T
hách thức đặt ra cho chúng ta ngày hôm nay là làm thế nào đưa nước Pháp tiến vào thế kỷ XXI.
Phải đợi đến khi Chiến tranh thế giới thứ nhất nổ ra vào năm 1914, chúng ta mới bước vào thế kỷ XX. Rồi năm 2015 lại đưa chúng ta bước vào thế kỷ mới với những nỗi đau to lớn mà chúng ta dường như cố tình không nhận ra.
Thế kỷ mới này đòi hỏi chúng ta phải biết hòa hợp giữa bản chất thật sự với những gì chúng ta phải trở thành.
Vậy, nước Pháp là ai và chúng ta đến từ đâu? Như tôi đã chia sẻ, ngay từ thời thơ ấu, tôi đã cảm thấy gắn bó gần gũi với đất nước mình thông qua mối dây liên kết mà tôi đã xây dựng bằng ngôn ngữ. Đó cũng chính là điều cốt lõi đem chúng ta đến bên nhau. Nói như vậy đôi khi thật sáo mòn. Nhưng đó là sự thật, tiếng Pháp mang trọn lịch sử của đất nước ta và khiến chúng ta gắn kết với nhau, từ thời vua François Đệ Nhất với ý tưởng tuyệt vời là xây dựng vương quốc dựa trên sức mạnh của ngôn ngữ. Trong thời kỳ văn học cổ điển, tiếng Pháp đã mất đi phong ngôn thông tục kiểu Rabelais(5). Trong một thời gian dài, tiếng Pháp tồn tại cùng các thổ ngữ và vay mượn nét tinh tế của thổ ngữ. Từ Bretagne đến xứ Basque, từ Alsace đến Provence rồi đến tận Cosse, nhiều người vẫn sử dụng tiếng địa phương, vẫn gắn bó với sự phong phú của ngôn ngữ vùng miền. Ngôn ngữ của chúng ta mang tầm vóc lịch sử.
(5) François Rabelais (1494 - 1553): bác sĩ và nhà văn theo chủ nghĩa nhân văn. Ông dùng tiếng cười giễu cợt, lên án bọn giáo sĩ, đả kích bọn vua chúa tham lam độc ác. Ông đả phá xã hội phong kiến và đề xuất xây dựng xã hội mới.
Chính ngôn ngữ đã giúp chúng ta trở thành một quốc gia mở, vì nó được tiếp thu thông qua những hình ảnh và ký ức mà nó gợi lên. Bất cứ ai học tiếng Pháp, nói tiếng Pháp cũng đều góp phần gìn giữ lịch sử của chúng ta và trở thành một người Pháp. Việc trở thành người Pháp không chỉ liên quan đến giấy tờ. Tôi biết những người nước ngoài không sống ở đây, nhưng vì tình yêu với đất nước chúng ta, họ đã trở thành người Pháp. Không có gì nguy hiểm hơn là làm tan vỡ tình yêu đó, bởi vì như vậy là chúng ta đã không thực hiện bổn phận của mình. Giá như có thể tìm lại ý nghĩa cho cụm từ “người Pháp gốc”, một cụm từ mà tôi không thích chút nào, để không chỉ nói về một người đã sống ở Mayenne từ 10 thế hệ, mà còn nói về những người, dù đến từ đâu và ở bất cứ nơi nào, đang tôn vinh tiếng Pháp. Không có gì làm tôi xúc động hơn là thấy tiếng Pháp được nói ngày càng nhiều ở Guyane, ở Caribê, ở Thái Bình Dương. Đó là tiếng Pháp, tiếng nói thực sự của ông cha ta, những người đến từ mọi vùng miền khác nhau và đã ra đi tạo lập cuộc sống khắp bốn phương trời trên trái đất này. Tiếng Pháp sẽ tiếp tục làm cho chúng ta trở thành một quốc gia vĩ đại.
Kỷ niệm đầu tiên của tôi về nước Pháp là những chuyến đi dọc đất nước đến các điểm du lịch của dãy núi Pyrénées bằng ô tô. Tôi đã có khoảng chục chuyến đi như thế. Nó đã khiến cho ký ức của tôi hằn sâu một dải phong cảnh trải từ Amiens tới Bagnères.
