S
áng hôm ấy, Bernard đến từ sớm. Olivier còn đang ngủ. Cũng như mấy hôm trước, Bernard ngồi ở đầu giường bạn với một quyển sách, khiến Édouard có thể tạm dừng việc trông coi người ốm để đi đến nhà Bá tước De Passavant như ông đã hứa. Vào giờ sáng sớm này, chắc chắn sẽ gặp được y.
Mặt trời chói lọi; một làn gió mạnh bứt nốt những chiếc lá cuối cùng trên cây. Tất cả đều có vẻ thanh khiết, xanh trong. Đã ba hôm nay, Édouard chưa bước chân ra khỏi nhà. Một niềm hân hoan bao la làm ông nở ruột nở gan; và thậm chí ông cảm thấy toàn bộ cơ thể ông như chiếc phong bì đã bóc ra và không còn gì bên trong, đang bay chập chờn trên biển cả bao la, trên đại dương tuyệt vời của tình thương. Tình yêu thương và thời tiết đẹp mở rộng các đường biên của chúng ta đến vô tận như thế đấy.
Édouard biết là cần phải có một chiếc ô tô để chở đồ đạc, hành lý của Olivier về; nhưng ông chẳng vội tìm ô tô; ông thích được cuốc bộ. Tình trạng thân thiết ông cảm thấy giữa mình với toàn bộ thiên nhiên xung quanh không chuẩn bị cho ông chạm trán với Passavant. Ông nghĩ bụng là phải ghét cay ghét đắng y; ông duyệt lại trong đầu mọi nỗi bực dọc của mình, nhưng ông không cảm thấy nhức nhối nữa. Gã đối thủ mà mới hôm qua ông còn căm ghét, ông vừa hất cẳng nó xong, hất cẳng hoàn toàn đến mức ông không thể ghét nó lâu hơn được. Ít ra là sáng hôm nay ông không thể ghét nó. Mặt khác, ông cho rằng chẳng nên để hở ra tí gì về thái độ quay ngoắt ấy, vì nó có thể tiết lộ niềm hạnh phúc của ông, nên ông muốn tránh mặt còn hơn là xuất đầu lộ diện với thái độ hỉ hả. Thật ra, việc quái gì cứ phải đích thân ông, là Édouard, đi tới đấy? Ông sẽ tới phố Babylone và đòi đồ đạc của Olivier với tư cách nào? Rõ thật là ôm công vác việc một cách thiếu chín chắn; ông vừa đi vừa nghĩ bụng, và sẽ làm người ta đoán già đoán non được là Olivier chọn đến ở nhà ông; đấy chính là điều mà ông muốn giấu... Rút lui thì quá muộn rồi, ông đã hứa với Olivier. Thôi thì cần phải hết sức lạnh lùng, hết sức cứng rắn khi giáp mặt với Passavant. Một chiếc taxi đi qua, ông lên tiếng gọi.
Édouard hiểu rất ít về Passavant. Ông không biết tí gì về một trong những nét tính cách của hắn. Passavant chẳng bao giờ để bị bất ngờ và không chịu mang tiếng bị lừa. Để khỏi phải thừa nhận những thất bại, hắn luôn luôn làm ra vẻ là đã mong mỏi cảnh ngộ của mình; và dù xảy ra chuyện gì với hắn đi nữa, hắn vẫn khẳng định là chính hắn đã muốn như vậy. Từ khi hiểu rằng Olivier tuột khỏi tay mình, hắn chỉ lo sao giấu giếm nỗi căm hờn. Hắn không hề tìm cách níu kéo anh để có thể trở thành lố bịch, mà lại nhún vai làm ra vẻ ta đây cứng rắn. Những cảm xúc của hắn chẳng bao giờ mãnh liệt quá đến mức không kìm lại được. Đó là điều mà một số người lấy làm sung sướng, tuy họ không đồng ý thừa nhận rằng họ làm chủ được bản thân mình do tính cách mạnh mẽ thì ít, mà thường là do khí chất của họ nghèo nàn. Tôi tránh không khái quát; xin hiểu cho điều tôi vừa nói chỉ là vận dụng vào Passavant. Vậy hắn ta chẳng khó khăn gì mà không tự thuyết phục là chính mình đã chán ngấy Olivier; là trong hai tháng hè vừa qua, hắn đã khai thác cạn kiệt những cái hấp dẫn của một mối quan hệ có thể làm vướng chân hắn trên đường đời; là xét cho cùng hắn đã đánh giá quá cao vẻ đẹp trai, nét duyên dáng và trí thông minh của thằng bé đó; là nay đã đến lúc hắn phải mở mắt ra để thấy rằng phó thác việc điều khiển tờ tạp chí cho một anh chàng trẻ măng và chưa từng trải như vậy thì bất lợi ra sao. Suy đi tính lại, Strouvilhou sẽ gánh vác công việc ấy tốt hơn nhiều, với tư cách là chủ bút, tất nhiên. Hắn vừa viết thư cho y và gọi y đến sáng hôm nay.
