NHẬT KÝ CỦA ÉDOUARD
"Các nhà tiểu thuyết lừa phỉnh chúng ta khi họ khai triển cá nhân mà chẳng tính đến các áp lực chung quanh. Rừng tạo dựng nên cây. Mỗi cây chỉ được chừa cho một khoảnh con con! Bao nhiêu mầm non đã bị thui chột! Mỗi cây vươn cành vươn nhánh được đến đâu thì vươn. Cái cành thần bí thường là nhờ bị bóp nghẹt mà sinh ra. Người ta chỉ có thể thoát ra được ở trên cao. Ta chẳng hiểu Pauline làm thế nào mà không sinh ra cành thần bí, cũng chẳng hiểu bà còn đợi thêm những áp lực nào nữa. Bà đã tâm sự với ta nhiều hơn là từ trước đến nay. Thú thật, ta chẳng ngờ đến tất cả những nỗi đắng cay và nhẫn nhục bà đã che giấu dưới cái vẻ hạnh phúc bên ngoài. Nhưng ta thừa nhận bà phải là người có tâm hồn dung tục lắm mới không thất vọng về Molinier. Trong cuộc trò chuyện với ông ấy hôm kia, ta đã có thể đo được những giới hạn của ông. Làm sao Pauline đã có thể lấy một ông chồng như thế?... Chao ôi! Cái khiếm khuyết thảm hại nhất là khiếm khuyết của tính cách, bị che giấu và chỉ cọ xát lâu ngày mới lộ ra.
Pauline làm mọi cách để che đậy các khiếm khuyết và kém cỏi của Oscar, để mọi người đừng ai nhận ra; nhất là con cái. Bà tìm cách làm cho các con quý mến cha; và thật sự bà phải kỳ công lắm; nhưng bà tiến hành thế nào mà chính ta cũng bị lừa gạt. Bà kể về chồng chẳng có gì là khinh bỉ, nhưng bằng một vẻ độ lượng nó nói lên rất nhiều ý nghĩa. Bà than phiền là ông chẳng có uy thế gì với con cái; và khi ta tỏ vẻ lấy làm tiếc thấy Olivier đi với Passavant, ta hiểu rằng nếu chỉ hoàn toàn là do bà quyết định thì đã chẳng có chuyến đi Corse.
- Tôi không tán thành chuyến đi ấy, - bà đã bảo ta, - và thực tình mà nói tôi hầu như chẳng ưa gì cái ông Passavant. Nhưng biết làm sao? Điều gì thấy là không thể can ngăn được, thà tôi vui lòng chấp thuận còn hơn. Còn ông Oscar thì luôn luôn nhượng bộ; ông ấy nhượng bộ cả tôi nữa. Nhưng khi tôi thấy là cần chống lại một dự định nào đó của con cái, cần phản đối chúng, cần đương đầu với chúng, tôi không tìm thấy ở ông một sự ủng hộ nào cả. Ngay cả thằng Vincent cũng can thiệp vào. Như thế, tôi còn chống đối lại thằng Olivier thế nào được mà không có nguy cơ để mất đi lòng tin cậy của cháu? Tôi chủ yếu cần được cháu tin cậy.
Bà mạng lại những chiếc tất cũ; ta nghĩ bụng đó là những chiếc tất Olivier không buồn dùng nữa. Bà dừng lại để xâu kim, rồi nói tiếp, giọng nhỏ nhẹ hơn, như tin cậy hơn và buồn bã hơn:
- Lòng tin cậy của nó... Giá như ít ra tôi cầm chắc là vẫn còn giữ được! Nhưng không; tôi đã đánh mất đi rồi...
Ta nói liều ngược lại ý bà, tuy trong lòng chẳng tin, khiến bà mỉm cười. Bà để rơi đồ khâu và lại nói:
- Này: tôi biết là nó đang ở Paris. Sáng nay thằng Georges đã gặp nó; Georges kể lại nhân nói chuyện khác, và tôi vờ như không nghe thấy, vì chẳng thích thấy cháu tố cáo anh mình. Nhưng thế là tôi biết. Olivier giấu tôi. Rồi đây khi tôi gặp lại nó, nó sẽ nghĩ là buộc lòng phải nói dối tôi, và tôi sẽ làm ra vẻ tin lời nó, như tôi làm ra vẻ tin lời cha nó, mỗi lần nhà tôi giấu giếm tôi.
