Người cha bắt đầu mở cuộc hành trình vô vọng đi tìm giọt máu của mình giữa biển đời xô bồ, trôi dạt với chỉ một dấu vết nương vào là khuôn mặt hao hao, mái tóc dài buông chấm lưng như của mẹ cô ngày xưa…
Trong cuộc hành trình ấy, đúng là ông không biết bắt đầu từ đâu, bắt đầu từ điểm nào.
“Đất đai mênh mông, rừng biển ngút ngàn, sơn cước thẳm sâu, trung du trùng điệp, đồng bằng tít tắp, duyên hải mờ mịt, sáu mươi ba tỉnh thành lạ lẫm… con ở đâu? Sao con không để lại cho cha một dấu mốc nào dù là nhỏ nhất.
Ngày ấy, khi từ các trại an dưỡng trở về, cha đã mang cái thân hình xộc xệch còn găm gần chục mảnh đạn trong người chưa lấy ra được thất thểu đi tìm mẹ con ở nơi trọng điểm năm xưa. Cũng mênh mang xa ngái, cũng đớn đau vô vọng thế này. Chỉ có các cánh rừng im lìm và những sườn đồi lở loét đáp lại. Con người biến mất, cảnh vật vẫn còn, mọi khổ đau, mất mát kinh hoàng ngày nào giờ đây chỉ còn là sự tĩnh lặng đến hiu hắt, vô cảm vô tình của lá cây ngọn cỏ, dòng suối xôn xao, mãi xôn xao. Chao ôi, chiến tranh chỉ như một sự đùa nhả nham nhở của tạo hóa như thế này ư? Nhưng tự đáy sâu thấp thỏm, cha tin rằng một người như mẹ con không thể chết được. Và người ta cũng nói như vậy, mẹ con vẫn còn sống nhưng đã bị điều chuyển đi đâu đó trước ngày kết thúc tất cả chỉ chừng có dăm tháng. Điều chuyển đi đâu? Và nếu còn sống sẽ về đâu? Liệu có dám về quê không khi bỗng dưng có một đứa nhỏ ngơ ngác, xanh bủng cùng theo về? Mà quê ở đâu? Thật khốn nạn, trong cái đêm giông gió không ngờ con được hoài thai ấy, nếu đúng là con, mải tan chảy trong những cảm xúc bồng bềnh, mãnh liệt và cũng bởi lẽ giây phút cuối cùng mới được ở bên nhau, cha đã kịp hỏi cụ thể quê quán, làng xã nơi mẹ con sinh ra ở đâu đâu? Chiến tranh là thế, cái vô tâm cái đoảng vị có thể hiểu được của con người trong chiến tranh cũng là thế. Hãy tha thứ cho cha…”.
Có một điều ông không nói ra, không thể nói ra, đó là ngoài cái giá vẽ và những thứ để vẽ, ông còn mang theo tấm dù xanh có in dấu vết của em, dấu vết của cả một đời con gái đã trao hiến cho ông trong một khoảnh khắc thần linh mưa rừng gió núi. Cái dấu vết màu đỏ tươi ngày ấy giờ đã thành màu bã trầu khô kết không nổi rõ hình hài. Ông mang nó đi như mang một kỷ vật thiêng liêng, hơn thế ông tin rằng, nó sẽ là một chiếc la bàn tâm linh hướng dẫn ông đi đúng đường đúng nẻo để tìm được cái cần tìm.
“Con ơi…”.
***
Chỉ đến khi người đàn bà đó bỏ đi…
Người đàn bà nào? Ai bỏ đi? Thật lòng ông không còn nhớ gì nữa. Nó giống như một cơn ác mộng bất thần ập xuống rồi lại tan. Chỉ mang máng biết rằng, vào cái lúc cuộc đi tìm người năm xưa của ông đang chìm vào vô vọng và ông vẫn còn đang rất nổi tiếng, có một cô học trò xinh đẹp, gia đình giàu có đã ngày ngày đến đi chợ, nấu cơm, cho ông ăn. Cô nói: “Để một người như thầy mà ngày ngày cơm đường cháo chợ như vậy là sự xúc phạm không thể tha thứ được của những người hâm mộ, trong đó có em”.
Cô nhớ cả ngày sinh của ông nữa. Và câu chuyện xảy ra đúng vào cái giờ khắc chết giẫm ấy. Sau bữa ăn có cả hoa, nhạc và rượu, trong nỗi hoài niệm cô đơn tột cùng, ông đã uống say và cô ta cũng say, nhất định không chịu về. Thế là cái gì phải xảy ra đã xảy ra. Hôm sau cô dọn đến ở hẳn với ông, chăm sóc, chiều chuộng ông còn hơn cả người vợ.
Rồi ông bắt đầu đập mặt vào hàng loạt các sự cố cuộc đời và lòng người. Tên tuổi mờ dần, tranh không ai mua, sức khoẻ sa sút và kinh khủng hơn là cái mảnh đạn quái ác trong sọ bắt đầu hành hạ ông trở lại. Chỉ trong vòng có hơn một năm mà bạn bè không ai còn nhận ra ông nữa, gầy rộc, võ vàng, nước da vàng xuộm, uống nhiều hơn ăn, đầu đau như búa bổ, thỉnh thoảng lại bỏ đi lang thang trong đêm như một kẻ mộng du khốn cùng. Có buổi sáng sớm, bà quét rác nhìn thấy ông nằm bất tỉnh ngay trên vỉa hè, đầu chúi xuống đất. Hốt hoảng bà chạy đến báo cho cô ta. Cái miệng cô ta đanh lại: “Cứ kệ ông ấy, thân làm tội đời cho chết!”.
Và trưa hôm ấy cô ta nấu cho ông một bữa cơm cuối cùng khá tươm tất với câu nói như nhai chữ: “Trước đây vì yêu ông, ngưỡng mộ tài năng của ông tôi mới dọn đến ở với ông nhưng bây giờ con người ông đã làm tôi hoàn toàn thất vọng. Nếu ông biết mỗi lần phải làm tình với ông, tôi chỉ thấy ghê tởm và mỗi bữa ngồi ăn cùng ông, tôi không thể nuốt được. Vậy mà đêm đêm nằm cạnh tôi, ông còn nói mớ đến con đàn bà khác. Tôi thù ông, hận ông và khinh bỉ ông…”.
