khó khăn và hỏi xin trợ giúp không phải là sự yếu đuối – thực tế là nó cho thấy sự dũng cảm và khả năng tự đánh giá. Điều đó có nghĩa là bạn quan tâm đến việc tiến bộ nhiều hơn là sĩ diện của chính mình. Khi người khác hiểu được hoàn cảnh của chúng ta, ta được lợi rất nhiều. Nghiên cứu gợi ý rằng những hỗ trợ trong nhóm là rất hiệu quả, kể cả với những người có bệnh tâm lý nghiêm trọng. Ví dụ, 82% những người bị tăng động được ghi nhận là trở nên tốt hơn sau khi tham gia những nhóm tự hỗ trợ.
Tôi cũng từng trải nghiệm chuyện này – một vài năm trước, tôi lập ra nhóm Vòng tròn Giúp đỡ với khoảng một tá phụ nữ trong công ty. Mỗi tháng chúng tôi sẽ dành ra hai tiếng để ngồi với nhau và chia sẻ theo vòng tròn những rắc rối chúng tôi gặp phải – các mối quan hệ khó khăn, những hoang mang về sự nghiệp, sự vật lộn để cân bằng việc nuôi con và công việc. Khóc không phải là chuyện hiếm vì có những thử thách thực sự rất khó vượt qua. Nhưng tôi sẽ không bao giờ quên được sự ấm áp và tình bạn, những sự ủng hộ đó thật sự rất có ý nghĩa với tất cả chúng tôi. Nếu không thể trợ giúp và đưa ra lời khuyên, chúng tôi vẫn sẵn sàng ôm an ủi và lắng nghe.
Kỷ niệm những thắng lợi nhỏ
Khi ở dưới Vực, bạn sẽ liên tục săm soi những thất bại của mình vì bạn không chắc mình có đủ khả năng để đạt được thành công. Một cách để thoát khỏi vòng tròn tiêu cực ấy là tự nói với mình một câu chuyện khác. Thay vì nghĩ “Mình đang làm không tốt chuyện gì?”, hãy tập trung vào những thành tựu của bạn.
Trong một quãng thời gian cực kỳ khó khăn, tôi chia sẻ với một đồng nghiệp cảm giác bế tắc tôi cảm thấy – tôi không thể thuê đủ người để bắt kịp với các dự án cần một người thiết kế lãnh đạo, mỗi ngày tôi đều cảm thấy áp lực vì là một gánh nặng. Cô ấy nhắc tôi rằng dù mọi chuyện có khó khăn đến đâu, không phải tất cả những gì tôi làm đều là một sự thất bại. Thực tế, một bài viết gần đây của tôi đã gây được sự đồng cảm từ cô ấy và cô đã chia sẻ với cả đội. “Chúng tôi học được rất nhiều điều”, cô nói, “cảm ơn vì đã viết nó”.
Lời nói của cô gây được ấn tượng mạnh. Tôi nhận ra tôi đã coi những bài viết của mình và rất nhiều trách nhiệm khác – nhận xét các bản thiết kế, huấn luyện, lên kế hoạch – là một việc hiển nhiên và không có giá trị.
Được truyền cảm hứng từ cuộc trò chuyện, tôi bắt đầu làm một quyển nhật ký có tên Thắng lợi nhỏ. Mỗi ngày tôi sẽ viết xuống những điều làm được khiến tôi tự hào, kể cả khi nó không đáng kể. Đôi khi, tôi ăn mừng cả những cuộc trao đổi 1:1 mà tôi đưa ra được những lời khuyên có ích. Có ngày tôi ghi nhận bản thân vì đã dẫn dắt thành công một buổi họp. Một lần nọ, vào một ngày tồi tệ, tôi viết là đã thành công trong việc trả lời một số email.
Nghiên cứu chỉ ra rằng nếu bạn viết xuống năm điều khiến bạn biết ơn mỗi đêm, bạn sẽ cảm thấy hạnh phúc hơn trong một thời gian dài. Khi bạn cần xây dựng sự tự tin, hãy nhớ làm điều tương tự bằng cách tập trung vào những thành công mà bạn đạt được.
