Miếng cắn thứ hai: Jobs vẫn đang cố gắng làm thay đổi thế giới và lần này bằng thế hệ máy iMac xanh biếc và hấp dẫn
Năm 1976, khi Steve Jobs vẫn còn đang điều hành máy tính Apple từ gara xe hơi của bố ông tạo Los Altos, California, ông nhận được cú điện thoại đầu tiên từ Microsoft – đề nghị bán cho ông một phiên bản của ngôn ngữ máy tính BASIC dành cho mẫu máy tính cá nhân đầu tiên của ông – Apple I. Cảm ơn, tôi không cần, Jobs trả lời, bạn ông là Steve Wozniak cũng đã viết một phần mềm BASIC, và nếu có cần một ngôn ngữ hoàn chỉnh hơn, họ có thể làm được trong kỳ nghỉ cuối tuần.
Ðó là con người đặc trưng của Jobs: nhanh chóng, dứt khoát khi từ chối, và thường thì sai lầm tối thiểu cũng là phân nửa. Rốt cuộc thì rồi ông cũng đã cấp giấy phép cho ngôn ngữ BASIC của Microsoft (với những điều kiện mà sau đó, chẳng lạ lùng gì, đã biến thành những thuận lợi rất lớn cho Apple). Và dù sau đó ông đã có thời trở thành chàng trai vàng của thung lũng Silicon – vào năm 1981 doanh số bán của Apple là 334 triệu đôla, đè bẹp doanh số còm cõi 15 triệu đôla của Microsoft – chính Bill Gates mới là người chiếm ngôi hoàng đế của cả vương quốc máy tính.
Jobs, hiểu theo một nghĩa nào đó, là một nhân vật hoàn toàn trái người với Gates, một kẻ phản-Gates: một ông trùm về phần cứng chứ không phải phần mềm: một người tiên phong nhất quyết không chịu “theo đóm ăn tàn”; một nhà sáng tạo, không chấp nhận nhân bản, nhái kiểu; một nhân vật sẵn sàng đả phá và thay đổi, không là kẻ chỉ muốn khư khư ôm lấy những chuẩn mực của nền công nghiệp.
Nhanh nhẹn, hoạt bát, mạnh mẽ và sẵn sàng hành động theo những cơn “hứng” bốc đồng của sự hăng hái đầy lôi cuốn – đến nỗi các nhân viên của Microsoft đã thường được cảnh báo phải đề phòng “sở trường làm méo thực tế” của ông – Jobs đã lèo lái đội ngũ kỹ sư của Apple tạo nên những sản phẩm không chỉ tốt mà còn “tuyệt vời một cách điên rồ”, những sản phẩm có thể “tạo ra một dấu ấn trong vũ trụ”. Ông đã “dụ dỗ” người kế vị ngai vàng đã được chỉ định của PepsiCo đến tổng hành dinh Cupertino của ông tại California bằng câu nói mà có lẽ đã trở thành lời mời chào công việc láu lỉnh nhất trong lịch sử. “Ông vẫn cứ muốn dùng khoảng thời gian còn lại của cuộc đời mình để bán cái thứ nước pha đường đó”, Jobs hỏi John Scully, “hay ông muốn nắm lấy một cơ hội thay đổi thế giới?”
Không bao giờ ai đó cứng cựa như Wozniak (người đã thật sự tạo nên Apple I và II), hay thậm chí nếu so với Gates, nhưng chính Jobs chứ không phải ai đã đưa ra quyết định then chốt để hình thành nên công ty và nền công nghiệp máy tính cá nhân trong những năm còn trứng nước: lấy tên một loại trái cây để đặt cho máy tính; mặc cho máy tính một bộ cách chất dẻo đúc khuôn; thuê những hãng quyết định giũ bỏ tất cả để xây dựng một hệ điều hành Macintosh xung khắc với những tiêu chuẩn công nghiệp nhưng lại thân thiện với người dùng sau khi đến thăm trung tâm nghiên cứu Pal Alto của hãng Xerox và nhìn thấy những biểu tượng, những cửa sổ, những con chuột của sản phẩm hệ điều hành ở đó. Jobs khiến chúng ta biết phải chọn cái gì.