Chả biết có khinh bỉ thật không nhưng rõ ràng ông thấy cô ta nấc lên và nước mắt chảy ra giàn giụa. Sáng hôm sau cô ta bỏ đi. Thế là xong, cũng coi như đã có một đời vợ.
Chỉ tiếc, nếu không có con vợ hờ chẳng lưu lại trong ông một chút hình ảnh, dư vị gì hết ấy thì biết đâu em đã gõ cửa tìm ông và biết đâu cũng có thể giờ này em vẫn còn đang có mặt trên đời… “Thủy ơi!”.
Rồi sau này khi lớn lên, không hiểu sao nó cũng có những dấu hiệu thích theo nghề của bố…
Theo nghề… Lời nói ấy đã khiến ông bừng tỉnh và quyết định lang thang vào tất cả các trường đào tạo mỹ thuật từ đại học đến cao đẳng, từ cao cấp đến trung cấp, từ các thành phố lớn đến các tỉnh thành nhỏ, miễn là nó có dính dáng đến hai chữ: Tạo hình.
Bắt đầu là Hà Nội. Ông tạt vào Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, một trung tâm đào tạo có quy mô và đẳng cấp, bề dày truyền thống đứng đầu cả nước mà cách đây nhiều năm ông cũng từng là sinh viên tốt nghiệp đi thẳng vào chiến trường. Tất nhiên ông đủ tỉnh táo để không làm kẻ lẩn thẩn chui đầu vào phòng đào tạo mà hỏi này hỏi nọ, vì ông có biết tên họ con bé là gì đâu? Và nếu có dò từ tên mẹ trong hồ sơ thì cũng vậy bởi cái tên Thủy của em cũng chỉ là tên biệt danh nơi trận mạc như mọi tên khác, còn tên thật là gì ông đâu có kịp hỏi. Chả lẽ lại ngơ ngẩn đi tả hình dáng, khuôn mặt, mái tóc à? Càng dở hơi. Con gái Hà thành, sinh viên Hà thành cô nào chả có những nét hao hao giống nhau.
Còn đi tìm hỏi những bạn bè cùng thời hay tên tuổi những giáo viên, giáo sư danh tiếng đã từng dạy ông ư? Đã có ý hỏi và thậm chí đã hỏi nhưng không còn một ai tồn tại ở đây nữa. Số chuyển ngành, chuyển vùng, số hy sinh, số mất vì tuổi già, số về hưu không biết đang ẩn náu ở góc khuất nào trong dòng đời. Mà dẫu có hỏi thì chắc cũng chả ăn thua gì! Lại: “Thế à? Tóc dài áo trắng à? Xinh xắn dịu dàng à? Ai nhỉ? Cô nào nhỉ? Trường này mỗi năm tuyển sinh vào cả trăm, tóc dài áo trắng, xinh xắn dịu dàng thì cũng có tới vài chục, làm sao biết nếu không có tên tuổi, quê quán?”.
Thế là cuối cùng, y sì dáng dấp một người cha đau khổ hoặc một người đàn ông thất tình, ông chỉ còn cách sáng sáng ra đứng nép ở cổng trường đón từng tốp sinh viên đi vào và chiều chiều lại đón các tốp sinh viên đi ra. Không có một ai mặc áo dài cả, cũng không có một ai có mái tóc thả đến lưng hết. Sinh viên thời nay họ ăn mặc thoải mái thật, hầu hết là áo phông quần bò, có cô vận quần soóc, quần rách gối, tóc tai thì cắt ngắn ngủn, thậm chí còn để tém như con trai.
Có, duy có một lần thấy mấy cô vận áo dài đủ màu đi ra, ông đã đứng tim nhao đến trố mắt nhìn nhưng không phải, không có ai mang khuôn mặt ấy và hầu hết đã lớn tuổi. Qua câu chuyện lao xao của họ, ông hiểu đây là một tốp nghiên cứu sinh vừa bảo vệ xong luận án thạc sĩ hay tiến sĩ gì đó mà trên tay còn cầm những bó hoa tươi rói và trên trán còn có cả lấm tấm những giọt mồ hôi.
Đến chiều ngày thứ ba, đang cóm róm đứng dưới gốc cây như thế thì một nhân viên bảo vệ bước ra, nhìn ông từ đầu tới chân như nhìn một con quái thú thời tiền sử, hất hàm hỏi:
- Ê, ông già! Ông tính làm cái trò gì ở đây mà rình mò suốt thế? Đi đi, sinh viên ở đây nghèo lắm, không có gì để ông chôm chỉa đâu.
Ông cười méo xẹo. Trời đất, thì ra mình giống một tay chôm chỉa mạt hạng lắm sao? Chả lẽ lại nói mình đi tìm con để họ cười vào mũi cho ư?
- Không… chỉ là tôi vốn là cựu sinh viên ở đây, lâu lâu nhớ trường đến tìm lại tý kỷ niệm thôi.
Người nhân viên bảo vệ lại quét mắt nhìn ông ngược lại từ chân lên đầu, trố mắt:
- Cựu sinh viên?... Tức là ông cũng là họa sĩ?... Sao nhìn ông chả có mẩu họa sĩ nào. Thời buổi này người ta chỉ đi tìm dự án, tìm hợp đồng hay đi tìm gái bao chứ ai lại đi tìm… kỷ niệm. Mà thôi, tìm đủ rồi thì đi đi không cái mụ trưởng phòng hành chính không chồng khó tính ấy lại rầy la bọn này mệt lắm. Mà đã rầy la rồi đó, rằng đây có phải là cái rốn chợ đâu mà mấy người cho ai lảng vảng cũng được!
Đúng là rốn thật! Rốn chợ, rốn đời, rốn nghệ thuật… Phải chăng ngôi trường ngày xưa vốn là ước mơ, là khát vọng của tuổi trẻ này giờ đây đang bị con quái thú thị trường gặm nát để cho các cô cậu sinh viên không thi đậu nổi vào các trường có mùi lợi nhuận nào thì mới đành ghé chân trèo vào đây gọi là kiếm tạm tấm bằng đại học cho ấm hồ sơ.