Tôi là một đứa trẻ sống ở tỉnh lẻ, tôi thích từ này hơn từ “địa phương” mà ngày nay người ta thường dùng. Đối với một đứa trẻ sinh ra ở tỉnh Somme như tôi, Paris là một trải nghiệm bất tận và những điều huyền diệu. Chúng tôi đã đi qua những vùng đất trong thế giới của Arsène Lupin, Monte Cristo và Những người khốn khổ. Giống như những kẻ hay mộng mơ, tôi đã ước nhìn thấy các anh hùng của mình xuất hiện ngay trên phố. Tiếp đến là nét quyến rũ của các khu đầm lầy, là vẻ đẹp siêu thực của đầm Poitevin, là những tia sáng mộc mạc của vùng Bordelais qua mô tả của nhà văn Mauriac, vùng Landes với mùi nhựa thông ngập tràn không gian. Cuối cùng dãy Pyrénées xuất hiện nơi chân trời, kết thúc một chuyến đi. Những chuyến du lịch đối với tôi là một liệu pháp để quên hết thời gian, để tìm được hạnh phúc.
Đối với mỗi người trong chúng ta, đất nước đều được tạo nên từ những chuyến phiêu lưu nho nhỏ đó. Và hàng ngàn chuyến phiêu lưu sẽ kết thành hình ảnh một nước Pháp đa dạng, huyền bí, rõ ràng, trung thành và gan dạ. Tôi không có tình cảm nào mạnh bằng sự gắn bó với quê hương mình. Mỗi người trong chúng ta đều có một nơi nào đó để yêu thương và gắn bó. André Breton là một người yêu Paris thiết tha, rồi một ngày tình cờ ông đến giáp biên tỉnh Lot để khám phá Saint-Cirq-Lapopie. Ông đã phải thốt lên: “Tôi không muốn ở nơi nào khác nữa”. Tôi có thể ngắm nhìn không biết chán tâm hồn Pháp thông qua những phong cảnh tuyệt đẹp. Đó là di sản mà chúng ta được thừa hưởng từ trước cả khi có ký ức. Đất nước được xây dựng bằng lời nói, bằng đất đai, đá núi và biển cả. Đó chính là nước Pháp.
Nhưng không chỉ có thế. Nước Pháp còn có một Nhà nước và một kế hoạch – xây dựng một quốc gia tự do.
Lịch sử đã cho chúng ta trở thành những đứa con của Nhà nước, chứ không phải của pháp luật như ở Hoa Kỳ, hay của thương mại hàng hải như ở Anh. Đó là một di sản đẹp nhưng cũng đầy những mối lo.
Nhà nước đã xây dựng quốc gia bằng cách xác định các đường biên giới, bằng các quy tắc và sự bình đẳng về pháp luật trên toàn lãnh thổ. Nhà nước thể hiện chủ trương của nền Cộng hòa về mặt cơ cấu, tuy nhiên rất khó có được sự cân bằng, như chúng ta đã thấy trong hàng loạt các chế độ chính trị. Để viết tiếp lịch sử sau năm 1789, nhân dân Pháp đã hướng về phía Nhà nước. Vì vậy, ở đất nước chúng ta, hình ảnh các bộ trưởng, tỉnh trưởng, giám đốc cảnh sát, thị trưởng rất gần gũi, đóng vai trò quan trọng trong việc thống nhất một quốc gia đa dạng, nhiều thành phần, vì một mục tiêu chung. Đất nước chúng ta không thể được miêu tả một cách dễ dàng như nhiều quốc gia khác. Bởi vì nó mang trong mình một định mệnh cao cả. Và theo thời gian, Nhà nước đã công nhận vị trí của mỗi người trong lịch sử quốc gia.
Chính vì vậy, ở Pháp, Nhà nước có quan hệ thân thiết với các cá nhân và các nhóm cộng đồng.
Nhà nước đã thực hiện rõ nét chủ trương giải phóng, thông qua việc tăng cường quyền tự do cá nhân và sự phát triển tri thức trong nền đệ Tam Cộng hòa; bằng các cuộc chinh phục xã hội của Mặt trận Nhân dân, bằng sự phục hồi của đất nước vào năm 1945 và 1958. Nhà nước đã vượt qua nhiều biến cố, bởi vì luôn có những triển vọng phát triển rộng mở và thu hút sự ủng hộ. Và cũng bởi vì những thành tựu đạt được là những thành tựu cụ thể mà tất cả mọi người đều có thể nhìn thấy được. Trong một thời gian dài, người dân Pháp dường như thu mình lại trong các ngôi làng. Chính nhu cầu di chuyển của họ cho phép kế hoạch được hình thành và phát triển, nhờ các thông tư của nhà nước và sự phát triển của cơ sở hạ tầng giao thông, hệ thống đường bộ và đường sắt. Vai trò của Nhà nước là phải xóa bỏ các khoảng cách, tạo điều kiện đi lại dễ dàng, tăng cường cơ hội tiếp cận và đảm bảo cho mọi người dân có phương tiện sinh sống. Công nghệ kỹ thuật đã có nhiều tiến bộ, nhưng thách thức vẫn còn đó. Việc phủ sóng điện thoại di động và điện thoại cố định, cấp giấy phép lái xe, giao thông công cộng, đi xe chung và xe buýt, truy cập Internet là những đòi hỏi cấp bách hiện nay, cũng giống như việc thiết lập một mạng lưới đường bộ ngày xưa vậy.
