NHẬT KÝ CỦA ÉDOUARD
"Đã mang đồ đạc về cho Olivier. Ở nhà Passavant về, bắt tay vào làm việc ngay. Niềm hứng khởi thanh thản và tỉnh táo. Nỗi vui mừng chưa từng biết đến cho tới hôm nay. Viết ba mươi trang Bọn làm bạc giả, không do dự, không gạch xóa. Như mọi phong cảnh về đêm bừng lên dưới ánh chớp bất thình lình, toàn bộ câu chuyện từ trong bóng tối hiện ra, rất khác với những gì ta đã cố bịa đặt mà không xong. Những quyển sách lâu nay ta viết, ta thấy có thể đem so sánh với những bể cạn trong các công viên, với đường biên rõ ràng, có lẽ hoàn hảo, nhưng nước trong đó bị cầm tù không sống động. Giờ đây ta muốn để mặc nước muốn chảy đi đâu thì chảy, lúc chậm, lúc nhanh, theo những lối quanh co mà ta nhất định không dự kiến trước.
X. khẳng định rằng nhà tiểu thuyết tài ba trước khi bắt tay vào cuốn sách phải biết sách ấy sẽ kết thúc ra sao. Còn ta, ta để mặc cuốn sách của ta phiêu lưu đến đâu thì đến, ta cho rằng trong cuộc sống chúng ta chẳng bao giờ bắt gặp cái gì, mà nó lại không thể được coi như điểm xuất phát mới, dù đấy là điểm kết thúc một quá trình đi nữa. “Có thể còn tiếp tục”... đấy là những từ ngữ ta muốn dùng để kết thúc quyển Bọn làm bạc giả của ta.
Douviers đến thăm. Rõ ràng đó là một anh chàng hết sức trung hậu.
Vì đã bốc quá đáng mối thiện cảm của mình, nên ta phải chịu đựng chuyện giãi bày tâm can khá khó chịu. Vừa trò chuyện với ông, ta vừa nhẩm lại với mình những lời sau đây của La Rochefoucauld49: “Tôi ít có lòng thương hại và chẳng muốn hiểu thương hại là thế nào... Tôi cho rằng tỏ ra thương hại là được rồi, và phải hết sức tránh đừng có thương hại”. Thế nhưng mối thiện cảm của ta là có thật, không thể chối cãi, và ta cảm động đến rớt nước mắt. Thực tình mà nói, ta cảm thấy những giọt nước mắt của ta an ủi ông có vẻ còn hiệu quả hơn ta dùng lời. Thậm chí ta tưởng như ông nhìn thấy ta khóc là thôi không còn thấy buồn nữa.
49 La Rochefoucauld (1613 - 1680): Nhà văn Pháp.
Ta đã quyết định dứt khoát không cho ông biết tên kẻ quyến rũ yến oanh; nhưng ta ngạc nhiên là ông không hề hỏi ta. Ta cho rằng lòng ghen tuông của ông xẹp xuống ngay khi ông cảm thấy mình không còn được Laura mến mộ. Dù thế nào đi nữa việc ông đến nhờ vả ta cũng vừa làm cho cơn ghen nguội đi chút ít.
Có cái gì đấy phi lôgich trong trường hợp của ông; ông tức mình vì anh chàng kia đã bỏ rơi Laura. Ta đã nói cho ông rõ nếu không có chuyện bỏ rơi ấy, có lẽ Laura đã chẳng quay về với ông đâu. Ông quyết sẽ yêu mến đứa trẻ như con mình đẻ ra. Những niềm vui của tình cha con, nếu không có kẻ quyến rũ, liệu có bao giờ ông được biết đến hay không? Đó là điều ta tránh nói ra với ông, bởi vì máu ghen của ông sẽ lại sôi lên khi nhớ đến những mặt yếu kém của mình. Nhưng từ đây, cái ghen chuyển sang phạm vi của lòng tự ái và ta thôi không quan tâm đến nữa.
Một Othello mà ghen tuông thì dễ hiểu; hình ảnh vợ mình vui thú với kẻ khác ám ảnh chàng. Nhưng một Douviers muốn trở nên ghen tuông, phải nghĩ là mình cần phải ghen.