Cám ơn! Cám ơn cái rốn, mình cũng đang là một thứ rốn ung mủ hoài niệm bắt đầu chuyển sang giai đoạn hoại tử đây. Hơ!”.
***
Như con bạc vào kỳ khát nước, không nản chí, ông bèn chuyển qua Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp rồi qua luôn cả Cao đẳng Sư phạm nhạc họa nữa… Nơi đây sinh viên rõ ràng có vẻ vào ra tấp nập và nhiều màu sắc hơn. Bất kể trời mưa hay trời nắng, bất kể đói hay no, ông lại rình rập, lại nín thở, lại trố mắt nhìn, thậm chí đứng chắn ngay ở trước cửa vì sợ sẽ bỏ sót một bóng hình nào, đúng là chả khác gì một tên ăn trộm hay một gã đang vào cơn tâm thần phân liệt thật.
Nhưng không ăn thua. Tất cả vẫn bảng lảng, mờ nhoà, bặt vô âm tích. Hàng trăm hàng ngàn lượt các cô gái đi qua song vẫn không tìm ra một khuôn mặt nào hao hao khuôn mặt của con bé cả. Đứa thì hao hao dáng dấp nhưng lại khác mặt, đứa na ná giống mặt nhưng lại hoàn toàn khác dáng dấp. Vẻ thất vọng đục sâu vào đôi mắt đã mờ giờ đây càng mờ thêm.
Đến nỗi có một cô gái vẻ như là sinh viên của Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội từ trong đi ra, ngập ngừng đi đến, ngồi xuống bên ông ở ngay lề đường, giọng ái ngại:
- Bác ơi… Bác gì ơi! Hình như bác đang tìm ai phải không ạ? Cháu thấy mấy hôm nay rồi bác toàn ngồi ở đây…
Ông đưa mắt nhìn cô gái lom lom một chút, đôi môi khô nhám định mấp máy một điều gì đó nhưng rồi lại thôi, chỉ thiểu não gật đầu. Biết trả lời cô ta thế nào nhỉ? Vẫn mịt mù lênh loang, có nói cũng chỉ chuốc thêm sự dớ dẩn, hài hước của người hỏi. Tốt nhất là im lặng.
Cô gái lại hỏi:
- Bác tìm con hay cháu à?
Ông lại chỉ lặng lẽ gật đầu mà không nói thêm câu gì.
- Bác… Nếu đúng thế thì hay là bác nhờ người đăng lên báo theo cái kiểu giống như mục tìm người nhà xem sao?
Lần này thì ông lắc đầu. Điều cô gái nói ông đã nghĩ đã làm, làm một cách tỉ mẩn nữa là khác nhưng tấm chân dung cô gái ông tự ký họa bằng trí nhớ trong khoảnh khắc chấn động ấy chỉ mới trưng ra ông đã nhận được những cái lắc đầu dửng dưng hoặc những cái nhìn xa lạ huống chi còn nói đến chuyện đăng báo, mà ai đăng, kể cả nếu có được đăng đi nữa thì, liệu ông có làm tổn thương đến nó khi bỗng dưng dồn nó đến một hoàn cảnh như người thân đi tìm kẻ tâm thần bỏ nhà đi không? Mà nó đâu có bỏ, đúng ra chính ông bỏ nó đấy chứ.
Chỉ mới nghĩ đến đó thôi ông đã muốn đập đầu vào tường. Tại sao, đúng, tại sao mình lại không hề nghĩ rằng, cái đêm rừng hôm ấy đã trở thành đêm định mệnh của cả hai người và của cả nó nữa? Đừng đổ tại chiến tranh, chả lẽ chiến tranh làm người ta đánh mất đi tất cả những cảm xúc và linh cảm thiêng liêng ư? Tức là ông hiểu cái bức chân dung ký họa con gái không giống đã đành nhưng ngay cái thần thái, điều mà với ông là một sở trường đã khiến đồng nghiệp ngưỡng mộ cũng không đủ để cho thiên hạ nhận biết. Bây giờ mà cứ trưng ra để hỏi han như lão già đi tìm trẻ lạc thì càng vô duyên, bẽ bàng quá lắm. Chán nản, ông vo viên tấm hình nhét sâu vào túi, thì ra không chỉ thần thái của khuôn mặt mẹ nó mà ngay cả mặt nó, cái nhìn của nó, khốn nạn, tưởng như đã nằm sâu trong tâm trí, chỉ cần phác vài đường nét là ra mà ông cũng không thể nào phác được.
Vả lại, có một điều nghe tưởng như vô lý nhưng lại rất có lý là, con người ta càng ám ảnh, càng nghĩ nhiều đến một ai đó thì khuôn mặt, hình hài người đó càng nhoà dần đi, thậm chí nhoà dần cả cái tên. Và ông đã khốn nạn rơi tõm vào trường hợp này.
***
Nửa đêm hôm đó, biết là sẽ không ngủ được, ông quyết định trở dậy ra ga tàu làm cú hành trình ngược trung du, sau đó xuôi về miền Trung rồi cuối cùng sẽ tẽ sang một vùng duyên hải thuộc châu thổ sông Hồng. Ông sẽ đi bằng hết những trung tâm đại học ở đó với những cái tên đã thành thân thuộc, thành niềm tự hào bấy lâu của các vùng đất cổ xưa ấy: Thái Nguyên, Thái Bình, Vinh… miễn là nó có bất cứ cái gì dính đến mỹ thuật.
Có một đoàn tàu đang xình xịch tiến vào ga. Nhưng chính tiếng còi tàu vô định như tiếng còi của những đêm chiến tranh ngày nào đưa các đoàn quân xuôi Nam như xuôi về miền vô định một đi không trở lại ấy đã khiến ông chần chừ ở bậc thềm bước lên toa. Đời đến lạ, nhiều khi chỉ vì một chi tiết rất nhỏ, một chi tiết chả dính gì đến bản chất dòng đời sôi sủi lại có thể làm tan loãng đi cả một ý đồ đã được nung nấu kỹ càng. Cũng như chỉ một tiếng trẻ thơ khóc nghẹn trong đêm cũng có thể xoá sạch đi một hành vi sát nhân của một tên có máu giết người, như một ngọn gió thu mang hương vị cốm làng Vòng ngọt dịu cũng có thể khiến cho cái tham sân si ẩn sâu trong lòng dạ con người bỗng trở nên vô nghĩa.
