TXem hình Charlie Nguyễn và nhìn thấy anh khi Dòng máu anh hùng chiếu ra mắt ở Việt Nam, một gương mặt đạo diễn vừa đẹp trai vừa lạnh, tôi đã nghĩ "Chắc là kiêu lắm". Bộ phim thì toàn đánh đấm, không ướt át, ủy mị, đương nhiên đạo diễn cũng thế... Và chẳng có gì là ngạc nhiên nếu người đạo diễn trẻ này sẽ rất nguyên tắc, rất công nghiệp như bất cứ một đạo diễn nào sống và được đào tạo ở một môi trường như nước Mỹ. Nhưng chỉ toàn là những võ đoán... cho đến khi được trò chuyện cùng anh.
Bên kia đại dương có một người thở dài!
Sinh năm 1968 tại Việt Nam, sang Mỹ khi mới 12 tuổi, Nguyễn Chánh Trực khi đó gần như mất tuổi thơ khi gia đình anh sống ở Texas, một nơi theo như anh miêu tả là đồng không mông quạnh, chỉ có những chàng cowboy chăn bò như trong phim Mỹ vậy. Cả trường học của anh chỉ có 2 người Á đông là anh là một cậu bé Japan khác. May là sau 2 năm thì gia đình rời sang Cali, nhưng lúc đó lại nghèo kinh khủng. Thời niên thiếu trong ký ức của Charlie là căn phòng mướn mà cả gia đình 5 người sống như chuột trong đó, những bộ quần áo luôn luôn là đồ cũ - mấy anh em anh mặc đồ đó đến tận khi lên đại học. Ước mơ có một chiếc máy tính riêng cũng không thể, muốn xài máy tính là phải vô trường học. Muốn có một chiếc xe riêng thì mấy năm sau mới được ba cho lại một chiếc xe "cũ rịt", chiếc xe khi đó trị giá chừng hơn 1000 đô la Mỹ. Cả gia đình phải lao động bằng các nghề khác nhau để kiếm tiền, ba của Charlie làm bảo vệ cho một trường học, mẹ anh làm thư ký cho một văn phòng luật sư, còn Charlie thì làm ở một gallery, công việc hàng ngày là chăm sóc các bức tranh…
Năm 18 tuổi, bắt đầu vào đại học, khi đó Charlie chưa hề có ý thức nào sẽ trở thành đạo diễn ngoài việc vô cùng mê coi phim. Ba mẹ Charlie không hề thích với dự định làm điện ảnh của người con trai cả, nên anh theo học về computer ở trường Cali State University Long Beach, cho đến khi anh học lên UCLA (University California Los Angeles - một trường Đại học công đào tạo về nghệ thuật vô cùng danh tiếng ở Mỹ), chuyên ngành đạo diễn và viết kịch bản. Tôi ngắt mạch hồi tưởng của Charlie bằng một câu hỏi: "Em nghe Jimmy Nghiêm Phạm (nhà sản xuất phim Dòng máu anh hùng) kể, anh thích làm phim nghệ thuật chứ không thích làm phim hành động, có nghĩa là anh rất… mềm yếu phải không?" Charlie cười ngất: "Chính xác đó, nhưng Jimmy và các nhà sản xuất khác không cho anh làm phim nghệ thuật." "Nhưng theo đuổi nghệ thuật nghĩa là làm cái gì đó cho chính mình, vậy thì anh nên tìm nhà sản xuất cho mình hơn là chạy theo nhà sản xuất chứ?" "Bởi vậy đó…!!!" Tôi như nghe bên kia đại dương có một người thở dài…
Thần tượng của tôi là Trần Anh Hùng
Chúng tôi chia sẻ với nhau về một thần tượng chung, Charlie rất mê Trần Anh Hùng, trong căn phòng anh đang sống dán rất nhiều poster các phim của đạo diễn Pháp gốc Việt này cùng chữ ký của thần tượng. Trần Anh Hùng sắp bấm máy bộ phim "I come with the rain" với khoản kinh phí có lẽ Charlie đang mơ ước: 18 triệu đô la Mỹ. Đó là một đạo diễn vô cùng tinh tế đến từng chi tiết nhỏ nhất, trong phim Cyclo cũng vậy, chiếc xe tải chở một cái máy bay trực thăng cũ đi ngang qua phố, rồi cái máy bay đổ xuống rầm, và hết cảnh. Đạo diễn bảo, đơn giản chỉ để nhắc người ta nhớ, nơi đây chiến tranh vừa đi qua. Tôi thì nhận thấy tư duy sáng tác của đạo diễn được chiều kinh khủng nên sự tưởng tượng của Trần Anh Hùng là không cần giới hạn nào. Trong Dòng máu anh hùng cũng vậy, và chiều chuộng ở đây là Charlie đã không bị người khác giới hạn quyền sáng tác của mình. Giới hạn bởi người ta nghĩ đến kinh phí, đến phát hành và cả kiểm duyệt nữa. Nhưng Charlie hiểu ngay cả trên thế giới cũng có mấy ai được như anh Hùng, vì các đạo diễn thường thì phụ thuộc vào các thể tài phim ăn khách. Hiếm người dám tự tin vào thẩm mỹ cá nhân và đi theo con đường mình chọn, định hướng khán giả hơn là bắt thẩm mỹ của mình chiều số đông.
