Chẳng có gì đến với tâm hồn mà lại đơn giản; và tâm hồn chẳng bao giờ đơn giản trước bất cứ vấn đề gì.
PASCAL
-Tôi tin là nó sẽ rất vui mừng gặp lại anh, - ông Édouard nói với Bernard ngày hôm sau. - Sáng nay nó hỏi tôi hôm qua anh có đến không. Chắc nó đã nghe thấy tiếng anh nói trong khi tôi cứ tưởng nó chẳng hay biết gì... Nó vẫn nhắm nghiền mắt, nhưng không ngủ. Nó chẳng hé răng nói gì. Nó cứ luôn luôn đưa tay lên trán tỏ vẻ đau đớn. Hễ tôi hỏi chuyện là trán nó nhăn lại, nhưng tôi bỏ đi chỗ khác, nó liền gọi tôi đến ngồi bên... Không, nó không nằm ở phòng làm việc nữa. Tôi đã thu xếp cho nó nằm trong căn phòng bên cạnh phòng tôi, để tôi có thể tiếp khách đến thăm mà chẳng ảnh hưởng gì đến nó.
Hai người bước vào căn phòng ấy.
- Tớ đến hỏi thăm sức khỏe cậu đây, - Bernard nhẹ nhàng nói.
Nét mặt Olivier sinh động hẳn lên khi nghe tiếng của bạn. Gần như đã là một nụ cười.
- Tao đợi mày mãi.
- Nếu tớ làm cậu mệt, tớ sẽ đi ra.
- Mày cứ ở lại đây.
Nhưng khi nói lời ấy, Olivier đặt một ngón tay lên môi. Anh muốn đừng ai nói gì với anh cả. Bernard ba hôm nữa phải thi vấn đáp nên đi đâu cũng mang theo quyển sách chắt lọc toàn bộ những gì là cốt lõi nhất của chương trình thi. Anh ngồi ở đầu giường bạn và chúi mũi vào đọc. Olivier, mặt quay vào tường, có vẻ như đang ngủ. Édouard lui về phòng riêng; chốc chốc lại thấy ông xuất hiện ở chỗ cửa thông hai phòng vẫn để ngỏ. Cứ hai tiếng đồng hồ, ông cho Olivier uống một bát sữa, nhưng chỉ mới từ sáng nay. Suốt cả ngày hôm trước, dạ dày của người bệnh không chịu đựng được thứ gì.
Thời gian trôi qua khá lâu. Bernard đứng dậy để ra về. Olivier quay lại, giơ tay ra bắt và cố nở một nụ cười:
- Mai mày lại đến chứ?
Đến lúc chót, anh gọi bạn lại, ra hiệu cho bạn cúi xuống như sợ không nghe rõ, và nói lí nhí:
- Mà này, mày có cho là tao dại dột không?
Rồi như không để Bernard kịp phản đối, anh lại đưa một ngón tay lên môi:
- Không; không... Tao sẽ giải thích cho mày sau.
Hôm sau, Édouard nhận được lá thư của Laura. Khi Bernard lại đến, ông đưa cho đọc:
“Anh thân mến,
Em vội vã viết cho anh để cố ngăn ngừa một nỗi bất hạnh phi lý. Em tin là anh sẽ giúp đỡ em, chỉ cần thư này đến tay anh kịp thời.
Félix vừa đi Paris với ý định tới gặp anh. Nhà em muốn được anh cho biết rõ những điều em khước từ không chịu nói ra; muốn được anh cho biết tên người mà nhà em muốn thách đấu. Em đã làm hết sức mình để ngăn lại, nhưng ý nhà em đã quyết, không gì lay chuyển được, và mọi điều em giãi bày chỉ làm nhà em quyết tâm thêm. Có lẽ chỉ một mình anh mới có thể khuyên can nhà em. Nhà em tin ở anh và em hy vọng là sẽ nghe theo lời anh. Mong anh hiểu cho rằng nhà em chưa bao giờ cầm trong tay một khẩu súng ngắn hay một thanh kiếm. Em không thể chịu đựng nổi ý nghĩ là nhà em có thể liều mạng vì em; nhưng điều em lo ngại nhất, mà hầu như em chẳng dám thổ lộ ra, là nhà em trở thành lố bịch.
