Đ
ã thỏa thuận là Bernard và ông Édouard sau khi cùng ăn tối với nhau xong sẽ qua đón Sarah trước mười giờ một chút. Được Armand báo tin, Sarah đã vui vẻ nhận lời. Lúc khoảng chín rưỡi, cô lui về phòng mình, có mẹ vào theo. Muốn vào đấy, phải đi ngang qua phòng của bố mẹ; nhưng có một cái cửa khác coi như không dùng đến, dẫn từ phòng Sarah sang phòng Armand, mà phòng này, như đã nói, thông với một cầu thang phía sau nhà.
Đứng trước mặt mẹ, Sarah làm ra vẻ muốn đi nằm, và nói với mẹ để cho mình ngủ; nhưng mẹ vừa ra khỏi, cô liền đến ngay bàn trang điểm để thoa phấn bôi son. Chiếc bàn trang điểm kê chắn ngang cái cửa không dùng đến, bàn không nặng mấy, nên Sarah có thể di chuyển mà chẳng gây nên tiếng động. Cô mở cánh cửa bí mật.
Sarah sợ gặp ông anh và phải nghe những lời chế giễu. Đúng là Armand tạo điều kiện thuận lợi cho những hành vi táo bạo nhất của cô; dường như anh còn lấy làm thích thú, nhưng đó chỉ là do một thứ độ lượng tạm thời, bởi vì sau đó anh lại đem ra phê phán và càng nghiêm khắc hơn; đến nỗi Sarah chẳng biết được là ngay việc cô chiều ý nhận lời mời có phải sẽ trở thành cái cớ để anh mình khiển trách hay không.
Trong phòng Armand không có ai. Sarah ngồi xuống một chiếc ghế tựa thấp và trầm ngâm trong lúc chờ đợi. Như một thứ phản kháng để phòng ngừa, cô trau dồi thái độ khinh bỉ dễ dàng tất cả những đức tính tề gia nội trợ. Sự gò bó của gia đình làm nghị lực căng thẳng, mài sắc thêm các khả năng nổi loạn của cô. Trong thời gian lưu lại ở bên Anh, cô đã biết hun đúc lòng dũng cảm của mình. Cũng như Miss Aberdeen, cô gái Anh trẻ tuổi ở ký túc xá, cô quyết tâm chinh phục tự do, tự cho phép và dám làm tất cả. Cô cảm thấy mình sẵn sàng đương đầu với mọi sự khinh bỉ và mọi lời chê trách, có thể bất chấp tất cả. Trong thái độ cầu thân với Olivier, cô đã thắng được tính e dè tự nhiên và nhiều nét bẽn lẽn bẩm sinh. Tấm gương của hai bà chị đã dạy cho cô bài học; cô thấy cuộc hôn nhân của Laura chỉ là chuyện mua bán thảm khốc dẫn đến kiếp nô lệ. Cô cho rằng vốn kiến thức mà cô đã học hỏi, đã tiếp thu, đã trau dồi cho mình, chẳng chuẩn bị cho cô trở thành kẻ mà cô gọi là người vợ hiền. Cô không thấy người mà cô có thể sẽ lấy làm chồng ưu việt hơn cô ở chỗ nào. Cô chẳng đã phải qua các kỳ thi như một anh đàn ông hay sao? Cô chẳng đã có các quan điểm riêng, các ý kiến riêng về bất cứ chủ đề gì đó sao? Đặc biệt là về quyền bình đẳng nam nữ; và thậm chí cô cho rằng về cách xử sự trong cuộc sống, và do đó, cách xử sự trong công ăn việc làm, và nếu cần, cả trong chính trị nữa, đàn bà thường chứng tỏ có lương tri hơn nhiều gã đàn ông...
Có tiếng chân bước ngoài cầu thang. Cô lắng tai nghe rồi nhẹ nhàng mở cửa.
Bernard và Sarah còn chưa quen biết nhau. Ngoài hành lang không có đèn nến. Trong bóng tối họ chỉ lờ mờ nhìn thấy được nhau.
- Cô Sarah Vedel đấy ư? - Bernard khe khẽ hỏi. Cô chẳng nề hà nắm lấy tay anh.
- Ông Édouard chờ chúng ta tại một chiếc xe ô tô đỗ ở đầu đường. Ông thích ngồi lại trong ô tô vì sợ giáp mặt cha mẹ cô. Đối với tôi thì điều đó có lẽ chẳng quan trọng; cô biết rằng tôi ở trong nhà này.