Tiếng còi tàu ở đây đêm nay cũng vậy. Đoàn tàu… Đoàn tàu đã vào ga… Xin mời quý khách lên tàu… Tiếng còi u khàn và tiếng nói buồn buồn như ngái ngủ của cô gái trên sân ga tiễn những người con ra đi và ai oán đón những người con không trở về ngày ấy đã làm cho bước chân của ông chựng lại. Vô ích. Vô ích hết. Sẽ không có gì trên các vùng đất đó đâu. Với giọng nói êm ru như có gió thổi vi vu ở đầu lưỡi, với cách ăn mặc nền nã thanh lịch của con bé, ông tin rằng nó chỉ loanh quanh nơi nào đó ở thủ đô hay một vài thành phố lớn thôi. Thì đó, sau hòa bình, có biết bao người từ ngoài này kéo nhau vào làm ăn sinh sống ở Sài Gòn như vào một vùng đất hứa tạo thành cuộc di cư thứ hai không kém phần ồn ã trong lịch sử đó thôi.
Ông tần ngần đem trả vé. Cô bán vé có bộ ngực rất khiêu khích hình như còn ướt sữa cong cớn nói đã mua là không trả lại tiền, trừ khi có ai đó cần đi ngay mà chưa có vé. Ông lắc đầu, phảy tay bỏ đi. “Đàn bà con gái thời nay sao ăn nói lanh canh, lóc xóc như đập niêu đập sành thế nhỉ? Cũng là câu nói đó nhưng có thể nói khác đi được cơ mà. Người Nhà nước, làm công ăn lương mà như bố thí bổng lộc, đặc ân cho thiên hạ. Chả lẽ cuộc sống ảm đạm, nhọc nhằn bữa nay lo bữa mai nó nhiễm sâu vào ngay cả tâm hồn, giọng nói vậy ư? Ngày xưa trong chiến tranh, cuộc sống còn khốn cùng hơn bây giờ nhiều mà tiếng nói của các cô sao vẫn đằm thắm, mát lành như giọt mưa mùa hạ và nó còn ngọt mãi trong tâm tưởng người lính cho đến hết cuộc chiến tranh như thế. Đến nỗi họ đã nghĩ động cơ ra đi và lý tưởng cuộc chiến đấu này đôi khi chả là gì cả ngoài cái lý do sau này còn sống trở về để được nghe lại cái giọng nói đã trở thành hành trang, thành điểm tựa tinh thần trong những cánh rừng chết chóc kia…”.
Đường khuya, ông lang thang tìm vào một nhà nghỉ giá rẻ sau ga thoạt nhìn như cái nhà vệ sinh công cộng để ngày ngày từ nơi tối tăm, lầy lội này tiếp tục lọ mọ đi tìm con. Sẽ không tìm ở các nơi học đường nữa mà tìm tại ngay giữa dòng chảy xô bồ của mọi ngã ba ngã tư phố xá hay các hẻm nhỏ, ngõ nhỏ đông người qua lại.
Thế là, sáng sáng trên trục đường phố Huế cắt với Tràng Tiền, trục đường trung tâm nhất, trục đường dẫn đến hồ Gươm, người ta thấy một người đàn ông mang vẻ mặt ốm đau, bệnh tật âm thầm ngồi giương mục kỉnh nhìn như hút lấy dòng người ngược xuôi. Trời nắng, cái bóng ấy ngồi im lìm dưới tán cây xà cừ, trời mưa lại tạt vào núp dưới mái hiên một toà nhà.
Ngồi đến ngày thứ năm vẫn không thấy gì? Hàng trăm hàng nghìn những cô gái đạp xe, cưỡi xe máy đi qua ông vẫn không nhận ra một khuôn mặt nào gọi là khả dĩ gợi nhắc đến khuôn mặt ấy, mái tóc ấy.
Duy có một lần, lúc ấy đã vào sâm sẩm tối, mệt mỏi, ông gục đầu xuống trong cơn ngủ gật không cưỡng được thì có một tiếng xe máy nổ ình ình như tràng đại liên bắn thẳng dội xuống đầu, ông giật mình nhìn lên và ớ người. Ngồi đằng sau cái xe phân khối lớn đã khoét nòng do một gã trai ăn vận hầm hố, râu ria, hai cánh tay xăm chằng chịt ấy là một cô gái vận áo dài trắng, tóc buông xoã, khuôn mặt nhìn nghiêng không thật rõ nhưng thấy hao hao vút qua. “Con ơi!...”. Tiếng gọi quẩn lên từ gan ruột nhưng không thoát ra được, người cha vội nhảy lên chiếc xe ôm đỗ cạnh đó bảo đuổi theo. Và sẽ không đuổi được chiếc xe khổng lồ như con ngựa chiến kia nếu như nó không gặp đèn đỏ. Ông nhảy xuống, chạy nhanh đến trước mặt cô, lắp bắp gọi: “Con… con ơi… Có phải con đấy không?...”. Cô gái giật mình quay lại… Không phải! Một khuôn mặt trát bự phấn, một đôi mắt mổ mí, một sống mũi nổi cộm… nhìn giả tạo không khác gì một chiếc mặt nạ trong các vở tuồng cổ trang. Ông lí nhí xin lỗi nhưng gã trai lại không cho ông mở lời, nó xổ vào giữa mặt ông một câu rất mất dạy: “Cái gì đấy ông già? Thèm à? Thèm thì vào chỗ cây 9 gốc cạnh hồ kia kìa, tha hồ, loại nào cũng có chứ đừng làm cái trò mèo này, lần sau tôi đập cho gãy nốt mấy cái răng còn lại…”. Đèn xanh. Con chiến mã phóng đi. Cười thiểu não, ông xiêu vẹo đi trở lại chiếc xe ôm của mình.
Đến ngày thứ sáu thì có chuyện khi một trung sĩ cảnh sát trẻ măng bước đến, giơ tay lên vành mũ, chào hỏi đúng kiểu người đang thi hành công vụ:
- Chào bác! Cháu thấy bác ngồi đây gần cả tuần rồi, vậy nhà cửa bác ở đâu, ở Hà Nội hay ở tỉnh nào? Bác có cần chúng cháu giúp gì không?