Luyện tập chăm sóc bản thân bằng cách đặt ra các giới hạn
Khi công việc khiến bạn cảm thấy choáng ngợp, nó có thể dễ dàng xuất hiện trong mọi thứ. Có thể bạn bị áp lực về một dự án đến mức bạn làm cả đêm và vào những ngày nghỉ, hoặc bạn không thể ngừng nghĩ về những việc cần làm khi cả thế giới đang ngủ say.
Chống lại nó. Đặt các giới hạn bằng cách dành thời gian cho các khía cạnh khác của cuộc sống – ở bên cạnh những người bạn yêu quý, theo đuổi đam mê, tập thể dục, làm các công việc vì cộng đồng, v.v... Trong nhiều nghiên cứu, áp lực công việc cao sẽ ngăn cản sự sáng tạo, hay “khi con người cảm thấy tích cực, họ sẽ trở nên sáng tạo hơn”, theo Teresa Amabile, giảng viên trường Đại học Harvard và tác giả của cuốn The Progress Principle.
Vào những lúc bận rộn nhất, một trong những điều tôi hay làm là sắp xếp mười lăm phút đầu và cuối ngày không liên quan gì đến công việc. Tôi sẽ xem TED Talk, chơi trò chơi trên Iphone, giải ô chữ, tập thể dục hoặc đọc sách. Không quá lâu, nhưng nó giúp tôi vẽ ra một vạch trên cát và nói: “Không cần biết ra sao, tôi sẽ luôn dành thời gian cho bản thân”.
Bạn không thể làm tốt nhất trừ khi bạn thực sự cảm thấy mình đang ở trong thể trạng tốt nhất, nên hãy chăm sóc bản thân, điều đó hoàn toàn không lãng phí.
HỌC CÁCH ĐỂ TRỞ NÊN TỐT HƠN
Năm năm trước, tôi nhớ đang nằm trên giường vào lúc 3 giờ sáng, trước một bài nói quan trọng. Đầu tôi liên tục lướt qua các slide, bụng thì quặn lại như đang ở trên thuyền giữa biển trong một cơn bão. Tôi nghĩ về những diễn giả tôi yêu thích và tự hỏi làm sao họ làm được điều đó. Thế thật tuyệt làm sao, tôi nghĩ, khi nói thật trơn tru trước hàng trăm khán giả và cảm thấy phấn khích thay vì sợ hãi, khi có thể thực sự ngủ vào đêm trước và không cần quan tâm về chuyện che đi quầng thâm vào ngày hôm sau.
Tua nhanh đến năm nay. Tôi đang chờ sau cánh gà của một hội nghị một tiếng trước khi tôi thuyết trình trước cả hàng ngàn người. Một diễn giả khác đi đi lại lại, vừa bồn chồn nghịch một tờ giấy nhớ vừa đọc thuộc lòng phần mở đầu của bài nói. Đến một thời điểm cậu nhìn tôi, cười yếu ớt và nói: “Cô trông bình chân như vại vậy”. Đó là một lời khen tuyệt vời và cậu ta nói đúng – tôi không lo lắng gì cả. Tôi ngủ sâu và ngon lành vào đêm hôm trước, và giờ thì thực sự phấn khích!
Vậy điều gì đã xảy ra trong những năm qua? Tôi có trải qua những buổi tập nói khắc khổ không? Liệu tôi có uy tín lớn trong việc sử dụng PowerPoint và Keynote không? Phải chăng là đã có một nàng tiên bé nhỏ thì thầm vào tai tôi một phương pháp mới mẻ và tuyệt vời để tôi bình tĩnh lại?
