“C
hẳng lẽ anh không thể lại gần hơn à?” Robert Langdon đột nhiên cảm thấy bồn chồn khi người lái xe chở ông dừng lại trên phố số 1, cách Tòa nhà Quốc hội đến một phần tư dặm.
“E là thế”, người lái xe nói. “Quy định của An ninh Nội địa là là không được đỗ xe gần các công trình nổi tiếng nữa. Tôi rất tiếc, thưa ông.”
Langdon xem đồng hồ, sững sờ khi nhận ra đã sáu giờ năm mươi phút tối. Một khu công trường xây dựng quanh Công viên Quốc gia đã làm họ chậm hành trình, và chỉ mười phút nữa ông sẽ phải bắt đầu bài thuyết trình.
“Trời sắp mưa rồi đấy”, người lái xe nói, ra khỏi xe và mở cửa cho Langdon. “Ông phải nhanh lên một chút.” Langdon định lấy ví để boa cho người lái xe thì anh ta xua tay ngăn lại. “Người mời ông đã thêm một món tiền boa rất hào phóng vào khoản thanh toán thuê xe rồi.”
Đúng là Peter, Langdon nghĩ, vội vàng lấy đồ ra khỏi xe. “Được rồi, cảm ơn cậu đã tới đón.”
Khi Langdon tới được tầng trên của phòng đợi có mái vòm uốn lượn duyên dáng dẫn xuống lối vào “ngầm” dành cho khách tham quan, trời bắt đầu lác đác vài giọt mưa.
Trung tâm du khách của Điện Capitol là một dự án tốn kém và gây khá nhiều tranh cãi. Được mô tả như một thành phố ngầm sánh ngang với Disney World, không gian dưới lòng đất này cung cấp hơn bốn mươi lăm nghìn mét vuông sàn cho các phòng trưng bày, nhà hàng và phòng hội thảo.
Langdon rất háo hức được tận mắt nhìn thấy nơi này, cho dù ông không lường trước phải đi bộ một quãng xa đến thế. Trời có vẻ sẽ đổ mưa to bất cứ lúc nào, nên ông buộc phải bước rảo chân, đôi giày lười gần như bị trượt trên nền xi măng ướt. Mình mặc thế này để lên thuyết trình chứ đâu phải cho một cuộc chạy nước rút lao xuống dốc cao gần bốn trăm mét dưới mưa cơ chứ!
Khi xuống tới tầng dưới cùng, Langdon gần như thở không ra hơi. Ông đi qua cánh cửa xoay, dừng lại một lát trong tiền sảnh để lấy lại hơi và giũ nước mưa. Đồng thời ông tranh thủ đưa mắt quan sát không gian mới hoàn thành trước mặt.
Ồ, quả là ấn tượng.
Trung tâm này khác hẳn với hình dung của ông. Vì nơi này tọa lạc dưới lòng đất nên Langdon cảm thấy có phần e dè về chuyện phải băng qua nó. Một tai nạn hồi nhỏ đã khiến ông mắc kẹt suốt cả đêm dưới một đáy giếng sâu hút, và giờ đây Langdon phải chung sống với nỗi ác cảm gần như đến mức khổ sở với những không gian khép kín. Song không gian dưới lòng đất này lại có vẻ thoáng đãng. Sáng sủa. Rộng rãi.
Trần của khu trung tâm được làm bằng kính rộng mênh mông, gắn hàng loạt cụm đèn thật ấn tượng, tỏa ra một thứ ánh sáng êm dịu khắp phần nội thất màu ngọc trai.
Vào lúc khác, chắc Langdon sẽ dành cả giờ đồng hồ nán lại nơi này để chiêm ngưỡng kiến trúc của nó, song vì chỉ còn năm phút nữa là tới giờ thuyết trình nên ông cúi đầu vội vã lao qua sảnh chính về phía điểm kiểm tra an ninh và thang máy. Thư giãn đi nào, ông tự nhủ. Peter biết anh bạn đang tới. Sự kiện sẽ không bắt đầu khi chưa có anh bạn đâu.
Tới điểm kiểm tra an ninh, một bảo vệ gốc Latin trẻ tuổi huyên thuyên tán chuyện với Langdon trong khi ông moi hết đồ trong các túi áo quần và tháo cái đồng hồ đeo tay cũ rích ra.
