PARIS, PHÁP - 22/03/2017: Emmanuel Macron phát biểu tại phiên họp đặc biệt của các Thị trưởng Pháp giữa lúc cuộc bầu cử tổng thống đang diễn ra sôi nổi.
Như vậy, tôi đã khắc họa cuộc đời mình trong những trang vừa qua, ít nhất là phần đời được phép chia sẻ khi tham gia vào chính trường. Đôi khi tôi phải giải thích về con đường của mình, con đường của một người được coi là đầy tham vọng và luôn vội vàng. Tôi không nghĩ như vậy. Chỉ đơn giản là dù còn trẻ, nhưng tôi đã thực hiện nghĩa vụ với mọi người, trừ bản thân tôi, không chỉ nghĩa vụ với cha mẹ tôi, ông bà hay thầy cô giáo của tôi, mà còn với các thế hệ đã trải qua bao gian khó để dạy chúng ta biết yêu tự do.
Tôi biết mình nợ những người tin tưởng vào tôi.
Nhưng trên hết thảy, tôi biết mình nợ Tổ quốc. Chính món nợ này đã thúc đẩy tôi hành động.
Vì vậy, tôi đã quyết định không cống hiến cho một hệ thống chính trị mà không bao giờ thực sự chấp nhận tôi. Tôi quyết định thách thức các quy tắc của đời sống chính trị là vì tôi chưa bao giờ chấp nhận nó. Tôi tin tưởng sâu sắc vào nền dân chủ và sự trường tồn của mối quan hệ với nhân dân. Nhưng tôi muốn tìm lại những gì làm nên sự thịnh vượng của đất nước bằng cách trao đổi trực tiếp với người dân, lắng nghe sự giận dữ của họ, tôn trọng kỳ vọng của họ, phát huy trí tuệ của họ. Đó là lựa chọn của tôi. Đó là lý do tôi mong muốn được nói chuyện trực tiếp với đồng bào của mình và mời họ tham gia vào công cuộc xây dựng đất nước.
Tôi không tin rằng ngày nay đất nước chúng ta vẫn còn phải quy phục chủ nghĩa khoan hòa theo giai cấp, có nghĩa là phải gia nhập chính trường mới được nắm giữ các chức vụ tối cao. Tôi tin rằng sự độc lập với hệ thống này cũng như khả năng nhận ra mối quan hệ mật thiết giữa luật pháp và quyết định công là một sức mạnh. Đó chính là cái tiếp sức cho tôi trong cuộc đấu tranh mà tôi đã khởi xướng.
Tình hình hiện nay của đất nước ta đang rất tồi tệ và không thể cầm cự lâu nữa. Chúng ta đang thu mình với những niềm đam mê buồn tẻ, trong sự đố kỵ, thiếu niềm tin, mất đoàn kết, cục bộ, thậm chí cả sự yếu hèn khi phải đối mặt với các vấn đề nữa. Ngược lại, nền văn hóa mà chúng ta được thừa hưởng tràn đầy những đam mê, vì tự do, vì châu Âu, vì tri thức và vì toàn nhân loại. Chính chúng ta chứ không ai khác phải tìm lại được nhiệt huyết và thành công ấy. Tôi viết cuốn sách này, cũng như dấn thân vào chính trường, là để tham gia vào một phong trào cần thiết, trong đó chúng ta có thể tìm thấy tâm hồn mình.
Khi các chính trị gia viết về chính con người mình, và hơn thế, về những gì họ muốn làm, người ta thường không mấy tin tưởng. Họ thật sai lầm khi phàn nàn về điều này, bởi lẽ người ta không thể vừa thu hút quyền lực, lại vừa được công chúng ngưỡng mộ. Vả lại những ảo tưởng muốn trở thành trung tâm chú ý, muốn được phục dịch như thời xa xưa, muốn tận hưởng danh tiếng mà thông thường không xuất phát từ tài năng của bản thân... thì thật tầm thường. Đôi khi còn vô cùng nguy hiểm nữa. Người ta có thể vui thú hưởng lạc suốt 30 năm làm chính trị, rồi lụi tàn mà không làm được bất cứ điều gì có ý nghĩa. Nhưng thực ra, tất cả những điều này cũng không quan trọng. Bởi vì đối với tôi, hành động và đạt được những thành tựu mới là điều cốt lõi. Nếu không, đời sống chính trị sẽ chẳng còn ý nghĩa gì nữa. Chính đam mê hành động và say mê đổi mới cần là phẩm chất của những đại biểu dân cử, làm nên cuộc sống của họ. Vì vậy, thật không công bằng khi ngày nay những người có tâm đức cũng bị cào bằng trong những chỉ trích chung của toàn xã hội.