Câu trả lời thực ra lại khá nhàm chán. Tôi tập luyện và trở nên giỏi hơn. Đã có cả một quãng thời gian dài tôi ngắc ngứ nói lắp đầy gượng gạo trước cả đội trong suốt những cuộc họp hàng tuần. Có những tiết mục giao lưu trò chuyện mà tôi đăng ký làm dù biết chắc đêm hôm trước mình sẽ rất hoảng sợ và lo lắng. Đó là những cuộc phỏng vấn với báo giới, hội nghị bàn tròn và sự xuất hiện trên tivi. Từng việc đó làm công việc chẳng dễ dàng hơn chút nào.
Quản lý là cuộc hành trình hoàn toàn của riêng mỗi cá nhân. Chúng ta đều ở những vị trí khác nhau trên chặng đường của mình. Một vài người bắt đầu đã giỏi hơn người khác ở những kỹ năng cụ thể nào đó. Bản thân tôi vốn là một người hướng nội và có xu hướng sẽ đông cứng lại hay bắt đầu nói huyên thuyên trước một đám đông. Tính đến hôm nay, tôi cũng chưa phải là một người diễn thuyết xuất sắc, tuy nhiên sự tự tin và kỹ năng của tôi đã được cải thiện đáng kể.
Làm thế nào để bạn có thể làm việc hiệu quả nhất thì còn phụ thuộc rất nhiều vào chính bạn: thế mạnh và lĩnh vực bạn theo đuổi, tính cách và giá trị con người bạn. Đồng thời nó cũng phụ thuộc vào mục tiêu và cách làm việc của nơi bạn làm – một công ty nhỏ chỉ có vài nhân viên chắc chắn sẽ cần những thứ khác hơn so với một tổ chức lớn mạnh với hơn mười ngàn người.
Bản chất hướng đi của mỗi cá nhân đồng nghĩa với việc phần lớn những gì bạn học được sẽ được ứng dụng vào công việc. Dù bạn cần cải thiện khả năng giao tiếp, thực hành tốt hơn, có những cái nhìn chiến lược hay hợp tác hiệu quả hơn với người khác, hãy đặt cho bản thân những mục tiêu cao hơn nữa: Làm thế nào để mình tốt hơn gấp đôi? Sau đó tối ưu hóa việc học hỏi của mình theo những bước sau đây.
Xin phản hồi
Sau cả một chương nói về tầm quan trọng của việc đưa ra nhận xét sau những bài báo cáo, chắc hẳn điều này cũng không còn bất ngờ: Nếu có một loại sốt bí mật cho việc cải thiện bản thân, thì đó chính là hãy hỏi xin phản hồi từ người khác mọi lúc. Trở ngại duy nhất bạn cần vượt qua chính là bản thân mình – Liệu bạn có nhớ được để hỏi đủ thường xuyên? Liệu bạn có khiêm tốn và ý thức về bản thân đủ để nghe chúng một cách thật cởi mở và đáp lại bằng sự thay đổi thật sự?
Nhớ xin phản hồi riêng về nhiệm vụ, cũng như thái độ của bạn. Bạn càng cụ thể hóa những gì mình muốn biết thì càng tốt. Nếu như bạn dẫn bằng câu hỏi “Bạn nghĩ phần thuyết trình của tôi thế nào?”, thì có thể bạn sẽ nhận được những câu trả lời kiểu “Tôi nghĩ nó khá tốt”, thật ra nó lại không thực sự bổ ích. Thay vào đó, hãy hỏi chi tiết và làm nó dễ dàng hơn để người khác có thể đưa ra những lời nhận xét có tính xây dựng: “Trong ba phút đầu tiên mình đã cố để làm rõ luận điểm. Liệu nó có dễ hiều không? Lần tới, làm cách nào mình có thể làm nó sáng tỏ hơn nữa?”.
Luôn luôn cảm ơn mọi người vì những lời nhận xét. Thậm chí nếu bạn không đồng tình, hãy đón nhận nó một cách lịch sự và nhận ra rằng người khác cũng phải mất công suy nghĩ rồi mới góp ý. Nếu mọi người cảm thấy bạn có ý phòng thủ, bạn sẽ nhận được ít phản hồi hơn trong tương lai, vậy chỉ ảnh hưởng đến sự phát triển của chính bạn mà thôi.
