B
ức bích họa Washington hóa thần, được Constantino Brumidi hoàn thành năm 1865, có diện tích gần bốn trăm hai mươi mét vuông, bao phủ toàn bộ phần mái vòm sảnh Rotunda của Điện Capitol.
Được biết đến như “Michelangelo của Điện Capitol”, Brumidi đã để lại dấu ấn của mình tại sảnh Rotunda theo đúng cách Michelangelo để lại dấu ấn tại nhà nguyện Sistine, bằng cách vẽ một bức bích họa trên phần cao nhất của gian phòng - mái vòm. Cũng như Michelangelo, Brumidi từng thực hiện một số tác phẩm tuyệt mỹ trong khuôn viên Vatican. Tuy nhiên, sau đó vào năm 1852, Brumidi đã di cư sang Mỹ, bỏ lại thánh đường lớn nhất của Chúa để đến với một thánh đường mới, Tòa nhà Quốc hội, nơi giờ đây lộng lẫy với những bằng chứng về tài năng bậc thầy của ông - từ những họa phẩm sống động như thật dọc hành lang Brumidi cho tới trụ ngạch trên trần phòng Phó Tổng thống. Song theo đánh giá của phần lớn các sử gia, chính bức họa khổng lồ ngự trị trên mái vòm sảnh Rotunda mới đúng là kiệt tác.
Robert Langdon ngước mắt nhìn lên bức bích họa đồ sộ phủ kín mái vòm. Ông vẫn thường rất hứng thú với phản ứng hết sức kinh ngạc của sinh viên trước những hình ảnh kỳ lạ trên bức bích họa đó, song vào lúc này, ông chỉ cảm thấy bị mắc kẹt trong một cơn ác mộng không thể hiểu rõ ngọn nguồn.
Giám đốc Sato đứng cạnh ông, hai tay chống nạnh, cau mày nhìn lên mái vòm cao tít. Langdon cảm thấy bà đang có cùng phản ứng như rất nhiều người khác khi lần đầu tiên ngắm nhìn bức họa nằm ở đúng trung tâm đất nước.
Cảm giác bối rối tột độ.
Không chỉ mình bà đâu, Langdon nghĩ. Với phần lớn mọi người, bức họa Washington hóa thần càng lúc càng trở nên lạ lùng khi họ ngắm nhìn nó lâu hơn. “George Washington ở ngay trung tâm đó”, Langdon nói, chỉ thẳng lên phần giữa mái vòm nằm cách đầu họ hơn năm mươi mét. “Như các vị có thể thấy, ông mặc áo choàng trắng, được mười ba thiếu nữ hộ tống, và đang bước lên một đám mây, dưới đám mây là một người trần tục. Đây chính là khoảnh khắc hóa thần... khi ông biến thành một vị thần thực sự.”
Sato và Anderson không nói gì.
“Ngay gần bên”, Langdon nói tiếp, “các vị có thể thấy một loạt những khuôn mặt lạ lùng, có niên đại không tương đồng: Những vị thần cổ xưa đang tặng cho các bậc tiền bối của chúng ta những tri thức tiên tiến. Kia là Thần Minerva1 đang truyền cảm hứng về công nghệ cho các nhà phát minh vĩ đại của nước ta - Ben Franklin, Robert Fulton2 và Samuel Morse3”. Langdon lần lượt chỉ ra từng người một.
1 Nữ thần đồng trinh trong thần thoại La Mã, thường được mô tả là vị thần của sự khôn ngoan, thơ ca, y học, trí tuệ, thương mại, ảo thuật, và các phát minh của âm nhạc.
2 Một kỹ sư và nhà phát minh người Mỹ nổi tiếng, ông đã phát triển các sản phẩm thương mại thành công đầu tiên của tàu thủy hơi nước.
3 Tên đầy đủ là Samuel Finley Breese Morse, người Mỹ, là một họa sĩ, nhà phát minh tín hiệu vô tuyến điện và bảng chữ cái mang tên ông - Tín hiệu Morse.
“Và đằng kia là Thần Vulcan1 đang giúp chúng ta chế tạo một động cơ hơi nước. Bên cạnh là Thần Neptune2 chỉ dẫn cách đặt đường cáp ngầm vượt Đại Tây Dương. Kế bên là Ceres, Nữ thần của ngũ cốc và cũng là nguồn gốc của từ ‘cereal’3 chúng ta thường dùng. Bà đang ngồi trên chiếc máy gặt McCormick - công trình đột phá trong nông nghiệp - cho phép đất nước này trở thành quốc gia sản xuất lương thực dẫn đầu thế giới. Bức họa đã công khai khắc họa cảnh các bậc tiền bối của chúng ta nhận được trí tuệ lớn lao từ các vị thần.”
