T
ầng SB
Tầng hầm Thượng viện.
Càng xuống sâu, Robert Langdon càng bị chứng sợ không gian kín bủa vây. Trong lúc ba người đi vào nền móng nguyên thủy của tòa nhà, không khí xung quanh trở nên ngột ngạt, tựa như hệ thống thông gió không còn tồn tại. Những bức tường dưới này được xây bằng sự kết hợp không đồng đều giữa đá và gạch vàng.
Suốt chặng đường, Giám đốc Sato liên tục bấm điện thoại. Langdon cảm nhận được vẻ nghi ngờ trong thái độ cảnh giác của bà ta, nhưng rồi ông cũng nhanh chóng có cảm giác tương tự. Sato vẫn chưa cho ông hay vì sao bà ta biết ông có mặt ở đây tối nay. Một vấn đề an ninh quốc gia chăng? Ông thật khó lòng hiểu nổi giữa huyền học cổ xưa và an ninh quốc gia thì có liên hệ gì. Mà nói cho cùng, ông quả thực khó lòng hiểu nổi tình thế hiện tại.
Peter Solomon tin tưởng giao cho mình một vật hộ mệnh... Một gã tâm thần tự huyễn hoặc bản thân đã lừa mình mang nó tới Điện Capitol và muốn mình dùng nó mở một cánh cổng cổ xưa... nhiều khả năng là một căn phòng mang số SBB13.
Khó lòng gọi đây là một tình thế rõ ràng.
Trong khi ba người hối hả bước đi, Langdon cố giũ bỏ khỏi tâm trí hình ảnh khủng khiếp về bàn tay bị xăm hình để biến thành Bàn tay Bí ẩn của Peter. Hình ảnh gớm ghiếc ấy đi kèm với giọng nói của Peter: Robert này, các Bí ẩn cổ xưa đã tạo ra rất nhiều truyền thuyết... nhưng điều đó không có nghĩa bản thân chúng chỉ là hư cấu.
Mặc dù cống hiến cho sự nghiệp nghiên cứu về các biểu tượng huyền bí và lịch sử, Langdon luôn phải vật lộn với việc phản đối những ý tưởng về các Bí ẩn cổ xưa cũng như lời hứa hóa thần của chúng.
Phải thừa nhận rằng, các ghi chép lịch sử chứa đựng những bằng chứng không thể chối cãi về tri thức bí mật đã được truyền lại qua các thế hệ, và có vẻ bắt nguồn từ các trường học Huyền bí từ thời kỳ đầu Ai Cập cổ đại. Tri thức này được ngấm ngầm truyền bá, rồi xuất hiện trở lại ở châu Âu vào thời Phục hưng, và tại đây, theo phần lớn các nguồn ghi chép, nó được tin tưởng giao phó cho một nhóm các nhà khoa học lỗi lạc. Họ làm việc tại nơi được mệnh danh là “cái nôi” tư duy khoa học đầu tiên của châu Âu - Hiệp hội Hoàng gia London - với biệt danh bí hiểm là Học viện Vô hình.
“Học viện” ẩn danh này nhanh chóng trở thành trung tâm hội tụ những bộ óc thông thái nhất thế giới, như Isaac Newton, Francis Bacon, Robert Boyle, và thậm chí cả Benjamin Franklin. Ngày nay, danh sách các “tín đồ” hiện đại cũng ấn tượng không kém - Einstein, Hawking, Bohr và Celsius. Những trí tuệ xuất chúng này đều đã đem đến những bước nhảy vọt chóng mặt trong tri thức nhân loại. Những tiến bộ đó, theo như một số người, chính là kết quả của việc được tiếp xúc với những tri thức cổ xưa cất giấu trong phạm vi của Học viện Vô hình. Langdon rất nghi ngờ tính xác thực của chuyện này, cho dù chắc chắn đã có không ít “nghiên cứu huyền bí” diễn ra bên trong các bức tường của Học viện.