“Chuột Mickey à?”, người bảo vệ hỏi, giọng có vẻ ít nhiều thú vị.
Langdon gật đầu, ông đã quá quen với câu hỏi này. Chiếc đồng hồ đeo tay hình chuột Mickey phiên bản dành cho sưu tập là món quà bố mẹ tặng ông vào sinh nhật lần thứ chín. “Tôi đeo nó để nhắc mình sống chậm lại và nhìn đời bớt nghiêm khắc hơn.”
“Tôi không nghĩ nó đem lại hiệu quả”, người bảo vệ mỉm cười nói. “Trông ông có vẻ đang rất vội thì phải.”
Langdon mỉm cười, để túi xách tay của ông vào máy soi X-quang. “Đường nào đi tới sảnh Tượng đài nhỉ?”
Người bảo vệ ra hiệu về phía thang máy. “Ông sẽ thấy biển chỉ dẫn.”
“Cảm ơn.” Langdon nhấc túi lên khỏi băng chuyền và hối hả chạy tiếp.
Trong lúc thang máy chạy lên, Langdon hít một hơi thật sâu và cố sắp xếp lại dòng suy nghĩ trong đầu. Qua mái kính lờ mờ những vệt nước mưa, ông ngước mắt nhìn lên hình dáng mái vòm khổng lồ của Điện rực sáng phía trên. Tòa nhà này quả là một công trình đáng kinh ngạc. Ở độ cao gần chín mươi mét trên đỉnh nóc vòm là tượng Thần Tự do đang phóng tầm mắt vào màn đêm mờ sương, đứng sừng sững tựa như một cảnh vệ thần bí. Langdon luôn cảm thấy thật mỉa mai khi chính những nô lệ là người đã đưa từng phần của bức tượng đồng thau cao gần sáu mét lên vị trí hiện tại - một bí mật hiếm khi được nhắc tới trong các bài giảng tại trường trung học.
Kỳ thực, toàn bộ tòa nhà này chứa đựng không ít bí mật kỳ lạ, bao gồm một cái “bồn tắm sát thủ” đã gây ra chứng viêm phổi giết chết Phó Tổng thống Henry Wilson, một cầu thang còn nguyên vết máu từng làm rất nhiều vị khách vấp ngã, và một căn phòng bịt kín dưới tầng hầm - nơi vào năm 1930, các công nhân đã khám phá ra con ngựa chết nhồi rơm của tướng John Alexander Logan.
Tuy nhiên, không có lời đồn đại nào lại tồn tại dai dẳng bằng câu chuyện về mười ba hồn ma khác nhau từng ám ảnh tòa nhà này. Linh hồn người thiết kế thành phố Pierre L’Enfant thường xuyên bị bắt gặp đi thơ thẩn dọc các hành lang, chờ đợi được thanh toán hóa đơn tiền công cho tới giờ đã quá hạn hai trăm năm. Người ta từng thấy bóng ma của một công nhân ngã xuống từ mái vòm của Điện trong quá trình xây dựng lang thang dọc những lối đi, cầm theo một túi dụng cụ. Và, tất nhiên rồi, hồn ma nổi tiếng hơn cả, được rất nhiều người quả quyết nhìn thấy dưới tầng hầm - một con mèo đen thoắt ẩn thoắt hiện tha thẩn trong ma trận các lối đi và căn phòng chật hẹp dưới tầng ngầm công trình.
Langdon ra khỏi thang máy và một lần nữa xem đồng hồ. Còn ba phút nữa. Ông hối hả đi xuống hành lang lớn, bước theo biển chỉ dẫn về phía sảnh Tượng đài, vừa đi vừa nhẩm lại trong đầu phần mở màn bài thuyết trình. Langdon buộc phải thừa nhận anh chàng trợ lý của Peter đã nói đúng - chủ đề của bài thuyết trình này quả là tương xứng hoàn hảo với sự kiện do một thành viên hàng đầu Hội Tam Điểm tổ chức tại Washington, D.C.
Việc thành phố này có lịch sử in đậm dấu ấn Tam Điểm chẳng còn là bí mật với bất cứ ai. Chính George Washington1 đã đặt nền móng đầu tiên cho tòa nhà này trong một nghi thức Tam Điểm hoàn chỉnh. Thành phố này đã được các Huynh trưởng cao cấp của Hội Tam Điểm - George Washington, Ben Franklin2 và Pierre L’Enfant - lựa chọn địa điểm và thiết kế quy hoạch. Những bộ óc đầy quyền lực đã trang hoàng thủ đô mới của họ với các biểu tượng, kiến trúc và nghệ thuật theo phong cách Tam Điểm.