Và chắc hẳn do nhu cầu thầm kín muốn tôn con người có phần nào xoàng xĩnh của mình lên mà ông ta duy trì cái dục vọng ấy trong bản thân mình. Hạnh phúc lẽ ra là cái gì có tính chất tự nhiên đối với ông; nhưng ông có nhu cầu tự tôn, và ông đánh giá cao là đánh giá cao cái đạt được chứ không phải là cái tự nhiên. Vì vậy ta đã cố sức vẽ ra với ông niềm hạnh phúc giản dị còn đáng giá hơn nỗi day dứt, và rất khó đạt tới được. Ta chỉ để ông ra về khi lòng đã được thanh thản.
Tính chất không nhất quán của các tính cách. Những nhân vật hành động đúng như người ta có thể dự kiến, từ đầu đến cuối tiểu thuyết hoặc vở kịch... Người ta cho rằng tính cách có bền vững như thế mới là hay; nhưng trái lại, ta thấy các nhân vật kiểu đó là giả tạo và bịa đặt.
Và ta không khẳng định rằng tính chất không nhất quán là dấu hiệu rõ rệt của cái tự nhiên, bởi vì ta gặp nhiều trường hợp không nhất quán một cách giả tạo, đặc biệt là ở phụ nữ; mặt khác, ta có thể khâm phục cái mà người ta gọi là “đầu óc nhất quán” ở một số người rất hiếm hoi; nhưng thường thường tính chất nhất quán ấy ở con người chỉ có khi người ta cố bám riết lấy một cách hợm hĩnh và bất chấp cái tự nhiên. Một cá nhân càng là người có bản chất hào hiệp, càng có nhiều khả năng dễ dàng thay đổi, và càng không muốn để quá khứ của mình quyết định tương lai. Cái “justum et tenacem propositi virum”50 mà người ta đưa ra cho chúng ta để làm mẫu, thường chỉ là mảnh đất chai đá, không cày cấy được.
50 Nguyên văn tiếng La tinh của Horace. Nghĩa là: "Một người đàn ông chính trực và quyết đoán".
Ta còn biết đến một loại người khác ra công cố sức tự giác rèn cho mình một tính cách độc đáo, và sau khi đã chọn được vài kiểu cách, chỉ còn lo sao chăm chăm bám riết lấy chúng mà thôi; họ luôn luôn cảnh giác và không cho phép mình được rời bỏ. (Ta nghĩ đến X. đã từ chối ly rượu Montrachet 1904 ta đưa mời và nói: “Tôi chỉ thích uống rượu Bordeaux mà thôi”. Khi ta bảo đó là rượu Bordeaux đấy, ông ta thấy rượu Montrachet ngon tuyệt).
Hồi ta trẻ hơn bây giờ, ta đi đến những quyết định mà ta cho là có dũng khí. Ta băn khoăn sao cho ta là ta thì ít, mà ta trở thành như ta mong muốn thì nhiều. Còn bây giờ ta hầu như nghĩ rằng thái độ do dự là bí quyết để khỏi già đi.
Olivier hỏi ta đang làm việc gì. Ta đã bị lôi kéo đến chỗ kể cho anh nghe về quyển tiểu thuyết của ta, thậm chí còn đọc cho anh nghe, vì thấy anh có vẻ hứng thú, những trang ta vừa mới viết xong. Ta e ngại sự đánh giá của anh vì ta biết tính khắt khe cố chấp của tuổi trẻ, và tuổi trẻ thường cảm thấy khó chấp nhận một quan điểm khác với quan điểm của mình. Nhưng vài nhận xét mà anh nem nép đánh bạo đưa ra, ta thấy có vẻ hết sức chí lý đến mức ta đã tranh thủ vận dụng luôn.
Ta cảm nhận, ta hít thở chính là do anh, chính là qua anh.