Việc phát hiện ra những giấy tờ bí mật của Isaac Newton vào năm 1936 đã làm chấn động thế giới khi hé lộ niềm đam mê tột bậc của ông dành cho nghiên cứu thuật giả kim và các tri thức huyền bí. Giấy tờ cá nhân của Newton bao gồm một lá thư viết tay gửi Robert Boyle, trong đó ông đề nghị Boyle giữ “im lặng tuyệt đối” về những kiến thức huyền bí họ đã khám phá ra. “Nó không thể được công bố”, Newton viết, “mà không gây tổn hại khủng khiếp cho thế giới”.
Ý nghĩa của lời cảnh báo lạ lùng này vẫn còn gây tranh cãi cho tới tận ngày nay.
“Giáo sư”, Sato đột nhiên lên tiếng, ngẩng đầu khỏi chiếc BlackBerry của mình, “dù ông khăng khăng quả quyết không biết tại sao mình lại có mặt ở đây đêm nay, nhưng có lẽ ông có thể đưa ra lý giải về ý nghĩa chiếc nhẫn của Peter Solomon chứ”.
“Tôi có thể thử”, Langdon nói, tập trung trở lại.
Bà giám đốc lấy cái túi đựng hiện vật ra và đưa cho Langdon. “Hãy cho tôi biết ý nghĩa các biểu tượng trên cái nhẫn của ông ấy.”
Langdon ngắm nhìn chiếc nhẫn quen thuộc trong khi họ bước dọc một dãy hành lang vắng tanh. Mặt nhẫn khắc hình một con phượng hoàng hai đầu giữ một tấm biển với dòng chữ “ORDO AB CHAO”, và trên ngực nó chạm con số 33. “Phượng hoàng hai đầu mang con số 33 là biểu tượng cho cấp cao nhất của Hội Tam Điểm.”
Về mặt lý thuyết, cấp độ cao quý này chỉ tồn tại trong phân hội Scottish1. Dẫu vậy, các phân hội và cấp bậc trong Hội Tam Điểm là một cấu trúc phức tạp mà tối nay Langdon không hề có hứng thú mô tả chi tiết với Sato. “Nói chung, cấp ba mươi ba là một danh xưng trân trọng cao quý dành riêng cho một nhóm nhỏ các hội viên Tam Điểm kiệt xuất. Người ta có thể đạt tới tất cả những cấp độ khác bằng việc hoàn tất thành công cấp độ trước, nhưng việc phong lên cấp ba mươi ba luôn được kiểm soát. Chỉ có thể đạt được qua lời mời.”
1 Là một trong những cơ quan trực thuộc Hội Tam Điểm, gồm vài cấp bậc kế tiếp nhau do những tổ chức hoặc cơ quan khác nhau của Hội Tam Điểm tấn phong, hoạt động dưới sự kiểm soát Hội đồng Tối cao. Phân hội Scottish được hình thành dựa trên những lời giáo huấn đạo đức và triết lý do hội hành nghề (Craft lodge hoặc Blue Lodge) đưa ra.
“Vậy ông biết việc Peter Solomon là một thành viên của nhóm nhỏ cao cấp này?”
“Tất nhiên. Cấp độ thành viên trong hội không hề là chuyện bí mật.”
“Và ông ấy là chức sắc cao cấp nhất của họ?”
“Hiện tại thì đúng vậy. Peter là Chủ tịch Hội đồng Tối cao cấp ba mươi ba, đây đồng thời cũng là đơn vị điều hành của phân hội Scottish tại Mỹ.” Langdon luôn rất thích mỗi khi có dịp tới thăm trụ sở của họ - Thánh thất - một kiệt tác tân cổ điển với phần trang trí mang tính biểu tượng sánh ngang với nhà nguyện Rosslyn tại Scotland.
“Giáo sư, ông có nhận thấy những nét chạm trên vòng nhẫn không? Trên đó có dòng chữ ‘Tất cả được hé lộ ở cấp ba mươi ba’.”
Langdon gật đầu. “Đó là một chủ đề quen thuộc trong các truyền thuyết về Hội Tam Điểm.”
“Vậy tôi đoán ý câu này là nếu một hội viên Tam Điểm được chấp nhận gia nhập cấp ba mươi ba cao nhất này, thì anh ta sẽ được tiết lộ một điều đặc biệt, đúng không?”