Coi sếp của bạn như là huấn luyện viên
Như chúng ta đã thảo luận về vai trò của người quản lý, sếp của bạn chính là một trong những nguồn tốt nhất cho bạn học tập. Nhưng đây lại không phải là trường hợp cố nhiên. Có thể anh/cô ấy không thể theo dõi công việc của bạn từng ngày một, họ còn bận rộn giải quyết chuyện của người khác, hay chỉ đơn giản là họ không chủ động giúp đỡ, hướng dẫn bạn như những gì bạn mong đợi.
Bất kể thế nào thì người đầu tư nhiều nhất cho sự nghiệp của bạn không phải là vị sếp nào mà là chính bạn. Sự phát triển đó nằm trong tầm kiểm soát của bạn, vậy nên nếu bạn thấy mình đang không học được gì từ sếp của mình, hãy tự hỏi bản thân xem mình có thể làm những gì để có được mối quan hệ như mình mong muốn.
Một trong những trở ngại lớn nhất mà tôi thấy đó chính là mọi người thường ngại hỏi sự trợ giúp từ sếp của họ. Tôi biết rõ cảm giác đó, trong hàng năm trời, tôi vẫn giữ suy nghĩ là cấp trên của mình – cũng như các giáo viên hay giáo sư của tôi trong quá khứ – là người có quyền quan sát những gì tôi đã làm và đưa ra đánh giá. Theo đó, cách mà tôi tương tác với sếp của mình có thể được tóm gọn trong một câu đơn giản: Đừng làm loạn nó lên. Tôi coi đó là một sự thất bại nếu như để sếp mình phải can thiệp vào việc gì mà tôi chịu trách nhiệm. Nó tương đương như việc có một bảng hiệu nê-ông nhấp nháy trước mắt sếp bạn ghi là: “Cảnh báo: Nhân viên của bạn không đủ giỏi để có thể tự hoàn thành công việc của mình”.
Nhưng chúng ta biết rằng công việc của một người quản lý là giúp cho đội mình đạt được kết quả tốt hơn. Khi bạn hoàn thành công việc tốt hơn, chứng tỏ cấp trên của bạn cũng đã làm tốt hơn. Do đó, sếp của bạn chính là người cùng phe và luôn mong bạn thành công, người sẵn sàng dành thời gian và sức lực để giúp đỡ bạn. Chìa khóa là hãy coi sếp của bạn như là một vị huấn luyện viên, không phải là quan tòa hay thẩm phán.
Bạn có thể tưởng tượng trường hợp một vận động viên nổi tiếng cố giấu những điểm yếu của mình trước mặt chính huấn luyện viên của mình? Liệu bạn có trả lời là: “Ô, tôi trông khá cân đối rồi đấy, tự tôi có thể kiểm soát mọi thứ” khi được người huấn luyện hỏi xem nếu cô ấy có thể giúp gì để bạn tập luyện hiệu quả hơn? Đương nhiên là không rồi. Đó không phải là cách mối quan hệ huấn luyện hoạt động.
Thay vào đó, hãy xin nhận xét từ sếp của bạn. Hãy hỏi: “Theo sếp thì tôi nên cải thiện những kỹ năng nào để có nhiều sự ảnh hưởng hơn”. Chia sẻ mục tiêu cá nhân và kêu gọi sự trợ giúp: “Tôi muốn trở thành một người thuyết trình giỏi hơn, vì vậy tôi rất cảm kích nếu sếp có thể để mắt đến những cơ hội mà tôi có thể đứng trước đám đông”. Kể với họ những vấn đề khó nhằn của bạn và cùng tìm cách giải quyết: “Tôi đang cân nhắc giữa hai ứng cử viên với những thế mạnh khác nhau. Không biết tôi có thể chia sẻ một vài ý kiến cá nhân và nghe thêm lời khuyên từ sếp hay không?”.