1 Tổng thống đầu tiên của Hoa Kỳ.
2 Chủ tịch thứ Sáu của Hội đồng Hành pháp Tối cao Pennsylvania.
Tất nhiên, người ta nhìn thấy đủ thứ ý tưởng điên rồ trong những biểu tượng đó.
Nhiều nhân vật đa nghi từng tuyên bố các bậc tiền bối Tam Điểm đã che giấu những bí mật to lớn ở khắp Washington, cùng các thông điệp mang tính biểu tượng được mã hóa trong bố cục sắp đặt đường phố. Langdon chưa bao giờ để tâm đến chúng. Những thông tin thất thiệt về Hội Tam Điểm là chuyện thường tình, thậm chí cả những sinh viên được đào tạo tại Havard dường như cũng có những quan điểm méo mó đến mức đáng kinh ngạc về Hội ái hữu này.
Mới năm ngoái thôi, một sinh viên năm thứ nhất đã đùng đùng lao vào giảng đường của Langdon với đôi mắt mở to kinh ngạc, cầm theo một bản in ra từ trên web. Đó là một bản đồ đường xá D.C., trong đó một số con phố đã được tô đậm lên để tạo thành rất nhiều hình thù khác nhau: Hình ngôi sao năm cánh của quỷ Satan, một biểu tượng compa và hình vuông của Hội Tam Điểm, hình đầu của Baphomet3 - những bằng chứng hiển nhiên cho thấy các hội viên Tam Điểm thực hiện quy hoạch Washington. D.C. đã tham dự vào một âm mưu đen tối kỳ bí nào đó.
3 Tên gọi bắt đầu xuất hiện từ thế kỷ XI, ban đầu dùng để gọi một vị thần được được dòng tu đền Thánh thờ phụng. Bắt đầu được dùng phổ biến từ thế kỷ XIX, nhất là từ năm 1856 được gắn liền với hình tượng một vị thần đầu dê, nhiều khi được vẽ lồng trong hình ngôi sao năm cánh có hai cánh chĩa lên trên.
“Rất thú vị”, Langdon nhận xét, “nhưng khó có thể coi là thuyết phục. Nếu em vẽ đủ số đường giao cắt nhau lên một bản đồ, kiểu gì em cũng tìm thấy đủ thứ hình dạng”.
“Nhưng đây không thể là trùng hợp ngẫu nhiên!”, cậu thanh niên kêu lên.
Langdon kiên nhẫn chỉ cho cậu sinh viên thấy có thể vạch ra những hình giống hệt như thế trên tấm bản đồ đường phố của Detroit.
Cậu ta có vẻ thất vọng ê chề.
“Đừng nản”, Langdon nói. “Washington thực sự ẩn chứa một vài bí mật khó tin... chỉ có điều chúng không nằm trên tấm bản đồ đường phố này thôi.”
Cậu thanh niên ngước mắt lên, háo hức trở lại. “Những bí mật ư? Chẳng hạn như cái gì vậy thưa thầy?”
“Vào tất cả các học kỳ mùa xuân tôi đều dạy một khóa học có tên Các biểu tượng huyễn hoặc. Tôi nhắc rất nhiều tới D.C. Em nên đăng ký tham dự khóa học đó.”
“Các biểu tượng huyễn hoặc!” Cậu sinh viên năm thứ nhất trông lại đầy phấn khích. “Vậy đúng là có các biểu tượng ma quỷ ở D.C.!”
Langdon mỉm cười. “Xin lỗi, nhưng hai từ ‘huyễn hoặc’, bất chấp việc thường được gắn liền với việc mê tín, thờ phụng quỷ dữ, thực ra lại có nghĩa là ‘được giấu kín’ hay ‘mơ hồ’. Vào thời kỳ xảy ra đàn áp tôn giáo, những hiểu biết trái với tín điều chính thống cần phải được giữ kín hay làm cho huyễn hoặc, và vì nhà thờ cảm thấy bị chúng đe dọa, họ đã định nghĩa mọi thứ huyễn hoặc đều xấu xa, vậy là định kiến này lưu truyền đến ngày nay.”
