B
uổi dạy đầu tiên của tôi ở trường mọi thứ đều diễn ra suôn sẻ, lũ trẻ ghi chép bài vở vô cùng hăng hái, những gương mặt sáng bừng nhìn vào tôi, gần như nuốt lấy từng lời giảng. Và tôi xác quyết rằng làm một giáo viên thì cũng giống như cầm cương những con ngựa vậy. Nhưng giờ dạy cuối ngày đã phá vỡ toàn bộ quy tắc và khiến tôi nhận ra rằng những nhận thức trực quan quá sớm của mình mới vô ích và khuôn khổ làm sao.
Trước khi bước vào lớp tôi đã biết đang có rắc rối diễn ra, tôi nghe tiếng bàn ghế gãy và tiếng chúng bị ném vào tường. Lách qua đám đông, tôi thấy trong góc tường, một đứa trẻ đang đè một đứa khác xuống sàn nhà.
- Nghe đây, thằng đần! – Đứa bị đè dưới sàn hét lên. – Tao chẳng thèm đụng tới con em gái mày đâu.
- Mày tránh xa nó ra, mày nghe rõ chứ? – Đứa ngồi trên hăm dọa.
Tôi điều chỉnh lại tư thế một chút, và trong bộ dáng tốt nhất của một giáo viên mà tôi có thể tỏ ra, tôi lớn tiếng yêu cầu bọn chúng dừng lại. Bất ngờ, 14 cặp mắt đều đổ dồn về phía tôi, tôi biết trông mình không có vẻ thuyết phục cho lắm. Hai đứa trẻ gườm gườm nhìn nhau, rồi nhìn tôi, sau đó chầm chậm đi về chỗ ngồi. Lúc này một thầy giáo từ lớp học ở bên kia sảnh đi tới, đập tay lên cánh cửa lớp và quát lũ học trò của tôi.
Sau này tôi được biết là thầy ấy đã dạy nhiều đứa trẻ tính khí tương tự trong những lớp học mùa hè. Thầy ấy bảo chúng ngồi xuống, im lặng và lắng nghe những gì cô Anderson – tức là tôi đây – nói, nếu không chúng sẽ phải hối tiếc. Thầy ấy quay về lớp của mình, để lại một mình tôi với cảm giác bất lực không biết phải làm gì để giải tán một cuộc chiến.
Tôi cố giảng lại những bài giảng như ban sáng từ những giáo trình soạn sẵn, nhưng cứ bắt gặp những gương mặt với ánh mắt lườm lườm. Khi giờ học kết thúc, cả lớp kéo nhau ra về, tôi đã giữ lại Mark, cậu bé dường như đã gây ra cuộc đánh nhau kia. Với giọng nói tuyệt vọng, cậu bé nói với tôi:
- Thưa cô, đừng lãng phí thời gian của cô nữa. Tụi em chỉ là những đứa ngu.
Tôi lặng người, không thể trả lời cậu bé, cậu xoay người bước ra khỏi phòng.
Tôi buông mình xuống ghế, tay mân mê cánh một bông hoa hồng mà tôi đã mua cho ngày đầu tiên đi dạy của mình và nghĩ về việc liệu tôi có nên trở thành một giáo viên không. Có phải cách giải quyết duy nhất cho những vấn đề thế này chính là từ bỏ? Tôi tự nói với mình hãy chịu đựng thêm một năm nữa, đến khi tôi kết hôn vào mùa hè năm sau, tôi sẽ chuyển sang làm việc gì đó có ích hơn.
- Tụi nó lại quậy phá cô đúng không? – Vị đồng nghiệp đã giúp đỡ tôi lúc nãy hỏi.
Tôi gật đầu thay cho câu trả lời.
- Nghe này, đừng quá lo lắng. Chỉ có 14 đứa như vậy, và hầu hết chúng không có cách gì tốt nghiệp nổi đâu. Đừng lãng phí thời gian của cô với những đứa trẻ này. Hãy dành năng lượng của mình cho những đứa trẻ tốt ấy.
- Ý thầy là sao?
- Những đứa trẻ này sống trong những túp lều ngoài đồng. Chúng là con của những người hái quả thuê, những lao động du mục, nay đây mai đó. David, đứa trẻ bị đè dưới sàn ấy, đã quấy rối em gái của Mark khi bọn chúng đi hái đậu cùng nhau. Tôi đã bảo chúng thôi cái trò ấy vào bữa trưa hôm nay rồi đấy. Dù sao thì lũ trẻ chỉ đến trường khi nào chúng thích thôi. Cứ giữ mình bận rộn và im lặng là được, mọi chuyện sẽ tốt thôi. Nếu bọn chúng lại quấy phá cô, cứ gọi tôi nhé.
