T
rong khi đó, Olivier buồn bực vì không gặp được ông cậu Édouard, và chẳng chịu đựng nổi nỗi cô quạnh, liền nghĩ đến việc tìm gặp Armand cho vợi niềm khát khao tình bạn. Anh đến ký túc xá Vedel.
Armand tiếp anh trong phòng mình. Một cầu thang phụ phía sau nhà dẫn thẳng lên. Đó là một căn phòng nhỏ hẹp, cửa sổ nhìn ra sân sau, nơi các khu vệ sinh và gian bếp của tòa nhà bên cạnh cũng quay ra đấy. Một gương phản chiếu bằng kẽm uốn cong như chiếc thuyền đón nhận ánh sáng bên trên và hắt xuống nhợt nhạt. Căn phòng không được thông thoáng; nồng lên một mùi khó chịu.
- Nhưng ở đây thành quen đi, - Armand nói. - Cậu hiểu là cha mẹ tớ dành những phòng tốt nhất cho các học sinh nội trú phải trả tiền. Lẽ đương nhiên. Tớ đã nhường căn phòng tớ ở năm ngoái cho cậu Tử tước, em trai của ông bạn Passavant nổi tiếng của cậu. Phòng ấy chúa lắm; nhưng dưới sự giám sát của phòng chị Rachel. Ở đây có vô khối phòng; nhưng chẳng có phòng nào riêng rảnh. Thành thử con em Sarah tội nghiệp ở bên Anh về sáng hôm nay, muốn vào được căn phòng mới của nó, buộc phải đi qua phòng của ông bà bô (chẳng tiện lợi cho nó tí nào cả), hoặc đi qua phòng tớ, thực ra lúc đầu chỉ là buồng vệ sinh hay là kho chứa các đồ cũ phế thải. Ở đây ít ra tớ có cái lợi là muốn ra vào lúc nào cũng được chẳng bị ai theo dõi. Tớ thích ở đây hơn các phòng áp mái là nơi ở của bọn đầy tớ. Thực tình mà nói, tớ cũng thích chỗ tồi tàn; cha tớ chắc sẽ bảo đó là: cái thú hành xác, và chắc sẽ giải thích cho cậu hiểu rằng cơ thể khổ hạnh là chuẩn bị cho linh hồn được cứu vớt. Vả chăng, cha tớ chẳng bao giờ vào đây. Cậu hiểu rằng cha tớ bận tâm về những chuyện khác chứ không phải là lo lắng đến nơi ăn chốn ở của thằng con trai. Cha tớ cừ lắm nhá. Cha thuộc lòng một lô một lốc những câu dùng để an ủi đối với các biến cố chính ở đời. Nghe hay đáo để. Tiếc một nỗi là cha chẳng khi nào có thì giờ trò chuyện... Cậu xem các tranh sưu tập của tớ đây này; buổi sáng trông càng đẹp. Đây là một bức tranh in màu, tác giả là một môn đệ của Paolo Uccello37, dùng cho các thầy thuốc thú y. Với một nỗ lực tổng hợp tuyệt vời, nghệ sĩ đã tập trung vào một con ngựa duy nhất tất cả các chứng bệnh mà đấng Tạo Hóa dùng để làm thanh khiết tâm hồn của loài ngựa, cậu sẽ nhìn thấy con mắt nhìn của nó ánh lên chất tinh thần... Đây là bức tranh tượng trưng cho các lứa tuổi của cuộc đời, từ khi còn trong nôi cho đến lúc xuống mồ. Về đường nét, tranh không có gì đặc sắc; nhưng giá trị của tranh chủ yếu là ở ý định. Và lát nữa cậu sẽ được chiêm ngưỡng ảnh chụp bức tranh một ả gái điếm của Titien38, tớ treo ở đầu giường để có được những ý tưởng tà dâm. Cái cửa này là cửa phòng của Sarah.
