-C
ô Krycia, bài hát đó... nó nói về em. Em là tên đầu gấu. Cô có thể giúp em chấm dứt mọi việc không? – Những lời nói khiến tôi sửng sốt đó là của Tommy.
Khi đó cả lớp đã giải tán để đi ăn trưa, và tôi rất khó hiểu khi thấy Tommy cứ nấn ná lại sau cùng, trong khi bình thường cậu luôn nhảy vọt lên chen lấn để đứng trước. Rồi Tommy tiến về phía tôi với vẻ lo lắng lộ rõ, cậu nhìn tôi bằng ánh mắt tha thiết và thốt nên những lời này. Tôi gần như không thể tin vào tai mình!
Tôi là giáo viên cố vấn ở trường học. Cô chủ nhiệm lớp 5 này đã hoàn toàn bất lực trước những hành vi bắt nạt bạn bè của những học sinh trong lớp, nên đã đề nghị tôi tiếp nhận lớp học. Tôi vừa mở bài hát “Đừng cười nhạo tôi” của nhóm Peter Yarrow do Peter, Paul và Mary hát. Có lẽ tác giả đã viết lời bài hát khi nghĩ đến một cậu bé như Tommy. Bài hát mô tả những người khác nhau đã bị ức hiếp và họ đã cảm thấy tổn thương như thế nào.
Tommy luôn cười nhạo mọi người. Cậu làm việc đó công khai và khiến mọi người chán ghét. Cậu bé có thể đứng lên, chỉ thẳng vào một người và lớn tiếng đưa ra những nhận xét xúc phạm về hành vi của người đó. Cậu chỉ trích những việc đôi khi vô cùng nhỏ nhặt, như trong lớp có bạn nào đánh vần sai một từ hay nói gì đó chưa đúng, hay thậm chí hỏi một câu mà cậu cho là ngớ ngẩn. Tommy luôn được chú ý và cậu bé nhanh chóng giành được danh hiệu đầu gấu trong lớp theo đúng nghĩa của nó.
Những hành vi đó rất dễ tiêm nhiễm. Mấy cậu nhóc khác bắt chước lối cư xử của Tommy và giờ đây dường như đám con trai trong phòng 7 đang giành nhau danh hiệu “đại ca lớp học”.
Có lẽ không phải đến lúc nghe bài hát ấy Tommy mới nhận ra hệ quả của thái độ mà mình dành cho người khác. Có thể cậu bé đã nhận ra rằng mình quá tầm thường và đang tìm cách thay đổi. Dù sao đi nữa, đây chính là cơ hội vàng để tôi làm việc với cậu. Trên khắp cả nước, các nhà sư phạm đã phải đương đầu với sự gia tăng mạnh mẽ của bạo lực học đường và chúng tôi đang cố gắng rất vất vả để ngăn chặn những hành vi sai trái đó. Nhưng một câu hỏi vẫn còn bỏ ngỏ – Làm thế nào?
Thế là tôi đứng trước một lớp đầy học sinh, và cậu bé này – người mà tôi rất lo lắng một ngày nào đó sẽ phải nhận lãnh một viên đạn – đang nhờ tôi giúp cậu chấm dứt hành vi mà cậu đã nhận ra là vượt ngoài tầm kiểm soát.
Tôi hỏi ý kiến cô giáo chủ nhiệm xem liệu tôi có thể nhận những cậu học trò mà cô xếp là những kẻ phá bĩnh nhất lớp và gặp chúng hai lần một tuần hay không. Cô ấy rùng mình nhưng lại tỏ vẻ nhẹ nhõm vì nếu chúng có thể thay đổi thì cô có thể tiếp tục thuận lợi dạy học. Thế là tôi bắt đầu gặp mấy cậu bé và yêu cầu mỗi đứa đặt ra một mục tiêu nhỏ có thể đạt được – điều gì đó chúng có thể làm trong vòng một tuần. Mục tiêu của Tommy là chấm dứt việc cười nhạo và chỉ trỏ vào người khác. Cậu sẽ đánh dấu vào miếng băng dính mà chúng tôi đã dán lên bàn cậu mỗi lần cậu nhận ra mình đang chỉ trỏ cười cợt ai đó. Tôi tràn đầy hy vọng khi bước vào lớp và nhận ra sự thay đổi lớn. Lớp học có vẻ rất yên tĩnh và bọn trẻ đang chăm chú làm bài.