Anh vẫn còn lo lắng về tờ tạp chí anh phải phụ trách và đặc biệt về truyện ngắn viết theo yêu cầu của Passavant mà nay anh muốn chối bỏ. Ta nói với anh là Passavant đã chọn theo những khuynh hướng mới, tất sẽ phải điều chỉnh lại bảng mục lục; anh sẽ có thể đòi lại bản thảo của mình.
Ta đã tiếp ông dự thẩm Profitendieu bất ngờ đến thăm. Ông thấm mồ hôi trán và thở phì phò, mệt đứt hơi vì phải leo sáu tầng lầu của ta, nhưng xem ra có vẻ ngượng nghịu nhiều hơn. Ông khư khư cầm mũ trong tay và đợi ta mời mới ngồi xuống. Ông là một người mặt mũi phương phi, thân hình cân đối và hết sức chững chạc.
- Hình như ông là em rể của ngài chủ tịch Molinier, - ông nói với ta. - Chính là về chuyện thằng Georges con trai ông ấy mà tôi mạo muội đến gặp ông. Chắc ông vui lòng bỏ quá cho cách xử sự mà thoạt đầu có thể ông cho là soi mói, nhưng tôi hy vọng rằng tình quyến luyến và quý trọng của tôi đối với người bạn đồng sự sẽ đủ để được ông thông cảm.
Ông ngừng một lát. Ta đứng lên và hạ rèm cửa xuống vì sợ bà giúp việc là người rất tò mò và ta biết là đang ở phòng bên, có thể nghe thấy gì chăng. Profitendieu mỉm cười tán thành ta.
- Với tư cách là thẩm phán, - ông nói tiếp, - tôi phải đảm đương một vụ việc nó làm tôi khó nghĩ vô cùng. Thằng cháu trẻ tuổi của ông trước đây đã liên lụy vào một vụ dại dột... - chuyện này chỉ hai chúng ta biết với nhau thôi, phải không - một vụ dại dột khá tai tiếng, nhưng vì nó còn ít tuổi quá nên tôi muốn tin rằng thiện ý của nó, sự trong trắng của nó đã bị lợi dụng; nhưng thú thật, tôi cũng đã phải khéo léo thu xếp để... ỉm đi mà không ảnh hưởng tới uy tín của ngành tư pháp. Bây giờ tái phạm... với tính chất khác hẳn, xin nói thêm luôn như thế... tôi không dám bảo đảm là thằng Georges cũng dễ dàng thoát khỏi được như lần trước đâu. Thậm chí tôi hoài nghi không biết rằng tìm cách cứu nó có phải là tốt cho nó hay không, mặc dầu tôi rất muốn vì tình nghĩa bạn bè tránh cho ông anh rể của ông vụ tai tiếng này. Tuy nhiên tôi sẽ cố gắng xem sao; nhưng tôi có các nhân viên, ông hiểu cho, họ xem ra sốt sắng vô cùng, và chẳng phải bao giờ tôi cũng có thể cản họ lại được. Hay đúng ra, hôm nay tôi còn có thể cản lại được, nhưng đến mai, tôi sẽ không thể cản lại được nữa. Chính vì thế, tôi nghĩ là ông nên bảo cháu, nói cho nó biết là nó đang gặp chuyện rắc rối đấy...
Việc ông Profitendieu đến thăm, sao ta lại không thú nhận nhỉ, mới đầu làm ta hết sức lo lắng; nhưng từ lúc ta hiểu rằng ông đến không phải với tư cách kẻ thù, cũng chẳng phải với tư cách quan tòa, thì ta cảm thấy có phần vui vui. Ta càng vui vui hơn khi ông ta nói tiếp:
- Ít lâu nay có những đồng tiền giả lưu hành. Tôi được báo cho biết. Tôi chưa khám phá tiền giả từ đâu ra. Nhưng tôi biết là thằng Georges - hoàn toàn ngây thơ, tôi muốn tin như thế - là một trong những đứa sử dụng và lưu hành tiền giả. Chúng có mấy đứa, trạc tuổi thằng cháu ông, tham gia vào chuyện lưu hành xấu xa đó.