“Bỏ mẹ! Gần tuần rồi kia à? Chắc mọi người nghĩ mình là lão già thất cơ lỡ vận hay rỗi hơi ngày ngày ra đây đếm dân số thủ đô? Mà mẹ, cái dân số này ở đâu nảy nòi ra mà lắm thế, cứ chóng cả mặt”.
Nghĩ vậy ông tự bật cười, đứng dậy:
- Không, cám ơn, không có gì? Đi xa về, thèm mùi phố phường nên ra ngồi đây ngửi hít tý cho đỡ nhớ thôi.
- Thế con cái bác đâu hết rồi ạ? Bác có cần bọn cháu báo tin gì không?
- Con cái à?… Có, có đấy, con gái, đứa duy nhất nhưng các cậu không giúp gì được đâu. Vì cho đến giờ này tôi vẫn chưa biết nó đang ở đâu, tên gì?
Người công an đánh mắt nhìn sang ông xe ôm đỗ cạnh như ý bảo: “Có khi người này tâm thần thật rồi, ai đời ngay đến con mình đẻ ra mà cũng không biết tên thì còn gì để nói”. Ông xe ôm cũng nhìn lại ngầm ra hiệu người công an cứ về chỗ làm việc, chuyện này để đó ông lo.
Người công an nghe lời, lặng lẽ đi trở về vị trí của mình. Ông xe ôm quay lại với người bạn già. Gần một tuần sống kề cạnh, họ đã trở thành thân thiết, chia sẻ cho nhau từ chỗ ngồi, chai nước, gô cơm, bi thuốc lào… với cái triết lý nôm na của chính ông xe ôm:
- Này ông, hỏi khí không phải, ngày trước chắc ông có đi lính đúng không?
- Sao ông biết hay vậy?
- Vì là lính chỉ cần ngửi mùi cái là biết, khen khét, tanh tanh giống mùi khói bom, mùi...
- Thế trước ông ở đơn vị nào?
- “Bê hai”, ven Sài Gòn. Dân đặc công bò rào bôi lọ suốt mười năm. Chết mẹ nó gần hết. Còn ông? Cái tướng ông thế này cùng lắm cũng chỉ là anh nuôi hay xe thồ, cùng lắm là một chân trồng rẫy?
Ông họa sĩ cười gãi đầu:
- Vâng, bác tài thật, tôi là anh nuôi.
- Biết ngay mà, nhân bảo như thần bảo.
Ông xe ôm cũng cười khùng khục, đúng kiểu cười bụm mồm trong rừng để giữ bí mật của lính rồi tự thưởng cho mình một mồi thuốc rít đến xé nát cả mặt đường rồi ngồi xuống cạnh bạn:
- Này, hình như có điều gì về cung con cái khó nói hả?
- Cũng bình thường. Chuyện đời nước mắt chảy xuôi ấy mà.
- Hầy, tớ cũng vậy đấy. Uýnh nhau được cả đống huân huy chương, danh hiệu dũng sĩ nọ kia kín cả vạt áo nhưng ngu ngơ không kiếm ra đồng tiền, mà biết mẹ gì mà kiếm khi cả đời có mỗi cái nghề tẩn nhau, thế là vợ con nó khinh, vợ khinh đã nhục, con khinh còn nhục hơn, đến nỗi bạn trai nó đến nó không dám gọi tớ là bố, thế là tớ bỏ mẹ nó ra ngoài bãi giữa sông Hồng trồng trọt vớ vẩn, ngày chạy xe ôm, chiều thả mình xuống sông bắt vài con cá, cũng là xong một kiếp người. Nhưng nói đùa, có đêm không ngủ được, nghe tiếng sóng sông mà tự dưng nhớ những ngày chém vè trong rừng cũng tiếng sóng sông Sài Gòn thế này, nhiều khi ứa nước mắt, thấy cuộc đời sao vô bổ, vô nghĩa quá.
Người họa sĩ không trả lời. Chao ôi, mỗi con người mỗi số phận, mỗi nỗi niềm không ai giống ai. Hồ Gươm ngoài kia vẫn bảng lảng những tán lộc vừng thòng hoa xuống sát mặt nước. Phải, biết đâu cái lão xe ôm đen cháy này trước lúc ra đi đã chẳng sánh vai cô người yêu bước chầm chậm quanh hồ để hít thở cả cái hồn thiêng sông núi vào lồng ngực thanh xuân bởi rất có thể ngày mai không trở về?
Nhưng trong ông lại có một chút gì chuyển động rộn rạo như hết thảy âm thanh cuộc sống, hơi thở cuộc sống ngoài kia đang dần dà ngấm khẽ vào lòng, ông bỗng thấy vui hơn, đỡ u sầu ảm đạm hơn những ngày ru rú cắm cúi gục đầu vẽ thuê ở nhà trọ.
Và thật kỳ lạ, chính những ngày ngồi nhìn dòng đời sôi sủi chảy qua ở nơi đây, nhìn những số phận con người đủ loại hiện lên rõ mồn một qua mọi sắc thái, dáng hình, nét mặt; đầu óc, bàn tay ông lại ngọ nguậy muốn vẽ nhưng lại không thể vẽ giữa đường giữa chợ thế này, ông đành để nó in vào trong đầu, vẽ ở trong đầu, phác họa trong trí tưởng tượng.
Đường phố đã lên đèn. Dòng người cũng thưa vắng dần. Mặt hồ xanh rêu sắp trở về sự quên lãng. Ông xe ôm chợt vỗ vỗ vào vai người họa sĩ:
- Này, lão! Chính quyền người ta đã nói như vậy, lão cũng chả nên ngồi đây mãi, họ gọi là… là cái gì nhỉ? À, là mỹ quan đường phố, là mỹ tục thủ đô. Hay là lão về chỗ tôi, nhỏ chỉ bằng túp lều trong rừng thôi nhưng trăng thanh gió mát, con người thật thà, ngày tôi chạy xe, lão ở nhà chăm sóc vườn chuối, tối về, hai thằng ra mép sông, rải chiếu ngồi gật gù khoanh chân làm một xị với mấy ngọn rau chua, trái ổi, hạt lạc, con tép, cá tươi, rồi phủi chân đi ngủ, tửu lạc vong bần, cũng sướng.