- Chẳng qua là vì sợ bác khổ tâm.
- Như thế nhà tôi chỉ làm tôi khổ tâm hơn. Tôi có phải là người không biết dung thứ đâu. Có vô số những thiếu sót lặt vặt tôi dung thứ, tôi nhắm mắt cho qua.
- Bác đang nói về ai đấy?
- Ồ: về cả bố lẫn con.
- Vờ như không nhìn thấy các thiếu sót là bác cũng dối trá chồng con.
- Nhưng cậu bảo tôi biết làm thế nào được. Tôi chẳng than phiền là quá lắm rồi; song tôi không thể nào tán thành được! Không, cậu ơi, tôi nghĩ bụng là sớm hay muộn sẽ không còn chỗ để mà níu lại, và tình yêu thương thân thiết nhất cũng chẳng làm gì được nữa. Nói thế nào nhỉ? Nó rầy rà, nó làm phiền. Thậm chí tôi đi đến chỗ giấu giếm ngay cả tình yêu ấy.
- Đấy là bác nói về con trai bác.
- Sao cậu lại bảo thế? Cậu cho rằng tôi không yêu được Oscar nữa hay sao? Đôi khi tôi nghĩ bụng như vậy; nhưng tôi cũng thầm nghĩ rằng chính vì sợ quá đau khổ mà tôi không thể thắm thiết hơn nữa với nhà tôi. Và... đúng, cậu cũng có lý: nếu là thằng Olivier thì tôi thà đau khổ còn hơn.
- Thế còn cháu Vincent?
- Vài năm trước đây, tôi cũng có thể nói về cháu như tôi nói với cậu về Olivier bây giờ.
- Bà chị của tôi ơi... Rồi bác sẽ lại nói như thế về cháu Georges.
- Nhưng dần dà người ta đâm ra nhẫn nhục. Mà người ta cũng đã không đòi hỏi gì nhiều ở cuộc đời. Nay người ta biết đòi hỏi ở cuộc đời còn ít hơn... càng ngày càng ít hơn.
Rồi bà nhẹ nhàng nói thêm:
- Và đòi hỏi ở mình càng ngày càng nhiều hơn.
- Với những ý nghĩ như thế, người ta hầu như thành tín đồ Cơ Đốc giáo rồi đấy. - Đến lượt ta mỉm cười nói.
- Ấy thỉnh thoảng tôi cũng nghĩ bụng như vậy. Nhưng đâu phải cứ có những ý nghĩ ấy là thành tín đồ Cơ Đốc giáo.
- Cũng chẳng phải cứ là tín đồ Cơ Đốc giáo thì có các ý nghĩ kia.
- Tôi thường nghĩ rằng, xin cứ nói thẳng với cậu, lẽ ra cậu có thể bảo ban các cháu thay cha chúng nó.
- Vincent thì ở xa.
- Đối với thằng ấy, quá muộn rồi. Đây là tôi nghĩ đến thằng Olivier. Tôi ước ao là giá vừa rồi cháu đi với cậu thì hay quá.
- Mấy tiếng đó bất chợt khiến ta hình dung mọi chuyện ra sao nếu ta đã không tự gánh lấy chuyến ra đi phiêu lưu một cách thiếu cân nhắc, và một mối xúc động ghê gớm làm ta nghẹn ngào; mới đầu ta chẳng biết nói năng thế nào; rồi đến khi ứa nước mắt; ta muốn tìm một cái cớ nào đấy để giải thích lấp liếm cho sự bối rối của ta.
- Cả đối với cháu ấy nữa, tôi e rằng cũng đã quá muộn rồi, - ta thở dài nói.
Pauline liền nắm bàn tay ta:
- Cậu tốt bụng quá, - bà thốt lên.
Ngượng nghịu vì thấy bà hiểu lầm như thế, mà lại không làm cho bà hiểu đúng được, ta muốn ít ra cũng lái cuộc trò chuyện ra khỏi đề tài khiến ta khó ăn khó nói quá chừng:
- Thế còn cháu Georges? - Ta hỏi.