Khi tôi bắt đầu coi những lần nói chuyện 1:1 với cấp trên là cơ hội để học hỏi chuyên tâm hơn, tôi lại có được nhiều hơn thế. Kể cả khi tôi không vật lộn với vấn đề gì, tôi sẽ hỏi những câu mở như: “Làm thế nào để sếp có thể quyết định mình nên tham gia cuộc họp nào?”, hay “Làm cách nào để giới thiệu thành công một ứng cử viên?” để tận dụng các bí quyết của sếp và dạy mình được điều gì đó mới mẻ.
Coi mọi người như là những cố vấn
Không có quy định nào nói rằng bạn chỉ có thể có một huấn luyện viên. Trên thực tế, thế giới này có rất nhiều người có thể dạy chúng ta. Người cố vấn là người chia sẻ kiến thức chuyên môn của họ để giúp chúng ta tiến bộ. Cũng không cần hình thức hơn thế làm gì. Sheryl Sandberg, trong cuốn Lean In của mình cũng cảnh báo chúng ta không nên quan niệm cố vấn viên là một người quá cao cấp. Không ai muốn được hỏi là: “Bạn có muốn trở thành cố vấn của tôi không?” bởi vì nó nghe rất câu nệ và tốn thời gian. Thay vào đó, hãy xin lời khuyên về một vấn đề cụ thể và sẽ có vô số người sẵn sàng giúp đỡ bạn.
Cụ thể hơn, những người đồng nghiệp trong nhóm – người mà có công việc giống bạn – có thể là một nguồn động viên và hỗ trợ tuyệt vời. Tôi có một nhóm những người quản lý thiết kế mà cứ cách vài tháng lại gặp gỡ. Chúng tôi có những trách nhiệm giống nhau, có thể cùng bàn luận về các xu hướng trên thị trường, thông cảm được với những thử thách của nhau, không những vậy, chúng tôi còn có thể trao đổi lời khuyên về cách đối mặt với những chỉ trích hay cách tổ chức workshop.
Một trong những người bạn này là một người xây dựng phong cách nơi làm việc xuất sắc. Tôi ngưỡng mộ cách mà cô ấy nuôi dưỡng cảm giác ấm áp, tin tưởng và quan tâm lẫn nhau trong đội của mình. Qua bao nhiêu năm trời tôi hỏi cô ấy cả tá câu hỏi về cách cô ấy làm được việc đó – cách cô ấy điều hành một cuộc họp. Cô ấy dùng phương tiện nào để giao tiếp được với một nhóm đông hơn? Câu trả lời của cô ấy thực chất đã trực tiếp hình thành nên cách mà tôi dẫn dắt đội của mình. Ví dụ, việc tổ chức các buổi họp mỗi tuần của tôi là kết quả của một lời khuyên của cô ấy.
Ngay cả khi họ không làm công việc giống bạn, tất cả mọi người đều có những thứ giá trị có thể dạy cho bạn. Có thể một đồng nghiệp của bạn là một nhà tuyển dụng xuất sắc. Có người thì rất giỏi trong việc “giao bán” ý tưởng của mình. Cấp dưới của bạn biết đâu lại là người sáng tạo nhất. Hay có thể sếp của bạn có khả năng tinh tường trong việc tìm ra cái tốt nhất của mỗi người.
Dù là kỹ năng gì đi chăng nữa, cũng đừng e sợ mà hãy hỏi: “Này, tôi thật sự ấn tượng với cách bạn làm việc X đấy. Tôi mong có thể học tập nó từ bạn. Không biết là bạn có sẵn sàng đi uống gì đó và chia sẻ kinh nghiệm của bạn với tôi không?”.
Hãy nhớ rằng khi bạn đang xin sự giúp đỡ từ người khác, không có gì là sai khi họ từ chối vì bận rộn hoặc không chắc có thể giúp bạn. Dù thế nào thì cũng hãy nói cảm ơn. Nhưng thường là mọi người sẽ đồng ý. Chúng ta đều được hưởng lợi từ việc cố vấn người khác, vậy nên rất nhiều người sẵn sàng làm việc đó trước.