37 Paolo Uccello (1396 - 1475): Họa sĩ Italia.
38 Titien (1477 - 1576): Họa sĩ Italia.
Cảnh tượng có thể nói là nhơ nhớp ở nơi này khiến Olivier xót xa trong lòng; giường thì bừa bộn, và thau nước bẩn ở chỗ bàn rửa mặt chưa đổ đi.
- Ừ, tớ tự mình dọn dẹp lấy phòng, - Armand nói để trả lời cái nhìn băn khoăn của bạn. - Ở đây là bàn làm việc của tớ. Cậu chẳng hình dung được không khí căn phòng này gợi cảm hứng cho tớ như thế nào.
“Không khí của một xó xỉnh thân yêu...”
Cũng chính là nhờ bầu không khí này mà tớ nảy ra ý cho bài thơ gần đây nhất của tớ, bài Cái bình để đái đêm.
Olivier đến tìm Armand là để nói với bạn về tờ tạp chí của anh và đề nghị bạn cộng tác; anh chẳng dám đề cập đến nữa. Nhưng Armand tự mình dẫn đến:
- Cái bình để đái đêm! Chà! Nhan đề tuyệt đấy chứ! Với lời đề từ này của Baudelaire39
39 Baudelaire (1821 - 1867): Nhà thơ Pháp.
“Phải chăng mi là cái bình tang đợi chờ vài giọt lệ?”
Tớ dùng lại ý so sánh cổ xưa (luôn luôn mới mẻ) của người thợ gốm sáng tạo, nặn hình nào cũng ra hình một cái bình dùng để chứa đựng cái gì đấy. Và trong niềm hứng khởi đầy trữ tình, tớ tự ví tớ với chiếc bình nói trên; cái ý tưởng, như tớ vừa cho cậu biết, đến với tớ một cách tự nhiên khi hít thở cái mùi của căn phòng này. Tớ đặc biệt hài lòng với câu mở đầu của bài thơ.
“Ai không mắc bệnh trĩ ở tuổi tứ tuần...”
Mới đầu tớ đã viết để làm yên lòng độc giả: “... ở tuổi ngũ tuần”, nhưng như thế thì hỏng mất láy phụ âm. Còn như “bệnh trĩ” thì chắc chắn đó là cái từ ngữ đẹp nhất của tiếng Pháp..., ngay cả khi tách rời với ý nghĩa của nó, - anh cười khẩy nói thêm.
Olivier chẳng nói năng gì, lòng đau như thắt. Armand lại tiếp:
- Chẳng cần thiết nói với cậu là cái bình để đái đêm vô cùng hân hạnh được tiếp đón một cái bình đầy ắp hương thơm là cậu đến thăm.
- Và cậu chưa viết gì khác ngoài cái đó ư? - Olivier cuối cùng tuyệt vọng hỏi.
- Tớ định gửi bài Cái bình để đái đêm của tớ cho tờ tạp chí vẻ vang của cậu đấy; nhưng qua giọng cậu vừa nói: “cái đó”, tớ thấy rõ là bài thơ chẳng có cơ may được cậu hài lòng. Trong những trường hợp ấy, thi sĩ vẫn có thể viện cớ: “Tôi không viết để làm hài lòng ai”, và vẫn cứ tin rằng mình đã đẻ ra một kiệt tác. Nhưng tớ chẳng cần giấu giếm cậu là tớ thấy bài thơ của tớ dở òm. Vả chăng, tớ mới viết được câu thơ đầu tiên. Và khi tớ nói “viết”, thì đấy chỉ là một cách nói, bởi vì tớ vừa mới làm ra ngay tức thì để đón mừng cậu... Mà này, thật sự cậu định cho đăng một cái gì của tớ ư? Cậu muốn tớ cộng tác ư? Thế cậu không cho tớ chẳng viết nổi một cái gì đấy thích đáng chứ? Cậu nhận thấy trên vầng trán nhợt nhạt của tớ những dấu ấn biểu hiện thiên tài chăng? Tớ biết là ở đây nhìn chẳng rõ lắm để soi gương; nhưng khi tớ ngắm mình trong gương, như thần Narcisse40, tớ chỉ thấy một cái đầu xấu xí. Xét cho cùng có thể đấy là do tác dụng của thứ ánh sáng nhờ nhờ... Không, Olivier ơi, không, mùa hè này tớ chẳng viết gì cả, và nếu cậu trông đợi vào tớ cho tờ tạp chí của cậu, cậu đừng hòng mà có được đâu. Nhưng nói về tớ như thế là đủ rồi... Thế nào, ở Corse, mọi việc diễn ra vui vẻ chứ? Cậu hưởng chuyến du lịch của cậu có vui không? Cậu tận dụng được nó không? Cậu đã nghỉ ngơi hết mệt nhọc rồi chứ? Cậu đã...