“Phải, theo truyền thuyết là thế, nhưng nhiều khả năng trên thực tế lại không phải. Luôn có một giả thuyết âm mưu cho rằng chỉ một số ít thành viên ở cấp cao nhất của Hội Tam Điểm mới được tiếp cận bí mật huyền bí lớn lao nào đó. Sự thật, theo tôi nghĩ, khả năng cao là ít kỳ bí hơn nhiều.”
Peter Solomon vẫn thường đùa cợt ám chỉ tới sự tồn tại của một điều bí ẩn quý giá thuộc về Hội Tam Điểm, song Langdon luôn cho rằng đó là một ý đồ ranh mãnh nhằm cám dỗ ông gia nhập Hội. Thật không may, những biến cố xảy ra đêm nay không phải đùa cợt, và cũng không hề có chút ranh mãnh nào trong thái độ nghiêm chỉnh của Peter khi đề nghị Langdon cất giữ cái gói được niêm phong đang nằm trong túi này.
Langdon khổ sở liếc mắt nhìn cái túi nilon đựng chiếc nhẫn vàng của Peter. “Giám đốc”, ông hỏi, “bà cho phép tôi giữ lại vật này chứ?”.
Bà giám đốc quay sang nhìn ông. “Tại sao?”
“Nó rất quý giá với Peter, và tối nay tôi muốn trả lại nó cho ông ấy.”
Bà giám đốc trông có vẻ ngờ vực. “Hãy hy vọng ông có cơ hội đó.”
“Cảm ơn bà.” Langdon cất chiếc nhẫn vào túi áo.
“Thêm một câu hỏi nữa”, Sato nói trong khi ba người hối hả đi sâu hơn nữa vào mê cung dưới lòng đất. “Nhân viên của tôi cho biết trong khi kiểm tra chéo khái niệm ‘cấp ba mươi ba’ và ‘cánh cổng’ với Hội Tam Điểm, họ đã tìm được hàng trăm đầu mối nhắc tới một ‘kim tự tháp’.”
“Điều đó cũng không có gì ngạc nhiên”, Langdon nói. “Những người xây dựng kim tự tháp tại Ai Cập chính là tiền bối của các hội viên Tam Điểm hiện đại, và kim tự tháp, cùng với các chủ đề liên quan tới Ai Cập, hiện diện rất phổ biến trong hệ thống biểu tượng Tam Điểm.”
“Biểu tượng cho cái gì vậy?”
“Nói chung, kim tự tháp đại diện cho sự khai sáng. Đó là một biểu tượng kiến trúc thể hiện khả năng của người cổ đại trong việc tự do thoát khỏi trần tục và vươn tới thiên đường, tới mặt trời, và cuối cùng, tới nguồn gốc tối hậu của văn minh.”
Bà giám đốc đợi một lát. “Không còn gì nữa sao?”
Không còn gì nữa sao? Langdon vừa mới mô tả xong một trong những biểu tượng tao nhã nhất trong lịch sử. Kiến trúc qua đó con người vươn mình lên vương quốc của các vị thần.
“Theo nhân viên của tôi”, bà giám đốc nói, “tối nay dường như còn tồn tại một mối liên hệ có ý nghĩa hơn nhiều. Họ cho tôi biết có truyền thuyết về một kim tự tháp cụ thể được lan truyền rộng rãi tại đây, tại Washington - một kim tự tháp liên quan đặc biệt tới Hội Tam Điểm và các Bí ẩn cổ xưa, ông nghĩ sao?”.
Giờ thì Langdon đã hiểu bà giám đốc muốn ám chỉ tới cái gì, và ông cố gắng dẹp câu chuyện này sang một bên trước khi họ lãng phí thêm thời gian. “Tôi biết rất rõ truyền thuyết đó, thưa giám đốc, nhưng đó hoàn toàn chỉ là chuyện hư cấu. Kim tự tháp Tam Điểm là một trong những huyền thoại được lưu truyền lâu nhất về D.C., và nhiều khả năng khởi đầu từ hình kim tự tháp trên Quốc ấn của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ1.”
