*
Leonardo da Vinci đã từng nói hiếu kỳ là một trong bảy nguyên tắc chính giúp ông phát triển trí tuệ và nó cũng cần được nuôi dưỡng bên trong mỗi người. Ông từng nói ông hiếu kỳ đến mức thậm chí còn không chấp nhận câu trả lời “Đúng vậy!”.
Bộ não của con bạn cũng thế!
*
Câu hỏi chính là những chiếc móc giúp con bạn trèo lên đỉnh cao tri thức! Vì vậy, việc tập cho trẻ thói quen đặt câu hỏi cũng như phát triển kỹ năng này là điều hết sức cần thiết. Nếu biết đặt đúng câu hỏi, thì hàng loạt những “thắc mắc”, “ngạc nhiên” khác sẽ xuất hiện, khiến cha mẹ phải “cứng họng” và phải thừa nhận sự thiếu hiểu biết của mình, chưa kể đến cảm giác bối rối!
Việc cha mẹ thừa nhận mình không biết là một điều rất quan trọng cho sự phát triển của bé. Bằng cách này, bé sẽ biết được rằng không biết là điều hết sức tự nhiên, là bệ phóng cho những câu hỏi và là chất xúc tác cho những khám phá vĩ đại.
Đặt đúng câu hỏi, con của Einstein đã dẫn ông đến những “lãnh địa” kiến thức chưa từng được khám phá.
Con: Cầu vồng là gì hả cha?
Einstein: Ồ, con ta, đó là ánh sáng bị bẻ cong bên trong giọt mưa và tản xạ thành màu đỏ, cam, vàng, lục, lam, chàm, tím.
Con: Vậy ánh sáng là gì?
Einstein: Ánh sáng là những bó di chuyển với tốc độ cực nhanh.
Con: Nhanh thế nào hả cha?
Einstein: 300.000 km mỗi giây.
Con: Có thể nhanh hơn nữa không cha?
Einstein: Không, chúng ta không nghĩ nó có thể nhanh hơn nữa.
Con: Tại sao không, cha?
Einstein: Giờ thì(1) im lặng ăn bữa sáng của con đi và(2) khi cha biết được câu trả lời đó, thì cha sẽ nhận thêm được một giải Nobel Vật lý.
“Chiến binh trí tuệ” tí hon của bạn sẽ liên tục “oanh tạc” bạn bằng vô số câu hỏi cho đến khi nào bạn chịu “bó tay” thì mới thôi!
Chúng ta cần phải nhận thức sâu sắc rằng không có câu hỏi nào là ngu ngốc, rằng mọi câu hỏi hợp lý và chính đáng cần được trả lời, rằng câu trả lời không nên là kết thúc cho một quá trình. Câu trả lời không nên đi đến kết thúc, khiến trẻ chỉ phụ thuộc vô kiến thức của cha mẹ, mà nên là một câu hỏi khác mở hướng cho bé tìm hiểu và theo đuổi.
Ví dụ bé hỏi cây mọc lên thế nào, bạn có thể giải thích cây uống nước, ăn chất dinh dưỡng từ đất và được mặt trời cung cấp thêm năng lượng. Rồi bạn thêm vào câu trả lời của mình: “Vậy con nghĩ cây ‘ăn’ ánh nắng mặt trời như thế nào? Và theo con thì tại sao lá trên cây phần lớn đều có màu xanh?”.
Câu chuyện về Noora
Noora là một cô bé ba tuổi, con gái của một tộc trưởng Ả Rập uyên bác. Một ngày nọ, cô bé hỏi cha sau khi ông đã giải đáp hàng tràng những câu hỏi cô đặt ra, rằng: “Cha ơi, có phải cha biết hết mọi thứ không?”. Cha cô cười đáp: “Đúng vậy đấy, con gái, có lẽ là thế”.
“Cha à,” – cô bé “tấn công” ngay lập tức – “cha có thể kể tên người nào đã phát minh ra tách trà đầu tiên được không?”. Người cha bật cười, thừa nhận rằng mình không biết hết tất cả mọi câu trả lời và ngợi khen cô vì câu hỏi thông minh ấy.
Trẻ em không bao giờ ngừng hỏi, đơn giản bởi vì chúng cần phải hỏi để tồn tại, và bởi bộ não của chúng được thiết kế để khám phá thế giới và vũ trụ quanh mình. Những câu hỏi thường gặp của bé như:
- Tại sao mặt trăng không rơi xuống đất?
- Cầu vồng do cái gì tạo nên?
- Tại sao nước lại ướt?
- Tại sao 1+1=2?
- Mặt trời đi đâu vào ban đêm?
- Tại sao những người sống ở bên kia trái đất không rơi xuống?
- Nếu loài vật không nói được thì làm cách nào để chúng hiểu nhau?
- Vũ trụ kết thúc ở đâu?
Tất cả những câu hỏi trên đều là câu hỏi khoa học. Mọi đứa trẻ đều là những nhà khoa học thiên bẩm. Chúng chỉ trở nên không thích khoa học nếu những câu hỏi và sự hiếu kỳ này bị người lớn tước đoạt.
Những câu hỏi giúp gợi mở trí tuệ
ĐIỀU CẦN LÀM
• Mua hoặc mượn cho con bạn cuốn bách khoa toàn thư dành cho trẻ em với những hình ảnh minh họa sống động.
Quyển sách ấy có thể giải đáp nhiều câu hỏi của bé.
• Suốt cuộc đời mình, bạn hãy luôn nuôi giữ sự hiếu kỳ giống như bé.
Đừng nghĩ rằng bạn có thể ngừng việc học bởi vì bạn đã trở thành người lớn. Hãy giữ đầu óc luôn cởi mở và mở rộng ranh giới hiểu biết của mình càng nhiều càng tốt.
• Giải thích với bé rằng không biết được hết mọi thứ là một điều hết sức tự nhiên.
Sự tiến bộ trong lịch sử loài người cũng như sự phát triển của tri thức, đặc biệt trong khoa học, đơn giản chỉ là tìm kiếm câu trả lời cho câu hỏi thú vị nào đó, rồi tìm kiếm câu hỏi tiếp theo, và trả lời cho câu hỏi tiếp theo đó. Cứ như vậy cho đến vô tận.
• Mỗi ngày, hãy khuyến khích con bạn đặt ra những câu hỏi thú vị và khen thưởng bé vì điều đó.
• Khi bạn thưởng cho bé vì những câu hỏi thú vị, hãy dành những phần thưởng đặc biệt hơn cho những câu hỏi mà chưa ai tìm được câu trả lời ở thời điểm này. Việc theo đuổi những câu hỏi đó sẽ đưa con bạn đến những thành tựu tuyệt vời hơn trong tương lai.