Người ta có còn tin vào lòng tốt trong một xã hội mà những ràng buộc con người đang dần trở nên lỏng lẻo? Có những mối tình bí mật không ở một thành phố rất ồn ào? Và có thể làm được phim hay với rất ít tiền không? Có chứ, tiền vẫn cần nhưng có lẽ tình yêu sẽ cần hơn vì tình yêu sẽ là động lực để tìm ra con đường!
***
Đó là những cảm giác của tôi khi xem bộ phim đầu tay 97 phút "Cú và chim se sẻ" của đạo diễn Stephane Gauger. Stephane sinh năm 1970 tại Sài Gòn, là con của một phụ nữ Việt Nam với một người Mỹ gốc Pháp. Năm 1975, Stephane theo gia đình sang Mỹ. Trước khi bắt đầu với dự án riêng của mình, anh đã làm một người đặt đèn, làm sáng cho các phim ca nhạc của các đạo diễn Việt kiều, thỉnh thoảng quay phim trong một số phim độc lập. Gần 10 năm làm việc ở vị trí ấy đã giúp cho Stephane có những kinh nghiệm tốt nhất của một filmmaker. Để rồi với "Cú và chim se sẻ", Stephane không mất quá nhiều thời gian cho việc viết kịch bản, chọn diễn viên, bối cảnh, đặt sáng hoặc quyết định góc máy và tất cả thời gian quay phim gói gọn trong 15 ngày. Khoảng thời gian kỷ lục cho một bộ phim truyện dài, lại là phim đầu tay.
- Anh bắt đầu với cảm xúc từ diễn viên hay bắt đầu với câu chuyện phim của riêng mình, vì tôi nhận thấy phim tự nhiên lắm, như là câu chuyện của chính 3 người diễn viên ấy ở ngoài đời vậy?
"Tôi đã không đoán trước được các diễn viên có hợp nhau hay không trong bộ phim của mình. Dù rằng Cát Ly và Thế Lữ là hai diễn viên tôi đã quan sát họ trong hai phim (Cát Ly là phim "Journey from the Fall", Thế Lữ trong "Mùa len trâu"). Tôi thích sự tự nhiên của Cát Ly, thích cách diễn như không diễn của Thế Lữ. Đó là câu chuyện về 3 người cô đơn trong thành phố. Họ khó tìm được tình yêu, và dường như đó là bi kịch chung của những người trẻ trong cuộc sống hiện đại này. Dù vậy không thể phủ nhận ảnh hưởng của "yếu tố Hollywood" trong khi thực hiện phim. Hơi hướng của phim tôi buồn nhưng không thể buồn quá được, cô bé mà Phạm Thị Hân đóng nó hơi giống như trong một sự tưởng tượng. Trước đó tôi đã nghĩ, mình sẽ làm phim về thành phố này, về sự thay đổi của thành phố và cuộc sống của những con người trong đó.Tôi nghĩ đến những người cô đơn trong thành phố lớn".
- Nhưng dường như cảm giác cô đơn thường đến từ những nước phát triển, như trong Rosetta, cô gái ấy cô đơn trong một thành phố quá tiện nghi và văn minh. Còn người Việt Nam, dễ thỏa hiệp, tính cộng đồng lại cao, nói thẳng ra là ở đâu cũng dễ bị làm phiền… điển hình hóa những người cô đơn trong một thành phố như Sài Gòn có phải là một cách lựa chọn thiếu khôn ngoan không?
