T
hầy Ganesh Babu là giáo viên tiểu học của tôi, ở một thị trấn nghèo. Học tiểu học, tôi còn quá nhỏ nên không thể diễn tả được là thầy tốt như thế nào, nhưng thầy Babu chắc chắn là một trong những người tuyệt vời nhất thế gian này. Thầy nhớ tên và địa chỉ nhà riêng của từng học trò. Thầy còn biết hầu hết phụ huynh trong lớp nữa.
Khi dạy chúng tôi về bảng chữ cái, các số đếm bằng tiếng Anh và tiếng bản xứ, thầy sẽ chỉ cho chúng tôi cách viết và để ý từng học trò xem đã viết đúng cách chưa. Thầy là một người cầu toàn và đầy nhẫn nại, chúng tôi chưa bao giờ thấy thầy tỏ ra mệt mỏi trên lớp. Thầy luôn sẵn sàng chia sẻ kiến thức của mình.
Nhưng dù mới chỉ là một đứa trẻ năm tuổi, tôi vẫn có thể cảm nhận được là thầy rất nghèo. Có lẽ thầy chỉ có một chiếc quần vải và một chiếc áo sơ mi. Tôi cũng chưa bao giờ thấy thầy mang theo bữa trưa. Sau đó tôi còn biết rằng ngay cả một tách trà giá chỉ một paisa(***) thầy cũng không có đủ tiền mua và thường phải nhịn đói hết nửa số ngày trong một tuần vì quá nghèo. Nhưng điều đó chưa bao giờ ảnh hưởng đến cách thầy đối xử với những đứa trò nhỏ mà thầy dưỡng dục như con của mình.
***. Đơn vị tiền tệ của Ấn Độ. 1 rupee = 100 paisa.
Mức lương khi đó quá thấp và các thầy cô thường phải chờ đến ít nhất là 6 tháng mới được nhận lương. Nhưng vì thầy có một trái tim giàu lòng nhân ái, tràn đầy lòng tin và sự tốt đẹp nên tôi chưa bao giờ thấy thầy tỏ ra buồn bã hay kém hạnh phúc hơn người khác. Thầy lúc nào cũng chân thành, dịu dàng và ấm áp. Nếu trong lớp có bạn nào vắng mặt hơn một ngày, thầy sẽ đến tận nhà để hỏi thăm sức khỏe, nhưng nếu gia đình học trò có tỏ ra quý mến muốn đãi thầy món gì đó thì thầy sẽ khéo léo từ chối ngay, cho dù chỉ là một tách trà.
Khi lên cấp hai, tôi quay cuồng với việc học. Nhưng bất cứ khi nào gặp thầy trên đường, chúng tôi cũng thường dừng lại nói chuyện pha trò với nhau. Thầy thường hỏi han việc học hành và gửi lời thăm cha mẹ tôi. Tôi đã mất liên lạc với thầy từ khi lên đại học rồi đi làm. Trong thời gian đó, thầy Ganesh Babu đã về hưu mà hầu như chẳng nhận được chút ít gì đền đáp cho sự cống hiến suốt đời của thầy.
Bẵng đi 20 năm, một tối nọ, tôi đang đi đến một siêu thị gần nhà thì tình cờ gặp lại thầy trên phố. Thầy đã già hơn và trông hom hem, gầy yếu. Thầy đeo một cặp kính dày, râu lại không cạo. Quần áo thầy rách rưới và cũ mòn. Thầy dừng lại gần một tiệm bán thức ăn nhanh và nhìn những gói snack trên kệ. Thầy quay lại, bắt gặp tôi đang nhìn, nhưng không nhận ra tôi. Thầy nắm lấy tay tôi, rồi nói:
- Xin ông, tôi chưa ăn gì mấy ngày nay rồi, ông làm ơn cho tôi xin một chút thức ăn được không? Tôi không ăn xin hay trộm cắp gì cả. Chỉ tại tôi không có tiền thôi. Ông làm ơn.
Tôi câm lặng không nói nên lời, nghẹn ngào và nước mắt tuôn rơi mà không cách nào ngăn được. Mắt tôi nhòe đi. Tôi rạp người xuống, chạm nhẹ vào bàn chân thầy (****).
****. Một phong tục truyền thống của người Ấn Độ, thể hiện sự tôn kính với người lớn tuổi.
- Thầy ơi, con là học trò của thầy 30 năm trước đây mà.
Rồi tôi nói tên và thầy nhận ra tôi ngay lập tức. Thầy hỏi tôi chuyện ăn ở, công việc. Thầy vui mừng như một đứa trẻ khi biết tôi đang có công việc rất tốt.
- Arup à, thầy không còn đói nữa đâu. Thầy quá hạnh phúc khi con còn nhận thầy và chạm vào chân thầy nữa. Hãy sống hạnh phúc nhé con trai ta.
Nhưng tôi ép thầy về nhà tôi, mời thầy ăn tối. Tôi không dám đưa tiền vì sợ thầy sẽ cảm thấy tổn thương. Nhưng thay vào đó, tôi đề nghị thầy đến nhà tôi bất cứ khi nào thầy cần. Thầy mỉm cười và gật đầu. Nhưng thầy không bao giờ quay lại và chúng tôi cũng chưa bao giờ gặp nhau lần nữa.