Charlie cho biết, anh học được một điều quan trọng sau khi làm Dòng máu anh hùng, đó là thể loại phim chính là giới hạn của nó. The genre will dictate the film, you have to serve the genre. (Chúng ta phải xác lập thể loại cho mỗi bộ phim, vì chỉ khi đó chúng ta mới quyết định cách làm cho phù hợp). Đây có lẽ chính là căn bệnh của phim Việt Nam khi hầu hết không xác định được rõ thể tài. Lúc đầu Charlie muốn phim nghiêng theo thể loại drama (phim bi, chính kịch) - nên đã cố công thêm các cảnh theo hướng này, nhưng khi dựng vào, nó bật ra hết. Tôi tiết lộ con số tiền mà Dòng máu anh hùng đã thu được khi bán vé ở Việt Nam, Charlie rất ngạc nhiên. Con số không như anh trông đợi dù cũng đã là sự ghen tị của bất cứ bộ phim chiếu rạp Việt Nam nào. Phát hành vào dịp 30/4 theo quan điểm cá nhân của tôi là một sự lựa chọn sai lầm bởi thời điểm nghỉ lễ cũng là đầu mùa hạ, mọi người đi nghỉ hết gần một tuần. Charlie đã thảng thốt: "Nếu phim mà chỉ có ăn ở mùa Tết thì làm sao mà điện ảnh mình phát triển được hả em? Không lẽ cả năm người ta chỉ đi coi phim một lần sao?" Tôi không dám trả lời câu hỏi của anh, bởi không nỡ nói cho anh hiểu rằng, chính phim Việt Nam cùng thị trường băng đĩa lậu và sự hời hợt nửa vời của các nhà làm điện ảnh đã làm người xem Việt Nam mất thói quen đến rạp xem phim. Hay thói quen đó chưa bao giờ có?
Tôi thèm được về Việt Nam làm phim
Mỗi người có một cách làm, khác với thần tượng Trần Anh Hùng, người đã thẳng thắn nói với tôi: "Anh không hiểu tại sao lại có thể tư duy trên tư duy của người khác. Thế nên anh chỉ có thể làm phim bằng kịch bản của chính anh!" Charlie lúc nào cũng phải đi tìm người viết kịch bản. Sau thành công của Dòng máu anh hùng, trên bàn làm việc của anh hiện tại có đến 4 kịch bản, toàn của Mỹ nhưng chưa cái nào anh ưng ý hết. Trong thẳm sâu của trái tim, Charlie nghiêng về phía quê hương. Anh thèm được về Việt Nam làm phim, như anh đã nói ngay trong khi làm Dòng máu anh hùng: In making The Rebel, I return home. (Khi làm Dòng máu anh hùng, tôi được trở về nhà).
Charlie muốn làm phim về Việt Nam và cho người Việt Nam xem mặc dù tôi đã cho anh thấy thị trường điện ảnh Việt Nam quá bé nhỏ. Anh bảo chắc là do trái tim mình xui khiến. Charlie đang thích vô cùng "Cánh đồng bất tận" của Nguyễn Ngọc Tư. Đọc xong cuốn sách đó anh đã ngay lập tức liên lạc về Việt Nam, tiếc là bản quyền của cuốn sách này đã được BHD mua trong 10 năm, họ sẵn sàng mời Charlie về Việt Nam hợp tác làm phim này nếu anh muốn. Lời mời ấy chưa có hồi đáp.
Charlie hỏi ngược lại tôi: "Khi về Việt Nam, hỏi tại sao phim Việt Nam không hay, anh thường nhận được câu trả lời: Tại Việt Nam không có điều kiện! "Vậy họ nói thế nghĩa là thế nào?" "Có lẽ những người nói câu đó với anh muốn nói đến vấn đề kinh phí và chuyên môn!"
Charlie không đồng ý vì anh vừa chứng kiến bạn anh, Stephane Gauger vừa làm phim "Cú và chim se sẻ" (Owl and the sparrow) quay trong 2 tuần với kinh phí chưa tới 10.000 đô la Mỹ. Chất liệu Video nhưng hiện tại bộ phim này đang rất được chú ý và nếu thắng giải ở L.A Film Festival sắp tới, đạo diễn có thể được 50.000 đô la Mỹ. Charlie kể, có nhà báo Việt Nam hỏi anh: "Tại sao phim của Việt kiều hay hơn phim của đạo diễn Việt Nam?" Anh đã trả lời "Ngay cả Hollywood cũng có những phim rất dở, quan trọng là con người, nếu Việt Nam thiếu điều kiện thì tại sao chúng tôi, những đạo diễn Việt kiều lại cứ thay nhau về Việt Nam để làm phim?" Tôi chỉ biết im lặng thay cho một sự phân trần, giá như Charlie biết được rằng, ở Việt Nam, điều kiện được nói đến chính là kinh phí cho mỗi phim nhựa đã ít còn bị chia năm xẻ bảy, người làm thiếu chuyên nghiệp, thiếu chuyên môn. Chắc có lẽ điện ảnh Việt Nam để chấn hưng cần ngừng lại khoảng 10 năm, chỉ xem phim của nước ngoài và đào tạo thế hệ làm phim kế tiếp, như cách mà Hàn Quốc đã làm khi cho khoảng 100 người sang Mỹ học đạo diễn. Sự "thay máu" có lẽ đang là quá cần thiết cho một nền điện ảnh thiếu chuyên nghiệp, khi đó, mới hy vọng tạo cho khán giả Việt Nam một thói quen đến rạp. Đến rạp để xem phim Việt Nam.
Một đạo diễn "bất bình thường"?