Từ ngày em trở về, Félix hết sức vồn vã, âu yếm, tử tế với em; nhưng em không thể làm ra vẻ yêu nhà em hơn là trong thực tế. Nhà em đau khổ về chuyện đó; và em cho rằng chính vì muốn cố làm thế nào để được em kính nể, khâm phục nên đã có cái ý định mà anh sẽ phê phán là thiếu suy nghĩ, nhưng từ hôm em trở về ấy, nhà em cứ hết ngày này qua ngày khác trăn trở suy nghĩ tới nó mà chẳng dứt ra được. Chắc hẳn nhà em đã tha thứ cho em, nhưng nhà em thâm gan tím ruột căm giận người ấy.
Em van xin anh tiếp đón nhà em thân ái như tiếp đón chính bản thân em; đó sẽ là bằng chứng rõ rệt nhất về tình bạn em cảm nhận được ở anh. Em xin lỗi đã không viết thư cho anh sớm hơn để nói lại cho anh tất cả lòng biết ơn của em đối với sự tận tâm và những chăm lo anh đã hào phóng dành cho em trong những ngày chúng ta ở Thụy Sĩ. Ký ức về thời gian ấy làm em ấm lòng và giúp em chịu đựng cuộc đời.
Cô em gái luôn luôn lo lắng và luôn luôn tin cậy của anh.
LAURA”
- Ông định xử sự thế nào? - Bernard đưa trả lại bức thư và hỏi.
- Thì anh bảo tôi còn biết xử sự thế nào nữa? - Édouard đáp, giọng hơi bực về câu hỏi của Bernard một phần, nhưng chủ yếu là vì ông đã tự đặt ra cho mình câu hỏi ấy. - Nếu ông ta đến, tôi sẽ tiếp đón hết lòng. Tôi sẽ hết lòng góp ý nếu ông ta hỏi ý kiến tôi; và sẽ cố gắng thuyết phục ông ta đừng động tĩnh gì là tốt nhất. Những kẻ như ông Douviers tội nghiệp ấy mà tìm cách xông xáo ra là bao giờ cũng sai lầm. Nếu anh biết ông ta, anh cũng sẽ nghĩ như thế, anh cứ tin lời tôi. Laura, nàng sinh ra để đóng những vai chủ chốt. Mỗi người chúng ta đảm nhận một vai kịch tương xứng với kích thước của mình. Chúng ta biết làm sao? Tấn bi kịch của Laura là đã lấy phải một diễn viên chuyên đóng vai phụ. Chẳng làm thế nào được nữa.
- Và tấn bi kịch của Douviers là đã diễn cùng với một vai mãi mãi trội hơn mình, dù ông ta có làm gì đi nữa, - Bernard nói.
- Dù ông ta có làm gì đi nữa... - Édouard lặp lại như âm vang, - và dù Laura có làm gì đi nữa. Điều lý thú là Laura do ăn năn, hối hận về những lỗi lầm của mình nên muốn quỵ lụy trước chồng, nhưng chồng nàng lập tức lại phủ phục xuống còn thấp hơn vợ; mọi hành vi của họ ở đây chỉ làm anh chồng bé nhỏ đi và chị vợ cao lớn thêm.
- Cháu thấy ông ta thật tội nghiệp, - Bernard nói. - Nhưng tại sao ông lại không thừa nhận rằng ông ta quỵ lụy đấy mà cũng lớn lao thêm?
- Bởi vì ông ta thiếu chất trữ tình, - Édouard nói, giọng dứt khoát.
- Ông muốn bảo sao?
- Muốn bảo rằng ông ta chẳng bao giờ tự quên mình trong những điều ông ta cảm nhận, đến nỗi ông ta chẳng bao giờ cảm nhận thấy điều gì lớn lao cả. Đừng bắt tôi nói nhiều về vấn đề này. Tôi có những suy nghĩ của tôi; mà các suy nghĩ ấy không chịu đựng được sự phân tích chi li, tôi chẳng bận tâm tìm cách mổ xẻ chi li. Paul Ambroise thường quen nói rằng ông chẳng muốn tính đến những gì không thể đo đếm được; theo tôi, ông muốn chơi chữ khi nói “tính đến”; bởi vì như người ta nói, “cứ theo lẽ tính toán ấy”, người ta buộc lòng phải bỏ sót Thượng đế. Đấy chính là điều ông mong mỏi và muốn hướng tới... Này: chất trữ tình theo tôi là trạng thái của con người ưng thuận để Thượng đế chế ngự.