"Ở đâu cũng vậy, ai cũng cần có chỗ dựa, có thể là bạn bè, có thể là gia đình và hạnh phúc. Phim của tôi được quay ở Sài Gòn thật đấy nhưng nó cũng làm cho người ta có thể nghĩ đó là một câu chuyện ở bất cứ đâu. Khi chiếu ở nước ngoài, khán giả của tôi chỉ quan tâm đến một điều, đó là một phim nói về con người, những con người mà thôi. Tôi đã viết kịch bản và đi theo ý tưởng của phim mà tôi đã nghĩ ra. Tôi mất hai tháng, rất nhanh cho một kịch bản phim dài đúng không? Vai của Thế Lữ chẳng hạn, tự nhiên một ngày tôi đi sở thú, sự im lặng với tiếng những con thú làm cho tôi có một suy nghĩ, nếu có một người cô đơn ở Sài Gòn, người đó sẽ sống trong sở thú. Cô bé của Phạm Thị Hân là do tôi về Sài Gòn và hay ở khu Phạm Ngũ Lão đã quen rất nhiều em bé bán những bông hoa hồng cho khách, điều này là sự khác biệt so với những nơi tôi đã đi qua. Cô bé ấy nhất định phải không có bố mẹ để cô sẽ tìm một gia đình. Cô ấy sẽ làm mai cho hai người lớn".
- Cách cầm máy trên tay đi trên xe máy theo chân diễn viên trên đường phố đã là một phần không thể thiếu tạo nên không khí của "Cú và chim se sẻ" nhưng có thể nhiều chỗ hơi "over" chăng?
"Không, tôi muốn cái cảm giác xem phim như muốn được nhảy vào thành phố này. Sài Gòn xe đông, người đông, thì cái máy quay của tôi cũng không thể im được. Nó phải chuyển động theo nhân vật của phim thôi".
***
"Cú và chim se sẻ" cho thấy sự vững vàng của nghề nghiệp dù cách làm rất du kích nhưng độ chín thể hiện trong khả năng cấu tứ và làm chủ máy quay. Phim là mắt quan sát của một người quay phim với cách làm sáng theo lối hiện đại, tôn trọng ánh sáng tự nhiên. Các cảnh quay đêm ở ngoài phố hay trong khách sạn chỉ dùng ánh sáng chủ là mấy cái đèn ngủ mà rất cảm giác. Cách Stephane dùng máy động để kể câu chuyện cho thấy khả năng làm chủ máy quay tốt và nó cũng rất thích hợp để miêu tả nhịp sống đầy giai điệu của Sài Gòn.
Đạo diễn ưa thích cách cắt cảnh nhanh kiểu Mỹ nhưng vẫn có nhiều đoạn lắng cho người xem dễ thở. Nhưng có lẽ quan trọng nhất là dường như Stephane giữ được một mắt nhìn ngây thơ khi miêu tả hiện thực để cảm giác đọng lại cho phim là một sự nhẹ nhõm.
Dù Stephane có nói "Cảm xúc về điện ảnh của tôi hiện nay chủ yếu được gợi hứng từ điện ảnh châu Âu. Tôi sinh ra ở Sài Gòn một cách tự nhiên tôi có một mối quyến luyến và cảm tình rất cá nhân với vùng đất này. Ước mơ của tôi là được quay một phim không nệ nhiều vào kỹ thuật không quá nặng chuyện tư tưởng hay chính trị với một máy quay nhỏ cầm tay mà có thể ghi lại những thay đổi cốt yếu của xã hội. Tôi muốn kể những câu chuyện có tính phổ quát về những con người bình thường trong một thành phố hối hả đầy năng lượng và làm quá tải mọi giác quan"… thì tôi vẫn nghĩ "Cú và chim se sẻ" là sự pha trộn giữa phim Mỹ hiện đại và phim châu Á. Còn cách sử dụng máy quay vác vai thì chắc bởi anh đặc biệt thích thú với phong cách của anh em Jean-Pierre Dardenne và Luc Dardenne, hai đạo diễn người Bỉ đã làm phim Rosetta. Stephane dường như cũng bị ám ảnh bởi Cyclo của Trần Anh Hùng nhưng chỉ là trên phương diện miêu tả lại không khí Sài Gòn bằng những cảnh quay gần như tài liệu, lối cắt cảnh linh hoạt và luôn trong thế chuyển động.
