Cô đôi thượng ngàn…
Dọc dường đi tìm con đã đưa chân ông đến một khu công viên ngan ngát gió và thoảng mùi tôm cá tanh tao từ lòng nước phả lên.
Chính tại đây người ta đang có một tụ điểm ca nhạc truyền thống mà làn điệu khúc thức “Cô đôi thượng ngàn” quen thuộc lan toả qua mặt hồ đậu nhẹ vào tai ông. Như bị dẫn dụ bởi một sức hút huyền bí, ông thoáng rùng mình và lần mò tìm đến.
Từ xa nhìn vào, người nữ diễn viên đang thực hiện khúc ca dưới ánh đèn sân khấu lung linh đó tất nhiên không phải là Thủy, không thể là em vì em đã không còn nữa nhưng biết đâu, phải, biết đâu lại là con của em đang hát lại bài ca của mẹ? Ông thảng thốt len vào, len qua các vòng người tiến về phía bục sân khấu gỗ chắc là vừa mới được dựng chiều nay, mặc cho thiên hạ ngấm nguýt, mắng mỏ, thậm chí có cả tiếng chửi tục: “Mẹ, cái lão khọm này, làm gì mà chen khiếp thế? Thèm lắm à?”. Kệ, như câm như điếc, ông cứ len, len sát đến hàng rào chắn, trớn mắt nhìn lên…
Không, không phải! Cô này mập mạp, ưỡn ẹo, ngoáy mông ngoáy ngực rầm rầm, mặt trát bự phấn chứ không phải là con. Bầu trời cảnh vật… bốn mùa phong quang… Giọng hát rõ ra là điêu luyện hơn, vổng vít hơn, lại có cả một dàn trống, sáo nhị, tốp ca ngồi ở hai bên cánh gà đệm vào nhưng không sao làm ông có thể sống lại dù chỉ là một chút cái giây phút phiêu bồng trong đêm giữa hang đá Trường Sơn ấy.
Thất vọng, ông lại lùi lũi len ra. Lại nghe những lời chửi tục đấm thẳng vào tai. “Mẹ! Hôi như cú! Ra rồi lại vào như cái lão dở người. Cấm vào nữa đấy nhé!”. “Ờ, tao cũng đếch cần vào” - ông lầm bầm trong đầu - “Chúng mày tưởng báu nõn lắm đấy à? Đây không phải là Cô đôi thượng ngàn mà là màn “cưỡng dâm” cô ấy”.
Ra khỏi vòng người nồng nặc mùi mồ hôi, mùi khói thuốc, ông tìm đến một cái ghế đá chỗ khuất vắng nhất ngồi xuống, cũng có ý định tạm ngủ vật vạ qua một đêm ở đây rồi mai tính tiếp. Mà cũng khuya rồi, giờ này còn đi tìm nhà trọ nhà triếc, mất công.
Nhưng ông vừa hạ đít xuống thì bất ngờ có một bóng đen trờ tới êm nhẹ như một bóng ma. Nhìn lên, thì đó là một cô gái ăn mặc vừa kín vừa hở, chả biết già hay trẻ nhưng mùi son phấn rẻ tiền xộc thẳng vào mũi thì ông cảm nhận rất rõ. Chẳng nói chẳng rằng, cô ngồi bệt xuống ngay cạnh ông, tay đặt lên đùi ông, nói liền mạch như thuộc lòng, giọng khê nồng, ngai ngái:
- Ấy… Chào ông anh! Ông anh đi đâu mà nửa đêm nửa hôm ra ngồi một mình ở đây thế này? Chắc lại làm bà chị giận hả? Thương quá cơ…
Ông hất nhẹ bàn tay cô ta xuống ghế, ngồi nhích ra, không ngờ mình lại lặp lại cái câu đã phát ra cách đây vài chục năm:
- Xin lỗi, tôi quá tuổi để cô gọi bằng anh rồi.
Một tiếng cười ré lên:
- Ôi, em xin lỗi! Em không biết là anh khó tính thế kia đấy, có những người già hơn anh mà nếu không gọi bằng anh là đứng dậy bỏ đi liền. Thế ông anh muốn em gọi bằng gì nào? Chú nhé, hay bác?
Ông ngồi nhích ra thêm chút nữa:
- Tóm lại là cô muốn gì ở tôi?
- Muốn gì ấy à? Muốn làm bạn tâm sự với những người cô đơn như ông anh đêm nay. Mà ông anh đừng nhích nữa, bệt đít xuống đất giờ, có ai ăn thịt đâu.
- Xin lỗi, tôi muốn ngồi một mình.
Một tia mắt đàn bà loé lên rất nhanh nhìn ra xung quanh rồi các động tác trở nên sấn sổ, cánh tay gầy guộc giơ lên quàng lấy cổ ông níu xuống, miệng chớt nhả:
- Thôi mà, đừng giả vờ nữa mà, đêm nay em sẽ cho không, khỏi tính tiền, hai thân phận cô đơn nương tựa vào nhau, tiền bạc gì?