Dành thời gian để suy ngẫm và đặt ra mục tiêu
Khi bạn đang đua hết tốc lực lao về phía trước và quang cảnh xung quanh không ngừng vụt qua mắt, sẽ rất khó để hiểu được sự trọn vẹn của cả cuộc hành trình. Bạn đã bắt đầu ở đâu? Còn phải đi bao xa? Đoạn đường nào bằng phẳng hay đoạn nào toàn ổ gà mà thôi?
Một nghiên cứu từ trường Kinh doanh Harvard (HBS) cho thấy chúng ta sẽ học được nhiều hơn nếu kết hợp được kinh nghiệm của bản thân với sự tự đánh giá định kỳ. Mặc dù mọi người thường thích học qua việc thực hành hơn: “Những người tham gia chọn cách suy ngẫm thường có phần thể hiện tốt hơn những người chọn thêm trải nghiệm”.
Tự đánh giá không nhất thiết phải là việc gì quá nặng nề. Đến cuối ngày thì bạn làm tất cả vì lợi ích của bản thân, vậy nên hãy tìm ra cái gì là tốt nhất đối với mình. Cá nhân tôi dành một tiếng mỗi cuối tuần để nghĩ về tất cả những gì mình đã làm được, những gì tôi thấy hài lòng và không, cả những việc tôi để sang tuần tới. Sau đó, tôi sẽ viết vài ghi chú vào một email tới cả đội của mình như một cách dễ dàng để tiếp tục thói quen này.
Ngoài ra, tôi cũng tự đặt cho mình những mục tiêu và xem lại một cách kỹ càng hơn sau mỗi sáu tháng. Việc này sẽ cho tôi thời gian dài hơn để giải quyết những dự án nhiều tham vọng, cũng như học thêm những kỹ năng mới.
Dưới đây là một vài ví dụ về ghi chú hàng tuần, cũng như sáu tháng của tôi:
SUY NGHĨ TRONG TUẦN VỪA RỒI:
MỤC TIÊU CHO SÁU THÁNG TỚI:
Sau mỗi sáu tháng, tôi sẽ xem lại các mục tiêu và đánh giá xem mình đã hoàn thành được thế nào. Cái quan trọng không phải là xếp loại mà là việc tôi đã học được những gì. Nếu tôi không thành công trong việc thay đổi cách làm việc của mọi người, vậy thì tại sao? Chiến thuật của tôi phải chăng không hiệu quả? Hay là do tôi không giao tiếp rõ ràng? Hoặc đơn giản là do những việc đó không hề quan trọng?
Nếu tôi thành công trong một mục tiêu – ví dụ như tuyển ba người lãnh đạo giỏi – thì cũng có những bài học được rút ra. Điều gì đã cho phép tôi thành công? Liệu tôi có đủ khả năng để đảm đương nhiều mục tiêu tham vọng hơn nữa trong tương lai hay không, giả sử như là thuê hẳn năm người chỉ huy tốt chẳng hạn? Có bí quyết nào tôi có thể chia sẻ cho những người đang cố gắng làm công việc tương tự hay không?
Càng có nhiều kinh nghiệm – dù tốt hay xấu – được đúc kết thành những bài học và câu chuyện sẽ giúp được chính bạn và cả người khác, bạn sẽ càng đi nhanh hơn trên quỹ đạo phát triển của mình.
Tận dụng những đợt tập huấn chính thức
Nếu bạn có cơ hội tham gia huấn luyện chính thức, hãy nắm lấy nó. Có thể là đăng ký vào nhóm nghiên cứu chuyên đề của công ty, đi đến một buổi hội thảo kinh doanh, tham dự một cuộc thảo luận bàn tròn, lắng nghe các chuyên gia trong một buổi trò chuyện hay góp một tay vào hội thảo.