40 Theo thần thoại Hy Lạp, Narcisse là con trai thần sông Céphise. Narcisse say mê bóng của mình khi soi xuống giếng, liền nhảy xuống. Narcisse biến thành bông hoa mang tên mình. Narcisse là hoa thủy tiên.
Olivier không chịu được nữa.
- Thôi im đi, cậu; đừng đùa cợt nữa. Nếu cậu tưởng rằng tớ cho thế là hay...
- Thôi được, còn tớ! - Armand kêu kên. - Ồ! Không, cậu ơi; dẫu sao cũng không! Tớ không đến nỗi ngốc thế đâu. Tớ còn đủ trí thông minh để hiểu rằng tất cả những điều tớ nói với cậu là ngu xuẩn.
- Vậy cậu không thể nói chuyện nghiêm túc được ư?
- Chúng ta sẽ nói chuyện nghiêm túc, vì thể loại nghiêm túc mới làm vừa lòng cậu. Rachel, bà chị cả của tớ mù lòa đến nơi. Thời gian vừa qua, thị lực của chị giảm sút nhiều. Đã hai năm nay, chị ấy chẳng đọc được sách nếu không đeo kính. Mới đầu tớ cứ tưởng chị chỉ cần thay mắt kính là xong. Nhưng té ra chẳng ăn thua. Nghe lời tớ năn nỉ, chị ấy đi hỏi ý kiến một nhà chuyên môn. Hình như độ nhạy của võng mạc bị suy yếu. Cậu hiểu là ở đây có hai vấn đề rất khác nhau: một mặt là thủy tinh thể điều tiết kém, dùng kính có thể bổ khuyết được. Nhưng sau khi kính đẩy ra xa hoặc kéo lại gần hình ảnh thị giác rồi, hình ảnh vẫn có thể tác động lên võng mạc một cách không đầy đủ, và hình ảnh này chỉ được chuyển lờ mờ lên óc. Tớ trình bày có rành rọt không? Cậu hầu như chẳng quen biết chị Rachel; vì thế, đừng nghĩ là tớ tìm cách làm cậu thương xót số phận của chị. Vậy tại sao tớ lại đi kể cậu nghe tất cả những chuyện này?... Là bởi vì, suy nghĩ về trường hợp của chị, tớ nhận ra rằng những ý tưởng cũng như các hình ảnh có thể hiện lên trong óc rõ rệt hoặc không rõ rệt lắm. Một trí óc trì độn chỉ tiếp nhận được những tổng giác lờ mờ, nhưng cũng vì thế mà nó không nhận thức được một cách rõ rệt là nó trì độn. Nó sẽ chỉ bắt đầu đau khổ về sự ngu đần của mình khi nó ý thức được sự ngu đần ấy; và muốn cho nó ý thức được điều đó thì cần phải trở thành thông minh. Thế mà, cậu cứ hình dung một lát con quái vật ấy mà xem: một kẻ ngu ngốc có đủ trí tuệ để hiểu rõ rệt là mình ngốc.
- Ô hay! Nếu thế thì lại chẳng phải là một kẻ ngu ngốc nữa rồi.
- Có chứ, cậu, cứ tin ở tớ. Tớ biết nó rất rõ, bởi vì kẻ ngu ngốc ấy chính là tớ.