“Ồ.” Cậu thanh niên lại ỉu xìu.
Dẫu thế, vào học kỳ mùa xuân kế tiếp, Langdon trông thấy cậu sinh viên nọ ngồi trên hàng ghế đầu khi năm trăm sinh viên đổ dồn vào giảng đường Sanders Theatre ở Havard, một giảng đường kiểu cũ trần cao, kê những băng ghế gỗ kêu cọt kẹt.
“Chúc mọi người buổi sáng tốt lành”, Langdon chào lớn tiếng từ trên bục giảng trải rộng. Ông bật máy chiếu và sau lưng hiện ra một slide. “Bây giờ các em đã ổn định vị trí rồi, bao nhiêu người trong các em nhận ra được tòa nhà trong bức ảnh này?”
“Tòa nhà Quốc hội!”, hàng chục giọng nói đồng thanh vang lên. “Ở Washington, D.C.!”
“Phải. Dưới mái vòm đó là cấu trúc bằng sắt nặng đến bốn nghìn tấn. Một kỳ công kiến trúc phi thường vào thập kỷ 1850.”
“Khiếp thật!”, một sinh viên hét lên.
Langdon đảo mắt, thầm ước ai đó ra lệnh cấm tiệt hai từ này. “Được rồi,vậy bao nhiêu người trong các em đã từng tới Washington?”
Một vài cánh tay lác đác giơ lên.
“Ít vậy sao?”, Langdon giả bộ ngạc nhiên. “Vậy có bao nhiêu người từng tới La Mã, Paris, Madrid hay London?”
Hầu như tất cả sinh viên trong giảng đường đều giơ tay.
Như thường lệ. Một trong những nghi thức trưởng thành cho các cô cậu học sinh tốt nghiệp trung học ở nước Mỹ là một tấm vé nghỉ hè tại châu Âu trước khi bước vào thế giới hiện thực khắc nghiệt của cuộc sống. “Có vẻ như có nhiều người trong các em từng đi thăm châu Âu hơn so với số người từng tới thăm thủ đô của chính chúng ta. Theo các em thì vì sao nhỉ?”
“Ở châu Âu không quy định độ tuổi được uống rượu!”, ai đó ngồi phía cuối lớn tiếng đáp.
Langdon mỉm cười. “Thế quy định đó ở nước ta có ngăn cản được ai trong các em không?”
Tất cả sinh viên cùng bật cười.
Hôm ấy là ngày đầu tiên của học kỳ, và các sinh viên mất nhiều thời gian hơn thường lệ cho việc ổn định chỗ ngồi, không ngừng di chuyển, cựa quậy trên các hàng ghế gỗ. Langdon thích dạy trong giảng đường này vì ông luôn biết mức độ quan tâm đến bài giảng của sinh viên ra sao chỉ nhờ vào quan sát xem họ nhấp nhổm nhiều hay ít trên ghế ngồi.
“Nghiêm túc mà nói”, Langdon nói, “Washington, D.C. sở hữu một số kiến trúc, nghệ thuật và công trình mang tính biểu tượng đẹp nhất thế giới. Vậy tại sao các em lại nhất định phải sang bên kia đại dương trước khi tham quan thủ đô của chính nước mình nhỉ?”.
“Mấy thứ đồ cổ ở bên đó hay hơn”, ai đó trả lời.
“Nói tới đồ cổ”, Langdon quyết định làm rõ, “tôi đoán ý các em muốn nói tới các lâu đài, hầm mộ, đền đài, hay những thứ tương tự như vậy đúng không nào?”.
Các sinh viên nhất loạt gật đầu.
“Được rồi. Bây giờ, sẽ thế nào nếu tôi khẳng định với các em Washington, D.C. có tất cả những thứ đó? Lâu đài, hầm mộ, kim tự tháp, đền đài... mọi thứ đều có đầy đủ.”
Những tiếng cọt kẹt giảm hẳn.
“Các bạn trẻ thân mến của tôi”, Langdon nói, hạ giọng xuống và bước lên phía trước bục giảng. “Trong một giờ tiếp theo, các em sẽ khám phá ra thực tế là đất nước chúng ta đầy ắp các bí mật, những phần lịch sử còn giấu kín. Và cũng hệt như ở châu Âu , tất cả những bí mật đáng quan tâm nhất đều được cất giữ ngay trước mắt chúng ta.”