Ông không kịp tránh thì cái miệng nồng nặc mùi thuốc lá và mùi hành tỏi của cô ta đã gắn cứng lấy miệng ông, tiếp liền là một cái lưỡi nhớt nhầy nhọn như lưỡi rắn thọc vào miệng ông, ngoáy tít. Người đàn ông cả chục năm nay đã quên mùi đàn bà trong ông bỗng sống dậy một cảm giác vừa khao khát vừa ghê tởm. Nhưng cái cảm giác này chưa kịp chuyển hoá sang một cảm giác khác bản năng hơn thì từ sau ghế đá, một gã thanh niên to con, ăn mặc đồ lính NATO, mặt mày lì lợm lừ lừ đi tới, không nói không rằng giáng vào giữa mặt ả một cái tát rất mạnh rồi gầm lên:
- Con đĩ! Mày bảo mày đi đám cưới mà mày lại hẹn giai ra đây à?
Vẻ oan ức tột cùng, ả bưng tay lên mặt khóc nấc và chắc là sẽ ăn một cái tát nữa nếu như ông họa sĩ không đứng dậy giơ tay ra, giọng lắp bắp:
- Không… Tôi xin… Không có hẹn hò gì đâu. Chỉ là… là vô tình thôi. Chú xem, cái bộ dạng như tôi còn hẹn được ai nữa.
Lúc này gã to con mới quay sang ông, và chỉ bằng một tay, hắn gần như nhấc bổng ông khỏi mặt đất, ghì sát vào mặt:
- Á à! Đ. mẹ thằng già! Già rồi mà còn động cỡn, mà không biết thân biết phận, định cướp vợ người khác à? Này thì cướp này…
Một nắm đấm gân guốc chứ không chỉ là cái tát định bổ xuống mặt ông nhưng chợt dừng lại vì có mấy người từ chỗ ca nhạc về đi qua. Lựa lúc ấy, ả đàn bà vội vùng dậy chạy biến vào vườn cây rậm rạp.
Gã đàn ông rít theo:
- Giỏi thì mày cứ chạy đi, chạy luôn! Chờ đấy, lát nữa về bố mày sẽ cho một trận để biết thế nào là trốn chúa lộn chồng. Con khốn nạn!
Nhìn theo ả, một sự thương cảm không đâu nhen lên, ông lại lắp bắp:
- Tôi thề với chú là không có trốn chúa… không hề xảy ra cái gì đâu.
- Thằng già câm mồm - Hắn lại giơ nắm đấm tổ bố lên khi thấy đám người kia đã đi qua - Mày không trốn nhưng nó trốn. Vợ tao tao biết. Giờ chỉ có hai cách, một là theo tao lên đồn rồi nói gì thì nói… Chắc mày biết tội tằng tịu ngoài hôn nhân người ta sẽ xử thế nào chứ?
- Hai là…
Ông họa sĩ buột miệng chêm vào khi cái khái niệm về đồn bỗng nở phồng lên trong óc. Về đồn? Sao lại về đồn? Về đồn là cái con mẹ gì? Ăn cắp, giết người hay chơi gái à? Không…
- Hai là… - Gã nói sát vào tai ông - Mày phải bồi thường cho tao một khoản gọi là chuộc lại danh dự thì tao sẽ để yên cho.
“Mẹ!” - Một suy nghĩ loé lên trong ông - “Nó dàn cảnh để làm cú tống tiền mình đây. Khốn nạn! Tai bay vạ gió, đang không đâm đầu vào đây làm gì không biết nữa, Thượng ngàn mới chả Thượng ngàn. Đành chiều nó thôi. Về đồn thì nhục, mà không nôn ra thì rất có thể xác bị vất xuống hồ. Mẹ, cho qua đi!”.
Ông nhìn lên, hỏi chán nản:
- Chú đòi bồi thường bao nhiêu?
- Ít nhất là năm chục triệu!
“Năm chục cái con mẹ nhà mày, thằng mất dạy, có tống thì cũng tống vừa thôi chứ, mày nhìn tao thế này mà dám đòi năm chục à? Có cái cứt!”. Nghĩ thế nhưng khi nhìn thấy đôi mắt long sòng sọc của nó như sắp lỗi ra sẵn sàng làm liều, ông đành hạ giọng:
- Tôi già cả làm sao có đủ số tiền ấy! Chú bớt đi một nửa được không?
- Không có nửa niếc gì cả. Đúng năm chục. Năm chục để bồi hoàn một danh dự gia đình, lão cho thế là đắt à? Vậy thì lên đồn!