Trong những thành tựu này có một nguy cơ phải được tính toán kỹ lưỡng. Để đạt được mục tiêu, Nhà nước đã phát triển ở Pháp một bộ máy cồng kềnh và phức tạp có chức năng đảm bảo hai giá trị quan trọng là bình đẳng và an ninh. Nhưng khi các kế hoạch gặp trở ngại và không còn triển vọng thực hiện nữa, thì bộ máy này trở nên vô nghĩa, thiếu động lực và trở thành một gánh nặng cho cả quốc gia. Có hàng trăm bộ phận công quyền cồng kềnh vẫn còn tồn tại dù lẽ ra cần được xóa bỏ từ lâu. Các nhân viên công quyền đó đang thực hiện những công việc không cần thiết. Sự tồn tại vô ích này cũng dễ hiểu, bởi lẽ việc soạn thảo các bộ luật hay nghị định bao giờ cũng dễ dàng hơn là điều hành. Trong bộ máy này, các viên chức tự tìm ra lý do riêng để biện minh cho sự tồn tại của mình, các chính trị gia cũng tìm được cơ hội để biện minh cho đặc quyền của mình, bản thân địa vị được coi trọng hơn ý nghĩa tồn tại của nó, đất nước này phải sống vì chính quyền thay vì chính quyền phục vụ đất nước. Quan chức dần dần xa rời thực tế và bắt đầu xây dựng các công trình ảo.
Vì những lý do vô căn cứ mà Nhà nước bị lên án. Điều này thật sai lầm, bởi trên thực tế, chúng ta cần phải xem xét Nhà nước về lâu về dài và đặt trong mối quan hệ lịch đại, đồng thời tính đến những lợi ích mà Nhà nước đã và có thể mang lại. Một số người cho rằng Nhà nước phải làm được mọi việc, ngay cả việc chi tiêu vượt quá khả năng chi trả. Đối với một số người khác, toàn bộ sai lầm trên đất nước này đều là do Nhà nước, vì thế giải pháp cho các vấn đề hiện nay là phá tan nó đi.
Trên thực tế, Nhà nước không có những tính chất như vậy. Nhà nước tập hợp dân chúng trong công cuộc xây dựng đất nước dưới lý tưởng của nền Cộng hòa.
Tôi e rằng cụm từ hoa mỹ “nền Cộng hòa” cuối cùng sẽ trở nên sáo rỗng vì bị lạm dụng quá nhiều. Nó được sử dụng để từ chối những gì người ta không thích, để chống lại sự bất khoan dung, cuồng tín, khinh miệt tự do, nhưng không ai nói được ý nghĩa cụ thể của khái niệm này. Các nhà trí thức so sánh nền cộng hòa với nền dân chủ, để tán dương hay chỉ trích nó. Nhiều nhà tư tưởng lớn giả vờ ngây thơ, tự hỏi chế độ quân chủ nào đe dọa chúng ta đến nỗi phải cầu viện đến nền Cộng hòa. Vậy làm thế nào để biết được đâu là những điều không đáng ca ngợi của nền “Cộng hòa”? Nền Cộng hòa không chỉ là tuyên bố các quyền. Nền Cộng hòa còn gắn với những cuộc thảm sát ở Vendée, với vấn đề thuộc địa, với sự bùng nổ các cuộc chiến tranh thuộc địa, rồi gần đây là vấn đề kiểm duyệt sách vở và các phiên tòa bất thường. Tất cả những điều tốt đẹp không nhất thiết đều thuộc về nền Cộng hòa và tất cả những gì thuộc về nền Cộng hòa không hẳn đều tốt đẹp. Nếu tất cả đều tốt đẹp thì có lẽ chúng ta đã phải hoan nghênh các tòa án dưới thời Cộng hòa đã kết tội Đại úy Dreyfus(6), hay duy trì chế độ tù khổ sai và lệnh cấm phụ nữ bỏ phiếu mà nền Cộng hòa đã thực hiện suốt trong nhiều thập kỷ, cho đến khi bị Tướng de Gaulle bãi bỏ; hoặc luật cấm nạo phá thai kéo dài cho đến khi Tổng thống Valéry Giscard d’Estaing nhận ra sự đau khổ của phụ nữ; hoặc hình phạt tử hình kéo dài mãi đến nhiệm kỳ của Tổng thống François Mitterrand.
(6) Alfred Dreyfus là một sĩ quan quân đội Pháp theo Do Thái giáo, bị kết tội phản quốc năm 1894, trải qua nhiều phiên tòa kéo dài trong 12 năm, cuối cùng ông được minh oan năm 1906.