Các hàng ghế gỗ trở nên im phăng phắc.
Trúng đích rồi.
Langdon giảm bớt ánh sáng và chuyển sang slide thứ hai. “Ai có thể cho tôi biết George Washington đang làm gì ở đây vậy?”
Trên hình là bức bích họa nổi tiếng vẽ George Washington trong bộ y phục nghi lễ hoàn chỉnh của Hội Tam Điểm đang đứng trước một thiết bị kỳ lạ - một giá ba chân lớn bằng gỗ đỡ lấy hệ thống ròng rọc đang nâng một tảng đá lớn lơ lửng trên không. Một nhóm người y phục chỉnh tề đứng quanh ông.
“Nâng tảng đá to tướng đó lên, đúng không ạ?”, ai đó đánh bạo lên tiếng.
Langdon không nói gì, mong muốn một sinh viên khác đính chính nếu có thể.
“Thực ra”, một sinh viên khác lên tiếng, “em nghĩ Washington đang hạ tảng đá xuống. Ông ấy mặc y phục Tam Điểm. Em đã xem qua các bức tranh vẽ thành viên Hội Tam Điểm làm lễ đặt các viên đá nền móng trước đây rồi. Nghi lễ này luôn dùng thứ dụng cụ trên giá ba chân đó để hạ tảng đá đầu tiên xuống”.
“Xuất sắc”, Langdon nói. “Bức bích họa mô tả người Cha của đất nước chúng ta dùng giá ba chân và ròng rọc để đặt viên đá nền móng cho Điện Capitol vào ngày Mười tám tháng Chín năm 1793, vào khoảng thời gian từ mười một giờ mười lăm đến mười hai giờ ba mươi.” Langdon ngừng lời, đưa mắt nhìn xuống giảng đường. “Ai có thể cho tôi biết ý nghĩa của ngày tháng và thời gian đó?”
Im lặng.
“Các em nghĩ sao nếu tôi cho các em biết thời điểm chính xác ấy đã được lựa chọn bởi ba hội viên Tam Điểm nổi tiếng - George Washington, Benjamin Franklin và Pierre L’Enfant, kiến trúc sư chính của công trình đó?”
Tiếp tục im lặng.
“Đơn giản thôi, ngoài những nguyên do khác, tảng đá nền móng được đặt xuống vào ngày tháng và thời gian kể trên bởi vì trăng đầu tháng mang điềm lành đang ở cung Xử Nữ.”
Tất cả các sinh viên đều ngơ ngác nhìn nhau đầy lạ lùng.
“Đợi đã”, ai đó lên tiếng. “Ý thầy là... kiểu như chiêm tinh học phải không ạ?”
“Chính xác. Cho dù là một dạng chiêm tinh khác với thứ chúng ta biết ngày nay.”
Một cánh tay giơ lên. “Ý thầy là các vị tiền bối lập quốc của chúng ta tin vào chiêm tinh học?”
Langdon cười sảng khoái. “Đến đúng chỗ rồi đây. Các em nói sao nếu tôi cho các em biết thành phố Washington, D.C. có kiến trúc mang nhiều ký hiệu chiêm tinh học hơn bất cứ thành phố nào khác trên thế giới - cung hoàng đạo, bản đồ sao, những tảng đá nền móng được đặt vào ngày tháng và thời gian chính xác theo chiêm tinh học? Hơn một nửa những người đã tạo ra Hiến pháp của chúng ta là thành viên Hội Tam Điểm, những người tin tưởng sâu sắc rằng các vì sao và số mệnh có liên hệ chặt chẽ với nhau, những người luôn để tâm sát sao tới biểu hiện của bầu trời khi họ thiết lập nên Tân Thế giới.”
“Nhưng ai quan tâm đến chuyện tảng đá nền móng của Tòa nhà Quốc hội được đặt trong khi trăng đầu tháng đang ở cung Xử Nữ chứ? Chẳng lẽ đó chỉ là trùng hợp ngẫu nhiên sao?”