1 Vị thần trong thần thoại Hy Lạp. Ông là vị thần của kỹ nghệ, bao gồm nghề rèn, thủ công, điêu khắc, kim loại, luyện kim, và lửa. Thần được thờ phụng trong khắp các trung tâm chế tạo và công nghiệp ở Hy Lạp, đặc biệt ở Athena.
2 Thần biển trong thần thoại La Mã.
3 Trong tiếng Anh có nghĩa là “ngũ cốc”.
Ông cúi đầu xuống, chuyển sang nhìn Sato. “Tri thức là sức mạnh, và tri thức đúng đắn cho phép con người tạo ra những điều kỳ diệu, thực hiện những kỳ công gần như thần thánh.”
Sato hạ ánh nhìn về phía Langdon và đưa tay lên xoa xoa gáy. “Đặt một đường dây cáp thì có liên quan gì tới việc trở thành một vị thần.”
“Với một người hiện đại, có thể thế lắm”, Langdon đáp. “Nhưng nếu George Washington biết chúng ta đã trở thành một giống loài có khả năng nói chuyện với nhau qua đại dương, bay với tốc độ của âm thanh, và đặt chân lên mặt trăng, hẳn ông sẽ cho rằng chúng ta đã trở thành các vị thần, có khả năng tạo ra những điều kỳ diệu.”
Ông ngừng lời. “Nhà vị lai chủ nghĩa Arthur C.Clark từng nói, ‘Bất cứ công nghệ nào đủ tiến bộ cũng không khác phép màu bao nhiêu’.”
Sato trề môi, có vẻ đang bận suy nghĩ. Bà liếc mắt nhìn xuống bàn tay, rồi hướng ánh mắt theo ngón tay trỏ đang chĩa ngược lên mái vòm. “Giáo sư, hắn đã nói với ông ‘Peter sẽ chỉ đường’. Phải vậy không?”
“Đúng thế, thưa bà, nhưng...”
“Phụ trách”, Sato nói, quay người khỏi Langdon, “ông có thể giúp chúng tôi quan sát bức tranh cận cảnh hơn không?”.
Anderson gật đầu. “Có một lối đi bộ chạy vòng xung quanh bên trong mái vòm.”
Langdon ngước nhìn lên tận phía hàng lan can nhỏ xíu ngay dưới bức bích họa và cảm thấy toàn thân cứng đờ. “Không cần thiết phải lên tận đó.” Ông đã một lần từng leo lên hàng lan can không mấy khi có người lai vãng này, với tư cách khách mời của một thượng nghị sĩ Hoa Kỳ cùng vợ ông ta, và thiếu chút nữa ông đã ngất xỉu vì độ cao chóng mặt và lối đi chênh vênh đó.
“Không cần ư?”, Sato vặn hỏi. “Thưa giáo sư, chúng ta biết có kẻ tin gian sảnh này chứa đựng một cánh cổng có tiềm năng biến hắn ta thành một vị thần, có một bức bích họa trên vòm trần hình tượng hóa quá trình con người hóa thần, và một bàn tay trỏ thẳng lên bức họa đó. Dường như mọi thứ đều thúc giục chúng ta đi lên phía trên.”
“Kỳ thực”, Anderson chen vào, ngước nhìn lên cao, “không có nhiều người biết chuyện này, song đúng là có một ô cửa hình lục lăng trên mái vòm có thể mở ra như một cánh cổng, các vị có thể nhìn xuống qua nó và...”.
“Đợi một chút”, Langdon nói, “các vị đang nhầm lẫn rồi. Cánh cổng gã này tìm kiếm là một cánh cổng theo nghĩa bóng - một cánh cổng không hề tồn tại. Khi hắn nói ‘Peter sẽ chỉ đường’ là hắn đang sử dụng lối ẩn dụ. Tư thế của bàn tay thẳng đứng, với ngón trỏ và ngón cái chĩa lên trên, là một biểu tượng quen thuộc của các Bí ẩn cổ xưa, và từng xuất hiện trong mỹ thuật cổ đại trên khắp thế giới. Cử chỉ này cũng xuất hiện trong ba kiệt tác chứa đựng những thông điệp mã hóa nổi tiếng nhất của Leonardo da Vince - Bữa tối cuối cùng, Các nhà thông thái kính ngưỡng Chúa hài đồng, và Thánh John - Người rửa tội. Đó là biểu tượng cho mối liên hệ huyền bí giữa con người và Chúa”.