Tôi cứ cố công hỏi hoài về việc anh có cáu không, có giận dữ không, khi làm phim? Charlie không bao giờ to tiếng! Trong suốt quá trình quay khi nào giận dữ nhất, anh sẽ bỏ ra một góc và im lặng. Khi đó ai cũng hiểu là tình thế đã quá căng rồi. Công tác chỉ đạo diễn xuất bắt đầu từ việc chọn vai (casting) và có thể nói là một trong những khâu quan trọng nhất trong công việc của người đạo diễn, trong Dòng máu anh hùng, Charlie thú nhận đã sai trong 2 tuyến nhân vật, để kịch bản, vốn được sửa liên tục mỗi ngày mà vẫn phải bỏ đi rất nhiều đoạn khi quay, khi dựng vì diễn viên của hai tuyến này đã không thể thể hiện được tròn vai như kỳ vọng của đạo diễn. Nhưng Charlie biết giấu sự cáu giận trong lòng mình để không làm bất cứ ai trong đoàn làm phim bị căng thẳng. Trong trường UCLA, Charlie đã được các thầy luôn nhắc, tại hiện trường, cáu giận với diễn viên là điều tối kỵ. Sự hòa nhã đến "bất bình thường" của đạo diễn khiến cho sau khi đóng máy, có người đã nói với Charlie, đây là đoàn làm phim dễ thương nhất từ trước đến nay mà họ đã tham gia. Nếu đã làm phim ở Việt Nam, ai cũng biết tổ ánh sáng luôn là tổ hay la hét nhất, thì bằng chính cách ứng xử của mình, Charlie cần nói với ai cái gì sẽ đến tận nơi gặp và nói chứ không hét lên hay gọi với gây những ồn ào không cần thiết trong khi làm việc, những người làm ánh sáng rất biết kiềm chế.
***
- Khi bất lực nhất ở hiện trường, anh làm cách nào để giải tỏa cảm giác đó?
"Khi đó anh sẽ nghĩ đến cảnh quay kế tiếp, cảnh kế tiếp nữa… anh gạt hết suy nghĩ ra khỏi đầu chỉ tập trung vào cảnh quay thôi".
- Anh cứ kiên nhẫn như vậy à?
"Anh không lớn tiếng với ai nên cũng không có ai lớn tiếng với anh hết. Nếu họ lớn tiếng với nhau cũng không lớn tiếng trước mặt anh".
- Vì anh quá kiêu hãnh à?
"Kiêu hãnh đồng nghĩa với kiên nhẫn ư?"
- Có chứ, khi người ta nhìn bằng sự kiêu hãnh rằng mọi thứ đó ở dưới tầm mắt và tâm thế của mình, họ sẽ có sự kiên nhẫn. Em thấy anh cũng đầy kiêu hãnh.
"Vậy kiêu hãnh là xem thấp mọi người à? Không có chuyện đó. Anh chỉ không muốn làm hiện trường căng thẳng khi mọi người đã quá vất vả rồi. Em nghĩ anh cáu lên thì hiệu quả sẽ tốt à?"
Nhưng thời mê võ thuật qua rồi
Phim võ thuật rõ ràng là "miếng khoái khẩu" của khán giả Việt. Trước đây khi người Việt chưa làm được phim võ thuật thì dân ta đã dán mắt lên màn ảnh bởi phim võ thuật Hồng Kông, và phải công nhận, những màn đấm đá của họ thật là mãn nhãn. Từ những năm 60, 70 họ đã làm những phim "xem thấy sướng rồi" đến khi người Việt làm phim võ thuật thì ôi thôi xem như con nít chơi trận giả nhìn cái muốn rơi nước mắt dù có yêu điện ảnh nước nhà đến mấy thì cũng phải thừa nhận với những phim như thế chẳng thấy người Việt có võ gì cả. Charlie nghĩ, ngay ở bên Mỹ, anh chứng kiến người Việt Nam mình trong các cuộc đấu võ chiến thắng hoài, thậm chí có võ sư Việt Nam 10 năm nay không có đối thủ. Phim võ thuật Việt Nam còn kém là lỗi do người làm phim thôi, chứ võ thuật Việt Nam rất đáng tự hào.Từ bé Charlie và Trí (Johnny Trí Nguyễn) đã thích võ và cùng học võ từ năm lên 5, lên 6 tuổi. Khi có cái máy quay đầu tiên là hai anh em bắt đầu tự quay chính mình tự đánh võ. Sau đó bắt đầu nghĩ đến việc dựng, chỉ là 2 cái VCR thu và phát nên không chính xác và cũng chính từ đó nhận ra trong phim võ thuật, chỉ cần sai 1 frame hình là hiệu quả đã khác (1 giây bằng 24 frame). Trong khi quay một cảnh đánh võ, người ra đòn đồng thời là nhân vật chính không phải là người quyết định vẻ đẹp của cảnh đó mà chính là người nhận đòn. Họ sẽ là người canh chừng đúng thời điểm, phối hợp diễn xuất chính xác để cảnh quay hoàn hảo. Đồng thời người quay phim cũng phải cực kỳ linh động bởi nếu sai góc quay thì cú máy sẽ mất hiệu quả ngay. "Nhưng mà anh không muốn làm phim võ thuật nữa đâu nhé, ngày nhỏ mê thôi, bây giờ ngán quá trời!" Charlie than phiền với tôi.