Cần nói thêm là Passavant hiểu lầm về nguyên nhân vì sao Olivier bỏ cuộc. Hắn nghĩ là đã khơi dậy lòng ghen tuông của anh khi tỏ ra quá vồn vã với Sarah; ý nghĩ ấy mơn trớn bản tính tự phụ của hắn, hắn hỉ hả; nỗi bực mình của hắn nhờ thế mà dịu đi.
Vậy là hắn đợi Strouvilhou; và vì hắn đã ra lệnh mở cửa cho vào ngay lập tức, nên Édouard được lợi là vào gặp thẳng Passavant mà không cần thông báo trước.
Passavant không hề để lộ nỗi ngạc nhiên. May mắn là vai kịch hắn phải diễn phù hợp với bản tính tự nhiên của hắn và chẳng làm cho đầu óc hắn hoang mang. Édouard vừa trình bày xong lý do đến thăm, hắn liền nói luôn:
- Tôi thật lấy làm sung sướng về những điều ông vừa cho biết. Vậy ra thế thật ư? Ông vui lòng cáng đáng anh chàng ấy ư? Ông không thấy phiền toái quá chứ?... Olivier là một chàng trai dễ thương, nhưng sự có mặt của anh ta ở đây bắt đầu làm tôi khó chịu kinh khủng. Tôi không dám để lộ ra cho y cảm thấy điều đó; y dễ ưa quá... Và tôi biết là y không muốn trở về nhà cha mẹ... Cha mẹ, phải thế không, một khi người ta đã bỏ đi... Nhưng mẹ y hình như là chị em cùng cha khác mẹ với ông chứ gì?... Hoặc đại loại như thế? Olivier đâu như đã có lần kể cho tôi nghe. Vậy còn gì tự nhiên hơn là y đến ở tại nhà ông. Chẳng ai có thể cười cợt được (còn hắn thì lại không quên mỉm cười khi nói mấy lời đó). Ở nhà tôi, ông biết đấy, sự có mặt của y gây rắc rối hơn. Vả chăng đấy là một trong những lý do khiến tôi ao ước y ra đi thì hơn... Tuy rằng tôi chẳng có thói quen quan tâm đến dư luận công chúng bao nhiêu. Không, đây là vì lợi ích của y, chứ không phải là...
Cuộc trò chuyện bắt đầu như thế chẳng phải là tồi; nhưng Passavant không cưỡng lại được nỗi thích thú rỏ vài giọt thuốc độc nham hiểm của hắn vào niềm hạnh phúc của ông Édouard. Hắn luôn luôn có dự trữ; ai biết được chuyện gì có thể xảy ra...
Édouard cảm thấy không còn giữ được kiên nhẫn nữa. Nhưng chợt ông nhớ đến Vincent, mà chắc là Passavant có được tin tức. Đúng là ông đã quyết không nói gì với Douviers về Vincent, nếu Douviers đến hỏi ông; nhưng để có thể né tránh tốt hơn những gì gạn hỏi, ông cho rằng bản thân mình nắm được tin tức thì càng hay; điều đó sẽ củng cố quyết tâm của ông. Ông liền chộp lấy cái cớ này để lái sang chuyện khác.
- Vincent không viết thư cho tôi, - Passavant nói, - nhưng tôi nhận được một bức thư của Lady Griffith - ông biết đấy; cô nàng thế chân ấy mà, - trong thư cô nàng kể với tôi rất dài về anh ta. Này thư đây... Thế nhưng tôi chẳng hiểu vì sao ông lại không nắm được.
