*
Bé một ngày tuổi của bạn mạnh như thế nào?
*
Phần lớn mọi người sẽ trả lời rằng “Mạnh thế nào được, bé yếu lắm!”.
Chúng ta thường xem trẻ sơ sinh như là những sinh vật yếu đuối, mỏng manh, không có khả năng tự bảo vệ.
Nhưng thật là sai lầm.
Nếu bạn cột lơi sợi dây vào tay hoặc chân em bé một ngày tuổi, rồi nhẹ nhàng kéo sợi dây lên (nhớ là thực hiện điều này trong một chiếc cũi có lót đệm bông êm ái), thì rất nhiều bé sẽ ghì lấy sợi dây.
Tương tự với câu hỏi: “Em bé một ngày tuổi có thể phối hợp như thế nào?”, nhiều người sẽ trả lời: “Không thể”.
Một lần nữa, điều này hoàn toàn không chính xác.
Nếu trong ngày đầu tiên có mặt trên hành tinh này, bé được đặt vào một hồ nước sạch và ấm, hãy đoán xem bé sẽ làm gì? Bơi, và bơi rất giỏi!
Cơ bắp của bé đã đủ mạnh và có thể phối hợp nhịp nhàng từ sau khi được sinh ra, và chúng cần được thường xuyên vận động, kích thích, tập luyện và nuôi dưỡng để ngày càng lớn mạnh.
Nhưng đó có phải là điều ta thường làm?
Không!
Chúng ta đã đặt một thiên tài hoàn hảo về thể chất lẫn trí tuệ, “viên ngọc quý” ấy vào một vở bi hài kịch như sau:
Đầu tiên, ta quấn một chiếc tã cho bé, rồi mặc ngoài một chiếc quần dài.
Tiếp theo, một chiếc áo vải mềm được mặc thêm vào, khoác bên ngoài một chiếc khăn to, rồi gấp mép bên phải, chằng mép bên trái theo kỹ thuật được hướng dẫn, quấn chặt toàn thân bé, thậm chí càng chặt càng tốt. Chưa hết! Bên ngoài còn đè thêm một chiếc mền bông. Tay bé được đeo găng, chân bé được mang vớ, bé còn được đội thêm một chiếc mũ kéo xuống che đôi tai và thậm chí một phần mắt.
Đã sẵn sàng để bay vào không gian!
Ta đặt sinh vật nhỏ bé tội nghiệp ấy vào một chiếc xe đẩy.
“A, ánh sáng có thể gây hại cho mắt!” – nghĩ vậy, ta kéo mui xuống, che khuất tầm mắt bé.
Tiếp theo, sợ “cục vàng” của mình bị ngã, ta thắt dây an toàn quanh bụng bé. Chưa hết, nghĩ rằng sẽ kích thích giác quan cho bé, ta gắn một chiếc chuông bên trên mui để khi xe chuyển động, chuông không ngừng đing, đing, đing…
Vẫn chưa thỏa mãn, nghĩ rằng hoạt động lưỡi nhiều sẽ giúp tạo nên một nhà hùng biện giỏi trong tương lai nên ta đút vào miệng bé chiếc núm vú giả.
Cuối cùng, để hoàn tất quy trình hoàn hảo của mình, ta lấy một món đồ chơi treo trên mui, trước mặt bé để mỗi di chuyển sẽ làm món đồ đung đưa, đung đưa không ngừng.
Thế rồi ta tự hỏi thời nay, những thiên tài biến đi đâu hết cả!
Người lớn chúng ta hiện vẫn còn ngồi trong những “chiếc xe đẩy” tù túng của mình. Tất cả những gì ta cần làm là xếp mui xe lại, lấy núm ti giả ra, dẹp chuông qua một bên, tháo dây an toàn, cởi hết thảy quần áo, rồi tự do nhảy mừng.
Và những gì ta cần làm cho con mình đó là đảm bảo chúng không bao giờ bị hạn chế để phát triển.
ĐIỀU CẦN LÀM
Hãy bế bé, ôm bé trong vòng tay hoặc địu bé.
Phương tiện vận chuyển tốt nhất của con bạn là chính bạn. Chiếc địu có lợi điểm là giúp bé luôn tiếp xúc được với cha mẹ mình. Một vài loại địu được thiết kế để bé quay mặt ra ngoài, giúp bé nhìn thấy những gì đang diễn ra, thích hợp cho những em bé đã nâng giữ được đầu mình.
Bé lớn hơn thì thích được cõng sau lưng. Tuy nhiên, hãy dùng xe đẩy nếu con bạn đã quá nặng. Hãy nghĩ kỹ đến công dụng của chiếc xe cần mua. Xe có mái che chỉ sử dụng khi trời mưa hoặc có gió lớn, nhưng lại che mất tầm nhìn của con. Nếu bé không ngủ, hãy dựng lưng ghế ngồi lên để bé quan sát; và khi đã có thể ngồi được, để bé ngồi thẳng dậy thay vì tựa vào lưng ghế.
Đến lúc bé biết đi, hãy để cho bé tự bước đi hơn là ngồi xe đẩy. Kéo dài thời gian sử dụng xe đẩy có thể tiện cho bố mẹ nhưng sẽ khiến bé lười biếng và dễ bị béo phì do thiếu vận động.
Cho bé tập bơi.
Ban đầu hãy để bé vẫy nước, rồi dần dần mới cho bé tập bơi.
Hãy chắc rằng bạn cũng là một tay bơi không đến nỗi tồi. Nếu chưa biết bơi, hãy đăng ký ngay một khóa học bơi.
Bẩm sinh trẻ nhỏ vốn là những tay bơi siêu hạng