Sự kiện anh chàng Rain Bi đến Việt Nam gây xôn xao dư luận trong giới trẻ yêu K-pop vừa rồi, ít người biết Việt Tú - anh chàng đạo diễn sinh năm 1977 - người mới rời khỏi VTV năm ngoái chính là đồng đạo diễn show trình diễn cho ngôi sao ca nhạc lừng danh người Hàn này tại TP Hồ Chí Minh. Học kèn Clarinet thuở nhỏ, và tốt nghiệp Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội, chuyên ngành Đạo diễn, Nguyễn Việt Tú, cái tên trong mấy năm vừa qua đã gắn với hàng loạt sự kiện văn hóa nghệ thuật lại đang lảng tránh báo chí...
***
- Cái tên Việt Tú đang là lựa chọn đầu tiên cho các even và show, nhưng gần đây dường như anh hơi kín tiếng cả với báo giới và công việc chuyên môn?
"Thực ra, để có được một quá trình làm việc suốt 4 năm vừa rồi, cá nhân tôi đã phải có sự chuẩn bị trong cả một quãng thời gian dài trước đó. Đối với một người đạo diễn, điều quan trọng nhất là tác phẩm và chất lượng của tác phẩm. Từ ngày bắt đầu công việc này tôi đã quyết định rằng với những điều kiện mà mình đang có, với cá tính của mình sẽ không có chỗ cho những thỏa hiệp với công việc".
"Tôi vẫn đang làm việc cật lực. Tôi nhận làm game show vì dạng công việc này không lấy của tôi quá nhiều thời gian, cho tôi một thu nhập ổn định, giúp tôi rèn luyện được một nhánh công việc của mình (đạo diễn hình). Thêm nữa, tôi có thể dành thời gian, sự suy nghĩ của mình cho những dự án mà tôi đang theo đuổi. Tôi không muốn được biết đến bằng những tuyên ngôn bừa bãi, những hình ảnh không có thật về bản thân mình".
"Thời gian gần đây, có nhiều người hỏi tôi rằng tại sao ít thấy tôi làm chương trình và ít thấy tôi… lên báo. Có rất nhiều lời mời phỏng vấn dành cho tôi, nhưng phần lớn tôi phải từ chối vì thành thực mà nói đôi khi những người đạo diễn rất cần những "khoảng lặng" để làm việc. Tôi cũng không muốn mình cứ suốt ngày mình xuất hiện trên mặt báo để nói về những chuyện không liên quan đến công việc, những vấn đề riêng tư của gia đình mình. Tôi muốn được tách biệt rõ ràng giữa công việc và gia đình. Tôi cần một sự tôn trọng cho những gì riêng tư của cá nhân và gia đình tôi".
- Vậy là anh đang từ chối khách hàng?
"Tôi đã phải đấu tranh rất nhiều khi liên tục đưa ra những lời từ chối. Với những mục tiêu mà tôi đang đề ra trong thời gian này nếu nhận quá nhiều show sẽ không có lợi cho chính bản thân mình cũng như những khách hàng đã tin tưởng ở mình".
"Hiện tại ưu tiên của tôi là hoàn thành kế hoạch làm việc của năm 2007 với các hợp đồng đã ký để mình có thể yên tâm sắp xếp thời gian cho công việc một cách hợp lý nhất trong tương lai".
- Có phải đó là hệ quả của sức ép trong công việc đang quá nhiều cạnh tranh và cũng không ít điều tiếng mà anh phải chịu?
"Tôi đã luôn được sống, làm việc dưới sức ép và sự chờ đợi của mọi người đối với mỗi tác phẩm của mình từ ngày mới bước chân vào công việc này. Vì vậy việc luôn đưa ra những đòi hỏi cao đối với một chương trình của mình nói riêng, cũng như các dự án mà khách hàng trông đợi nói chung đã trở thành một phần quan trọng trong quan điểm làm việc của tôi".