Thượng hạ tương liên. Sự lựa chọn ngôn từ kỳ quái của gã điên đó lúc này bắt đầu trở nên sáng tỏ.
“Trước đây tôi chưa bao giờ nhìn thấy nó”, Sato nói.
Vậy hãy xem ESPN1 đi. Langdon thầm nghĩ, ông luôn cảm thấy thú vị khi nhìn thấy các vận động viên chuyên nghiệp chỉ tay lên trời tỏ lòng biết ơn Chúa sau mỗi lần ghi điểm xuất sắc. Ông tự hỏi liệu có bao nhiêu người biết họ đang nối tiếp một truyền thống huyền bí từ thời tiền Ki-tô giáo, thừa nhận quyền lực bí ẩn ở phía trên, thứ quyền năng đã biến họ, trong một khoảnh khắc ngắn ngủi, thành một vị thần có thể làm nên kỳ tích.
1 Kênh truyền hình cáp chuyên về thể thao.
“Có điều này may ra sẽ ít nhiều hữu ích”, Langdon nói, “bàn tay Peter không phải là bàn tay đầu tiên ở tư thế này xuất hiện tại sảnh Rotunda”.
Sato nhìn Langdon như thể ông là kẻ mất trí. “Ông nói sao?” Langdon ra hiệu về phía chiếc điện thoại BlackBerry của bà.
“Vào Google, gõ ‘George Washington Zeus’.”
Trông Sato có vẻ không tin tưởng lắm nhưng vẫn làm theo. Anderson xích lại gần, chăm chú nhìn qua vai bà ta.
Langdon nói, “Trong sảnh Rotunda này từng có thời dựng một bức tượng George Washington ngực trần... được khắc họa như một vị thần. Ông ngồi ở đúng tư thế như Zeus trong đền Pantheon, khuôn ngực để trần, tay trái cầm một thanh kiếm, tay phải giơ lên cao với ngón cái và ngón trỏ chĩa ra”.
Sato có lẽ đã tìm ra một hình ảnh trên mạng, vì Anderson đang nhìn chằm chằm vào chiếc BlackBerry đầy choáng váng. “Đợi đã, đó là George Washington sao?”
“Đúng”, Langdon nói, “Được khắc họa như Zeus”.
“Nhìn vào bàn tay ông ấy xem”, Anderson nói, vẫn nhìn chằm chằm qua vai Sato. “Bàn tay phải ông ta ở đúng tư thế như bàn tay ông Solomon.”
Như tôi đã nói, Langdon thầm nghĩ, bàn tay Peter không phải là bàn tay đầu tiên xuất hiện trong đại sảnh này. Khi bức tượng George Washington mình trần của Horatio Greenough lần đầu tiên được trưng bày tại Rotunda, đã xuất hiện nhiều câu chuyện bông đùa rằng Washington hẳn đang giơ tay lên trời cố vơ lấy vài món quần áo. Thế rồi khi các ý tưởng về tôn giáo của người Mỹ thay đổi, những lời phê phán giễu cợt trở thành tranh cãi kịch liệt, bức tượng bị rời đi rồi tống vào nhà kho ngoài khu vườn phía đông. Hiện tại, bức tượng này đang ngự trong bảo tàng Lịch sử quốc gia Mỹ thuộc viện Smithsonian, và những ai nhìn thấy nó tại đây chẳng có lý do nào để ngờ vực bức tượng là một trong những mối liên hệ cuối cùng, khi một thời người cha của đất nước này ngự trị tại Điện Capitol như một vị thần... như Thần Zeus ngự trong đền Pantheon.
Sato bắt đầu bấm một số điện thoại trên chiếc BlackBerry của mình, có vẻ cho rằng đây là lúc để gọi điện cho thuộc cấp nhằm kiểm tra lại. “Các anh tìm thấy gì rồi?”, bà ta kiên nhẫn lắng nghe. “Tôi hiểu rồi...” Bà ta đưa mắt nhìn thẳng vào Langdon, sau đó vào bàn tay Peter. “Anh chắc chứ?”, Sato nghe thêm một lúc lâu nữa. “Được rồi, cảm ơn.” Bà ngắt liên lạc rồi quay lại phía Langdon.