Hắn đưa bức thư cho ông. Édouard đọc:
“25 tháng Tám
My dear44,
Chiếc du thuyền của Hoàng thân sẽ lại ra đi từ Dakar45 mà không có chúng tôi. Ai biết được chúng tôi sẽ đang ở đâu khi chiếc du thuyền chuyển được lá thư này đến tay mình? Có thể là đang ở trên bờ sông Casamance46 là nơi Vincent muốn tới để sưu tập cây cỏ, còn tôi thì để đi săn. Tôi chẳng biết là tôi đưa chàng đi hay chàng đưa tôi đi; hay là quỷ phiêu lưu nó quấy rầy cả hai đứa chúng tôi như vậy thì đúng hơn. Chúng tôi đã làm quen với quỷ buồn phiền ở trên tàu, và quỷ buồn phiền giới thiệu chúng tôi với quỷ phiêu lưu...
Ồ! Cần phải sống trên một chiếc du thuyền thì mới hiểu được thế nào là nỗi buồn phiền. Vào những ngày sóng to gió lớn, cuộc sống ở đấy còn chịu đựng được; ai nấy cùng lắc lư với con tàu. Nhưng từ mỏm Ténériffe trở đi, không một hơi gió thoảng, không một làn sóng biển lăn tăn.
44 Mình thân mến. (Tiếng Anh trong nguyên bản).
45 Dakar là một thành phố ở Sénegal.
46 Casamance là một con sông ở nước ấy.
... tấm gương bao la
Soi niềm tuyệt vọng của ta.
Và mình có biết từ lúc đó tôi làm gì không? Làm cái việc ghét Vincent. Đúng thế, mình ơi, chúng tôi thấy tình yêu có vẻ nhạt nhẽo quá, nên quyết định chọn con đường ghét nhau. Nói cho đúng, chuyện này đã bắt đầu xảy ra trước đó khá lâu; đúng thế, ngay từ khi chúng tôi xuống tàu; mới đầu chỉ là sự bực bội, một nỗi ác cảm ngấm ngầm, không ngăn được hai đứa vật nhau giáp lá cà. Với trời yên biển lặng, cuộc chiến trở nên dữ dội. Chà! Bây giờ thì tôi biết cảm thấy say đắm ai là như thế nào...”
Thư còn dài.
- Tôi không cần đọc thêm nữa, - Édouard nói khi trả lại lá thư cho Passavant. - Bao giờ anh ấy trở về?
- Lady Griffith không nói đến chuyện trở về.
Passavant nẫu ruột nẫu gan thấy Édouard tỏ ra không thiết đọc lá thư. Hắn đã cho phép ông đọc thư mà ông hờ hững, hắn xem đó là một sự lăng nhục. Hắn dễ dàng khước từ sự mời mọc của người khác, nhưng không chịu nổi sự mời mọc của hắn bị coi thường. Bức thư này đã làm cho hắn vô cùng khoái trá. Hắn duy trì chút tình cảm nhất định với Lilian và với Vincent; thậm chí có thể sẵn sàng làm ơn cứu giúp hai người; nhưng tình cảm nguội lạnh đi ngay lập tức khi người ta không cần đến nó nữa. Từ bỏ hắn ra đi, hai anh chị đó chẳng giong buồm được tới bến bờ hạnh phúc, hắn liền nghĩ: đáng đời lắm.
Còn Édouard, niềm hân hoan ban sáng của ông thành thực quá nên ông không thể không cảm thấy khó chịu trước việc miêu tả những tình cảm giận dữ. Vì chẳng thích thú gì nên ông đã trả lại bức thư.
Passavant cần thiết giành lại thế chủ động ngay lập tức:
- À, tôi còn muốn nói với ông điều này: ông biết là tôi đã tính giao việc điều khiển một tờ tạp chí cho Olivier chứ? Tất nhiên chuyện đó bây giờ không đặt ra nữa.
- Dĩ nhiên là như vậy, - Édouard đập lại; Passavant giải tỏa cho ông mối bận tâm lớn mà hắn đâu có biết. Qua giọng nói của Édouard, hắn hiểu ra là mình vừa tạt bóng cho ông, nên buột miệng nói luôn:
- Đồ đạc của Olivier bỏ lại hiện ở trong phòng của y. Ông có chiếc xe taxi, chắc là thế phải không? Người ta sẽ chuyển đồ đạc ra xe. À này, sức khỏe của y ra sao?