Chính trị không phải và cũng chưa bao giờ là một “nghề được luật định”. Bầu cử dân chủ theo tôi phải mang một tầm vóc khác. Sự dân chủ thể hiện qua việc bầu cử thị trưởng và đại biểu chính quyền địa phương. Hằng năm, chúng ta bầu 600.000 đại biểu, trong đó có hai phần ba làm việc trên tinh thần tự nguyện. Họ không nề hà phải mất thời gian, sẵn sàng đối diện với những lời trách oán để cống hiến vì lợi ích chung của cộng đồng. Họ chấp nhận rủi ro, họ hoạt động vì tình yêu đất nước và vì các vấn đề của xã hội. Đó là lý do tại sao tôi muốn dấn thân vào chính trường, để khẳng định ý nghĩa lớn lao của chế độ dân chủ và làm những việc mà tôi tin là cần thiết cho đất nước chúng ta trong thời điểm hiện nay.
Chúng ta phải làm những gì cần thiết. Đất nước ta đang bị đè nặng bởi quá nhiều nghi ngờ, nạn thất nghiệp, chia rẽ về vật chất và tinh thần. Đỉnh điểm của những vấn đề đáng tiếc này là những luồng tư tưởng sai lệch và tuyên bố đáng lưu tâm của các chính khách theo đuổi những tư tưởng đó. Tôi không thể chấp nhận điều này. Liệu ta có nên trông chờ vào sự cứu rỗi của một người, một chính sách, hay một cuộc bầu cử nào đó, dù là bầu cử tổng thống, hay không? Tôi thì không đâu. Tôi không tin vì tôi là một nhà dân chủ của nước Pháp.
Là một nhà dân chủ, tôi cho rằng nhân dân giữ một nguồn năng lượng quý báu vô tận mà bản thân những người tự xưng là đại diện cho nhân dân cũng không hình dung hết được.
Là một công dân Pháp, tôi nghĩ rằng sứ mệnh của chúng ta là phải nối lại truyền thống lịch sử của đất nước hơn một ngàn năm đứng ở vị trí vô song trong bản hòa tấu của các quốc gia trên thế giới. Nước Pháp hấp dẫn bởi vị thế của mình. Bởi tiếng nói của mình. Bởi nền văn hóa, sức mạnh, con người, ngôn ngữ và tài năng của mình. Nước Pháp luôn mạnh mẽ và kiêu hãnh. Nước Pháp luôn sẵn sàng với vị thế này. Vấn đề là phải khôi phục lại sức mạnh ấy. Và đó chính là nghĩa vụ của chúng ta.
Làm chính trị, đặc biệt là ở cấp Nhà nước, không phải là yêu cầu đất nước phải làm gì hay chinh phục đất nước. Mà phải là phục vụ. Để phục vụ một đất nước, sau hàng loạt những chính sách thất bại, cần lấy lại lòng tin của người dân, khiến cho nhân dân tin vào mong muốn được cống hiến dù thầm kín nhưng luôn tồn tại của nhà lãnh đạo, tin vào tinh thần hướng thiện và sự công bằng. Do đó, điều đầu tiên Nhà nước cần làm không phải là ra các quy định, cấm đoán, rồi kiểm soát và xử phạt. Cũng không phải vỗ ngực tự xưng là người giám hộ cho một thể chế xã hội bị đánh giá một cách tùy tiện là yếu kém và không có khả năng tự tạo nên những điều tốt đẹp. Ngược lại, cần khơi dậy nguồn sáng tạo của một thời lịch sử hào hùng. Cần khiến cho toàn xã hội phát huy sáng kiến, thử nghiệm và tìm ra các giải pháp thích hợp. Chẳng phải Tướng de Gaulle, cũng như Pierre Mendès-France cũng đã từng chứng minh rằng chính trị phải gắn liền với thực tế đó sao. Tôi hoàn toàn ủng hộ quan điểm này.
Công việc của một chính trị gia không gói gọn trong việc áp dụng các giáo điều. Quan niệm của tôi về chính trị hoàn toàn trái ngược với sự bảo thủ của các nhà tư tưởng. Ngày nay, người dân không còn muốn các nhà lãnh đạo đất nước tiến hành những cuộc tranh luận chính trị trừu tượng và khó hiểu nữa. Họ mong đợi những hành động có ý nghĩa, các giải pháp cụ thể và hiệu quả.
Tổ chức hành động không phải là điều dễ dàng, đặc biệt là trong chính trường. Dấn thân vào đời sống chính trị nghĩa là vượt lên các khuôn mẫu tư tưởng sẵn có. Các tư tưởng này đúng là tiện lợi nhưng không còn phù hợp để xây dựng thế giới, dù chỉ là một thế giới ở phạm vi chấp nhận được và ít bất công hơn.