Quả là nghe cũng hấp dẫn thật bởi nó chứa đựng toàn bộ cái ý nghĩa cuối cùng của cõi sống là nhàn tâm, thả tất cả vào vô vi nếu như ông không rơi vào hoàn cảnh này. Đứa con, giọt máu trong rừng, kỷ vật thiêng liêng bây giờ là tất cả đối với ông, hơn cả cuộc đời ông, hơn cả sự nghiệp, hơn cả cuộc chiến tranh đã nuốt hết một thời trẻ trai của ông. Vô nghĩa hết, chỉ còn con… Thôi thì tạm biệt ngã tư, tạm biệt ông bạn cựu chiến binh đặc công tốt bụng, ông lại đi tiếp cuộc hành trình vô định của mình.
Trước lúc đi ông đưa cho người bạn vỉa hè một tệp tiền rút từ số tiền con bé để lại cũng không đếm là bao nhiêu, nói:
- Tôi còn ít tiền dành dụm được chưa dùng đến, ông cầm lấy nó làm vốn mở một chỗ sửa chữa xe chứ tuổi cao chạy xe mãi thế này không ổn đâu. Còn đây là bức tranh tôi tặng ông làm kỷ niệm. Tôi đi nhé, có dịp tôi sẽ ra bãi giữa tìm ông nhậu ba xị đế với lạc rang.
Không mấy để ý đến tệp tiền, người xe ôm lúng túng giở bức tranh được gói tròn ra và chợt mở to mắt kinh ngạc. “Là ông đây sao? Không, không phải là ông nhưng nhìn kỹ lại đúng là ông, hoàn toàn là ông, đôi mắt, cái miệng, khuôn mặt… chỉ trẻ hơn quá nhiều mà thôi. Một chiến sĩ Quân giải phóng áo cầu vai, nón tai bèo, vai khoác AK, tạc đạn giắt quanh người, đang dõi mắt nhìn qua bên kia sông về phía ấp chiến lược có chiếc chòi cu canh gác của đối phương dựng ngược lên nền trời… Đúng rồi, đúng là sông Sài Gòn thuở ấy đây rồi và đúng là ông và đồng đội cũng ăn mặc, chiều nào cũng dõi nhìn sang bờ bên kia mong đến ngày hòa bình đây rồi”. Cả một thời trận mạc hiện về. Nước mắt ông xe ôm bỗng rịn ra.
Đến khi ông trấn tĩnh lại thì người bạn già đã mất hút vào dòng người đang giữa giờ cao điểm.
***
Không có cớ ngồi ở ngã tư đường phố mãi nữa, ông lại trở về giam mình trong gian nhà trọ hôi mùi chuột gián nằm khườn hoặc lâu lâu trở dậy giở giấy ra vẽ lại những cảnh sắc đã ngấm vào ông trong những ngày qua. Vẽ để giết thời gian, vẽ để lấp đầy im lặng chứ chưa thật sự có cảm hứng như ngày nào ở Trường Sơn không vẽ không chịu được.
Ngày vẽ, tối đến ông lại thả chân lang thang vào những phố vắng, cũng là thả cho có thả để khuây khoả, để thư giãn đầu óc thôi chứ trong thâm tâm ông cũng biết chả xơ múi gì.
Một đêm như thế, ngọn gió nội thành tức nghẹn dẫn đôi chân mệt mỏi của ông đến trước cửa một vũ trường đang vào giờ náo động. Tại đây tiếng nhạc dâm dật được vặn volum hết cỡ ộc ra từ bên trong như có sức hút ma mị khiến các đám con trai con gái cứ đua nhau ra vào nườm nượp. Gái thì hớ hênh, trai thì xăm trổ, vào thì phơn phớn, ra thì bơ phờ như con cá bị rút hết xương.
Chính khi đó, thoáng thấy một cô gái cắp tay một anh chàng to con, đẹp như tài tử điện ảnh bước vào, ông giật mình sững lại. “Có phải nó không? Sao cái vóc người, mái tóc, khuôn mặt nhìn nghiêng giống nó thế? Nếu đúng thì nó vào cái động quỷ này làm gì?”.
Như bản năng bảo vệ của một con gà mẹ trước chú gà con sắp sa vào miệng rắn độc, ông vội bước theo sau.
Nhưng chưa đến cửa thì đã bị một thằng choai con mặt mày bặm trợn, tay chân cuộn bắp chặn lại:
- Ê, ông khốt đi đâu?
- Tôi đi tìm...
- Ở đây là không có tìm tiếc gì cả. Vào đây chỉ có uống, hút và nhảy thôi. Muốn tìm thì ra ngoài kia!
- Chú cho tôi vào một phút thôi rồi ra ngay. Ô-kê?
- Ô-kê cái con khỉ! Lại còn ngoại ngữ nữa! Xéo!
Gã phất tay như đuổi tà. Ông chưng hửng chưa biết xử trí ra sao thì từ phía sau có một thanh niên dáng người to cao, đầu húi cua đi đến, kín đáo kéo gã bảo vệ ra một nơi, móc túi đưa vào tay gã mấy tờ bạc một trăm ngàn, nói cái gì đó rồi lại bỏ đi.
Gã bảo vệ nhét tiền vào túi trong một cách sành sỏi như đã quen nhét như vậy nhiều lần rồi tiến lại phía ông, giọng cởi mở hơn nhưng vẫn rất bề trên, trịch thượng:
- Rồi, ô-kê! Ra nhanh nhé! Chắc lại đi lùng con vợ nhỏ bỏ theo giai hả? Vào đi!
Vừa lọt qua được cánh cửa cách âm dày cộp như cửa nhà tù, toàn thân ông đã muốn dội ngược trở lại bởi những tràng âm thanh đinh tai nhức óc hất mạnh vào người. Kệ, đã trót rồi, ông cứ nhăn mặt lầm lũi đi vào. Dáng đi bàn bạt như kẻ đi ngược gió…
“Kia, nó kia rồi! Mái tóc, đôi vai, cái dáng người… chắc là nó rồi. Sao con lại lạc vào chốn này hả con?...”. Và giữa những âm thanh rung chuyển như có cả một loạt B-52 thả xuống, giữa những thân xác đang múa may cuồng loạn, giữa những lằn chớp sáng như ma trơi, ông lơ ngơ bước đến phía cô gái đang quay lưng lại, miệng lắp bắp:
- Con… con ơi…
Một khuôn mặt đẹp chuẩn như Hàn Quốc cùng đôi mắt mí lót mở to cũng như của Hàn Quốc quay lại. Không, không phải! Con bé không có khuôn mặt như gáo dừa trát vôi này, không có đôi môi quết màu mận chín và cái sống mũi thẳng như lưỡi dao thế này!