Olivier nhún vai. Armand nói tiếp:
- Kẻ ngu ngốc thật sự thì không nhận thức được một ý tưởng ở bên kia ý tưởng của mình. Còn tớ thì tớ nhận thức được cái “ở bên kia”. Nhưng vẫn cứ là một kẻ ngu ngốc, bởi vì cái “ở bên kia” ấy, tớ biết là tớ sẽ chẳng bao giờ đạt tới được...
- Nhưng, ông bạn tội nghiệp ơi, - Olivier nói với niềm hào hứng thông cảm, - tất cả chúng ta sinh ra ở đời lẽ ra đều có thể khá hơn, và tớ cho rằng trí tuệ lớn lao nhất chính là trí tuệ đau khổ nhất về những giới hạn của mình.
Armand đẩy bàn tay mà Olivier trìu mến đặt lên cánh tay anh.
- Kẻ khác có ý thức về những gì họ có, - anh nói, - tớ thì chỉ có ý thức về những gì tớ thiếu. Thiếu tiền bạc, thiếu sức lực, thiếu trí tuệ, thiếu tình yêu. Mãi mãi thiếu thốn; tớ sẽ mãi mãi lưu lại ở phía bên này.
Anh bước đến gần bàn rửa mặt, nhúng một chiếc bàn chải chải tóc vào thau nước bẩn, rồi chải ép mái tóc lên trán trông xấu như ma.
- Tớ đã bảo cậu là tớ chẳng viết lách gì cả; tuy nhiên, những ngày gần đây tớ nảy ra ý viết một chuyên luận tớ định cho nó cái nhan đề là: luận về sự thiếu hụt. Nhưng tất nhiên tớ thiếu khả năng để viết nó ra. Trong đó tớ sẽ nói... Nhưng tớ làm cậu bực mình rồi.
- Cứ nói đi; cậu làm cho tớ bực mình khi cậu đùa cợt; còn bây giờ cậu làm tớ quan tâm thích thú.
- Trong đó tớ sẽ tìm qua khắp tự nhiên cái điểm giới hạn, mà ở bên kia cái điểm ấy chẳng có gì hết. Một thí dụ sẽ làm cậu hiểu rõ. Các báo đưa tin một người thợ bị điện giật chết. Bác ta vô ý khi sửa chữa điện; dòng điện không mạnh lắm; nhưng hình như người bác có mồ hôi. Người ta quy cái chết của bác cho lớp mồ hôi ẩm ướt tạo điều kiện để dòng điện truyền khắp cơ thể. Nếu cơ thể khô ráo hơn, tai nạn có lẽ không xảy ra. Nhưng mồ hôi cứ tăng thêm hết giọt này đến giọt khác... Thêm một giọt nữa: thế là đi đời.
- Tớ không thấy là... - Olivier nói.
- Tại thí dụ chọn không khéo. Tớ luôn luôn chọn các thí dụ của tớ vụng về. Một thí dụ khác: Sáu người bị đắm tàu được vớt lên một chiếc thuyền. Đã mười ngày nay giông bão đánh bạt họ ngoài biển khơi. Ba người chết; hai người được cứu thoát. Còn người thứ sáu thì xỉu đi. Ai nấy vẫn còn hy vọng làm anh ta tỉnh lại. Cơ thể của anh ta đã tới điểm giới hạn.
- Ừ, tớ hiểu, - Olivier nói, - sớm thêm một tiếng đồng hồ, có thể anh ta đã được cứu sống.
- Một tiếng đồng hồ, thế mà cũng gọi là nói! Tớ xem xét thời điểm cuối cùng: Còn cứu được. Còn cứu được... Không cứu được nữa! Đó là một đường sống trâu hẹp mà đầu óc tớ men theo. Đường phân chia ranh giới ấy giữa cái xảy ra và cái không xảy ra, tớ cố gắng vạch ra khắp nơi. Cái giới hạn cưỡng lại... thí dụ như điều mà bố tớ chắc sẽ gọi là: sự quyến rũ.