"Phải hoạch định được mình phải làm gì, làm như thế nào trong các mốc khác nhau của sự nghiệp luôn là điều rất quan trọng, vì nếu bản thân bạn không biết phải làm gì, không biết phải đi đến đâu trong công việc của mình thì bạn sẽ không bao giờ có một sự nghiệp thành công lâu dài. Tôi luôn biết mình phải làm gì, cũng như kiểm soát tối đa công việc và sự phát triển. Để làm ra được một chương trình hay đã là khó, để làm ra được một chương trình đặc biệt còn khó khăn hơn rất nhiều. Và đó luôn là thách thức, cũng như động lực làm việc của tôi".
- Báo chí ủng hộ Tú nhiều nhưng thực tế cho thấy không ít lần làm tổn thương Tú. Có trách gì báo chí không?
"Bi kịch hóa những vấn đề hết sức bình thường của cuộc sống để làm gì? Tôi nghĩ, cho đến thời điểm này mình đã được nhận được ở báo chí sự ủng hộ nhiều hơn là những lần tổn thương. Hơn nữa trong lĩnh vực này nếu quan niệm ai đó viết ra một điều gì không như mong muốn của mình, không đúng với quan điểm của mình là một sự tổn thương thì tôi sợ rằng bạn không phải là người thích hợp để làm trong lĩnh vực này đâu".
- Tú đi khỏi một nơi hoành tráng như Đài Truyền hình Việt Nam, lời ra tiếng vào không ít, Tú có thanh minh gì cho mình?
"Tại sao phải phàn nàn khi ở VTV, những người ‘lời ra tiếng vào’ với tôi ít hơn là những bạn bè thực sự mà tôi đã có được? Còn với điều tiếng nào đó, im lặng và thái độ làm việc của tôi là sự thanh minh rồi".
- Tú trẻ, thành công nhưng khá khiêm tốn trước các bậc đàn anh. Có sợ thái độ đó nhiều khi được hiểu là "khôn" quá không?
"Tất cả những bậc đàn anh đi trước tôi đều xứng đáng được tôn trọng vì tất cả những gì mà họ đã làm được trong sự nghiệp của mình mặc dù tất cả những gì tôi có được ngày hôm nay không chịu bất kỳ sự ảnh hưởng nào từ họ. Tôi khiêm tốn vì tôi là người tự tin, luôn biết mình ở đâu, và luôn biết mình là ai. Nếu không khôn ngoan, bạn không thể tồn tại được. Tôi tôn trọng các bậc đàn anh vì họ xứng đáng được như vậy".
- Tú đã từng có dự định đi Mỹ học, tại sao dự định ấy vẫn chưa thành?
"Không nên đóng khung việc học vào khái niệm cứ phải đi đâu đó "mất tích" trong vòng mấy năm thì mới là đi học. Cần phải xác định được cái gì thực sự cần thiết và phù hợp với mình ở từng giai đoạn để đầu tư. Ở công việc hiện tại của tôi, điều cần thiết nhất là phải được đi nhiều, xem nhiều, tiếp xúc với nhiều người cùng vị trí với mình nhưng ở những môi trường làm việc phát triển hơn để học hỏi".
"Từ ngày rời khỏi công việc ở Đài, tôi đã có may mắn được đi nhiều, xem nhiều, và học nhiều những thứ thú vị. Tôi không thích việc cứ giam mình ở trong một trường đại học nào đó ở nước ngoài vài năm chỉ để lấy một cái bằng và cái tiếng là đã đi học ở nước ngoài. Học ở bất kỳ đâu mà không thích nghi được với môi trường mà mình đang làm việc thì cũng không giải quyết được vấn đề gì cả. Hơn nữa cũng cần phải thực tế rằng, ở lứa tuổi của tôi (29) việc bỏ hết tất cả mọi thứ (sự nghiệp, gia đình) để đầu tư vào việc đi học tới 5 năm sẽ là một tính toán không hợp lý".
- Đạo diễn Việt Tuấn từng rất "va" với con trai mình trong quan điểm làm nghề khi Tú mới ra trường đang thực tập chính tại nơi ông làm việc. Tú đã tranh đấu như thế nào? Và đạo diễn Việt Tuấn bây giờ nghĩ gì về con trai mình?