- Có phải đấy chính là điều mà từ ngữ “nhiệt hứng” nói lên hay không?
- Và có lẽ là từ ngữ “cảm hứng”. Đúng, tôi muốn nói thế đấy. Douviers là một kẻ không thể có được cảm hứng. Tôi tán thành là Paul Ambroise có lý khi ông cho rằng cảm hứng là hết sức có hại cho nghệ thuật; và tôi sẵn lòng tin rằng người ta chỉ là nghệ sĩ với điều kiện chế ngự được trạng thái trữ tình; nhưng muốn chế ngự, trước hết cần phải cảm nhận được nó đã.
- Ông không nghĩ rằng trạng thái thần hứng đó có thể giải thích được về mặt sinh lý bởi...
- Đúng thế! - Édouard ngắt lời. - Những nhận định như vậy thật chính xác và chỉ có thể làm cho những kẻ ngu ngốc khó chịu. Chắc chắn không có một biểu hiện thần bí nào mà lại chẳng liên quan đến vật chất. Còn sau đó thì sao? Tinh thần muốn biểu lộ không thể không cần đến vật chất. Do đó mà có sự hóa thân đầy bí ẩn.
- Ngược lại, vật chất hoàn toàn chẳng cần đến tinh thần.
- Điều đó thì chúng ta chẳng biết gì hết, - Édouard vừa cười vừa nói.
Bernard thấy rất thú vị khi nghe ông nói như thế. Thông thường, Édouard ít bộc lộ. Hôm nay ông tỏ ra hứng khởi thế này là nhờ sự có mặt của Olivier. Bernard hiểu điều đó.
- Ông ấy nói với mình mà như muốn nói với nó, - anh nghĩ. - Olivier mới chính là người lẽ ra ông phải chọn làm thư ký. Olivier mà bình phục, mình sẽ rút lui ngay; chỗ của mình là ở nơi khác.
Anh nghĩ thế nhưng lòng không hề thấy xót xa, vì từ nay anh còn mải nghĩ đến Sarah, anh vừa gặp lại đêm qua, và chuẩn bị đêm nay lại tìm đến.
- Chúng ta giờ đây đi quá xa chuyện Douviers mất rồi - anh nói tiếp và cũng cười. - Ông có định nói với ông ta về Vincent không?
- Tất nhiên là không. Để làm gì?
- Ông không nghĩ rằng Douviers một khi chẳng biết nghi ngờ cho ai thì khổ tâm lắm sao?
- Nghe chừng anh có lý. Nhưng điều đó thì cần phải nói với Laura. Tôi sẽ không thể nói ra mà không phản bội nàng. Vả lại, ngay đến anh ta ở đâu bây giờ tôi cũng chẳng rõ.
- Vincent ư?... Passavant chắc là biết.
Có tiếng chuông reo làm hai người dừng lại. Bà Molinier đến thăm hỏi tin tức con trai. Édouard đón bà ở ngoài phòng làm việc.
NHẬT KÝ CỦA ÉDOUARD
“Pauline đến thăm. Ta lúng túng chẳng biết báo tin cho bà thế nào; mà ta cũng không thể giấu chẳng cho biết con trai bà bị ốm. Ta xét thấy chẳng nên kể với bà làm gì vô ích về mưu toan tự tử khó hiểu; chỉ nói về một cơn đau gan dữ dội, đấy thực sự là hậu quả còn lại rõ rệt nhất của mưu toan kia.
- Tôi đã yên tâm khi biết Olivier ở tại nhà cậu, - Pauline bảo ta. - Tôi chắc là không thể nào chăm sóc cháu hơn cậu được, vì tôi cảm thấy rõ là cậu yêu mến cháu chẳng kém gì tôi.
Khi nói đến mấy tiếng cuối cùng ấy, bà nhìn ta với vẻ nài nỉ lạ lùng. Ta có hình dung ra cái ý định bà dường như gửi gắm vào con mắt nhìn ấy không? Trước mặt Pauline, ta cảm thấy mình như có cái gì mà thiên hạ vẫn thường gọi là “nỗi ân hận”, và ta chỉ có thể ấp úng, lúng búng nói dăm ba lời nghe chẳng rõ. Cần phải nói rằng đã hai hôm quá bão hòa với bao nhiêu xúc cảm, ta mất hết tự chủ; nỗi bối rối của ta chắc hẳn lộ ra ngoài rất rõ, vì bà nói thêm:
- Cứ nhìn cậu đỏ mặt là tôi thừa hiểu... Ông em của tôi ơi, cậu đừng chờ đợi ở tôi những lời trách móc. Tôi sẽ trách móc cậu nếu như cậu không yêu cháu... Tôi có thể gặp cháu được không?