Tôi ngồi đó chết lặng hàng giờ đồng hồ, rồi thu dọn đồ đạc ra về. Tôi không thể quên được ánh mắt của Mark khi cậu bé nói: “Tụi em chỉ là những đứa ngu”. NHỮNG ĐỨA NGU. Từ này cứ vang trong đầu tôi, và tôi thậm chí không thể có lấy một giây tĩnh lặng để nghỉ ngơi. Cơn đau đầu đến với tôi, và tôi biết mình cần phải làm gì đó thật quyết liệt.
Buổi chiều hôm sau, tôi đến phòng học của người đồng nghiệp đã giúp đỡ mình hôm trước, lịch sự đề nghị thầy ấy không cần đến phòng học của tôi nữa, tôi cần phải xử lý những học trò của mình theo cách của tôi, bởi chính tôi. Sau đó, tôi kiên quyết quay lại “lãnh thổ” được dành cho mình, lớp học của tôi.
Tôi rời bàn giáo viên, đứng giữa lớp học, đối diện với 14 học sinh cá biệt của mình, trao ánh nhìn cho các em. Sau đó, tôi quay lại, tiến về bảng đen, viết dòng chữ ECINAJ.
- Đây là tên của cô. – Tôi nói. – Em nào có thể nói cho cô biết nó có nghĩa là gì không?
Chúng bảo rằng những gì tôi viết rất “kỳ cục” và chúng chưa bao giờ thấy cái tên nào như vậy trước đây. Tôi bước tới tấm bảng lần nữa, lần này tôi viết JANICE. Vài đứa trẻ bật kêu lên tên tôi, và chúng nhìn tôi với cái nhìn thú vị. Chúng không biết chuyện gì đang xảy ra, và thậm chí dường như sợ tôi đang bày trò trêu chọc chúng. Chúng trở nên căng thẳng và cảnh giác.
- Vâng, tên cô là Janice. Và cô bị chứng khó đọc. Khi cô bắt đầu đến trường, cô thậm chí không thể viết chính xác tên của mình. Cô không thể đánh vần và các con số thì cứ nhào lộn trong đầu cô. Cô đã bị gọi là “đồ ngu”. Đúng vậy, cô từng là một đứa ngu. ĐỒ NGU! Dường như đến giờ cô vẫn còn nghe thấy những lời khủng khiếp đó, và vẫn cảm nhận được nỗi hổ thẹn của mình khi ấy.
- Vậy làm thế nào cô lại trở thành một giáo viên? – Một học trò hỏi.
- Bởi vì cô ghét biệt hiệu đó, và bởi vì cô không ngu và cô rất ham học. Và đó là điều sắp diễn ra ở lớp học này. Nếu các em cảm thấy mình là “đồ ngu” thì các em không thuộc về lớp học này. Hãy học lớp khác, cô không muốn các em ở đây. Không có đứa trẻ nào ngu ngốc trong căn phòng này cả. Cô sẽ không nương tay với các em. Chúng ta sẽ phải học, học và học nhiều hơn nữa cho đến khi nào các em bắt kịp được bài. Các em SẼ tốt nghiệp, và cô hy vọng vài người trong các em có thể vào đại học nữa. Đây không phải là một trò đùa hay trò chơi khăm – đây là một lời hứa. Cô KHÔNG muốn nghe từ “đồ ngu” trong lớp học này một lần nào nữa. Các em hiểu chứ?
Sau đó, tôi nhận thấy bọn trẻ ngồi thẳng lên, nghiêm chỉnh hơn.
Chúng tôi đã làm việc chăm chỉ cùng nhau, và tôi nhanh chóng bắt kịp phần nào lời hứa của mình. Đặc biệt là Mark, cậu bé có vẻ rất thông minh, sáng dạ. Tôi nghe cậu bé nói với một cậu bé khác trong hành lang:
- Cuốn sách này thật sự rất hay, chúng ta không đọc sách dành cho trẻ con ở đây.
Lúc đó cậu bé đang cầm cuốn Giết con chim nhại, cuốn sách mà đến giờ này tôi vẫn còn thích dạy, sau 25 năm.
