B
ảo tàng lớn nhất và được trang bị công nghệ tiên tiến nhất trên thế giới đồng thời cũng là một trong những bí mật được bảo vệ cẩn mật nhất trên hành tinh này. Nó lưu giữ nhiều hiện vật hơn cả bảo tàng Hermitage1, bảo tàng Vatican2, bảo tàng New York Metropolitan3 cộng lại. Thế nhưng rất ít người trong công chúng được chiêm ngưỡng bộ sưu tập đồ sộ ấy bởi nó nằm giữa những bức tường được canh phòng nghiêm ngặt.
1 Là bảo tàng công cộng lớn nhất ở Nga và là nơi lưu giữ một trong những bộ sưu tập nghệ thuật lớn nhất trên thế giới.
2 Là tài sản quý giá của thủ đô La Mã và tòa Thánh Vatican. Bảo tàng có mười hai nhà trưng bày và năm dãy hành lang lưu giữ và trưng bày các bộ sưu tập nền văn minh La Mã, Hy Lạp và Ai Cập.
3 Nằm ở trung tâm New York, là nơi trưng bày các bộ sưu tập rất quý hiếm về nghệ thuật Ai Cập cổ đại và phương Đông cổ, nghệ thuật châu Âu và những báu vật khác thuộc Hy Lạp cổ đại, La Mã, nghệ thuật Hồi giáo trung cổ, đặc biệt là hội họa châu Âu thế kỷ XX.
Tọa lạc tại số 4210 đường Silver Hill, ngay ngoại ô Washington, D.C., bảo tàng là một công trình kiến trúc khổng lồ hình chữ Z, gồm năm khu liên thông với nhau, mỗi khu còn lớn hơn cả một sân bóng. Lớp bề mặt kim loại phớt xanh ít nhiều bóng gió cho người ta biết về không gian lạ lùng bên trong - một thế giới kỳ lạ trên diện tích bề mặt năm mươi sáu nghìn mét vuông, bao gồm một “Tử địa”, một “Thủy khu”, và các phòng lưu trữ trải dài tới hơn mười hai dặm.
Tối nay, nhà nghiên cứu Katherine Solomon cảm thấy bất an khi bà lái chiếc Volvo trắng của mình tới cửa kiểm tra an ninh chính của khu nhà.
Người bảo vệ mỉm cười, “Bà Solomon, có vẻ bà không phải là người hâm mộ bóng bầu dục thì phải?”. Anh ta chỉnh nhỏ âm lượng buổi tường thuật chương trình bình luận trước trận bán kết của Redskins.
Katherine cố nở một nụ cười căng thẳng. “Đang là tối Chủ nhật mà.”
“À, phải rồi. Cuộc hẹn gặp của bà.”
“Ông ấy đã tới chưa?”, bà lo lắng hỏi.
Người bảo vệ liếc nhìn xuống sổ theo dõi an ninh của mình. “Tôi vẫn chưa thấy ông ấy đăng ký vào.”
“Tôi đến sớm.” Katherine thân mật vẫy tay chào, rồi tiếp tục chạy xe theo con đường lượn vòng dẫn tới chỗ đậu xe quen thuộc ở phía trong cùng của bãi để xe nhỏ hai dãy. Bà lấy đồ từ trong xe ra, đồng thời quan sát nhanh lại mình trên gương chiếu hậu - hành động do thói quen hơn là để làm dáng.
Katherine Solomon được thừa hưởng làn da Địa Trung Hải dồi dào sinh lực của dòng họ, và cho dù đã ở tuổi năm mươi, bà vẫn sở hữu làn da màu ô liu mịn màng. Bà hầu như không trang điểm và mái tóc đen dày để thẳng tự nhiên, không tạo kiểu. Giống anh trai Peter của mình, bà có đôi mắt xám và thân hình mảnh mai lịch lãm đặc biệt quý phái.
Hai người cứ như anh em sinh đôi vậy, người ta thường nói với họ như thế.
Khi Katherine lên bảy thì cha qua đời do ung thư, và bà chỉ giữ được rất ít ký ức về ông. Anh trai Katherine, lớn hơn bà tám tuổi, và cũng mới chỉ mười lăm khi bắt đầu cuộc hành trình trở thành người đứng đầu gia tộc Solomon sớm đến bất ngờ. Song đúng như kỳ vọng, Peter đã trưởng thành và làm tròn vai trò ấy bằng nhân cách và nghị lực xứng đáng với danh tiếng dòng tộc. Cho tới tận bây giờ, ông vẫn chăm sóc cho Katherine như hồi còn nhỏ.
Mặc kệ việc anh trai thỉnh thoảng vẫn thúc giục, cũng như thực tế là Katherine không thiếu người theo đuổi, bà chẳng bao giờ nghĩ tới việc kết hôn. Khoa học đã trở thành người bạn đời của bà, và công việc nghiên cứu còn đem đến niềm vui trọn vẹn và phấn khích nhiều hơn những gì một người đàn ông có thể làm được. Katherine không hề thấy hối tiếc.
Lĩnh vực nghiên cứu bà lựa chọn - Lý trí học - trên thực tế không có nhiều người biết về nó. Chỉ những năm gần đây lĩnh vực này mới bắt đầu mở ra những cánh cửa mới, cho phép tìm hiểu sức mạnh của trí tuệ con người.
Tiềm năng chưa được đánh thức trong chúng ta thực sự vô cùng đáng kinh ngạc.
Hai quyển sách của Katherine về Lý trí học đã xác lập vị thế của bà như một học giả hàng đầu trong lĩnh vực còn ít được biết tới này, song những khám phá gần đây nhất của bà, một khi được công bố, hứa hẹn sẽ biến Lý trí học thành một đề tài đàm thoại chủ đạo trên toàn thế giới.
Tuy nhiên, tối nay khoa học không phải là thứ làm bà bận tâm hàng đầu. Mới đây, bà đã nhận được một số thông tin thực sự đáng lo lắng liên quan tới anh trai mình. Mình vẫn chưa thể tin đó là sự thật. Suốt cả buổi chiều bà không thể nghĩ tới chuyện gì khác.
Một làn mưa nhẹ lất phất rơi xuống kính chắn gió, và Katherine hối hả lấy đồ để vào trong tòa nhà. Bà vừa định chui ra khỏi xe thì di động đổ chuông.
Bà xem danh tính người gọi và bất giác hít thật sâu.
Sau đó, Katherine vén tóc ra sau tai, ngồi lại trong xe để nhận cuộc gọi.
Cách đó sáu dặm, Mal’akh đang đi theo các dãy hành lang bên trong Điện Capitol với một chiếc di động áp sát tai. Y kiên nhẫn chờ đợi đầu bên kia bắt máy.
Cuối cùng, một giọng nữ vang lên, “Tôi nghe đây”. “Chúng ta cần gặp lại nhau”, Mal’akh nói.
Một khoảng im lặng dài. “Mọi thứ ổn cả chứ?”
“Tôi có thông tin mới”, Mal’akh nói.
“Hãy nói đi.”
Mal’akh hít một hơi thật sâu. “Thứ Peter tin là được cất giấu ở D.C?”
“Sao?”
“Có thể tìm ra nó.”
Giọng Katherine Solomon hiện rõ vẻ choáng váng. “Anh đang muốn nói với tôi là nó có thật?”
Mal’akh mỉm cười với chính mình. “Đôi khi một truyền thuyết lưu truyền qua nhiều thế kỷ... là có lý do.”