Tôi tin rằng người ta đã lợi dụng cái ngây thơ của chúng, và lũ trẻ không biết suy xét kia đóng vai trò những kẻ bị lừa bịp trong tay của vài tên đàn anh có tội. Chúng tôi có thể đã tóm cổ được những kẻ tội phạm vị thành niên, và dễ dàng bắt chúng khai ra nguồn gốc; nhưng chúng tôi biết thừa rằng làm quá đà một chút là có thể nói mình không còn điều khiển được vụ việc này nữa... nghĩa là công việc thẩm cứu không thể lùi lại được, và chúng tôi ở vào tình thế buộc lòng phải biết những điều mà đôi khi chúng tôi muốn đừng biết đến là hơn. Về việc này, tôi muốn khám phá ra những tên tội phạm thật sự mà không dùng đến chứng cứ của bọn vị thành niên kia. Tôi liền ra lệnh không được làm cho bọn nó lo lắng. Nhưng lệnh đó chỉ là tạm thời. Tôi muốn thằng cháu của ông đừng bắt tôi phải rút lệnh đi. Cứ cho nó biết là người ta không mù đâu. Ông dọa dẫm nó một chút thậm chí cũng chẳng phải là dở. Nó đang trượt trên một sườn dốc xấu xa...
Ta phân trần là sẽ làm hết sức mình để báo cho nó biết, nhưng Profitendieu hình như không nghe ta nói. Mắt ông lơ đãng nhìn đâu đâu. Ông nhắc đi nhắc lại hai lần: “trên cái mà người ta gọi là một sườn dốc xấu xa”, rồi im bặt.
Ta không rõ sự im lặng của ông kéo dài bao lâu. Tuy ông chẳng nghĩ ngợi gì, nhưng ta hình như nhìn thấy ý nghĩ diễu qua đầu ông, và nghe được những lời nói của ông trước khi ông thốt ra:
- Bản thân tôi cũng là một bậc cha mẹ, ông ạ...
Và thế là biến đi mất tất cả những lời lẽ ông ta nói ban đầu; giữa ta và ông chỉ còn lại Bernard mà thôi. Mọi chuyện khác chỉ là cái cớ; ông đến đây chỉ là để nói với ta về anh.
Nếu ta ngượng nghịu hoặc phiền lòng khi thấy người ta thổ lộ dạt dào hay thổi phồng quá đáng các tình cảm, thì trái lại không có gì làm ta dễ động lòng hơn là mối xúc cảm bị dồn nén này. Ông cố ra sức dằn nó xuống, nhưng phải cố gắng quá đến nỗi đôi môi và hai bàn tay run lên. Ông không thể nói tiếp được nữa. Bỗng nhiên hai tay ông ôm mặt, và nửa người trên run bần bật vì những tiếng nức nở:
- Ông thấy đấy, - ông ta ấp úng, - ông thấy đấy, thưa ông, con cái có thể làm chúng ta đến là khổ sở.
Ông ta cần gì mà phải quanh co như thế? Chính ta cũng xúc động vô cùng:
- Nếu Bernard nhìn thấy ông, - ta thốt lên, - anh ấy sẽ mềm lòng; tôi xin bảo đảm như vậy.
Tuy nhiên, ta chỉ càng thêm bối rối bội phần. Bernard hầu như chẳng bao giờ cho ta biết về cha anh. Ta đã chấp nhận việc anh bỏ nhà ra đi, vì ta nhanh chóng xem chuyện bỏ nhà ra đi tương tự như thế là hết sức tự nhiên, và có xu hướng chỉ nhìn thấy là việc này hết sức có lợi cho đứa con. Trong trường hợp Bernard lại có thêm vấn đề con hoang... Nhưng những tình cảm mà ông bố hờ của anh bộc lộ lúc này chắc chắn càng mạnh mẽ hơn vì nó không phải là vay mượn, và cũng thành thực hơn vì nó không hề bị bó buộc. Và trước tình yêu thương và nỗi buồn rầu ấy, ta buộc lòng phải tự hỏi Bernard bỏ nhà ra đi là có lý hay không. Ta không cảm thấy đồng tình với anh nữa.