1 Great Seal of the United State: Về thiết kế có hai mặt, mặt trước có hình đại bàng, mặt sau hình kim tự tháp. Trên thực tế, chỉ mặt trước được khắc thành ấn để đóng lên một số loại văn bản nhà nước của Mỹ, mặt sau không bao giờ được dùng làm dấu ấn mà chỉ xuất hiện trên mặt sau tờ bạc 1 USD.
“Sao lúc trước ông không nói gì tới nó cả?”
Langdon nhún vai. “Vì nó chẳng có chút cơ sở thực tế nào hết. Như tôi đã nói, đó là một truyền thuyết trong rất nhiều truyền thuyết liên quan tới Hội Tam Điểm.”
“Nhưng dẫu vậy, truyền thuyết này vẫn có quan hệ trực tiếp tới các Bí ẩn cổ xưa, phải vậy không?”
“Chắc rồi, cũng như nhiều truyền thuyết khác. Các Bí ẩn cổ xưa là xuất phát điểm cho vô số truyền thuyết lưu lại tới ngày nay - những câu chuyện về tri thức đầy quyền năng được những người hộ vệ bí mật canh gác, chẳng hạn như Các hiệp sĩ đền Thánh, các thành viên Hội Hồng hoa Thập tự, Hội Illuminati1, những người Alumbrados, và bản danh sách còn rất dài nữa. Tất cả đều dựa trên các Bí ẩn cổ xưa... và Kim tự tháp Tam Điểm chỉ là một ví dụ mà thôi.”
1 Một hội kín được sáng lập vào thế kỷ XVI bởi những người khai sáng giỏi nhất Italia, gồm các nhà vật lý, thiên văn học, toán học, nhằm chia sẻ mối quan tâm của họ về những tín điều không chính xác của nhà thờ. Tên gọi Illuminati có nghĩa là “Những người khai sáng”.
“Tôi hiểu rồi”, Sato nói, “Và thực ra truyền thuyết này nói gì?”. Trong lúc nghĩ ngợi, Langdon bước thêm vài bước rồi trả lời, “Thế này nhé, tôi không phải là một chuyên gia về thuyết Hư cấu, nhưng cũng được dạy dỗ về huyền thoại học, và phần lớn các phiên bản được kể ra đều đại loại như thế này: Các Bí ẩn cổ xưa - những tri thức bị thất truyền qua nhiều thế hệ - từ lâu đã được coi như kho báu thiêng liêng nhất của nhân loại, và chúng cũng được bảo vệ rất cẩn thận như tất cả các kho báu vĩ đại khác. Những nhà thông thái được khai sáng hiểu rõ sức mạnh thực sự của tri thức này đã trở nên sợ hãi quyền năng lớn lao của nó. Họ biết nếu tri thức bí mật này rơi vào tay những kẻ chưa được khai sáng, hậu quả sẽ vô cùng tàn khốc. Như chúng ta đã trao đổi lúc trước, những công cụ đầy sức mạnh có thể được sử dụng vào mục đích tốt hoặc xấu, vì vậy, để bảo vệ các Bí ẩn cổ xưa, và cũng là để bảo vệ cả nhân loại nữa, những người học đạo thời kỳ sơ khai đã lập nên các hội bí mật. Bên trong những hội này, họ chỉ chia sẻ hiểu biết của mình với những người đã được khai sáng đúng đắn, truyền lại tri thức từ nhà thông thái này sang nhà thông thái khác. Nhiều người tin chúng ta có thể nhìn lại quá khứ và thấy các bằng chứng rải rác trong lịch sử về những con người từng làm chủ các Bí ẩn... trong các câu chuyện về phù thủy, pháp sư và thần y.”
“Thế còn Kim tự tháp Tam Điểm thì sao?”, Sato hỏi, “Nó có vai trò gì trong câu chuyện này?”.
“À”, Langdon nói, rảo bước nhanh hơn để bắt kịp hai người
kia, “đây là chỗ lịch sử và truyền thuyết bắt đầu hòa lẫn vào nhau. Theo một số tư liệu, đến thế kỷ XVI, gần như tất cả các hội bí mật ở châu Âu kể trên đều đã diệt vong, phần lớn bị triệt hạ trong cơn cuồng phong đàn áp tôn giáo khốc liệt. Người ta kể rằng các hội viên Tam Điểm là những người cuối cùng còn sống sót và trông giữ các Bí ẩn cổ xưa. Thật dễ hiểu khi họ sợ nếu đến một ngày kia huynh đệ của mình cũng diệt vong như các tiền bối, các Bí ẩn cổ xưa sẽ bị thất truyền mãi mãi”.