Nền Cộng hòa mà chúng ta yêu thương và phục vụ là nền Cộng hòa giải phóng cộng đồng. Giải phóng khỏi những mê tín dị đoan, tôn giáo hoặc chính trị, khỏi các định kiến xã hội, khỏi tất cả những thế lực đang biến chúng ta thành nô lệ mà không hề hay biết. Nền Cộng hòa là nỗ lực của chúng ta, một nỗ lực không ngừng nghỉ. Nó còn phải tiếp tục được hoàn thiện.
Một bài hát giản dị như Khúc hát chia ly, bình thường đến mức chúng ta không còn chú ý đến lời của nó, đã nói rất rõ: “Một người Pháp phải sống cho Tổ quốc”... Và lời hát này nói tới một thực tế hơn là một nghĩa vụ. Người Pháp từ lâu đã sống vì giải phóng và tự do. “Người Cộng hòa là người lớn, nô lệ là trẻ nhỏ”. Người dân Pháp hiểu rằng họ không thể sống dưới một chế độ chuyên chế. Sự chuyên chế trong quyền lực và các tổ chức chính trị đã lỗi thời, sự áp đặt của thành kiến, của những vòng tròn ảnh hưởng và sức ép từ các phe nhóm. Nền Cộng hòa không đồng lõa với bất cứ điều gì đi ngược với các giá trị của đất nước. Nó biểu hiện cho danh dự của tất cả chúng ta. Trong một lá thư thời chiến do Tướng Diego Brosset, một người lính thuộc lực lượng Giải phóng, viết cho người đứng đầu đội quân của ông rằng: “Người ta không thể sử dụng trí thông minh để tìm lý do thỏa hiệp”.
Nước Pháp của chúng ta với bản chất cộng hòa không hề thiếu kẻ thù. Chúng ta không bao giờ có thể gọi hết tên kẻ thù của nền Cộng hòa. Chúng rất đa dạng nhưng có cùng một đặc điểm, đó là sự hoang tưởng - đôi khi đến mức giết người - đó là những kẻ cứng nhắc và ảo tưởng về quá khứ. Chúng tin rằng mình hiểu được bản chất của nước Pháp. Điều đó không chỉ nguy hiểm mà còn phi lý. Sự thật duy nhất về nước Pháp là những nỗ lực tập thể để giải phóng người dân, khiến cuộc sống tốt đẹp hơn. Nỗ lực này phải đưa chúng ta tới tương lai. Kẻ thù của nền Cộng hòa muốn kìm hãm nỗ lực tập thể vì một quan niệm tùy tiện và cố hữu về nền Cộng hòa. Nền Cộng hòa là gì và sẽ phải như thế nào. Cũng có những tay Hồi giáo cực đoan muốn làm suy yếu nền Cộng hòa, nhưng kinh nghiệm cho thấy, chúng chỉ mang lại bất hạnh và tình trạng nô lệ. Mặt trận Dân tộc, được dẫn dắt bởi hoài niệm phi lý về một nước Pháp không có thực, khiến cho đất nước đi ngược với bản chất của mình. Đảng này tập hợp những thành viên cực hữu, mù quáng với lý tưởng của họ. Đó là những người theo chủ nghĩa hoài nghi, xa rời hoặc coi thường đất nước. Ngoài ra, còn rất nhiều kẻ thù khác nữa, nhưng chúng không đủ mạnh để hạ gục chúng ta.
Và đây chính là kế hoạch mà nước Pháp ấp ủ trong nhiều thế kỷ, chính nó đã làm nên vị thế nước Pháp. Đó là lý do tại sao nước Pháp luôn luôn tỏa sáng trên thế giới. Từ thời kỳ Phục hưng đến thời kỳ Khai sáng, trải qua cuộc Cách mạng Mỹ đến Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền và chống chủ nghĩa toàn trị, nước Pháp luôn góp phần soi sáng và giải phóng thế giới khỏi ách thống trị của sự vô minh, của các tôn giáo đang chống phá và bạo lực. Đối với người dân Pháp, việc vươn ra thế giới vừa thể hiện sự phẫn nộ đối với bất công và nhu nhược, vừa thể hiện quan niệm của nước Pháp về thế giới, vì lợi ích chung của tất cả các quốc gia. Tinh thần của các tác giả viết Bách khoa toàn thư mà Diderot đứng đầu chắc chắn là kết tinh của tham vọng điên rồ này, nhưng như vậy mới là chúng ta. Còn sự tự thu mình vào vỏ ốc là điều hoàn toàn đối lập với bản chất của chúng ta.
NEW YORK, USA - 20/09/2017: Tổng thống Macron trong một cuộc tranh luận tại Hội nghị thượng đỉnh của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc về chủ đề “Cải cách trong công tác gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc”.