"Đó là chuyện bình thường, vì đối với mọi ông bố bà mẹ thì những đứa con của mình luôn chỉ là những đứa trẻ. Tôi đã từng rất thất vọng về cách đối xử của bố đối với mình. Nhưng nếu không có những "thử thách" do bố tôi tạo ra thì tôi đã không thể nào có được ngày hôm nay. Tôi sẽ không bao giờ quên rằng, bố tôi chính là người đã tự bỏ thêm tiền túi ra để con trai mình có thể thực hiện những điều điên rồ nhất trong clip ca nhạc đầu tiên mà tôi được làm đạo diễn. Cũng chính bố và mẹ tôi đã không bao giờ đặt ra cho tôi những sức ép về mặt tài chính để tôi có thể thoải mái quyết định làm hay không làm một việc gì đó được theo ý mình".
- Mảng ca nhạc truyền hình của Việt Nam hiện tại, theo Tú còn thiếu những gì để thực sự hấp dẫn?
"Một cơ chế cho người làm việc cởi mở hơn nữa. Còn về cơ hội cho người làm việc thì không ở đâu có thể cho mình những cơ hội lớn như Đài Truyền hình đâu".
- Trong nghề nghiệp của mình, ai là người Tú biết ơn nhất, học được ở họ nhiều nhất?
"Có một điều ngạc nhiên nhất là người hướng tôi đến công việc này đầu tiên là mẹ, chứ không phải là bố tôi. Đó là điều mà tôi sẽ không bao giờ quên được vì ở thời điểm đó tôi đã thực sự bế tắc, không biết mình sẽ phải làm gì và không biết mọi việc sẽ đi đến đâu. Trong nghề nghiệp của mình, người mà tôi biết ơn nhiều nhất chính là bố tôi. Ông có thể không phải là một thiên tài trong công việc của mình, nhưng luôn là một con người thẳng thắn, trung thực và có thể hy sinh tất cả cho gia đình. Có thể vì thế mà tôi không có thần tượng".
- 5 năm nữa, một hình dung về chân dung của chính mình?
"Tôi là người mê tín, nhưng lại không thích đi xem bói bao giờ, mọi việc phó mặc hết cả cho số phận, chính vì vậy tôi tin rằng nếu bạn làm điều tốt, bạn sẽ có một cuộc sống tốt đẹp".
- Có bao giờ có cảm giác khi làm việc bằng năng lực chuyên môn mà mình thấy như mình bị "đánh" không?
"Cảm giác bị "đánh đập" thì không, nhưng cảm giác bị hiểu lầm và bất hợp tác thì nhiều vô cùng. Nhưng cuộc sống là vậy, thử thách, áp lực càng nhiều thành công càng lớn".
- Ức chế lớn nhất khi làm việc trong một môi trường thiếu chuyên nghiệp ở Việt Nam?
"Là người chuyên nghiệp thì phải luôn biết thích nghi với mọi điều kiện làm việc, không chỉ riêng tôi mà tất cả đồng nghiệp của mình đều luôn hiểu điều này. Hiểu để không làm mất đi những cảm hứng đối với công việc. Hiểu để biết mình đang ở đâu và phải làm gì để có thể thay đổi được những thứ không chuyên nghiệp đó… Chứ không phải suốt ngày buồn bã, chán nản và tìm cách lên án người khác trong khi chính mình cũng đang ở trong môi trường đó và chẳng làm được điều gì tích cực để mọi thứ tốt đẹp hơn… Đây là khoảng thời gian "giao thời" không chỉ của riêng lĩnh vực show biz mà còn của tất cả mọi ngành nghề trong xã hội. Tất cả mọi thay đổi cần phải có thời gian chứ không thể đốt cháy giai đoạn được, và nếu muốn có được thành công thì bạn phải hết sức kiên nhẫn, tỉnh táo và bình thản với những thay đổi đó".
- Cảm ơn Tú.