Công tác diễn viên là một trong những ưu điểm lớn nhất của phim vì Stephane cho thấy anh có một sự nhìn nhận nhân ái đối với con người và trân trọng họ (nhất là các vai nữ) nên các diễn viên xuất hiện trong phim anh với một vẻ tự nhiên và đáng yêu nhất. Stephane cũng khai thác được hết thế mạnh của hình thức diễn viên và tiếng nói là hai điều mà phim của đạo diễn trong nước ít làm được vì họ hay đánh mất đi cái nhìn tự nhiên gần gũi và ép diễn viên phải sống những con người không thật câu chuyện phim. Một cái kết "happy ending" rất "Hollywood" có lẽ là nhược điểm để phim hơi lý tưởng quá, nên chưa sâu.
- Những dự án mới của anh sau "Cú và chim se sẻ" là gì? Có đi theo vệt phong cách đã được công nhận ở phim đầu tay không? Thường thì anh và các bạn sẽ mất bao nhiêu thời gian cho một dự án phim?
"Vẫn là đề tài về xã hội và vẫn sẽ làm ở Việt Nam vì tôi muốn như thế. Nhưng chắc chắn sẽ là những dự án lớn hơn. Phim nhỏ thì thời gian chuẩn bị không nhiều. Phim đầu tay của tôi, các diễn viên không nổi tiếng, vì thế nên để quảng bá cho phim, tôi đã mang nó đến rất nhiều Liên hoan phim trên thế giới theo những lời mời khác nhau. Riêng trong năm 2007 tôi đã đi hơn 20 Liên hoan phim cũng có nghĩa là mất nguyên 1 năm không còn thời gian để làm gì khác nữa!"
- Khán giả - có phải là một yếu tố quan trọng quyết định thành công của phim theo quan điểm của anh không? Khi làm phim "Cú và chim se sẻ", anh nghĩ đến yếu tố ấy như thế nào?
"Khán giả quan trọng. Tôi đã đến một Liên hoan phim ở một đất nước xa lạ, và cảm động vô cùng khi thấy khán giả nơi đó họ có cảm xúc chân thành với phim của tôi. Có lẽ cảm xúc là một thứ không có biên giới, không bị ngăn cản bởi văn hóa hay ngôn ngữ nhiều. Khi làm phim, tôi không nghĩ đến việc kiếm tiền hay nổi tiếng. Có thể nói, tôi làm cho tôi 50% và cho khán giả 50%".
***
Sau thành công của "Cú và chim se sẻ", Stephane nhận được rất nhiều lời mời từ các công ty lớn, tiền bây giờ không còn là điều quan trọng phải nghĩ đến nữa (anh tiết lộ, số tiền túi mà anh phải bỏ vào cho "Cú và chim se sẻ" là khoảng 50 ngàn USD, may mà đó là phim được nhiều bạn bè giúp, được tài trợ để chuyển sang phim nhựa, Stephane cũng phải thành lập một công ty để phát hành phim tại nước ngoài, công ty có duy nhất một người, chính là anh), quan trọng bây giờ với anh là kịch bản, là diễn viên và thời gian.
Stephane, đấy là một người nuôi chí làm phim từ rất lâu nhưng theo đuổi lâu như vậy mà vẫn giữ được một tình yêu rất trong trẻo. Tình yêu đó hiện lên phim, một tình yêu nung nấu và bền vững đã được biểu hiện ra. Có lẽ đó là lý do tại sao những phim đầu tay thường hay và đó cũng là lý do tại sao người ta khó làm phim theo đặt hàng vì trong những sản phẩm đặt hàng sự nung nấu sẽ chẳng có. Đó là một quá trình suy ngẫm dài không thúc ép được. Và tinh thần lớn nhất mà "Cú và chim se sẻ" thể hiện là nếu yêu điện ảnh thì bạn hãy cầm lấy máy quay để lên đường!
Một số trích dẫn của báo chí trên thế giới nói về "Cú và chim se sẻ":
* Tuần báo Variety: "... một câu chuyện ngọt ngào chắc chắn làm khán giả cảm thấy ấm áp trong lòng".
* Hollywood Reporter: "Một diễn xuất đam mê của cô bé 10 tuổi mới vào nghề Phạm Thị Hân".
* Tuần báo LA Weekly: "Một sự giản dị thú vị... một tiếng vang lạ thường"…