Các chính sách lớn trong quá khứ, những chính sách hữu ích cho đất nước, luôn luôn được xây dựng theo quan điểm trên. Hơn ai hết, Tướng de Gaulle cảm nhận được sự hùng cường của nước Pháp. Ông đã từ bỏ chế độ đế quốc, mặc dù từ nhỏ ông luôn được dạy rằng đế quốc là hiện thân cho sự vĩ đại của nước Pháp, vì ông hiểu rằng tương lai của đất nước phải gắn liền với châu Âu. Cũng không ai có ý thức hơn về công lý hơn Pierre Mendès-France. Tuy nhiên, năm 1945, ông đã chủ trương quản lý chặt chẽ ngân sách, thậm chí chống lại cả Tướng de Gaulle, bởi vì ông nhìn thấy dưới lớp vỏ bề ngoài là những rủi ro về mặt xã hội do quản lý lỏng lẻo gây nên.
Tôi không định biến mình thành nô lệ của một thời đại khác. Người ta đã chế giễu tôi vì tôi muốn vượt lên trên sự đối lập giữa cánh tả và cánh hữu: bên cánh tả tố cáo tôi phản bội, bên cánh hữu lại miêu tả tôi như cái mũi thám thính của cánh tả. Tôi không cam tâm nhìn khao khát công lý của mình bị những khuôn mẫu cũ kỹ đó ngăn cản, chính nó đã kìm hãm ý tưởng, trách nhiệm và khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân. Nếu chủ nghĩa tân tự do đề cập tới niềm tin vào con người, tôi chấp nhận là người theo chủ nghĩa tự do. Bởi vì, những gì tôi đang bảo vệ sẽ cho phép người dân tìm thấy trong đất nước mình một cuộc sống phù hợp với nguyện vọng sâu thẳm của mình. Ngược lại, nếu bên cánh tả quan niệm rằng tiền bạc không mua được mọi thứ, rằng mỗi cá nhân đều có quyền làm giàu, rằng không thể hy sinh quyền tự do của công dân vì một nền an ninh tuyệt đối và không tưởng, rằng những người nghèo và yếu thế phải được bảo vệ khỏi sự phân biệt đối xử, thì tôi cũng sẵn sàng được coi là một người thuộc cánh tả.
Đời sống chính trị của chúng ta ngày nay được tổ chức theo một sự phân chia lỗi thời, không còn phù hợp để đối phó với những thách thức mới của thế giới và của đất nước nữa. Cánh tả và cánh hữu vốn được chia tách dựa theo nguyên tắc gia nhập nền Cộng hòa và vị trí của Giáo hội. Sau đó thì dựa vào cách phân chia quyền lợi của chủ nghĩa tư bản công nghiệp, trong đó cánh tả bênh vực người lao động, còn cánh hữu bảo vệ giới chủ. Tuy nhiên, những vấn đề lớn nảy sinh trong thời đại chúng ta là mối quan hệ với công việc, sự xáo trộn do ảnh hưởng mạnh mẽ của môi trường và công nghệ kỹ thuật số, là những hình thức bất bình đẳng mới xuất hiện, là mối quan hệ với thế giới và châu Âu, là việc bảo vệ quyền tự do cá nhân và bảo vệ xã hội mở trong một thế giới đầy rủi ro. Trong tất cả những vấn đề trên, cánh tả và cánh hữu đều xung đột, do đó không thể đi đến hành động. Cả hai phe đều không đổi mới hệ thống tư duy để thích ứng với tình hình thực tế. Các đảng lớn chủ yếu tìm kiếm những sự thỏa hiệp nửa vời để quên đi những chia rẽ đảng phái chính trị và tham gia tranh cử.
Vậy có điểm gì chung giữa một bên là cánh tả bảo thủ luôn bảo vệ các đạo luật và chủ trương đóng cửa biên giới, thoát khỏi đồng euro, với bên kia là cánh tả xã hội – dân chủ đi theo hướng cải cách và ủng hộ châu Âu? Hai bên gần như không có điểm gì chung. Đây chính là điều cản trở hoạt động của Chính phủ trong bốn năm vừa qua. Điều này dẫn đến việc một bên chủ trương và tiến hành cải cách, trong khi bên kia thì chống đối. Còn có điểm gì tương đồng giữa bên cánh hữu ủng hộ một bản sắc khép kín vốn chưa bao giờ tồn tại của quốc gia, luôn chỉ trích châu Âu trong mọi vấn đề, ủng hộ sự tàn nhẫn trên phương diện xã hội và mơ hồ về mặt kinh tế, với một cánh hữu ủng hộ châu Âu, tự do và xã hội? Cũng gần như chẳng có gì chung cả. Điều đó đã dẫn đến thất bại năm 2012. Thậm chí hiện nay những chia rẽ đang ngày một tăng trong các cuộc tranh luận với phe cánh hữu.