Vào mùa hè năm 1981, IBM công bố sự ra đời của máy tính cá nhân PC, sản phẩm sau đó sẽ mở toang cánh cửa ngành công nghiệp máy tính và cuối cùng vây hãm cả Apple. Jobs đặt cả một mục quảng cáo nguyên trang trên tờ Wall Street Journal để nhấn mạnh “Chào mừng, IBM. Thật lòng đấy!”. Chẳng bao lâu sau, ông cùng một đoàn tùy tùng bay đến Redmond, bang Washington để giới thiệu với Microsoft về máy Mac và thuyết phục các lập trình viên ở đây viết chương trình cho loại máy này. Chẳng cần đợi thúc giục nhiều, Bill Gates đồng ý sản xuất phần mềm – để rồi tức thời tung ra một dự án sao chép mà từ đó Microsoft Windows đã ra lò.
Thậm chí ngay cả trong một ngành kỹ nghệ nổi tiếng do bởi những kỳ nhân dị chúng, tài nghệ siêu phàm, Jobs cũng không thể vì thế mà được ngất ngưỡng tại vị mãi. Là một nhà quản trị khét tiếng với tính khí thất thường (ông chẳng bao giờ hạ cố viết một bản dự toán ngân sách, và ông phân loại đánh giá nhân viên bằng tiêu chuẩn “bozo bit”, với các giá trị 0 hay 1), ông cũng đã bị hạ bệ vào năm 1985 trong một vụ “đảo chính” tại lâu đài Cupertino bởi chính vị chủ tịch hội đồng quản trị “nước pha đường” của mình.
Trái táo Apple “quờ quạng” trong suốt khoảng một thập kỷ sau đó, cổ phiếu trên thị trường chứng khoáng bị teo tóp lại chỉ còn các con số ở hàng đơn vị. Jobs tạm thu mình lại để vẫy vùng trong những vũng nước càng lúc càng nhỏ đi, sáng lập NexT, công ty đã chế tạo loại máy tính có sắc màu đen huyền thanh lịch chiếm lĩnh môi trường đại học, nhưng không đem lại nhiều lợi nhuận, rồi mua lại hãng Pixar là hãng sau đó đã xuất xưởng những tuyệt tác phim hoạt hình làm trên máy tính như Toy Story và A Bug’s Life. Năm 1995, ngay sau khi phát hành Toy Story, Jobs đã phát hành rộng rãi cỗ phiếu của Pixar trong một IPO mà thời gian được tính toán rất chi li đã đưa ông, lần đầu tiên lên vị thế của một nhà tỷ phú.
Jobs đã giúp công ty Apple hồi sinh bằng thế hệ máy iMac với những đường nét mềm mại bắt mắt
Ngày nay, số phận còn lại một lần nữa đặt Jobs lên ghế điều hành Apple, một vị chủ tịch tạm thời nhưng dường như cũng chẳng vội vàng gì để tìm kiếm một người thay thế. Ðược “trải thảm đỏ” mời về lại trong vai trò một ông thánh cứu rỗi bởi một công ty đang thiếu thốn thời gian, Jobs đã thực hiện những biến chuyển thật phi thường. Ông ký một hiệp ước hòa bình với kẻ cừu địch của mình ở Redmond, tận diệt các mẫu “Trái táo” bị “sinh sản vô tính”, tung ra một chiến dịch quảng cáo rất bắt mắt cùng với khẩu hiệu “Think Different” (Hãy Nghĩ Khác i), tinh giản dây chuyền sản xuất của mình, cắt giảm tồn kho và rồi “hô biến” ra khoản lợi nhuận lớn đến choáng váng. Thật đột ngột, Apple lại trở nên hấp dẫn nhờ một cỗ máy khêu gợi màu xanh ngọc, thân thiện với Internet – máy vi tính cá nhân iMac – một sản phẩm sốt dẻo cuốn hút chẳng kém gì chiếc máy tính Macintosh nguyên thủy. Có thể Jobs không phải là người thống trị thế giới máy tính, nhưng chắc chắn ông có thể làm nên một dấu ấn.
(Time 7-12-1998)
Trong tác phẩm xuất bản năm 1999, Business@ the Speed of Thought Using a Digital Nervous System (Tốc ộ Tư Duy trong Thương Mại: Sử Dụng Hệ Thần Kinh K Thuật Số), cựu chủ tịch của Microsoft phát biểu rằng chỉ những nhà quản lý nào nắm vững thế giới k thuật số mới có thể giữ thế thượng phong trong cạnh tranh.