Và sự tuyệt vời chỉ có được bằng niềm đau vô tận
Sâu xa trong Dòng máu anh hùng, tôi nhận ra câu chuyện về những người đàn ông không thất bại thì bị sỉ nhục, cảm giác trong mỗi người đều chất chứa một quá khứ đè nặng và ai cũng loay hoay để thoát khỏi nó. Charlie thừa nhận "Đúng là các nhân vật trong Dòng máu anh hùng đều bị đầy đọa bởi quá khứ. Khi viết lên những nhân vật này điều anh thích thú nhất là tìm ra được quá khứ của họ bởi vì nếu một nhân vật không có một quá khứ đen tối, nhân vật đó không có thật đối với anh. Có lẽ anh bị ám ảnh nhiều bởi quá khứ của chính anh… Có một câu nói rất thông thường của những người viết kịch bản "write what inside of you", nên những nhân vật của anh một phần ở anh, một phần ở những người anh biết, phần nữa của sáng tác và cuối cùng, kỹ thuật viết đòi hỏi mình làm thế. Anh nghĩ, các nhân vật trong phim của anh bị hành hạ không phải vì quá khứ của họ mà vì họ đã sống với quá khứ. Và dường như sự tuyệt vời chỉ có được bằng niềm đau vô tận".
Tôi hay tự hỏi một người đàn ông thường làm gì khi nghĩ mình thất bại. Trong Dòng máu anh hùng có một sự thật là khi người đàn ông cảm thấy mình thất bại, nếu họ không tìm thấy một đàn bà nào để an ủi thường họ rất dễ nổi điên...và những cú đấm họ tung ra thật sự khủng khiếp... Nhưng Charlie nghĩ khác: "Thực ra võ thuật làm cho người ta biết kiềm chế hơn. Anh lại nghĩ càng thất bại, anh sẽ càng im lặng và coi đó là một cơ hội để nhìn lại".
Trong ngày quay cuối cùng ở Lạng Sơn, Charlie đã gần như kiệt sức. Anh ngất đi khi những cảnh quay lính Pháp ập vào làng bắt Đề Cảnh và Thúy đang làm dở. Mọi người dìu Charlie đến chiếc ghế đặt trước monitor, anh chỉ nhìn thấy một màn sương mờ đục rồi ngã ngất. Lúc đó công việc làm phim vẫn phải tiếp tục, Johnny Trí Nguyễn là đạo diễn võ thuật phải thay anh trực tiếp chỉ đạo hiện trường. Charlie ngất đi một lúc thì có người đến đánh thức anh dậy để nói với anh rằng, vị trí anh nằm đang ở trong khuôn hình sắp quay nên xin phép được khiêng anh dời qua chỗ khác! Rồi đến lượt Johnny gọi anh dậy để hỏi anh, cảnh lính Pháp ập vào làng, mọi người đuối quá rồi, hay chỉ cần ập vào một nhà thôi nhé, Charlie chỉ đủ sức nói: "Không được, phải ập vào đủ 3 nhà" Rồi lại ngất tiếp. Tôi hỏi Charlie, khi ngất đi như thế, anh có cảm giác "buông" hết không? Charlie trả lời: "Không, khi đó cái đầu cứ lùng bùng muốn thức dậy nhưng không điều khiển nổi cơ thể của mình".
Khi mang phim đi dự Visual Communications Film Festival tại Los Angeles, thực lòng Charlie không nghĩ một phim hành động như Dòng máu anh hùng sẽ có giải. Nhưng Dòng máu anh hùng đã đoạt giải Grand Jury Award. Một thành viên Ban Giám khảo, khi trao giải đã so sánh cuốn phim của đạo diễn Charlie Nguyễn với những tác phẩm khác như: "Cuốn phim quy mô và vĩ đại, như Trương Nghệ Mưu, mà vẫn thân mật gần gũi, như Vương Gia Vệ." Charlie kể với tôi, khi nghe bà đó nói, anh chưng hửng vì không ngờ bà ấy lại nói đến những tên tuổi kinh khủng như thế.
Charlie có sự lạc quan và cái nhìn tươi sáng đến kỳ lạ với điện ảnh Việt Nam. Anh luôn tin rằng sẽ có thể cùng các bạn mình ở nước ngoài cũng như ở Việt Nam vực điện ảnh Việt Nam dậy. Tôi đùa, có lẽ tại do anh chưa bao giờ thất bại chăng? Charlie phản đối, anh đã thất bại nhiều lần, phim đầu tay thất bại, phim thứ nhì thất bại, nhiều dự án làm phim ấp ủ nhưng không có ai cho tiền để làm… Quan trọng là biết ước mơ, biết chờ đợi để cơ hội đến thì nắm lấy. Bộ phim khi đó là tất cả tâm huyết của đạo diễn, và nói như Charlie thì cảm giác đó chỉ có thế gọi bằng một câu mà anh rất thích "Thế mới là yêu!"
Quick chat với Charlie Nguyễn:
Hãng The Weinstein lừng danh phát hành DVD Dòng máu anh hùng (đạo diễn Charlie Nguyễn) trên toàn nước Mỹ. Đây cũng là bộ phim Việt Nam đầu tiên được phát hành bởi một trong những hãng phát hành phim lớn nhất của Mỹ. Một cánh cửa đã mở ra, đi tiếp con đường này hoặc thay đổi phong cách, bây giờ là lựa chọn khó khăn với Charlie Nguyễn khi các nhà đầu tư "săn đuổi" anh để làm phim võ thuật, hành động. Cho mình, Charlie Nguyễn muốn một con đường khác, bởi phim võ thuật hành động chọn anh, nhưng giấc mơ điện ảnh của Charlie chưa bao giờ chỉ dừng ở đó...