- Tôi lo lắng cho nó hơn là cho hai thằng anh, - bà bảo. - Tôi chỉ có thể nói là nó tuột ra khỏi tay tôi, vì nó chẳng bao giờ tin cậy, cũng chẳng bao giờ chịu nghe lời.
Bà ngập ngừng một lúc. Chắc là bà khổ tâm vô cùng khi nói những lời sau đây:
- Mùa hè vừa rồi đã xảy ra một việc nghiêm trọng, - cuối cùng bà nói tiếp, - một việc mà đem kể cho cậu nghe, tôi khá đau lòng, vả chăng về vấn đề ấy tôi vẫn còn đôi chút hồ nghi... Một tờ giấy bạc một trăm phrăng đã biến mất trong tủ nơi tôi vẫn quen để tiền. Vì sợ nghi ngờ oan nên tôi chẳng buộc tội ai; con ở giúp việc chúng tôi tại khách sạn là một cô gái còn rất trẻ tôi cho là người lương thiện. Tôi đã nói trước mặt thằng Georges là tôi mất tiền; như thế có khác gì thú thật với cậu là tôi ngờ cho nó. Nó đã không bối rối, đã không đỏ mặt... Tôi đâm xấu hổ về những mối nghi ngờ của mình; tôi muốn tin là tôi đã lầm; tôi liền đếm lại. Ô hay! Còn sai vào đâu được nữa; thiếu đứt một trăm phrăng. Tôi lưỡng lự chẳng biết có nên hỏi nó không, và cuối cùng tôi đã không hỏi. Tôi không hỏi vì sợ rằng đã ăn cắp, nó lại thêm tội nói dối. Có phải tôi xử sự như thế là sai lầm không?... Đúng vậy, giờ thì tôi cứ tự trách là sao đã chẳng làm găng; cũng có thể là tôi cứ đắn đo sợ rằng mình sẽ quá nghiêm khắc hoặc quá gượng nhẹ chăng. Một lần nữa tôi lại làm ngơ đi như không biết gì, nhưng trong lòng vô cùng dằn vặt, thực thế, cậu ạ. Tôi đã để thời gian trôi qua và tự nhủ là quá muộn mất rồi, chẳng lẽ phạm lỗi từ hồi nào mà nay mới trừng phạt. Và trừng phạt nó ra sao? Tôi đã chẳng làm gì cả; rồi nay lại tự trách mình... nhưng lúc đó liệu tôi có thể làm được gì cơ chứ?
Tôi đã tính chuyện gửi nó sang Anh; thậm chí tôi muốn hỏi ý kiến cậu về vấn đề ấy, nhưng tôi không biết cậu ở đâu... Song tôi cũng đã không giấu nó nỗi buồn bực và lo lắng của tôi, và tôi tin là nó thấm thía, bởi vì nó là đứa tốt bụng, cậu biết đấy. Nếu quả thật nó lấy cắp, tôi cho rằng những lời có thể nó tự trách móc mình còn có tác dụng hơn là những lời nếu tôi trách móc nó. Nó sẽ không còn tái phạm nữa, tôi tin chắc như vậy. Ở bên ấy nó có một thằng bạn rất giàu, chắc y lôi kéo nó tiêu xài. Hẳn là tôi đã quên đóng cánh cửa tủ... Và tôi xin nhắc lại tôi không dám chắc là nó lấy tiền đâu. Biết bao khách vãng lai qua lại trong khách sạn...
Ta khâm phục bà thật tài tình khi đưa ra những lý lẽ có thể minh oan cho con mình.
- Tôi những mong rằng cháu đã đem tiền để trả lại chỗ cũ, - ta nói.
- Tôi cũng đã nghĩ bụng như thế. Và vì không thấy nó để trả tiền vào chỗ cũ, nên tôi muốn xem đấy như một bằng chứng là nó vô tội. Tôi cũng đã nghĩ bụng là nó chẳng dám.
- Thế bác có đem chuyện ấy nói với cha nó không?
Bà chần chừ một lúc:
- Không, - cuối cùng bà nói. - Tôi muốn nhà tôi chẳng hay biết gì thì hơn.