“Nhóm nhân viên hỗ trợ của tôi đã tìm hiểu và xác nhận sự tồn tại của thứ ông gọi là Bàn tay Bí ẩn, trùng khớp với những gì ông nói: Năm đầu ngón tay xăm hình - ngôi sao, mặt trời, chìa khóa, vương miện và đèn lồng - cũng như việc bàn tay này được dùng làm lời mời tiếp nhận tri thức bí mật.” “Tôi rất mừng”, Langdon nói.
“Đừng mừng vội”, Sato cộc cằn đáp lại. “Có vẻ như chúng ta sẽ vẫn rơi vào ngõ cụt cho tới khi ông chịu chia sẻ những gì ông vẫn đang che giấu.”
“Bà nói gì?”
Sato bước lại gần Langdon. “Chúng ta vừa đi trọn một vòng tròn, thưa giáo sư. Ông toàn nói những điều mà tôi có thể biết từ thuộc cấp của mình. Và vì thế tôi sẽ hỏi lại ông lần nữa. Tại sao ông lại được đưa đến đây tối nay? Cái gì làm ông đặc biệt đến vậy? Cái gì chỉ một mình ông biết?”
“Chúng ta đã nói qua tất cả những thứ đó rồi”, Langdon phản pháo, “Tôi không biết vì sao gã này lại nghĩ tôi biết gì đó!”.
Langdon nửa muốn hỏi toạc ra làm thế quái nào Sato lại biết ông có mặt ở Capitol tối nay, song cả chuyện này họ cũng đã nói qua rồi. Sato sẽ không nói ra.
“Nếu biết bước tiếp theo”, ông nói, “tôi chắc chắn sẽ nói với bà. Nhưng tôi không biết. Theo truyền thống, Bàn tay Bí ẩn được một người thầy đưa cho một môn đệ. Rồi ít lâu sau, sẽ là một loạt chỉ dẫn... về một ngôi đền, hay tên của người thầy sẽ truyền dạy cho người này. Nhưng tất cả những gì gã này để lại cho chúng ta là năm hình xăm! Khó có thể...”, Langdon bỗng ngừng bặt.
Sato đưa mắt nhìn ông. “Gì vậy?”
Langdon đưa mắt dõi trở lại bàn tay. Năm hình xăm. Giờ ông chợt hiểu ra những gì mình nói rất có thể không hoàn toàn đúng.
“Giáo sư?”, Sato gặng hỏi.
Langdon chậm chạp bước lại gần vật thể ghê rợn kia. Peter sẽ chỉ đường.
“Lúc trước, tôi chợt nghĩ rất có thể gã này đã để lại thứ gì đó trong lòng bàn tay nắm chặt của Peter - một bản đồ, một bức thư, hay một chỉ dẫn.”
“Không hề”, Anderson nói, “Như ông có thể thấy, ba ngón tay còn lại kia không hề khép chặt”.
“Ông nói đúng”, Langdon nói, “Nhưng tôi nghĩ...”. Ông quỳ phục xuống, cố nhìn ngược lên từ dưới các ngón tay vào phần lòng bàn tay Peter bị che kín. “Rất có thể nó không được viết trên giấy.”
“Được xăm sao?”, Anderson hỏi. Langdon gật đầu.
“Ông có thấy gì trong lòng bàn tay không?”, Sato hỏi. Langdon phủ phục người xuống thấp hơn nữa, cố nhìn lên qua các ngón tay khép hờ. “Từ góc này không thể nhìn được. Tôi không thể...”
“Ôi, vì Chúa lòng lành”, Sato thốt lên, bước lại gần ông. “Hãy mở mấy ngón tay mắc dịch đó ra!”
Anderson bước tới trước bà ta. “Thưa bà! Chúng ta thực sự nên đợi pháp y trước khi chạm vào...”
Langdon đứng dậy, kinh ngạc theo dõi trong khi Sato lấy một cây bút ra khỏi túi áo, cẩn thận luồn nó vào dưới ba ngón tay đang gập lại. Rồi bà nâng lần lượt từng ngón một lên trên cho tới khi cả năm ngón tay đều xòe ra, lòng bàn tay lộ rõ.
Bà ta liếc nhìn lên Langdon, một nụ cười thoáng lướt qua khuôn mặt. “Lại đúng nữa rồi, thưa giáo sư.”