Bernard đã cẩn thận để cổng mở hé cho bác gác cổng khỏi chú ý. Một lúc sau, xe ô tô đỗ cho cả ba người xuống trước Tiệm Panthéon. Trong khi Édouard trả tiền người lái xe thì họ nghe thấy đồng hồ điểm mười giờ.
Tiệc đã tan. Người ta đã thu dọn bàn ăn; nhưng trên bàn vẫn còn bừa bộn các tách cà phê và các chai cốc. Ai cũng thuốc lá phì phèo; bầu không khí trở nên khó thở. Bà Des Brousses, vợ của ông chủ bút tạp chí Les Argonautes đòi không khí để thở. Tiếng nói the thé của bà lách qua những cuộc trò chuyện riêng. Người ta mở cửa sổ. Nhưng Justinien muốn đọc một bài diễn văn nên hầu như lập tức cho đóng lại ngay “vì tính truyền âm”. Ông đứng dậy, lấy thìa gõ vào cốc của mình mà chẳng làm được cho mọi người chú ý. Ông chủ bút tạp chí Les Argonautes mà người ta gọi là Ông chủ tịch Des Brousses liền can thiệp, cuối cùng có được một chút im lặng và giọng nói của Justinien tuôn ra tràng giang đại hải chán phèo. Cái tư duy tầm thường của ông lẩn đi dưới một lô một lốc các hình ảnh. Ông dùng lối diễn đạt cường điệu để thay thế cho trí tuệ và tìm cách ban cho mỗi người một lời ca tụng mập mờ. Khi ông ngừng lần đầu tiên để lấy hơi, trong lúc Édouard, Bernard và Sarah bước vào, những tiếng vỗ tay lấy lòng vang lên; một số vỗ tay kéo dài ra, chắc hẳn là hơi có vẻ mỉa mai, và có ý như muốn bảo chấm dứt đi thôi; nhưng vô hiệu: Justinien tiếp tục nói; chẳng có gì làm xẹp được sự hùng biện của ông. Bây giờ là lúc ông tung những mỹ từ đẹp như hoa lên Bá tước De Passavant. Ông nói về Chiếc xà đơn như về một bản Iliade mới. Mọi người nâng cốc chúc mừng sức khỏe của Passavant, Édouard không có cốc, cả Bernard và Sarah cũng vậy, nên họ khỏi phải chạm cốc.
Bài diễn văn của Justinien kết thúc bằng lời chúc mừng tờ tạp chí mới và mấy lời ca ngợi vị chủ bút tương lai của tạp chí, “anh Molinier trai trẻ và tài ba, được các Nàng Thơ yêu dấu, mà vầng trán cao quý, thanh khiết sẽ chẳng phải chờ đợi lâu vành nguyệt quế”.
Olivier đứng ở gần cửa ra vào, để có thể tiếp đón ngay lập tức các bạn bè. Những lời ca ngợi quá đáng của Justinien rõ ràng làm anh khó chịu; nhưng anh không lẩn tránh được tràng vỗ tay hoan hô ngăn ngắn tiếp theo sau.
Ba người mới đến đã ăn tối đạm bạc quá nên không cảm thấy đồng điệu được với cử tọa. Trong những cuộc hội họp thế này, những kẻ đến muộn hiểu không rõ hoặc quá rõ lý do phấn khích của mọi người. Họ phán xét, trong khi chẳng nên phán xét, và tiến hành, dù là không cố ý, một sự phê phán gay gắt. Ít ra, đấy là đối với Édouard và Bernard. Còn Sarah thì trong môi trường này, đối với cô, mọi cái đều mới mẻ, nên cô chỉ nghĩ đến học đòi, chỉ lo sao cho hòa nhập được vào.
Bernard chẳng quen biết ai. Olivier nắm cánh tay anh, muốn giới thiệu anh với Passavant và với Des Brousses. Anh khước từ. Thế nhưng Passavant chủ động bước tới, giơ bàn tay ra mà anh không thể lịch sự từ chối được:
- Tôi nghe nói về anh đã lâu nên cứ tưởng là đã quen biết anh.
- Tôi cũng thế, - Bernard nói bằng một giọng khiến sự đon đả của Passavant nguội lạnh đi.
Ngay lập tức hắn đến gần Édouard.
Tuy thường hay đi vắng xa và sống hết sức xa lánh, ngay cả khi ở Paris, Édouard vẫn quen biết nhiều người trong số khách mời, và không cảm thấy bỡ ngỡ chút nào. Các bạn đồng nghiệp ít yêu mến ông, nhưng đồng thời lại quý trọng ông, tuy ông chỉ là xa cách, ông vẫn nhận mang tiếng tự cao. Ông thích lắng nghe hơn là tự mình nói.