Được cái khác lần ở ngã tư đường, lần này ông chưa kịp mở lời xin lỗi thì gã trai tỏ ra vô cùng lịch sự, cầm tay kéo ông lại, rót một ly rượu từ cái chai có dán nhãn Chivas 18 đưa cho ông một cách kính trọng, và tiếp sau là giọng nói cũng không thể kính trọng hơn:
- Không sao! Cụ không có lỗi gì cả. Thời buổi các giá trị đang bị bóp méo này, mọi sự nhầm lẫn là tất yếu, có thể bỏ qua được. Mời ông bác!
Ông đành ngửa cổ tu ực một cái rồi líu ríu quay lưng bước trở lại. Mẹ, rượu gì mà đắng như bả chuột và một thằng ăn chơi có hạng lại thở ra cái giọng như triết nhân? Cái gì mà các giá trị? Cái gì mà tất yếu? Vậy mà đâu đã xong. Ra đến cửa ông còn bị gã bảo vệ nhận trăm ngàn từ ông lúc nãy thả ra một câu đầy tính triết lý cao siêu nữa:
- Chào cụ khốt! Thất bại rồi hả? Thôi, cụ về nghỉ cho khoẻ đi, mỗi thế hệ, mỗi thành phần có cách sống riêng mà tốt nhất là không nên can thiệp, dễ rơi vào bi kịch, kể cả chuyện cụ chứng kiến mười mươi bàn tay dùi đục của thằng hàng xóm bóp nghiến vào ngực đứa con gái rượu của cụ cũng phải nhắm mắt coi như không. Chào!
“Bóp nghiến cái con mẹ mày!” - Một tý nữa thì ông đã vung tay nện vào giữa cái miệng nham nhở kia một nắm đấm nếu như gã đã không cười ha hả lên một tiếng tự thưởng cho câu nói cố tỏ ra sâu sắc của mình và bỏ đi.
***
Chiều muộn. Gió từ Hồ Tây thổi vào mát rượi. Trong ngọn gió huyền hoặc ấy bỗng dưng người ta có cảm giác như nhìn thấy cả những chiếc thuyền rồng của các vị vua đang uy nghi trôi giữa ngàn trùng mây trắng, trôi trong làn nước màu xanh.
Với bộ đồ khá tươm tất, áo sơ mi xanh nhẹ, quần cũng màu xanh đen vừa mua ở một shop thời trang thuộc loại bình dân, với mái tóc mới cắt, râu ria vừa cạo, nhìn trẻ lại đến dăm tuổi và ít nhiều lộ ra chút thần thái cũng như vẻ đẹp trai ngày nào hồi còn ở trong tuyến lửa, ông đang ngồi một mình im lặng trên tầng hai một quán cà phê có ban công nhìn xuống mặt đường Cổ Ngư.
Không biết tự bao giờ, người Hà Nội có thói quen nhâm nhi ly cà phê kỹ lắm, từ tốn lắm, có cảm nhận họ thích nhìn cái giọt đen đen nâu nâu thơm ngậy kia tinh tang rơi xuống cốc còn hơn là thích đưa nó vào bụng, như thể cái sự tinh tang đo đếm thời gian đó đã đánh thức trong đầu óc họ biết bao những hoài niệm xa xôi và đưa rìu họ vào một sự tĩnh lặng thần thánh mà chỉ nơi đây mới có.
Ông cũng vậy. Giọt cà phê rơi đến đâu là lòng dạ ông dịu nhẹ đi đến đó, để mở lối cho bao suy nghĩ xa gần khe khẽ lùa về. Và ông bắt đầu quan sát. Quan sát những khuôn mặt khách trong quán, quan sát những bóng người hối hả đạp xe, phóng xe trên mặt đường, quan sát chiếc thuyền câu đậu ngoài xa, quan sát các hàng cây rủ bóng, quan sát cả lên bầu trời đang vần vụ mưa bay…
Ông đã ngồi và quan sát như vậy không biết mấy ngày rồi. Thì cũng nhìn cho tinh thần được phỉnh nịnh đỡ nhức nhối phần nào thôi chứ ông biết chắc cũng chả ăn thua gì, dẫu con đường đẹp như cổ tích mang tên Cổ Ngư này lâu nay vẫn nổi bật bởi những dáng nữ sinh vận áo dài trắng đạp xe từng tốp qua lại song cái tà áo ông cần tìm kia vẫn không thấy hiện ra. Mà nếu có đi chăng nữa thì khi ông lập cập ra được tới giữa lòng đường để mong nhìn cho rõ hơn thì vẫn chỉ là một cái gì đó hao hao, một cái gì đó na ná chứ không phải là thật. Để rồi lại tiu nghỉu trở về.
Liễu rủ, mặt hồ xao động, áo dài trắng, tiếng cười con gái cũng trắng tinh khôi, bóng sâm cầm bay vào huyền tích, lặn vào mây trời… đã tạo nên cái vẻ mộng mơ, châng lâng, thanh lịch đến nao lòng khách vãng lai mà không phải ở đâu cũng có.
Văn cảnh ấy khiến đầu óc ông dịu lại, thậm chí đã có lúc hình ảnh con bé hơi loãng ra, không còn là điều làm trái tim ông chỉ một chiều nhức nhối nữa. Bởi bóng dáng đứa con lúc này không còn là một vật thể tách ra đứng bên ngoài mà đã lặn sâu vào lục phủ ngũ tạng ông. Và ngón tay ông lại ngứa ran muốn ngọ nguậy, con mắt ông lại muốn hút lấy tất cả mọi âm thanh, cảnh vật, sắc màu kia đưa lên trang giấy.