“Một sự trùng hợp ngẫu nhiên thật ấn tượng nếu chúng ta xét đến việc những tảng đá nền móng của ba công trình tạo nên Tam giác Liên bang - Điện Capitol, Nhà Trắng và đài tưởng niệm Washington - tất cả đều được đặt xuống vào những năm khác nhau, song được tính toán thời gian cẩn thận để diễn ra chính xác trong cùng một điều kiện chiêm tinh như thế này.”
Langdon bắt gặp một giảng đường toàn những đôi mắt mở to, rồi một vài sinh viên cúi xuống ghi chép.
Một cánh tay phía cuối lớp giơ lên. “Tại sao họ lại làm như thế ạ?”
Langdon cười khùng khục. “Câu trả lời sẽ mất cả một học kỳ. Nếu các em tò mò muốn biết, các em nên đăng ký khóa học về chủ nghĩa thần bí của tôi. Thành thực mà nói, tôi không nghĩ các em đã được chuẩn bị sẵn tinh thần để nghe câu trả lời.”
“Sao cơ ạ?”, sinh viên đó kêu lên. “Thầy đang thử thách bọn em!”
Langdon làm bộ cân nhắc đến việc đó rồi lắc đầu, đùa với các sinh viên. “Xin lỗi, tôi không thể làm thế. Một số trong các em là sinh viên năm nhất. Tôi sợ chuyện này sẽ làm các em nổ tung đầu mất.”
“Cho bọn em biết đi ạ!”, tất cả sinh viên cùng hô lớn.
Langdon nhún vai. “Có lẽ các em nên gia nhập Hội Tam Điểm hay Đông Tinh Hội1 và tìm hiểu ngọn nguồn chuyện này.”
1 Tổ chức huynh đệ lớn nhất thế giới, kết nạp cả nam và nữ giới. Hội được thành lập năm 1850 bởi Rob Morris, một nhân vật cao cấp trong Hội Tam Điểm. Đông Tinh Hội lấy nền tảng là những lời răn trong Kinh Thánh, nhưng cũng đón nhận người từ tất cả các tín điều đơn thần. Các thành viên của Hội có độ tuổi từ mười tám trở lên, nam giới phải là Huynh trưởng trong Hội Tam Điểm, còn nữ giới phải có quan hệ đặc biệt với các hội viên Tam Điểm.
“Chúng em không thể gia nhập được”, một cậu thanh niên phản bác. “Hội Tam Điểm giống như một hội kín tối mật vậy!”
“Tối mật cơ à? Thật thế không?” Langdon nhớ lại chiếc nhẫn hội viên Tam Điểm rất lớn mà người bạn Peter Solomon luôn đeo đầy tự hào trên bàn tay phải. “Vậy vì sao các hội viên Tam Điểm luôn công khai đeo nhẫn, kẹp cà vạt hay ghim cài áo của Hội? Tại sao các tòa nhà của Hội Tam Điểm luôn có biển hiệu rõ ràng? Tại sao thời gian biểu các cuộc họp của họ được công khai trên báo?” Langdon mỉm cười với những khuôn mặt đang ngỡ ngàng. “Các bạn thân mến, Tam Điểm không phải là một hội kín bí mật... đó là một tổ chức mang trong mình những bí mật.”
“Cũng thế thôi”, ai đó lầm bầm.
“Vậy ư?”, Langdon vặn hỏi. “Em có coi Coca-Cola là một hội kín bí mật không?”
“Tất nhiên là không”, sinh viên nọ đáp.
“Được lắm, vậy sẽ thế nào nếu em gõ cửa trụ sở tập đoàn này và hỏi họ công thức pha chế Classic Coke?”
“Họ sẽ chẳng bao giờ tiết lộ đâu.”
“Chính xác. Để biết được những bí mật kín đáo nhất của Coca Cola, em cần phải gia nhập công ty, làm việc nhiều năm, chứng tỏ em là người đáng tin cậy, và cuối cùng vươn lên tới những nấc thang cao nhất của công ty, nơi rất có thể thông tin ấy sẽ được chia sẻ với em. Khi đó em sẽ phải tuyên thệ giữ bí mật.”
“Vậy ý thầy nói Hội Tam Điểm cũng giống một tập đoàn?”
“Chỉ về khía cạnh họ có một tổ chức thứ bậc nghiêm ngặt và rất nghiêm túc coi trọng việc giữ bí mật.”
