NEW YORK, USA - 20/09/2017: Tổng thống Macron trong một cuộc tranh luận tại Hội nghị thượng đỉnh của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc về chủ đề “Cải cách trong công tác gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc”.
Trở thành đất nước như hiện nay là một bất hạnh của nước Pháp. Không còn kiểm soát được vận mệnh của mình và mất đi bản sắc, chúng ta dường như rơi vào tình thế mông lung. Từ khi đủ lớn để nghe các bài phát biểu chính trị, tôi luôn thấy người ta nhắc đến hai chữ “khủng hoảng”. Đây chính là nỗi đau của nước Pháp.
Nền văn minh mà chúng ta đang sống là một nền văn minh đáng lo ngại. Đối với nhiều người trong chúng ta, nó giống như một mối đe dọa, một cuộc tấn công nhằm vào nước Pháp. Nếu nền văn minh là một quá trình tiến bộ của lịch sử, với những thành tựu về vật chất, xã hội, văn hóa và chính trị, thì nó cũng đồng nghĩa với sự tụt hậu, mất kiểm soát, khủng hoảng hoặc mất an ninh. Liệu chúng ta có thể làm thế giới trở lại như ban đầu được không? Tôi nghĩ là không. Nhưng chúng ta có thể cải thiện đáng kể tình hình nếu quyết tâm hiểu được động lực của nó.
Ngày nay, chúng ta bước vào một nền văn minh mà trong đó lãnh thổ quốc gia nhường chỗ cho phạm vi toàn thế giới. Nó được tạo nên với những trao đổi hàng hóa, nhân lực và tiền tệ mọi lúc, mọi nơi trên khắp hành tinh. Nó làm xáo trộn cách tổ chức truyền thống của thế giới. Trong xã hội truyền thống, phần lớn các cuộc trao đổi diễn ra trong phạm vi một nước và Nhà nước – quốc gia chịu trách nhiệm giải quyết những vấn đề quan trọng trong đời sống của người dân. Qua nhiều thập kỷ, thế giới của chúng ta đã chứng kiến hiện tượng hàng hóa và tài chính dần chiếm ưu thế trong nền kinh tế. Nhà nước sẽ phải tìm cách chống lại hoặc chấp nhận thực tế này và không bao giờ có thể hoàn toàn kiểm soát được nó.
Tôi lớn lên ở những vùng đất đã trải qua hậu quả tiêu cực của các hiện tượng này. Amiens và Bagnères đều là những vùng đất của ngành dệt may, trong quãng thời gian thơ ấu của tôi đã có hàng chục ngàn việc làm bị xóa sổ, do các nhà máy và cơ sở sản xuất len đã mất đi sức cạnh tranh, còn người tiêu dùng có thể mua quần áo rẻ hơn có xuất xứ từ các nước Bắc Phi, Đông Âu, Trung Quốc và hiện giờ là Việt Nam. Ngày nay, chỉ cần nói chuyện với một người làm nghề chăn nuôi gia súc ở Lozère hay nơi nào đó, nhúng tay vào những hành vi đen tối của một tổ chức tầm cỡ thế giới để triệt đường sống của ông ta, là có thể buộc ông ta phải bán gia súc với mức giá thấp hơn nhiều so với cách đây ba mươi năm, trong khi chi phí đầu tư cho chăn nuôi lại tăng lên.
Với xu hướng toàn cầu hóa, các mối quan hệ trao đổi không ngừng tăng tốc, tạo nên những mối quan hệ phụ thuộc lẫn nhau giữa các quốc gia, giữa các công ty và các trung tâm nghiên cứu. Như vậy, không phải lúc nào xu hướng này cũng mang tính tiêu cực. Gần hai triệu người Pháp đang làm việc trong các công ty nước ngoài có trụ sở tại Pháp và hàng triệu người dân của chúng ta đang sống nhờ xuất khẩu. Cách Bagnères mà tôi vừa kể không xa, các hoạt động hàng không đang phát triển rất thành công nhờ quá trình toàn cầu hóa. Bởi lẽ, Airbus và rất nhiều công ty khác đã có thể đầu tư, chinh phục các thị trường mới và thành công. Sẽ thật phi lý nếu nói rằng chúng ta có thể thoát khỏi xu hướng toàn cầu hóa để sống tốt hơn. Sự dối trá đó đáng bị trừng phạt bởi nó có thể sẽ gây ra nhiều hậu quả to lớn.