- Cháu ông đã làm tôi hy vọng là ông sẽ tới, - Passavant bắt đầu, giọng nhẹ nhàng và có thể nói là rất khẽ. - Tôi lấy làm vui mừng, bởi vì chính là...
Cái nhìn mỉa mai của Édouard làm hắn không nói được hết câu. Là người có tài quyến rũ và quen được ai nấy yêu thích, Passavant cần cảm thấy trước mặt mình một tấm gương đon đả để mình có thể sáng long lanh. Song, hắn không phải là hạng người bối rối lâu và chấp nhận chịu lép một bề, nên hắn trấn tĩnh lại được. Hắn ngẩng cao đầu và nhìn một cách ngạo mạn. Nếu Édouard không vui lòng chịu chơi với hắn, hắn sẽ có cách trị.
- Tôi muốn hỏi ông..., - hắn lại nói như tiếp tục ý nghĩ của mình, - ông có tin tức gì về anh cháu khác của ông, anh bạn Vincent của tôi không? Tôi thân thiết chủ yếu là với anh ấy cơ đấy.
- Không, - Édouard nói cộc lốc.
Tiếng “không” ấy một lần nữa làm Passavant lúng túng, hắn chẳng biết nên xem đó như một lời cải chính khiêu khích, hay đơn giản chỉ là để trả lời câu hỏi của hắn. Hắn chỉ bối rối một lúc; Édouard thật thà giúp hắn lấy lại bình tĩnh bằng cách lập tức nói thêm:
- Tôi chỉ được cha anh cho biết là anh đi du lịch với Hoàng thân Monaco.
- Đúng là tôi đã nhờ một bà bạn của tôi giới thiệu anh với Hoàng thân. Tôi rất mừng đã bày đặt ra được chuyện đó để làm anh khuây khỏa được phần nào sau cuộc dan díu bất thành của anh với chị Douviers... mà Olivier nói với tôi là ông có quen biết. Suýt nữa thì anh làm hỏng cả đời mình ở đấy.
Passavant sử dụng tuyệt vời thái độ coi thường, khinh khỉnh, ban ơn; nhưng hắn chỉ cần thắng được ván này và làm Édouard phải e sợ thế là đủ. Ông muốn tìm một lời nào đó như tát vào mặt. Nhưng sao mà ông thiếu nhanh trí đến thế. Chắc hẳn vì vậy mà ông ít muốn lui tới chỗ đông người. Ông chẳng có những gì cần phải có để được mọi người chú ý ở đây. Song, ông cau mày lại. Passavant rất tinh ý... Hắn nói luôn, thậm chí không lấy hơi, và bất thình lình thay đổi giọng:
- Nhưng cô bé tuyệt vời đi cùng với ông là ai thế? Hắn mỉm cười hỏi.
- Cô Sarah Vedel, - Édouard đáp, - chính là cô em gái của chị Douviers bạn tôi.
Không tìm được gì khá hơn nữa, ông đành mài nhọn mấy tiếng “bạn tôi” như một mũi tên; nhưng tên bắn không tới đích, và Passavant mặc cho nó rơi xuống.
- Ông giới thiệu tôi với nàng thì tử tế quá.
Hắn đã nói mấy tiếng này và cả câu trước đó khá to để Sarah có thể nghe thấy, và vì cô quay về phía họ, nên Édouard không thể nào thoái thác được:
- Sarah, Bá tước De Passavant ao ước được hân hạnh làm quen với cô, - ông gượng cười nói.
Passavant đã gọi mang đến ba cái cốc mới và rót đầy rượu thìa là. Cả bốn người nâng cốc chúc mừng sức khỏe Olivier. Chai rượu hầu như đã cạn, và Passavant thấy Sarah ngạc nhiên về những viên tinh thể còn lại ở dưới đáy, liền cố nậy lên bằng cái cọng dùng để hút rượu. Một anh chàng mặt trát phấn, mắt hạt huyền, mái tóc ốp vào đầu như chiếc mũ ca-lô bằng vải giả da, bước lại gần và cố nói rặn ra từng tiếng:
- Không được đâu ông ơi. Ông đưa cái chai đây tôi đập ra cho.
Anh chàng cầm lấy chai, đập một cú lên mép cửa sổ cho vỡ, rồi đưa cái đáy chai cho Sarah:
- Dùng những mảnh đa diện sắc cạnh này, cô em xinh xắn sẽ chọc thủng được bao tử của cô em chẳng vất vả gì đâu.