Tuần sau, gặp lại bọn trẻ, tôi hỏi:
- Mọi chuyện tốt chứ?
Alex, một cậu bé dường như không bao giờ nghiêm túc về bất cứ việc gì, đã trả lời với giọng điệu thích thú:
- Cô Krycia, em không thể tin được! Không những Tommy không chọc ghẹo mọi người mà thậm chí cậu ấy còn khiến những người khác dừng việc đó! Giống như tất cả chúng em đều rất tốt với nhau vậy. Thật kỳ quái!
Tôi quay sang nhìn Tommy. Cậu đang ngồi trên bàn với phần cơm trưa trước mặt, tay nắm lại đặt trong lòng và nhìn xuống như thể đang cầu nguyện. Cậu bé ngước lên nhìn tôi và mỉm cười. Nụ cười của cậu thật trong sáng, điệu bộ của cậu đã thay đổi và trông cậu rất thoải mái. Đôi mắt cậu không còn nhíu lại thành hai lằn nhỏ nữa mà mở to và lấp lánh niềm vui. Cậu thò tay vào túi và lấy ra thứ trông như một đống rác – một số trong đó đúng là vậy – nhưng trong đó có mẩu băng dính nhàu nhĩ của tuần trước. Cậu đưa nó lên cho tôi.
- Lúc đầu thật là khó! Nhưng cô Krycia, cô nhìn này!
Tommy vừa hãnh diện nói, vừa đưa tôi mẩu băng đã khắc dấu. Hiển nhiên, cậu đã có vài dấu khắc trong vài ngày đầu, nhưng chúng đã giảm dần. Tôi nhìn Tommy và thấy hình ảnh một đứa trẻ – một cậu bé, chứ không phải một tên đầu gấu nữa. Tôi muốn ôm chầm lấy cậu và chạy xuống hội trường để hét to “Cậu bé đã làm được! Hãy nhìn Tommy này!” , nhưng tôi chỉ mỉm cười và biết rằng cậu bé đã thật sự làm được.
Năm học dần trôi qua, tính cách của Tommy tiếp tục thể hiện tố chất của một nhà lãnh đạo và truyền cảm hứng. Lúc này, khi John nói sai, hay Hannah đánh vần sai một từ, tiếng cười không vang lên nữa và cũng không còn sự ngần ngại giơ tay phát biểu trong phòng số 7. Các học sinh hiểu ra rằng đặt câu hỏi hay phạm lỗi cũng không sao vì Tommy đã không cho phép ai chọc ghẹo nữa.
Tôi rất hãnh diện về Tommy đến nỗi tôi quyết định ghé nhà cậu bé để báo cho bố mẹ cậu biết những việc xảy ra ở trường học. Tôi gõ cửa và gặp bố cậu bé ra mở. Tôi mở lời:
- Tôi là giáo viên cố vấn của Tommy ở trường. Tôi muốn trao đổi với ông về thái độ của cậu bé.
Ông bố nhăn nhó và rồi ông nói:
- À, khoan, để tôi gọi vợ tôi.
Tôi ngăn ông lại:
- Thưa ông, đây là một việc tốt ạ!
Ông Brown nhìn tôi nghi ngờ. Ông tằng hắng rồi gọi Tommy và vợ ông. Tommy chạy ào vào phòng, chân vẫn còn mang vớ. Cậu bé nhìn tôi và mỉm cười. Cha mẹ cậu ngồi xuống ghế trường kỷ, còn Tommy leo vào lòng mẹ. Bà vuốt tóc cậu bé trong khi nghe tôi kể những chuyện ở trường và những thay đổi đã xảy ra. Mẹ cậu quệt nước mắt, còn cha cậu tự hào nói với cậu:
- Cha biết con có thể làm được mà, con trai.
Khoảnh khắc đó thật ấm áp và diệu kỳ. Sẽ không còn ai nhầm lẫn cậu bé này với một kẻ đầu gấu nữa. Cậu bé là một nhà lãnh đạo bẩm sinh tốt bụng và giàu tình cảm, chỉ cần cậu bé được dìu dắt. Cậu đã là nguồn động viên cho các bạn, cho tôi và cho bao người khác. Tôi tràn đầy hy vọng rằng Tommy sẽ mang theo ngọn lửa thân ái và truyền sự ấm áp cho những người cậu tiếp xúc. Lòng tốt và tình thương của Tommy đã được minh chứng rõ ràng là lan truyền rất nhanh trong phòng số 7!