Rõ ràng là những buổi tập huấn chính thức đó hữu ích nhưng đồng thời nó cũng không tạo ra cảm giác cấp bách hay cần thiết gì. Ngoài việc tốn thời gian, nó cũng thường tốn tiền, điều đó có nghĩa là chúng ta lại tham gia vào một cuộc đấu trí kinh điển: “Liệu nó có xứng đáng hay không?”. Đặc biệt nếu đang ở giữa một tuần bận rộn, liệu có phải là ý tưởng tốt khi dành ra hai ngày cho một workshop hay từ bỏ một buổi tối thư giãn ở nhà cho một bài diễn thuyết?
Câu trả lời thường là “Có”. Nếu dành ra mười tiếng đồng hồ được đào tạo giúp bạn làm việc hiệu quả hơn dù chỉ 1% thì đó vẫn là một sự đầu tư xứng đáng (1% thời gian được tiết kiệm mỗi năm, khoảng hai mươi giờ).
Tôi nhớ mình từng tham gia lớp học trong một ngày vài năm trước về cách có những cuộc nói chuyện khó khăn. Tám tiếng đó đã thay đổi cách tôi tiếp cận với những xung đột. Tôi rời đi với một niềm tin mới được tìm thấy rằng, đúng vậy, chúng ta có thể có những cuộc nói chuyện hiệu quả với bất kỳ ai về bất cứ điều gì. Ngay cả đến bây giờ, không một tuần nào trôi qua mà tôi không lục lại ký ức về một thứ gì đó mà mình đã học được từ khóa học ấy.
Một loại khác của việc đào tạo chính thức là huấn luyện từ các chuyên gia. Thường thì bạn sẽ cần phải trả tiền túi cho việc này chỉ trừ khi công ty của bạn đảm bảo phần chi phí này (một vài công ty sẽ làm việc này cho các nhân viên cấp cao). Nhiều CEO và giám đốc điều hành sẽ làm việc với những chuyên gia bởi vì, ở trình độ đó, rất ít người có thể tự nhiên giúp đỡ như một người cố vấn, thậm chí chỉ những tiến bộ nhỏ trong phần thể hiện cũng có ảnh hưởng to lớn đến cả tổ chức.
Khi nghĩ về sự đào tạo chính quy, câu hỏi được đặt ra là: “Liệu nó có xứng đáng thực hiện ngay bây giờ khi có rất nhiều sự lựa chọn khác (hay tất cả những thứ mà tôi có thể tiêu tiền vào)?”, thay vào đó hãy hỏi: “Một năm sau tôi có vui khi mình đã làm cái này không?”. Khi bạn suy nghĩ theo hướng đó, sự lựa chọn có vẻ sẽ dễ dàng hơn.
Khi bạn đầu tư vào việc học tập và phát triển bản thân, bạn đang không chỉ đầu tư cho tương lai của mình mà còn là tương lai của cả đội. Bạn càng làm tốt bao nhiêu, khả năng bạn hỗ trợ người khác sẽ càng tăng bấy nhiêu.
...
Những quản lý mới thỉnh thoảng hỏi tôi: “Một thập niên dành cho công việc này, đâu là điều mà chị vẫn đang tiếp tục học hỏi?”. Câu trả lời của tôi là: “Làm cách nào để trở thành người lãnh đạo tốt nhất có thể mà vẫn giữ được đúng bản chất của mình?”.
Những người điều hành thường nghĩ vai trò của việc phục vụ là vì những cái khác – như nhiệm vụ của tổ chức, mục tiêu của cả đội, hay nhu cầu của những người khác – mà dễ dàng quên đi nhân vật quan trọng nhất trong cuộc hành trình quản lý của mình: chính bạn.
Học cách để trở thành một người lãnh đạo giỏi là học về những siêu năng lực và khuyết điểm, học cách định hướng những trở ngại trong đầu, và học cách học như thế nào mới đúng. Với những công cụ này, sự tự tin rằng bạn vốn dĩ phải ở vị trí này và là chính mình, không cần mặt nạ hay giả bộ gì cả, và bạn đã sẵn sàng cho bất cứ thử thách nào phía trước.