- Cái anh hề này là ai thế, - cô hỏi Passavant, hắn đã mời cô ngồi và ngồi xuống bên cạnh.
- Alfred Jarry43, tác giả vở kịch Ubu Vua đấy mà. Tạp chí Les Argonautes phong cho ông ta là thiên tài, vì công chúng vừa huýt sáo la ó vở kịch của ông xong. Dẫu sao đó cũng là vở kịch lạ lùng nhất được diễn trên sân khấu lâu nay.
43 Alfred Jarry (1873 - 1907): Nhà văn Pháp.
- Em thích vở Ubu Vua lắm, - Sarah nói, - và em, rất hài lòng được gặp Jarry. Người ta bảo em là lúc nào ông ấy cũng say khướt.
- Tối nay chắc ông ta cũng say. Trong bữa ăn, anh nhìn thấy ông ta uống hai cốc vại đầy rượu apxanh nguyên chất. Mà ông ta chẳng có vẻ khó chịu gì cả. Cô em hút một điếu thuốc lá nhé? Chính mình cũng phải hút để khỏi bị ngạt thở bởi khói thuốc của người khác.
Hắn nghiêng người về phía cô để châm lửa mời. Cô nhai rau ráu vài viên tinh thể:
- À ra chỉ là đường phèn, - cô hơi thất vọng nói. - Em cứ hy vọng là nó răn rắn cơ.
Vừa nói chuyện với Passavant, cô vừa mỉm cười với Bernard vẫn đang ở bên cạnh. Đôi mắt tươi cười của cô sáng long lanh khác thường. Bernard lúc nãy không nhìn rõ cô trong bóng tối, bây giờ sửng sốt thấy cô sao giống Laura đến thế. Cũng vầng trán ấy, cũng đôi môi ấy... Đúng là các đường nét của cô kém vẻ duyên dáng thần tiên hơn, và ánh mắt cô nhìn làm lòng anh xốn xang thật khó tả. Anh hơi ngượng nghịu quay về phía Olivier.
- Cậu giới thiệu tớ với anh bạn Bercail của cậu đi.
Anh đã gặp Bercail ở công viên Luxembourg, nhưng chưa bao giờ trò chuyện. Bercail hơi bỡ ngỡ trong cái môi trường Olivier vừa đưa anh vào này, ở nơi đây tính rụt rè của anh chẳng được mọi người ưa mấy, anh cứ đỏ mặt lên mỗi lần bạn anh giới thiệu anh là một trong những biên tập viên chủ chốt của tạp chí Avant-Garde. Đó là vì bài thơ phúng dụ mà anh nói với Olivier ở đầu câu chuyện của chúng ta, sẽ được đăng ở đầu tạp chí mới, ngay sau bản tuyên ngôn...
- Đăng vào chỗ mà tớ đã dành cho cậu. - Olivier bảo Bernard. - Tớ tin chắc mười mươi là cậu sẽ khoái! Đó là bài tuyệt hay trong số này. Và độc đáo ơi là độc đáo!
Olivier thích ca ngợi người khác hơn là nghe người ta ca ngợi mình. Thấy Bernard bước đến, Lucien Bercail đứng lên; tay cầm tách cà phê vụng về đến nỗi làm đổ một nửa vào áo gi lê trong khi xúc động. Vừa lúc ấy, nghe bên cạnh anh có giọng nói đều đều như máy của Jarry:
- Chú Bercail sắp ngộ độc đến nơi vì ta đã bỏ thuốc độc vào tách của nó rồi đấy.
Jarry thích đùa cợt tính rụt rè của Bercail và khoái làm cho anh ta lúng túng. Nhưng Bercail không sợ Jarry. Anh nhún vai và lẳng lặng uống nốt tách cà phê.
- Ai thế? - Bernard hỏi.
- Ơ kìa! Cậu không biết tác giả vở kịch Ubu Vua hay sao?
- Vô lý! Jarry đấy hả? Tớ cứ tưởng là một gã đầy tớ cơ đấy.
- Ồ! Không phải đâu, - Olivier nói có vẻ hơi bực, vì anh rất hãnh diện về các vĩ nhân của anh. - Cậu cứ nhìn kỹ mà xem. Cậu không thấy là ông ta khác thường hay sao?
- Ông ấy cố làm ra vẻ ta đây khác thường. - Bernard nói, anh chỉ chuộng vẻ tự nhiên, song anh cũng hết sức đánh giá cao Ubu.