Những biến đổi sâu sắc này đã chấm dứt sự phát triển suốt nhiều thập kỷ qua của đất nước chúng ta. Khiến cho nền kinh tế thay đổi với tốc độ chóng mặt do những biến động to lớn của công nghệ lên ngôi. Trong chiến tranh và đói nghèo, ông cha chúng ta còn trải qua nhiều khó khăn hơn chúng ta hiện nay, nhưng họ được tiếp sức bởi những hy vọng về sự tiến bộ. Cảm giác về sự tiến bộ sắp đến đã tạo nên một tâm lý và niềm tin mãnh liệt rằng nếu chúng ta hành động bây giờ, mai sau cuộc sống của bản thân và tương lai con cháu chúng ta chắc chắn sẽ tốt hơn. Đã qua rồi những thập kỷ Pháp tập trung xây dựng lại đất nước và tin tưởng sâu sắc vào một nền kinh tế phục hồi với những kế hoạch lớn. Cũng như hiện nay, giai đoạn ấy đã phải chứng kiến những tình huống đau lòng, có những nơi phải hứng chịu cảnh các ngành công nghiệp địa phương tan rã. Nhưng họ vẫn hy vọng có thể hòa nhập và tiến lên phía trước. Trái lại, ngày nay, các cuộc khủng hoảng liên tiếp đã hằn sâu vào tâm trí người dân, cùng với nỗi lo về sự tụt hậu khó có thể tránh khỏi của bản thân và người thân. Gần như không một ai tin rằng sự tăng trưởng có thể đảm bảo số phận chung của đất nước. Những người có suy nghĩ như vậy hoặc không biết làm thế nào để đạt được mục đích sẽ theo đuổi những kế hoạch không tưởng như đóng cửa biên giới, hay xây dựng một quốc gia với những công xưởng quốc doanh được tài trợ một cách khó hiểu.
Hơn nữa, trong những năm gần đây, xu thế toàn cầu hóa được đẩy mạnh cả về số lượng lẫn chất lượng, đặc biệt là sự trỗi dậy của hệ thống tài chính quốc tế. Hệ thống tài chính này ban đầu đi kèm với sự trao đổi thương mại, rồi sau đó có những tiến bộ riêng. Có nhiều điểm tốt trong hình thức phát triển này, nó cho phép các thành phần kinh tế tự cung cấp nguồn tài chính cho bản thân nhanh hơn và trong điều kiện tốt hơn. Nhưng, nó cũng dẫn đến hàng loạt hoạt động đầu cơ không tạo ra bất kỳ giá trị thực nào. Nó đã duy trì lòng tham của một số cá nhân. Hậu quả là phần lớn công dân của chúng ta đồng loạt từ bỏ thị trường tài chính. Tuy nhiên, chúng ta vẫn cần đến mô hình này. Mỗi dịp cuối năm, chúng ta thường vay tiền của thị trường tài chính để trả lương cho các quan chức. Và, nếu các công ty của chúng ta chinh phục được thị trường và có được khách hàng mới, thì cũng phần nào là nhờ tài chính. Về mặt này, cần phải tỉnh táo và phân biệt rõ ràng khi đấu tranh chống lại thị trường tài chính không có mục tiêu và, ngược lại, khuyến khích thị trường tài chính cho phép đầu tư.