Và ông vẽ, như không thể không vẽ, mà thực ra không vẽ thì biết làm gì cho hết cả một quãng thời gian dằng dặc? Những nét vẽ đã được ủ dấm, thai nghén rộn rạo ở trong đầu, vẫn chỉ là những nét vẽ bằng bút chì mang thuần tính ký hoạ, như ngày xưa trên các trọng điểm ông vẫn dùng cây bút sứt cán này.
Ông vẽ nhiều lắm, nhanh lắm, vẽ mê mải, nét vẽ lúc chấm phá lúc lại mềm như sương khói, vẽ toàn tranh thiếu nữ và bức tranh nào cô gái đó dù đi lại, dù ngồi bên vệ cỏ, dù đang đạp xe cũng đều gợi lên cái bóng hình cô con gái của ông. Rồi lại chuyển nét sang những bà gánh hàng rong, những ông đạp xích lô xa gần đi qua. Chuyển sang cả mặt hồ mang màu xanh huyền ảo cùng những hàng cây yếu ớt lả ngọn trên bờ, dẫu cho mặt hồ ấy giờ đây đã trở nên chật chội, cạn cợt bởi những cấu trúc nhà cửa cao tầng, cao ốc, khách sạn… nặng nề ụp xuống làm xoá trắng đi một mặt nước mênh mang, xa thẳm của một thời xưa cũ.
Dân ghiền cà phê trong quán đã bắt đầu tò mò, chú ý đến ông. Họ kín đáo nhìn ông từ xa với đôi mắt lạ lẫm rồi dần dà họ xúm lại đứng ngay đằng sau ông, người im lặng, người gật gù, người tỏ ý trầm trồ thán phục, thậm chí có người còn mạnh dạn hỏi mua, mua giá nào cũng được nhưng ông chỉ nhẹ lắc đầu.
Riêng có một lần, cũng tại quán cà phê này, trái tim ông đã như vỡ ra trong một cú mừng hụt tan nát. Tối hôm đó, như mọi tối, trong ánh đèn xanh mờ, ông đang cắm cúi trên bản vẽ thì chợt thấy có cái gì cờn cợn ở trước mắt, ông nhìn lên và giật nảy mình. Đối diện với ông, tại cái bàn ở góc phòng, một cô gái đang mở to đôi mắt khá đẹp chăm chú nhìn ông. “Trời! Nó rồi! Có phải nó không?…”. Ngực ông bị bóp mạnh. Tất cả những gì hiện lên từ cô ta đều là của nó. Đôi mắt, gương mặt, mái tóc, khuôn miệng, ngay cả cái áo dài trên người cũng là màu trắng. “Bố đây, con ơi!...” - Ông đã muốn bật reo lên một tiếng hân hoan tột cùng nhưng rồi một chút từng trải về tâm lý đã giữ ông lại. Nếu đúng là nó thì một là, khi nhận ra ông nó sẽ bỏ đi như đã từng bỏ đi hôm ấy, còn không, nó đã tiến lại và ôm ghì lấy ông mà kêu lên bố ơi… Nhưng ở đây cô ấy vẫn chỉ ngồi và nhìn như cái nhìn chăm chú tò mò của mọi người. Hay là không phải? Gương mặt con gái Hà Nội đều mang một vẻ đẹp thanh thoát giống nhau dễ tạo nên một cái nhìn lầm tưởng. Nhưng nếu phải thì sao?
Nghĩ thế, với tâm trạng không còn gì để mất, ông đánh liều đứng dậy, đi lại. Cô gái vẫn nhìn ông… Lấy hết sức bình tĩnh ông hỏi một câu mà đáng lẽ không nên hỏi:
- Cháu… cháu có phải là…
Khoảnh khắc nghẹt thở ấy, nếu cô gái vẫn nhìn ông thì ông sẽ ôm chầm lấy cô mà nói: “Bố đây, bố Linh đây con gái ơi…”. Nhưng không, cô lại nhoẻn cười và cất lên một giọng Nam Bộ thứ thiệt:
- Có gì không chú?
Thế là chưng hửng. Ông bối rối xin lỗi rồi quay trở lại chỗ ngồi. Từ lúc ấy ông không vẽ được cái gì nữa. Tất cả với ông đều trở thành đông lạnh, hụt hẫng và bẽ bàng.
Để rồi sáng hôm sau, khi biết rằng con đường thơ mộng nhất Hà Nội này cũng không thể tìm được con, trước khi từ biệt, ông đem tệp tranh tặng lại hết ông chủ quán, coi như cảm ơn cái công cho ngồi hết ngày này sang ngày khác mà không nỡ đuổi đi.
Ông chủ quán nhìn ông một lúc lâu rồi đưa cả hai tay ra nhận, vẻ trịnh trọng và kiểu cách hơi thái quá.
Ông ta nói:
- Ngay từ lúc ông bước vào đây, nhìn trong mắt ông, bộ dạng của ông, tôi đã biết trong lòng ông có gì uẩn khuất không bình thường mà tôi không tiện hỏi. Bốn chục năm mở quán đã có hàng ngàn người vào ra, mỗi người đều có nỗi niềm, có tâm trạng riêng tôi đã quan sát thấy hết nhưng không bao giờ tò mò hỏi vì tôn trọng khách nhất là khách từ nơi tứ xứ dồn về. Thú thật với ông, đã nhiều lần tôi ghé nhìn trộm ông vẽ mà thấy thương quá! Lúc thì ông phóng bút rất nhanh, lúc nét cọ lại ngập ngừng như bị vón cục, tắt ngóm. Ông đang không phải là vẽ nữa mà như đang đánh vật với cái gì đó ở trong đầu đủ để tôi nhận ra ông là một ngọn bút tài hoa không gặp thời. Cho nên tôi rất trân trọng món quà tặng này và sẽ không bao giờ bán nó dù chỉ là nửa bức, dù thiên hạ có trả giá đến bao nhiêu. Tôi biết chắc ông là người có hoàn cảnh cơ nhỡ, thôi thì chỉ xin ông nhận từ tôi một chút lòng thành làm lộ phí đi đường.
Ông chủ quán có cái dáng lịch lãm và mái tóc búi tó của người Hà Nội cổ vội quay lưng đi vào phòng trong để khi quay ra, trên tay cầm một chiếc phong bì khá dày nhưng bước chân bỗng sựng lại: Trước mắt ông, cái bóng gầy guộc của người họa sĩ lập dị kia đã không còn ở đó nữa.