Ăn mặc theo kiểu Gugusse truyền thống của trường đua ngựa, tất cả ở Jarry đều toát lên sự kiểu cách; đặc biệt là cách nói năng của chàng ta mà nhiều người của tạp chí Les Argonautes đua nhau bắt chước, nào là dằn từng tiếng, nào là bịa ra những từ ngữ kỳ cục, nào là làm què quặt một cách kỳ cục nhiều từ ngữ khác; nhưng đúng là chỉ có bản thân Jarry mới có được cái giọng nói đều đều lạnh tanh, không âm sắc, không ngữ điệu như thế.
- Tớ cam đoan với cậu là khi quen biết ông, ta thấy ông dễ thương đáo để, - Olivier lại nói.
- Tớ mong đừng quen biết ông thì hơn. Ông ta có vẻ tàn bạo.
- Ông ta cố làm ra thế đấy. Passavant cho rằng thực ra ông ta hiền như đất. Nhưng tối nay, ông uống rượu khiếp lắm; và không một giọt nước nào, xin cậu cứ tin như thế; cả rượu vang cũng không; chỉ toàn rượu apxanh và các loại rượu mạnh thôi. Passavant chỉ lo ông ta có hành động kỳ quặc nào đấy.
Mặc dầu không muốn, tên của Passavant vẫn trở lại trên đôi môi anh và anh càng cố tránh thì nó lại cứ bật ra.
Bực tức vì thấy mình tự làm chủ mình tồi đến thế, và như bị chính bản thân vây dồn, anh liền chuyển sang lĩnh vực khác:
- Cậu nên đến trò chuyện một chút với Dhurmer. Tớ sợ anh ấy oán tớ đến chết vì đã gợi ý anh làm chủ bút tạp chí Avant-Garde; nhưng có phải lỗi tại tớ đâu, tớ chẳng thể làm gì khác hơn là chấp nhận. Cậu nên cố nói cho anh ấy hiểu, cố làm cho anh ấy dịu đi. Pass... Có người bảo là anh ấy khùng lên với tớ lắm.
Anh đã trượt chân, nhưng lần này không ngã.
- Tôi mong là anh ấy đã rút lại bài viết của mình. Tôi không ưa những cái anh ta viết ra, - Bercail nói; rồi quay về phía Profitendieu: - Còn anh, thưa anh, tôi nghĩ là...
- Ơ hay! Đừng xưng hô với tôi trịnh trọng như thế... Tôi biết rằng tôi mang một cái tên cồng kềnh và lố bịch... Tôi định dùng bút danh, nếu tôi viết.
- Sao anh không gửi bài gì cho chúng tôi cả?
- Bởi tôi chưa chuẩn bị được gì.
Olivier để cho hai bạn anh nói chuyện với nhau và đến bên ông Édouard.
- Ông thật tử tế đã quá bộ đến đây! Cháu nóng lòng mong gặp lại ông ở bất cứ nơi nào khác chứ không phải ở đây... Chiều hôm nay, cháu đã đến bấm chuông cửa nhà ông. Người ta có nói cho ông biết không? Cháu buồn không gặp được ông, và giá như cháu biết có thể tìm thấy ông ở đâu...
Anh sung sướng diễn đạt trôi chảy được như thế và nhớ lại một thời đứng trước Édouard, anh bối rối nói chẳng ra lời. Anh nói năng lưu loát, chao ôi! Chính là vì lời lẽ của anh tầm thường vô vị, và vì anh nốc nhiều rượu. Édouard buồn bã hiểu điều đó.
- Tôi ở nhà mẹ anh.
- Cháu đã biết khi về nhà, - Olivier nói, anh rụng rời trước cách xưng hô anh anh tôi tôi của Édouard. Anh do dự chẳng biết có nên nói ra cho ông biết hay không.
- Có phải từ nay trở đi anh sẽ sống trong môi trường này không? - Édouard hỏi và nhìn anh chằm chằm.
- Ồ! Cháu không để làm tổn hại đến mình đâu.
- Anh có chắc không?
Câu ấy được nói ra bằng một giọng rất nghiêm trang, rất dịu dàng và thân tình đến nỗi... Olivier cảm thấy lòng tự tin của anh bị lung lay.
- Ông cho rằng cháu giao thiệp với những người kia là sai lầm ư?
- Có lẽ không phải là tất cả; nhưng chắc chắn là một số trong bọn họ.