Tuy nhiên, kể từ cuộc khủng hoảng năm 2008, đất nước chúng ta đã làm điều ngược lại. Chúng ta đã không ngăn chặn những biểu hiện lạm dụng, mà mặt khác, lại đề ra ràng buộc đối với các ngân hàng và các công ty bảo hiểm, trong khi đó là những nhân tố đóng vai trò trung tâm trong việc cung cấp tài chính cho các hoạt động kinh tế. Trước hết, chúng ta cần tiến hành một trận chiến ở phạm vi châu Âu và toàn cầu. Trận chiến này không chỉ liên quan đến lĩnh vực kỹ thuật, mà còn cần có sự can thiệp của chính trị và đạo đức. Tình hình hiện nay đang khiến cho nhiều người trong chúng ta thấy quá bất công. Những giải pháp quá dễ dàng - chỉ có thể áp dụng được ở Pháp hay chỉ dùng để phạt ai đó – sẽ không giải quyết được gì. Những giải pháp này chỉ có thể dùng để tán dương những niềm đam mê buồn bã của chúng ta mà không mang lại ý nghĩa gì mới. Cái chúng ta cần là các biện pháp mang tầm quốc tế và một tinh thần tập thể cao.
Cuối cùng, toàn cầu hóa đã có một bước ngoặt mới trong 15 năm qua với sự phát triển của Internet và thế giới kỹ thuật số. Nhiều chân trời mới mở ra trước mắt chúng ta. Những tập quán mới, những hệ quy chiếu mới tác động đến việc sắp xếp tổ chức và trí tưởng tượng của chúng ta. Chúng ta thay đổi thói quen. Ngày càng có nhiều người Pháp đặt hàng, mua sắm, thanh toán chi phí, đặt vé tàu xe qua Internet. Chúng ta thay đổi phương thức sản xuất. Phần mềm và Internet cho phép robot hóa theo một cách mới. Ngành công nghiệp của tương lai này sẽ làm thay đổi các doanh nghiệp, khiến cho những công việc thủ công đỡ vất vả hơn và đòi hỏi phải có những chương trình đào tạo nhanh dành cho nhân viên. Công nghệ in 3D cho phép sản xuất các sản phẩm có kích thước nhỏ với hình ảnh gần với thực tế và cải tiến hệ thống logistics, nhờ đó hàng hóa có thể được sản xuất ở nơi này và tiêu thụ ở đầu kia của thế giới.
Các ngành nghề cũng đang thay đổi. Các phân tích cho thấy sẽ có hàng chục ngành nghề mới ra đời trong vài năm tới; một số nghề chưa hề tồn tại cách đây mười năm như quản lý cộng đồng, chuyên gia xử lý dữ liệu hàng loạt,... nay đã xuất hiện. Đồng thời, toàn bộ các lĩnh vực kinh tế sẽ thay đổi sâu sắc. Theo các nghiên cứu, từ 10% đến 40% số việc làm có thể được tự động hóa trong vòng 20 năm tới. Trong lĩnh vực ngân hàng và bảo hiểm, từ 1/3 đến 1/2 số nghề sẽ biến mất trong vòng từ 5 đến 10 năm nữa. Robot và các thuật toán sẽ nhanh chóng thay thế nhiều nhân viên và đảm đương các công việc mang tính lặp đi lặp lại. Thế giới kỹ thuật số sẽ làm thay đổi mạnh mẽ tổ chức tập thể. Công việc của tầng lớp trung lưu và đặc biệt là người lao động đôi khi sẽ bị đe dọa, trong khi cơ hội việc làm sẽ chủ yếu dành cho các ngành nghề chỉ cần trình độ thấp hoặc đòi hỏi tay nghề cao. Nền dân chủ của chúng ta vốn được xây dựng dựa trên tầng lớp trung lưu, nhưng hiện nay bản thân họ và con cái của họ đang phải sống trong một tình trạng đáng lo ngại.
Môi trường làm việc hiệu quả trong nhiều thập kỷ qua của chúng ta đang thay đổi. Dưới hình thức hợp đồng không thời hạn, công ty sẽ không còn là nơi làm việc trọn đời nữa. Thời gian và địa điểm làm việc cũng thay đổi, công việc có thể tiến hành ở công ty, ở nhà khách hàng, ở địa điểm công cộng hoặc tại nhà. Người lao động ngày càng dễ thay đổi chỗ làm việc, ngành nghề và địa vị. Sự thay đổi này là điều không thể tránh khỏi.