Ta đưa bà đến bên Olivier. Nghe thấy chúng tôi đến, Bernard liền đi ra.
- Nó đẹp trai quá chừng! - Bà vừa cúi xuống đầu giường vừa khe khẽ nói. Rồi quay về phía ta: - Cậu sẽ ôm hôn cháu hộ tôi. Tôi sợ làm cháu thức giấc.
Pauline rõ ràng là một người phụ nữ khác thường. Chẳng phải hôm nay ta mới có ý nghĩ ấy. Nhưng trước đây ta đâu có ngờ bà lại thông cảm đến như vậy. Tuy nhiên, qua lời lẽ thân tình và giọng nói vui vẻ hồn nhiên của bà, dường như ta nhận thấy có một chút gì gượng gạo (có thể là do ta cố sức che giấu nỗi lúng túng của ta); và ta nhớ đến một câu nói trong lần trò chuyện trước với bà, một câu nói ta thấy có vẻ hết sức khôn ngoan, tuy lúc đó ta chẳng quan tâm đến: “Điều gì thấy là không thể can ngăn được thì thà tôi vui lòng chấp nhận còn hơn.” Rõ ràng Pauline cố gắng theo hướng vui lòng; và như để trả lời cho ý nghĩ thầm kín của ta, bà nói tiếp khi hai người lại trở ra ngoài phòng làm việc:
- Tôi e rằng lúc nãy tôi không khó chịu chính là lại làm cậu khó chịu. Có những ý nghĩ thoải mái nào đấy mà người ta dường như muốn giữ riêng cho mình. Song tôi không thể giả vờ quá nặng lời chê trách cậu. Cuộc sống đã bảo ban tôi. Tôi hiểu rằng sự thuần khiết của các chàng trai mỏng manh biết chừng nào, ngay cả khi nó có vẻ được giữ gìn chu đáo nhất. Hơn nữa, tôi không tin rằng những thiếu niên trong trắng nhất sau này sẽ trở thành các ông chồng ưu tú nhất; thậm chí, chao ôi cũng chẳng phải là thủy chung nhất, - bà vừa nói thêm vừa mỉm cười buồn bã. - Cuối cùng, tấm gương của cha các cháu đã khiến tôi mong muốn các con trai tôi khác tính khác nết đi. Nhưng tôi sợ chúng sa vào con đường trụy lạc, hoặc những quan hệ bê tha. Olivier dễ để bị lôi cuốn lắm. Cậu sẽ quan tâm kéo giữ cháu lại. Tôi tin là cậu sẽ có thể giúp ích cho cháu. Chỉ tùy thuộc ở cậu...
Những lời lẽ như thế làm ta hết sức ngượng ngùng.
- Bà chị đánh giá tôi quá cao.
Ta chỉ nói được có thế, một cách hết sức vô vị và sáo mòn. Bà nói tiếp với cung cách tế nhị không chê vào đâu được:
- Chính Olivier sẽ làm cậu tốt hơn lên. Có cái gì mà người ta chẳng thu được từ chính bản thân mình, nhờ vào tình yêu?
- Bác Oscar có biết là cháu đang ở chỗ tôi không? - Ta hỏi cốt làm cho cuộc trò chuyện thư giãn một chút.
- Ông ấy không biết ngay cả việc cháu đã về Paris. Tôi đã nói với cậu là nhà tôi có quan tâm đến con cái lắm đâu. Chính vì thế tôi đã trông cậy vào cậu để bảo ban thằng Georges. Cậu đã giúp cho chưa?
- Chưa, chưa ạ.
Vầng trán Pauline bỗng sa sầm:
- Tôi càng ngày càng lo lắng hơn. Cháu nó có vẻ tự tin, nhưng qua đó tôi lại chỉ thấy là nó vô tâm, trơ trẽn và tự phụ. Nó học hành được; các thầy giáo bằng lòng về nó, nỗi lo lắng của tôi chẳng biết bấu víu vào đâu...