Olivier hiểu là một người chứ không phải nhiều người. Anh tưởng rằng Édouard đặc biệt nhằm vào Passavant, và thế là trong thâm tâm anh cảm thấy như có ánh chớp chói lòa và nhức nhối xuyên qua đám mây từ sáng cứ ùn ùn dày đặc mãi lên một cách kinh khủng nơi trái tim mình. Anh quá yêu mến Bernard, quá yêu mến ông Édouard nên không chịu đựng nổi bị những người ấy coi thường. Tiếp xúc với Édouard, những gì là ưu tú trong con người anh nổi lên; tiếp xúc với Passavant thì đó lại là những gì tồi tệ; bây giờ anh tự thú với lòng mình như thế; mà chẳng phải lâu nay anh vẫn nhận ra rồi hay sao? Sự mù quáng của anh đối với Passavant chẳng phải là tự nguyện ư? Lòng biết ơn của anh đối với tất cả những gì Bá tước đã giúp anh, nay chuyển thành oán hận. Anh cuống cuồng chối bỏ hắn. Nhiều điều mắt thấy tai nghe khiến anh căm ghét hắn.
Passavant nghiêng người về phía Sarah, vòng cánh tay ôm ngang lưng cô nàng và ngày càng dấn tới. Nghe được những dư luận không hay về các quan hệ của mình với Olivier, hắn tìm cách đánh lạc hướng. Và để tỏ ra công khai hơn, hắn quyết kéo Sarah ngồi vào lòng. Từ nãy đến giờ, Sarah chỉ chống cự gọi là, nhưng đôi mắt cô tìm đôi mắt của Bernard, và khi ánh mắt hai người gặp nhau, cô mỉm cười như muốn bảo:
- Anh xem người ta sàm sỡ với em như thế này đây.
Thế nhưng Passavant sợ là mình quá hấp tấp. Hắn thiếu kinh nghiệm.
- Giá mình chuốc được cho cô ả thêm ít rượu nữa, mình sẽ đánh liều. - Hắn nghĩ bụng và giơ bàn tay để không ra với lấy bình rượu Curacao.
Olivier vẫn theo dõi hắn, liền giơ tay ra với lấy trước. Anh chiếm bình rượu, chỉ là để lấy của Passavant, nhưng ngay lập tức anh lại nghĩ rằng có thể tìm thấy ở rượu một chút dũng khí, anh cảm thấy đang suy sụp, mà anh lại cần đến nó để thốt ra được với ông Édouard lời than phiền đang dâng trên đôi môi anh:
- Chỉ cần ông quyết định...
Olivier rót đầy cốc của mình và nốc một hơi cạn sạch. Vừa lúc ấy anh nghe tiếng Jarry vẫn đang la cà hết nhóm này sang nhóm khác, nói thầm khi đi ngang sau lưng Bercail:
- Nào bây giờ chúng ta thịt cậu Bercail.
Bercail quay phắt lại:
- Ông nhắc lại to lên xem nào.
Jarry đã bước ra xa. Chàng ta đi vòng qua bàn rồi mới nhắc lại bằng một giọng lanh lảnh:
- Nào bây giờ chúng ta thịt cậu Bercail - rồi rút trong túi ra một khẩu súng lục to tướng mà các cộng tác viên tạp chí Les Argonautes thường thấy anh vung vẩy; rồi anh giơ lên ngắm.
Jarry nổi tiếng là tay súng cừ. Có những tiếng phản đối nổi lên. Đang say mèm như thế, nhỡ anh chàng nổ súng thật thì sao. Nhưng Bercail muốn tỏ ra là mình cóc sợ nên trèo lên một chiếc ghế tựa, hai tay chắp sau lưng như tư thế của Napoléon. Cậu hơi có vẻ lố lăng và có vài tiếng cười khúc khích nổi lên, nhưng ngay lập tức bị những tiếng vỗ tay hoan hô át đi.
Passavant vội vàng nói với Sarah:
- Có thể xảy ra chuyện chẳng lành đấy. Ông ta say khướt. Nấp xuống dưới gầm bàn đi em.
Des Brousses cố giữ Jarry, nhưng anh ta giằng ra, và cũng trèo lên một chiếc ghế tựa (Bernard nhìn thấy anh đi đôi giày khiêu vũ nhỏ nhắn). Ngay trước mặt Bercail, anh giơ súng lên ngắm.
- Tắt đèn đi vậy! Tắt đèn đi! - Des Brousses kêu lên.
Édouard vẫn đứng ở gần cửa ra vào, liền vặn công tắc điện.
Sarah đứng dậy theo lệnh của Passavant; và khi đèn vừa tắt tối om, cô liền nép vào Bernard, và kéo anh ta xuống dưới gầm bàn cùng với mình.