Khó mới thấy sướng!
- Có thể coi Dòng máu anh hùng là phim đầu tay của anh xét về sự chuyên nghiệp và những thành công của nó? Liệu phim thứ hai sẽ là thử thách lớn hơn không? Bởi ai đó nói rằng, phim thứ hai mới là khó, khi mà bao công lực thường trút hết cho bộ phim đầu tay...
"Dòng máu anh hùng là phim tôi làm nghiêm túc về cách thức. Tôi muốn phát triển một phong cách làm phim riêng biệt, hấp dẫn về mặt hình ảnh, âm thanh và ánh sáng. Thế giới của Dòng máu anh hùng phải không giống những phim khác cùng thời. Phim kế tiếp chắc chắn là một thử thách lớn hơn vì tính tôi thích làm cái gì khó hơn mới thấy sướng. Cái khó ở đây không nhất thiết hiểu là phim hoành tráng, hấp dẫn, biểu hiện nhân vật sâu sắc, mang ý tưởng xây dựng và gây nhiều cảm xúc cho khán giả mà có thể nằm ở những yếu tố khách quan khác".
- Cảm giác của anh khi chuẩn bị cho Dòng máu anh hùng với cảm giác chuẩn bị cho bộ phim kế tiếp, có gì giống và khác?
"Hai cảm giác này quá khác. Với Dòng máu anh hùng, tôi không có sự chuẩn bị nên không sợ, lúc nào cũng trong tư thế sẵn sàng chiến đấu, hoàn toàn là ứng biến. Ngày nào cũng có một nỗi lo, mai sẽ làm tiếp cái gì đây? Còn cảm giác kế tiếp thì chưa biết, vì chưa làm. Nhưng chắc sẽ khác Dòng máu anh hùng, vì sẽ chuẩn bị kỹ. Dù vẫn còn một nỗi sợ, nỗi sợ ấy là không biết mình đã chuẩn bị đủ chưa. Và sau Dòng máu anh hùng, tôi hay nghĩ đến những dự án phim nhỏ hơn cũng bởi những lý do đó".
- Ngoài thời gian làm phim, anh còn là đạo diễn phim quảng cáo (TVC), show ca nhạc cho trung tâm Vân Sơn... Làm thế nào để cân bằng được giữa các mảng khác nhau khi làm đạo diễn show, TVC và làm phim?
"Show nhắm mắt làm cũng xong, phim mở mắt làm cũng khó! Còn TVC thì đạo diễn có ít quyền lực nhất bởi khi đó khách hàng và công ty quảng cáo là vua!"
Nếu câu chuyện phim không hấp dẫn thì kể như xong!
- Thẩm mỹ của đối tượng khán giả mà nhà phát hành phim muốn hướng đến có bao giờ là thách thức, thậm chí là mâu thuẫn với anh không?
"Chuyện mâu thuẫn giữa nhà sản xuất và đạo diễn xảy ra hằng ngày bởi mục đích của nhà sản xuất đặt ra khi làm phim là chiều theo thị hiếu khán giả. Nhà sản xuất muốn thu được tiền càng nhiều càng tốt nên muốn chiều lòng đa số. Và đạo diễn để dung hòa điều đó thì chỉ còn cách là phải tranh cãi với họ. Ban đầu thì còn hăng hái, dư sức, sau rồi cũng mệt mỏi, mình phải biết lựa chọn cái gì cần tranh cãi, cái gì có thể nhượng bộ. Quan trọng là hợp tác để phim ra được, và phim hay".
- Vậy nói lời từ chối với một dự án phim hấp dẫn về ê-kíp, phát hành, lãi suất nhưng không phải là một câu chuyện phim mà anh thích, tệ hơn là làm "ô nhiễm" anh, có khó không?
"Nếu câu chuyện phim không hấp dẫn được tôi thì kể như xong. Tôi từ chối dự án đó. Sự thương lượng nếu có cũng nằm ở chính vấn đề này, ít thì mình nói cần viết lại từ đầu, nhiều thì nói câu chuyện phim không vào đầu tôi được. Nói lòng vòng cho lịch sự cũng chỉ để nói: Tôi từ chối mà thôi!"
- Anh có nhận ảnh hưởng từ ai trong cách làm phim của mình không? Cụ thể?
"Chắc chắn ai cũng chịu ảnh hưởng bởi ai đó khi làm phim. Nhưng tôi không thể định hình rằng mình đang chịu ảnh hưởng của ai một cách rõ rệt. Có thể bởi đã xem quá nhiều phim, nó ngấm vào mình và nằm đâu đó trong tiềm thức để khi thực hiện, không có ý thức là mình đang làm theo ai hết".
- Một nhà làm phim độc lập có là cứu cánh với anh không?
"Tôi luôn nghĩ đến dòng phim độc lập với sự hứng thú nhất, vì đã quá chán mainstream (trào lưu chính thống) rồi. Với dòng phim độc lập, mình được sướng trước rồi mới phải nghĩ đến nhà sản xuất. Để được làm phim độc lập, để có kinh phí thực hiện, thường thì đạo diễn vừa phải trao đổi, vừa phải tranh cãi vì nếu không tranh cãi sẽ không ai bật đèn xanh cho mình làm hết. Còn khi thực hiện thì các công đoạn cũng không khác nhau là mấy đâu".