- Rất tốt.
Passavant đã đứng lên. Édouard cũng đứng lên theo. Cả hai chào từ biệt nhau hết sức lạnh lùng.
Édouard đến thăm vừa làm cho Bá tước De Passavant bực mình ghê gớm:
- Chà chà! - Hắn thốt lên khi thấy Strouvilhou bước vào.
Tuy Strouvilhou chống lại hắn, nhưng Passavant cảm thấy thoải mái với y, hay nói cho đúng hơn: hắn xử sự thoải mái. Rõ ràng hắn phải tiếp xúc với một đối thủ đáng gờm, hắn biết lắm, nhưng hắn tin vào thế mạnh của hắn và ngứa ngáy muốn thể hiện điều đó.
- Anh Strouvilhou thân mến, mời anh ngồi, - hắn nói khi đẩy một chiếc ghế bành về phía y. - Tôi thật sự vui mừng được gặp lại anh.
- Ngài Bá tước đã gọi cho tôi. Tôi xin đến hầu ngài đây.
Strouvilhou sẵn sàng làm bộ đầy tớ ngạo mạn với hắn; nhưng Passavant đã quen với những cung cách của y rồi.
- Đi thẳng vào việc nhé; đã đến lúc xuất đầu lộ diện đi thôi, như người ta vẫn nói. Anh đã làm khá nhiều nghề. Hôm nay tôi muốn đề nghị với anh một địa vị thật sự của nhà độc tài. Cần nói luôn rằng đây chỉ là vấn đề văn chương.
- Chẳng sao. - Rồi khi thấy Passavant chìa cho y bao thuốc lá: - Nếu ngài cho phép, tôi ưng dùng...
- Tôi chẳng cho phép đâu. Với loại xì gà lậu ghê tởm của anh, anh sẽ làm nồng nặc căn phòng của tôi mất thôi. Tôi chẳng bao giờ hiểu nổi tại sao người ta lại thích thú hút cái thứ đó.
- Chà! Tôi không thể nói là tôi mê nó như điếu đổ. Nhưng nó làm phiền những người bên cạnh.
- Vẫn hay gây sự chứ?
- Dù sao có lẽ cũng chẳng nên coi tôi là một kẻ ngu đần. Và không trả lời trực tiếp vào đề nghị của Passavant, Strouvilhou nghĩ là nên biện minh và nói rõ quan điểm của mình thì hơn; sau đó sẽ hay. Y tiếp tục:
- Lòng bác ái chưa bao giờ là chỗ mạnh của tôi.
- Tôi biết, tôi biết, - Passavant nói.
- Cả tính ích kỷ nữa. Và đấy là điểm ngài chưa biết rõ... Hình như họ muốn làm chúng ta tưởng rằng con người không có lối thoát nào khác ra khỏi tính ích kỷ, ngoài một lòng vị tha còn gớm ghiếc hơn! Tôi thì cho rằng nếu có cái gì đấy bỉ ổi hơn con người, và đê hèn hơn, thì đấy là số đông người. Chẳng có lý lẽ nào có thể thuyết phục được tôi là đem cộng những cá thể nhớp nhúa lại sẽ cho ra được một tổng thể tuyệt vời. Chẳng lần nào bước chân lên xe điện hoăc xe lửa mà tôi không ao ước xảy ra một tai nạn khủng khiếp biến cái đám người rác rưởi đó thành một đống nhão nhoét; ồ, kể cả tôi, tất nhiên; chẳng lần nào bước vào rạp hát mà tôi không thèm muốn tất cả sập đổ xuống hoặc một trái bom nổ tung; và dù có phải tan xác cùng với trái bom, tôi sẵn sàng mang theo nó trong áo của tôi, nếu tôi không dành cái thân tôi cho việc gì tốt hơn. Ngài bảo sao?
- Không, có gì đâu, anh cứ nói tiếp đi, tôi nghe đây. Anh không phải loại diễn giả cứ phải chờ ngọn roi phản bác mới phóng đi.
- Là vì tôi cứ tưởng nghe như ngài mời tôi một cốc porto vô giá của ngài.
Passavant mỉm cười.
- Và anh cứ việc giữ lấy cả chai bên cạnh anh, - hắn vừa nói vừa đưa chai rượu cho y. - Muốn uống hết cũng được, nhưng anh nói đi.