Tiếng nổ vang lên. Súng chỉ nạp đạn giả. Song người ta vẫn nghe có tiếng kêu đau đớn. Thì ra Justinien bị viên đạn giấy bắn trúng mắt.
Đến khi đèn lại bật sáng, mọi người trầm trồ thấy Bercail vẫn đứng trên ghế, giữ nguyên tư thế, không động đậy, chỉ hơi tái đi một chút.
Thế nhưng bà chủ tịch lên cơn đau thần kinh. Ai nấy rối rít.
- Rõ thật là ngu ngốc gây ra những xúc động như thế này!
Vì trên bàn không có nước, Jarry nhảy từ trên ghế xuống, nhúng một chiếc khăn tay vào rượu xát lên hai thái dương bà như để tạ lỗi.
Bernard chỉ ở dưới gầm bàn có một lát, đủ thời gian để cảm thấy đôi môi nóng bỏng của Sarah áp chặt một cách khoái lạc lên đôi môi của anh. Olivier cũng đã chui xuống gầm bàn theo nhưng; vì tình bạn, vì ghen tuông... Rượu say càng khơi bùng lên trong lòng anh cái cảm giác khủng khiếp mà anh biết rất rõ, là phải đứng ngoài cuộc. Khi đến lượt anh từ dưới gầm bàn chui ra, đầu anh hơi quay cuồng. Lúc đó anh nghe tiếng Dhurmer kêu lên:
- Nhìn thằng Molinier mà xem kìa! Nó nhát gan như đàn bà.
Thật là quá lắm. Olivier giơ tay xông tới tát Dhurmer mà chẳng ý thức được là mình đang làm gì. Anh tưởng như mình vung tay vung chân trong giấc mơ. Dhurmer né tránh được. Cũng như trong giấc mơ, tay Olivier chỉ đập vào không khí.
Cảnh tượng trở nên hỗn loạn, và trong lúc một số người rối rít bên bà chủ tịch vẫn đang tiếp tục đập chân đập tay và rít lên the thé, thì một số người khác vây lấy Dhurmer đang hét: “Nó chưa đụng được đến tôi! Nó chưa đụng được đến tôi”, và một số nữa vây lấy Olivier mặt đỏ bừng bừng định xông lên nữa, và người ta vất vả lắm mới làm cho anh dịu đi được.
Dù đụng đến hay chưa, Dhurmer phải coi như đã bị ăn tát rồi; bởi vì Justinien vừa dụi mắt vừa cố giải thích cho gã hiểu. Vấn đề danh dự mà. Nhưng Dhurmer quan tâm rất ít đến bài học về danh dự của Justinien. Người ta nghe thấy gã khăng khăng nhắc đi nhắc lại:
- Chưa đụng đến... Chưa đụng đến...
- Để mặc ông ta, - Des Brousses nói. - Không thể bắt người ta miễn cưỡng đánh nhau được.
Song Olivier tuyên bố khe khẽ là nếu Dhurmer chưa hài lòng, anh sẵn sàng cho ăn tát nữa; và quyết định lôi gã ra đấu súng, anh nhờ Bernard và Bercail vui lòng làm chứng cho mình. Cả hai anh chàng này chẳng ai hiểu biết gì về chuyện gọi là “danh dự”; nhưng Olivier không dám nhờ ông Édouard. Cravat của anh tuột lỏng ra; mái tóc anh xõa xuống vầng trán đẫm mồ hôi; hai bàn tay anh run bần bật.
Édouard nắm lấy cánh tay anh:
- Ra vã một ít nước lên mặt đi. Cháu cứ như một thằng điên ấy.
Ông kéo anh tới một chiếc chậu rửa mặt.
Vừa ra khỏi phòng, Olivier hiểu là mình đã say khướt. Khi cảm thấy bàn tay Édouard đặt lên cánh tay mình, anh đã tưởng ngất xỉu và mặc cho ông lôi đi chẳng hề cưỡng lại. Anh không hiểu gì những lời Édouard nói với anh, trừ cách xưng hô cậu cậu cháu cháu. Như một đám mây đen kịt giông bão ào xuống thành mưa, anh cảm thấy trái tim anh bất thình lình òa lên sướt mướt. Một chiếc khăn mặt ướt Édouard ấp lên trán làm anh tỉnh rượu. Có chuyện gì xảy ra thế? Anh lờ mờ nhớ lại là mình đã hành động như trẻ con, như đồ súc sinh. Anh cảm thấy mình lố bịch, đê hèn... Thế là người run lên vì tuyệt vọng và vì âu yếm, anh nhào tới Édouard, ôm chầm lấy ông và thổn thức:
- Cậu đưa cháu đi với.