Người ta còn cưỡng lại được; sợi dây căng sắp đứt đến nơi, và con quỷ đang kéo dây... Thêm lên một chút là dây đứt phựt: người ta bị đầy địa ngục. Bây giờ cậu hiểu chưa nào? Bớt đi một tí chút: sẽ không xảy ra. Thượng đế có lẽ đã không sáng tạo ra thế gian. Có lẽ đã chẳng có gì... “Bộ mặt của thế giới đã thay đổi”, như Pascal41 nói. Nhưng tớ cho là chưa đủ khi nghĩ: “Nếu cái mũi của nàng Cléopâtre ngắn đi”. Tớ nhấn mạnh. Tớ hỏi: ngắn đi... bao nhiêu? bởi vì cuối cùng có thể chỉ ngắn đi một chút xíu thôi, phải không nào? Dần dà; dần dà; rồi nhảy vọt... Natura non fecit saltus42, cứ như chuyện tầm phơ! Còn tớ thì như anh chàng Ả rập đi qua sa mạc, sắp sửa chết khát. Tớ đợi cái điểm chính xác kia, cậu hiểu chứ, khi một giọt nước còn có thể cứu sống được anh ta... hoặc một giọt nước mắt...
41 Pascal (1623 - 1662): Nhà toán học, nhà triết học, nhà văn Pháp.
42 Tự nhiên không có những bước nhảy. (Tiếng Latinh trong nguyên bản).
Tiếng nói của anh nghẹn lại, giọng nghe thống thiết khiến Olivier ngạc nhiên và bối rối. Anh nói tiếp nhẹ nhàng hơn, gần như dịu dàng:
- Chắc cậu nhớ: “Tôi đã nhỏ lệ vì bạn...”
- Tất nhiên - Olivier nhớ câu của Pascal; thậm chí anh còn khó chịu vì bạn dẫn câu đó không chính xác. Anh không thể cố nén mà chẳng sửa lại: “Tôi đã nhỏ máu...”
Niềm hứng khởi của Armand bỗng xẹp ngay xuống. Anh nhún vai:
- Chúng ta biết làm sao được? Có những cái sẽ được dễ dàng chấp nhận... Cậu có hiểu bây giờ luôn luôn cảm thấy mình “ở điểm ranh giới” là thế nào không? Tớ sẽ mãi mãi thiếu một cái điểm.
Anh lại bật cười. Olivier cho rằng chẳng qua đấy là vì sợ phải khóc òa lên. Anh rất muốn tiếp lời Armand, nói cho bạn nghe anh xúc động như thế nào qua những lời lẽ của bạn và qua nỗi lo âu anh cảm thấy đằng sau tiếng cười mỉa mai khó chịu kia. Nhưng giờ hẹn với Passavant thúc bách anh. Anh rút đồng hồ ra:
- Tớ sắp phải chia tay với cậu, - anh nói. - Tối nay cậu có rảnh không?
- Để làm gì?
- Để đến gặp tớ ở Tiệm Panthéon. Tạp chí Les Argonautes mở tiệc chiêu đãi. Cậu nên tới đấy vào lúc cuối. Sẽ có vô số nhân vật ít nhiều nổi danh và ngà ngà say. Bernard Profitendieu đã hứa với tớ là sẽ đến. Nghe chừng vui nhộn lắm đấy.
- Tớ râu ria chẳng cạo, - Armand nói, giọng cau có. - Với lại cậu muốn tớ đến giữa đám nhân vật nổi danh kia làm gì mới được chứ? Nhưng cậu biết chứ? Cậu bảo Sarah tới đó đi, em tớ ở Anh về sáng hôm nay. Tớ tin là nó sẽ vui thích lắm. Tớ mời em tớ hộ cậu nhá? Bernard sẽ đưa nó đi cùng.
- Thôi được, ông bạn ạ, - Olivier nói.