Strouvilhou rót đầy cốc, ngồi bảnh chọe trong một chiếc ghế bành sâu và bắt đầu:
- Chẳng biết có phải tôi có cái mà người ta gọi là trái tim khô khan hay không; tôi phẫn nộ quá nhiều, chán ngấy quá nhiều nên không tin điều đó; mà cũng chẳng hề chi. Quả thật là từ lâu tôi đã kìm nén, trong bộ phận cơ thể ấy, tất cả những gì có thể làm nó mềm yếu, song chẳng phải là tôi không có khả năng ngưỡng mộ, và không có được một thứ tận tâm đến phi lý; bởi vì là một con người, tôi khinh bỉ tôi và tôi ghét tôi chẳng kém gì người khác. Đâu đâu tôi cũng nghe người ta nhắc đi nhắc lại luôn mồm là văn chương, nghệ thuật, khoa học, suy cho cùng đều để phục vụ cho lợi ích của loài người, và điều đó đủ làm tôi phát mửa những thứ ấy. Nhưng chẳng có gì ngăn cản tôi đảo ngược lại mệnh đề, và thế là tôi thở phào. Đúng vậy, tôi thích tưởng tượng hoàn toàn ngược lại, loài người hèn hạ là để phục vụ cho một công trình độc ác nào đấy; một gã Bernard Palissy47 (chúng ta đã bị phát ngán với cái gã đó chưa) thiêu cháy vợ con và cả chính bản thân mình, để cho một chiếc đĩa đẹp có được nước láng bóng. Tôi thích lật ngược các vấn đề; làm thế nào được, đầu óc tôi vốn như thế, đảo ngược tùng phèo chúng lên để chúng được thăng bằng hơn. Và nếu tôi không chịu đựng nổi ý nghĩ về một Đức Chúa Christ hy sinh thân mình vì sự cứu vớt bạc bẽo tất cả những con người ghê tởm kề vai sát cánh với tôi, thì tôi lại thấy có phần nào hài lòng, thậm chí như là thanh thản, khi hình dung cả đám người kia đang thối rữa để sản sinh ra một Đức Christ... tuy rằng có lẽ tôi thích thứ khác hơn, vì tất cả lời dạy bảo của Chúa chỉ có tác dụng dìm nhân loại lún sâu thêm chút nữa vào đống hỗn loạn. Nỗi bất hạnh bắt nguồn từ tính ích kỉ của bọn tàn ác. Một sự tàn ác hết lòng tận tụy khác sẽ sản sinh ra những cái lớn lao. Che chở cho những kẻ khốn khổ, những kẻ yếu đuối, những kẻ còi cọc, những kẻ thương tật là chúng ta đi lạc đường; và đấy là lý do vì sao tôi ghét tôn giáo, nó răn dạy chúng ta phải làm như thế. Bản thân những kẻ có lòng bác ái cho rằng tâm hồn được thảnh thơi khi ngắm nhìn thiên nhiên, chim muông, cây cỏ, sở dĩ lòng được thảnh thơi là vì ở tình trạng hoang dã, chỉ có những gì tráng kiện mới có thể phát triển tốt mà thôi; còn lại tất cả đều là cặn bã, dùng làm phân bón. Nhưng người ta không nhìn ra được điều ấy; người ta không muốn thừa nhận nó.
47 Người thợ gốm, nhà văn, nhà bác học Pháp sống vào thế kỷ XVI.
- Có chứ, có chứ, tôi dễ dàng thừa nhận nó. Anh cứ nói tiếp đi.
- Và ngài bảo có hổ thẹn không, có khốn nạn không... khi con người ra công cố sức để thu được những giống ngựa, giống gia súc, giống gà vịt, giống ngũ cốc, giống hoa trái tuyệt vời, còn đối với bản thân mình thì lại đi tìm sự giảm nhẹ nỗi đau khổ trong y học, tìm thứ thuốc trị tạm thời trong lòng bác ái, tìm niềm an ủi trong tôn giáo và tìm sự lãng quên trong rượu chè say sưa. Vấn đề là phải làm thế nào để cải thiện được giống nòi. Nhưng mọi sự chọn lọc đều bao hàm việc loại bỏ những cái yếu kém, và đấy là điều mà xã hội Cơ Đốc giáo của chúng ta không dám quyết. Thậm chí họ không biết đảm nhận công việc đem thiến những phần tử thoái hóa đi; mà chúng lại chính là những kẻ sinh sản đông đàn dài lũ. Có lẽ cần là cần những trại ngựa giống chứ không phải là các bệnh viện.