Chúng ta cũng chứng kiến một cuộc cách mạng trong nghiên cứu và đổi mới. Ranh giới giữa các ngành đang dần phai mờ. Sự hội tụ giữa ngành nghiên cứu gen di truyền, công nghệ nano, các công cụ kết nối và công nghệ xử lý dữ liệu hàng loạt đã biến những điều không tưởng của ngày hôm qua trở thành hiện thực. Việc sản xuất dữ liệu cũng phát triển. Trong những năm qua, tổng số lượng dữ liệu mà chúng ta tạo ra còn lớn hơn lượng dữ liệu tích lũy từ thuở sơ khai của nhân loại cộng lại. Nhiều căn bệnh đã điều trị được nhờ những tiến bộ này. Tri thức của chúng ta phát triển nhanh chưa từng có. Nhưng đồng thời, những thay đổi tích cực này cũng đi liền với nhiều điều trăn trở. Nhiều cộng đồng xuất hiện với các dự án có khả năng gây nhiều nguy cơ cho nhân loại như dự án siêu nhân học, “siêu nhân công nghệ”,...
Những thay đổi về công nghệ sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến phương thức tổ chức sản xuất và xã hội của chúng ta. Chúng ta bắt đầu bước vào thời kỳ phát triển trí thông minh nhân tạo. Loại trí thông minh mới này làm tăng năng suất lao động, thay thế các thao tác lặp đi lặp lại và các công việc giản đơn. Sắp tới đây, nó sẽ cạnh tranh với trí tuệ con người và kéo theo nhiều hậu quả xã hội. Rõ ràng, chúng ta phải chuẩn bị cho những biến động khôn lường mà không thể kiểm soát được tầm ảnh hưởng. Các cơ quan công quyền sẽ đóng một vai trò quan trọng vì xu hướng phát triển này liên quan tới vấn đề đạo đức và văn minh nhân loại.
Cuối cùng, phải kể đến những biến đổi sâu sắc trong trí tưởng tượng của chúng ta. Ngày nay, với Internet, ai cũng có thể nhìn thấy mọi thứ, nhận xét mọi thứ, rồi so sánh bản thân với phần còn lại của thế giới. Điều đó cho họ cảm giác tự do và nghĩ rằng việc gì họ có thể thực hiện được. Internet giúp gắn kết những người có cùng niềm đam mê. Nhưng đồng thời, Internet cũng dẫn đến những rối loạn thần kinh và thể hiện một cách tàn nhẫn những bất công xã hội, hay chênh lệch về mức sống của con người. Internet cho những người nghèo nhất nhìn thấy cuộc sống của người giàu, đó là mầm mống nuôi dưỡng sự thất vọng, thậm chí nổi loạn. Internet cũng làm lan tràn những hình ảnh khiêu dâm mà tác động của nó thì khôn lường. Cũng qua phương tiện này, các nhóm tội phạm có thể cấu kết, phát triển và gây ấn tượng bằng hình ảnh. Tóm lại kỹ thuật số tạo ra những điều tốt đẹp nhất, cũng như những điều tồi tệ nhất.
Kỹ thuật số không phải là một lĩnh vực kinh tế, nó là môi trường để phát triển sâu rộng các nền tảng kinh tế, xã hội và hệ thống chính trị của chúng ta. Nó mở rộng các không gian bằng cách tăng cường khả năng của mỗi cá nhân, đồng thời cũng chia nhỏ không gian, làm trỗi dậy các băng đảng và nhóm kín. Đó là một không gian phân quyền, nơi tất cả mọi người đều có thể đóng một vai trò và có quyền hạn nhất định. Đồng thời, đó cũng là một xã hội đa dạng, nơi mỗi thành viên đều có một vị trí riêng của mình. Như vậy, một trong những thách thức của nền văn minh ngày nay là xu thế toàn cầu hóa song hành với chủ nghĩa cá nhân. Những thành tựu ngày nay làm suy yếu tất cả các hình thức tổ chức truyền thống của xã hội, đặc biệt là của Nhà nước. Chúng tác động lên Nhà nước về nhiều mặt.
