*
Sự tập trung luôn song hành với tính hiếu kỳ, nhưng thật không may là sự vượt trội của tính hiếu kỳ thường bị hiểu sai thành biểu hiện của thiếu tập trung.
*
Sự thật là trẻ em quan tâm, thích thú với tất cả mọi thứ, và chúng ta lại sai lầm cho đó là thiếu khả năng tập trung. Đôi khi bé không ngừng chọn hết cái này tới cái kia, chuyển từ chủ đề này sang chủ đề khác mà không tập trung vô một thứ nào nhất định. Nhưng thật ra lúc đó trẻ đang thể hiện khả năng tập trung vào vô số những chủ đề khác nhau.
Bộ não bé rất nhanh, rất chính xác, vô cùng toàn vẹn và đặc biệt hoàn hảo. Bộ não ấy giống như một siêu thám tử hay nhà khoa học, có khả năng nhìn nhận và phân tích trong quãng thời gian cực ngắn.
Để hiểu hơn về điều này, hãy quan sát một em bé ba tháng tuổi khi bạn đưa cho bé một tờ giấy.
Ngay cả một mẩu giấy cũng chứa đầy những điều bí ẩn cần được “nghiên cứu” kỹ!
Bạn dư sức biết tờ giấy đó sẽ không tồn tại được bao lâu!
Bé chỉ đơn giản tròn mắt nhìn rồi ngẫu nhiên xé tờ giấy ra làm hai?
Tất nhiên không!
Bé sẽ nhìn mẩu giấy vô cùng chăm chú trong khi tay thì vò, rồi đưa nó lại sát gần mắt. Tiếp theo, bé sẽ đập nó liên tục vài cái trên mặt phẳng gần nhất, đưa cho bất kỳ ai gần đó, rồi kéo nó ra trước, ra sau bằng cả hai tay. Thậm chí bé có thể xé nó ra, bỏ vào miệng nhai một chút, phun ra, rồi đập nó lần nữa trước khi quăng mất.
Những gì bạn vừa chứng kiến không phải là những hành động ngẫu nhiên với một vật không liên quan. Thực ra, đó là một phương pháp khoa học hoàn hảo mà một tiểu Marie Curie hay một Isaac Newton nhí áp dụng.
Cú đập ban đầu để điều tra xem dụng cụ âm nhạc nào có thể được tạo nên từ loại vật liệu này.
Hành động đưa cho những người xung quanh chính là một khám phá về tâm lý, xã hội và kinh tế – “Có ai muốn vật này không? Nó có giá trị kinh tế nào không?”.
Việc kéo ra trước, ra sau là một cách kiểm tra kỹ thuật để xem độ bền của vật liệu.
Ở nghiên cứu cuối cùng, bé bỏ “mẩu vật” vào trong phòng thí nghiệm hóa học đa năng – miệng – để kiểm tra lần cuối tính chất có thể ăn được.
Đập tờ giấy lần nữa là để kiểm nghiệm lại kết quả của cú đập trước.
Việc hiểu sai về khả năng tập trung của bé thể hiện qua cách chúng ta chọn đồ chơi. Chúng ta thường mua cho con mình những cái lúc lắc, mô hình, xe hơi hay những món khác với màu sắc tẻ ngắt, không mùi vị, không âm thanh hay chỉ tạo ra một âm thanh đơn lẻ, làm bằng nhựa cứng nên rất chán khi chạm vào, lại chỉ bao gồm một, hai hoặc vài chi tiết đơn giản.
Bộ não phi thường của con bạn quan sát thấy món đồ chơi này hoàn toàn không hấp dẫn, nên bé sẽ nhanh chóng bỏ rơi nó để chuyển sang những món khác.
Không may là người lớn chúng ta đã làm mất đi tính hiếu kỳ của mình. Chúng ta được dạy phải tập trung toàn bộ thời gian cho những công việc đều đều mỗi ngày. Còn con bạn, bé sinh ra đã là một “thợ săn”, mắt luôn nhìn vào mục tiêu. “Con mồi thượng hạng” mà bé theo đuổi chính là kiến thức.
ĐIỀU CẦN LÀM
• Quan sát và hỗ trợ nâng cao khả năng tập trung của con.
Định hướng cho con tập trung vào những điều có ý nghĩa và giá trị.
Khuyến khích sự tập trung của bé bằng cách cho bé thật nhiều thời gian tự do làm những điều mình thích, tự quản lý cuộc chơi của mình, không cắt ngang khi bé đang “nghiên cứu”.
• Mỗi ngày, hãy ghi lại những điều khác nhau mà con bạn tập trung vào, kể cả phương pháp áp dụng cho quá trình “nghiên cứu” của bé.
• Để mắt trông chừng bé cắm cúi tìm hiểu một tổ kiến trong vườn. Những con vật nhỏ bé này có thể khiến bé thích thú hàng giờ.
• Dạy cho con những trò chơi vận động trí tuệ giúp tăng cường khả năng tập trung của bé.
• Đảm bảo rằng con bạn có một cơ thể cân đối.
Nguồn cung cấp oxy đầy đủ cho não giúp tăng cường khả năng tập trung và sức bền.
Để bé được chạy chơi bên ngoài ít nhất một lần mỗi ngày, mưa cũng như nắng, tránh xa những con đường đông đúc xe cộ.
Khi ở trong nhà, để không khí được lưu chuyển bằng cách mở cửa sổ thường xuyên, kể cả vào ban đêm.
Dù bạn đang sống trong một thành phố lớn có không khí ô nhiễm, thì bạn vẫn có thể cải thiện chất lượng không khí cho con mình. Tốt nhất là đừng hút thuốc, nhưng nếu bạn không thể từ bỏ thói quen này thì đừng bao giờ hút thuốc gần con bạn.
• Bé có thể có nhiều món đồ chơi khác nhau, nhưng bạn đừng bày tất cả ra cho bé chơi một lần.
Cất riêng từng bộ đồ chơi, đừng để lẫn lộn.
Đề nghị bé giúp bạn lau chùi và cất giữ đồ chơi thật cẩn thận. Điều này sẽ giúp con bạn học được tầm quan trọng của việc gìn giữ tài sản của mình.
• Hãy luôn để bé được sống trong “thiên đường tuổi thơ” (xem các chương trước).
Những chú kiến nhỏ bé có thể khiến bé thích thú hàng giờ