- Tất nhiên, anh làm tôi thú vị đấy, Strouvilhou.
- Tôi e rằng ngài hiểu lầm tôi từ nãy đến giờ, thưa ngài Bá tước. Ngài cho tôi là một kẻ theo chủ nghĩa hoài nghi trong khi tôi là đứa theo chủ nghĩa lý tưởng, là đứa theo thuyết thần bí. Chủ nghĩa hoài nghi chẳng bao giờ đem lại cái gì tốt đẹp cả. Vả chăng, người ta biết thừa là nó sẽ đưa tới đâu... tới sự khoan dung. Tôi cho những kẻ theo chủ nghĩa hoài nghi là những kẻ không có lý tưởng, không có tưởng tượng, là những đứa ngu xuẩn. Và tôi chẳng phải là không biết việc sản sinh ra nhân loại cường tráng kia sẽ thủ tiêu tất cả những gì là tế nhị, là tinh tế về phương diện tình cảm; nhưng lúc đó sẽ chẳng còn ai để luyến tiếc những sự tế nhị ấy, bởi vì cùng với những sự tế nhị, người ta sẽ thủ tiêu cả những kẻ tế nhị. Mong ngài đừng lầm, tôi cũng là đứa như người ta nói là có văn hóa, và tôi biết lý tưởng của tôi, một số người Hy Lạp xưa kia đã hé nhìn thấy; ít ra là tôi thích như vậy, và nhớ rằng con gái của Cérès là Coré, lúc xuống âm phủ thì giàu lòng thương hại các vong linh; nhưng khi trở thành hoàng hậu, vợ của Pluton, Homère chỉ còn gọi là “nàng Proserpine khe khắt”. Xem Odyssée, khúc ca thứ sáu. Một người tự do cho mình là có đạo đức thì phải “khe khắt” mới được.
- Rất mừng thấy anh trở lại với văn chương... nếu như chúng ta có lúc đã rời bỏ nó. Vậy tôi xin hỏi anh, anh Strouvilhou đạo đức ơi, liệu anh có chấp nhận trở thành một chủ bút tạp chí khắt khe hay không?
- Thực tình mà nói, thưa ngài Bá tước thân mến, tôi phải thú thật với ngài rằng trong tất cả các xú khí lộn mửa của loài người bốc ra, văn chương thuộc số các xú khí tôi kinh tởm hơn cả. Tôi chỉ thấy ở đó toàn là xu phụ, nịnh bợ. Và tôi không tin nó có thể trở thành cái gì khác, ít ra chừng nào nó còn chưa dọn sạch quá khứ. Chúng ta sống trên những tình cảm vay mượn, và bạn đọc tưởng là mình cảm nhận được, vì họ tin vào tất cả những gì được in ra, tác giả xoay xỏa trên đó như trên những ước lệ mà ông ta tưởng là nền tảng nghệ thuật của mình. Những tình cảm ấy vang lên giả dối như những đồng xèng, nhưng lại được ưa thích. Và như ta biết rằng “tiền giả đánh ngã tiền thật”, ai đưa ra cho công chúng những đồng tiền thật hình như lại bị coi là tán dóc. Trong một thế giới ai cũng gian lận cả thì con người chân thật bị xem là gã bán thuốc rong. Tôi xin báo để ngài biết, tôi mà điều khiển một tạp chí thì sẽ là để làm tung tóe tất cả ra, là để cấm không cho lưu hành những tình cảm đẹp, và những kỳ phiếu là các từ ngữ.
- Chà, tôi rất muốn biết là anh sẽ tiến hành ra sao.
- Cứ để tôi làm và ngài sẽ rõ. Tôi vẫn luôn luôn nghĩ tới chuyện này.
- Sẽ chẳng ai hiểu được và chẳng ai theo anh.
- Úi chà! Các thanh niên tỉnh táo nhất ngày nay có thừa ác cảm với tình trạng lạm phát thi ca. Họ biết rõ những cái hão huyền ẩn nấp đằng sau các nhịp điệu kỹ xảo và các âm hưởng trữ tình lặp đi lặp lại đến nhàm tai. Chỉ việc đề xướng chuyện phá hủy là thế nào cũng tìm được những kẻ ra tay. Ngài có muốn chúng ta lập một trường phái không có mục đích nào khác là phá sập tất cả không?... Chuyện đó làm cho ngài sợ ư?