Hơn nữa, xã hội đang chứng kiến những biến động lớn về dân số: dân số thế giới tăng không ngừng, dân số ở các nước phát triển thì bị già hóa, trong khi dân số ở các nước đang phát triển lại trẻ hóa. Những thay đổi quan trọng này đã, đang và sẽ tiếp tục gây ảnh hưởng đến tổ chức và cuộc sống của chúng ta.
Chúng ta cũng bước vào một nền văn minh đầy rủi ro. Nguy cơ chiến tranh luôn thường trực, như thể nó đã được định sẵn. Đồng thời, những nguy cơ mới vẫn đang xuất hiện ở phạm vi toàn cầu, buộc chúng ta phải lưu tâm.
Những hiểm họa môi trường trở nên rõ rệt hơn bao giờ hết. Chúng ta có thể nhận ra qua các thảm họa tàn khốc ở Bhopal – Ấn Độ năm 1984, thảm họa hạt nhân Tchernobyl – Liên bang Xô viết năm 1986 và Fukushima – Nhật Bản năm 2011. Có những biểu hiện khó thấy hơn như sự biến mất dần các loài sinh vật tự nhiên (quần thể động vật có xương sống, cá, chim, động vật có vú, động vật lưỡng cư và bò sát đã giảm 58% số chủng loài từ năm 1970 đến năm 2012). Nguyên nhân chính là do khí hậu trái đất nóng lên, do môi trường thiên nhiên thay đổi, do nạn đói, hạn hán và các thiên tai khác.
Những rủi ro về môi trường này là hậu quả trực tiếp và gián tiếp từ hành vi của con người. Ảnh hưởng này ngày càng lớn. Những nguy cơ về môi trường đang và sẽ kéo theo sự mất cân bằng và chiến tranh, các quần thể sẽ tìm cách chinh phục các không gian sống khác. Rồi các làn sóng di cư đó sẽ lại ảnh hưởng trực tiếp đến chúng ta.
Mặt khác, nguy cơ về xung đột địa chính trị là rất lớn. Kể từ khi bức tường Berlin sụp đổ, nhiều nhà bình luận đã khẳng định rằng chúng ta đã đi đến giai đoạn cuối của Lịch sử. Thế giới phương Tây sẽ không còn bị ảnh hưởng bởi những xung đột lớn nữa và sẽ được che chở khỏi những bất hạnh như vậy. Nhưng phát biểu đó đã sai lầm. Các nền dân chủ của chúng ta đang phải sống trong nguy cơ khủng bố. Sau Al-Qaeda và Boko Haram, nhà nước Hồi giáo tự xưng IS đang thực sự mang đến những tai họa dồn dập, từ Iraq đến Syria và Libya ngày nay đều tìm cách tiêu diệt chúng ta. Dù đang rút khỏi Syria và Iraq, nhưng chúng có thể sẽ bí mật quay trở lại trong vòng vài tháng tới. Ngay trong chính các quốc gia châu Âu chúng ta, IS cũng tiêm vào đầu óc những kẻ khủng bố giết người máu lạnh một hệ tư tưởng toàn trị và chết chóc. Những kẻ khủng bố coi nước Pháp là một trong những mục tiêu ưu tiên của chúng. Nguy cơ khủng bố nhắc nhở chúng ta rằng thế giới là một thể thống nhất và chúng ta luôn là đối tượng cho các âm mưu phá hoại nghiêm trọng. Chúng ta không thể bàng quan, thụ động, nghĩ rằng chỉ cần tránh xa các vùng chiến sự là được, bởi trước sau gì chúng cũng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến xã hội của chúng ta. Nhưng như vậy không có nghĩa là chúng ta phải can thiệp vào mọi nơi và mọi hoàn cảnh.