Và đột nhiên bà từ bỏ thái độ bình tĩnh của mình, sôi nổi hẳn lên, khiến ta hầu như không còn nhận ra bà nữa:
- Cậu có biết cuộc đời tôi ra sao không? Tôi đã thu hẹp hạnh phúc của mình; năm này qua năm khác, tôi đã phải bớt dần ham muốn của mình đi; tôi đã rút ngắn hết hy vọng này đến hy vọng khác. Tôi đã nhượng bộ, tôi đã dung thứ, tôi đã vờ như tai không nghe, mắt không thấy... Nhưng cuối cùng, ta phải bấu víu lấy một cái gì chứ; và khi chút xíu đó tuột khỏi tay ta!... Buổi tối, cháu đến ngồi học dưới ánh đèn bên cạnh tôi, thỉnh thoảng nó ngẩng đầu lên khỏi quyển sách, những lúc ấy tôi bắt gặp trong ánh mắt nó không phải sự trìu mến, mà là sự thách thức. Tôi đâu có đáng phải như vậy... Đôi khi tôi bất thình lình có cảm tưởng mọi tình thương yêu của tôi đối với nó đều trở thành căm thù; và tôi muốn giá đừng bao giờ có con cái thì hơn.
Giọng nói của bà run run. Ta nắm lấy bàn tay bà.
- Olivier sẽ đền bù cho bác, tôi xin cam kết điều này.
Bà cố hết sức để trấn tĩnh lại.
- Đúng, tôi nói như vậy thật là điên rồ; cứ như là tôi không có những ba thằng con trai. Khi tôi nghĩ đến đứa nào, tôi chỉ thấy có đứa ấy thôi... Cậu sẽ cho là tôi ít lý trí quá... Nhưng đôi khi, đúng thế, lý trí không còn đủ nữa.
- Thế nhưng tôi khâm phục nhất ở bác chính lại là lý trí, - ta nói một cách nhạt nhẽo, với hy vọng làm bà dịu đi. - Dạo nọ bác nói với tôi về Oscar đúng mực biết bao...
Pauline bỗng lại hăng lên. Bà nhìn ta và nhún vai:
- Bao giờ cũng thế, khi một người đàn bà tỏ vẻ cam tâm chịu đựng nhất, chính là lúc người đó xem ra có lý trí nhất, - bà thốt lên như cà khịa.
Ý nghĩ ấy làm ta bực mình chính vì nó đúng đắn. Ta tiếp lời luôn để khỏi lộ ra:
- Về những bức thư, không có gì mới ư?
- Gì mới ư? Gì mới ư?... Cậu muốn giữa tôi với Oscar xảy ra điều gì mới nào?
- Bác trai vẫn chờ đợi một lời giải thích.
- Cả tôi nữa, tôi cũng vẫn đợi một lời giải thích. Suốt đời người ta chỉ đợi những lời giải thích.
- Tóm lại, Oscar cảm thấy ở trong một tình huống éo le, - ta lại nói và hơi khó chịu.
- Nhưng cậu ơi, cậu biết rằng chẳng có gì tồn tại dằng dai hơn là những tình huống éo le. Công việc của những nhà tiểu thuyết các cậu là tìm cách giải thích những tình huống ấy. Trong cuộc đời chẳng có gì giải quyết được hết; tất cả đều tiếp tục. Người ta ở trong tình thế không rõ ràng; và người ta chẳng hiểu đầu đuôi ra sao cho tới khi xuôi tay nhắm mắt; trong khi đó, cuộc đời vẫn tiếp tục, tiếp tục, hệt như không có việc gì xảy ra. Và về chuyện này người ta cũng đành cam chịu, như mọi chuyện khác... như mọi chuyện ở đời. Thôi, chào cậu.
Ta vô cùng khổ tâm khi nghe vang lên một số âm hưởng mới lạ ta phát hiện thấy trong giọng nói của bà, như kiểu khích bác, buộc lòng ta phải nghĩ (có lẽ không phải ngay lúc ấy, mà là khi nhớ lại cuộc trò chuyện của hai người) là về những mối quan hệ của ta với Olivier, Pauline đành cam chịu chẳng dễ dàng như bà nói; chẳng dễ dàng như mọi chuyện khác. Ta muốn tin rằng không hẳn là bà chê trách những mối quan hệ ấy; thậm chí về một số mặt nào đó bà còn lấy làm mừng, như bà để lộ ra cho ta thấy; nhưng không vì thế mà bà chẳng cảm thấy ghen tị, tuy có lẽ bà không thú nhận với lòng mình.