- Không... nếu người ta đừng giẫm đạp lên mảnh vườn của tôi.
- Người ta có chuyện để tạm thời lo toan ở chỗ khác... Thời cơ là thuận lợi. Tôi biết những kẻ chỉ chờ đợi một tín hiệu tập hợp; những con người trẻ măng... Vâng, điều đó làm ngài hài lòng, tôi biết; nhưng tôi xin báo để ngài biết là họ không để bị lừa đâu... Tôi vẫn thường tự hỏi chẳng hiểu do sự kỳ diệu nào mà hội họa lại vượt lên trước, còn văn chương vì sao lại bị bỏ cách xa như thế? Do sự mất giá nào mà ngày nay cái vẫn quen được xem là “mô típ” trong hội họa lại bị suy sụp! Một đề tài hay! Nói thế sẽ làm người ta phì cười. Các họa sĩ không dám liều vẽ ngay cả một bức chân dung nữa, trừ phi với điều kiện là không vẽ giống một chút nào. Nếu chúng ta làm đến nơi đến chốn, và ngài cứ tin ở tôi là sẽ làm được, tôi chẳng cần đến hai năm để làm cho một nhà thơ mai kia cứ tưởng là mình bị sỉ nhục nếu người ta hiểu thơ của anh ta muốn nói cái gì. Đúng thế, thưa ngài Bá tước; ngài có muốn đánh cuộc không? Mọi ngữ nghĩa, mọi ý nghĩa sẽ bị coi là có tính chất phản thơ ca. Tôi đề nghị tiến hành bênh vực cho tính chất phi lôgich. Một tạp chí mà lấy tên là Phu quét dọn thì hay biết bao!
Passavant lắng nghe không tỏ ý phản đối.
- Anh có xếp đứa em họ48 trẻ tuổi của anh vào trong số các đồ đệ không? - Hắn nói sau một lát im lặng.
48 Trong nguyên văn: đứa cháu họ. Có lẽ in nhầm. Ghéridanisol là em họ của Strouvilhou.
- Thằng Léon, nó là một đứa trong trắng và nó rất thông thạo. Quả thật, bảo ban cho nó kể cũng thú. Trước khi nghỉ hè, nó đã thấy rằng việc vượt lên đầu những đứa giỏi trong lớp về môn dịch ngược và giật tất cả các giải thưởng là chuyện nực cười. Từ hôm khai giảng, nó ngấm ngầm chuyện gì; nhưng tôi tin ở nó và nhất là không muốn gây rầy rà nó...
- Anh dẫn nó đến tôi được chăng?
- Ngài Bá tước chỉ đùa, tôi cứ tưởng... Thế còn tờ tạp chí kia thì sao?
- Chúng ta sẽ nói lại chuyện đó sau. Tôi cần phải ngẫm nghĩ cho chín các dự định của anh. Trong khi chờ đợi, anh phải kiếm cho tôi một tay thư ký; tôi không còn ưa cái gã thư ký lâu nay của tôi nữa.
- Ngay ngày mai tôi sẽ gửi thằng Cob-Lafleur đến hầu ngài, lát nữa tôi phải gặp nó, và chắc nó sẽ được việc cho ngài.
- Thuộc loại “phu quét dọn” chứ?
- Phần nào?
- Ex uno...
- Không, xin ngài đừng căn cứ vào nó mà xét đoán tất cả bọn chúng. Thằng này là một đứa có chừng có mực. Rất tuyệt cho ngài đấy.
Strouvilhou đứng lên.
- À này, - Passavant lại nói, - hình như tôi chưa cho anh quyển sách của tôi thì phải. Tôi tiếc là không còn quyển nào thuộc lần xuất bản đầu tiên...
- Tôi không có ý định đem bán lại nên cái đó có quan trọng gì.
- Chẳng qua là in đẹp hơn.
- Ồ! Vì tôi cũng chẳng có ý định đọc nó... Xin tạm biệt. Và nếu ngài muốn: xin hẹn được phục vụ ngài. Tôi hân hạnh chào ngài.