Bản thân Bernard cũng xúc động vô cùng.
- Thế cha mẹ cháu? - Ông hỏi.
- Cha mẹ cháu không biết là cháu đã về.
Khi đi ngang qua tiệm rượu để ra ngoài, Olivier bảo ông là anh cần viết mấy chữ:
- Gửi bưu điện tối nay, sáng sớm mai thư sẽ tới nơi.
- Ngồi vào một bàn rượu, anh viết:
“Em Georges thân mến,
Đúng, anh viết thư chính là cho mày đây, để nhờ mày giúp cho một việc nhỏ. Nếu viết cho mày là anh đã trở về Paris thì cũng bằng không, vì anh tin rằng mày đã nhìn thấy anh sáng nay ở gần trường Đại học Sorbonne. Lúc đó anh đến nhà Bá tước De Passavant (anh viết địa chỉ); hành lý của anh còn ở tại nhà ông. Vì những lý do nói ra với mày bây giờ dài lắm, mà cũng chẳng liên quan gì mấy đến mày, anh muốn không quay trở lại nhà ông ta nữa thì hơn. Anh chỉ còn biết nhờ mày đến đem đồ đạc hành lý ấy về cho anh. Mày vui lòng giúp anh việc ấy phải không, anh sẽ đền bù xứng đáng. Có một cái rương khóa kín. Còn quần áo ở trong phòng, mày cho vào va li của anh và mang hộ tất cả đến nhà ông cậu Édouard. Anh sẽ trả tiền ô tô. May mắn ngày mai là Chủ nhật; mày có thể giúp anh ngay khi nhận được mấy dòng này. Anh tin cậy ở mày, được chứ?
Anh mày
OLIVIER
T.B: Anh biết mày là đứa tháo vát, và chẳng nghi ngờ gì mày sẽ thực hiện mọi việc đâu vào đấy. Nhưng cần lưu ý nếu có việc gì phải trực tiếp gặp Passavant thì nên hết sức lạnh lùng với ông ta. Hẹn sáng mai nhé”.
Ai không nghe những lời lăng nhục của Dhurmer thì không hiểu rõ được lý do vì sao Olivier có thái độ công kích đột ngột. Anh có vẻ chẳng còn tỉnh táo nữa. Nếu anh giữ được bình tĩnh, Bernard có lẽ đã tán thành anh; Bernard chẳng ưa Dhurmer; nhưng anh nhận thấy Olivier đã hành động như một thằng điên và hình như mắc đủ mọi sai lầm. Bernard khổ tâm nghe bạn phê phán khắc nghiệt. Anh đến bên Bercail và hai người hẹn gặp nhau. Dù việc này vô lý thế nào đi nữa, cả hai đều thấy cần thiết phải xử sự đúng đắn. Họ thỏa thuận sáng hôm sau sẽ đến với Olivier ngay từ chín giờ.
Sau khi hai người ra về rồi, Bernard chẳng còn lý do mà cũng chẳng còn thiết ở lại. Anh đưa mắt tìm Sarah và tức lộn ruột khi thấy cô nàng ngồi trên đùi Passavant. Cả đôi có vẻ đều say khướt; nhưng tuy thế Sarah cũng đứng dậy khi thấy Bernard bước tới.
- Ta đi thôi, - cô nói và nắm lấy cánh tay anh.
Cô muốn đi bộ về nhà. Quãng đường không xa; họ đi bên nhau chẳng nói một lời. Ở ký túc xá, đèn đã tắt cả. Sợ làm mọi người để ý, họ mò mẫm đi tới cầu thang phụ phía sau nhà, rồi xiết diêm. Armand còn thức. Khi nghe tiếng họ đi lên, anh ra đầu cầu thang, tay cầm một ngọn đèn.
- Mày cầm lấy đèn, - anh bảo Bernard (hai người mày tao với nhau từ hôm trước), - soi cho Sarah; trong phòng nó không có nến đâu... Và đưa diêm cho tao, để thắp sáng phòng tao.
Bernard đưa Sarah vào trong căn phòng thứ hai. Hai người vừa bước vào thì Armand cúi phía sau lưng thổi mạnh cho đèn tắt phụt, rồi cợt nhả:
- Chúc ngủ ngon! - Anh nói. - Nhưng chớ có làm ồn. Bố mẹ ngủ ngay bên cạnh đấy.
Rồi đột ngột lùi phắt ngay lại, anh đóng cửa; và cài then.