“Chú em là một hội viên Tam Điểm”, một cô gái trẻ lên tiếng. “Và cô em ghét cay ghét đắng chuyện đó vì ông chẳng bao giờ nói gì về nó với bà. Cô em nói Hội Tam Điểm giống một thứ tôn giáo kỳ lạ.”
“Một nhầm lẫn thường gặp.”
“Đó không phải là tôn giáo sao?”
“Hãy mang nó ra làm phép thử nhé”, Langdon nói. “Những ai ở đây đã theo học lớp So sánh các tôn giáo của Giáo sư Witherspoon rồi nào?” Một số bàn tay giơ lên.
“Tốt. Vậy hãy cho tôi biết, đâu là ba điều kiện tiên quyết để một hệ ý thức được coi là tôn giáo?”
“ABC1”, một nữ sinh trả lời, “Cam kết, Tin tưởng, Cải đạo”.
1 Tiếng Anh: Assure, Believe, Convert.
“Đúng thế”, Langdon nói. “Các tôn giáo cam kết cứu rỗi, tin tưởng vào một giáo lý cụ thể, và cải đạo những người chưa sùng tín.” Ông ngừng lời. “Tuy thế chủ thuyết Tam Điểm lại hoàn toàn trái ngược. Các hội viên Tam Điểm không đưa ra lời hứa cứu rỗi nào, không có giáo lý cụ thể, và họ cũng không tìm cách cải đạo các bạn. Thực ra, tại những nơi hội họp của Hội Tam Điểm, thảo luận về tôn giáo là điều cấm kỵ.”
“Vậy... chủ thuyết Tam Điểm phản tôn giáo?”
“Trái lại. Một trong những điều kiện tiên quyết để trở thành một hội viên Tam Điểm là bạn phải tin vào một quyền lực cao hơn. Sự khác biệt giữa chủ thuyết duy linh Tam Điểm và tôn giáo có tổ chức là những người Tam Điểm không áp đặt một định nghĩa hay tên gọi cụ thể cho quyền lực cao hơn đó. Thay vì những chủ thể thần học cụ thể như Chúa, Thánh Allah, Phật hay Jesus, những người Tam Điểm sử dụng những thuật ngữ khái quát hơn như ‘Đấng Tối cao’ hay ‘Nhà Kiến tạo Vĩ đại của Vũ trụ’. Điều này cho phép những người Tam Điểm thuộc các đức tin khác nhau vẫn có thể cùng nhau tập hợp lại.”
“Nghe có vẻ hơi kỳ lạ”, ai đó lên tiếng.
“Hay có thể là cởi mở một cách thật lành mạnh chăng?”, Langdon mở lời. “Vào thời buổi các nền văn hóa khác biệt đang tàn sát lẫn nhau vì chuyện định nghĩa về Chúa của ai hay hơn, thì có thể nói truyền thống khoan dung và cởi mở của Hội Tam Điểm là điều đáng học hỏi.” Langdon đi lại trên bục giảng. “Hơn thế nữa, chủ thuyết Tam Điểm rộng mở với những người đàn ông thuộc mọi chủng tộc, màu da, tín ngưỡng, và cung cấp một cộng đồng hữu ái tinh thần không có phân biệt đối xử theo bất cứ hình thức nào.”
“Không có phân biệt đối xử ư?” Một thành viên từ Hội Phụ nữ của trường đại học đứng dậy. “Đã có bao nhiêu phụ nữ được Hội Tam Điểm nhận làm thành viên, thưa Giáo sư Langdon?”
Langdon giơ hai bàn tay lên ra dấu đầu hàng. “Một câu hỏi rất thú vị. Cộng đồng Tam Điểm theo truyền thống bắt nguồn từ các thợ nề ở châu Âu , và vì thế đó là một tổ chức của nam giới. Vài trăm năm trước, một số người nói rằng một nhánh mang tên Đông Tinh Hội dành cho nữ giới đã được thành lập từ năm 1703. Hiện họ có hơn một triệu thành viên.”
“Nói gì thì nói”, cô gái kia lên tiếng, “Hội Tam Điểm là một tổ chức đầy quyền lực trong đó phụ nữ bị loại trừ”.