Vài tháng trôi qua, và sự tiến bộ thật tuyệt vời. Cuối cùng, Mark cũng nói với tôi vào một ngày nọ:
- Mọi người nghĩ rằng chúng em ngu ngốc là vì chúng em nói không đúng.
Đây chính là giây phút tôi luôn chờ đợi. Thế là chúng tôi bắt đầu tập trung học ngữ pháp, bởi vì bọn trẻ cần điều đó.
Tất cả học sinh của tôi đều biết tôi sẽ kết hôn và rời khỏi đây. Tôi nghe lỏm được những lời thì thầm về quà và hoa. Bọn trẻ rõ ràng đang suy tính rất nhiều. Hầu hết học sinh trong lớp học cá biệt này đều xuất thân từ những gia đình nghèo khó, phải nhờ sự trợ cấp của nhà trường mới có quần áo ấm và những bữa ăn tử tế. Tuy nhiên, Mark nghĩ ra một kế hoạch. Mỗi cuối tuần, cậu bé đều làm thêm tại một tiệm hoa, dọn sạch cỏ trong vườn và làm vài công tác bảo trì thông thường khác. “Nghèo” là biệt hiệu còn tệ hơn “đồ ngu”, quá kiêu hãnh để phải mang thêm một biệt hiệu mang tính sỉ nhục nữa, Mark quyết định phải làm điều gì đó.
Mark liên hệ với nơi tổ chức đám tang, giải thích với họ rằng một giáo viên của bọn cậu sắp rời đi và lớp cậu cần hoa để tặng cô giáo của mình. Vậy là người ta sắp xếp để cậu có được những bó hoa từ những chiếc xe chở hoa sau khi đám tang kết thúc. Mark còn hỏi xin những bông hoa còn sót lại trong ngày từ tiệm hoa mà mình làm việc.
Vào ngày cuối cùng của năm học ấy, vừa bước vào cổng trường tôi đã thấy thầy hiệu trưởng đứng đón tôi:
- Cô Anderson, cô cần phải đi theo tôi, có chuyện đã xảy ra trong lớp của cô.
Mắt thầy nhìn thẳng về phía trước khi bước dài dọc hành làng, tôi im lặng bước theo.
Có một đám đông đang vây quanh lớp học của tôi, những học sinh lớp 7 khác của tôi cũng đứng ở ngoài, miệng cười toe toét. Mark dõng dạc tuyên bố:
- Cô Anderson, các bạn lớp 7-2 tặng cô hoa hồng, các bạn lớp 7-3 tặng cô hoa cài áo, nhưng chúng em yêu cô nhiều nhất. – Và Mark đẩy cửa phòng tôi ra.
Tôi nhìn vào bên trong. Thật tuyệt vời! Có một vòng hoa lớn trên bàn của tôi và ở mỗi góc phòng, có cả hoa ở trên bàn học và trong ngăn tủ, trên bàn của tôi cũng được phủ một tấm khăn rất đẹp.
Tôi bật khóc và lũ trẻ khóc theo. Tất cả chúng tôi đều khóc. Đó là một trong những giây phút cảm động nhất trong đời tôi.
Tuy nhiên, đấy chưa phải là sự kết thúc. Hai năm sau đó, tất cả những đứa trẻ ấy đã tốt nghiệp trung học, có 6 đứa còn xin được học bổng vào đại học. Năm tháng trôi đi thật nhanh, tôi lại tiếp tục giảng dạy môn học của mình, lần này là trong một ngôi trường khá nổi tiếng, không xa trường cũ. Và thật kỳ lạ, một năm sau đó, tôi đã dạy con của Mark trong lớp học tiếng Anh dành cho sinh viên năm 2 của mình. Mark đã kết hôn với một người bạn thời đại học, và sau đó trở thành một doanh nhân thành đạt. Con của cậu ấy có đầy đủ những điều kiện hơn cha nó ngày xưa, và tôi hy vọng đứa trẻ ấy cũng sẽ có một tâm hồn phong phú, giàu lòng trắc ẩn như cha nó vậy.
Bây giờ, thỉnh thoảng tôi vẫn tự cười chính mình khi nhớ lại ngày đầu tiên đi dạy tôi đã nghĩ đến chuyện từ bỏ nghề giáo để “làm gì đó có ích hơn”. Còn gì có ích hơn người có điều kiện và trách nhiệm làm thay đổi vĩnh viễn cuộc đời một đứa trẻ chứ.