Chắc hẳn bà nghe như có tiếng động ở phòng bên cạnh; bà sang kiểm tra xem có ai không, rồi lại ngồi xuống bên cạnh ta:
- Oscar bảo tôi là hôm nọ hai người cùng ăn trưa với nhau. Nhà tôi ca ngợi cậu đến mức tôi nghĩ rằng chắc cậu đã chăm chú lắng nghe ông ta. (Bà mỉm cười buồn bã khi nói mấy tiếng đó). Nếu nhà tôi đã tâm sự chuyện riêng tư với cậu, tôi chẳng muốn tò mò... tuy rằng tôi biết về đời tư của ông ấy nhiều hơn là ông tưởng... Nhưng từ ngày tôi trở về, tôi chẳng hiểu nhà tôi có chuyện gì. Ông ấy tỏ ra hết sức dịu dàng, có thể nói: nhũn như con chi chi... Tôi vì thế mà hầu như đâm ra ngượng nghịu. Cứ như thể ông ấy sợ tôi. Ông ấy dở quá. Từ lâu tôi đã rõ những quan hệ của nhà tôi... tôi thừa biết là với ai. Nhà tôi cứ tưởng tôi chẳng biết gì nên ra sức bưng bít giấu giếm tôi; nhưng bưng bít hời hợt đến nỗi ông ấy càng ẩn nấp thì lại càng thò đuôi ra. Mỗi lần sắp sửa đi đâu, ông ấy làm ra vẻ bận rộn, bất đắc dĩ, phiền lòng, nhưng tôi thừa biết là đi đàn đúm. Tôi muốn bảo ông ấy: “Này mình, nào tôi có giữ mình đâu; mình sợ tôi ghen ư?” Tôi mà ghen thì còn ra thể thống gì nữa. Tôi sợ chẳng qua là chỉ sợ con cái nó nhận thấy có điều gì; nhà tôi lơ đễnh lắm cơ! Đôi khi tôi buộc lòng phải giúp đỡ ông ấy, như thể tiếp tay cho ông mà ông có biết đâu. Thành thử tôi cũng gần như cảm thấy thú vị, thật thế, cậu ạ; tôi bịa ra giúp ông ấy các lý do; tôi bỏ lại vào túi áo khoác ông ấy các lá thư ông để vương vãi.
- Chính thế, - ta nói với bà, - bác trai sợ bác đã bắt được các thư từ.
- Nhà tôi bảo cậu thế ư?
- Vì vậy bác ấy đâm ra lo sợ đến thế.
- Cậu nghĩ là tôi tìm cách đọc các lá thư ấy?
Một cái gì đấy như lòng tự hào bị xúc phạm khiến bà lại đứng dậy. Ta phải nói thêm:
- Không phải các lá thư bác trai có thể vô ý để thất lạc đâu; mà các lá thư cất trong một chiếc ngăn kéo và bác ấy bảo là không thấy đâu nữa. Bác trai cho rằng bác đã lấy đi.
Nói đến đấy, ta thấy Pauline tái người đi, và mối ngờ vực khủng khiếp thoáng qua ở bà đột nhiên xâm chiếm đầu óc ta. Ta tiếc là đã nói ra, nhưng đã quá muộn. Bà quay mặt đi không nhìn ta và thì thầm:
- Cầu trời phù hộ cho đó là tôi lấy!
Bà có vẻ tức thở.
- Làm gì bây giờ? - Bà nhắc đi nhắc lại, - biết làm gì bây giờ?
Rồi một lần nữa bà ngước mắt nhìn tôi:
- Cậu, cậu không thể bảo nó được ư?
Mặc dù bà cũng như ta tránh nhắc đến tên Georges, nhưng rõ ràng là bà muốn nói đến nó.
- Tôi sẽ cố. Tôi sẽ tính xem sao, - ta vừa nói vừa đứng lên. Và trong lúc bà tiễn ta ở ngoài tiền sảnh:
- Xin cậu đừng nói gì với Oscar. Cứ để nhà tôi tiếp tục ngờ cho tôi; tiếp tục tin vào điều ông ấy tưởng lầm... Như thế tốt hơn. Cậu đến thăm tôi nhé.”