Tuy nhiên, 5 năm một lần, mỗi phe đều muốn nhắc lại tầm quan trọng của kỷ luật đảng, tầm quan trọng của việc liên minh giữa các đảng để chống lại bóng ma của đảng Mặt trận Dân tộc. Ngày nay, nền Cộng hòa của chúng ta đang rơi vào mớ hỗn độn của trò chơi quyền lực. Các cuộc bầu cử sơ bộ được tổ chức nhằm mục đích tìm ra một nhà lãnh đạo vì đảng không còn chia sẻ hệ tư tưởng, đồng cảm và tôn trọng một cá nhân đơn lẻ nào nữa. Nhưng đồng thời cũng là để tác động lên vòng đầu tiên của cuộc bầu cử mà ngày nay thường được coi là vòng hai, chừng nào ứng cử viên của Mặt trận Dân tộc còn tồn tại.
Các đảng chính trị của chúng ta đã tan rã vì không còn phù hợp với thực tế, nhưng họ vẫn muốn tham gia vào cuộc bầu cử chính để tồn tại. Phương thức hoạt động kiểu này đã tạo nên sự mệt mỏi, thất vọng, từ đó làm suy yếu hệ thống chính trị, thậm chí làm phát triển chủ nghĩa cực đoan một cách khôn lường.
Kể từ chấn động ngày 21-4-2002(4) cho tới nay vẫn không có gì thay đổi. Các tầng lớp chính trị và các phương tiện truyền thông đã tạo ra một dân tộc gồm những người mộng du, không muốn chứng kiến những gì đang diễn ra. Đôi khi dân tộc ấy phẫn nộ, nhưng cũng không mang lại kết quả. Chúng ta đã nhìn thấy từng ấy khuôn mặt. Chúng ta đã nghe từng ấy bài diễn văn. Họ đề cập tới những chủ đề lặp đi lặp lại, đưa ra những cải cách cũ kỹ chỉ chỉnh sửa chút ít ngay trước khi đưa vào áp dụng, để rồi sau đó lại phải tiếp tục luận bàn với sự góp mặt của báo chí. Tôi coi đó là một căn bệnh, nó đã làm xói mòn lương tâm, sự trung thực, tài năng và lòng quyết tâm.
(4) Ngày 21-4-2002 được coi là một dấu mốc chấn động chính trị của Cộng hòa Pháp khi một đảng cực hữu, Đảng Mặt trận Dân tộc của Le Pen lọt vào cuộc bầu cử tổng thống vòng hai.
Bên cạnh những người mộng du, chỉ biết tuân thủ luật pháp là những kẻ chống đối. Đối tượng này cũng rất đông. Đó là tất cả những người biết rằng cần phải thay đổi, nhưng họ không quan tâm và họ cho rằng Mặt trận Dân tộc sẽ cho phép họ đạt được quyền lực dễ dàng hơn.
Nếu chúng ta không kiểm soát được tình hình, vào đầu tháng Năm tới, hoặc trong 5 hay 10 năm nữa, đảng Mặt trận Dân tộc sẽ lên nắm quyền. Không ai có thể nghi ngờ điều đó. Sau mỗi vụ tấn công hay mỗi lần thất bại trong bầu cử, chúng ta không thể kêu gọi người dân phải hy sinh vì đất nước và tin rằng các nhà chính trị sẽ có khả năng điều hành tốt những công việc nhỏ nhoi của mình giống như họ đã từng làm. Đó sẽ là một sai lầm mang tính đạo đức và lịch sử. Và người dân biết điều đó. Ở đây không phải tôi muốn khiêu chiến với các cử tri của đảng Mặt trận Dân tộc. Tôi luôn cho rằng việc họ lựa chọn đảng này là do lầm lạc. Tôi biết rất nhiều người Pháp lựa chọn như vậy không phải vì niềm tin, mà chỉ để phản đối hay chống lại một trật tự nhà nước đã quên lãng họ. Chúng ta cần nói chuyện với người dân về cuộc sống của họ, cho họ một lý tưởng, một triển vọng. Chúng ta cần chiến đấu với đảng Mặt trận Dân tộc, họ đã kích động người dân nổi giận.
Vì lý do đó nên tôi đã thành lập một lực lượng chính trị mới với tên gọi Tiến bước!. Ngày nay sự chia rẽ thực sự diễn ra giữa một bên là những người theo chủ nghĩa bảo thủ lạc hậu muốn người dân Pháp phải trở lại trật tự cũ, và bên kia là những người theo chủ nghĩa cấp tiến tin rằng sứ mệnh của nước Pháp là xây dựng một chế độ hiện đại, không phải để phủ định sạch trơn quá khứ, hay để thích ứng một cách mù quáng với thế giới, mà để đối diện với nó và chinh phục nó.