- Ông cứ việc nhờ vả tôi nếu ông nghĩ rằng tôi có thể giúp ích được cho ông, - ta bảo ông, - nếu ông nghĩ rằng tôi cần phải nói với anh. Anh ấy là người tốt bụng đấy.
- Tôi biết, tôi biết... Vâng, ông có thể giúp được nhiều. Tôi biết là cháu nó đi với ông mùa hè vừa qua. Tai mắt ngành cảnh sát của tôi được tổ chức khá chu đáo... Tôi còn biết là hôm nay cháu vào thi vấn đáp. Tôi đã chọn lúc biết chắc là cháu đang phải ở trường Sorbonne để đến thăm ông. Tôi ngại không muốn giáp mặt cháu.
Từ nãy, mối xúc động của ta giảm đi, vì ta vừa nhận thấy là động từ “biết” xuất hiện trong hầu hết các câu nói của ông. Ta bỗng trở nên ít quan tâm đến nội dung những điều ông nói với ta, mà chủ yếu lại là quan sát cái đặc điểm kể trên có thể là do nếp nghề nghiệp sinh ra.
Ông nói với ta là ông còn “biết” rằng Bernard đã đỗ xuất sắc kỳ thi viết. Một viên giám khảo là chỗ bạn bè đã có nhã ý cho ông được biết về bài luận văn tiếng Pháp của con trai ông, bài ấy xem ra thuộc số những bài khá nhất. Ông nói về Bernard với thái độ như ca ngợi nhưng cố kìm nén khiến ta đâm ngợ có thể rút cục ông tưởng mình là cha đẻ của anh cũng nên.
- Lạy Chúa! - Ông ta nói thêm, - xin ông đừng đem chuyện đó kể với cháu! Cháu là đứa bản tính rất kiêu hãnh lại rất hay chạnh lòng!... Nếu cháu ngờ rằng từ ngày cháu bỏ đi, tôi vẫn luôn luôn nghĩ đến cháu, theo dõi cháu... Nhưng ông có thể cứ nói với cháu là ông đã gặp tôi. (Mỗi khi nói hết câu ông lại thở hổn hển) - Điều mà chỉ một mình ông có thể nói với cháu, là tôi không giận cháu đâu, (rồi bằng một giọng thỉu dần đi) là tôi chẳng bao giờ không yêu cháu... như yêu đứa con trai. Đúng thế, tôi biết rõ là ông biết... Điều ông có thể nói với cháu nữa... (và, không nhìn ta, ông nói một cách khó khăn trong trạng thái cực kỳ ngượng ngập) là mẹ cháu đã bỏ tôi mà đi... đúng thế... bỏ đi hẳn, mùa hè vừa rồi; và nếu như cháu, cháu nó muốn quay trở về, thì tôi...
Ông ta không nói được hết câu.
Một người đàn ông cao lớn, vạm vỡ, thiết thực, ổn định trong cuộc đời, vững chãi trên đường công danh, bỗng chốc từ bỏ mọi cung cách để thổ lộ tâm tình và giãi bày với một người xa lạ, phô bày ra với người xa lạ là một cảnh tượng hết sức khác thường. Lại thêm một lần nữa ta nhận xét thấy trong dịp này là ta dễ dàng xúc động trước những lời giãi bày ruột gan của một người xa lạ hơn là của một người thân thuộc. Ta sẽ tìm cách lý giải vấn đề này vào một dịp khác.
Profitendieu không giấu giếm là mới đầu ông có những thành kiến với ta, vì ông đã không lý giải được, và hiện vẫn chưa lý giải được tại sao Bernard đã bỏ nhà ra đi để đến với ta. Chính vì thế mà lúc đầu ông đã ngần ngại không tìm cách gặp ta. Ta không dám kể ông nghe chuyện chiếc va li, và chỉ nói đến tình bạn của con trai ông với Olivier, ta bảo ông nhờ có tình bạn ấy mà ta với Bernard đã nhanh chóng gắn bó với nhau.