“Dại rồi” - Ông thoáng nghĩ - “Đáng lẽ chỉ nên nói thân già làm mẹ gì có tiền, chỉ có mấy đồng bạc lẻ để đi xe đây thôi, vậy mà lại thở ra xin bớt một nửa, nửa là 25 triệu, đã có 25 triệu là sẽ có hết, đời nào nó tha? Già mà ngu! Mà con mẹ nhà nó” - Ông lại chửi thầm “Không hiểu bọn lưu manh này có được học khoa tâm lý nào không mà nó cứ khoáy sâu vào hai chữ lên đồn, lên đồn như một quyết sách chiến lược như thế nhỉ? Lên đồn đối với một thằng choai con mất dạy không sao nhưng đối với một lão già ọp ẹp như mình chỉ vì cái tội gái gú, đĩ bợm, gian phu dâm phụ thì nhục nhã lắm! Kệ mẹ nó, thôi, tốt nhất là nôn ra cho nó xong để còn đi. Con bé bây giờ là trên hết. Không cẩn thận, con không tìm được mà xác cũng không toàn thây”.
Nghĩ vậy, ông thọc tay vào túi xách rờ rẫm định tách một ít trong số tiền con bé mới đem lại hôm rồi trám vào mồm nó cho xong, tách một ít thôi chứ lẩn thẩn lôi cả ra mà đếm thì coi như biếu không hết cho nó. “Không nhé, bố mày dại thì chỉ dại một lần thôi nhé!”.
Nhưng ông chưa kịp tách thì từ ghế đá bên cạnh, một thanh niên dong dỏng cao, ăn vận lịch sự, đầu húi cua từ từ đi đến, cất giọng nhẹ nhàng hỏi ông:
- Có chuyện gì thế bác?
Ông chưa kịp trả lời và có thể không tiện trả lời thì thằng khốn đã sấn đến đứng chen giữa hai người, hất cằm:
- Chuyện gì cũng không phải là chuyện của chú em xía vào, khôn hồn ra chỗ khác chơi!
Người thanh niên vẫn nhẹ nhàng:
- Xin lỗi, tôi ngồi đây từ đầu đến giờ đã chứng kiến cô gái kia hoàn toàn chủ động gạ gẫm chứ ông bác đây không có tình ý gì cả. Tốt nhất anh để cho bác ấy đi đi!
- Hả? Mày biết con mẹ gì mà dám ra lệnh cho tao?
Trước con mắt trợn trạo của gã, giọng người thanh niên vẫn không thay đổi:
- Tôi không ra lệnh nhưng tôi chỉ khuyên anh bỏ cái trò dàn dựng đã quá lỗi thời ấy đi!
- Này dàn dựng này! Này lỗi thời này…
Thằng du côn lao đến tung một nắm đấm vào giữa mặt anh và chắc chắn nắm đấm gồ ghề này sẽ hạ gục nhanh chóng con mồi nếu như con mồi không kịp né sang bên khiến nắm đấm trượt vào thân cây nghe đến cục một tiếng. Chưa hết, cú né này chỉ là bắt đầu cho một cú tung chân rất nhanh và gọn khác vào ngay thành bụng gã. Không kịp đề phòng, gã gập người xuống rồi lăn cu chiêng ra bãi cỏ, quằn quại.
Người thanh niên bước tới xốc ngược hắn lên, giọng vẫn không căng hơn:
- Một lần để chừa, lần sau đi kiếm việc khác mà làm, việc này không hợp với cậu đâu. Thôi, giờ tạm xuống kia nhúng mặt một cái cho tỉnh anh bạn nhé!
Nói rồi, bằng một cú đẩy nhẹ, toàn thân gã cô hồn đã bị hất văng xuống hồ nghe đến tõm một cái, nước bắn tung toé lên bờ.
Để mặc gã lóp ngóp ở đó, anh đến gần ông họa sĩ:
- Xã hội bây giờ hỗn tạp lắm, bác nên hết sức đề phòng, đêm hôm nên tránh đi vào những chỗ như thế này. Giờ bác đi đi, tôi sẽ ở lại canh chừng hắn.
- Nhưng cậu tên là gì? Ít nhất cậu cũng cho tôi biết tên để có lỡ sau này gặp lại còn biết đường mà gọi.
- Bác cứ gọi cháu là Quý, thế thôi.
“Quý… Quý nào nhỉ? Cái tên Quý này có liên quan gì đến mình không?”. Ông bối rối chưa kịp cảm ơn một tiếng thì người thanh niên đã xoay lưng bước đến bờ hồ, nơi thằng tống tiền đang loay hoay tìm chỗ bò lên. Ông đành bỏ đi dẫu rằng khuôn mặt và dáng dấp người thanh niên đóng vai hiệp sĩ bóng đêm kia ông thấy có cái gì quen quen, hình như đã gặp được ở đâu đó rồi thì phải? Cao lớn, đầu húi cua… Gặp ở ngã tư đường phố ư? Hay ở cổng các trường đại học? Hoặc tại quán cà phê bên đường Cổ Ngư, hoặc ngay tại khuôn viên cái cổng vũ trường xanh đỏ tím vàng rung giật ấy?…
Chịu, ông không làm sao nhớ nổi nữa! Mà nhớ làm gì kia chứ, cuộc đời nổi nênh, kẻ tốt kẻ xấu, người và ma, đen và trắng cứ ngào trộn vào nhau như bóng hình chẳng biết thế nào mà lần.