- Đặt tên cho một phim có phải là một công đoạn khó khăn? Đạo diễn Trần Anh Hùng luôn thích một cái tên càng xa nội dung càng tốt, chỉ như một phết thoảng, trừu tượng và ám ảnh. Còn lựa chọn của anh?
"Với tôi, khi bộ phim còn nằm trên giấy thì nó thường chưa có tên. Nói đúng hơn trong quá trình viết nó có rất nhiều tên tùy theo cảm hứng và mạch viết phản ánh cảm giác của tác giả thời điểm đó, cũng chính là cảm giác, tâm trạng của nhân vật chính. Khi xong phim rồi, để lựa chọn một cái tên, tôi sẽ chọn cái tên hấp dẫn, nhưng khác với anh Hùng, tên phim của tôi phải liên quan đến chủ đề của phim. Lý tưởng nhất khi tên phim là cảm giác chính của phim mà tôi muốn thể hiện ra".
Còn đau thì mình còn đang sống!
- Anh có sợ sự "ô nhiễm" không, trong nghệ thuật? Anh chọn cách nào để tránh cho mình bị "ô nhiễm"?
"Tôi không nặng nề về sự ‘ô nhiễm’ lắm bởi vì mình không thể tránh được chuyện đó. Khi xem một bộ phim, dù hay, dù dở, thích hay không thích thì nó cũng đã thâm nhập vào trong con người của mình rồi. Nhiều quyển sách dạy viết kịch bản cũng nhắc đi nhắc lại một câu quen thuộc: ‘There’s nothing new under the sun’ (Không có gì mới dưới ánh mặt trời) đó thôi!"
- Câu chuyện phim thường là kể chính nỗi đau hoặc ước mơ của đạo diễn. Anh có đau hoặc mơ như thế chưa?
"Tôi mơ nhiều và còn đau nhiều hơn. Còn mơ ước thì sẽ còn làm phim, giống như còn đau thì mình còn đang... sống!"
- Có bao giờ anh nghĩ, mình sẽ làm bao nhiêu bộ phim nữa với phân khúc thời gian của mình chưa?
"Không, tôi không nghĩ xa đến thế! Với mỗi một dự án trước mắt tôi chỉ tập trung cho nó, đến khi xong, đến khi nó hoàn toàn thoát ra khỏi suy nghĩ của tôi. Hay là tôi thoát ra khỏi những ảnh hưởng của nó, khi đó mới có thể bắt đầu với một dự án khác. Thời gian cho việc đó là 2 năm, 5 năm và có lẽ còn nhiều hơn nữa. Không biết trước. Còn nếu ước mơ, tôi thích được làm từ bây giờ đến cuối đời mười mấy bộ phim rưỡi - bởi trong ước mơ đó, tôi sẽ chết khi đang làm dở dang bộ phim cuối cùng!"
- Anh đang làm những gì hằng ngày để chuẩn bị cho dự án mới của mình vậy?
"Tôi làm gì ấy à? Tôi trả lời phỏng vấn của các nhà báo. Đó cũng là một cách giết thời gian! Đùa vậy thôi, tôi làm mọi việc và nhiều khi thử đặt mình vào vị trí của nhiều thành phần khác nhau của một đoàn làm phim để điều chỉnh dự án. Tự đặt cho mình nhiều deadline (thời hạn cuối) khác nhau cho mỗi một công đoạn của công việc để có thời gian review (xem xét lại). Tôi cân nhắc khả năng về kinh phí với tầm vóc của bộ phim. Làm tất cả những gì để có thể tốt nhất, sao cho đến khi bấm máy, mọi việc có thể không như ý nhưng đó là lý do khách quan chứ không phải do mình đã không đặt hết đam mê và kinh nghiệm vào công việc. Đam mê sẽ dẫn dắt để đi đúng hướng. Hy vọng thế!"
***
Hình như Charlie sẽ làm Dòng máu anh hùng 2, hình như anh lại đang viết một kịch bản nhỏ không phải là phim hành động, hình như anh sẽ làm một phim dã sử không phải ở Việt Nam... Quá nhiều phỏng đoán bởi để thực hiện một bộ phim không bao giờ đơn giản và dễ dàng. Bước qua thành công từ Dòng máu anh hùng để đi tiếp, là một thách thức mà Charlie Nguyễn đang gắng sức. Giữa những dự án đó, Charlie cùng Dustin Nguyễn chuẩn bị cho dự án phim Lửa Phật sẽ quay ở Việt Nam vào đầu năm 2009. Ở phim này, Charlie sẽ chuyển từ đạo diễn sang nhà sản xuất, đứng đằng sau đạo diễn Dustin Nguyễn. Có nghĩa là còn lâu lắm, chúng ta mới được xem phim của Charlie...
Khiêm nhường ở lại
Những tên sách, tên phim thật lạ, cứ gờn gợn buồn rầu, dự cảm bất an và đích thực đàn bà: "Hạt mưa rơi bao lâu" (tên tếng Anh là Bride of Silence - Cô dâu câm lặng), "Và khi tro bụi", "Tội lỗi hồn nhiên", "Mưa ở kiếp sau" của Đoàn Minh Phượng... để bao giờ tôi cũng gắng hình dung... Rằng phía sau những khuôn hình chuẩn mực - duy mỹ, quá duy mỹ (Phan Thị Vàng Anh) của phim, đằng sau những câu chữ nhẹ nhõm và nỗi cay đắng hay niềm vui cũng được viết mong manh kia, chị là ai ngoài những gì người ta đã biết?