- Bọn thanh niên đó, - Profitendieu lại nói, - lao vào cuộc đời mà không lường những gian nguy đang chờ đón chúng. Mù tịt không biết gì đến nguy hiểm, cái đó làm nên sức mạnh của chúng, tất nhiên. Nhưng chúng ta thì biết, chúng ta là bậc cha mẹ, ta run sợ cho chúng nó. Thái độ ân cần của chúng ta làm cho chúng nó bực tức, và tốt nhất là đừng để chúng thấy rõ quá. Tôi biết là đôi khi thái độ ân cần ấy được thể hiện ra một cách hết sức rầy rà và vụng về. Ta hãy cam chịu để cho đứa trẻ bị bỏng tay một chút còn hơn là cứ nhắc đi nhắc lại mãi với nó đừng nghịch lửa bỏng tay. Sự từng trải dạy cho người ta tốt hơn là lời khuyên bảo. Tôi luôn luôn để cho cháu Bernard được tha hồ tự do. Đến mức khiến cháu tưởng rằng, chao ôi, tôi chẳng quan tâm lắm đến cháu. Tôi sợ rằng cháu đã hiểu lầm; vì thế cháu đã bỏ nhà trốn đi. Ngay cả lúc đó, tôi nghĩ là cứ nên để cho cháu trốn đi; trong khi tôi vẫn chăm chú theo dõi cháu từ xa mà cháu không ngờ. Ơn Chúa, tôi có những phương tiện để làm việc ấy. (Rõ ràng về vấn đề này, Profitendieu lại trở nên kiêu hãnh và tỏ ra đặc biệt tự hào với tổ chức cảnh sát của ông; đây là lần thứ ba ông nói với ta về chuyện đó). Tôi cho rằng cần hết sức tránh đừng để cho cháu tưởng là hành động của mình chẳng có mấy nguy nan. Tôi có nên thú thật với ông không là hành vi bất phục tùng của cháu, mặc dù khiến tôi đau lòng, nhưng lại chỉ làm tôi gắn bó với cháu hơn? Tôi đã biết xem đấy là bằng chứng của lòng dũng cảm, của nghị lực...
Giờ đây con người ưu tú đó cảm thấy tin cậy nên nói mãi không thôi. Ta cố lái cuộc trò chuyện về vấn đề ta quan tâm hơn, nên ta cắt ngang lời ông, ta hỏi ông đã nhìn thấy những đồng tiền giả ông nói với ta lúc đầu chưa. Ta tò mò muốn biết chúng có giống cái đồng tiền nho nhỏ bằng pha lê Bernard đưa cho bọn ta xem không. Ta vừa nhắc đến đồng tiền ấy là bộ mặt Profitendieu đổi khác ngay; ông lim dim đôi mắt, trong khi từ đáy mắt bừng lên một ánh lửa kỳ lạ; những đường nhăn xuất hiện trên hai thái dương; đôi môi ông bặm lại; sự chăm chú lắng nghe kéo xếch tất cả những đường nét của ông lên phía trên. Mọi điều ông đã nói với ta lúc đầu không còn nghĩa lý gì nữa. Vị quan tòa át mất người cha, chẳng có gì tồn tại với ông nữa, mà chỉ còn lại nghề nghiệp. Ông hỏi ta dồn dập, ghi ghi chép chép và nói là sẽ phái một nhân viên sang Saas- Fée để nắm tên số khách du lịch ghi trong sổ của khách sạn.
- Tuy rằng, - ông nói thêm, - đồng tiền giả ấy có thể đã được trao cho bác chủ hiệu đồ thực phẩm khô của ông bởi một tên mạo hiểm chỉ đi ngang qua nơi đó thôi.
Ta liền đáp lại rằng Saas-Fée ở tận cùng một lối cụt và người ta không thể dễ dàng đến đấy rồi quay ra trong cùng một ngày được. Ông tỏ ra đặc biệt hài lòng về chi tiết sau cùng đó và cáo từ ra về ngay sau khi đã cảm ơn ta nồng nhiệt, vẻ mải mê, vui thích, và chẳng nói đến Georges, cũng chẳng nói đến Bernard thêm một lời nào nữa.”