Nguy cơ khủng bố giáng xuống chúng ta và có ảnh hưởng sâu sắc đến sự thống nhất và ổn định của nước ta. Bởi lẽ trong cuộc chiến quân sự, chính trị và ý thức hệ này, yếu tố tôn giáo đang can thiệp và dẫn đến sự nhầm lẫn. Quá nhiều người Pháp đang sai lầm khi đánh đồng cuộc chiến chống lại IS với việc chiến đấu chống lại Hồi giáo.
Chúng ta không chỉ phải đối mặt với nguy cơ khủng bố, mà nếu không cẩn thận sẽ là nguy cơ nổ ra chiến tranh tôn giáo, hoặc ít nhất cũng là nguy cơ đối kháng do trí tưởng tượng và tham vọng của một số nhóm người gây nên. Do đó, nhiệm vụ cấp bách hàng đầu bây giờ là học cách phân biệt trắng đen rõ ràng.
Ngày nay, Nhà nước đang được yêu cầu phải loại bỏ mọi nguy hiểm. Nhưng đó là một lời hứa không thể thực hiện được.
Một số chính trị gia, dù cánh tả hay cánh hữu, có xu hướng thể hiện sự kiêu ngạo. Họ đề xuất từ bỏ Nhà nước pháp quyền để bảo vệ người dân tốt hơn. Điều này là không thể, vì họ sẽ không bao giờ ngăn cản hoặc kiểm soát được mọi hành động của mỗi cá nhân. Ngược lại, hành động từ bỏ Nhà nước pháp quyền sẽ dọn đường cho chiến thắng của những kẻ khủng bố mong muốn chúng ta vì sợ hãi mà từ bỏ bản sắc của mình. Những người khác lại nghĩ rằng việc thay đổi Hiến pháp một cách tượng trưng sẽ dẫn đến bạo lực lan tràn trong xã hội. Chẳng hạn cuộc tranh luận về việc không cho nhập quốc tịch thật vô ích và nguy hại.
Trên thực tế, để đối mặt với những rủi ro này, cần phải có một quyết tâm và sức mạnh đủ lớn, phải chấp nhận rằng chúng ta không bao giờ giải quyết được mọi thứ ngay lập tức. Muốn xây dựng một xã hội hòa bình thì cần phải mất nhiều thời gian.
Những biến động to lớn mà chúng ta đang chứng kiến là một thách thức của nền văn minh, nó làm thay đổi các biểu tượng và cấu trúc của nước Pháp thời hậu chiến.
Chúng ta đang sống trong giai đoạn cuối cùng của chủ nghĩa tư bản toàn cầu mà với việc phát triển quá đà này, nó đã tỏ ra thực sự không thể kéo dài nữa. Sự thái quá trong cơ chế tài chính hóa, bất bình đẳng xã hội, ô nhiễm môi trường, dân số bùng nổ, những làn sóng di cư vì các vấn đề địa chính trị và môi trường gia tăng, những đổi thay do công nghệ kỹ thuật số là mầm mống gây nên những biến đổi to lớn, buộc chúng ta phải hành động. Kể từ khi sự phát minh ra máy in và phát hiện ra châu Mỹ dẫn đến tái cấu trúc các tổ chức xã hội và chính trị, sáng tạo và nghệ thuật trong thời kỳ Phục hưng ở phương Tây, có lẽ chưa bao giờ chúng ta phải sống trong xã hội nhiều biến động như hiện nay.
Sự chuyển đổi lớn lao này liên quan đến tất cả chúng ta. Từ chối mọi thay đổi của thế giới bằng cách tự tỏ ra hài lòng sẽ chỉ là giải pháp tình thế khi vá víu một mô hình đã được tạo ra từ xa xưa, đó không phải là con đường của người Pháp. Quên đi những gì tạo nên chúng ta, từ bỏ các nguyên tắc, hoảng sợ như những con bướm trong bóng tối của chủ nghĩa khủng bố, đó không phải chọn lựa của người Pháp. Mỗi ngày thêm nghi ngờ một chút về bản thân, chỉ đọng lại trên đầu môi những lời thoái lui cũng không phải là cách của người Pháp. Người dân Pháp biết điều này và họ đã sẵn sàng để xây dựng lại đất nước.