Đó là lời giải thích duy nhất ta tìm thấy để giải thích tại sao bà lại đột ngột phản ứng như thế, phản ứng ngay lập tức, và về một vấn đề thực ra bà chẳng mấy quan tâm. Cứ như là lúc đầu bà đã quá rộng lượng với ta, và vừa dốc nốt chút lòng khoan dung sót lại, nên bây giờ chẳng còn gì nữa. Do đó mà có những lời lẽ nặng nề, hầu như quá đáng, khi nghĩ lại chắc bản thân bà cũng phải ngạc nhiên, và qua những lời lẽ ấy lộ ra sự ghen tị của bà.
Tóm lại, ta băn khoăn chẳng biết một người phụ nữ mà không cam chịu thì sẽ ra sao? Ta muốn nói: một “người phụ nữ đức hạnh”... Như thể cái mà người ta gọi là “đức hạnh” ở người phụ nữ, không phải bao giờ cũng hàm ý cam chịu!
Đến chập tối, tình trạng của Olivier bắt đầu khá lên trông thấy. Nhưng sự sống trở lại kéo theo nỗi lo lắng. Ta tìm cách làm anh yên tâm.
Cuộc quyết đấu của anh ư? Dhurmer đã bỏ trốn về nông thôn. Mà người ta không thể đuổi theo hắn được.
Tờ tạp chí? Đã có Bercail lo liệu.
Những đồ dùng anh còn bỏ lại ở nhà Passavant? Đây là điểm khó xử nhất. Ta đành phải nói thật là Georges chưa lấy về được; nhưng ta hứa là ngày mai tự ta sẽ đến lấy mang về. Hình như anh sợ Passavant giữ làm tin; điều đó ta không thể chấp nhận một giây phút nào cả.
Hôm qua ta đang nấn ná ngoài phòng làm việc sau khi viết xong mấy trang đó thì nghe thấy tiếng Olivier gọi. Ta chạy vội ngay tới.
- Cháu lẽ ra đã đến với cậu, nếu như không yếu quá, - anh bảo ta. - Cháu muốn trở dậy, nhưng vừa đứng lên là chóng mặt quay cuồng và chỉ sợ ngã. Không, không, cháu không cảm thấy yếu đi; trái lại... Nhưng cháu có chuyện cần nói với cậu. Cậu phải hứa với cháu một điều... Là không bao giờ tìm hiểu tại sao hôm kia cháu lại muốn tự tử. Cháu nghĩ là bản thân cháu cũng chẳng rõ đâu. Cháu muốn nói ra, đúng thế! Nhưng lại không thể nói được... Nhưng cậu đừng nên nghĩ là do một nguyên nhân bí ẩn nào đó trong đời cháu, một nguyên nhân nào đó mà cậu không biết chăng.
Rồi hạ thấp giọng:
- Cậu cũng đừng cho rằng do tại xấu hổ...
Tuy hai cậu cháu ngồi trong bóng tối, anh vẫn úp mặt vào vai ta.
- Và nếu cháu có xấu hổ, chính là xấu hổ về bữa tiệc tối hôm ấy; về chuyện say rượu của cháu, về thái độ nóng nảy của cháu, về những giọt nước mắt của cháu; và về những tháng hè vừa qua;... và vì đã không chịu nghe lời cậu.
Rồi anh khẳng định là từ nay anh không muốn nhận ra bản thân mình trong mọi chuyện đó nữa; là mọi chuyện đó, anh đã muốn giết, anh đã giết chết, anh đã xóa đi khỏi cuộc đời mình.
Ta cảm thấy tình trạng sức khỏe yếu ớt ngay cả trong sự sôi nổi của anh, và ta vỗ về anh như vỗ về một đứa trẻ. Có lẽ anh cần nghỉ ngơi; thấy anh im lặng, ta hy vọng là anh chợp mắt đi được; nhưng cuối cùng ta lại nghe thấy anh thì thầm:
- Ở bên cậu, cháu sung sướng quá không sao ngủ được. Mãi đến sáng anh mới để ta đi ra.”