*
Bàn chân của bé, và cả bàn chân chúng ta nữa, do được gọi là “chân” nên chúng ta nghĩ chúng hoàn toàn khác với “tay”, trong khi thực tế chúng đáng được gọi là “tay thứ ba và thứ tư” hơn!
*
Như bạn đã thấy ở chàng Tí hon Hạnh phúc, một phần lớn của bộ não dành riêng cho khu vực đặc biệt nhạy cảm này.
Lý do là:
1. Chân bé liên tục truyền đến cho bộ não, thông qua hàng triệu triệu “thiết bị cảm biến”, những thông tin về bề mặt mà chân tiếp xúc, bao gồm thông tin cơ bản về nhiệt độ, độ trơn nhám, đặc lỏng, sắc cạnh… Ấn tượng hơn là, đôi chân ấy – cũng giống như tay – ngay lập tức có thể phân biệt sự khác nhau giữa động vật, thực vật và khoáng vật, và cho ta ý kiến về vật nào đó có ăn được hay không.
2. Bàn chân của bé là một “chiếc máy” hoàn hảo, nhờ đó cơ thể bé hoàn toàn hợp nhất với hệ thống cơ bắp.
Khi bé đứng, riêng một bàn chân bé đã thực hiện cả trăm triệu phép tính toán học và hình học để chắc rằng mọi góc của mặt đất bên dưới là cân bằng, và tất cả các cơ bắp trên cơ thể bé đều đã sắp xếp một cách tỉ mỉ và chu đáo để giữ bé đứng thẳng (hãy nghĩ đến những gì chân phải làm khi bạn đứng trên một hòn đá nhỏ). Tư thế đứng thẳng này sẽ cho phép các bộ phận bên trong cơ thể hoạt động tự do và hiệu quả hơn, tuần hoàn máu được tốt hơn và các chi cũng thoải mái hơn.
Bàn chân bé được “trời phú” cho bộ xương với cấu trúc mỏng manh, vô cùng phức tạp nhưng lại đặc biệt dẻo dai. Quá trình tiến hóa đã hình thành nên một cấu trúc xương - cơ phức tạp nhất trong khắp cơ thể.
ĐIỀU CẦN LÀM
• Chọn bãi biển, sông hay hồ bơi nào đó, nơi bạn có thể đi dưới nước trong khi vẫn quan sát được hoạt động của bàn chân mình. Rồi bạn sẽ kinh ngạc!
• Mang giày vào tay trong một tiếng đồng hồ rồi tự rút ra kết luận cho mình.
• Quan sát đôi bàn chân của con bạn, bạn sẽ ngạc nhiên về những gì mình thấy và những gì chúng có thể làm được.
Và cũng đừng lo lắng về việc chân con mình có thể bị lạnh hay bị tổn thương. Trông chúng xinh xắn, dễ vỡ như thế nhưng lại dẻo dai và rắn rỏi lắm đấy! Ngay cả khi thời tiết khá lạnh khiến người lớn cảm thấy rùng mình thì đôi bàn chân bé vẫn ấm nóng như bánh mì mới ra lò!
Trong một số môn võ thuật truyền thống Nhật Bản, để lên được đai đen, một trong những bài kiểm tra là phải ngồi trơ trụi giữa trời tuyết suốt cả đêm. Khi bình minh ló dạng, võ sĩ phải kiểm soát được cơ chế hoạt động và nhiệt độ của cơ thể mình ở mức độ tạo được một vùng đất khô ráo xung quanh chỗ mình ngồi. Chúng ta đã mất đi khả năng điều chỉnh tự nhiên này bằng việc mặc quá nhiều đồ và mặc không thích hợp. Còn con bạn, bẩm sinh đã là một võ sĩ đai đen thượng đẳng!
• Quan sát dáng đi gò bó, giật cục và phối hợp kém của bé khi mang giày kín mít.
• Bất cứ khi nào có thể, hãy đi chân không giống như con bạn vậy.
Hãy cưỡng lại sức cám dỗ của việc mua sắm hàng lô lốc những đôi giày xinh xắn dễ thương cho bé. Cho đến khi bé đã có thể tự đi lại bên ngoài, thì bạn cũng không cần nhét bàn chân mềm mại đang phát triển của bé vào những đôi giày da cứng hay giày da mềm đắt tiền.
Khi bé đi chơi bên ngoài, dùng đôi giày vải mềm không trượt với đôi vớ rộng rãi là đủ.
Và bất cứ lúc nào có thể, hãy khuyến khích bé đi chân không. Bàn chân bé là cầu nối giữa mặt đất và cơ thể, vì vậy hãy luôn gìn giữ và duy trì cầu nối ấy.