“Còn kim tự tháp thì sao?”, Sato lại gặng hỏi.
Langdon chuyển sang chủ đề này. “Truyền thuyết về Kim tự tháp Tam Điểm cũng khá đơn giản. Nó kể rằng các thành viên Hội Tam Điểm, để làm tròn trách nhiệm bảo vệ tri thức vĩ đại này cho các thế hệ tương lai, quyết định cất giấu nó trong một pháo đài khổng lồ.”
Langdon cố lục lại câu chuyện trong trí nhớ. “Một lần nữa, tôi xin nhấn mạnh đây hoàn toàn chỉ là truyền thuyết, nhưng người ta ngờ rằng các hội viên Tam Điểm đã mang tri thức bí mật của họ từ Cựu Thế giới đến Tân Thế giới, tức là tới đây, đến nước Mỹ này - miền đất họ hy vọng sẽ thoát khỏi ách bạo quyền tôn giáo. Và tại đây, họ xây dựng lên một pháo đài bất khả xâm phạm - một kim tự tháp bí mật - được thiết kế để bảo vệ các Bí ẩn cổ xưa cho tới khi toàn bộ nhân loại đã sẵn sàng để kiểm soát thứ quyền năng lớn lao mà tri thức này đem tới. Theo truyền thuyết, các hội viên Tam Điểm đặt lên đỉnh kim tự tháp một cái chóp bằng vàng khối sáng rực rỡ, như một biểu tượng cho kho báu quý giá nằm trong đó - tri thức cổ xưa có khả năng giúp cho nhân loại thể hiện trọn vẹn tiềm năng của mình. Giúp họ trở thành những vị thần.”
“Câu chuyện quả là ấn tượng”, Sato nói.
“Phải. Những hội viên Tam Điểm đã trở thành nạn nhân cho đủ thứ truyền thuyết điên rồ.”
“Hiển nhiên ông không tin vào sự tồn tại của một kim tự tháp như thế.”
“Tất nhiên là không”, Langdon đáp. “Chẳng có bất cứ bằng chứng nào cho thấy các vị tiền bối Tam Điểm của chúng ta đã xây dựng nên kim tự tháp nào trên đất Mỹ, ở D.C. lại càng không. Rất khó giấu kín được một kim tự tháp, nhất là khi nó lại đủ lớn để chứa đựng tất cả tri thức đã mất của mọi thế hệ.”
Truyền thuyết, như Langdon còn nhớ, không bao giờ nói ra chính xác thứ gì được coi là nằm bên trong Kim tự tháp Tam Điểm, dù đó là những văn bản cổ xưa, những văn tự huyền bí, những khám phá khoa học, hay thứ gì đó bí hiểm hơn thế, song có thể nói rằng thông tin quý giá nằm trong đó được mã hóa một cách rất tài tình... và chỉ những tâm hồn được khai sáng nhất mới thấu hiểu được.
“Dù thế nào đi nữa”, Langdon nói, “câu chuyện này rơi vào thể loại các nhà biểu tượng học chúng tôi gọi là ‘lai tạp nguyên mẫu’ - một sự pha trộn giữa các truyền thuyết cổ điển khác nhau, vay mượn nhiều yếu tố thần thoại đến mức nó chỉ có thể là một sản phẩm hư cấu... không thể là biến cố lịch sử”.
Khi Langdon dạy sinh viên về các lai tạp nguyên mẫu, ông viện tới ví dụ về các câu chuyện cổ tích, vốn được kể đi kể lại qua nhiều thế hệ, được phóng đại lên theo thời gian, vay mượn rất nhiều lẫn nhau, đến mức chúng tiến hóa thành những câu chuyện kể về đạo lý đồng nhất với nhau, mang cùng những yếu tố ước lệ tương tự - các thiếu nữ đồng trinh, những chàng hoàng tử tuấn tú, các pháo đài bất khả xâm phạm, và những phù thủy đầy quyền uy. Thông qua cổ tích, trận chiến nguyên thủy giữa “thiện và ác” ngấm vào đầu chúng ta từ khi còn bé qua các câu chuyện: Merlin chống lại Morgan, Thánh George chiến đấu với rồng, David chống lại Goliath, Bạch Tuyết đối đầu với mụ phù thủy, và thậm chí cả Luke Skywalker chiến đấu với Darth Vader1.