***
1. "Và khi tro bụi" là cuốn tiểu thuyết không nhiều trang nhưng giống một bộ phim biết cách làm, ngay lập tức ám ảnh người đọc từ những trang đầu tiên. Một người phụ nữ ngập trong buồn rầu của nỗi đau mất chồng, không khóc, không kêu lên đau đớn nhưng sự mất mát thì bám chặt vào từng chi tiết, tuyệt vọng như không có một lối thoát nào ngoài cái chết. Sự bình tĩnh suy tính đến cái chết của nhân vật nữ đã đẩy người đọc đến tận cùng… Dù người viết, vô tình hay cố ý lại chọn những câu chữ thật thản nhiên.
- Dường như người đọc hay có xu hướng cố gắng tự tìm những lý giải về người viết đằng sau những trang viết của họ. Có phải đó là hình ảnh chính xác với chị đằng sau "Và khi tro bụi" không?
"Hình như người ta tự để lộ mình nhiều nhất trong tác phẩm đầu tay, có lẽ vì thiếu kinh nghiệm".
- Chị đã viết: "Thế giới này không có gì khó chia tay. Nhưng tôi vẫn ước gì lòng tôi bình an hơn vào hôm tôi phải đi. Có cách nào không?"… Sự thực là tất cả chúng ta đều sẽ chết, nhưng ý niệm về cái chết với mỗi người rất khác nhau, cái chết - với chị có hình dung như thế nào?
"Tôi tin vào khoa học, nhưng tôi cũng là một người Việt. Con người khoa học trong tôi tin rằng chúng ta có ý thức chứ không có linh hồn, và ý thức sẽ chấm dứt khi não không còn sống. Nhưng là người Việt tôi luôn luôn tin rằng những người thân yêu của chúng ta khi chết rồi họ vẫn còn đó, vẫn buồn hay vui, trách móc hoặc phù hộ cho chúng ta. Nếu bạn còn yêu một người đã khuất, thì chắc chắn người đó phải còn quanh đây, đằng sau một bức màn, không thể là hư vô, bởi vì bạn không thể yêu sự hư vô và thắp hương nói chuyện với hư vô".
"Thế giới bên kia tồn tại trong tình yêu của người sống. Tình yêu không phải là điều bất biến và bất diệt. Khi tình yêu tan hoặc ngủ yên, những linh hồn cũng tan hoặc ngủ yên".
***
2. Người phụ nữ sinh ra ở Việt Nam, sống hơn nửa đời người ở Đức mà sự xa cách quê hương dường như chỉ làm cho phần phương Đông sâu thẳm nơi chị càng đầy ắp hơn. Những xúc cảm quen được giấu đi, nên chảy ngược vào trong chân dung một người đàn bà dường như hơi nhút nhát và quá đỗi dịu dàng… Mái tóc dày nặng cùng vẻ khiêm nhường cố hữu của chị để làm người ta phân vân, nói chuyện rụt rè, e ngại hơn.
Hơn thế nữa, chị Phượng luôn tạo cho người đối thoại cảm giác về một người đàn bà bí ẩn, không xa lạ nhưng không thể dễ biết, không dễ hiểu ngay từ những lần tiếp xúc đầu tiên. Và cũng thật bất an khi rất lạ, chợt nhận ra chị lại có cái gì đó thơ trẻ trong ánh nhìn, cái cách ngập ngừng một chút trước khi nói gì, cái cười bẽn lẽn đến ngạc nhiên.
- "Chữ viết" thứ ngôn ngữ giống như một thứ công cụ mà chắc chắn những người viết sẽ biết ơn người sáng tạo ra nó, cũng đồng thời là những người luôn sáng tạo không ngừng - ngôn ngữ. Chị "đối xử" với "chữ" như thế nào?
"Nếu đã chọn làm người viết, thì ngôn ngữ gần như là tất cả, nó là màu của họa sĩ, cây đàn của người viết nhạc. Nếu bạn đọc nhiều, giỏi ngôn ngữ, thì công cụ của bạn tốt, cũng như người họa sĩ mua được màu tốt và hiểu rõ cảm xúc mà các màu pha tạo ra. Nhưng công cụ nào cũng quyến rũ người dùng nó sử dụng những mẫu mực có sẵn, những mẫu mực đã trở thành kinh điển. Tôi học ngoại ngữ, hiểu rằng học một ngôn ngữ tức là học những câu. Những câu hoặc vì dùng nhiều hoặc vì hay đã trở thành mẫu mực. Cái đẹp cũng có những mẫu mực".
"Ngược với cái đẹp quen thuộc với nhiều người và dễ dàng được cảm nhận, là sự bất an trước cuộc đời và cả cách mình có phản ứng với cuộc đời đó. Tôi viết được nhiều nhất khi tôi thấy hoang mang hoặc không có lời cho những tình cảm và suy nghĩ của chính mình. Những câu mẫu mực không nói được về sự hoang mang đó".
"Viết là cách sắp xếp một kinh nghiệm hay ‘nhốt gió’ (chữ của Bình Nguyên Lộc) một cảm xúc, tìm cách chạm đến những điều ở vùng ven hay đáy của tâm tưởng. Cho dù những điều sau khi được viết ra trên giấy không biết sẽ trở thành những sự thật hay mãi là những mộng mị".