Langdon không dám chắc giờ đây Hội Tam Điểm thực sự còn quyền lực tới mức nào, và ông không định đi sâu thêm về vấn đề đó. Những cách nhìn nhận về Hội Tam Điểm hiện đại rất đa dạng, từ coi họ là một nhóm những ông già vô hại thích chơi trò hóa trang... cho tới một tổ chức ngầm của những nhân vật quyền lực thao túng cả thế giới. Không nghi ngờ gì nữa, sự thật nằm đâu đó giữa hai thái cực kể trên.
“Giáo sư Langdon”, một thanh niên tóc lượn sóng ngồi ở hàng ghế cuối lớn tiếng hỏi, “nếu Hội Tam Điểm không phải là một hội kín bí mật, cũng không phải một tập đoàn hay một tôn giáo, vậy nó là cái gì ạ?”.
“À, nếu em hỏi một hội viên Tam Điểm, người đó chắc sẽ đưa ra định nghĩa sau đây: Chủ thuyết Tam Điểm là một hệ thống giá trị đạo đức, được thể hiện dưới hình thức ẩn dụ và minh họa bằng các biểu tượng.”
“Với em nghe có vẻ giống cách nói lặp nghĩa cho khái niệm của ‘giáo phái kỳ cục’.”
“Em vừa nói là ‘kỳ cục’ đúng không?”
“Trời ạ, đúng thế!”, cậu sinh viên vừa nói vừa đứng bật dậy. “Em đã nghe kể về những gì họ làm bên trong các tòa nhà bí mật đó! Những nghi lễ quái gở dưới ánh nến với quan tài, thòng lọng, rồi cả uống rượu vang đựng trong sọ người nữa. Thật kỳ cục!”
Langdon nhìn lướt qua lớp học. “Những chuyện đó còn có vẻ kỳ cục với ai khác nữa không?”
“Có!”, tất cả sinh viên cùng đồng thanh.
Langdon giả bộ thở dài buồn bã. “Tệ quá. Nếu chuyện đó đã là quá kỳ cục với các em, thế thì tôi biết chắc các em sẽ không bao giờ muốn gia nhập giáo phái của tôi.”
Không khí im lặng bao trùm trong giảng đường. Cô sinh viên thuộc Hội Phụ nữ trông có vẻ bất an. “Giáo sư tham gia một giáo phái sao?”
Langdon gật đầu và hạ giọng xuống như những lời thì thầm âm mưu. “Đừng nói cho ai biết nhé, nhưng vào ngày lễ tà giáo của Thần mặt trời Ra1, tôi quỳ gối dưới chân một dụng cụ tra tấn cổ xưa và nuốt vào những biểu tượng máu thịt mang tính nghi lễ.”
1 Thần mặt trời theo văn hóa Ai Cập cổ đại. Vào thời Vương triều thứ Năm ông trở thành vị thần tối cao trong văn hóa Ai Cập cổ, và được miêu tả là “ánh nắng mặt trời vào buổi trưa”.
Cả lớp lộ rõ vẻ kinh hoàng.
Langdon nhún vai. “Nếu có ai đó trong các em muốn gia nhập cùng tôi, hãy tới nhà nguyện Havard vào ngày Chủ nhật, quỳ dưới cây thập giá và nhận lễ ban Thánh thể.”
Giảng đường vẫn im phăng phắc.
Langdon nháy mắt. “Mở rộng tâm trí của mình ra, các bạn trẻ thân mến của tôi. Tất cả chúng ta đều thấy sợ những gì chúng ta không hiểu.”
Tiếng chuông của một chiếc đồng hồ bắt đầu vang lên trong các dãy hành lang Điện Capitol.
Bảy giờ.
Giờ thì Robert Langdon đang chạy. Hãy nói về một màn xuất hiện đầy kịch tính. Băng qua hành lang liên kết, ông nhìn thấy lối vào đại sảnh Tượng đài Quốc gia và hướng thẳng về phía đó.
Tới gần cửa vào, ông chậm lại về nhịp bước thong thả và hít thở sâu vài nhịp. Ông cài khuy áo vest, hơi vểnh cằm lên một chút và rẽ vào chỗ ngoặt đúng lúc tiếng chuông cuối cùng vang lên.
Ra sân khấu nào...
Khi Giáo sư Robert Langdon sải bước vào Đại sảnh, ông ngước mắt lên và mỉm cười niềm nở. Song chỉ một khoảnh khắc sau, nụ cười ấy đã tan biến. Ông đứng sững lại.
Có chuyện gì đó vô cùng bất ổn đã xảy ra.