1 Các cặp nhân vật thiện - ác điển hình trong nhiều câu chuyện khác nhau: Merlin và Morgan trong các truyền thuyết về vua Arthur, Thánh George giết rồng là một truyền thuyết lưu hành ở châu Âu từ thế kỷ XI, Bạch Tuyết và phù thủy là nhân vật trong truyện cổ Grimm, David giết Goliath là một truyện trong Kinh Cựu Ước, còn Luke Skywalker và Darth Vader là hai nhân vật trong loạt phim Star Wars.
Sato đưa tay lên gãi đầu khi họ rẽ vào một khúc quẹo và theo sau Anderson xuống một cầu thang ngắn. “Hãy xác nhận giúp tôi chuyện này. Nếu tôi không nhầm, các kim tự tháp từng được coi như những cánh cổng huyền bí để giúp các Pharaoh quá cố bay lên thế giới thần linh, phải vậy không?”
“Đúng thế.”
Sato dừng lại, nắm chặt lấy cánh tay Langdon, đưa mắt nhìn ông chằm chằm với thái độ kinh ngạc pha lẫn khó tin. “Ông nói kẻ đang bắt giữ Peter Solomon yêu cầu ông tìm ra một cánh cổng bí mật, và không lẽ ông chưa từng nghĩ tới chuyện hắn muốn nói đến Kim tự tháp Tam Điểm trong truyền thuyết vừa rồi sao?”
“Dù có gọi bằng cái tên nào đi chăng nữa, Kim tự tháp Tam Điểm cũng chỉ là một câu chuyện cổ tích. Một chuyện hoàn toàn tưởng tượng.”
Lúc này Sato bước lại gần, và Langdon có thể ngửi thấy mùi thuốc lá phả ra từ hơi thở của bà ta. “Tôi hiểu lập trường của ông về chuyện đó, giáo sư, nhưng vì cuộc điều tra của tôi, không thể bỏ qua sự trùng hợp này được. Một cánh cổng dẫn tới tri thức bí mật ư? Theo những gì tôi nghe được, cái này có vẻ rất giống với thứ kẻ bắt giữ Peter Solomon đã tuyên bố chỉ mình ông có thể mở được.”
“À, tôi khó có thể tin...”
“Điểm đáng lưu tâm không phải là việc ông tin cái gì. Dù ông có tin gì đi nữa, ông phải thừa nhận bản thân gã đó tin Kim tự tháp Tam Điểm có thật.”
“Hắn là một kẻ tâm thần! Hắn hoàn toàn có thể tin SBB13 chính là lối vào một kim tự tháp khổng lồ dưới lòng đất chứa đựng bên trong tất cả tri thức đã thất truyền của người xưa!”
Sato đứng im phăng phắc, quắc mắt lên. “Rắc rối tôi đang phải đối mặt đêm nay không phải là chuyện cổ tích, thưa giáo sư. Nó hoàn toàn có thật, tôi cam đoan với ông.”
Sự im lặng lạnh lẽo bao trùm giữa hai người.
“Thưa bà?”, cuối cùng Anderson lên tiếng, ra hiệu về phía một cánh cửa an ninh nằm cách họ ba mét. “Chúng ta gần tới nơi rồi, nếu các vị muốn đi tiếp.” Sato rốt cuộc cũng rời mắt khỏi Langdon, ra dấu lệnh cho Anderson đi tiếp. Họ theo sau người phụ trách qua cánh cửa an ninh dẫn vào một lối đi hẹp. Langdon đưa mắt nhìn hết sang trái rồi sang phải.
Các vị đùa chắc.
Ông chưa bao giờ tận mắt trông thấy một hành lang dài thế này.