"Tôi cố gắng trung thành với ý nghĩ hơn là với chữ, dù có khi ý nghĩ còn quá mỏng manh bất định mà chữ thì dường như đã có dòng chảy dễ dàng êm xuôi rồi. Tôi cố gắng không để cho sự êm tai của ngôn ngữ đưa mình đi, mà phải luôn luôn tự hỏi câu mình đang viết có nói được ý nghĩ hoặc cảm xúc - kể cả sự mong manh bất an của tâm tưởng - hay không? Hay mình viết ra câu đó một phần nào là vì xưa nay người ta vẫn viết như vậy? Có lẽ sáng tạo chỉ có nghĩa giản dị như vậy thôi".
"Người đọc không đòi hỏi điều bạn viết có phải là ‘sự thật’ chưa. Họ không trách những bất an hay mộng mị, họ chỉ trách sự giả dối. Cho nên dù có nhiều cách ‘đối xử’ với chữ, chỉ có một cách viết duy nhất thôi, đó là thành thật".
***
3. Đoàn Minh Phượng được biết đến như một người viết với cái tên Đoàn Minh Hà và truyện ngắn "Tội lỗi hồn nhiên". Chị là đạo diễn khi cùng em trai mình thực hiện bộ phim "Hạt mưa rơi bao lâu". Đây là bộ phim được làm với các họa sĩ đương đại hàng đầu Việt Nam như Trương Tân, Minh Thành để nhiều trường đoạn, mỗi cảnh phim đã là một tác phẩm nghệ thuật, nghệ thuật sắp đặt, nghệ thuật trình diễn. Sự duy mỹ đến cực đoan của chị Phượng thể hiện rất rõ trong phim đánh dấu một phong cách làm phim khác đi, vượt lên trên những hiện thực (vốn thường là lựa chọn của hầu hết đạo diễn Việt Nam) để cảm giác của mình được buông thả.
- Làm phim và viết sách, hai câu chuyện khác hẳn nhau, hai trạng thái khác nhau xét theo cả vật lý lẫn tinh thần. Chị thấy "là mình" nhất ở trạng thái nào?
"Tôi nghiêng về giác quan và trực giác nên làm phim có một sức lôi cuốn mãnh liệt. Phim có thoại, nhưng ngoài lời nói của nhân vật ra, phim không qua trung gian của chữ viết, mà chạm đến khán giả qua các giác quan của họ: qua tai và qua mắt. Sự rét mướt, mùi hương, vị ngọt được nhận thấy qua hình ảnh cũng trực tiếp hơn qua chữ viết. Người ngồi trong rạp tiếp nhận được thông tin bằng ý thức của mình, lẫn những hình ảnh và âm thanh loáng thoáng trong vô thức. Những thứ đi qua vô thức đôi khi tác động lên tình cảm mạnh mẽ hơn cả ý thức. Phim vì thế có thể là một hình thức nghệ thuật toàn diện. Và ai mà không muốn thử sử dụng hình thức đó một lần?"
"Nhưng phim không bao giờ có thể riêng tư như những trang sách. Phim, ngay trong sự tổ chức và phân công để sản xuất ra nó, khó có thể làm phương tiện để bày tỏ sự bất an, băn khoăn của một người còn đang đi tìm cả sự thật lẫn mộng mị. Chỉ có những người rất giỏi và được đoàn phim nghe lời vô điều kiện mới làm được điều đó, và số những đạo diễn này hiếm".
"Khi viết, truyện là của riêng mình. Khi được đọc, nó là câu chuyện giữa riêng mình và người đọc. Đó là mối quan hệ tôi nghĩ là đẹp đẽ nhất và luôn luôn ao ước".
"Người hiểu thiền luôn luôn ‘là mình’ ở mọi trạng thái, lúc uống rượu, đi mua rau, cãi nhau hay lơ mơ ngủ. Tôi thì chỉ thấy mình ‘là mình’ nhất lúc nằm lơ mơ, nghĩa là sắp được ngủ thôi. Còn lúc viết hay làm phim tôi thấy mình là oshin, dù rằng oshin cho ai thì tôi không biết".
- Người ta có thể kiệt sức với một cuốn sách hay một bộ phim vì sự rung động tận cùng mà tác giả đem lại không?
"Có chứ, tôi kiệt sức vì sách, thì gấp nó lại, kiệt sức vì phim, thì tắt máy để hôm khác xem tiếp, và chỉ xem một đoạn thôi. Dĩ nhiên tôi chỉ làm vậy khi cưỡng lại được sự hấp dẫn của sách hay phim mình đang xem thôi. Nếu khả năng rung động của mình không theo kịp những thứ mà tác giả dấy lên, thì tôi sẽ xem, hay đọc lại đôi ba lần".
***
4. Những cuộc trò chuyện loay hoay giữa các tiệm café vì chị Phượng rất bận, ngoài dự án làm phim "Nguyên tiêu" mà chị đang theo đuổi còn là cuốn sách "Mưa ở kiếp sau" và những công việc kinh doanh mà chị làm cùng gia đình ở Việt Nam. Chưa đủ tất cả để hiểu hết về chị Phượng, nhưng cố thêm một chút thì không nỡ, sợ giống một sự làm phiền. Tôi đành chờ đợi, một người bạn lớn, đầy khiêm nhường đến thế, giữa khoảng lặng ngơi nghỉ nào đó, sẽ điện thoại hẹn gặp, một giọng êm ả, nhẹ nhõm và những câu chuyện, lúc nào cũng nhẹ nhõm, nhưng ám ảnh khôn nguôi.