*
Trong những chuyến đi đến hơn 70 nước khác nhau trong vòng 30 năm qua của tôi, tôi luôn kiên trì nghiên cứu về vấn đề thuận tay. Tôi hỏi khán thính giả của mình – từ trẻ mẫu giáo cho đến người lớn tuổi, từ sinh viên đại học cho đến giáo sư, từ thương nhân cho đến chính trị gia – câu hỏi: “Bao nhiêu người trong số các bạn thuận tay phải?” và “Bao nhiêu người thuận tay trái?”. Hơn 90% trả lời thuận tay phải, phần còn lại là thuận tay trái.
*
Thật ngạc nhiên! Tất cả mọi người đều có hai tay, và phần lớn họ sử dụng cả hai tay một cách hoàn hảo khi đi lại, giữ thăng bằng, nói chuyện, ăn uống, chào hỏi, bắt tay, đóng mở cửa, ôm hôn…
Thú vị là những người “thuận tay phải” lại cầm nĩa tay trái và cầm dao bằng tay phải, trong khi việc cầm dao cắt thịt lại đơn giản hơn nhiều so với việc dùng nĩa xiên thịt, đưa lên miệng – nếu không sẽ trúng phải tai hay mũi. Lẽ ra họ phải xem mình là người thuận tay trái mới phải!
Trong vòng vài thế kỷ cuối của thiên niên kỷ vừa qua, xã hội chúng ta đã phạm phải hai sai lầm lớn:
1. Chúng ta xem việc thuận tay trái như là một điều không phù hợp, không đúng đắn.
Người thuận tay trái thậm chí còn bị coi khinh và bị chối bỏ. Hàng triệu trẻ em “thuận tay trái” bị ép buộc dùng tay phải bằng cách cột tay trái ra sau lưng. Trong một số trường hợp nghiêm trọng hơn, các em còn bị trừng phạt bằng đòn roi.
2. Biến tỉ lệ người sử dụng hai tay từ 60/40 (thậm chí 51/49) thành 100 – 0 (hoặc tay này, hoặc tay kia).
Sự phân chia đó dần dần khiến mọi người nghĩ rằng mình thuận tay phải (hoặc ngược lại) và càng sử dụng tay thuận đó. Nhưng càng sử dụng thì họ càng quen tay, nên lại càng tin đó đích thực là tay thuận của mình.
Câu chuyện minh họa cho suy nghĩ sai lầm này đã diễn ra trong một cuộc hội thảo tôi từng tham dự. Lần đó, sau một tuần nghỉ ngơi và trượt tuyết thư giãn trên núi, một đại biểu trở về với cánh tay bó bột kín mít.
Thấy tôi và mọi người hỏi thăm, anh cười xòa, tỏ vẻ lạc quan: “Ồ, đừng lo! Tôi may mắn lắm! Tôi chỉ làm gãy cánh tay mình không dùng tới thôi mà!”.
Câu nói đùa của anh cho thấy ý niệm “tay thuận” đã ăn sâu vào suy nghĩ của chúng ta đến thế nào.
Sự thật là tất cả em bé khi sinh ra đều THUẬN CẢ HAI TAY. Dù thích sử dụng tay này hơn tay kia, nhưng cơ thể của bé được tạo ra là để vận động một cách cân bằng, hòa hợp. Nếu không tin, hãy quan sát sự phát triển cơ bắp và cách phối hợp hoạt động của bé, đặc biệt là các hoạt động như trườn, bò, nắm, leo trèo.
Những người vĩ đại & những nhà vô địch
Một bài phân tích nhanh về lịch sử nghệ thuật và thể thao cũng chỉ ra rằng: những người thuận cả hai tay sẽ có lợi thế hơn hẳn. Trong nghệ thuật, Leonardo da Vinci và Michelangelo đều là những người thuận cả hai tay. Có giai thoại rằng khi Michelangelo(*) thấy mỏi tay, ông đã đổi tay để tay kia được “nghỉ ngơi”, không phải gián đoạn quá trình sáng tạo của mình.
(*) Michelangelo là một họa sĩ, nhà điêu khắc, kiến trúc sư, nhà thơ và kỹ sư thời kỳ Phục hưng Ý.
Trong thể thao, những vận động viên bóng cricket và bóng chày nổi tiếng là những người có khả năng “bắn” banh đến bất kỳ nơi nào trên sân. Chẳng hạn như vận động viên bóng chày vĩ đại Hank Arron và Stan Musual có thể đổi tay và đổi tư thế từ phải sang trái hoặc từ trái sang phải để làm bối rối bất kỳ người ném bóng nào.
Trong môn đấm bốc, hai cái tên lẫy lừng nhất mọi thời đại – Sugar Ray Robinson và Mohammed Ali – cũng thuận cả hai tay, có thể phòng thủ cũng như tấn công bằng cả hai tay và đứng trụ bằng cả hai chân. Các đối thủ của hai người đều rất lúng túng, bởi họ không bao giờ biết được cú đấm sẽ xuất phát từ đâu.
Trong quá trình huấn luyện cho Thế vận hội Olympic, đặc biệt với các môn thể thao như đá banh, hockey, chèo thuyền và bơi lội, những vận động viên hàng đầu đều bắt buộc phải tập luyện bên ít thuận hơn của mình sao cho cân bằng với bên thuận. Việc làm này sẽ tạo sự liên kết cân bằng toàn thân và các cơ bắp, cộng thêm một loạt lợi thế khác nữa.
Để hiểu rõ hơn về sự thuận cả hai bên của bộ não và cơ thể, cũng như tính linh hoạt điều chỉnh của bộ não khi cần thiết hay khi được tập luyện, hãy xem xét kết quả đáng kinh ngạc của những người bị cụt chi. Trong vòng ba tháng sau khi mất đi tay thuận, tay còn lại có thể đảm nhận hết tất cả nhiệm vụ của tay kia, với mức độ khéo léo gần như giống hệt. Thậm chí chữ viết từ tay mới này cũng hoàn toàn giống như từ bàn tay thuận đã mất.
Kỳ diệu hơn nữa là khi hai tay không may bị mất đi, chỉ trong vòng vài tháng tập luyện, đôi chân có thể làm được nhiều việc trước kia vốn là của đôi tay, bao gồm cả những việc phức tạp như vẽ và tô màu. Không những thế, khi bị mất cả tay lẫn chân, họ có thể dùng miệng hoặc cơ cổ để thay thế.
Những nghiên cứu này chứng minh rằng bộ não con người luôn trong tư thế sẵn sàng để thể hiện thông qua các chi và bộ phận khác, rồi các chi và bộ phận đó cũng sẽ sẵn sàng đáp ứng mọi yêu cầu của bộ não.
ĐIỀU CẦN LÀM
Tập cho bé thuận cả hai bên cơ thể thông qua các trò chơi thay vì phải làm nhiệm vụ nặng nề khiến bé mệt mỏi.
(a) Dùng muỗng, đũa bằng tay không quen
(b) Mặc đồ/cởi đồ bằng tay không quen
(c) Ném và bắt bóng bằng tay không quen
(d) Chơi quần vợt với tay không thuận
(e) Lần lượt đổi tay đánh răng và chải tóc
(f) Vẽ, tô màu bằng cả hai tay
(g) Tập cho bé chơi trò tung hứng, một trò chơi tuyệt vời rèn luyện khả năng thăng bằng và vận động cả hai tay
(h) Cho bé học piano
(i) Khuyến khích bé tham gia các môn thể thao cân bằng như khiêu vũ, chèo thuyền, võ thuật, chạy, bơi…